Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Nguy kịch tính mạng vì ngộ độc nấm; Mở rộng chương trình “chăm sóc đúng” để loại trừ bệnh lao; Bộ Y tế đề nghị tăng cường quản lý rượu sản xuất thủ công; Phẫu thuật thành công cho trẻ sơ sinh nặng 900 gram bị bệnh tim

 

Nguy kịch tính mạng vì ngộ độc nấm

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đang điều trị 3 bệnh nhân trong cùng một gia đình bị ngộ độc nấm. Hai bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ba bệnh nhân trong một gia đình này là Hà Thị C. (52 tuổi), Chu Văn M. (58 tuổi) và Chu Văn V. (30 tuổi) ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Theo lời người nhà, sáng 20/3 anh Chu Văn V. vào rừng thấy nấm tươi nên hái về ăn trong bữa trưa. Bữa đó, chỉ có anh và bố là Chu Văn M. ăn, mỗi người ăn khoảng 6-7 cây nấm. Đến bữa tối, còn một ít nước và thịt nên bà Hà Thị C. ăn nốt. Sau ăn khoảng 6-10 tiếng, cả 3 người đều có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn rất nhiều.

Bác sĩ Lê Quang Thuận, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, ba bệnh nhân này nhập viện vào chiều ngày 22/3 (tức là khoảng giờ thứ 50 sau khi ăn nấm) trong tình trạng nặng. Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận cấp được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc; điều trị suy thận. Bên cạnh đó, Trung tâm Chống độc cũng phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật dẫn lưu mật mũi để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài. Sau một ngày điều trị tích cực và lọc máu, giải độc, hiện các bệnh nhân mới chỉ có đôi chút tiến triển, 2 trong số 3 bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng rất nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng. Xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân Chu Văn M. và Chu Văn V. vẫn còn tổn thương gan nặng, men gan cao gấp 100 lần so với người bình thường dẫn tới suy gan với biểu hiện rối loạn đông máu nặng, xuất huyết, suy thận. Riêng bệnh nhân Chu Văn M. ý thức có lúc lẫn lộn (biểu hiện hôn mê gan), nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, loại nấm mà ba bệnh nhân trên ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người, đáng sợ nhất là loại nấm này có thể gây tình trạng viêm gan, nhiễm độc, phá huỷ tế bào gan, dẫn đến hôn mê gan. Các triệu chứng xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ): Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu. Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và bác sĩ dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu, xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), và cuối cùng là tử vong.

Bác sĩ Nguyên cũng cho biết, thời điểm cuối xuân - đầu hè, bắt đầu vào mùa nấm phát triển nhiều, hay xảy ra ngộ độc nấm. Vì thế bác sĩ khuyến cáo, người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn. Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Hiện nay có rất nhiều chủng loại nấm, nhiều loại có giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon; có loại còn được dùng như là thuốc bổ thần dược. Tuy nhiên cũng có không ít loài nấm độc gây chết người nếu ăn phải. Trên thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người. Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm, đảm bảo là ăn được mà không bị ngộ độc. Theo bác sĩ Nguyên, không nên và không thể dựa vào hình thái, màu sắc cây nấm để phân biệt nấm lành hay nấm độc (Tiền phong, trang 6).

 

Mở rộng chương trình “chăm sóc đúng” để loại trừ bệnh lao

Sáng 28-3, Tổ chức Friends for International Tuberculosis Relief (FIT) phối hợp với Hội Y tế Công cộng TPHCM và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tổ chức Hội nghị “Liên kết chấm dứt bệnh lao”. Hội nghị nhằm làm rõ tình trạng mắc lao ở Việt Nam và sự cần thiết chuyển đổi mô hình để góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao, hướng tới Việt Nam không còn bệnh lao. Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm chương trình Chống lao Quốc gia, trong những năm qua nhờ việc thực hiện toàn diện chiến lược hoá trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS) thông qua chương trình chống lao Quốc gia, nước ta đã có thể giảm bớt gánh nặng bệnh lao với tỷ lệ mắc và tử vong hàng năm giảm từ 4%-5%.

Trước đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc xuống còn 20/100.000 dân vào năm 2030. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trong công tác phòng chống lao, hiện nay Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức với trung bình mỗi năm có khoảng 16.000 người tử vong do lao và 130.000 người mắc lao mới (trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc), đứng thứ 14/30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới và thứ 11/30 nước có gánh nặng lao đa kháng thuốc cao.

Tại hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước đã đề cập đến nhiều vấn đề nhằm cùng nhau chung tay chấm dứt bệnh lao. Trong đó, mô hình “chăm sóc đúng” là mô hình cần thiết cần phải nhân rộng. Đây là mô hình do tổ chức FIT tài trợ cùng với sự đồng thuận hỗ trợ của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Hội Y tế Công cộng TPHCM nhằm giảm số ca tử vong do lao tại TPHCM, thông qua phương pháp phát hiện, điều trị, chủ động phối hợp hệ thống y tế công cộng và tư nhân. Trong mô hình này, đưa vào hoạt động các tư vấn viên, bác sĩ tư trong việc phát hiện, tư vấn và chăm sóc bệnh nhân lao tại cộng đồng (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Bộ Y tế đề nghị tăng cường quản lý rượu sản xuất thủ công

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành Công văn số 1086/BYT-PC gửi Văn phòng Chính phủ về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh rượu. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị quy hoạch, kiểm soát giảm mức độ gia tăng sản lượng rượu, bia một cách phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta và yêu cầu phòng, chống tác hại của rượu, bia. Một chương riêng về quản lý đối với rượu thủ công, trong đó có quy định cụ thể về biện pháp quản lý đối với rượu thủ công được sản xuất nhằm mục đích kinh doanh và vì mục đích tiêu dùng trong hộ gia đình được đề nghị bổ sung vào Nghị định. Mặt khác, cần có quy định cụ thể về quản lý chất lượng rượu, việc đăng ký sản phẩm với chính quyền cấp xã, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong quản lý (Hà Nội mới, trang 2).

 

Phòng khám gây chết người nộp trả giấy phép

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay phòng khám 168 Hà Nội ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội đã nộp lại cho Sở Y tế giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề và biên bản thẩm định phạm vi hoạt động chuyên môn để tự đóng cửa. Đây là cơ sở đã làm chị T.T.T.T. (29 tuổi, ở Quảng Ninh) tử vong hôm 14-3 và bác sĩ Trung Quốc bỏ trốn. Trước đó, thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định tạm ngừng hoạt động của phòng khám này chờ điều tra nguyên nhân ca tai biến của chị T. Cũng theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện cơ quan chức năng vẫn chưa liên lạc được với bác sĩ người Trung Quốc đã điều trị cho chị T. và làm xảy ra tai biến. Sở Y tế vẫn chưa lập được hội đồng chuyên môn vì còn đang chờ kết luận pháp y từ cơ quan công an (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Phẫu thuật thành công cho trẻ sơ sinh nặng 900 gram bị bệnh tim

Chiều 28-3, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa thực hiện một ca phẫu thuật thành công cho trẻ sơ sinh chỉ nặng 900 gram, bị mắc bệnh tim bẩm sinh. Mẹ của em bé là sản phụ T.T.M.H. (quê Vĩnh Long) mang thai ở tuần 31 thì có dấu hiệu chuyển dạ và được người nhà đưa lên TPHCM sinh ở một bệnh viện. Các bác sĩ đã mổ bắt ra một bé gái chỉ cân nặng 900 gram, mắc bệnh tim bẩm sinh. Ngay lập tức, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM để tiếp tục được theo dõi. Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Bé có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được can thiệp phẫu thuật cắt đoạn mạch hẹp”. Toàn bộ ê kíp phẫu thuật của bệnh viện gần như phải chạy đua từng giây để can thiệp phẫu thuật, vì cơ thể bé quá nhỏ, khiến khó tiếp cận mạch máu, chỉ cần run tay trong phẫu thuật thôi là tính mạng bé cũng khó đảm bảo. Hơn nữa, hệ hô hấp, hệ thần kinh của bé phát triển chưa hoàn thiện nên rất khó khăn để trải qua ca phẫu thuật. Ca phẫu thuật được các bác sĩ tập trung cao độ, cẩn trọng từng milimet. Sau khoảng 1 giờ, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại bé không cần máy thở nhưng vẫn còn hỗ trợ oxy qua mũi, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và được nuôi ăn qua ống thông dạ dày (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Công an Nhân dân, trang 7; Thanh niên, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang