Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Tốn 600 tỷ đồng điều trị cho người bị chó cắn mỗi năm; Kiên trì cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh; Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại…

 

Kiên trì cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành y tế. Thời gian vừa qua, mặc dù đã đạt những kết quả quan trọng, nhưng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, ngành y tế vẫn còn nhiều việc phải làm. Ðó là kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra để hướng tới sự hài lòng, an toàn và chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người bệnh.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thời gian qua, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến T.Ư đến tuyến huyện đều tích cực triển khai các biện pháp cải thiện chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) và đã có những kết quả cụ thể. Việc triển khai cải tiến quy trình khám bệnh đã giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, tránh gây phiền hà, làm tăng sự hài lòng, niềm tin của người bệnh vào thầy thuốc... Tính trung bình, việc thống nhất quy trình khám bệnh, cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp liên hoàn... đã rút ngắn thời gian khám bệnh được 48,5 phút, qua đó tiết kiệm hàng chục triệu ngày công lao động của người bệnh và người nhà.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn người bệnh cũng được các bệnh viện ưu tiên. Tất cả các bệnh viện đều hướng tới lấy người bệnh làm trung tâm, phấn đấu mang đến sự hài lòng, an toàn và chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh. Các bệnh viện đang cải tiến chất lượng theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Sau ba năm triển khai, bộ mặt các bệnh viện thay đổi theo hướng tích cực; người bệnh được chăm sóc tốt hơn, hài lòng hơn; chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện làm việc, đời sống vật chất, tinh thần làm việc của nhân viên y tế từng bước được nâng lên. Kết quả đánh giá cho thấy, các bệnh viện tuyến T.Ư đạt 3,5 điểm, tuyến tỉnh đạt 2,8 điểm, tuyến quận, huyện đạt 2,6 điểm trong thang điểm 5. Trên cơ sở kết quả đánh giá, các bệnh viện xác định được điểm mạnh, điểm yếu, làm căn cứ để cải tiến chất lượng.

Một lĩnh vực khác cũng cần được nhắc đến là cảnh quan môi trường trong bệnh viện xanh, sạch, đẹp hơn; điều kiện vệ sinh tốt hơn; công tác quản lý chất thải y tế dần đi vào nền nếp; người bệnh và người nhà cũng quan tâm, có ý thức giữ gìn môi trường bệnh viện hơn.

Các bệnh viện đã thống nhất áp dụng mẫu phiếu khảo sát sự hài lòng của người bệnh và sử dụng phần mềm trực tuyến để nhập số liệu và tự động, cho kết quả, biểu đồ và các nhận xét của người bệnh. Từ tháng 3 đến cuối tháng 5-2017, có hơn 99 nghìn phiếu khảo sát của các bệnh viện trên toàn quốc được nhập vào phần mềm trực tuyến này. Nhiều bệnh viện đã sử dụng kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh để cải tiến những vấn đề còn hạn chế. Kết quả khảo sát chỉ số đánh giá hoạt động KCB nhìn từ góc độ của người dân do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố cho thấy: Người bệnh đã đánh giá khá tích cực về dịch vụ y tế công, nhất là trong lĩnh vực KCB.

Tại hội nghị Câu lạc bộ giám đốc các bệnh viện khu vực phía bắc mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác KCB, nhưng vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi toàn ngành y tế cũng như mỗi đơn vị quyết tâm hơn nữa mới có thể thực hiện được các chỉ tiêu đề ra. Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu các đơn vị trong giai đoạn tới huy động mọi nguồn lực để xây dựng bệnh viện phát triển bền vững, trở thành những trung tâm y tế có cơ sở hạ tầng được mở rộng; trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đội ngũ cán bộ có chất lượng và chuyên môn chuyên sâu, đủ khả năng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong giai đoạn mới. Theo đó, cần ưu tiên tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng KCB; chuẩn hóa chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí; chống quá tải, hạn chế thấp nhất tình trạng người bệnh phải nằm ghép; ưu tiên đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh gắn với cải cách thủ tục hành chính. Ðào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ theo hướng đồng bộ, chuyên sâu, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng.

Các giải pháp nâng cao chất lượng KCB được ngành y tế xác định là: Ðẩy mạnh thực hiện các biện pháp chống quá tải bệnh viện, bảo đảm mục tiêu tăng số bệnh viện và giường bệnh… phấn đấu đến năm 2018, toàn bộ số bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến tỉnh, thành phố cam kết thực hiện chủ trương không để người bệnh nằm ghép từ hai người trở lên sau 24 hoặc 48 giờ nhập viện; đẩy mạnh thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật xuống tuyến dưới; tập trung xây dựng hệ thống cảnh báo sự cố y khoa; ban hành hướng dẫn khuyến cáo an toàn người bệnh để ngăn ngừa sự cố y khoa.

Từ năm 2018, 20% số bệnh viện tuyến tỉnh công bố chỉ số chất lượng; tỷ lệ bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến tỉnh có mức chất lượng theo đánh giá độc lập từ mức ba trở lên chiếm 85%; 80% cơ sở KCB thực hiện đo lường và tự công bố chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công do đơn vị cung cấp. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra và tiến tới công nhận chất lượng dịch vụ KCB, gắn kết quả đánh giá chất lượng vào việc thanh toán giá dịch vụ y tế; bảo đảm đúng lộ trình thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm... (Nhân dân, trang 5)

 

Mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại

Ngày 27-9, tại TP Bắc Giang, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28-9) với chủ đề “Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030”.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Thú y, Bộ NN-PTNT, ông Đàm Xuân Thành cho biết, hiện cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và hơn 3,8 triệu hộ nuôi chó. Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng vắc-xin dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con, chiếm tỷ lệ 41% tổng đàn.

Giai đoạn 2015-2016, tình hình bệnh dại ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so năm 2015 và tăng 38% so năm 2014). Riêng chín tháng năm 2017, đã có 57 ca tử vong do bệnh dại, phần lớn xảy ra tại các tỉnh phía bắc (32 ca).

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Y tế tiếp tục triển khai tốt hơn các giải pháp đã được đưa ra trong Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, giai đoạn 2017-2021. Trong đó, cần thiết phải có sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các tổ chức, ban, ngành và từng người dân trong công tác phòng chống bệnh dại, đặc biệt là công tác quản lý đàn chó, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biện pháp phòng chống bệnh dại...

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký cam kết chung tay phòng chống bệnh dại.

Sau lễ mít-tinh, hàng trăm người dân đã tham gia lễ diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại năm 2017 tại TP Bắc Giang. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó nuôi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật tỉnh Bắc Giang tổ chức bàn tiếp đón, tư vấn phòng ngừa bệnh dại cho người dân. (Nhân dân, trang 5)

 

Cần  chế tài mạnh hơn vì sự an toàn của thầy thuốc

Làm thế nào để bảo vệ các thầy thuốc, cũng là bảo vệ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, là câu hỏi xuyên suốt trong cuộc hội thảo "Hãy vào cuộc mạnh hơn vì sự an toàn của của cán bộ y tế” do Công đoàn Bộ Y tế và Báo Lao động tổ chức tại Hà Nội ngày 27-9.

Những vụ hành hung bác sĩ vẫn liên tiếp xảy ra khiến các thầy thuốc cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống lại nạn bạo hành y tế. Các thầy thuốc bị bạo hành với nhiều hình thức: lăng mạ, xúc phạm, đe doạ, tấn công và đã có cán bộ y tế bị bắn chết. Nạn bạo hành y tế đã mang tính xã hội là một điều đáng lo âu, đặc biệt, có cả những người có vị trí trong xã hội cũng gây bạo hành với bác sĩ.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này được các nhà quản lý đưa ra mổ xẻ. Theo Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam, nguyên nhân trước hết đến từ bệnh nhân. Họ bị tổn thương về thể chất và tâm lý, lại thiếu sự kiên nhẫn do tác động của bệnh tật nên khi đến bệnh viện (BV) luôn mong muốn được phục vụ trước, trong khi khả năng của cơ sở y tế không thể đáp ứng.

Thứ hai, hệ thống y tế chưa đủ điều kiện cho cán bộ y tế phục vụ người bệnh tốt nhất. Tình trạng thiếu nhân lực khiến một bác sĩ phải khám và điều trị cho vài chục người bệnh một ngày, rồi thủ tục khám rườm rà của BHYT khiến cán bộ y tế phải hứng chịu bức xúc của người bệnh. Do thiếu nhân lực nên cán bộ y tế chỉ tập trung vào chuyên môn mà thiếu tư vấn, cung cấp thông tin cần thiết cho người bệnh- nguyên nhân quan trọng khiến người bệnh bức xúc.

Bà Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, hiện  chưa có cái nhìn công bằng với cán bộ Y tế. Ở Mỹ, việc hành hung một y tá đang làm việc là tội nghiêm trọng. Trong khi vụ hành hung bác sĩ tại BV đa khoa Nghệ An chỉ bị xử phạt hành chính. Vì thế, cần có chế tài đủ sức răn đe những kẻ đã hành hung nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ.

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai) cũng đồng tình quan điểm này: Pháp luật phải đủ mạnh, nghiêm minh, để không còn tình trạng bạo hành trong ngành y tế.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, có ý kiến thẳng thắn chỉ ra: Các y bác sĩ ở các BV lớn luôn coi mình là bề trên, bệnh nhân muốn được chữa trị phải xin xỏ… Khi phải chứng kiến người thân ra đi oan uổng, trong lúc đau đớn họ không kiềm chế được, dẫn đến bạo lực. Vì thế, cần phải giải quyết thấu đáo gốc của vấn đề, nhất là khi các vụ bạo hành chỉ xảy ra ở các BV công.

Về điều này, ông  Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho hay, BV ngoài công lập chiếm tỉ trọng rất thấp so với BV công và BV công có nhiều điểm khác với BV tư:  BV công là do nhà nước đầu tư, tình trạng quá tải rất cao. Các vụ bạo hành đa phần xảy ra ở nơi nhạy cảm là khu vực cấp cứu, có đông người đến điều trị, quá tải, cơ sở vật chất còn hạn chế…. Phần đông cán bộ y tế có tinh thần trách nhiệm, chỉ một số rất ít có những hành xử chưa đẹp, nhưng lại tác động rất lớn.

Để ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế, một số BV tuyến Trung ương đã có lực lượng Công an trực cùng bác sĩ tại các phòng cấp cứu. Song việc hành hung nhân viên y tế vẫn có thể xảy ra. Vì thế, một số người cho rằng, bác sĩ giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, cần phải học võ để bảo vệ tính mạng. Bởi hiện nay, về phương tiện bảo vệ cho đến luật pháp, nhân viên y tế không có công cụ gì để bảo vệ mình.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc BV đa khoa Hà Đông lại cho rằng, ngoài việc KCB, cán bộ y tế còn phải học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rồi cuộc sống đời thường, chứ không thể có thời gian để đi học võ. Hơn nữa, phải phân tích được nguyên nhân đến từ hai phía, cả cán bộ y tế và bệnh nhân, để có một nếp sống văn minh ở nơi công sở. Đội ngũ cán bộ y tế cũng phải luôn trau dồi kiến thức, chuyên môn, để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ.

Ông Cường cũng chia sẻ kinh nghiệm: Từ thực tiễn, chúng tôi tổng kết có ba đối tượng có thể gây bạo hành với cán bộ y tế là chính bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các băng nhóm có xảy ra mâu thuẫn, xô xát, rồi cùng đưa vào BV để điều trị. Tại BV, khoa cấp cứu luôn là điểm nóng nhất, hay xảy ra bạo hành nên phải có cửa thoát hiểm cho cán bộ y tế.

Ông Phạm Đức Mục cho rằng, chửi bới, lăng mạ cán bộ y tế là hành vi phạm pháp. Nhưng đáng tiếc đây lại là dạng bạo hành thường gặp nhất của cán bộ y tế ở Việt Nam, hành vi chửi cán bộ y tế chưa đủ để áp dụng việc bắt giam, xử lý.

 “Tôi nghĩ cán bộ y tế không thể tự bảo vệ được họ. Sứ mệnh của thầy thuốc là cứu bệnh nhân thì phải có một lực lượng để bảo vệ họ. Cần coi BV là một điểm nóng của xã hội và phải tăng cường hệ thống camera giám sát, tăng cường lượng lực an ninh để bảo vệ cán bộ y tế”- ông Phạm Đức Mục nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đề nghị, để ngăn nạn bạo hành y tế,  Bộ Y tế phải ban hành đầy đủ quy định về chuyên môn để cán bộ y tế thực hiện. Cán bộ y tế thực hiện đúng quy định của ngành, thì đó là hàng rào đầu tiên để tự bảo vệ. Bên cạnh đó, cần tăng cường đảm bảo ANTT cho cán bộ y tế làm việc trong các BV. Nếu tạo ra môi trường vừa có chuyên môn, văn hóa, pháp luật thì việc bạo hành sẽ giảm đáng kể. (Công an Nhân dân, trang 3)

Cùng chủ để Báo Nhân dân trang 5: “60% số vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra ở tuyến tỉnh”

 

Báo động bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, đưa ra thực tế đáng báo động có đến 30% trẻ có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Các bác sĩ cảnh báo, nếu cha mẹ cứ giữ thói quen tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh về dùng vô tội vạ chính là đang làm hại con em mình.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho khoảng 3.000- 4.000 trẻ nhỏ, điều trị nội trú cho 1.700 trẻ. Trong số đó hầu hết đều là các bệnh nhi rất nặng với hơn 100 ca thở máy/ngày, hơn 200 ca thở oxy/ngày, trẻ đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cũng có khoảng 70-80 ca. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện điều trị trong tình trạng có một trong các dụng cụ thiết bị y tế kèm theo và được chuyển đến từ rất nhiều bệnh viện ở các tỉnh khác nhau, chính vì đặc tính nặng như vậy nên tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở mức cao.

Các bác sĩ cảnh báo, việc cha mẹ thường có thói quen tự ý mua thuốc điều trị cho con mà không cần sự kê đơn của bác sĩ là điều đáng báo động. Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện mà Bệnh viện Nhi T.Ư cấy phân thì trong đó có đến 30% các em bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện. Ngoài các căn nguyên lý do liên quan đến vấn đề môi trường, thức ăn nước uống có tồn tại dư lượng kháng sinh nhất định thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Do vậy đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc cho trẻ. TS Điển cho biết thêm: “Hiện nay, rất nhiều bệnh nhi chuyển lên chỗ chúng tôi đã có nhiễm khuẩn từ tuyến dưới rồi, do đó tại Bệnh viện Nhi T.Ư có tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngay tại bệnh viện. Hàng ngày chúng tôi phải xác định những ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện và đưa ra chiến lược điều trị thích hợp cho mỗi ca bệnh”.

Theo nhận định của các bác sĩ, việc xử lý bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc là vấn đề khó khăn vất vả cho các bác sĩ lâm sàng, các nhà vi sinh và các nhà kiểm soát nhiễm khuẩn. Vì thế bệnh viện thường xuyên phải có sự họp bàn phối hợp giữa các chuyên ngành trên để đưa ra phác đồ điều trị kháng sinh hiệu quả nhất cho các bệnh nhi, đồng thời phải kết hợp theo dõi kháng sinh trong điều trị và xác định nồng độ thuốc kháng sinh trong máu của các bệnh nhân thì mới có thể vượt qua được tình trạng kháng kháng sinh này.

Dùng kháng sinh có trách nhiệm

PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng kiểm soát nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh hợp lý là hai vấn đề quan trọng kiểm soát được vi khuẩn lan truyền trong bệnh viện. “Trong vấn đề đầu tiên là kiểm soát nhiễm khuẩn tôi cho rằng cần có sự phát hiện, sàng lọc, cách ly phù hợp, nhân viên y tế và người nhà cần tuân thủ phòng ngừa do tiếp xúc. Vấn đề thứ 2 là sử dụng kháng sinh, đây cũng là điều rất quan trọng, cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp. Ở bệnh viện chúng tôi cứ 6 tháng 1 lần đều có các thông báo vi sinh để có chiến lược xây dựng phác đồ điều trị phù hợp, tỷ lệ tuân thủ phác đồ từ đó cao lên”, TS Điển nhận định.

Để phòng chống kháng kháng sinh, PGS.TS Trần Minh Điển cho rằng đã đến lúc chúng ta cần cảnh báo sử dụng thuốc có trách nhiệm và cũng cần nâng cao nhận thức để các bác sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý, kê đơn điều trị nội và ngoại trú phù hợp. Còn PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, sau gần 10 năm theo dõi kháng thuốc, hiện gia tăng tỷ lệ kháng thuốc, đặc biệt là xuất hiện tình trạng đa kháng thuốc của một số loại vi khuẩn. Báo động tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là các vi khuẩn đa kháng hoặc siêu đa kháng.

Sự kháng thuốc kháng sinh, xét về bản chất là do việc sử dụng kháng sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hóa thì sự kháng thuốc sẽ xảy ra dần dần vì vi khuẩn phải có thời gian để đột biến. Thời gian này có thể là 10 năm, có thể là 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chính sự sử dụng kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần.

Để phòng ngừa sự kháng thuốc kháng sinh, ngoài sự quy chuẩn của y tế, ngay bản thân những người bệnh là những người quyết định đến vận mệnh chống nhiễm trùng của mình nhất. Các bác sĩ khuyến cáo, không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Cụ thể không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn vì kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu. Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có “kinh nghiệm” chinh chiến nhiều hơn để thay đổi. Cả hai biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị. Việc sử dụng đúng kháng sinh sẽ hạ thấp được liều điều trị, thành công hóa mục tiêu kiểm soát và sẽ hạn chế tối đa sự kháng thuốc. (Tiền phong, trang 6)

 

Việt Nam đứng số 1 Châu Á về tỉ lệ nạo phá thai

Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.

Sáng 26-9, nhân dịp kỉ niệm 10 năm ngày Tránh thai thế giới, Báo Phụ nữ TP.HCM Tổ chức buổi tọa đàm “Giúp phụ nữ tiếp cận phương pháp tránh thai hiện đại” với buổi trao đổi và cung cấp kiến thức từ GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội phụ sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP.HCM.

GS Ngọc Phượng cho hay, theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y Tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trong đó, tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.

Cũng theo số liệu có được từ hai BV phụ sản lớn là BV Từ Dũ và BV Hùng Vương số lượng phụ nữ đến nạo phá thai những năm qua gần như không giảm. Theo đó, năm 2016, BV Từ Dũ tiếp nhận 27.154 ca phá thai, riêng sáu tháng đầu năm 2017, BV có 14.159 ca đến bỏ thai.  Trong đó, phá thai ở trẻ vị thành niên chiếm hơn 1.000 ca. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 80 ca đến phá thai.

Đối với BV Hùng Vương, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV cho biết, năm 2016 BV này có 15.129 ca đến nạo phá thai, trong đó, độ tuổi từ 18-25 có 3.922 ca. Sáu tháng đầu năm 2017, 7.143 phụ nữ đến phá thai, độ tuổi từ 18-25 chiếm 1.646 ca. Trung bình một ngày BV tiếp nhận khoảng 60-70 ca.

"Trước những con số đầy trăn trở và đau lòng đã cho chúng ta thấy được thực tế về tình trạng phá thai đáng báo động tại Việt Nam", GS. BS Ngọc Phượng bày tỏ,

“Bản thân tôi làm công việc của một bác sĩ phụ sản đã hơn 40 năm, chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện đau lòng. Vì thế ngoài những mong muốn mang kiến thức ngừa thai đến cho đối tượng các bạn trẻ là sinh viên, tôi còn một niềm trăn trở với đối tượng là công nhân. Chúng ta phải làm sao cùng nhau chung tay đưa thông tin cập nhật về biện pháp ngừa thai hiện đại đến với các bạn trẻ nhằm góp phần nâng cao kiến thức và nhận thức về thái độ lựa chọn cách sống chủ động, trong đó có chủ động lựa chọn biện pháp ngừa thai an toàn - hiệu quả” – GS . BS Ngọc Phượng chia sẻ. (Pháp luật TPHCM, trang 2)

 

Siết quản lý an toàn thực phẩm trong trường học

Năm học 2017 - 2018, TPHCM sẽ rà soát toàn bộ việc cấp phép cho các bếp ăn, căn tin, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học.

Từ năm học 2017 - 2018, công tác quản lý VSATTP trong trường học sẽ được siết chặt

Ngoài ra, cũng trong năm học này, trường học sẽ vận hành hệ thống tự kiểm tra, đánh giá chất lượng bếp ăn cũng như quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Theo thống kê của Ban Quản lý an toàn thực phẩm (QLATTP) TPHCM, hiện nay trên toàn địa bàn TPHCM có 2.821 cơ sở tổ chức dịch vụ ăn uống trong trường học. Trong đó, 1.620 cơ sở có bếp ăn tập thể, 883 cơ sở tổ chức căn tin và 318 cơ sở nhận suất ăn sẵn bên ngoài cung cấp cho học sinh. Như vậy, bếp ăn tập thể đang chiếm tỷ lệ hơn 50% cơ sở tổ chức dịch vụ ăn uống trong nhà trường, tập trung phần lớn ở bậc mầm non với 99,1% số đơn vị.

Tuy nhiên, lên đến tiểu học, số trường tổ chức bếp ăn tập thể chỉ còn 32,1% và tiếp tục giảm mạnh ở hai bậc THCS, THPT với hơn 20% ở mỗi bậc học. Theo ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban QLATTP TP, càng lên các bậc học cao, bếp ăn tập thể càng giảm, trong khi số lượng căn tin tăng lên đáng kể đòi hỏi yêu cầu quản lý đối với loại hình này. Theo bà Lê Thị Xinh, Phó phòng GD-ĐT quận Thủ Đức, nhiều căn tin trường học hiện nay chưa đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), vẫn còn tình trạng căn tin bán hàng quá đát, không rõ nhãn mác, không có thời hạn sử dụng rõ ràng.   

Cũng theo Ban QLATTP TP, từ năm 2014 đến nay đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, với 305 học sinh mắc phải. Trong đó, có 60,7% trường hợp liên quan đến vi sinh vật, 25% liên quan thực phẩm bị biến chất, còn lại một số nguyên nhân khác như độc tố tự nhiên, hóa chất tồn dư trong thực phẩm… Có thực tế này là do chưa có sự giám sát thường xuyên của cơ quan quản lý đối với các bếp ăn, cơ sở chế biến suất ăn sẵn cung cấp cho trường học.

Ngoài ra, đội ngũ nhân viên chế biến thức ăn trong trường học chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về VSATTP, đặc biệt là các kiến thức bảo quản, chế biến thực phẩm và phòng chống ngộ độc. Bên cạnh đó, ở nhiều trường học, suất ăn cho học sinh từ lúc chế biến xong đến khi sử dụng còn kéo dài, không có thiết bị bảo quản, hâm nóng phù hợp. Trước thực trạng đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban QLATTP TP, đặt ra yêu cầu phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Trong đó, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm lựa chọn đối tác cung cấp thực phẩm phù hợp, thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Vừa qua, có tình trạng các đoàn kiểm tra đến trường giám sát VSATTP bị lãnh đạo trường viện cớ đang tổ chức thi cử, họp hành không cho vào kiểm tra. Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Không có vùng cấm trong quản lý VSATTP. UBND TP đã chỉ đạo trong các đợt cao điểm thi cử càng phải siết chặt vấn đề VSATTP để đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Do đó, trường học không thể viện bất cứ lý do gì thể hiện thái độ không hợp tác, cản trở công tác kiểm tra”. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, thời gian qua mặc dù đã có nhiều văn bản pháp lý nhưng công tác kiểm tra vẫn còn nhiều bất cập. Thời gian tới, TP sẽ thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp như rà soát toàn bộ việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các bếp ăn, căn tin, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho trường học, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, khuyến khích trường học lấy thực phẩm từ nguồn an toàn, tổ chức diễn tập xử lý tình huống xảy ra ngộ độc thực phẩm và xây dựng quy trình điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học…

Ngoài ra, theo kế hoạch liên tịch về “Bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM từ năm 2017 đến hết năm 2019” ký kết giữa Sở GD-ĐT và Ban QLATTP TP, sẽ có 2 quận thực hiện thí điểm cung cấp thực phẩm sạch cho học sinh trong năm học 2017 - 2018 là quận 3 và 5. Các quận, huyện còn lại phải đảm bảo 100% bếp ăn tập thể tự tổ chức trong trường học thực hiện cam kết ATTP, 100% bếp ăn hợp đồng thuê mướn người bên ngoài vào nấu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn.

Hiện nay, đối với những cơ sở kinh doanh có quy mô cung cấp trên 200 suất ăn/lần phục vụ phải được cấp phép và chịu sự giám sát của Ban QLATTP TP. Những cơ sở kinh doanh có quy mô cung cấp từ 50-200 suất ăn/lần phục vụ do UBND quận, huyện quản lý. Riêng đối với những cơ sở có quy mô cung cấp dưới 50 suất ăn/lần phục vụ sẽ do trạm y tế phường, xã quản lý. Trường hợp trường học tự tổ chức bếp ăn (không có giấy phép tổ chức kinh doanh ăn uống) không cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP nhưng phải thực hiện cam kết về chất lượng thực phẩm. Trong các trường hợp trường học thuê mướn người bên ngoài vào nấu hoặc ký hợp đồng với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 

Đưa vào hoạt động bệnh viện tư lớn nhất Đà Nẵng

Sáng 27-9, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Đà Nẵng đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động.

Vinmec Đà Nẵng là một trong bốn cơ sở y tế được chọn tham gia phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra vào tháng 11-2017 tại TP Đà Nẵng

Bệnh viện có tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 37.000m2, gồm 9 tầng nổi, 1 tầng hầm; quy mô 222 giường bệnh, đáp ứng nhu cầu phục vụ hàng ngàn lượt khám và điều trị mỗi năm với đầy đủ các chuyên khoa lớn với hệ thống trang thiết bị y khoa hiện đại như nội, ngoại, sản, nhi với mũi nhọn là hồi sức cấp cứu, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh...

Đây cũng là 1 trong  4 cơ sở y tế được chọn tham gia phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 diễn ra vào tháng 11-2017 tại thành phố Đà Nẵng.

Vinmec Đà Nẵng đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố, giúp người dân không phải vượt tuyến hoặc ra nước ngoài chữa bệnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Tốn 600 tỷ đồng điều trị cho người bị chó cắn mỗi năm

Tại Hội nghị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại do Bộ Y tế phối hợp với Bộ NNPTNN tổ chức ngày 27.9 tại Bắc Giang, ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), chó mèo cắn người đã gây ra những thiệt hại lớn về tính mạng, kinh tế cho gia đình và xã hội

Theo ông Tấn, mỗi ca điều trị dự phòng động vật cắn (chủ yếu là chó) tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Trung bình mỗi năm có khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng. Thiệt hại trực tiếp về kinh tế ước khoảng 600 tỷ đồng

Chính vì số tiền khá lớn nên nhiều người dân đã không đi tiêm phòng, dẫn đến hậu quả mỗi năm có khoảng 100 người tử vong do bệnh dại.

Tiêm phòng cho chó chỉ mất 20-40.000 đồng nhưng nếu người bị cắn phải điều trị dự phòng thì tốn 1,5-2 triệu đồng

Tính cụ thể hơn về gánh nặng do bệnh dại, ông Tấn cho biết: tổn thất lớn đến tính mạng con người.  Từ năm 2005 đến năm 2016 trên cả nước có 1.055 người bị chết do bệnh dại. Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã có 56 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Còn về thiệt hại kinh tế, theo con số thống kê đánh giá của Bộ NNPTNN trong 10 năm, từ năm 2005-2014, khoảng hơn 4 triệu người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại cho thấy thiệt hại kinh tế lên tới 14.608 tỷ đồng (tương đương 664 triệu USD).

Chưa kể đến các gánh nặng khác như hang triệu người bị chó mèo cắn, phần lớn là trẻ em. Chó mèo thả rông gây nên nỗi sợ hãi cho mọi người, là nguyên nhân gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông...

Theo báo cáo, Việt Nam có đàn chó “khổng lồ” với khoảng 7,7 triệu con (thống kê năm 2016). Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng đánh giá Việt Nam là một trong các quốc gia đang có bệnh dại lưu hành, có nguy cơ cao lây truyền bệnh dại từ động vật sang người.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng nhóm thư ký Văn phòng Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, số ca tử vong do bệnh dại là 49 ca (tương đương với cùng kỳ năm 2016). Các tỉnh dẫn đầu là Bắc Giang (6 ca), Nghệ An (5 ca), Sơn La (5 ca)… 70% các ca bị động vật cắn là do chó, 12% do mèo, còn lại là do dơi, chuột…

Nguyên nhân người dân không đi tiêm phòng dẫn đến tử vong đa số là chủ quan, cho rằng bị chó nhà cắn là bình thường. Có người điều trị bằng thuốc nam không đi tiêm đến khi lên cơn dại hoặc không có tiền để đi tiêm phòng… “100% người bị chó mèo cắn đều có nguy cơ phơi nhiễm với bệnh dại. Do đó, người dân không nên chủ quan, không đi tiêm phòng” – bà Hương nhấn mạnh.

Điều nghịch lý nhất hiện nay là chi phí tiêm phòng cho chó mèo khá rẻ chỉ 20-40.000 đồng/con. Nhưng nếu bị chó mèo cắn đi tiêm phòng, chi phí sẽ từ 1,5-2 triệu đồng/người bị cắn.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNN, số chó được tiêm vắc xin trên toàn quốc khá thấp, chỉ đạt hơn 2,9 triệu con (đến tháng 6.2016), chiếm 38,5% tổng đàn. Chỉ có 22 tỉnh, thành phố tiêm phòng đạt yêu cầu (trên 70% tổng đàn chó). (Nông thôn Ngày nay, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 2: “57 người tử vong vì bệnh dại trong 9 tháng đầu năm”: Báo Tuổi trẻ trang 14: “Tử vong chó dại cắn tăng cao”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang