Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Giám sát ổ dịch viêm não cấp làm 7 trẻ tử vong; Phát hiện ổ dịch hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ; Gia Lai: Xây dựng bệnh viện vệ tinh Ung bướu; Phát hiện dùng chất vàng ô tạo màu cho mì Quảng; Đưa kỹ thuật y học Việt Nam ngang tầm thế giới

Giám sát ổ dịch viêm não cấp làm 7 trẻ tử vong

Ngày 27/5, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau khi nhận được báo cáo về ổ dịch có 7 trẻ tử vong bất thường nghi do viêm não cấp tại tỉnh Cao Bằng, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác gồm Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bệnh viện Nhi T.Ư đến địa phương để hỗ trợ điều trị, lấy mẫu xét nghiệm, giám sát và xử lý ổ dịch. Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, từ ngày 19/4 - 25/5, tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm có tới 7 trường hợp trẻ em dưới 6 tháng tuổi tử vong, nghi do viêm não cấp với các triệu chứng như ho, sốt, viêm đường hô hấp. Tại khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm hiện vẫn đang điều trị cho 12 bệnh nhi có những dấu hiệu tương tự viêm não cấp.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, gần đây Bệnh viện Nhi T.Ư và một số cơ sở y tế khác báo cáo ghi nhận rải rác các trẻ viêm não virus. Viêm não cấp ở trẻ em do virus gây ra, bệnh có tỷ lệ tử vong 10-15% và khoảng 35% để lại di chứng rất nặng như liệt, co quắp chân tay hoặc không còn ý thức, sống thực vật (Tiền phong trang 10, Công an nhân dân trang 2).         

Phát hiện ổ dịch hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ

Chiều 27.5, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đã ghi nhận ổ dịch (có nguyên nhân do vi rút Coxsackie) gây hội chứng não cấp, khiến 7 trẻ nhỏ tử vong. Theo ông Phu, các ca bệnh từ 2 - 22 tháng tuổi nghi viêm não với các triệu chứng: sốt, ho kèm theo khó thở, tiêu chảy; một số trường hợp có dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, co giật dẫn đến tử vong nhanh. Bệnh nhân đầu tiên có dấu hiệu khởi phát ngày 20.4.2016, tử vong ngày 21.4.2016 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Đã có 21 trẻ mắc (trong đó có 7 trường hợp tử vong), số mắc tập trung tại 3 xóm: Tổng Ngoảng, Tổng Chảo, Nà Kiềng thuộc xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng.

Ông Phu cho biết, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm ghi nhận ổ dịch với nhiều trẻ tử vong do hội chứng viêm não vi rút. Nguyên nhân tử vong do bệnh tiến triển nhanh, diễn biến nặng; xử lý y tế chưa kịp thời, do nơi có ca bệnh là một xã miền núi vùng rất sâu và xa của tỉnh Cao Bằng, giao thông đi lại vô cùng khó khăn.

Đoàn công tác của Bộ Y tế gồm các chuyên gia về dịch tễ và điều trị của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đã lên Cao Bằng để phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch, hỗ trợ điều trị bệnh nhân và đã lấy mẫu xét nghiệm để khẩn trương xác minh nguyên nhân gây dịch.

Qua khai thác triệu chứng cho thấy, các trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân lỏng, nôn), một số trường hợp có ho, khó thở, sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, bao gồm co giật, li bì và tử vong. Hiện tại còn 8 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (1 trường hợp nặng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, 7 trường hợp đã ổn định đang điều trị tại bệnh viện huyện). Đến chiều 27.5 không phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy 11 mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm cho kết quả 2 mẫu dương tính với vi rút Coxsackie A6, không có mẫu nào dương tính với vi rút cúm. Việc lây truyền căn bệnh này do qua tiếp xúc với dịch mũi họng và phân cũng như những giọt khí dung của người bị nhiễm (bao gồm người bệnh và người lành mang trùng).

Theo ông Phu, y tế địa phương đã cử cán bộ dịch tễ và lâm sàng từ tuyến tỉnh xuống cắm chốt, hỗ trợ tại tuyến huyện và xã trong công tác xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân. Đặc biệt, hướng dẫn cho nhân dân, khi có người ốm thì báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất và đưa đến cơ sở điều trị (Thanh niên trang 3, An ninh thủ đô trang 7, Nhân dân trang 8, Nông thôn ngày nay trang 5).

Gia Lai: Xây dựng bệnh viện vệ tinh Ung bướu

Ngày 27.5, UBND tỉnh, sở Y tế Gia Lai và Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tổ chức hội nghị triển khai đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai trở thành bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Ung bướu.

Với sự hỗ trợ của bệnh viện Bạch Mai, việc điều trị ung bướu tại Gia Lai sẽ hiệu quả hơn, giảm tải cho tuyến trên, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế tiên tiến. Việc triển khai được đánh giá là phù hợp với chiến lược phòng chống ung thư tại Việt Nam. Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai - Huỳnh Nữ Thu Hà đánh giá cao đề án, cho rằng đây là bước tiến vượt bậc trong ngành y Gia Lai, người bệnh sẽ có cơ hội sống nhiều hơn và giảm chi phí vượt tuyến cho người bệnh rất nhiều. Kinh phí dự kiến để triển khai bệnh viện vệ tinh là gần 115 tỉ đồng (Lao động trang 7).

Phát hiện dùng chất vàng ô tạo màu cho mì Quảng

Chiều 27.5, ông Nguyễn Đình Thoan, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, kết quả xét nghiệm lần và lần 2 đều khẳng định các mẫu mì Quảng và chất bột màu vàng thu được tại cơ sở sản xuất bánh phở mì quảng ở TP Cam Ranh có chất cấm Auramine O- chất vàng ô.

Trước đó, thực hiện tháng hành động VSATTP, tháng 5.2016, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm tại 8 huyện thị trên địa bàn. Tại TP Cam Ranh, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP của tỉnh kiểm tra tại cơ sở sản xuất bánh phở, mì quảng số 134/E, đường Nguyễn Trọng Kỷ, P. Cam Lợi (TP Cam Ranh) do ông Hà Ngọc Thanh Vũ  làm chủ.

Tại đây, đoàn phát hiện chất bột màu vàng đóng thành nhiều gói nhỏ được nhân viên sử dụng làm chất tạo màu sản xuất mì quảng tươi và khô. Chất bột trên không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc. Theo chủ cơ sở, những gói bột màu vàng trên đã được dùng làm bánh mì quảng từ nhiều năm nay. Bột được pha theo tỉ lệ thường 1 thau bột khoảng 20l thì trộn khoảng 2 thìa cà phê phẩm màu trên để sợi mì quảng cho ra màu vàng tươi bắt mắt.  Bột này thường mua ở tiệm tạp hóa tại Chợ Mới (TP Cam Ranh). Ông Vũ cũng khẳng định “dùng nhiều năm nhưng không biết chất này là chất gì, chỉ nghe người bán cho biết đó là phẩm màu vẫn dùng làm bánh thửng nên mua về dùng”!

Cơ sở sản xuất bánh phở, mì quảng của ông Vũ hoạt động gần 30 năm, mỗi ngày sản xuất từ 100 – 150 kí bánh, trong đó bánh có sử dụng màu khoảng 10%, tiêu thụ chủ yếu tại địa bàn Cam Ranh và TP Hồ Chí Minh.

Kết quả xét nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh ATTP khu vực Miền Trung (thuộc Viện Pasteur Nha Trang) lần 1 và lần 2 đều khẳng định bột màu vàng mà cơ sở sử dụng và bánh mì Quảng kiểm nghiệm đều có chứa chất Auramine O (chất vàng ô)- chất ngoài danh mục cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm của Bộ Y tế và là hóa chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia sức gia cầm trong danh mục của Bộ NN&PTNN (Lao động trang 8).

Hàng loạt sai phạm tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2

Bộ Y tế vừa kết luận thanh tra toàn diện việc thực hiện quyết toán hạng mục thi công xây lắp khoa dinh dưỡng, các hạng mục thuộc dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 (ở Đồng Nai). Theo đó, tháng 11.2015, đoàn thanh tra do Bộ Y tế thành lập thanh tra 7 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu thiết bị thuộc dự án nói trên với tổng giá trị 110 tỉ đồng. Thời gian khởi công năm 2009 và hoàn thành 2012 nhưng đến năm 2015 mới đưa vào sử dụng. Qua thanh tra, phát hiện hàng loạt sai phạm xảy ra tại công trình này.

Nghiêm trọng nhất là gói thầu thi công xây dựng và cung cấp lắp đặt thiết bị điện các hạng mục: đường dây trung hạ thế, hệ thống điện chiếu sáng, trạm biến áp 2 x 630 KVA với vốn đầu tư hơn 27 tỉ đồng, do Công ty TNHH TM - DV kỹ thuật điện Đức Kiên (trụ sở ở TP.Biên Hòa) thi công năm 2010.

Việc nghiệm thu, thanh toán không đúng khối lượng thực tế thi công của nhà thầu, như lắp và kéo dây tiếp địa phần đường dây trung thế trong đó phần đơn giá nhân công tính toán sai lệch từ 927 đồng/kg thành 972.000 đồng/kg, trên tổng khối lượng 60,8 kg; vận chuyển đất thủ công đơn giá tăng gấp 10 lần, chênh lệch gần 2,5 tỉ đồng; hệ thống chống ồn máy phát điện tính toán chênh lệch hơn 124 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều hạng mục áp giá cao - không đúng với thời điểm thi công và khối lượng thực tế, gồm: phần đào mương cáp băng suối; phần đóng cừ Larsen; tủ cầu dao đảo 3 pha, vật tư, thiết bị (thực tế kiểm tra hiện trường chỉ có 3 cầu dao 3 pha); tủ ATS, thanh cái 1.000 A, phụ kiện với giá quyết toán 610 triệu đồng (nhưng giá thị trường thời điểm lắp đặt dưới 50 triệu đồng); giá đỡ cáp qua suối; hố chứa dầu thải...

Với gói thầu thi công xây dựng khoa dinh dưỡng trị giá 5,1 tỉ đồng do Công ty CP xây dựng Hải Sơn (trụ sở TP.Biên Hòa) thi công, việc nghiệm thu, thanh toán không đúng với khối lượng thực tế thi công của nhà thầu hơn 446 triệu đồng. Một số gói thầu tư vấn đã được nhà thầu thực hiện xong hợp đồng nhưng chủ đầu tư không thanh lý hợp đồng; nhà thầu không xuất hóa đơn GTGT theo quy định, biên bản nghiệm thu không ghi rõ ngày tháng; thi công hạng mục được chỉ định thầu phát sinh chưa có ý kiến của Bộ Y tế...

Đoàn thanh tra kiến nghị tiến hành kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan và giảm trừ giá trị trong gói thầu hơn 3,2 tỉ đồng. Chủ đầu tư căn cứ số tiền nhà thầu đã nộp giảm khối lượng vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai để làm cơ sở giảm trừ khi tiến hành thanh lý hợp đồng với nhà thầu. Căn cứ khối lượng cắt giảm trong thầu để tính lại giá trị điều chỉnh bổ sung chi phí nhân công, chi phí máy thi công do thay đổi chính sách, pháp luật của nhà nước trình Bộ Y tế phê duyệt để làm cơ sở thanh lý hợp đồng với nhà thầu. Theo thanh tra, trách nhiệm thuộc về ông Bùi Thế Khanh, Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần T.Ư 2; ông Đào Nguyên Bính, Phó giám đốc BV, Trưởng ban Quản lý dự án; ông Nguyễn Văn Cầu, Phó giám đốc BV, Phó ban Quản lý dự án; ông Phạm Văn Thuần, Trưởng phòng Tài chính kế toán (Thanh niên trang 3).

Đưa kỹ thuật y học Việt Nam ngang tầm thế giới

Các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) đã xây dựng thành công các quy trình kỹ thuật, mô hình tổ chức ghép đồng thời tụy, thận từ người cho chết não. Việc thực hiện thành công ca ghép đầu tiên, bằng những kỹ thuật tiên tiến, đã khẳng định bước tiến mới của ngành ghép tạng Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Đánh giá từ Bộ Y tế cho thấy, trong những năm gần đây, tại Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường đang ngày càng gia tăng. Biện pháp điều trị bệnh hiện nay là dùng thuốc kết hợp với tập luyện và dinh dưỡng, cho nên không giải quyết tận gốc căn bệnh. Phương pháp ghép đồng thời tụy, thận với kỹ thuật ngoại khoa phức tạp được sử dụng để điều trị những người mắc bệnh đái tháo đường đã có biến chứng suy thận đang được áp dụng trên thế giới. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy, thận từ người cho chết não” (mã số KC.10.27/11-15) được giao cho Bệnh viện Quân y 103 chủ trì, PGS, TS Hoàng Mạnh An là chủ nhiệm đề tài. Theo GS, TS Phạm Gia Khánh, Chủ nhiệm Chương trình KC.10 kỹ thuật ghép tạng Việt Nam đang đi sau thế giới gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Tại Việt Nam, các bác sĩ đã tiếp cận và nắm bắt được toàn bộ kỹ thuật ghép tạng phổ thông của thế giới như ghép thận, tim, gan, tụy… Tuy nhiên, đây chỉ là những thành công ở những ca ghép đơn tạng. Việc ghép hai tạng vào một người khó hơn rất nhiều, có khả năng xuất hiện nhiều biến chứng. Bởi vậy, trong quá trình nghiên cứu, PGS, TS Hoàng Mạnh An cùng các bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103 đã tiến hành rất nhiều lần ghép thực nghiệm trên động vật; đến các trung tâm ghép lớn của thế giới để học tập, sưu tầm tài liệu... Để bảo đảm cho ca ghép đầu tiên thành công, bệnh viện đã xây dựng ba phương án: mời các nhà khoa học nước ngoài (Nhật Bản và Bỉ) cùng tham gia ghép khi có người hiến tạng; liên kết các trung tâm ghép tạng lớn của cả nước để thực hiện; đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện 103 tự thực hiện ghép tạng. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào người chết não hiến tạng, cho nên bệnh viện đã quyết định thực hiện phương án thứ ba, nếu không sẽ bị hỏng tạng hiến.

Nguồn tạng hiến vẫn là khâu hết sức khó khăn, kể cả người trong gia đình cũng không dễ gì quyết định hiến tạng cho người thân. Tại Việt Nam hơn 10 năm qua mới chỉ có khoảng 30 ca chết não đồng ý hiến tạng. Cho nên, đề tài phải chờ đợi. Theo PGS, TS Hoàng Mạnh An, đến ngày 28-2-2014, nhận được thông tin có trường hợp bị tai nạn giao thông, không may người bệnh đã chết não, tức là không thể sống được nữa, gia đình nạn nhân đồng ý cho lấy tạng để ghép cho người bệnh, rạng sáng 1-3-2014, các bác sĩ của Bệnh viện Quân y 103 đã tiến hành ca ghép đa tạng (tụy, thận) đầu tiên trên người tại Việt Nam. Ca ghép được thực hiện trong bảy giờ, với hơn 150 y, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia. Mặc dù người bệnh có xuất hiện một số biểu hiện viêm, tràn dịch, nhưng đã được khắc phục và đến nay người bệnh đã hoàn toàn ổn định, đi làm bình thường. Ngoài thành công từ ca ghép, làm chủ được kỹ thuật ghép đa tạng, PGS, TS Hoàng Mạnh An và các bác sĩ đã xây dựng được các quy trình kỹ thuật, có thể chuyển giao thực hiện tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện về lấy ghép mô tạng, trang thiết bị, trình độ phẫu thuật viên. Nhất là, qua quá trình thực hiện đề tài, đội ngũ cán bộ khoa học của Bệnh viện Quân y 103 đã được học tập, tiếp thu nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới về ghép đồng thời tụy, thận. Từ đó nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học, kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

GS, TS Phạm Gia Khánh cho biết, việc làm chủ được kỹ thuật hiện đại trong ghép tạng đã mang lại cho người bệnh suy thận hy vọng về một cuộc sống mới, giảm bớt chi phí trong trường hợp phải ra nước ngoài ghép tạng. Ca ghép tụy, thận thành công đã đánh dấu mốc phát triển mới của nền y học nước nhà, tạo bước đột phá trong lĩnh vực ghép tạng, đưa kỹ thuật ghép tạng Việt Nam theo kịp các nước trên thế giới.

Đề tài KC.10.27/11-15 là một trong 69 nhiệm vụ thuộc Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15), được hội đồng đánh giá và nghiệm thu xuất sắc. Nhờ đó, các kỹ thuật, công nghệ trong y tế tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, bắt kịp trình độ thế giới. Nhưng trong quá trình triển khai, các nhà khoa học còn gặp nhiều vướng mắc về các thủ tục hành chính và tài chính. Bởi vậy, nhiều nhà khoa học mong muốn sẽ có những hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn đối với các chương trình KC.10 trong giai đoạn tiếp theo (Nhân dân trang 5).

Mổ lấy sỏi nặng 1,5 kg trong bàng quang bệnh nhân

Ngày 27.5, bác sĩ Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng khoa Niệu Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ, cho biết vừa mổ thành công lấy một viên sỏi nặng đến 1,5 kg (ảnh) ra khỏi bàng quang bệnh nhân N.V.B. Ông B. (51 tuổi, ngụ P.Thới An Đông, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) nhập viện với triệu trứng tiểu khó, đau tắc hạ vị. Qua siêu âm, chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện có sỏi to ở bàng quang và tiến hành mổ lấy viên sỏi ra ngày 26.5. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân đã dần hồi phục (Thanh niên trang 3).

BV T.Ư Huế: Cứu sống cô gái có khối u nặng hơn 6 kg trong ổ bụng

Một nữ bệnh nhân 27 tuổi ở Thừa Thiên – Huế có khối u hơn 6kg chèn ép ổ bụng vừa được BV T.Ư Huế phẫu thuật thành công.

Ngày 27.5, tin từ Khoa Ngoại nhi – Cấp cứu bụng, BV T.Ư Huế cho biết, vừa cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị Thiên T. (27 tuổi, trú tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, chưa có gia đình) có khối u khổng lồ trong ổ bụng.

Chị T. phát hiện khối u đã 6 tháng nay. Càng ngày khối u càng to và chèn ép, chiếm gần hết ổ bụng khiến chị T. không ăn uống được, thể trạng ngày càng suy kiệt. Gia đình chị T. đã đưa chị đi điều trị nhiều nơi, nhưng không thành công.

Sau đó, chị T. nhập viện tại Khoa Ngoại nhi – Cấp cứu bụng, BV T.Ư Huế. Tại đây, sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác định chị T. bị u quái buồng trứng và được chỉ định phẫu thuật.

Vào sáng ngày 24.5, Ths. Bs Phạm Xuân Đông, Ths.BS Trần Sỹ Doãn Điềm cùng êkíp của BV T.Ư Huế đã tiến hành phẫu thuật thành công cắt khối u khổng lồ cho chị T. Khối u được tách khỏi cơ thể chị T. có kích thước30cmx25cmx25cm, nặng hơn 6kg. Các bác sỹ đồng thời đã bảo tồn được tử cung và buồng trứng cho bệnh nhân. Đến nay (ngày 27.5), chị T. sức khỏe đã ổn định (Lao động trang 7, Công an nhân dân trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang