Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Mức chi phí từ tiền túi cho y tế VTV1 và các báo đưa chưa thật sự chính xác; Bác sỹ gia đình được chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh, Trung ương…

Mức chi phí từ tiền túi cho y tế VTV1 và các báo đưa chưa thật sự chính xác

Trước thông tin mà VTV1 và một số các báo đưa “Hàng trăm nghìn người “gánh” chi phí y tế “thảm họa”… và “mức chi phí từ tiền túi cho y tế hiện tại ở Việt Nam là 54,8%”, ngày 27/4, Trường Đại học Y tế Công cộng đã có công văn gửi Bộ Y tế để cung cấp thông tin nghiên cứu đầy đủ và chính xác hơn. Theo đó, thông tin của nghiên cứu mà VTV1 và các báo sử dụng là chưa đầy đủ và không chỉ rõ mốc thời gian có liên quan đến kết quả.

Ngày 27.4/2016, VTV 1 và một số báo có trích dẫn kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng tại Hội nghị Khoa học Y tế Công cộng ngày 25/4/2016, với nội dung “Hàng trăm nghìn người “gánh” chi phí y tế “thảm họa”… và “mức chi phí từ tiền túi cho y tế hiện tại ở Việt Nam là 54,8%”.  Trường Đại học Y tế Công cộng đã làm việc với nhóm nghiên cứu và xin được cung cấp thông tin đầy đủ về nghiên cứu như sau:

Nghiên cứu “Gánh nặng chi phí từ tiền túi người dân và bảo vệ tài chính” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam. Mục tiêu của nghiên cứu là phân tích mức độ chi phí từ tiền túi của người dân tại Việt Nam qua thời gian dựa trên số liệu sẵn có của Điều tra mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê thực hiện trong thời gian từ năm 1992 đến năm 2014. Phương pháp nghiên cứu do WHO và nhiều nước trên thế giới sử dụng trong việc đo lường mức độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các chỉ số này cũng đã được Việt Nam sử dụng trong các báo cáo Tổng quan chung ngành Y tế 2013, 2014, và 2015.

Trong bài trình bày của PGS.TS. Hoàng Văn Minh, tác giả đã nêu rõ “Tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam chịu mức chi phí thảm họa và nghèo hóa cho chi phí y tế đều giảm rõ rệt qua thời gian, và vào năm 2014 tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam phải chịu mức chi phí thảm họa chỉ là 2,3% (so với tỷ lệ 8,2% năm 1992) và nghèo hóa là 1,7% (so với tỷ lệ 5,3% vào năm 1992)”. Các kết quả này cũng đã được đăng tải tại báo cáo Tổng quan chung ngành Y tế năm 2013, 2014, 2015.

Bài báo cáo của PGS. TS. Hoàng Văn Minh cũng có trích dẫn số liệu tính toán của Tài khoản y tế Quốc gia về mức chi phí từ tiền túi cho y tế hiện đại ở Việt Nam và cũng nêu rõ tỷ lệ này đã giảm qua thời gian vào năm 2012 chỉ còn hơn 47% so với hơn 50% trước đây. Con số mức chi phí từ tiền túi cho y tế 54,8% (so sánh với các nước trong khu vực) mà VTV1 và các báo cáo đã sử dụng số liệu của năm 2007 và được đăng tải tại Báo cáo chung Tổng quan ngành Y tế năm 2013 (bài báo gốc được xuất bản tại tạp chí Lancet năm 2011).

Như vậy, kết quả chính của nghiên cứu cho thấy mức chi phí từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế, tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa do chi phí y tế ở Việt Nam đã đều giảm qua thời gian (thể hiện xu hướng tích cực). Báo cáo cũng nêu rõ, Việt Nam cần nỗ lực để giảm tỷ lệ chi phí từ tiền túi cho y tế từ hộ gia đình xuống dưới 30% (theo khuyến cáo của WHO) và qua đó tiếp túc giảm thiểu tỷ lệ chi phí thảm họa và nghèo hóa nhằm đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Như vậy thông tin của nghiên cứu mà VTV1 và các báo sử dụng là chưa đầy đủ và không chỉ rõ mốc thời gian có liên quan đến kết quả. Chính vì vậy, Trường Đại học Y tế Công cộng mong muốn rằng thông tin đầy đủ của nghiên cứu sẽ đến được với các bên liên quan. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

 

Bác sỹ gia đình được chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh, Trung ương

Theo kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại Việt Nam, giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phê duyệt ngày 27/4, phòng khám bác sỹ gia đình là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình trên phạm vi toàn quốc nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.

