Kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Tối 27- 2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam với chủ đề “Y tế Việt Nam - Đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; tôn vinh 134 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, sáu cá nhân thuộc ngành y tế được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự, có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, theo dòng chảy lịch sử cách mạng Việt Nam, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các thế hệ thầy thuốc và nhân viên y tế trên mọi miền đất nước đã tận tụy cống hiến, để chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân; dập tắt kịp thời nhiều vụ dịch nguy hiểm; xây dựng tổ chức mạng lưới y tế rộng khắp, ở đâu có người dân, ở đó có đội ngũ thầy thuốc. Với quan điểm "đổi mới và hoàn thiện hệ thống theo hướng công bằng - hiệu quả - phát triển", ngành y tế sẽ không ngừng củng cố, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận và tiếp nhận các dịch vụ y tế có chất lượng, chủ động phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh ngay tại cộng đồng, xứng đáng niềm tin cậy mà nhân dân gửi gắm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó. Cả ngành y tế quyết tâm đổi mới, xây dựng nền y học Việt Nam hiện đại, vì dân, theo nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi đến đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Đồng thời ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu, cống hiến thầm lặng nhưng hết sức to lớn và những kết quả đáng ghi nhận của ngành y tế, của đội ngũ thầy thuốc trong những năm qua. Chủ tịch nước khẳng định, suốt chặng đường 62 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu, không quản gian khổ, hy sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Chủ tịch nước đề nghị, ngành Y tế tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển; tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao; triển khai mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm; kịp thời dự báo, có biện pháp ngăn ngừa những tác động tiêu cực do thay đổi môi trường và điều kiện lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế... Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ y sinh học; phát triển mạnh công nghiệp dược, nâng cao năng lực sản xuất thuốc, vắc-xin trong nước; kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, quân y và dân y trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân…
Đặc biệt, mỗi thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế cần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của ngành, nỗ lực học tập, nghiên cứu, nắm bắt những kiến thức mới, hiện đại của y học thế giới và tinh hoa của y học cổ truyền, không ngừng nâng cao trình độ y lý, y thuật, y đức, ý thức trách nhiệm và sự hết lòng vì người bệnh.
Khẳng định công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, trong đó, ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật, Chủ tịch nước đề nghị, các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng ngành Y tế theo hướng “công bằng - hiệu quả - phát triển”. (Nhân dân trang 3, Công an nhân dân trang 1, Lao động trang 2, Thanh niên trang 2, Sài gòn giải phóng trang 1).
Tôn vinh 134 Thầy thuốc Nhân dân và 1.654 Thầy thuốc ưu tú
Tối nay 27-2, Bộ Y tế sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhằm biểu dương những nỗ lực tích cực của ngành trong việc thực hiện đổi mới hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Buổi lễ cũng đồng thời tôn vinh 134 thầy thuốc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, 6 cá nhân thuộc ngành y tế được phong tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, 1.654 Thầy thuốc được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” và nhiều thầy thuốc xuất sắc đang công tác trong các lĩnh vực khác nhau của ngành y tế.
Xen kẽ trong chương trình là những phóng sự cảm động về những người thầy thuốc hết lòng cứu chữa bệnh nhân, không ít người trong số đó đã mạo hiểm cả tính mạng và bất chấp những rủi ro ảnh hưởng tới tương lai nghề nghiệp của mình, hay có những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của đội ngũ làm công tác y tế dự phòng…
Theo Bộ Y tế, sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, ngành y tế đang có những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới toàn diện hướng tới sự hài lòng của người bệnh, bao gồm: đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ; đổi mới công tác đào tạo, sử dụng cán bộ; công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân và cộng đồng....
Hiện tại, ngành đang tiếp tục xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật y học tiên tiến, các kinh nghiệm quý báu của y học cổ truyền; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để đẩy mạnh phát triển hơn nữa trong mọi lĩnh vực. (An ninh thủ đô trang 2, Hà nội mới trang 2).
Bệnh viện K có nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân
Chiều 27- 2, Bệnh viện K tổ chức kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam, vinh danh các thầy thuốc tiêu biểu và khánh thành đưa vào sử dụng công trình nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân tại cơ sở Tân Triều.
Tòa nhà lưu trú được xây dựng theo hình thức lắp ghép, trong đó quy mô giai đoạn một là 240 giường cho người nhà bệnh nhân và bệnh nhân điều trị ngoại trú. Công trình này do Bệnh viện K kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa và được Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam tài trợ với kinh phí gần ba tỷ đồng.
Việc đưa khu nhà lưu trú là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng người nhà bệnh nhân phải nằm, ngồi nhếch nhác trên các hành lang khoa phòng trong khuôn viện Bệnh viện K. Đồng thời cũng là nơi lưu trú cho những người bệnh điều trị ngoại trú có chỗ nghỉ ngơi, thuận tiện hơn trong quá trình điều trị bệnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá việc đưa vào sử dụng công trình tòa nhà lưu trú tại Bệnh viện K không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tế của người nhà bệnh nhân mà còn giúp cho họ đỡ vất vả khi chờ người thân điều trị. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực của bệnh viện K trong việc kiên quyết khắc phục những tồn tại để quyết tâm hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Y tế cũng bày tỏ lòng cảm ơn đến nhà tài trợ đã chung tay cùng Bệnh viện K, chia sẻ với ngành y tế trong hành trình quyết tâm đổi mới vì người bệnh, đặt quyền lợi của người bệnh lên trên. Bộ trưởng cũng mong muốn các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trong cả nước chung tay cùng ngành y tế để hỗ trợ các bệnh viện xây nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân.
Được biết, trong một tháng đầu mọi người bệnh và người nhà sẽ được ở miễn phí. Sau đó, sẽ thu phí, nhưng ở mức thấp, chỉ đủ chi trả điệu, nước, vệ sinh cho chính khu nhà.
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trong thời gian qua, bệnh viện đã đưa ra và thực hiện ngay 11 giải pháp trước mắt và 4 giải pháp lâu dài nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân đến khám và điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Các giải pháp đó là tập huấn cho tất cả cán bộ, nhân viên trong bệnh viện về đổi mới phong cách thái độ để hướng tới sự hài lòng của người bệnh; ký cam kết lại về đổi mới phong cách giữa Giám đốc bệnh viện, chủ tịch công đoàn với các trưởng khoa.
Trưởng các khoa tăng cường công tác quản lý, giám sát, điều chỉnh công việc phù hợp với tình trạng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh; tổ chức lại, sắp xếp việc điều trị bệnh nhân của của các khoa nội, đảm bảo tiêu chuẩn không để nằm ghép đối với các bệnh nhân điều trị nội trú. Tại các khoa kê thêm giường trên cơ sở thu hẹp diện tích làm việc của cán bộ y tế, mỗi khoa nội thành lập mới phòng điều trị ngoại trú tại khu vực sảnh chờ của bệnh nhân, kê thêm mỗi khoa 20 ghế truyền cho các bệnh nhân đến điều trị.
Bệnh viện cũng tiến hành hẹn bệnh nhân đến điều trị theo giờ trong cả ngày, chia bệnh nhân điều trị theo nhiều ca sáng – chiều để tăng lượt điều trị cho bệnh nhân trong ngày, giảm số bệnh nhân tập trung cùng thời điểm gây quá tải tại các Khoa Nội. Đối với Khoa khám bệnh tổ chức khám bệnh sớm từ 7h30, tăng phòng khám bệnh và phòng lấy máu xét nghiệm để giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây, Bệnh viện K cũng tích cực triển khai các kỹ thuật mới, tiên tiến trong điều trị cho người bệnh, như Dẫn lưu đường mật trong ngoài gan bằng máy chụp mạch và siêu âm; Diệt khối u bằng sóng cao tần và bơm xi-măng sinh học để giảm đau cho bệnh nhân; đưa phẫu thuật nội soi tuyến giáp vào thường quy.
Với việc áp dụng nhiều kỹ thuật cao trong điều trị bệnh không chỉ giúp người bệnh tăng thêm cơ hội thoát khỏi bệnh tật, mà còn giúp trả người bệnh về với cuộc sống bình thường. Đây không chỉ là niềm vui của người bệnh và gia đình, mà còn là một thành tích của các y, bác sĩ Bệnh viện K báo công chào mừng ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2). (Nhân dân trang 5)
Ra mắt Kênh phát thanh Sức khỏe và An toàn thực phẩm
Chiều ngày 27-2, Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV FM89 chính thức phát sóng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự lễ công bố phát sóng và ấn nút khởi động phát sóng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức để từng người dân, tổ chức hiểu được trách nhiệm, cách thức sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng sản phẩm an toàn là vô cùng quan trọng. Với ý nghĩa đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm đã giao trách nhiệm cho các cơ quan truyền thông tổ chức các kênh, chương trình chuyên về an toàn thực phẩm, góp phần giải quyết những bất cập, bức xúc trong xã hội về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Thủ tướng hoan nghênh Đài Tiếng nói Việt Nam đã cho ra đời kênh phát thanh Sức khỏe và An toàn thực phẩm với phương châm hành động: “Tận tâm vì sức khỏe người Việt”. Theo Phó Thủ tướng, đây không chỉ là phương châm của Đài Tiếng nói Việt Nam mà còn là tinh thần của lực lượng báo chí Việt Nam nói chung, luôn khắc phục khó khăn, thâm nhập thực tiễn vì mục tiêu sức khỏe của người dân. Tận tâm đi liền với dũng cảm, đòi hỏi nhà báo phải đối mặt với những hiểm nguy để phản ánh những bất cập. Ngoài ra, các nhà báo còn sáng tạo trong tổ chức thực hiện, sử dụng những phương tiện truyền thông mới, tương tác với thính giả để phổ biến sâu rộng kiến thức chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm đến người dân, hơn thế lay động mọi người cùng chung tay hành động bảo vệ sức khỏe và an toàn thực phẩm cho nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm ra mắt đúng ngày Thầy thuốc Việt Nam như một cách tri ân đối với những người thầy thuốc luôn hết lòng chăm sóc sức khỏe người dân trong cả nước. Đây là kênh phát thanh chuyên biệt về các vấn đề liên quan tới chăm sóc sức khỏe, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, tận dụng nguồn lực của xã hội để sản xuất. Trong thời gian tới, nếu hiệu quả, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tiếp tục mở thêm một vài kênh chuyên biệt với những nội dung thiết thực để tuyên truyền hiệu quả đến người dân.
Kênh VOV Sức khỏe và An toàn thực phẩm được phát sóng trên một tần số thống nhất trong cả nước (FM89 MHz). Trước mắt, kênh phát sóng ở bốn thành phố lớn: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng. Với thời lượng 17 tiếng mỗi ngày, từ 6 - 23 giờ, các chương trình trên VOV Sức khỏe và An toàn thực phẩm được thiết kế phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức thể hiện, đặc biệt thiết thực trong bối cảnh người dân ngày càng quan tâm nhiều đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, an toàn thực phẩm.
VOV Sức khỏe và An toàn thực phẩm luôn đặt thính giả vào vị trí trung tâm. Không chỉ nghe đài, họ còn là người cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp và là người sáng tạo các nội dung của kênh. Dựa trên nền tảng kỹ thuật của công nghệ IP, Kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm đưa ra nhiều sự lựa chọn cho thính giả để đồng hành cùng những người sản xuất chương trình. Từ nghe radio truyền thống đến kết nối website của kênh (vovfm89.vn), gọi điện thoại đường dây nóng (0944458989), qua email (fm89@vovfm89.vn) hay cài đặt các ứng dụng miễn phí trên điện thoại thông minh với các ứng dụng tư vấn khám chữa bệnh online, ứng dụng giải trí và truyền thông tin qua vovphongvien24. (Nhân dân trang 1, Công an nhân dân trang 2, Lao động trang 2)
KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27-2: Bác sĩ săn tìm bệnh nhân trên Facebook để… mổ miễn phí
BS Nguyễn Xuân Anh quan niệm: “Một khi bệnh nhân đã tìm đến với mình, mình có thể làm được trong khả năng chuyên môn thì không nên bỏ cuộc chỉ vì thiếu tiền”.
Tại nhà giữ xe Bệnh viện (BV) Sài Gòn ITO vào một ngày gần cuối tuần, bà Tuyết Châu ôm chặt một hộp quà vuông, gói giấy cẩn thận. Vừa đi về hướng các lầu BV, bà vừa hỏi bảo vệ: “Hôm nay bác sĩ (BS) Xuân Anh vẫn khám ở tầng hai hay khám ở tầng nào, chú ơi?”. Trước đây bà Châu mắc bệnh nặng, nằm một chỗ trong thời gian dài.
“Nhờ ổng, tôi ngồi dậy được rồi”
Đến khi gặp BS Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình, BV Sài Gòn ITO, bà Tuyết Châu như gặp được ân nhân đời mình. “BS chữa cho tôi tận tình, nói chuyện nhẹ nhàng, hướng dẫn tỉ mỉ từng chút một. Mấy nay tôi ngồi được, đi được nên tranh thủ mua bức tranh về thêu. Ba tháng hơn tôi thêu mới xong, nay mang lên cảm ơn BS, của ít lòng nhiều” - bà Tuyết Châu chia sẻ.
Phòng làm việc của BS Xuân Anh, ngoài tranh ảnh hay những món quà xinh xinh của bệnh nhân còn thường nhận được tấm lòng bình dân của bà con đến khám tại đây, có khi đơn sơ là chục trứng, con gà.
Tốt nghiệp ĐH Y Dược năm 1998, BS Nguyễn Xuân Anh xin đến học việc tại khoa Cấp cứu, BV Chấn thương Chỉnh hình. Tại đây, anh thường xuyên phải chứng kiến cảnh bệnh nhân bị dập nát tay chân, phải cắt cụt mà không còn cách nào cứu giúp. Anh chủ động xin học vi phẫu, nghiên cứu các kiến thức vi phẫu, nối mạch máu… “Lúc đó BS mổ vi phẫu ít nên có quãng thời gian tôi đứng bàn mổ mỗi ngày gần 12 tiếng, từ sáng đến tối mịt mới ra ngoài. Riết rồi kinh nghiệm dày lên, tôi chuyển công việc đến nhiều BV, phòng khám khác để nâng cao tay nghề, tích lũy thêm kiến thức vi phẫu” - BS Xuân Anh kể.
Từ việc cố gắng học vi phẫu, tiến đến một môi trường làm việc chuẩn quốc tế nhưng sau đó BS Xuân Anh lại chuyển về làm hợp đồng cho các BV, phòng khám khác. “Đa phần bệnh nhân đến với tôi khi tôi còn làm BV lớn chủ yếu thuộc tầng lớp khá giả, có điều kiện. Trong khi đó, bên ngoài có rất nhiều người bệnh tật hoàn cảnh khó khăn cần mình giúp. Vì thế tôi tìm BV khác để có thể tiếp cận, giúp đỡ nhiều đối tượng bệnh nhân hơn” - BS Xuân Anh cho biết.
Bỏ tiền túi mổ miễn phí cho bệnh nhân
Tận dụng sức mạnh từ mạng xã hội Facebook, vị BS này thường xuyên chia sẻ những trường hợp tiểu phẫu, những ca phẫu thuật khó được thực hiện thành công.
Gia đình chị Phạm Thị Loan (ngụ Bình Thuận) vẫn chưa thể nào quên cảm giác hạnh phúc của cô con gái nhỏ Bùi Hà Minh Anh cách đây gần một năm. Bé Minh Anh mắc hội chứng Aperts hiếm gặp, hai bàn tay dính chùm cả năm ngón. Từ việc học tập đến sinh hoạt Minh Anh đều gặp khó khăn do không thể cầm nắm. Nhìn thấy con gái mình tự ti với bạn bè, chị Loan quyết đưa con vào TP.HCM với mong muốn tìm được cách cứu chữa cho con. Thế mà sau khi được BS Xuân Anh chẩn đoán bệnh và cho lời khuyên cần phẫu thuật sớm, chị Loan gạt nước mắt đưa con về, biệt tích không quay lại tái khám vì số tiền phẫu thuật quá lớn.
Chờ mãi không thấy bệnh nhân, biết được nguyên nhân do hoàn cảnh gia đình chị Loan quá khó khăn, BS Xuân Anh đã lên mạng xã hội nhờ cộng đồng mạng tìm cháu bé, hứa mọi chi phí sẽ được BS lo. Chưa đầy hai giờ, phép màu Facebook đã kết nối BS Xuân Anh với gia đình chị Loan. Và gần một năm sau, cô bé Minh Anh đã có thể cầm bút viết chữ.
Nhiều trường hợp bệnh nhân khác phải mổ nhưng không có tiền, BS Xuân Anh đều trích tiền túi ra giúp hoặc nhờ đến bạn bè, mạnh thường quân trên Facebook cùng chung tay. “Thực ra tôi quan niệm giúp được tới đâu tôi cứ giúp, trừ trường hợp nào bệnh nhân cần số tiền rất lớn, tôi mới phải nhờ giúp đỡ từ bạn bè. Đi xin tiền cũng ngại lắm nên tôi rất cân nhắc và hạn chế” - BS Xuân Anh bộc bạch.
Tận dụng “5 năm vàng” giúp người nghèo
Sau 10 năm phẫu thuật nối năm đoạn tay bị đứt khúc, chị Ngô Thị Mỹ Anh luôn nhớ hình ảnh người BS trẻ 10 năm trước đã tỉ mỉ từng mũi chỉ, mang đến cánh tay lành lặn ngày nay cho chị. Ngày chị bị máy cán nhôm cắt nát tay thành năm khúc, BV đã có chỉ định cắt toàn bộ phần tay dập nát. Tâm tư một cô gái sắp ra mắt nhà chồng chạm đến BS Xuân Anh. “Khi nghe cô gái kể về hoàn cảnh và mơ ước của mình, tôi đã quyết định khâu nối năm khúc tay bằng toàn bộ khả năng mình có thể. Hôm đó, tôi đứng bên bàn mổ từ tối đến lúc mặt trời mọc mới xong, hơn 12 tiếng, có đoạn tôi xây xẩm do bị hạ đường huyết, phải nằm tạm xuống ngay tại phòng mổ, uống chút sữa mới dậy phẫu thuật tiếp được. Công sức của tôi ngày hôm đó đến nay đã đơm hoa kết trái. Cô gái trẻ giờ đã có hai đứa con, hạnh phúc với gia đình. Vậy là quá đủ cho tôi và các đồng nghiệp” - BS Xuân Anh chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
“Cái nghề vi phẫu nó tỉ lệ nghịch với tuổi tác bởi càng lớn mắt BS càng mờ, tay càng run. Cho nên tôi muốn tận dụng năm năm tới, khi tay vẫn còn dẻo dai, khéo léo mà làm đẹp cho bàn tay, bàn chân bệnh nhân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, cần mình giúp đỡ” - BS Xuân Anh tâm sự. (Pháp luật TP.Hồ Chí Minh ngày 27.2, trang 1).
Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý đơn thuốc
Việc kê đơn thuốc điều trị một mặt đòi hỏi phải đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, đạt hiệu quả điều trị, mặt khác còn phải hợp lý với khả năng kinh tế của từng người bệnh.
Truy xuất đơn thuốc bất hợp lý
Trong khám, chữa bệnh ngoài việc bác sĩ (BS) khám, chẩn đoán đúng thì kê đơn thuốc là khâu rất quan trọng có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh hay không, khỏi bệnh nhanh hay chậm, tốn kém nhiều hay ít.
Do vậy, để tránh nhầm lẫn thuốc, kê thuốc sai, không hợp lý, đặc biệt là thuốc kháng sinh đắt tiền, những năm qua nhiều bệnh viện (BV) của TP.HCM thực hiện kiểm soát việc sử dụng thuốc cho người bệnh.
Tiên phong trong lĩnh vực giám sát kê đơn thuốc có thể nói đến là BV Nhi đồng 1, đã làm từ rất lâu. Lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết trước đây đơn thuốc do BS viết tay và quy trình giám sát kê đơn được BV thực hiện mỗi tuần 1 lần.
Theo định kỳ, BV sẽ cử một BS và một dược sĩ giám sát, ghi nhận bệnh nhân đến mua thuốc tại nhà thuốc BV sau khi khám và chụp lại những đơn thuốc có dấu hiệu “bất thường”. Đơn thuốc đó sẽ được nhập vào máy tính và báo cáo cho lãnh đạo BV để đưa ra bình đơn thuốc. Nhưng nỗ lực này cũng làm không xuể vì BV có hàng ngàn đơn thuốc mỗi ngày mà chỉ kiểm tra được 100 đơn/ngày là quá ít.
Từ năm 2006 BV đã triển khai kê đơn thuốc trên máy tính. Đến năm 2011 BV đã xây dựng và hoàn chỉnh phần mềm chương trình giám sát trực tiếp đơn thuốc qua hệ thống mạng máy tính nội bộ và BV dễ dàng quản lý khoảng 5.000 - 6.000 đơn thuốc được kê tại khoa khám bệnh/ngày.
Theo chương trình này, ngay sau khi BS kê đơn thì dữ liệu đơn thuốc lập tức sẽ chuyển về hệ thống máy chủ trung tâm của BV. Máy chủ có thể truy xuất ngay tức thời dữ liệu các đơn thuốc. Lãnh đạo BV có thể theo dõi trực tuyến đơn thuốc của từng phòng khám, từ đó phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, nếu có.
Bên cạnh đó, lãnh đạo BV còn theo dõi trực tuyến một số chỉ số chất lượng như số lượng thuốc trung bình trên mỗi đơn thuốc; chi phí trung bình trên mỗi đơn thuốc; tỷ lệ đơn thuốc có kê vitamin, kháng sinh; những loại thuốc có số lượng sử dụng nhiều nhất, chi phí nhiều nhất...
BV sẽ tiến đến kê đơn thuốc Real-time bằng hình thức báo động qua thư điện tử (email). Nếu hệ thống phát hiện có toa thuốc bất thường sẽ tự báo động về email người quản lý, không phải mất nhân sự giám sát trực tuyến.
Làm lợi cho bệnh nhân hàng chục tỉ đồng
Lâu nay việc sử dụng kháng sinh kéo dài, lạm dụng... đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc. Đó là lo ngại của các BS, BV và của cả cộng đồng. Chính vì vậy từ năm 2015, BV Nhân dân Gia định TP.HCM đã thiết lập, triển khai chương trình quản lý, sử dụng thuốc kháng sinh bằng công nghệ thông tin.
Với việc giám sát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh từ phác đồ, danh mục đến kê đơn thì người bệnh đã được sử dụng kháng sinh đúng ngay từ khi vào BV, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị và giảm tỷ lệ tử vong.
Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh của các khoa lâm sàng tại BV Nhân dân Gia Định, đặc biệt Khoa Ngoại thần kinh tăng mạnh từ 11% năm 2015 lên 65% năm 2016.
Còn với một BV đa khoa hạng đặc biệt như BV Chợ Rẫy chuyên điều trị những ca bệnh “đặc biệt” nặng thì lượng thuốc sử dụng mỗi ngày, đặc biệt là thuốc kháng sinh mắc tiền là rất lớn. Đây không chỉ là kinh tế y tế mà còn là vấn đề phòng chống đề kháng thuốc kháng sinh cho cộng đồng của BV này.
Từ tháng 1.2014 - 6.2016, chương trình Giám sát sử dụng kháng sinh của BV Chợ Rẫy được khởi động và phủ toàn bộ các khoa lâm sàng. Hiệu quả cho thấy tình trạng đề kháng kháng sinh tại BV giảm; số lượng kháng sinh sử dụng trong BV giảm.
Cụ thể, tỷ lệ sử dụng kháng sinh năm 2015 chỉ bằng 64% so với năm 2014 và 68% so với năm 2013. Một điều có ý nghĩa nữa là năm 2015 tiền chi cho thuốc kháng sinh của người bệnh điều trị tại BV này giảm đến 46 tỉ đồng so với năm 2014. (Thanh niên trang 8).