Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Bát nháo cơ sở thẩm mỹ không phép; Việt Nam đối mặt với gánh nặng bệnh tật do sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm; Hơn 40.000 trẻ dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ BHYT qua liên thông...

 

Tham vấn ý kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế

Ngày 28/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Hội Kinh tế y tế Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Tại hội thảo, các ý kiến tham gia đóng góp Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã nêu ra các nhóm chính sách lớn nhằm thực hiện xung quanh các mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đề ra. Theo đó, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cần điều chỉnh 05 nhóm chính sách lớn đó là: Mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế; Mở rộng phạm vị quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế; Đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; Bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan Bảo hiểm xã hội trong hoạt động giám định Bảo hiểm y tế; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.

Theo thống kê số người tham gia Bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng. Đã có hơn 91,067 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% số dân. Chất lượng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận với những gói dịch vụ y tế chất lượng cao, thiết bị y tế kỹ thuật hiện đại, nhiều thuốc mới... (Nhân dân, trang 7).

 

Việt Nam đối mặt với gánh nặng bệnh tật do sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm

Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn...

Những thông tin trên được đưa ra tại "Hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 2 về phòng chống các bệnh không lây nhiễm" tổ chức tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 27/6. Đây sự kiện đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng, quan tâm và đánh giá cao vai trò của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong phát triển đất nước. Đặc biệt trong 3 năm chống dịch COVID-19 vừa qua, không thể nói hết những hy sinh của các nhân viên y tế giúp đất nước vượt qua đại dịch và cùng với đó là sự đóng góp và hỗ trợ rất hiệu quả của các quốc gia, bạn bè trên thế giới trong đó có đất nước Nhật Bản.

Trong 50 năm qua, quan hệ hợp tác y tế giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được mở rộng và phát triển. Thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành Y tế Việt Nam nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi. Các dự án hợp tác với Nhật Bản đều được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững, mang lại những đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và quản lý bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu rõ trên thế giới, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây ra gánh nặng bệnh tật lớn nhất với hầu hết các quốc gia và khu vực. Số liệu năm 2019 cho thấy gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 62,5% tổng gánh nặng bệnh tật do mọi nguyên nhân, trong khi gánh nặng bệnh tật do bệnh truyền nhiễm, bệnh lý bà mẹ, chu sinh, rối loạn dinh dưỡng chỉ chiếm khoảng 27%. Đây là những bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, những bệnh không lây nhiễm thường có chung một số yếu tố nguy cơ có thể phòng, tránh được, vì vậy kiểm soát những yếu tố nguy cơ chung của bệnh không lây nhiễm có vai trò quan trọng hàng đầu.

Bộ Y tế đang hợp tác với các quốc gia trong đó có Nhật Bản để chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, quản lý bệnh viện và nhiều lĩnh vực y tế khác.

Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ, đây còn là dịp trao đổi về thực trạng, thách thức, chiến lược kiểm soát và quản lý các bệnh không lây nhiễm, mà trở thành diễn đàn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực y tế giữa hai nước và từ đó đưa ra các định hướng về hợp tác, phát triển trong tương lai.

Cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm để giảm những 'kẻ giết người thầm lặng'

Liên quan đến bệnh không lây nhiễm, trao đổi với báo chí, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết thêm, hiện nay, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ tử vong cao do sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,…

Những bệnh không lây nhiễm được coi như là 'kẻ giết người thầm lặng' vẫn luôn đặt ra những thách thức đối với sức khỏe cộng đồng do tỷ lệ mắc ngày càng cao và những hậu quả, di chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người có nguy cơ, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, sau đại dịch COVID-19, chúng ta sẽ đối mặt với đại dịch các bệnh không lây nhiễm. Do đó, bên cạnh việc phòng các bệnh truyền nhiễm mới nổi như COVID-19..., các nước cần tập trung phòng, điều trị bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tâm thần. Ngoài ra, còn thêm mặt bệnh đó là chấn thương do tai nạn thương tích.

Theo ông Khuê, báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú là mắc các bệnh không lây nhiễm. Các bệnh viện, khoa điều trị ung thư, hô hấp, tim mạch đều rất đông bệnh nhân. Sức khỏe tâm thần cũng đang là thách thức rất lớn.

Thống kê của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, khoảng 6-7% dân số mắc đái tháo đường, theo Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, "sát thủ thầm lặng" là bệnh tăng huyết áp chiếm 25% số người trên 25 tuổi. Tất cả bệnh không lây nhiễm đều gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại chỉ 1/3 số bệnh nhân mắc bệnh được phát hiện và điều trị.

Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia rất nhiều nên làm gia tăng tai nạn thương tích, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim. Tỷ lệ hút thuốc lá cao cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh từ ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Hơn 40.000 trẻ dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ BHYT qua liên thông

Tính đến 22/6, BHXH 2 địa phương (Hà Nội và Hà Nam) triển khai làm điểm đã tiếp nhận và giải quyết 40.338 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.403 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp mai táng qua 02 nhóm dịch vụ công.

BHXH Việt Nam vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về việc tổng kết triển khai làm điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông, gồm: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng.

Cụ thể, tính đến ngày 22/6, BHXH 2 địa phương (Hà Nội và Hà Nam) triển khai làm điểm đã tiếp nhận và giải quyết 40.338 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 1.403 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp mai táng qua 02 nhóm dịch vụ công liên thông này, trong đó:

BHXH TP.Hà Nội đã tiếp nhận 33.548 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có 32.753  hồ sơ hợp lệ (98% tổng số hồ sơ) qua thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi"; 922  hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp mai táng, trong đó có 335 hồ sơ hợp lệ (36% tổng số hồ sơ) qua TTHC liên thông "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng".

Tại BHXH tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận: 6.790 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có 6.618 hồ sơ hợp lệ (97% tổng số hồ sơ) qua thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi"; 481 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp mai táng, trong đó có 265 hồ sơ hợp lệ (55% tổng số hồ sơ) qua thủ tục hành chính liên thông "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng".

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên thông đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người dân và các cơ quan nhà nước. Đối với người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần nhưng có thể giải quyết được 3 thủ tục hành chính kèm theo, qua đó thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ của người dân đã được giảm đáng kể. Đối với cơ quan BHXH, giúp giảm áp lực tại bộ phận "Một cửa" của các đơn vị, qua đó giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn; đồng thời tạo công khai, minh bạch trong việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông này còn tạo sự phối hợp, gắn kết, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân. Đây cũng là tiền đề để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu triển khai các nhóm TTHC liên thông khác, ngày càng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, người lao động.

Để sẵn sàng cho việc triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trên toàn quốc, BHXH Việt Nam đã ban hành Quy trình liên thông điện tử giải quyết nhóm thủ tục hành chính "Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí"; Quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông điện tử "Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi".

Đồng thời, với tinh thần sẵn sàng cho việc triển khai 02 nhóm thủ tục hành chính trên toàn quốc, Ngành đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm, cấu hình các dịch vụ công liên quan; tổ chức tập huấn cho BHXH các tỉnh, thành phố đảm bảo việc triển khai đạt hiệu quả, thống nhất theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. ((Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Bát nháo cơ sở thẩm mỹ không phép

Liên tiếp thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra nhiều vụ tai biến, thậm chí có trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở thẩm mỹ trái phép. Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, việc quản lý đang gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa có quy định cụ thể về biển hiệu, dễ gây hiểu nhầm; trong khi đó, hình phạt chưa đủ sức răn đe.

Xử phạt không xuể

Ngày 28-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, vừa tiếp nhận thông tin một trường hợp tử vong do tiêm filler trên địa bàn thành phố. Bệnh nhân là chị T.T.L. (27 tuổi, ngụ Cà Mau) đến TPHCM và ở một khách sạn tại quận 10. Sáng 27-6, chị L. được một người đến khách sạn tiêm filler nâng ngực. Sau tiêm, chị L. bị biến chứng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh trong tình trạng tím tái, đồng tử giãn và sau đó tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do ngộ độc thuốc tê. Hiện Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã vào cuộc, niêm phong bệnh án, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ nguyên nhân.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân T.T.L.P. (50 tuổi) bị tai biến do phẫu thuật cắt mí mắt tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tại quận 10.

Trong năm 2022, Sở Y tế đã kiểm tra 138 cơ sở và ra 144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt hơn 7,5 tỷ đồng; tước giấy phép hoạt động có thời hạn đối với 12 cơ sở. Trong 5 tháng đầu năm, sở đã kiểm tra 67 cơ sở, ra 77 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt gần 4,5 tỷ đồng, tước giấy phép hoạt động có thời hạn đối với 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn đối với 5 cá nhân; đình chỉ hoạt động 33 cơ sở, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo nội dung quảng cáo đối với 17 cơ sở.

Tuy nhiên, một cán bộ thanh tra Sở Y tế TPHCM thừa nhận, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ hiện nay đang gặp khó, nguyên nhân do: các đối tượng thực hiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ lén lút tại các cơ sở chăm sóc da (spa), cơ sở cắt tóc, gội đầu (hair salon), các khách sạn và các cơ sở lưu trú (căn hộ, chung cư…). Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh không phép, hoạt động lén lút và có tính chất đối phó với cơ quan quản lý nhà nước như thay đổi biển hiệu, giải thể cơ sở cũ thành lập cơ sở mới, đổi tên chủ sở hữu cơ sở…

Đủ kiểu vi phạm

Theo Sở Y tế TPHCM, các hành vi vi phạm chủ yếu bao gồm khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.

Bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết, nhiều cơ sở còn quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang trong thời hạn bị đình chỉ hoạt động.

“Hiện Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế, Bộ TT-TT và các bộ, ngành có liên quan có quy định chặt chẽ và kiểm soát quảng cáo trên mạng xã hội vì đây là kênh mà các cơ sở không phép, núp bóng, làm chui, trục lợi người bệnh thường sử dụng để dễ dàng tiếp cận người dân, cùng với đó là tăng nặng các mức xử phạt đủ sức răn đe các hành vi cố tình vi phạm pháp luật”, bác sĩ Hồ Văn Hân cho biết.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính đến tháng 6-2023, trên địa bàn TPHCM có 22 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, 15 bệnh viện đa khoa có khoa, đơn vị thẩm mỹ (chưa tính các bệnh viện công lập có khoa/đơn vị thẩm mỹ), 5 phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ, 254 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 46 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da gửi văn bản thông báo đủ điều kiện và được công bố trên cổng thông tin Sở Y tế. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở chăm sóc da, spa, cắt tóc, gội đầu, làm móng thuộc nhóm 1 do UBND quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép hoạt động. (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang