Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/2/2019

  • |
T5g.org.vn - Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: Lý giải “hiện tượng lạ” tại Bệnh viện Quận Thủ Đức; Đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho tương lai; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe ...

 

Thủ tướng phát động chương trình Sức khoẻ Việt Nam

Hưởng ứng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Bộ Y tế chính thức phát động một chương trình Sức khỏe Việt Nam trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát động chương trình. Sự kiện sẽ được kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Đây là một chương trình tổng thể được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội cùng xây dựng môi trường hỗ trợ, huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Trong khuôn khổ lễ phát động sáng nay sẽ có nhiều hoạt động ý nghĩa: màn tập thể dục nâng cao thể lực đang được phát trực tuyến tới 700 điểm cầu; tư vấn khám sức khỏe, đo huyết áp tối thiểu 6 tháng/lần, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm đường máu... ; diễu hành cổ động toàn dân tham gia hưởng ứng chương trình, tuyên truyền cho người dân quan tâm phát hiện sớm bệnh tật.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng tham gia lấy máu, đo huyết áp tại lễ phát động Chương trình Sức khoẻ việt Nam sáng 27/2

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng tham gia lấy máu, đo huyết áp tại lễ phát động Chương trình Sức khoẻ việt Nam sáng 27/2

Phát biểu tại chương trình sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là một sự kiện ý nghĩa; cũng là dịp để tiếp tục tôn vinh, tri ân những người được giao trọng trách bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

"Sức khoẻ là vốn quý của mỗi người dân và toàn xã hội" - Thủ tướng nhấn mạnh và dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mỗi một người dân yếu ớt tức làm cho cả nước yếu ớt. Mỗi người dân mạnh khoẻ tức là góp phần cho cả nước mạnh khoẻ, dân cường, nước thịnh... Muốn giữ gìn sức khoẻ, phát triển tầm vóc, cần phải đồng thời thực hiện 3 yêu cầu: Vệ sinh phòng bệnh - Ăn uống điều độ - Đảm bảo dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên".

Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là tăng tuổi thọ, thực hiện thành công nhiều mục tiêu thiên niên kỷ. Đánh giá của các tổ chức y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám chữa bệnh.. của Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ kinh tế...

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực và chúc mừng thành tựu ngành Y tế đạt được nhất là trong năm 2018.

"Sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân không ngừng tiến bộ, đạt nhiều kết quả nhưng còn nhiều bất cập, khó khăn, thách thức mới" - Thủ tướng nói. Mặt trái của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, toàn cầu hoá, già hoá dân số, biến đổi khí hậu... đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Các yếu tố về hành vi lối sống gia tăng nguy cơ mắc bệnh, khiến tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, COPD, những căn bệnh này chiếm hơn 70% số tử vong hàng năm.

Trong khi đó, việc phòng chống yếu tố gây bệnh, phát hiện sớm, quản lý, chăm sóc điều trị ở y tế cơ sở... vẫn chưa được chú trọng. Dù tuổi thọ người Việt Nam cao nhưng trung bình có 10 năm phải chung sống với bệnh tật làm giảm chất lượng sống; tầm vóc thể lực của người Việt chưa cải thiện nhiều trong những năm qua. Chiều cao trung bình của người Việt chỉ đạt 164,5cm (nam) và 153cm (nữ) sau 25 năm mới tăng được 3cm.

Chương trình sức khoẻ Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào tháng 9/2018. Để thực hiện, Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm:

(1) Nâng cao nhận thức, đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân với công tác chăm sóc sức khoẻ; Vận động, hướng dẫn người dân có kiến thức, tự chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng; Tuyên truyền các hành vi lối sống có lợi cho sức khoẻ, tạo phong trào, trở thành thói quen, nét sống văn hoá trong cộng đồng, dân cư

(2) Cùng làm tốt y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cần cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu cho người dân, đặc biệt là y tế cơ sở, để người dân được kiểm tra sức khoẻ định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị liên tục tại nơi sinh sống nhất là người mắc bệnh mãn tính và người cao tuổi. Người dân cần được chăm sóc, quản lý sức khoẻ ngay từ trong bụng mẹ.

(3) Thực hiện đồng bộ giải pháp giảm các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khoẻ, trong đó chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, giảm đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn..., cải thiện môi trường sống như đất, nước, không khí, rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh, sóng điện tử. Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước ở trẻ em;

(4) Khuyến khích tổ chức sản xuất kinh doanh cung cấp thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng cho từng lứa tuổi... Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, nhất là trẻ thấp còi.

(5) Phát triển thể dục thể thao, tăng cường rèn luyện thân thể trước hết trong ngành giáo dục, đẩy mạnh giáo dục thể chất trong nhà trường, cơ quan, xí nghiệp, toàn xã hội... Tạo điều kiện cho toàn dân tiếp cận các công cộng, cơ sở luyện tập...

"Hãy bắt đầu ngay từ thực hiện, duy trì hành vi, lối sống lành mạnh, có lợi cho sức khoẻ, để tự bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng; thường xuyên đi kiểm tra sức khoẻ, thực hiện đúng lời dặn của bác sĩ; có chế độ ăn, đảm bảo dinh dưỡng, giảm muối, tăng rau xanh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Điều quan trọng là thường xuyên vận động, rèn luyện thể dục" - Thủ tướng kêu gọi. (Gia đình & Xã hội, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Kỷ niệm Ngay Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2019): Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân thường xuyên rèn luyện thể dục”; Báo Lao động, trang 1: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Kêu gọi người dân ăn giảm muối, tăng rau xanh, chăm tập thể dục”

 

Đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho tương lai

Mặc dù nhiều chỉ số chăm sóc sức khỏe của người Việt đã có cải thiện, song vẫn phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong, nhất là với bệnh không lây nhiễm. Chương trình Sức khỏe Việt Nam đã đưa ra hàng loạt giải pháp về dinh dưỡng, vận động thể lực, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng, chống tác hại thuốc lá… với mục tiêu đầu tư cho sức khỏe là đầu tư cho tương lai, từng bước nâng thể lực và tầm vóc người Việt Nam.

 Lười vận động, dinh dưỡng thiếu hợp lý

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như: Tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám, chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế.

Thế nhưng, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng về gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Theo Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), xu hướng bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm do thói quen lười vận động, ăn ít rau, ăn nhiều muối, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia...

Kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện cho thấy, có đến 57,2% số người trưởng thành (từ 18 tuổi đến 69 tuổi) ăn ít rau, trái cây. Mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt Nam cũng cao gấp 2 lần mức khuyến nghị của WHO (5g muối/ngày). Và có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực… Ngoài ra, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ ba châu Á.

Còn theo thông báo từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam đang lọt vào tốp 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Ngoài ra, chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp đứng thứ 3 châu Á, xếp gần áp chót trong khu vực ASEAN. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn. Chiều cao trung bình của nam thanh niên nước ta hiện là 164,4cm, thấp hơn 8cm so với Nhật và 10cm so với Hàn Quốc. Nữ 153,4cm, thấp hơn chuẩn chung hơn 10cm. Trong 30 năm qua, chiều cao của người Việt có tăng nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm khoảng 1cm.

Bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng, việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền chỉ chiếm 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%. Chính chế độ dinh dưỡng và cách tập thể dục thể thao chưa hợp lý khiến người Việt Nam gặp trở ngại lớn trong việc phát triển chiều cao, thể lực và sức bền.

Anh Nguyễn Huy Hoàng (43 tuổi, làm việc tại Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam) chia sẻ, anh từng ra nước ngoài nhiều và thấy người dân các nước rất chịu khó đi bộ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại. “Tôi luôn ngạc nhiên bởi nhiều người dành phần lớn thời gian để uống bia, rượu, chơi game, “ôm” smartphone... trong khi thể dục, thể thao là việc quan trọng cho sức khỏe thì lại không quan tâm”, anh Nguyễn Huy Hoàng nói.

Sống khoa học, nâng cao sức khỏe

 Chương trình Sức khỏe Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2-9-2018. Chương trình đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để tập trung thực hiện 28 chỉ tiêu của 11 lĩnh vực sức khỏe ưu tiên, gồm: Dinh dưỡng hợp lý; vận động thể lực; chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh; phòng, chống tác hại thuốc lá; phòng, chống tác hại rượu, bia; vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm; chăm sóc sức khỏe ban đầu; sức khỏe người cao tuổi; sức khỏe người lao động.

Thực hiện mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, thay vì đợi bị bệnh thì mới cứu chữa. Cụ thể, Nhà nước đã tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực của y tế cơ sở, quản lý sức khỏe đến từng người dân.

Cùng với đó, ngành Y tế cũng kêu gọi việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khuyến khích y tế tư nhân tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động, dự phòng, nâng cao sức khỏe, khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật cho nhân dân ngay tại cộng đồng.

Với mỗi người, giải pháp tốt là tự trang bị kiến thức, chú trọng chăm sóc sức khỏe của mình; cố gắng đi bộ 10 nghìn bước mỗi ngày, thể dục giữa giờ, không hút thuốc lá, rượu bia, khám sức khỏe định kỳ. Hiện Bộ Y tế đang phát động toàn ngành thực hiện phong trào “thể dục giữa giờ tại công sở, nơi làm việc” với bài tập hơn 3 phút, gồm các động tác rất đơn giản, ai cũng có thể tập được.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành phố đã đề ra 4 chương trình hành động lớn, gồm: Tuyên truyền, giáo dục và vận động thay đổi hành vi về phát triển thể lực và tầm vóc người Hà Nội; tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô...

Đặc biệt, TP Hà Nội đã triển khai Chương trình sữa học đường, bảo đảm chế độ dinh dưỡng và tăng cường giáo dục thể chất cho học sinh từ 3 đến 18 tuổi trong nhà trường; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng và phát triển phong trào tập thể dục, thể thao trong cộng đồng...

Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá Việt Nam, đại sứ thiện chí Chương trình Sức khỏe Việt Nam Park Hang-seo cho biết, trong quá khứ, thể lực người Hàn Quốc cũng đã trải qua giai đoạn như Việt Nam hiện nay. Chương trình Sức khỏe Việt Nam là một hướng đi đúng để nâng cao tầm vóc cho người Việt, đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực tương lai.

Theo ông Kee Dong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, với việc triển khai chương trình sức khỏe này, Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới các nước có chương trình chăm sóc sức khỏe người dân như: Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản... WHO sẵn sàng phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Chế độ ăn uống hợp lý, giảm ăn muối, tăng cường vận động thể lực, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia... chính là chìa khóa thành công của chương trình. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Y học cổ truyền Việt Nam có lịch sử lâu đời và đáng tự hào

Chiều 27-2, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dự Lễ kỷ niệm 64 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2019) và chúc mừng các y bác sĩ, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng dự lễ.

Tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nam - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, trong năm 2018, Bệnh viện tiếp tục bảo vệ thành công là Bệnh viện hạng I đa khoa y học cổ truyền trực thuộc Bộ Y tế đầu ngành về Y học cổ truyền, tiếp tục bảo vệ là Trung tâm hợp tác của Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương từ năm 1988 về y học cổ truyền nhiệm kỳ 2016-2018. Hiện tại, Bệnh viện có 8 phòng chức năng, 14 khoa lâm sàng, 7 khoa cận lâm sàng và 4 trung tâm. Tổng số cán bộ công nhân viên có gần 500 người.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên, người lao động ngành Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2.

Chúc mừng các cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những kết quả mà Bệnh viện đạt được trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Bệnh viện đã kế thừa, phát huy nền y dược học cổ truyền của dân tộc trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bày tỏ vui mừng trong năm 2018 vừa qua, bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc 8 chức năng nhiệm vụ được giao, trong số những bệnh nhân đến khám điều trị, tỷ lệ khỏi đỡ đạt trên 90%, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, y học cổ truyền Việt Nam có lịch sử lâu đời và đáng tự hào.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát huy y học cổ truyền nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong hoạt động xây dựng pháp luật, Quốc hội đã xây dựng nhiều văn bản pháp luật liên quan như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế... Thời gian tới, Quốc hội tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật nhằm góp phần tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng quà các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Cho rằng sức khỏe, giáo dục-đào tạo là mối quan tâm hằng ngày trong đời sống người dân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ngành Y tế tiếp tục quan tâm phát triển y học cổ truyền trong cả nước nói chung. Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tiếp tục phát huy thành tích đạt được, tiếp tục xây dựng bệnh viện thành địa chỉ tin cậy của người dân trong khám điều trị bệnh, làm đầu mối trong hợp tác quốc tế về y học cổ truyền với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bày tỏ vui mừng Bệnh viện đã đưa vào hoạt động Khu trung tâm điều trị đa khoa chất lượng cao, cơ sở vật chất khang trang, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, sự kết hợp giữa y dược học cổ truyền với y học hiện đại có giá trị rất lớn trong chăm sóc sức khỏe con người.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội mong cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương phát huy lĩnh vực này để góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân một cách hiệu quả nhất.

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đồng thời cho biết ngành Y tế sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa đối với y học cổ truyền. Hiện 58/63 tỉnh, thành có bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh.

Tất cả các bệnh viện đều có Khoa Y học cổ truyền. Ngành Y tế đang phấn đấu có 80% trạm y tế xã, phường áp dụng biện pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm và trao quà tặng một số bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ung bướu của bệnh viện. Đây là những bệnh nhân ung thư sau khi tia xạ, hóa trị đã về bệnh viện điều trị theo phương pháp y học cổ truyền. (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “Phát huy nền y dược học cổ truyền trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân”

 

Tròn vai người thầy thuốc chiến sỹ Công an nhân dân

Sáng 27-2, Cục Y tế, Bộ Công an tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955/27-2-2019).

Tại buổi gặp mặt, Trung tướng Phạm Quang Cử, Cục trưởng Cục Y tế Bộ Công an thông tin trong năm 2018, Cục Y tế đã chủ động thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về Y tế trong lực lượng CAND, đẩy mạnh công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về y tế, kịp thời hướng dẫn, cụ thể hóa những quan điểm chỉ đạo, chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an liên quan đến công tác y tế và các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế vào lực lượng CAND.

Đặc biệt là công tác hướng dẫn Y tế CAND tham gia bảo hiểm y tế; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trong CAND thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, các quy định về quản lý chăm sóc sức khỏe CBCS; chủ động phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống lụt bão…

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại lịch sử của Ngày Thầy thuốc Việt Nam và thành kính tưởng nhớ đến công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã đặt nền móng cho nền Y học cách mạng Việt Nam, qua đó đã đào tạo nên các thế hệ Thầy thuốc Ưu tú Việt Nam.

Cũng tại buổi gặp mặt, các thầy thuốc và CBCS công nhân viên Cục Y tế tưởng nhớ đến các thế hệ thầy thuốc, bác sỹ qua các thời kỳ, đã hy sinh trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo Cục Y tế khẳng định, để tiếp nối truyền thống đáng tự hào của các thế hệ thầy thuốc đi trước, năm 2019 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn thể CBCS, công nhân viên Cục Y tế tiếp tục thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; cải cách hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ bảo đảm chất lượng trong nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe CBCS Công an và nhân dân.

Nhân dịp này, Cục Y tế cũng đã tổ chức trao Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 12 đồng chí đã có nhiều cống hiến, đóng góp cho ngành Y tế CAND.

 

                  Nam sinh bị cụt tay, nguy cơ mù mắt vì điện thoại phát nổ

Bệnh viện Việt Đức vừa tiếp nhận một trường hợp rất thương tâm là bệnh nhân nam, 13 tuổi, ở Nghệ An, bị chấn thương nặng do dùng iphone khi đang sạc pin, bất ngờ điện thoại phát nổ.

Thông tin đến báo chí sáng nay, 27-2, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân nam kể trên được đưa vào nhập viện trong tình trạng dập nát bàn tay trái, vết thương mắt 2 bên, vết thương xuyên nhãn cầu có dị vật nội nhãn.

Bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay. Tiếp đó, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã phối hợp với bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khâu vết thương mắt 2 bên cho bệnh nhân.

Hiện tình trạng vết mổ tay của bệnh nhân đã ổn. Ngày 25-2, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Mắt Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị bệnh ở mắt.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, với những chấn thương dập nát do nổ, rất khó có thể bảo tồn được chi thể, hầu hết sẽ chỉ định cắt cụt.

Đặc biệt, các bác sĩ cũng khuyến cáo, đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị tai nạn do điện thoại phát nổ vì lý do vừa dùng điện thoại vừa sạc pin mà bệnh viện đã tiếp nhận điều trị trong thời gian gần đây. Vì thế, người dân không nên vừa sạc nguồn vừa dùng điện thoại. Mặt khác, nên dùng sạc pin điện thoại chính hãng. (An ninh Thủ đô, trang 4)

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động chương trình sức khỏe Việt Nam

Sáng nay, 27-2, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát động kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Sự kiện được kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã trên cả nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, tri ân những người được giao trọng trách chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành y tế lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Bác Hồ kính yêu đã nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”.

Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt cả ba yêu cầu cốt lõi là: Vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Một số chỉ số đạt mức các nước phát triển có thu nhập khá.

Thủ tướng cho rằng, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân không ngừng tiến bộ, đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn không ít bất cập và phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức mới. Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính, những căn bệnh này đang chiếm tới hơn 70% số tử vong hằng năm.

Trong khi đó, việc phòng chống các yếu tố gây bệnh, việc phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng trung bình có tới gần 10 năm phải sống với bệnh tật, vì thế làm giảm rất nhiều chất lượng cuộc sống. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ, sau hơn 25 năm mới tăng được 3 cm.

Để thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

Cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi trong bụng mẹ.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe, trong đó chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh. Cải thiện và bảo vệ môi trường sống như đất, nước, không khí , rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh, sóng điện tử. Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước ở trẻ em. (Nhân dân, trang 1)

 

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe 

Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Bác Hồ kính yêu nói: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe". "Dân cường thì quốc thịnh".

(Bài phát biểu của Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC tại lễ phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam)

Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì cần phải đồng thời thực hiện tốt cả ba yêu cầu cốt lõi là: vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Ðảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Với sự nỗ lực của ngành y tế, các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tăng tuổi thọ và thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới và nhiều tổ chức quốc tế, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám, chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Một số chỉ số đạt mức các nước đang phát triển có thu nhập khá.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân nhưng cũng thực sự đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới về sức khỏe của người dân trong quá trình phát triển, đó là những mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu,... đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống,... đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh mãn tính về đường hô hấp. Những căn bệnh này đang chiếm hơn 70% số tử vong hằng năm. Trong khi đó, việc phòng, chống các yếu tố gây bệnh, việc phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng trung bình có tới gần 10 năm phải sống với bệnh tật, vì thế đã làm giảm rất nhiều chất lượng cuộc sống. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua (chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ, sau hơn 25 năm mới tăng được 3 cm).

Thực hiện Nghị quyết số 20 của BCH T.Ư Ðảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, ngày 2-9-2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Nhằm huy động, phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức cùng xây dựng môi trường, điều kiện thuận lợi, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng và toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Ðể thực hiện Chương trình, thời gian tới, cần tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Cần vận động, hướng dẫn người dân có kiến thức và biết tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; tuyên truyền các hành vi lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư. Mỗi người mỗi ngày cần vận động ít nhất 10 nghìn bước chân, điều này nên trở thành thói quen hằng ngày.

Hai là, cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở, để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật; được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý liên

tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với người mắc các bệnh mạn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi trong bụng mẹ.

Ba là, thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe, trong đó chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh; cải thiện và bảo vệ môi trường sống (đất, nước, không khí, rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh, sóng điện từ...); phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước trẻ em...

Bốn là, khuyến khích tổ chức sản xuất, kinh doanh cung cấp thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng cho từng lứa tuổi; đặc biệt lưu ý thực hiện tốt chương trình dinh dưỡng học đường, sữa học đường, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nhất là thể thấp còi.

Năm là, phát triển thể dục thể thao và tăng cường rèn luyện thân thể, trước hết là trong hệ thống giáo dục. Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục thể chất trong nhà trường; tạo sự lan tỏa sâu rộng, phát triển thể dục thể thao trong các cơ quan xí nghiệp và toàn xã hội. Tạo điều kiện, khuyến khích người dân tiếp cận, sử dụng không gian công cộng, cơ sở luyện tập thể dục, thể thao.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị:

Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Ðào tạo và các bộ, ngành liên quan, các cơ quan thông tấn báo chí theo chức năng, nhiệm vụ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình này.

UBND các tỉnh, thành phố đưa các chỉ tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương triển khai thực hiện Chương trình.

Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các cơ quan dân cử và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội chỉ đạo, triển khai và phối hợp để tuyên truyền, vận động, huy động toàn dân tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị cần có chương trình cụ thể để kiên quyết thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam được tổ chức phát động hôm nay.

Chương trình Sức khỏe Việt Nam chỉ có thể thành công khi có sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân. Mỗi người dân hãy bắt đầu ngay việc thực hiện và duy trì những hành vi, lối sống lành mạnh có lợi cho sức khỏe để tự bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cho cộng đồng xã hội. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, thực hiện đúng các hướng dẫn của bác sĩ, thầy thuốc. Có chế độ ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, ăn nhiều rau xanh. Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia và điều quan trọng là thường xuyên vận động thể lực, rèn luyện thể dục. Ðây cũng chính là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việc rèn luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được". Ðiều này càng có ý nghĩa khi năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác giúp đỡ có hiệu quả của các quốc gia, tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân Việt Nam nói riêng.

Chúc Chương trình Sức khỏe Việt Nam thành công tốt đẹp. Chúc các thế hệ thầy thuốc, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế luôn hoàn thành tốt trọng trách cao cả trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ tuyên bố chính thức phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam. (Nhân dân, trang 1)

 

Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM: Lý giải “hiện tượng lạ” tại Bệnh viện Quận Thủ Đức

“Đối với vấn đề sức khỏe thì không thể đùa giỡn được, nên Bệnh viện (BV) Quận Thủ Đức xác định rõ quan điểm phải coi bệnh nhân là khách hàng và phải phục vụ họ như những ngành công nghiệp dịch vụ khác”.

Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức (TPHCM), đúc kết khi trả lời phóng viên Báo SGGP về những kết quả mà BV này đạt được trong thời gian qua - được coi là một hiện tượng của ngành y tế, không chỉ đối với TPHCM mà là cả nước.

* PHÓNG VIÊN: Quy định của Bộ Y tế về bệnh án điện tử chính thức có hiệu lực vào đầu tháng 3-2019, nhưng trước đó, BV Quận Thủ Đức đã áp dụng thành công phương thức trên. Điều gì khiến một BV tuyến quận - huyện đi tiên phong trong vấn đề này?

- Bác sĩ NGUYỄN MINH QUÂN: Những ngày đầu tiếp quản, BV gặp muôn vàn khó khăn, như cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân sự ít, đặc biệt người bệnh không có niềm tin đối với BV. Trong quá trình công tác, tôi thường xuyên chứng kiến cảnh quá tải ở các BV và cảnh bệnh nhân chờ đợi hàng giờ để khám bệnh. Thực tế này khiến tôi mong muốn BV có sự thay đổi, không chỉ tạo tiện lợi cho bệnh nhân mà còn lấy lại niềm tin, xây dựng thương hiệu cho BV Quận Thủ Đức.

Đầu năm 2008, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh. Một trong những giải pháp là quy trình khám bệnh thông minh, bệnh án điện tử. Ban đầu, chúng tôi sử dụng phần mềm quản lý do công ty phần mềm cung cấp. Tuy nhiên, phần mềm này chỉ là “khung chung”, có nhiều điểm không phù hợp với thực tế quản lý, khám và chữa bệnh. Do đó, BV lập ra một tổ công nghệ thông tin (hiện nay có 20 người) xây dựng, hoàn thiện quy trình phù hợp với nhu cầu của BV. Đến nay quy trình đã hoàn thiện, vận hành tốt, đã được Sở Y tế thẩm định và công nhận (vào cuối năm 2018).

* Bệnh nhân được hưởng lợi gì từ quy trình khám chữa bệnh thông minh và bệnh án điện tử, thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân đăng ký là được cấp số khám bệnh ngay, không phải lấy số thứ tự, chờ đăng ký… như quy trình bình thường. Đối với bệnh nhân cũ thì tự đăng ký khám ngay tại ki-ốt ở sảnh của BV. Hệ thống sẽ cấp số thứ tự cho mỗi bệnh nhân và điều phối đến phòng có ít bệnh nhân, giúp thời gian chờ đợi của bệnh nhân thấp nhất.

Theo mô hình này, bệnh nhân giảm đáng kể thời gian chờ đợi làm thủ tục, khám bệnh, đóng tiền, xét nghiệm, X-Quang, nhận thuốc, với tổng thời gian giảm khoảng 1 giờ/bệnh nhân. Mô hình này cũng lược bỏ các công việc hành chính cho bác sĩ, điều dưỡng, để có nhiều thời gian chăm sóc bệnh nhân hơn. Hệ thống khám bệnh thông minh còn nhắc bác sĩ cho bệnh nhân xét nghiệm lại, đồng thời cũng cảnh báo khi bác sĩ chỉ định xét nghiệm không cần thiết. Thông tin cảnh báo được gửi đến Phòng Tổng hợp của BV, để lãnh đạo BV kiểm tra. Điều này tránh sự lạm dụng, gây tốn kém không cần thiết cho bệnh nhân. Từ mô hình này, BV cũng quản lý được chi phí điều trị, vật tư y tế đến từng sợi chỉ, từng tấm phim X-Quang.

* Hơn 10 năm đeo đuổi, thực hiện bệnh án điện tử mới được công nhận, BV và cá nhân ông đã đối diện, vượt qua những áp lực gì?

- Để áp dụng thí điểm bệnh án điện tử, chúng tôi phải được Bộ Y tế, Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TPHCM (liên quan đến thanh quyết toán) đồng ý. “Bệnh án” liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người. Nó mang tính pháp lý cao và là tài liệu mật nên phải thực hiện rất chặt chẽ, không cho can thiệp, chỉnh sửa. Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã có quy định chính thức về bệnh án điện tử.

Trong thời gian đầu, BV phải thực hiện song song bệnh án giấy và bệnh án điện tử. Để có được kết quả như hiện nay là một quá trình nghiên cứu, chỉnh sửa, cập nhập, với nhiều thất bại. Cá nhân tôi cũng đối diện với nhiều áp lực, trong đó có sự phản ứng của một số cán bộ nhân viên của BV. Do bệnh án điện tử là vấn đề mới mẻ nên BV phải tự nghiên cứu, học hỏi và tự xây dựng quy trình để đạt yêu cầu như bệnh án giấy. Khi biết ở BV nào có phần mềm, ứng dụng hay, chúng tôi liền đến học hỏi; đồng thời tôi cũng tham khảo kinh nghiệm từ một số BV ở Đài Loan, Úc…

Hiện nay, nhiều BV từ miền Bắc, miền Trung, miền Tây đều đến BV Quận Thủ Đức tham khảo mô hình này. Riêng tại BV, nhiều bác sĩ, điều dưỡng ban đầu bực bội với mô hình mới nhưng sau một thời gian áp dụng, họ không phải ghi chép, bớt tối đa công việc hành chính và bệnh nhân thì được lợi, nên họ rất “thích”.

* Điều gì là quan trọng nhất khiến BV Quận Thủ Đức từng bị xem là “BV kính chuyển” (gần như có bệnh nhân là ký giấy chuyển viện - PV) đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành BV tuyến quận/huyện có lượng bệnh nhân thuộc tốp đông nhất TPHCM và trở thành “hiện tượng” của ngành?

- BV Quận Thủ Đức nằm ở khu vực dân cư đông đúc, có nhiều công ty, xí nghiệp. Tôi luôn suy nghĩ, để tận dụng được lợi thế này thì điều tiên quyết là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với thái độ phục vụ thân thiện.

Chất lượng điều trị của BV là tiêu chí quan trọng, quyết định sự chọn lựa của bệnh nhân. Một khi bệnh nhân có nhu cầu đến BV mà nơi đó không được đáp ứng thì lập tức họ sẽ chọn nơi khác tốt hơn. Vì vậy, chúng tôi phải chứng minh, khẳng định uy tín bằng hiệu quả điều trị cụ thể. Tuy nhiên, để tạo dựng được thương hiệu, uy tín với người bệnh là quá trình dài, phải được chăm chút từng vấn đề nhỏ nhặt, đáp ứng mong muốn từ bệnh nhân. Do đó, BV rất chú trọng đến việc xây dựng thái độ tiếp xúc thân thiện và sự ân cần phục vụ bệnh nhân của bác sĩ, điều dưỡng, hoặc đơn giản là sửa sang nhà vệ sinh sạch đẹp, thoải mái cho bệnh nhân và thân nhân. Đối với mỗi bệnh nhân nằm viện tại đây, ngay sau khi họ xuất viện, BV sẽ nhắn tin, gọi điện thăm hỏi. BV dặn dò bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, tái khám (nếu có) và đặc biệt lấy ý kiến của họ đối với sự phục vụ của BV.

Chúng tôi rất muốn hoàn thiện, nâng chất lượng phục vụ nên rất cần sự nhận xét chính xác từ bệnh nhân. Trong quá trình nằm điều trị tại BV, cho dù bệnh nhân, người nhà của họ không hài lòng thì hầu như họ cũng không phản ánh, góp ý. Việc lấy ý kiến trong thời điểm này sẽ không có kết quả chính xác. Vì vậy, BV lấy ý kiến của của bệnh nhân sau khi họ xuất viện. Ban đầu, chúng tôi nhận được rất nhiều phàn nàn, góp ý. Đối với từng phiền hà cụ thể, BV yêu cầu lãnh đạo khoa cùng với bộ phận chăm sóc khách hàng của BV trực tiếp đến nhà bệnh nhân xin lỗi, cam kết khắc phục; đồng thời BV cũng có các hình thức chấn chỉnh. Chúng tôi thực hiện gắt gao việc này và sau đó, các than phiền của bệnh nhân đã giảm hẳn. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp một số than phiền về sự quá tải của cơ sở vật chất, nhưng BV không thể khắc phục được. Vì vậy, BV mong muốn được cấp đất để BV mở rộng hoặc xây dựng cơ sở 2, từ nguồn BV cân đối mà không xin kinh phí từ ngân sách.

Sáng kiến đưa bệnh viện gần dân

Năm 2017, BV Quận Thủ Đức có 99 nhân viên, với 17 bác sĩ; chỉ đủ năng lực khám chữa bệnh cho 200 bệnh nhân/ngày và 12 bệnh nhân nằm nội trú/ngày. BV lúc đó rộng khoảng 5.000m2 nhưng gần như chỉ là cái “vỏ rỗng ruột”. Đến nay, BV có 46 khoa, phòng với 1.800 cán bộ, công nhân viên, trên diện tích 14.000m2. Mỗi ngày, BV tiếp nhận 6.000 lượt bệnh nhân, có 1.000 giường bệnh nội trú.

BV Quận Thủ Đức cũng tiên phong đưa kỹ thuật cao đến gần người dân bằng sáng kiến đặt phòng khám tại trạm y tế, nơi đông dân cư (nhưng xa BV), trong đó có máy chạy thận nhân tạo. Hàng ngày, BV Quận Thủ Đức cử bác sĩ đến 12 trạm y tế của 12 phường thuộc quận Thủ Đức để khám những bệnh thông thường và phát thuốc tại đây. Mô hình khác là Phòng khám Đa khoa vệ tinh tại Trạm y tế phường Bình Chiểu và phường Hiệp Bình Chánh; Phòng khám Đa khoa tại các phường Linh Xuân, Linh Tây và trong Khu chế xuất Linh Trung 1. Các mô hình này thu hút lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, góp phần giảm tải đáng kể cho BV quận Thủ Đức và hệ thống khám, chữa bệnh nói chung. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang