Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/2/2016

  • |
T5g.org.vn - “Mong các bệnh viện cạnh tranh bình đẳng”; Khuyến khích mô hình y tế hạch toán độc lập; Ngành Y tế: Đổi mới phục vụ, hội nhập và phát triển; Hành trình của những thầy thuốc trẻ

“Mong các bệnh viện cạnh tranh bình đẳng”

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nói như vậy với Tuổi Trẻ, về những cải tiến đang phát huy hiệu quả ở bệnh viện tuyến dưới. Bà Tiến cho biết:

- Thành lập hệ thống bệnh viện vệ tinh theo tôi là một giải pháp hữu hiệu, thiết thực, người dân được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao tại địa phương, còn cán bộ y tế được nâng tay nghề một cách trực tiếp trong thời gian nhanh nhất.

Từ đó người dân được chăm sóc sức khỏe, chất lượng điều trị được nâng lên. Trước đây nếu người dân ở tỉnh bị nhồi máu cơ tim, ở tỉnh không có điều kiện chữa trị nếu phải chuyển ra Hà Nội có người không cứu kịp, nhưng nay địa phương điều trị được, rất nhiều người được cứu sống. Hệ thống bệnh viện vệ tinh nay đã mở ra 45 bệnh viện ở 40 tỉnh thành.

* Từng có nghi ngờ và lo ngại về hiệu quả của bệnh viện vệ tinh, giờ đây không ít ý kiến công nhận hoạt động này có hiệu quả. Còn bà, bà nghĩ hiệu quả cụ thể nhất của hệ thống này là gì?

- Nhiều kỹ thuật mới, khó về can thiệp tim mạch, ghép tạng, mổ nội soi, cấp cứu nhi đã được chuyển giao. Trong khoảng 3 năm qua, 15 bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện của TP.HCM (bệnh viện hạt nhân) đã chuyển giao xấp xỉ 300 gói kỹ thuật mới, khó cho các bệnh viện vệ tinh.

Đến nay như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã cấp cứu điều trị được chấn thương sọ não, Thanh Hóa làm can thiệp tim mạch, Nhi Hải Phòng, Sản nhi Bắc Giang mổ được tim hở cho trẻ em, Sản nhi Quảng Ninh cứu được bé sơ sinh sinh non ở tuần thứ 26, nặng 700gr. Hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trước đây xuống cấp, nhìn rất chán, giờ đây thật sự là xanh - sạch - đẹp, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An làm ghép thận, điều trị ung thư...

Trước đây ở nhiều bệnh viện, bệnh nhân đến ngồi chờ ở ghế nhựa, phòng chờ nóng, ngồi chen chúc, giờ có ghế chờ như ghế ở phòng chờ sân bay.

Điều được nhất từ những hoạt động này là người bệnh được thụ hưởng kỹ thuật cao, giảm tử vong, giảm chi phí điều trị và người bệnh cũng đỡ vất vả khi phải di chuyển lên bệnh viện trung ương chữa bệnh.

Ở tuyến trung ương nhờ vậy cũng giảm được quá tải bệnh viện và quá tải giao thông.

* Gần đây khi thực hiện một khảo sát về độ hài lòng của người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ người bệnh đánh dấu vào ô chưa hài lòng còn tương đối nhiều. Như vậy bà có cho rằng những đổi mới dịch vụ y tế đã phát huy được hiệu quả?

- Những phản ảnh này cũng có phần đúng, có những nơi tốt hơn trước nhiều nhưng có những nơi còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian chờ còn lâu.

Chính tôi cũng từng đến một số bệnh viện để trực tiếp hỏi người bệnh, họ có kể những tiến bộ gần đây như chỗ ngồi chờ đã sạch và mát mẻ hơn, nhưng thời gian chờ vẫn còn lâu.

Chúng tôi đang đề nghị Bảo hiểm xã hội VN tiếp tục giảm bớt các thủ tục hành chính liên quan tới bảo hiểm y tế.

Còn với ngành y tế, chúng tôi đang có những đoàn đánh giá chỉ số hài lòng của người bệnh, các tiêu chí chuyên môn của bệnh viện và cũng ghi nhận không ít ý kiến cả tích cực và cả góp ý thêm cho ngành y tế về những bất cập.

