Vận động người dân tích cực phòng, chống sốt xuất huyết
Chiều 28-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam có buổi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) tại công trường xây dựng, hộ gia đình trên địa bàn phường Láng Thượng (quận Đống Đa) và làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống SXH trên địa bàn.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại các nơi có dịch và cả những nơi chưa có dịch. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động mọi người dân trên địa bàn tham gia diệt bọ gậy (loăng quăng); không chỉ thông qua các chiến dịch, mà phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là tại chính các gia đình. Chính quyền các xã, phường, quận, huyện cần coi việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các khu vực công cộng là nhiệm vụ chính của mình, bằng việc huy động các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia. Đồng thời, xử lý nghiêm chủ công trường xây dựng, các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, kể cả những địa phương chưa có dịch SXH…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để, không để dịch bùng phát, lan rộng; tổ chức điều trị kịp thời cho những người mắc SXH. UBND các cấp cần chủ động và huy động các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.
* Ngày 28-7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 1-8, Bệnh viện Nhi đồng thành phố chính thức đưa khu điều trị nội trú vào hoạt động. Trong giai đoạn đầu sẽ có các khoa: Hồi sức tích cực, Hồi sức sơ sinh, Hô hấp, Tiêu hóa, Nội tổng quát và đặc biệt là Khoa Nhiễm với 50 giường bệnh sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc bệnh SXH có chỉ định nhập viện.
* Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định, số người mắc SXH trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng đột biến. Tính đến ngày 27-7, có 451 người mắc bệnh. Tại TP Nam Định đã xuất hiện bốn ổ dịch, với nơi có số mắc cao nhất lên đến 51 người. Sở Y tế tỉnh đang tích cực tiến hành phun hóa chất diệt muỗi chủ động trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch; duy trì đội cơ động chống dịch các tuyến; lên phương án giảm tải cho bệnh viện tuyến trên khi có dịch bùng phát. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân đậy kín các vật dụng trữ nước để ngăn chặn sự sinh sản của muỗi vằn, vật trung gian truyền bệnh. (Nhân dân, trang 1)
Hầu hết số trạm y tế ở Tây Nguyên có bác sĩ
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, gần 89% số trạm y tế ở các tỉnh Tây Nguyên đã có bác sĩ. Tất cả các trạm y tế tại hai tỉnh Đác Lắc và Kon Tum có bác sĩ làm việc. Một số tỉnh đã áp dụng chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã, nhất là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Đác Lắc, chính sách ưu đãi với bác sĩ về xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được áp dụng, mức trợ cấp lần đầu bằng 15 lần so mức lương cơ sở; trợ cấp bằng 10 lần đối với bác sĩ công tác ở trạm y tế các xã còn lại. Hằng tháng, bác sĩ công tác tại trạm y tế xã thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thêm hệ số 0,3 và 0,25 mức lương cơ sở cho bác sĩ công tác ở trạm y tế xã, phường còn lại. Tỉnh Đác Lắc cũng hỗ trợ nhân viên y tế thôn, buôn ở các xã đặc biệt khó khăn, với mức phụ cấp bằng 0,5 lần so với mức lương cơ sở...
Ngoài việc thực hiện tốt công tác cử tuyển, cử đội ngũ y tá, y sĩ đi học chuyên tu, các tỉnh Tây Nguyên phối hợp các trường đại học y, dược tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã, phường, góp phần phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào. Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên chưa có chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút bác sĩ mới ra trường, hoặc bác sĩ ở các địa phương khác có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm về công tác ở các trạm y tế xã, phường. Nhiều trạm y tế xã, phường còn thiếu trang thiết bị y tế, do vậy, môi trường làm việc, chuyên môn nghiệp vụ của bác sĩ còn hạn chế.
* Tỉnh Cà Mau đã có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo đột phá trong cải cách hành chính. Tỉnh chú trọng thực hiện toàn diện về mặt thể chế, thủ tục hành chính và cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính công và hiện đại hóa hành chính; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và bổ sung định mức biên chế, chỉ tiêu hợp đồng lao động; thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh cũng chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện Đề án vị trí việc làm đơn vị sự nghiệp công lập; ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa hoặc xây dựng mới phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đối với cấp xã… Đồng thời, tỉnh đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong tham mưu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp, đội ngũ công chức pháp chế của các cơ quan, đơn vị trong việc đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị.
Sáu tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của nhiều cơ quan, đơn vị đạt 100%; tỷ lệ văn bản đến, đi và cán bộ, công chức sử dụng phần mềm văn phòng điện tử thường xuyên của đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đạt hơn 97%. Nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết hồ sơ bị trễ hạn. Từ đó mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đã tăng lên. Phần lớn đơn vị triển khai thực hiện tốt cơ chế tự chủ về biên chế, kinh phí theo quy định, góp phần tiết kiệm, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. (Nhân dân, trang 3)
Lộn xộn trước cổng các bệnh viện
Lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông là tình trạng đang xảy ra tại khu vực cổng ra vào của nhiều bệnh viện, nhất là vào giờ cao điểm đầu giờ sáng, giữa trưa hay cuối giờ chiều.
Có mặt tại phố Phương Mai vào 9h30 ngày 26-7, mặc dù không phải giờ cao điểm, song đoạn phố dài khoảng 100m, từ khu vực trước cổng Bệnh viện Da liễu trung ương đến đường Giải Phóng, các phương tiện giao thông đi lại trong cảnh lộn xộn, ùn ứ. Tuyến phố này có mặt cắt hẹp, nhưng tập trung nhiều bệnh viện lớn: Da liễu trung ương, Bạch Mai, Việt - Pháp... và cũng là trục đường chính dẫn vào khu tập thể Phương Mai nên lưu lượng người và phương tiện qua đây khá đông. Chỉ cần 1-2 xe ô tô, taxi dừng đỗ dưới lòng đường, đón trả khách đã gây nên tình trạng ùn ứ, lưu thông khó khăn.
Đặc biệt, khu vực cổng phụ Bệnh viện Bạch Mai trên phố này là “điểm nóng” khi vào buổi trưa, tối, có rất đông người nhà bệnh nhân từ bệnh viện ra ngoài mua đồ ăn, khiến giao thông càng trở nên lộn xộn. Tại khu vực cổng chính của Bệnh viện (đường Giải Phóng), ô tô, taxi, xe ôm dừng đỗ chờ đón khách cũng gây nên tình trạng ùn tắc cho các phương tiện khi lưu thông qua đây, đặc biệt vào giờ cao điểm trưa và chiều.
Tại cổng chính Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (đường Trần Hưng Đạo), tình trạng lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông cũng khá phức tạp. Ở đây, taxi dừng đỗ thành hàng dài, từ gần nút giao cắt phố Lê Thánh Tông - Tăng Bạt Hổ tới gần cổng bệnh viện. Trước cổng, xe máy, xe ôm, hàng rong “bủa vây” càng khiến khu vực trở nên lộn xộn.
Một số điểm khác là khu vực cổng chính Bệnh viện Mắt trung ương (phố Bà Triệu), Bệnh viện Phụ sản trung ương (phố Tràng Thi), Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (phố Phủ Doãn) cũng xảy ra tương tự. Ùn ứ, giao thông đi lại khó khăn bởi nhiều xe dừng đỗ trái phép dưới lòng đường, taxi chờ khách...
Để sớm chấm dứt tình trạng này, đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng Cảnh sát giao thông cần có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp thiếu ý thức, cố tình tái phạm và có giải pháp chống ùn tắc tại các khu vực này. (Hà Nội mới, trang 6)
Dịch sốt xuất huyết bùng phát ở Thủ đô, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Tôi rất sốt ruột”
Chiều 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thị sát tại một số điểm nóng về dịch sốt xuất huyết (SXH) của quận Đống Đa, nơi có nhiều ổ dịch nhất Hà Nội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đích thân vục nước kiểm tra bọ gậy, loăng quăng trong bể nước tại một công trường xây dựng ở phường Láng Thượng, thuộc quận Đống Đa, Hà Nội, chiều 28/7.
Đoàn chọn điểm thị sát đầu tiên là công trường xây dựng tòa nhà căn hộ cao cấp Hồng Kông Tower ở 243 Đê La Thành. Phó Thủ tướng xuống thẳng khu vực hầm công trường, nơi cách đây chưa lâu các công nhân sinh hoạt. Khu hầm ẩm thấp, tối tăm, nền nhà đọng nước,bọ gậy và muỗi rất nhiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Trước khi xuống đây có ai tưởng tượng nổi công nhân lại sống như thế này ngay giữa vùng dịch SXH không”.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, đại diện Trung tâm Y tế quận Đống Đa cho biết, trước đó khi kiểm tra tại đây thấy mật độ bọ gậy dày đặc, rất nhiều muỗi, là môi trường lý tưởng để lây truyền, bùng phát SXH đã yêu cầu các công nhân phải chuyển lên trên sân công trường để sinh sống nhằm phòng tránh SXH, đồng thời rắc vôi bột, phun hóa chất diệt muỗi, khử bọ gậy. Tại khu vực sinh hoạt mới của công nhân ở phía trên tòa nhà, ông Đam trực tiếp trèo lên bể chứa nước của công trường để kiểm tra.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện rất nhiều ổ loăng quăng trên đường đi vào khu trọ ở phố Chùa Láng. Điều kiện vệ sinh của khu nhà trọ cũng rất hạn chế, đông người ngoại tỉnh thuê ở.
Đây là khu vực thuộc phường đang bùng phát dịch SXH với tỷ lệ bệnh nhân cao thứ 4-5 của toàn quận Đống Đa nhưng trò chuyện với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, một người dân cho hay không biết dịch đang bùng phát tại nơi mình ở. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định các lán trại, vật dụng phế thải nhiều nên chống dịch hiện khó khăn hơn trước.
Trực tiếp vào kiểm tra tại một phòng trọ khoảng 8m2 với 5 người sinh sống ở khu trọ trên phố Chùa Láng, đoàn thị sát ghi nhận trong phòng không để nước đọng lưu cữu qua ngày, không có ổ chứa loăng quăng, bọ gậy.
“Tôi thấy sốt ruột vì không có biện pháp kiên quyết thì dịch sẽ phát triển nữa. Hà Nội mà trở thành vấn đề để mọi người quan tâm vì bùng phát dịch thì rất không nên”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hỏi từng thành viên trong hộ gia đình này những hiểu biết về phòng bệnh SXH. Bà Vũ Thị T (70 tuổi) cho biết: “Tôi từ Nam Định lên đây trông cháu nhỏ cho con. Ở Nam Định, tôi được chính quyền, cán bộ y tế tuyên truyền phải diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách lật úp các vật dụng chứa nước, nên ra Hà Nội tôi áp dụng ngay để phòng bệnh SXH”.
Phó Thủ tướng sốt ruột vì dịch sốt xuất huyết bùng phát giữa thủ đô - ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với công nhân dưới tầng hầm tòa nhà Hồng Kông Tower ở số 243 Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội, chiều 28/7.
Phát biểu tại cuộc họp với UBND quận Đống Đa và Bộ Y tế sau khi thị sát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận: “Tôi thấy sốt ruột vì không có biện pháp kiên quyết thì dịch sẽ phát triển nữa. Hà Nội mà trở thành vấn đề để mọi người quan tâm vì bùng phát dịch thì rất không nên, tôi rất sốt ruột.
Quan trọng nhất hiện nay là 2 giải pháp. Thứ nhất là y tế dự phòng mà mọi người cùng phải tham gia, chính quyền phải làm bền vững. Về phía người dân vẫn còn nhiều người coi nhẹ dịch bệnh hoặc đi làm suốt nên không thể vào nhà phun hoá chất diệt muỗi”. Phó Thủ tướng khẳng định, ngoài vận động cần kiên quyết xử lý một cách quyết liệt.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố có gần 8.000 ca mắc SXH, đứng thứ 2 cả nước nếu tính theo số tuyệt đối, đứng thứ 19 cả nước tính theo tỷ lệ %. Hiện còn gần 900 bệnh nhân đang điều trị.
Bệnh nhân xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã với 70% số phường. Đã ghi nhận 4 ca tử vong tại phường Trung Liệt (Đống Đa), phường Giáp Bát (Hoàng Mai); phường Cống Vị (Ba Đình), phường Quang Trung (Hà Đông).
Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các năm trước, Hà Nội lưu hành hai type virus Dengue là D1, D2, hiện nay đã phát hiện thêm type D4, vì vậy nguy cơ sẽ làm tăng số trường hợp mắc bệnh. Qua kiểm tra còn thấy ổ bọ gậy xuất hiện ở khu vực nghĩa trang, đình chùa. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Quan trọng là truyền thông đại chúng và truyền thông y tế.
Để “hạ hỏa” các phường có nhiều người mắc SXH, phải phun muỗi sau đó diệt loăng quăng trong 2 tuần. Diệt muỗi phải lật úp vật dụng có thể chứa nước từ chiếc lá đến các dụng cụ khác. Kinh nghiệm triển khai tại miền Nam cho thấy sau 1 chiến dịch diệt loăng quăng thì dịch hạ nhiệt hẳn. Diệt thuốc chỉ là một phần, quan trọng là diệt loăng quăng. Ngoài chính người dân thì các đoàn thể như thanh niên tình nguyện, các hội ban ngành phải vào cuộc”.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Hiện nay dịch diễn biến phức tạp và khó chống hơn trước nhiều do có nhiều lán trại, nhiều nơi chứa nước đọng.
Muốn phun thuốc diệt muỗi cũng khó khăn hơn do nhiều nhà cao tầng, chậu cây cảnh là nơi chứa nước thuận lợi cho muỗi sinh sản. Phải tập trung giảm người mắc thì mới giảm được số tử vong”. Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết năm nay nhuận 2 tháng 6 âm lịch, thời gian nóng kéo dài nên dịch sẽ lâu hơn.
Phó Thủ tướng thông tin: “Tôi làm việc với Tổ chức Y tế thế giới thì được biết Việt Nam thuộc tỷ lệ mắc SXH và tử vong thấp nhất khu vực. Tuy nhiên gần như năm nào cũng rộ lên dịch bệnh này. Điều kiện tự nhiên làm dịch bệnh bùng phát không phải là không lường được nhưng phải giải quyết quyết liệt”.
Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: “Đi thực tế để thấy các biện pháp phòng chống không có gì mới nhưng phải làm mạnh. Giải pháp tốt nhất là diệt loăng quăng bọ gậy. Vận động thành việc thường xuyên để hạn chế dịch bệnh, thành ý thức của người dânvà cộng đồng.
Hà Nội có số người dân vãng lai nhiều, công trường xây dựng nhiều thì phải đưa việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng thành việc thường xuyên để phòng bệnh. Chúng ta có hệ thống đoàn thể từ địa phương đến trung ương phải vận động để phòng dịch. Tôi đi kiểm tra tại Hà Nội nhưng thực chất muốn đề cập đến các tỉnh cũng có nhiều công trình xây dựng phải nghiêm với các chủ đầu tư, tuyên truyền nhiều rồi giờ phải xử nghiêm. Dù không có dịch cũng phải làm nghiêm để phòng ngừa”. (Tiền phong, trang 3)
Cùng chủ đề Báo trang 4: “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp thị sát ổ dịch sốt xuất huyết : làm mọi các “hạ hỏa” ngay”; Gia đình & Xã hội trang 7: “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Sốt xuất huyết ở Hà Nội khiến tôi rất sốt ruột””
Bệnh uốn ván gia tăng trở lại: Người dân vẫn lơ là
Bệnh uốn ván tưởng như đã được thanh toán hoàn toàn, nhưng mấy năm trở lại đây, tình trạng người dân mắc loại bệnh truyền nhiễm này lại đang gia tăng, có những địa phương bùng phát mạnh.
Mắc uốn ván mà ngỡ bị tai biến
Đang khỏe mạnh, ông Nguyễn Thành Hiến (86 tuổi, ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bỗng dưng bị cứng hàm, không nói, không ăn uống được, chân tay co quắp lại. Nghi ngờ bị tai biến mạch máu não, gia đình đưa ông vào Bệnh viện mạch An Giang. Các bác sĩ không xác định được mắc bệnh gì nên chuyển ông sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang. Tại đây, ông Hiến được chẩn đoán là nhiễm uốn ván và được chuyển thẳng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong sự lo lắng của cả gia đình - không hiểu vì sao mà ông lại mắc bệnh này. Lúc này ông Hiến mới nhớ ra cách đây không lâu, ông bị xước tay do cọ vào tường xi măng.
Còn ông Nguyễn Văn Bàn (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) vẫn không quên chuyện mình đã “chết đi sống lại” vì mắc uốn ván. Sau khi bị chiếc búa đập trúng tay gây chảy máu, nghĩ đơn giản, ông Bàn mua thuốc kháng viêm về uống. Không ngờ 7 ngày sau, ông bắt đầu có triệu chứng cứng hàm, lưỡi bị cong lên, không nói chuyện, không ăn uống được. Tưởng bị tai biến, ông được gia đình đưa đi châm cứu và điều trị bằng thuốc nam tại một thầy lang gần nhà. Tuy nhiên, bệnh tình chẳng những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Quá lo sợ, gia đình quyết định đưa ông vào TPHCM để điều trị.
“Vào đây nghe các bác sĩ nói tôi mới biết là mình bị mắc uốn ván, chứ từ trước đến nay không thấy ai bị bệnh và cũng không nghe nói đến bệnh này”, ông Bàn cho hay.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, bệnh viện này tiếp nhận 160 ca bệnh uốn ván ở người lớn và 2 ca bệnh uốn ván sơ sinh. Trung bình, mỗi ngày có từ 10 - 15 bệnh nhân nhập viện do uốn ván. Hiện Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đang điều trị cho 13 bệnh nhân uốn ván ở thể nặng, còn Khoa Nhiễm D thì điều trị gần 40 ca bệnh đang trong giai đoạn phục hồi.
Bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết người mắc bệnh uốn ván khởi đầu thường bị cứng hàm, không há mồm được, ăn uống khó khăn. Do triệu chứng cứng hàm nên người dân thường hay nghĩ đến bị sâu răng, sái trật khớp hàm, có khi nghĩ là tai biến mạch máu não, mà không nghĩ đến uốn ván. Do tự chẩn đoán sai nên người dân đa phần tìm đến sai địa chỉ, như các chuyên khoa tai mũi họng, nội thần kinh, vì vậy thường không phát hiện sớm về bệnh.
“Một số bệnh nhân khi đến với chúng tôi đã ở trong tình trạng bệnh nặng, hàm cứng không nói được, gồng giật, dọa ngưng thở”, bác sĩ Dương Bích Thủy cho biết.
Khi xác định bệnh nhân mắc uốn ván, cần ngay lập tức mở đường thở, đặt ống thở để hỗ trợ người bệnh, sau đó sử dụng các thuốc chống co giật để bệnh nhân nằm im, rồi sử dụng thuốc diệt vi trùng uốn ván.
Cần chủ động phòng ngừa
Nhận định về mức độ nguy hiểm của bệnh uốn ván, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, cho biết uốn ván có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi mà lại có sẵn bệnh nền. Ví dụ, bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu cơ tim, khi vi trùng uốn ván xâm nhập, gây nên rối loạn thần kinh giật thì nhịp tim cũng tăng lên, bệnh nhân sẽ bị nhồi máu cơ tim và tử vong.
Bệnh nhân mắc uốn ván có thể phải điều trị trong thời gian dài, có khi 1 - 2 tháng, gây tốn kém chi phí. Ngoài ra, những tổn thất về sức khỏe, tinh thần “hậu uốn ván” khiến nhiều người bệnh rơi vào khó khăn, chưa kể năng suất lao động sau này sẽ bị ảnh hưởng lớn do tình trạng cứng cơ, co giật gây nên. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Hiện vaccine phòng ngừa uốn ván cho trẻ nhỏ đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vì thế tỷ lệ trẻ nhỏ mắc uốn ván đã giảm hẳn. Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn những người trong độ tuổi lao động hoặc người lớn tuổi do không được chích ngừa đầy đủ lúc nhỏ, hoặc không chích nhắc lại đủ số mũi, thì dễ mắc uốn ván hơn. Tại Khoa Nhiễm D, 100% bệnh nhân nhập viện điều trị uốn ván đều chưa được chích ngừa uốn ván trước đó. Thậm chí, một số người dân dù chưa từng chích ngừa uốn ván nhưng khi bị vết thương ở tay, chân vẫn chủ quan không chích ngừa, khiến nguy cơ nhiễm bệnh càng tăng cao.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ lớn trong số ca mắc bệnh uốn ván, do thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nhiều yếu tố nguy cơ như dễ bị các vết thương hở, bị vật nhọn đâm vào người, trong khi trước đó chưa được chích ngừa phòng bệnh. Vì vậy, người dân cần chích ngừa chủ động trước, không chỉ đối với bệnh uốn ván mà cả các loại bệnh truyền nhiễm khác. Khi bị thương bởi vật nhọn, va quẹt gây nên vết thương hở, người dân nên đi chích ngừa uốn ván để ngăn ngừa khả năng nhiễm bệnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Xử nghiêm các trường hợp bất hợp tác phòng chống dịch SXH
Chiều 28-7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã bất ngờ kiểm tra tình hình phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) tại quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là địa bàn “nóng” về tình hình dịch SXH của thủ đô.
Tại quận Đống Đa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra là khu công trường xây dựng tòa nhà căn hộ cao cấp ở 243 Đê La Thành, ngay cạnh Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Tại đây, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng quận Đống Đa phải phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc phòng chống dịch tại các công trường xây dựng trên địa bàn và đẩy mạnh tuyên truyền người dân không để nước ứ đọng, ngủ màn để tránh bị muỗi đốt. Sau đó, đoàn công tác tiếp tục đến kiểm tra một khu nhà trọ của công nhân, sinh viên ở ngõ 112 phố Chùa Láng. Đồng thời tìm hiểu về việc phòng chống dịch SXH của một số hộ dân trên địa bàn.
Ngay sau khi đi thị sát, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc với UBND TP Hà Nội, Sở Y tế và quận Đống Đa về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự lo lắng dù dịch SXH đang bùng phát trên địa bàn Hà Nội nhưng nhiều người dân vẫn lơ là trong việc phòng chống. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội cùng các cơ quan chức năng cần làm tốt hơn công tác phòng chống dịch nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông để người dân tuân thủ các khuyến cáo về phòng chống dịch của ngành y tế. Từ thực tế kiểm tra, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh tại tất các các công trường xây dựng trong cả nước và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lơ là, chủ quan trong việc phòng chống dịch SXH.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đến nay tại Hà Nội đã ghi nhận gần 8.000 người mắc SXH với 4 trường hợp tử vong. Qua điều tra, số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hàng năm. Đáng lo ngại là nhiều hộ gia đình khi lực lượng phòng chống dịch đến phun thuốc diệt muỗi thì đi vắng hoặc không hợp tác. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Khởi tố vụ án để điều tra làm rõ việc nhiều bệnh nhi mắc bệnh sùi mào gà
Ngày 28-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Cơ quan Công an khởi tố vụ án để phục vụ điều tra làm rõ vụ việc liên quan đến 79 bệnh nhi tại địa bàn tỉnh Hưng Yên bị đồng loạt mắc bệnh sùi mào gà, sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư nhân. Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan Công an đã triệu tập những người liên quan để lấy lời khai.
Trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương có thông báo về sự gia tăng bất thường số bé trai ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên mắc bệnh sùi mào gà. Sau đó, nhiều bé trai khác ở Khoái Châu tiếp tục được gia đình đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám do mắc bệnh tương tự. Đến ngày 21-7, số trẻ được chẩn đoán bị sùi mào gà tại huyện này đã tăng lên 79.
Trước sự việc trên, Cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên đã vào cuộc điều tra, làm rõ. Các bệnh nhân trước đó đã điều trị chít hẹp bao quy đầu tại phòng khám tư nhân của Y sĩ Hoàng Thị Hiền, ở xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu.
Ngày 21-7, Sở Y tế Hưng Yên tạm đình chỉ chuyên môn trong 15 ngày đối với bà Hoàng Thị Hiền và sẽ tiếp tục gia hạn đình chỉ cho đến khi làm rõ nguyên nhân hàng loạt trẻ em ở huyện Khoái Châu bị sùi mào gà.
Căn cứ kết quả xác minh, ngày 26-7, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với Y sĩ Hoàng Thị Hiền về 3 hành vi: "Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép". Hiện vụ việc đang được Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục điều tra, làm rõ. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)