Tám tháng, hơn 12.000 người ở TP Hồ Chí Minh nhập viện do sốt xuất huyết
Ngày 27-8, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh ra quân Chiến dịch diệt loăng quăng, phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). GS, TS, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong tám tháng qua, toàn thành phố có hơn 12 nghìn người mắc SXH phải nhập viện (tăng 26% so với cùng kỳ 2016). Chiến dịch lần này là đợt hoạt động cao điểm nhằm loại bỏ các vật dụng có thể chứa nước, xóa những điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi, duy trì tính bền vững của hoạt động phòng, chống SXH dựa vào cộng đồng. Sở Y tế yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh. (Nhân dân, trang 5).
Quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng không lơ là dịch bệnh khác
“Phun hoá chất diệt muỗi có thực sự hiệu quả, khi người dân phản ánh sau phun hoá chất lại thấy muỗi bay vào nhà”- đây là vấn đề được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra với ngành y tế Hà Nội tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh diễn ra cuối giờ chiều ngày 25/8 ở Bộ Y tế.
Gần 100% muỗi trưởng thành bị diệt sau phun hóa chất
Thông tin tại cuộc họp cho biết, từ ngày 1/1 đến 22/8, Hà Nội ghi nhận 19.962 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện; tập trung chủ yếu tại khu vực nội thành. Số bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện là hơn 2.300 người; xu hướng giảm so với các tuần trước (tuần trước trung bình có 2.700 bệnh nhân/ngày). Đặc biệt, số trường hợp mắc bệnh trong 2 tuần gần đây của Hà Nội không tăng, có xu hướng chững lại nhưng vẫn ở mức cao.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tổ chức phun hoá chất trên diện rộng, phun tại các trường học và phấn đấu trong tuần sẽ có 100% trường học được phụ hoá chất diệt muỗi. Đồng thời, Hà Nội triển khai việc phun mù nhiệt cùng với phun xử lý ổ dịch nhỏ tại các khu vực có ổ dịch mới phát sinh. Trước khi triển khai diệt bọ gậy 30 – 50% số hộ gia đình có bọ gậy, diệt đã mang lại hiệu quả nhưng vẫn chưa được triệt để.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chất vấn Hà Nội, các đội xung kích có thực sự hiệu quả? Hiệu quả của phun muỗi đến đâu khi người dân phản ánh sau phun vẫn thấy muỗi bay vào nhà?
Tại cuộc họp, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, để trả lời câu hỏi này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét Kí sinh trùng trung ương sẽ trả lời, dựa trên kết quả đánh giá độc lập của họ để đảm bảo khách quan.
Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, đó là muỗi mới nở từ bọ gậy còn tồn tại trong các hộ gia đình từ trước đó. Cụ thể, qua đánh giá, từ 14 - 21/8, 3 đội cán bộ của Viện phụ trách 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã đánh giá kết quả trước và sau phun. Tại quận Hoàng Mai chọn phường Thịnh Liệt, quận Đống Đa chọn phường Khương Thượng, quận Hai Bà Trưng chọn phường Thanh Lương, trước khi phun mật độ muỗi ở cả 3 phường đều rất lớn nhưng sau phun 24 giờ thì mật độ muỗi trưởng thành bằng 0.
Tuy nhiên, theo đánh giá tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy ở 3 phường này trước và sau phun có giảm, nhưng không triệt để (ở phường Thịnh Liệt, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 26, sau phun là 12; Khương Thượng, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 20, sau phun là 7; Thanh Lương, tỷ lệ dụng cụ chứa bọ gậy trước phun là 40, sau phun là 30).
“Chính những ổ bọ gậy còn sót trong các hộ gia đình nền sau phun những con bọ gậy ngày 3,4 chỉ cần vài giờ lại nở thành muỗi. Do vậy, biện pháp phun hóa chất chỉ là xử lý phần ngọn, biện pháp giải quyết triệt để phải là diệt bọ gậy” – TS Trần Như Dương nói
Cũng theo TS Trần Như Dương, hoá chất sử dụng diệt muỗi tại Việt Nam cũng như ở Hà Nội là thuốc được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng trong phòng chống sốt xuất huyết. Tại Việt Nam, hoá chất trước khi được sử dụng đã được đánh giá, kiểm tra nghiêm ngặt về hiệu lực cũng như tính an toàn. Theo kết quả đánh giá sau 24 giờ phun hoá chất là khoảng 98% muỗi trưởng thành chết. Như vậy, hiệu lực của thuốc là tốt.
“Tuy nhiên sau khi phun hoá chất diệt muỗi vẫn có muỗi là do việc diệt bọ gậy tại các hộ gia đình, nơi công cộng chưa được triệt để. Vì vậy, chỉ sau vài giờ bọ gậy lại nở thành muỗi và xâm nhập vào nhà; tiếp tục trở thành nguy gây bệnh cho người dân. Như vậy, muỗi sau phun hoá chất là do bọ gậy nở ra chứng không phải là hoá chất không diệt được muỗi”- TS Trần Như Dương nói.
35% các hộ gia đình ở Hà Nội không chấp nhận phun hóa chất diệt muỗi hết các tầng
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 100.417 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 26 trường hợp tử vong. Trong đó, số người hợp nhập viện là 84.026 trường hợp. So với cung kỳ năm 2016, số mắc tăng 47,9%, số trường hợp tử vong tăng 9 trường hợp. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có số mắc tuyệt đối cao nhất. Tuýp vi rút lưu hành hiện nay trên cả nước chủ yếu vẫn là D1, D2 (với tỷ lệ 95%), ngoài ra có D3, D4 chiếm tỷ lệ nhỏ.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay, hiện vẫn còn một số bộ phận người dân chủ quan, xem thường bệnh sốt xuất huyết, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dịch, chưa hợp tác trong việc phun hóa chất (khi biết thông tin xã, phường tổ chức phun hóa chất thì khóa trái cửa coi như đi vắng hoặc chỉ cho phun ở sân hay tại tầng 1, không phun cả nhà...); số lượng đội xung kích còn thiếu so với quy định nên một đội xung kích phải phụ trách nhiều hộ gia đình.
Theo đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế tại cuộc họp cũng cho thấy, việc phun hóa chất và diệt bọ gậy chưa được triệt để: 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được vào nhà, 35% các hộ gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 còn cao khoảng 50-60%. Mỗi đội phun chỉ có một người phun là không hợp lý, bởi khi chống dịch phải leo lên các tầng với thời gian lâu, do đó người phun dễ dẫn đến ngại leo sau khi đã thấm mệt (theo quy định mỗi đội phun phải gồm 02 cán bộ phun và 01 cán bộ kỹ thuật).
Quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng không lơ là dịch bệnh khác
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội. Vì vậy, Hà Nội tiếp tục quan tâm hơn nữa đến tình hình dịch bệnh không chỉ các quận nội thành mà còn đang gia tăng tại các huyện ngoại thành. Nguyên nhân dịch sốt xuất huyết vẫn gia tăng là do không diệt triệt để bọ gậy.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị: Để phòng chống dịch hiệu quả, Hà Nội và các địa phương khác không được chủ quan và phải chủ động các biện pháp phòng bệnh. Đặc biệt, sắp tới là năm học mới nên Hà Nội phải kiểm soát tốt ở tất cả các trường học, không để học sinh, sinh viên bị mắc sốt xuất huyết.
Thời gian tới, các bộ, ngành cần phối hợp tích cực trong phòng chống dịch bệnh. Ngành y tế cần kêu gọi mọi người dân tham gia phòng bệnh để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; huy động mạnh mẽ sự tham hơn nữa của các cấp chính quyền; tăng cường hiệu quả của đội xung kích phòng dịch. Đồng thời, ngành y tế tiếp tục áp dụng phu hoá chất diệt muỗi một cách tổng thể; kêu gọi người dân hợp tác để phun mù nhiệt trong các gia đình sẽ phát huy hiệu quả diệt muỗi cao. Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục phân tuyến, phân luồng điều trị hợp lý, hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết...
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý các địa phương quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhưng không quên dịch tay chân miệng, bệnh dại, cúm gia cầm… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Phạt 191 triệu đồng 5 cơ ở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng
Trong 1 tuần, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm vì hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 26/8 cho biết, từ ngày 17/8-24/8/2017, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là trên 191 triệu đồng.
Công ty Cổ phần dược phẩm quốc tế USA, địa chỉ: 61A1 Khu đô thị Đại Kim Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; Số tiền phạt: 84 triệu đồng với hành vi: Sản xuất 02 lô hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, gồm: Lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ARGININ B.COMPLEX EXTRA, số lô: 020916 NSX: 02/09/2016 HSD: 02/09/2019 và Lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Anphavit calci nano, số lô: 020417 NSX: 07/04/2017 HSD: 07/04/2020); Sản xuất 01 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Pediasure ăn ngon ngủ tốt, số lô SX: 010117 NSX: 11/01/17, HSD: 11/01/20 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng;
Ngoài ra, công ty cũng sử dụng 20 người người lao động không mang, mặc trang phụ bảo hộ theo quy định; Không có đủ trang thiết bị phù hợp theo quy định để bảo quản các loại thực phẩm.
Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Pháp Âu, Địa chỉ: Số nhà 28, ngách 562/9 Thụy Khuê, Phường Bưởi, Quận Tây Hồ, Hà Nội bị phạt 3.550.000 đồng với hành vi: Buôn bán lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu, số lô: 261015, NSX: 26/10/15; HSD: 26/10/18 là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng (có kết quả kiểm nghiệm âm tính với Trinh nữ hoàng cung).
Công ty Cổ phần Dược Viko 8- Pháp, Địa chỉ: Lô 11, liền kề 20, KĐT Văn Khê, Phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội, bị phạt 35.397.400 đồng với hành vi sản xuất lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu, lô sản xuất: 261015, NSX: 26/10/15; HSD: 26/10/18 là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng (có kết quả kiểm nghiệm âm tính với Trinh nữ hoàng cung).
Công ty cổ phần dược và thiết bị y tế Hà Tây; Địa chỉ: Số 10 Ngõ 4, phố Xốm, Phường Phú Lãm, Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, bị phạt 8 triệu đồng với hành vi: Sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA, lô SX: 191216, NSX:17/12/16, HSD: 17/12/19 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.
Công ty TNHH Dược phẩm VINASANCO; Địa chỉ trụ sở chính: Số nhà 03, ngõ 107/1/3 đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội bị phạt trên 60 triệu đồng với hành vi bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA, lô SX: 191216, NSX:17/12/16, HSD: 17/12/19 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; Không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định cho sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA
Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định thu hồi hiệu lực 01 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 627/QĐ-ATTP ngày 23/8/2017 đối với sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA của Công ty TNHH Dược phẩm VINASANCO (địa chỉ trụ sở chính: Số nhà 03, ngõ 107/1/3 đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Ra quân chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết
Sáng 27-8, tại huyện Bình Chánh, Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thành Đoàn TPHCM tổ chức “Lễ ra quân chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TPHCM”.
Phát biểu tại lễ ra quân, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đây là đợt hoạt động cao điểm nhằm giảm nguồn sinh sản của muỗi, giảm các điểm nguy cơ sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố; đảm bảo hiệu quả của phun hóa chất diệt muỗi và duy trì tính bền vững của hoạt động phòng chống SXH dựa vào cộng đồng.
Chiến dịch sẽ diễn ra đồng loạt từ nay đến Tết Nguyên đán 2018 trên toàn TP.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 8 tháng đầu năm, TP đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp SXH nhập viện (tăng 26% so với cùng kỳ 2016) - là địa phương có số ca mắc SXH thứ 2 trong cả nước.
Năm nay, dịch SXH đến sớm và diễn biến bất thường. Tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, số ca bệnh nhập viện hàng tuần đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Tại huyện Bình Chánh, từ đầu năm đến nay huyện có 979 ca mắc bệnh SXH, tăng 411 ca so với cùng kỳ năm 2016. (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Nông thôn ngày nay, trang 5).