* Sự tiến bộ của những bệnh viện tuyến dưới đang làm người dân thay đổi dần tư duy, không phải vừa bệnh đã phải lên tuyến trung ương chật chội, có khi phải nằm ghép. Nhưng về chất lượng dịch vụ, sự cạnh tranh này có giúp chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên?

- Cạnh tranh lành mạnh để người dân có thêm lựa chọn, và chính các bệnh viện đang tốt phải tốt thêm, đang kém phải đỡ kém đi.

Từ ngày 1-3 giá viện phí thay đổi và tiến tới sẽ theo hướng gần như đồng giá giữa các tuyến. Khi giá gần như nhau thì ở đâu tốt người ta sẽ đến, nếu không cứ giữ quy cách cũ thì bệnh viện không có ai đến khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó là đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ, cái này không thể hô hào được mà phải dựa trên thưởng phạt phân minh, nếu vi phạm quy chế bệnh viện thì sẽ giảm thu nhập.

Hơn 1 năm thực hiện đường dây nóng y tế, chúng tôi nhận thấy giai đoạn ban đầu người bệnh, người nhà gọi rất nhiều, nhiều người rất bức xúc về tinh thần, thái độ của nhân viên y tế.

Khi nghe lại ghi âm, tôi đã yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp này, không thể để một người thầy thuốc nói với người bệnh bằng những lời lẽ như vậy.

Gần đây lượng người gọi vào đường dây nóng đã giảm đi rất nhiều (Tuổi trẻ trang 9).

 

Khuyến khích mô hình y tế hạch toán độc lập

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ngày 27-2, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thanh Hóa hiện đang có đầy đủ điều kiện để trở thành một trung tâm y tế mạnh của khu vực. 

Hệ thống các bệnh viện công, bệnh viện tư của tỉnh đều đang phát triển tốt, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay các mô hình y tế của nước ta đang nảy sinh những bất cập cần phải điều chỉnh để phát huy được tối đa nguồn nhân lực ở các bệnh viện công.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cần phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện, triển khai một cách thận trọng và có lộ trình cụ thể.

Chính phủ khuyến khích việc tỉnh nghiên cứu xây dựng đề án và tiến hành làm thí điểm một mô hình y tế hạch toán hoàn toàn độc lập, đổi mới mạnh mẽ các dịch vụ công, đáp ứng thật tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Trong chuyến công tác tại Thanh Hóa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm, chúc mừng các cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, trạm y tế xã Cẩm Yên và Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy nhân Ngày thầy thuốc VN 27-2 (Tuổi trẻ trang 3).

 

Khởi công xây mới Bệnh viện Quân y 175 với 1.000 giường

Sáng 27-2, nhân kỉ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc VN 27-2, Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM (thuộc Bộ Quốc phòng) khởi công xây mới Bệnh viện Quân y 175 tại số 786 Nguyễn Kiệm, Gò Vấp. Tham dự lễ khởi công có ông Huỳnh Ngọc Sơn - phó chủ tịch Quốc hội, trung tướng Trần Đơn - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, cùng nhiều tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng và các cán bộ lãnh đạo đến từ nhiều cơ quan, đơn vị.

Theo thiếu tướng PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện Quân y 175, xây mới bệnh viện là khát khao mong muốn của nhiều thế hệ y bác sĩ của bệnh viện.

Tháng 5-2015 vừa qua, bệnh viện đã khởi công Viện Chấn thương chỉnh hình 500 giường có vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng và hôm nay khởi công bệnh viện 1.000 giường với vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng. Chỉ 5 năm nữa bệnh viện sẽ trở thành cụm quần thể bệnh viện 1.500 giường và nhanh chóng trở thành bệnh viện hạng đặc biệt. 

"Chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu làm việc hết sức mình để đưa bệnh viện trở thành trung tâm y học quân sự chính qui, uy tín phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sĩ trong quân đội và nhân dân một cách tốt nhất" - thiếu tướng Hồng Sơn nói.

Theo Bệnh viện Quân y 175, bệnh viện mới có diện tích đất sử dụng tổng thể gần 70.300m2, với tổng vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Bộ Quốc phòng.