Có hai mô hình tổ chức của phòng khám bác sỹ gia đình bao gồm Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phòng khám bác sỹ gia đình.

Trong mô hình phòng khám bác sỹ gia đình bao gồm Phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân (gồm cả phòng khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính có nhu cầu hoạt động theo mô hình phòng khám bác sỹ gia đình); Phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (bệnh viện nhà nước).

Đáng lưu ý, về nhiệm vụ của mô hình phòng khám bác sỹ gia đình có rất nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho người bệnh được chăm sóc tốt hơn.

Chẳng hạn như, với trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình có nhiệm vụ thực hiện chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định chuyển tuyến y học gia đình.

Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, bác sỹ gia đình có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến. Họ được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch;

Đối với các phòng khám bác sỹ gia đình được thực hiện các nhiệm vụ như sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp; Thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh, tật và khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám và tại nhà người bệnh; có hồ sơ theo dõi sức khỏe toàn diện liên tục cho cá nhân và gia đình theo quy định của Bộ Y tế.

Phòng khám bác sỹ gia đình là cơ sở đầu tiên trong hệ thống chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác khi có yêu cầu về chuyên môn; tiếp nhận người bệnh từ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến để tiếp tục chăm sóc và điều trị.

Theo quyết định, tùy theo tình hình bệnh tật của người bệnh, bác sỹ gia đình tại các phòng khám có thể chuyển tuyến đến bệnh viện tỉnh hoặc bệnh viện Trung ương mà vẫn được coi là đúng tuyến.

Riêng đối với phòng khám bác sỹ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện việc chuyển tuyến y học gia đình bao gồm cả việc chuyển người bệnh vào các khoa lâm sàng của bệnh viện mà vẫn được coi là đúng tuyến.

Các bác sỹ gia đình được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm: khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường; thực hiện một số thủ thuật: thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch…

Mục tiêu của Bộ Y tế đặt ra sẽ thành lập được các mô hình phòng khám bác sỹ gia đình tại các tỉnh, thành phố trong cả nước theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sỹ gia đình. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2):

 

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra 'chợ thần chết' Kim Biên

Sáng 28/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng với đại diện Sở Y tế TPHCM và UBND quận 5 tiến hành kiểm tra khu vực bán phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên (phường 13, quận 5). Thực tế kiểm tra cho thấy các gian hàng tại đây đã không còn bầy bán sản phẩm phụ gia thực phẩm đựng trong túi ny lông, không nhãn mác. Tuy nhiên, tại sạp số 22 chuyên kinh doanh “bơ sữa - hương liệu - bột màu”, ông Long và đoàn kiểm tra phát hiện sản phẩm bột màu trắng Titanium Dioxide (phụ gia thực phẩm) được cửa hàng tự ý phân lẻ vào hộp 500g để bán cho khách, không đúng với định lượng trên sản phẩm gốc công bố là 25kg.

Tại sạp số 8 bán “hương liệu - bột màu”, cửa hàng xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đã quá hạn. Về việc này, ban quản lý chợ giải thích do đây là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, do ngành công thương cấp giấy chứng nhận nhưng đến nay phía công thương chưa cấp được.

Khi Thứ trưởng hỏi, đa số các tiểu thương đều không biết vào ngày 1/7 sắp tới, việc kinh doanh các chất cấm trong thực phẩm sẽ bị xử lý hình sự và có mức phạt tù lên đến 20 năm. Ông Long đề nghị Ban quản lý chợ Kim Biên in điều luật này ra phát cho từng tiểu thương và dán ở nhưng vị trí công cộng dễ trông thấy tại chợ.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã làm việc với UBND quận 5 về Quyết định 38 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và TPHCM.

Tại quận 5, Quyết định 38 được thí điểm ở phường 7 và phường 13. Theo báo cáo, trên địa bàn quận có 2.344 hộ kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, quận đã thanh tra 12 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm và đã xử phạt 37,5 triệu đồng.

Theo UBND quận 5, khó khăn khi triển khai Quyết định 38 là quy trình thủ tục thanh tra phức tạp, không phản ánh đúng thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm do phải gửi thông báo trước 5 ngày. Ngoài ra, do nhân sự còn hạn chế về số lượng và trình độ, kỹ năng test nhanh chưa thuận thục nên chưa tự tin thi hành nhiệm vụ. Địa phương cho rằng việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP cho quận phường không thuận lợi bằng việc thực hiện kiểm tra kiên ngành (?).

Nghe xong các “khó khăn và kiến nghị” của UBND quận 5, ông Long khá bức xúc vì cho rằng tất cả những “vướng mắc” mà địa phương nêu, đều đã được Quyết định 38 tháo gỡ. Thậm chí còn trao quyền cao hơn cho quận huyện, phường xã thị trấn làm tốt việc kiểm tra, thanh tra như ngoài thanh tra theo kế hoạch, còn cho phép cá nhân một thanh tra có thể thanh tra độc lập, thanh tra đột xuất những nơi kinh doanh có dấu hiệu nghi ngờ. Hoặc Quyết định 38 cho địa phương giữ lại 100% tiền xử phạt để cân đối kinh phí khi làm nhiệm vụ… Nếu địa phương không làm, ông Long cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến với UBND TPHCM và Thủ tướng Chính phủ.

Thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại TPHCM: Kết quả còn khiêm tốn

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định 38 về việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn, kết quả còn “khiêm tốn”.

Tính đến 21/3, đã tiến hành thanh tra 251 đợt, phát hiện 47 cơ sở vi phạm. Đã tiến hành xử lý phạt tiền 36 cơ sở với tổng số tiền phạt là 153.350.000 đồng, còn lại 11 cơ sở đang trong quá trình xử lý. Ngoài ra, còn 79 cơ sở bị nhắc nhở.

Theo chi cục, khi Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg về việc triển khai công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, TPHCM đã nhanh chóng triển khai thí điểm tại 10 phường, thuộc 5 quận huyện (3 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành).

Chi cục đánh giá những con số trên, so với thực tế hiện nay thì như “muối bỏ biển”. Bởi hiện số cơ sở, số người hành nghề liên quan đến thực phẩm rất lớn, mỗi phường có cả ngàn cơ sở, làm sao cho xuể. Nhưng nghĩ thanh tra chuyên trách như thế thì chưa công bằng và “tiêu cực”. Tuy nhiên, việc thành lập, triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm chuyên trách là hết sức cần thiết và phù hợp cho bối cảnh hiện nay. (Tiền phong (trang 2):

27 người tại Quảng Bình bị ngộ độc thực phẩm là do tụ cầu vàng

Chiều 28-4, Sở Y tế Quảng Bình cho biết, theo kết luận của Hội đồng chuyên môn đơn vị này, vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa tiệc khai trương nhà hàng Bảo Quốc, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch làm 27 người nhập viện là do tụ cầu vàng trong món cua hấp kèm rau sống.

Như Báo Nhân Dân điện tử đã thông tin, trưa 21-4, nhà hàng tiệc cưới Bảo Quốc mở tiệc khai trương mời 200 người đến dự. Sau đó, có 27 người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu.

Ngay sau sự việc xảy ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lấy sáu mẫu bệnh phẩm, năm mẫu thực phẩm xét nghiệm để tìm nguyên nhân.

Theo kết quả xét nghiệm, trong số các mẫu thực phẩm, mẫu cua hấp kèm rau sống có kết quả tụ cầu vàng vượt quá giới hạn cho phép.

Như vậy, theo kết luận sơ bộ, tụ cầu vàng là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm nói trên. (Nhân dân (trang 5).

Ninh Bình: Trên 17.000 học sinh được tiêm chủng an toàn

Chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi - rubella cho trên 17.000 đối tượng học sinh thuộc lứa tuổi 16 - 17 tại các trường THPT, Trung tâm GDTX, các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành, không xảy ra trường hợp có phản ứng bất thường sau tiêm.

Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cung ứng gần 20.000 liều vaccine sởi – rubella phục vụ chiến dịch và đầy đủ các loại bơm kim tiêm, hộp an toàn, hộp chống sốc, giấy xác nhận tiêm chủng và hàng nghìn băng zôn, tờ rơi tuyên truyền về bệnh sởi, rubella cho các nhà trường và điểm tiêm. Các điểm tiêm cũng đã cơ bản tiêm hết đối tượng trong chiến dịch, chỉ còn lại số ít các điểm tiêm thực hiện tiêm vét nốt những đối tượng chưa tiêm do sức khỏe không đảm bảo... (Gia đình & Xã hội (trang 6).

 

Thái Bình: Tổ chức 176 lớp truyền thông dân số theo quy mô thôn

Trong đợt 1 đợt hoạt động mạnh tuyên truyền, vận động và cung cấp dịch vụ dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ năm 2016, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vũ Thư và Tiền Hải đã phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm quốc tế Thăng Long tổ chức 176 lớp truyền thông về DS/Chăm sóc SKSS tại 62 xã.

Trong đó, Tiền Hải tổ chức 97 lớp tại 174 thôn, thuộc 35/35 xã; Vũ Thư là 79 lớp tại 27/30 xã. Thông qua các buổi truyền thông, gần 9.000 chị em trong độ tuổi sinh đẻ của 2 huyện được cung cấp các kiến thức về chăm sóc SKSS, đặc biệt là nguyên nhân gây viêm nhiễm phụ khoa, biện pháp phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và ung thư cổ tử cung … (Gia đình & Xã hội (trang 6).

 

Điện Biên: Các địa phương hỗ trợ kinh phí để triển khai Chiến dịch

Huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) vừa tổ chức triển khai thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyền truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ tại 15 xã có mức sinh cao và xã khó khăn.

Chiến dịch được triển khai là cơ hội cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các thông tin và các dịch vụ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là chị em người dân tộc. Kết quả sau gần 1 tháng triển khai, chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai đạt được như sau: Triệt sản 2 ca, đặt dụng cụ tử cung 375 ca, thuốc tiêm 9 ca, thuốc uống 78 ca, bao cao su 29 ca, khám phụ khoa 975 ca, điều trị phụ khoa 251 ca, khám thai 129 ca, lấy máu xét nghiệm sàng lọc HIV cho chị em 87 ca (Trong đó kết quả của 7 xã theo kế hoạch tỉnh giao: Đặt dụng cụ tử cung 177 ca, thuốc tiêm 9 ca, thuốc uống tránh thai 56 ca, bao cao su 20 ca, khám phụ khoa 522 ca, điều trị phụ khoa 126 ca, khám thai 54 ca). UBND các xã đã hỗ trợ kính phí cho tổ chức Chiến dịch với tổng số tiền là 5,3 triệu đồng. (Gia đình & Xã hội (trang 6):

 

Cấp cứu bệnh nhân nuốt...47 ống hút vào dạ dày

Các bác sĩ Khoa Ung bướu_ Ngoại tổng quát (BV Quận Thủ Đức) vừa xử trí thành công 01 trường hợp nuốt dị vật hiếm gặp. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ kiên nhẫn, các bác sĩ lấy ra được tổng cộng 47 ống hút. Hiện tại bệnh nhân hết đau bụng và xuất viện.

BS. Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa cho biết đây là một bệnh nhân nữ, 47 tuổi, Trần N. T. Bệnh nhân T. vốn có tiền sử tâm thần và được người nhà đưa đến khám vì đau bụng dữ dội. Kết quả nội soi dạ dày, cho thấy bệnh nhân hay nuốt ống hút và dạ dày bệnh nhân chứa đầy ống hút.

Theo BS. Vũ, bệnh nhân tâm thần thường nuốt dị vật, khoa nhiều lần lấy được di vật như tăm xỉa răng, dây kẽm, sỏi, đất, cát ... nhưng số lượng ống hút nhiều như vậy chưa từng thấy.

Ngoài ra, bệnh viện cũng thường tiếp nhận các ca nuốt dị vật ở trẻ em hay người già. Trẻ con thường nuốt những đồ vật nhỏ như đồ chơi, đầu bút bi, còn ở người già hay gặp là răng giả, vỏ bao thuốc). Thời gian thường dễ xác định nếu bệnh nhân tỉnh táo, tuy nhiên người già lú lẫn hoặc người tâm thần thường khó nói chính xác thời gian nuốt dị vật.

Triệu chứng thường nhất ở những ca nuốt dị vật là đau bụng, tuy nhiên một số di vật nhỏ, trơn bệnh nhân có thể tự đi cầu ra được. Dị vật nhọn có thể làm thủng ruột, nhiễm trùng. Tùy theo đối tượng mà người nhà cần quan tâm khác nhau như trẻ nhỏ (tránh cho trẻ chơi những vật tròn nhỏ), người già (thường nhất là răng giả) còn bệnh nhân tâm thần phải quan tâm suốt. (Sức khỏe & Đời sống (trang 4):

 

Cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim

Ngày 28-4, Bác sĩ Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Phước, TP Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị đâm thủng tim.

Trước đó, vào lúc 16 giờ 45 phút, ngày 27-4, Bệnh viện đa khoa An Phước tiếp nhận bệnh nhân Trần Anh Thiên, SN 1996, trú tại khu phố E, phường Thanh Hải, TP Phan Thiết (Bình Thuận) trong tình trạng mạch huyết áp không đo được, trên ngực trái có một vết thương trước vùng tim dài khoảng 1,5 cm.

Qua hội chẩn ban đầu xác định, vết thương làm thủng tim. Ngay lập tức, bệnh viện đã tiến hành cấp cứu truyền máu, đồng thời quyết định chuyển mổ cấp cứu khẩn. Để thực hiện ca mổ này, bệnh viện đã huy động sáu bác sĩ cùng nhiều nhân viên y tế. Sau 1 giờ 15 phút, ca mổ đã thành công, bệnh nhân đã qua khỏi con nguy kịch, tim không còn chảy máu, sinh hiệu ổn định và được chuyển vào phòng hồi sức đặc biệt. Hiện, bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi và chăm sóc.

Bác sĩ Võ Quang Trung, một trong những người tham gia ca mổ cho biết, khi mở ngực bệnh nhân, máu tràn đầy trong lồng ngực, vết thương làm thủng tâm nhĩ phải tim, máu phun thành vòi. Chúng tôi tiến hành khâu vết thương tim, đồng thời tiến hành truyền 11 đơn vị máu. Ông cũng cho biết thêm, đa số những trường hợp bị vết thương thủng tim sẽ tử vong trước khi được đưa tới bệnh viện. Đối với trường hợp này, nếu không cấp cứu kịp thời thì chỉ sau 5 phút nữa bệnh nhân tử vong.

Được biết, anh Thiên là bộ đội mới xuất ngũ về địa phương làm công nhân bốc vác tại Cảng cá Phú Hài, TP Phan Thiết. Vào khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 27-4, sau khi can ngăn một vụ cãi nhau, anh Thiên đã bị Nguyễn Văn Quyền, SN 1995, quê xã Hải Thanh, Tĩnh Gia (Thanh Hóa), hiện đang tạm trú tại khu phố A, phường Thanh Hải, TP Phan Thiết dùng dao Thái-lan đâm vào ngực. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, anh Thiên đã được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa An Phước.

Cơ quan công an TP Phan Thiết đã tạm giữ Nguyễn Văn Quyền và tiến hành điều tra làm rõ vụ việc. (Nhân dân (trang 5):

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang