6 giờ phẫu thuật cứu cứu bé trai bệnh tim nặng
Ngày 27-12, bệnh nhi Nguyễn Lê Hoàng A. (12 tuổi, trú TP. Đà Nẵng) đã xuất viện sau một thời gian điều trị bệnh tim tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng. Em A. là trường hợp khá hi hữu vì bị bệnh tim thường gặp ở người lớn.
Theo các bác sĩ của Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, ngày 30-11, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhi A. nhập viện trong tình trạng ngực trái đau dữ dội, khó thở và bị ngất. Em được chẩn đoán vỡ phình tách động mạch chủ tuýp A.
BS Nguyễn Thanh Hiền, trưởng Khoa ngoại tim mạch lồng ngực, cho biết phình tách động mạch chủ tuýp A là bệnh tim nặng, tiên lượng rất xấu, không được điều trị thì nguy cơ tử vong tăng 1% cho mỗi giờ trong vòng 72 giờ.
Gia đình bé A. cho biết trưa 30-11, khi đang chơi bỗng nhiên em bị đau ngực trái, kèm theo khó thở và ngất. Khi được gia đình đưa đến bệnh viện, bệnh nhân lúc mê lúc tỉnh, mệt mỏi, vã mồ hôi, môi và đầu chi tím. Các bác sĩ nhận định trường hợp của A. cần được phẫu thuật khẩn cấp.
Phình tách động mạch chủ tuýp A thường gặp ở người lớn, khi phẫu thuật phải thay một đoạn động mạch chủ đồng thời thay van động mạch chủ. Tuy nhiên đây là trường hợp còn rất trẻ nên cần bảo tồn van động mạch chủ.
Với sự phối hợp của chuyên gia, ca phẫu thuật diễn ra trong 6 giờ đã thay đoạn động mạch phình, bảo tồn van động mạch chủ, tạo hình động mạch vành phải và cắm lại hai lỗ động mạch vành vào mạch nhân tạo.
BS. Hiền cho biết thêm: “Sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, mạch nhân tạo tương thích và hoạt động ổn định trong cơ thể, các hoạt động, chức năng của tim hồi phục tốt. Không có dấu hiệu nhiễm trùng hay xuất huyết trong”. (Tuổi trẻ, trang 14).
Nhiều khó khăn trong thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS
Năm 2017, kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm nhiều. Để giải quyết vấn đề này, tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND các tỉnh bảo đảm 100% số người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, cho đến nay, số người nhiễm HIV có thẻ BHYT mới đạt tỷ lệ hơn 40%.
BHYT sẽ giảm gánh nặng cho người nhiễm HIV
Cả nước hiện có hơn 220 nghìn người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 50% số người bệnh đang điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV); số thuốc này vẫn đang được cấp miễn phí cho người bệnh bằng nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ sẽ giảm dần và đến giữa năm 2017 sẽ cắt giảm hoàn toàn. Như vậy, 50% số người bệnh sẽ phải tự chi trả kinh phí điều trị bệnh.
Điều trị HIV/AIDS là một cuộc chiến gian nan, suốt đời, đòi hỏi người bệnh phải có đủ kinh phí và tinh thần thoải mái. Nếu trong quá trình điều trị mà bỏ giữa chừng hoặc gián đoạn thì nhiễm trùng cơ hội sẽ bùng phát, nguy cơ lây lan ra cộng đồng và sẽ rất tốn kém, nếu phải điều trị lại từ đầu theo một phác đồ mới. Hiện nay, chi phí thấp nhất cho việc điều trị HIV là khoảng hơn bốn triệu đồng/năm/người đối với các trường hợp điều trị theo phác đồ 1. Nhưng với người bệnh kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2 thì chi phí điều trị tăng lên gấp bảy, tám lần. Điều đáng nói, tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên, hiện chiếm 4,5% tổng số người bệnh đang điều trị. Như vậy, nếu không có thẻ BHYT, người bệnh sẽ phải bỏ ra một số tiền rất lớn để điều trị bệnh. Thông thường, một người nhiễm HIV khi khám bệnh sẽ phải chi trả rất nhiều khâu như: xét nghiệm, điều trị nhiễm trùng cơ hội... Bên cạnh đó, rất nhiều người nhiễm HIV, khi chuyển sang giai đoạn AIDS thường mắc thêm các bệnh khác, họ phải đồng chi trả 50% BHYT khi dùng thuốc đắt tiền để điều trị các bệnh cùng mắc, đó là một gánh nặng cho người bệnh. Chị Thương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang điều trị AIDS, lại bị ung thư phổi nói: Tôi được dùng miễn phí thuốc ARV thường xuyên bốn năm nay rồi, nhưng ba tháng nay tôi phải trả thêm một nguồn kinh phí để điều trị bệnh ung thư phổi. Cả hai vợ chồng tôi cùng bị nhiễm HIV, sức khỏe yếu, việc làm không ổn định. Bây giờ có BHYT chi trả cho điều trị bệnh thì tốt quá.
Khó khăn chồng khó khăn
Cục trưởng Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết: Về lâu dài, giải pháp sử dụng BHYT chi trả cho điều trị AIDS vẫn là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, để triển khai được vấn đề này còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi những ràng buộc, điều kiện khi tham gia BHYT. Phần lớn người nhiễm HIV là lao động tự do, không đủ giấy tờ cá nhân pháp lý như hộ khẩu, chứng minh nhân dân để tham gia BHYT. Việc mua BHYT theo hộ gia đình cũng là một trong những khó khăn vì phần lớn những người trong các gia đình này đều nghèo. Bên cạnh đó, nhiều người sau khi ra khỏi trung tâm giáo dục chữa bệnh lo sợ bị kỳ thị cho nên không dám về địa phương, đi tìm việc nhiều nơi, không đăng ký tạm trú hoặc thường trú; thường xuyên thay đổi chỗ ở, sống lang bạt, thậm chí họ không có cả chứng minh nhân dân. Đây là rào cản cơ bản khiến người nhiễm HIV khó tiếp cận BHYT. Bên cạnh đó, nhiều người nhiễm HIV chưa sẵn sàng mua thẻ BHYT do còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc các dự án. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, gây cản trở cho người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc nhiễm HIV/AIDS, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT...
Anh Phí Thanh Hùng (quận Lê Chân, TP Hải Phòng), nhiễm HIV đã 5 năm, điều trị ARV miễn phí được bốn năm, chia sẻ: Người nhiễm HIV như chúng tôi có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe kém cho nên không có công việc ổn định dẫn đến thu nhập cũng bấp bênh. Tiền ăn, sinh hoạt hằng ngày lo từng bữa, cho nên để chi trả mua thẻ BHYT là điều không thể. Lý do nữa là giấy tờ cá nhân không đầy đủ, người nhiễm HIV chủ yếu sống lang thang, không có hộ khẩu, không nơi cư trú cho nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước (kể cả là diện nghèo). Và điều chúng tôi lo sợ nhất khi khám, chữa bệnh bằng BHYT là mọi người sẽ biết mình bị nhiễm HIV và kỳ thị. Vẫn biết rằng sử dụng BHYT trong khám, chữa bệnh cho chúng tôi là giải pháp hiệu quả nhất trong lúc này nhưng cần có cơ chế riêng để chúng tôi tham gia BHYT một cách thuận lợi nhất. Nếu như một ngày chúng tôi không có thuốc uống, thì coi như cả quá trình điều trị trước đó không còn tác dụng, phải điều trị lại từ đầu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Ngành y tế đang tìm các giải pháp thích hợp để tăng tỉ lệ người nhiễm HIV có BHYT, như tăng cường công tác truyền thông, vận động để người nhiễm HIV tự nguyện mua BHYT. Những hộ không có điều kiện kinh tế để mua cả gia đình sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT. Bộ Y tế cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ y tá, bác sĩ tại các trung tâm y tế, bệnh viện các tuyến có chức năng khám, chữa bệnh cho người bệnh HIV/AIDS. Cán bộ y tế phải hiểu, thông cảm và đồng cảm với người bệnh. Quy định về giấy tờ, hồ sơ phải được mã hóa, bảo đảm bảo mật bệnh tật của người bệnh; bảo đảm thông tin về HIV không tiết lộ ra ngoài, chỉ hạn chế trong các cơ sở điều trị và cơ quan BHYT. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người bệnh nhiễm HIV/AIDS phải vượt qua được sự kỳ thị bởi đây là cuộc chiến đấu lâu dài, cho nên không thể giấu suốt đời. (Nhân dân, trang 8).
Bệnh viện phải trực 24/24 giờ dịp nghỉ Tết Dương lịch
Ngày 28-12, để bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2017 sắp tới, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trong cả nước bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám chữa bệnh phục vụ nhân dân, đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.
Các sở y tế chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tại các điểm vui chơi, lễ hội. Các cơ sở y tế phải bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực 24/24 giờ trong những ngày nghỉ để phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Các bệnh viện cũng phải xây dựng kế hoạch phối hợp với công an, các lực lượng liên quan trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phòng chống cháy nổ tại đơn vị. Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ, sở y tế các tỉnh, thành phố quán triệt tới từng cán bộ trong đơn vị có trách nhiệm kiểm tra kỹ hệ thống phòng chống cháy nổ, tắt tất cả các thiết bị điện không cần thiết; nghiêm cấm việc thắp hương, đun nấu trong phòng làm việc đảm bảo phòng chống cháy nổ tại đơn vị, niêm phong toàn bộ cửa ra vào các phòng của đơn vị. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Một trẻ sơ sinh nặng gần 5kg tử vong do bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh nhiều người dân kéo đến Bệnh viện (BV) Đa khoa Vân Đình (thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa) phản ánh bác sĩ ở đây tắc trách, khiến bé gái 3 ngày tuổi tử vong.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vụ việc vào chiều 28-12, ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc BV Đa khoa Vân Đình khẳng định, Ban lãnh đạo BV đã họp và xem xét lại toàn bộ sự việc, nhân viên y tế BV thực hiện đúng quy trình. Cụ thể, ngày 17-12, sản phụ Ngô Thị H. (23 tuổi, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa) đến BV Đa khoa Vân Đình sinh và được chỉ định đẻ mổ do cách đó 1 tuần qua siêu âm, các y, bác sĩ chẩn đoán thai đa ối và to (thai nhi nặng gần 5kg, trong khi sản phụ chỉ nặng khoảng 42kg). Sau khi sinh, trẻ hoàn toàn bình thường, hồng hào. Tuy nhiên, đến ngày 18-12, trẻ có các biểu hiện bỏ bú, da tái xanh, hạ đường huyết (giảm insulin trong máu), gia đình cho uống sữa nhưng bé bị sặc. BV Đa khoa Vân Đình đã chuyển bệnh nhi lên BV Đa khoa Xanh Pôn. Tại đây, các bác sĩ đã truyền glucose (đường đơn) liên tục cho trẻ, nhưng cơ thể trẻ không tiếp nhận. Và đến ngày 20-12, trẻ tử vong. Ông Nguyễn Văn Chương lý giải, cháu bé mắc một bệnh lý hiếm gặp, nên qua siêu âm và xét nghiệm thông thường rất khó phát hiện được. Khi trong cơ thể người mẹ, thai nhi sống thụ động, lượng đường tiêu thụ hoàn toàn được lấy từ cơ thể người mẹ. Ngày đầu tiên chào đời, cơ thể trẻ vẫn còn dư âm từ người mẹ nên vẫn bình thường. Đến ngày thứ hai, trẻ bắt đầu sống với môi trường tự nhiên và bắt đầu có dấu hiệu hạ đường huyết. Thậm chí, khi chuyển đến BV Đa khoa Xanh Pôn, các y, bác sĩ liên tục truyền glucose, song đường huyết vẫn không thể lên được.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, qua xem xét ban đầu xác định, bé sơ sinh mắc một bệnh lý hiếm gặp, dẫn đến đường huyết liên tục giảm, nghi ngờ do gen hoặc cường hormol gây hạ đường huyết dẫn tới viêm phổi, suy đa tạng và tử vong. Hạ đường huyết kéo dài hay cường insulin ở trẻ sơ sinh là căn bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ là 1/50.000 trẻ sơ sinh.
Chiều 28-12, Bộ Y tế có Công văn số 9144/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế Hà Nội, đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo, tiến hành kiểm tra xử lý giải quyết vụ việc, đồng thời trả lời gia đình bệnh nhi và các cơ quan truyền thông và gửi báo cáo về Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) trước ngày 3-1-2017. (Hà Nội mới, trang 7).
Phẫu thuật cứu sống bé trai bị vỡ động mạch chủ
Sau cơn đau ngực đột ngột ở ngực trái, bé trai 12 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng vỡ phình, bóc tách động mạch chủ.
Chiều 27-12, BV Đa khoa Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) cho biết vừa thực hiện phẫu thuật thành công một ca bệnh hiếm gặp, giúp bảo tồn van động mạch chủ cho bệnh nhân.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Lê Hoàng A. (sn 2004) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngực trái đau dữ dội, khó thở và bị ngất.
Qua chẩn đoán, các bác sĩ xác định, bệnh nhân bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ tuýp A. Nếu không được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong tăng 1% cho mỗi giờ. Các bác sĩ tại Khoa cấp cứu đã thực hiện kiểm soát huyết áp tức thời nhằm hạn chế bóc tách lan rộng.
Gia đình A. cho biết bệnh tim bẩm sinh của em được phát hiện từ sớm và đã đi khám tại nhiều trung tâm y tế khác nhau. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và độ rủi ro cao nên gia đình vẫn chưa quyết định cho em phẫu thuật để điều trị dứt điểm.
Sau khi thực hiện các bước xét nghiệm, đơn vị Tim Mạch (BV Hoàn Mỹ) nhận định trường hợp của A. cần được phẫu thuật khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, phình tách động mạch chủ tuýp A thường gặp ở người lớn. Khi phẫu thuật phải thay một đoạn động mạch chủ, đồng thời thay van động mạch chủ. Tuy nhiên, đây là trường hợp trẻ nên cần phải bảo tồn van động mạch chủ.
Hội chẩn cùng chuyên gia của BV Tim Hà Nội, BV chọn phương pháp phẫu thuật Tirone David. Van động mạch chủ được định hình lại trong mạch nhân tạp, các động mạch vành được khâu phục hồi cấu trúc.
Ca phẫu thuật diễn ra trong sáu giờ liên tục bao gồm nhiều công đoạn như thay đoạn động mạch phình, bảo tồn van động mạch chủ, tạo hình lại động mạch vành...
ThS-BS Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng khoa ngoại tim mạch lồng ngực, cho biết sau phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, mạch nhân tạo tương thích và hoạt động ổn định trong cơ thể, các hoạt động, chức năng của tim hồi phục tốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng hay xuất huyết.
BS Hiền cho biết thêm, tỉ lệ trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh khoảng 8/1.000 trẻ. Các bậc phụ huynh cần quan tâm và cho con em được khám và tầm soát bệnh ngay từ đầu sẽ giúp các em nhận được sự chăm sóc tốt nhất về mặt y tế, tránh các trường hợp bệnh nặng khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn.( Pháp luật TPHCM, trang 13).
Phòng ngừa rủi ro cho bệnh nhân gây mê
Trước một số ca tử vong khi gây mê để phẫu thuật thời gian qua, không ít người dân đã tỏ ra lo lắng đồng thời đặt câu hỏi về các biện pháp phòng tránh rủi ro khi gây mê…
Có một thực tế đáng buồn là sự cố bị tử vong khi gây mê không phải là sự việc hy hữu. Điều này cho thấy gây mê là khâu quan trọng trong mỗi cuộc phẫu thuật hay can thiệp y khoa và chỉ cần thiếu thận trọng ở một khâu trong quá trình gây mê sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Có thể nói, hầu hết các bệnh nhân tử vong khi gây mê đều có biểu hiện bị sốc phản vệ. Khi vào cơ thể, thuốc mê có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương để làm mất hoàn toàn tạm thời ý thức, phản xạ và mọi cảm giác của toàn thân, trong khi vẫn duy trì được các chức năng sống. Người bệnh được gây mê như ngủ rất say, không thể nhận biết được việc mình đang bị phẫu thuật. Thông thường, mỗi loại thuốc gây mê có có liều lượng sử dụng riêng.
Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu (Bệnh viện E) cho biết, hiện có không ít người cho rằng, gây mê là khâu không quan trọng trong mỗi cuộc phẫu thuật nên thường bị xem nhẹ. Trong khi đó, bệnh nhân chỉ cần dị ứng với thuốc gây mê sẽ gây sốc phản vệ và tử vong rất nhanh. Vì vậy, việc sử dụng thuốc gây mê chỉ được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức.
Quá trình gây mê có nhiều giai đoạn và trong mỗi giai đoạn đều có khả năng xảy ra biến chứng. Bên cạnh đó, hầu hết thuốc gây mê đều có tác dụng phụ (gây suy hô hấp, giảm huyết áp, suy gan, suy thận) và nguy cơ gây sốc phản vệ. Do đó, bệnh nhân trước khi được gây mê cần được thăm khám kỹ lưỡng. Đối với những người mắc các bệnh lý đặc biệt như bị tổn thương tủy sống, đái tháo đường, bệnh về thận, tim mạch hoặc huyết áp… các bác sỹ cần thận trọng khi chỉ định gây mê do họ có nguy cơ cao bị phản ứng thuốc.
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, bác sỹ chuyên khoa gây mê phải là người được đào tạo cơ bản và giàu kinh nghiệm để có thể tiên lượng và phản ứng kịp thời trước những diễn biến xấu ở từng người bệnh do gây mê. Bên cạnh đó, gây mê phải được tiến hành tại các cơ sở y tế được cấp phép, có đầy đủ trang thiết bị để xử lý các tình huống xảy ra khi tiến hành gây mê. Việc cấp cứu người bệnh khi gặp sự cố cần nhanh chóng, đảm bảo đúng quy trình.
Cũng theo bác sỹ Hiếu, khi việc chẩn đoán và điều trị bằng nội soi ngày càng phát triển thì gây mê cũng trở nên phổ biến. Nhằm tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, người bệnh khi khám, điều trị bệnh cần đến những cơ sở y tế có uy tín, đồng thời tuân thủ triệt để chỉ định của thầy thuốc, không nên xem nhẹ việc gây mê. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần thông báo đầy đủ cho các bác sỹ về tiền sử bệnh lý, các loại thuốc bị dị ứng để họ có phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả… (An ninh Thủ đô, trang 8).
Số trẻ mắc bệnh sởi giảm 8 lần
Ngày 28.12, dự án Tiêm chủng mở rộng (Bộ Y tế) cho biết trong năm 2016, gần 1,8 triệu người từ 16 - 17 tuổi đã được tiêm phòng vắc xin sởi - rubella, đạt tỷ lệ 94,9%.
Trước đó, trong năm 2014 - 2015, chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella đã tiêm cho gần 20 triệu trẻ 1 - 14 tuổi. Các chiến dịch giúp giảm nhanh số mắc sởi, chỉ ghi nhận 34 ca mắc (2016) giảm 442 lần so với năm 2014 và giảm 8 lần so với năm 2015.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh hiện còn thấp, trung bình đạt trên 60%, một số địa phương chỉ đạt 20 - 30%. Trong 2017, cơ quan y tế sẽ thực hiện tiêm chủng tại nhà ở các vùng sâu, vùng khó khăn, nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ tại các địa phương này. (Thanh niên, trang 5).
“Xóa sổ” nằm ghép không dễ
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa khẳng định quyết tâm sẽ xóa nằm ghép sau khi đi thăm một số bệnh viện (BV) tuyến T.Ư và chứng kiến 3-4 bệnh nhân nằm 1 giường.
Ngao ngán cảnh 4 người/giường
Cụ thể, tại khoa Nội – BV K T.Ư (Hà Nội), Bộ trưởng đã “phát hiện” sự thật 4 bệnh nhân/giường sau khi hỏi han bệnh nhân, trong khi lãnh đạo khoa cho biết chỉ 1-2 bệnh nhân/giường. Ngoài ra, bệnh nhân nội trú lẫn ngoại trú đều được phân “biên chế” cùng 1 giường. “1 giường bệnh tới 4 người nằm, bệnh lại nặng thì bệnh nhân chịu sao được” – Bộ trưởng chia sẻ.
Tại buổi kiểm tra đó, ông Đ.V.T (59 tuổi, ở Hải Dương) bị ung thư phổi cho biết, ông nhập viện đã hơn 10 ngày nhưng bị xếp 4 người/giường nên ông chỉ vào viện ban ngày để điều trị. Buổi tối, ông ra ngoài thuê ngủ với giá 160.000 đồng/tối. “Đã khó khăn, ốm yếu còn vất vả quá” – ông T nói.
PGS-TS Trần Văn Thuấn – Giám đốc BV K T.Ư cho biết, sau khi cả 3 cơ sở BV K được đưa vào sử dụng thì tình trạng nằm ghép đã giảm mạnh. Tuy nhiên, công suất sử dụng giường hiện nay vẫn là 106%, so với trên 200% trước năm 2014. Có khoảng 30% trong số 51 khoa phòng của BV vẫn có tình trạng nằm ghép.
Kiểm tra tại BV Bạch Mai (Hà Nội) Bộ trưởng đi thăm một số khoa phòng và không ghi nhận tình trạng nằm ghép, tuy nhiên vẫn có bệnh nhân phàn nàn về việc phải chờ lâu. TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, thời gian qua, BV đã có rất nhiều thay đổi, cải cách, kê thêm giường để khắc phục tình trạng nằm ghép. Trước đây tại một số khoa phòng có tình trạng nằm ghép 2-3, tuy nhiên hiện nay việc nằm ghép còn rất ít và cũng chỉ trong 1 thời gian ngắn, đợi BV “điều tiết” giường giữa các khoa chứ không phải nằm ghép từ lúc nhập viện đến lúc ra viện. Theo TS Hùng, theo quy định thì nếu phải nằm ghép 2-3 thì tiền giường cũng giảm còn 50% và nếu nằm 4 thì đương nhiên là miễn phí. “Nhưng chắc chắn chúng tôi không có tình trạng nằm 4” – TS Hùng khẳng định.
Tiến dần tới “hài lòng bệnh nhân”
Bộ trưởng Tiến khẳng định, giảm tải BV, “xóa sổ” nằm ghép chỉ là một trong những mục tiêu hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã có nhiều đề án, phong trào nhằm tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng toàn diện của bệnh nhân.
Kết quả “chấm điểm” BV tại 5 BV T.Ư của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề. Tại các BV E, Nội tiết T.Ư, Hữu Nghị, điểm hài lòng của bệnh nhân rất cao. Nhưng tại BV K T.Ư, không ít bệnh nhân bức xúc, “tố” bác sĩ đòi tiền, nhũng nhiễu với sự hài lòng chỉ đạt 66% - “đội sổ” trong 5 BV được khảo sát. Cơ sở vật chất cũ kỹ lại không phải là điều khiến bệnh nhân bận tâm khi mức độ hài lòng ở BV K cơ sở Tân Triều cơ sở rất khang trang nhưng mức độ hài lòng của bệnh nhân chỉ đạt 52%, còn ở cơ sở Quán Sứ cũ kỹ lại đạt 88%.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, thái độ ứng xử của nhân viên y tế quyết định nhiều đến sự hài lòng của người bệnh. Tại BV K T.Ư nhiều bệnh nhân phản ánh không chỉ điều dưỡng, hộ lý có thái độ thiếu nhiệt tình, quát mắng bệnh nhân mà cả bác sĩ cũng “tham gia”.
Ngay sau buổi kiểm tra của Bộ trưởng, BV K T.Ư đã họp và xử lý 7 cán bộ có thái độ “nhũng nhiễu” bệnh nhân. PGS-TS Trần Văn Thuấn cũng cho biết, trong vòng 2 tháng tới sẽ cố gắng đưa vào sử dụng thêm 300 giường nữa để hạn chế nằm ghép đến mức tối đa. Ngoài ra, BV K cũng mở thêm phòng điều trị ngoại trú ở các khoa còn quá tải, đặc biệt ở các khoa nội (phòng truyền ngồi) kết hợp hẹn bệnh nhân truyền theo giờ để không quá tập trung vào giờ cao điểm.
Bộ trưởng Tiến cũng nhận định, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý “xin - cho”, tâm lý “mang ơn”, chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ… nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh (nhất là khu vực phía Bắc). Đồng thời, một số cán bộ y tế trẻ cũng có hành vi, lời nói, thái độ không phù hợp, không thân thiện, nhân văn. Bên cạnh đó, cũng có không ít nguyên nhân từ phía người dân khi họ vẫn còn tâm lý sốt ruột, không quen xếp hàng, chờ đợi (kể cả khi chờ làm các xét nghiệm cần phải có đủ thời gian mới có kết quả); không thông cảm với ngành y tế về sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; đôi khi còn có thái độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, quy định và chỉ định, y lệnh của thầy thuốc.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Dương Đức Hùng cho biết, hiện nay các BV vẫn phải “uốn” theo bệnh nhân để phục vụ nên dẫn tới sự “ùn tắc”, quá tải nhiều khi không đáng có. “Đơn cử như đầu giờ sáng bệnh nhân ùn ùn đến, hoặc bệnh nhân kiêng khám đầu tháng nên đến ít, còn sau rằm thì lại kéo hàng đoàn. Do đó, muốn “phân luồng” bệnh nhân để tránh lúc vắng lúc đông, bệnh nhân cũng cần có sự phối hợp với BV, dần dần hình thành ý thức đặt lịch khi đi khám. Lúc đó nhàn bệnh nhân mà cũng đỡ cho bác sĩ” – TS Hùng nói. (Nông thôn Ngày nay, trang 1).