Bệnh viện có qui mô 1.000 giường với hệ thống trang thiết bị đồng bộ và hiện đại trong chẩn đoán và điều trị nhằm xây dựng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm tải các bệnh viện trung ương và tuyến cuối tại TP.HCM (Tuổi trẻ trang 9).


Ngành Y tế: Đổi mới phục vụ, hội nhập và phát triển

Tối 27-2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức trọng thể chương trình kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) với chủ đề "Y tế Việt Nam: Đổi mới phục vụ, hội nhập và phát triển". Dự và phát biểu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những nỗ lực, cống hiến của ngành Y tế Việt Nam, trong đó có sự đóng góp tận tụy, khiêm nhường của mỗi cán bộ y tế. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu bật tầm quan trọng của công tác chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững, phát triển hệ thống y tế, bảo đảm mỗi người dân được cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất. Để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ khó khăn này, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó ngành Y tế và toàn thể đội ngũ thầy thuốc có trách nhiệm nặng nề nhưng hết sức vinh dự, vẻ vang. 

Chủ tịch nước mong rằng, ngành Y tế tiếp tục tập trung đổi mới đào tạo cán bộ y tế, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu đổi mới; đồng thời, đổi mới cơ chế tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người dân tham gia BHYT, ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất thuốc, vắc xin…

* Ngày 27-2, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đến thăm và chúc mừng Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Gửi lời chúc tốt đẹp đến đội ngũ giáo sư, bác sĩ, y sĩ, nhân viên BV Bạch Mai nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, 61 năm thành lập, trưởng thành, BV đã góp phần quan trọng vào bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ của ngành Y tế cả nước nói chung, Thủ đô nói riêng. 

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế cũng như các lĩnh vực y khoa chuyên sâu để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô và các địa phương. Trước mắt, năm 2016, thành phố sẽ mời các giáo sư, chuyên gia của Pháp hợp tác chuyển giao công nghệ ghép gan, kỹ thuật mổ nội soi đại tràng tại BV Xanh Pôn, dự kiến hoàn thành trong tháng 10-2016. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tập trung nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng BV Tim và BV Nhi; cùng với đó, rà soát lại mô hình và công tác quản lý y tế cấp huyện, xã, theo hướng tinh gọn, bảo đảm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ngay tuyến dưới, góp phần giảm tải và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn nhân lực địa phương. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung mong muốn, đội ngũ cán bộ, giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của BV Bạch Mai phát huy truyền thống hợp tác hiệu quả, cùng ngành y tế Thủ đô triển khai thực hiện thắng lợi những mục tiêu trên (Hà Nội mới trang 7).  

 

Hành trình của những thầy thuốc trẻ

Sau sáu năm kể từ ngày thành lập 28-6-2009, biểu trưng cánh chim nhân ái trên bầu trời xanh đầy khát vọng tuổi trẻ của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (TTTVN) đã bay tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Từ những đợt ra quân của Hội, hằng năm, hàng triệu người dân tại các huyện nghèo đã được khám bệnh, cấp phát thuốc; hàng nghìn người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được mổ mắt, phẫu thuật dị tật bẩm sinh miễn phí.

Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam quyết định hiện thực hóa ý tưởng thành lập một tổ chức phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thầy thuốc trẻ (TTT), tạo môi trường để các TTT có bản lĩnh, hoài bão, năng lực và trình độ rèn luyện, cống hiến, đảm nhận và hoàn thành tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Năm 1994, Hội LHTN Việt Nam quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội TTT Việt Nam - tiền thân của Hội TTT Việt Nam ngày nay. Trải qua gần một thập kỷ, đến năm 2008, Bộ Y tế có quyết định bảo trợ Ban vận động thành lập Hội TTTVN với 18 thành viên, do đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam làm Trưởng ban.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, hiện là Vụ trưởng Tôn giáo (Ban Dân vận T.Ư) cho biết: những ngày đầu lên ý tưởng, các thành viên dự định lấy tên là “Ban vận động thành lập Hội Y bác sĩ trẻ Việt Nam”. Tuy nhiên, nhận thấy tên gọi này chưa bao trùm được hết lực lượng y, bác sĩ trẻ ở các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật viên… nên đề nghị đổi thành “Ban vận động thành lập Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam” và được tán thành. “Khi mới thành lập Ban vận động, ngoài việc thiếu chất liệu cụ thể về các hoạt động ở cơ sở và nguồn kinh phí để thành lập một tổ chức Hội có phạm vi toàn quốc, cái khó nhất là làm sao xây dựng một hình ảnh có sức lan tỏa về những y, bác sĩ trẻ hết lòng vì nhân dân”, đồng chí Lộc nhớ lại.

Đối mặt với những khó khăn này, các thành viên Ban vận động chuyển hướng sang các giải pháp mới. Trong năm 2009, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và Ban vận động đã tổ chức bình chọn mười “Bệnh viện thân thiện, vì sức khỏe cộng đồng”; xét chọn và tuyên dương TTTVN tiêu biểu lần thứ hai; khám chữa bệnh cho hơn 400 người thuộc gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh và thanh thiếu nhi hoàn cảnh khó khăn tại huyện Đan Phượng (Hà Nội); người dân tại hai tỉnh Điện Biên, Khánh Hòa; hơn một nghìn trẻ em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam tại các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn… “Ở thời điểm đó, mô hình bệnh viện thân thiện là một điều gì đó xa lạ đối với người bệnh. Thế nhưng, càng đi sâu vào công tác nhân rộng các điển hình bệnh viện, tuyên dương gương y, bác sĩ trẻ… chúng tôi càng nhận ra đây là hướng đi đúng”, đồng chí Nguyễn Phước Lộc cho biết.
Cách làm này đã nhanh chóng tạo nên hình tượng người TTT xung kích, tình nguyện với tầm ảnh hưởng rộng khắp. Nhận được sự ủng hộ từ Bộ Y tế và được Bộ Nội vụ chấp thuận, cuối năm 2009, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội TTTVN lần thứ nhất diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; đoàn viên, thanh niên cả nước thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, Đại hội Hội LHTN Việt Nam lần thứ V. Với khẩu hiệu hành động “Thầy thuốc trẻ Việt Nam nâng tầm y đức và năng lực chuyên môn; Đoàn kết, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, Đại hội đánh dấu thành công to lớn, kết quả từ những cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ y, bác sĩ nhiệt huyết, hăng say cống hiến tuổi trẻ vì cộng đồng.
Ngay sau khi thành lập, T.Ư Hội TTTVN đã phát động “Hành trình Nhân ái Vì sức khỏe cộng đồng” trên toàn quốc, trong đó chú trọng 62 huyện nghèo nhất cả nước. Năm 2010, lực lượng TTT cả nước đã khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho khoảng 170 nghìn người dân nghèo, với tổng kinh phí hỗ trợ lên tới hàng chục tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, Hội TTT tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn tổ chức nhiều đợt khám, cấp phát thuốc miễn phí cho hàng chục nghìn người dân tại hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Năm 2011, hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” với sự tham gia của 3.560 TTT từ khắp mọi miền Tổ quốc đã tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho hơn 68 nghìn người dân, mổ mắt miễn phí cho một nghìn người già, tiếp nhận 12 nghìn đơn vị máu; tập huấn cho 2.500 giáo viên mầm non, tiểu học về sơ cấp cứu cơ bản, tặng trang thiết bị cho mười trạm y tế khó khăn tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, tủ thuốc cho chiến sĩ Trường Sa…

Tại Đại hội lần thứ III của Hội TTTVN, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã khẳng định: “Ở hoàn cảnh còn nhiều đồng bào vùng sâu vùng xa chưa được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, những hoạt động của cấp bộ Hội TTTVN đã đem lại hiệu quả nổi bật, có sức lan tỏa mạnh mẽ và ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, đặc biệt”. Với ba chương trình được phát động tại Đại hội gồm “Thầy thuốc trẻ học tập, rèn luyện, nâng cao y đức”, “Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học” và “Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng”, Hội TTTVN đặt mục tiêu xây dựng Hội vững mạnh, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp TTT; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TTT; cổ vũ TTT xây hoài bão lớn, thi đua rèn đức, luyện tài, lập thân, lập nghiệp, cống hiến tài năng và sức trẻ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân (Nhân dân trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang