Trời lạnh, số ca mắc sốt xuất huyết giảm tới hơn 63%
Trong tuần qua, số ca mắc mới sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội giảm mạnh so với tuần trước đó. Nếu như vào tháng 11 và đầu tháng 12-2022, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 1.300-1.400 ca sốt xuất huyết thì nay giảm còn hơn 400 ca/tuần.
Ngày 28-12, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 16 đến 23-12), trên địa bàn thành phố ghi nhận 427 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 63,3% so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận tại 26/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa (64 ca), Hà Đông (53 ca), Hoàng Mai (44 ca), Thanh Oai (35 ca).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 19.215 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc sốt xuất huyết trong năm nay tăng gấp 5,7 lần. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 568/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại 4 quận, huyện: Đống Đa (3 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (2 ổ dịch), Thanh Trì (2 ổ dịch), Hà Đông (1 ổ dịch).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.409 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện còn 29 ổ dịch đang hoạt động tại 11 quận, huyện.
Nếu như vào tháng 11 và đầu tháng 12-2022, trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 1.300-1.400 ca sốt xuất huyết thì nay giảm còn hơn 400 ca/tuần. CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc mới sốt xuất huyết hiện giảm mạnh vì thời tiết đã lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng khẳng định, dịch sốt xuất huyết có chu kỳ 5 năm/lần. Do đó, số ca mắc tăng cao tại Hà Nội thời gian qua không phải là điều bất thường. Khi thời tiết chuyển lạnh hơn như hiện nay, số ca mắc mới đang trên đà giảm mạnh.
Dù vậy, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Để hạn chế số ca mắc mới, CDC Hà Nội kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, vì sốt xuất huyết có biểu hiện giống như sốt do các vi rút khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Thậm chí, có trường hợp tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Dù sốt xuất huyết là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày nhưng khoảng 5% bệnh nhân có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích, nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, đau đầu, đau người kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 5).
Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do virus Adeno
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do virus Adeno.
Tại hướng dẫn do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành nêu rõ, virus Adeno gây bệnh ở người gây bệnh thường nhẹ, trừ một số trường hợp diễn biến nặng khi có bệnh kèm theo như suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn, bệnh tim bẩm sinh, ung thư, ghép tạng...
Virus adeno gây bệnh ở người lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa virus. Nguy cơ lây nhiễm giống như một số virus cảm lạnh thông thường, nhưng thấp hơn virus hợp bảo hô hấp (RSV), cúm mùa, SARS-CoV-2.
Virus Adeno thường gây dịch ở nơi có điều kiện sống kém, đông đúc, có thể do nhiễm trùng bệnh viện qua bàn tay người chăm sóc, dụng cụ thăm khám chăm sóc, đặc biệt ở Khoa hồi sức, Sơ sinh, đơn vị ghép tạng.
Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn. Virus Adeno ở người mang có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng, cư trú trong mô bạch huyết, nhu mô thận hay các mô khác thậm chí vài năm. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, xuân và đầu hè, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra quanh năm.
Thời gian ủ bệnh của nhiễm virus Adeno khoảng từ 2 - 12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Triệu chứng bệnh biểu hiện qua phản ứng đáp ứng viêm hệ thống không đặc hiệu, viêm kết mạc, phản ứng hạch lympho, tổn thương đường tiêu hoá, và thường gây nặng bằng tổn thương đường hô hấp gây viêm phổi, suy hô hấp tiến triển...
Giải pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng, điều trị theo sinh lý bệnh, có một số liệu pháp điều trị kháng virus nhưng vẫn đang là các nghiên cứu thử nghiệm làm sàng, có thể hóa điều trị ở một số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Dự phòng bệnh chủ yếu là các giải pháp phòng ngừa lây nhiễm.
Triệu chứng lâm sàng của nhiễm virus Adeno gây bệnh ở người rất đa dạng, sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể xuất hiện một hay nhiều triệu chứng như: sốt, đau đầu, họ khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, buồn nôn, đau bụng.
Nguyên tắc điều trị virus Adeno
-Áp dụng biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn trước và trong thời gian - điều trị, chăm sóc.
-Phân loại và điều trị theo các mức độ nặng của bệnh.
-Điều trị triệu chứng: hạ sốt giảm ho, giảm đau...
-Điều trị hỗ trợ khác: đảm bảo trẻ được bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, dinh dưỡng...
-Luôn tuân thủ nguyên tắc cấp cứu A-B-C: kiểm soát đường thở, thở, tuần hoàn
Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế cho biết trong 10 tháng năm 2022, cả nước ghi nhận 12.119 trường hợp mắc bệnh do virus Adeno; 20 trường hợp tử vong/nặng. Số mắc ghi nhận chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc.
Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi đến khám được chẩn đoán mắc bệnh do vi rút Adeno và nhập viện có xu hướng tăng cao (7.000 trường hợp mắc bệnh trong tháng 9, 10/2022 trong tổng số 7.233 trường hợp mắc của 10 tháng năm 2022). (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Từ 1/1/2023, một số trường hợp có thể đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế tại nhà
Theo Quyết định số 3510/QĐ-BHXH năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trường hợp chỉ đăng ký tham gia BHYT (bao gồm cả đăng ký tham gia lần đầu, đóng tiếp BHYT, thay đổi đối tượng từ nhóm khác sang nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia theo hộ gia đình) có thể thực hiện thủ tục đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Như vậy, theo chính sách mới về BHYT này, từ ngày 1/1/2023, người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký mua thẻ và đóng tiền BHYT thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia mà không cần đến trực tiếp cơ quan BHXH.
Tuy nhiên, quyết định nói trên cũng quy định, tính năng đăng ký BHYT online trên Cổng dịch vụ công quốc gia chỉ áp dụng cho các nhóm đối tượng sau: Người tham gia BHYT thuộc diện được ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHYT; người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo đa chiều, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; người tham gia BHYT hộ gia đình. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Bệnh phổi kẽ nguy hiểm
Bệnh phổi kẽ tiên lượng xấu hơn mắc ung thư phổi, tại sao? Bệnh phổi kẽ là tên gọi chung của một nhóm hơn 200 bệnh gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi (vách phế nang, tổ chức kẽ liên phế nang, mạch máu phổi...).
Điều đáng nói nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn.
50% bệnh nhân sống thêm khoảng 2,5 năm
Theo các chuyên gia, bệnh phổi kẽ không phải là bệnh mới xuất hiện, tuy nhiên đây là căn bệnh không lây nhiễm vì vậy ít người biết và ít được quan tâm.
Theo thống kê của Mỹ và châu Âu, bệnh phổi kẽ có tỉ lệ mắc 70 người/100.000 dân. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng có thể ước tính khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ.
Ông Nguyễn Viết Nhung - nguyên giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - cho biết bệnh phổi kẽ gây ra các tổn thương ở mô kẽ của phổi. Các tổn thương viêm, xơ dẫn đến hạn chế quá trình trao đổi khí, gây khó thở. Bệnh tiến triển thành xơ phổi, là tổn thương không thể hồi phục.
"Bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ tiên lượng rất xấu, thời gian sống ngắn hơn cả bệnh ung thư nếu phát hiện muộn. Cụ thể, tại Bệnh viện Phổi trung ương, một người phát hiện ung thư phổi sớm, từ giai đoạn 1, được điều trị hiệu quả, tỉ lệ sống trên 5 năm là 80%. Thậm chí có những trường hợp dù được phát hiện ở giai đoạn muộn nhưng cũng có thể sống trên 3 năm.
Trong khi đó, từ lúc được chẩn đoán mắc bệnh phổi kẽ, thời gian sống thêm trung bình của bệnh nhân rất ngắn, 50% bệnh nhân sống thêm khoảng 2,5 năm và 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm. Nếu so với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển ác tính hơn", ông Nhung thông tin.
Hiện khoa hô hấp Bệnh viện Phổi trung ương điều trị cho từ 70 - 100 bệnh nhân/ngày. Tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6 - 7% tổng số bệnh nhân trong khoa.
Phát hiện sớm, phòng tránh nguy cơ
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tiến - khoa nội hô hấp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh phổi kẽ còn gọi là bệnh nhu mô phổi lan tỏa, tên chung của một nhóm bệnh gây tổn thương tổ chức kẽ của phổi.
Thông thường khi phổi bị tổn thương sẽ kích thích quá trình sửa chữa hàn gắn, nhưng ở bệnh nhân bị bệnh phổi kẽ thì quá trình sửa chữa hàn gắn đó lệch lạc dẫn đến tổ chức quanh phế nang hình thành sẹo và dày lên bất thường.
Chính vì thế, màng phế nang mao mạch dày lên và xơ hóa dẫn đến trao đổi oxy qua đó gặp khó khăn.
Theo bác sĩ Tiến, bệnh phổi kẽ chia thành hai nhóm nguyên nhân:
Nhóm bệnh phổi kẽ rõ nguyên nhân có thể do phơi nhiễm với các chất vô cơ, các chất hữu cơ; phơi nhiễm với khói bụi; do sử dụng một số loại thuốc gây tổn thương phổi kẽ hoặc do điều trị bằng hóa chất ung thư.
Và nhóm bệnh phổi kẽ không rõ căn nguyên. "Hút thuốc cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ phổi kẽ vô căn" - bác sĩ Tiến nói.
Bác sĩ Tiến cũng chỉ rõ triệu chứng của bệnh phổi kẽ chính là khó thở gắng sức và tăng dần, ho khan kéo dài trên hai tháng, nặng ngực. Triệu chứng bệnh rất dễ nhầm với triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những bệnh phổi kẽ có khởi phát cấp tính thì cần phải phân biệt với các bệnh nhiễm trùng hô hấp hoặc phù phổi do suy tim ứ huyết. (Tuổi trẻ, trang 14).