Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/10/2016

  • |
T5g.org.vn - Bình Dương công bố dịch bệnh do vi rút Zika; Triệt phá cơ sở sản xuất thuốc đông y trái phép; Thuốc Việt đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng; Người bệnh được gì với mô hình bệnh viện công - tư ?; Phòng liệt nửa mặt, méo miệng khi trời lạnh; ...

Bình Dương công bố dịch bệnh do vi rút Zika

Ngày 29-10, Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết UBND tỉnh vừa ký quyết định về việc công bố dịch Zika cấp phường, xã trên địa bàn tỉnh. 

Cụ thể, Bình Dương hiện có một trường hợp phụ nữ mang thai tại P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An dương tính với virut Zika.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, mặc dù chỉ có một trường hợp nhiễm bệnh nhưng do Zika có thể lây lan nhanh nên sau khi cân nhắc, cơ quan chức năng của địa phương vẫn quyết định công bố dịch để nâng cao ý thức phòng tránh bệnh trong nhân dân.

Hiện nay Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp như tiêu khử trùng, vệ sinh… để phòng chống dịch.

UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan thực hiện ngay những biện pháp phòng, chống dịch Zika theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng được UBND tỉnh yêu cầu phải tăng cường quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus Zika gây nên để khống chế, không để phát sinh ổ dịch mới. (Tuổi trẻ, trang 4), (Thanh niên, trang 3).

 

Triệt phá cơ sở sản xuất thuốc đông y trái phép

Hàng nghìn viên thuốc Đông y đã được đóng hộp để tiêu thụ trong cả nước. Tuy nhiên, khi công an kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan.

Ngày 29/10, thông tin từ Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất thuốc Đông y, dạng viên không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép sản xuất nằm trên địa bàn.

Theo đó, vào khoảng 10h, ngày 28/10, theo nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, Công an TX Kỳ Anh đã tiến hành khám xét ngôi nhà thuộc tổ dân phố Tân Phong, phường Kỳ Thịnh. 

Được biết, ngôi nhà này do Nguyễn Thị Thảo (SN 1987) trú huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) thuê để sản xuất thuốc Đông y.

Qua quá trình kiểm tra, các dụng cụ sản xuất thuốc đông y tại cơ sở này đã bị hoen rỉ, không đảm bảo vệ sinh, mùi hôi thối bốc lên. 

Ngoài ra, Công an đã thu giữ hàng chục bao bì đóng sẵn, cùng hàng trăm hộp đã được đóng thành viên dạng tròn cho vào thùng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. 

Ngoài ra, CQĐT còn phát hiện hàng loạt bao đựng bột ngô, bột nếp, mật mía và một số loại không rõ nguồn gốc, kèm theo đó là hàng ngàn chai lọ sắp đống để chờ đóng hàng.

Chủ cơ sở Nguyễn Thị Thảo không xuất trình được giấy tờ liên quan về giấy phép cũng như chất lượng sản phẩm. Số thuốc trên sẽ được Thảo cho tiêu thụ trong cả nước.

Công an thị xã Kỳ Anh sẽ tiếp tục điều tra vụ việc, xử lý theo pháp luật. (Thanh niên, trang 5).

 

Thuốc Việt đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng

Ngày 29/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn kiểm tra việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Y tế. Theo đại diện Bộ Y tế, thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phát động và thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, nhằm góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng, đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường cho biết: “Tiêu chí đánh giá chất lượng thuốc phải đảm bảo chất lượng, an toàn và điều trị có hiệu quả. Thuốc sản xuất trong nước không nằm ngoài yêu cầu đó và có giá thành hợp lý, thấp hơn so với thuốc nhập ngoại nên hiện tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước đang ngày càng tăng”. Tại tuyến huyện, tỷ lệ năm 2015 là 67,89%, so với mức 61,5% năm 2010 (trước khi triển khai Đề án); tại tuyến tỉnh, năm 2015 là 35% so với 33,9% năm 2010. Bên cạnh đó, có những đơn vị đã vượt mục tiêu Đề án đề ra như Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An… với tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở tuyến huyện trên 80%, tuyến tỉnh trên 60%. Tại tuyến trung ương, tỷ lệ số lượng mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tại một số đơn vị tăng mạnh, như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - gần 30%, Bệnh viện Chợ Rẫy - 40%,  Bệnh viện Thống Nhất - 65,1%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đạt 31,6% trong 9 tháng đầu năm 2016.

Các nhà sản xuất dược phẩm trong nước đang có những bước phát triển lớn, đặc biệt là khuynh hướng đầu tư chiều sâu về khoa học công nghệ và chất lượng cho nhà máy và sản phẩm. Tính đến hết năm 2015, cả nước có 163 nhà máy đạt tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, doanh thu sản xuất trong nước ngày càng tăng. “Thuốc sản xuất trong nước đã đảm bảo 50% nhu cầu sử dụng thuốc về giá trị tiền thuốc sử dụng; đã sản xuất được 10/12 loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng”, ông Cường cho biết.

Cũng trong ngày 29/10, đoàn đến kiểm tra việc thực hiệc Cuộc vận động tại Cty Cổ phần Dược phẩm Traphaco. Ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, báo cáo: “Năm 2014, Cty Traphaco được trao tặng danh hiệu Ngôi sao thuốc Việt cho 5 sản phẩm. Traphaco trở thành công ty sản xuất thuốc đông dược lớn nhất ở Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược với doanh thu 9 tháng đầu năm 2016 là 1.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước”.

Kết luận tại buổi kiểm tra, thay mặt đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những nỗ lực của Bộ Y tế cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị trong ngành y tế về việc hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ông cũng yêu cầu ngành y tế triển khai sâu rộng hơn nữa đến các đơn vị cơ sở từ cơ sở sản xuất đến cơ sở điều trị. “Ngành y tế là ngành duy  nhất hiện nay hưởng ứng cuộc vận động này. Điều này thể hiện trách nhiệm chính trị cũng như lòng tự hào dân tộc của toàn ngành”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói. (Tiền phong, trang 2), (Thanh niên, trang 5), (Tuổi trẻ, trang 2). 

 

  Người bệnh được gì với mô hình bệnh viện công - tư ?

Mô hình bệnh viện hợp tác công -tư khiến dư luận còn nhiều băn khoăn, thậm chí nghi ngờ vấn đề công - tư lẫn lộn, lấy công làm tư. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (mới) là một trong những bệnh viện đầu tiên triển khai theo mô hình hợp tác công - tư: cùng trên một khu đất có bệnh viện công - tư tách bạch nhưng do một giám đốc điều hành... Mô hình này khiến dư luận còn nhiều băn khoăn, thậm chí nghi ngờ vấn đề công - tư lẫn lộn, lấy công làm tư. Trả lời PV Thanh Niên xung quanh vấn đề này, TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, nói: Khu dịch vụ ở Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Đồng Nai được đầu tư bằng xã hội hóa. Các cổ đông gồm BVĐK Đồng Nai (40%), CotecGroup và CotecLand (60%) thành lập Công ty cổ phần BVĐK Đồng Nai với vốn điều lệ 270 tỉ đồng. Việc đầu tư theo mô hình này phù hợp với chủ trương xã hội hóa của nhà nước. Khi khu dịch vụ tư khi đi vào hoạt động thì người dân tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận có thêm sự lựa chọn dịch vụ khám, chữa bệnh, được lựa chọn bác sĩ, phòng ốc khang trang...

Nhưng khi khu vực BV công quá tải thì liệu có tình trạng đẩy bệnh nhân qua khu vực tư nhân?

Theo thiết kế và chỉ tiêu giường bệnh tại khu vực công được giao là 700 giường bệnh nội trú. Thế nhưng, hơn một năm qua chúng tôi tiếp nhận trung bình khoảng 1.150 giường bệnh/ngày (vượt 64%). Tại khu vực dịch vụ thì số lượng giường theo thiết kế 700 giường, trong 3 tháng gần đây số giường bệnh trung bình sử dụng từ 480 - 520 giường bệnh nội trú/ngày. Đối với khám, chữa bệnh ngoại trú, hiện nay, khu vực công mỗi ngày tiếp nhận 3.500 - 4.000 bệnh nhân và khu dịch vụ tiếp nhận 900 - 1.500 bệnh nhân.

Có ý kiến cho rằng giá viện phí khu vực tư quá cao…

Về vấn đề giá dịch vụ, bệnh nhân có thẻ BHYT vẫn được khám và điều trị tại khu dịch vụ và chỉ phải trả phần chênh lệch giá viện phí sau khi đã trừ chi phí do bảo hiểm chi trả. Trong số các bệnh nhân khám điều trị tại khối dịch vụ, đa phần là bệnh nhân có điều kiện. Phần nhỏ bệnh nhân còn lại được chuyển từ khu vực công sang nằm và điều trị là theo nguyện vọng cá nhân và đăng ký của bệnh nhân hoặc thân nhân.

Thực tế, trong số 700 giường tại khối dịch vụ, công ty đã bố trí 140 giường (20%) giường giá rẻ, chỉ phụ thu chênh lệch 50.000 đồng/giường/ngày so với giá giường tại khu BV công, để phục vụ bệnh nhân khó khăn và góp phần giảm tải cho khu vực công. Đây cũng là cam kết của nhà đầu tư. Ngoài ra, giá của các dịch vụ chỉ cộng thêm chi phí tiền công bác sĩ, điều dưỡng và chi phí khấu hao tài sản, ngoài chi phí BHYT chi trả. Thí dụ, giường bệnh khu công 100.000 đồng thì khu dịch vụ là từ 250.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Các loại xét nghiệm dịch vụ khác thì chênh lệch 150% so với công. Ngoài ra, có những dịch vụ tại khối dịch vụ đã và đang thu viện phí bằng giá của nhà nước, như khoa lọc máu và thận nhân tạo chỉ thu bằng giá BHYT chi trả 440.000 đồng/ca chạy thận, khám đông y, chụp MRI, CT…

Việc cùng một lãnh đạo quản lý BV công và tư, liệu có vô tư, có lấy công làm tư?

Ngay từ khi chuẩn bị vận hành BV cả hai khối công - tư, BV và công ty đã ký kết thỏa thuận phối hợp hoạt động và các hợp đồng hợp tác về nguồn nhân lực, xét nghiệm, khám chữa bệnh… theo nguyên tắc khối dịch vụ sử dụng phải trả tiền theo giá viện phí mà BV công đang thực hiện (khối dịch vụ được xem như là khách hàng của BV).

Để đảm bảo nguồn nhân lực cho cả hai khối thì giữa hai bên đã ký kết hợp đồng hợp tác. Theo đó, giám đốc BV điều chuyển một số nhân sự sang công tác tại khối dịch vụ và do khối dịch vụ trả lương, phụ cấp. Ngoài ra, BV khu vực công cũng tạo điều kiện cho bác sĩ sang làm việc hợp tác ngoài giờ tại khối dịch vụ để cải thiện thu nhập, đồng thời tận dụng tối đa năng lực chuyên môn của các bác sĩ trong khám và chữa bệnh.

Theo chủ trương của Bộ Y tế về hợp tác theo hình thức đối tác công - tư, bệnh viện công nào quá tải sẽ được đưa nhân lực, y hiệu và cả bệnh nhân qua BV tư điều trị, hoặc cho phép BV công phối hợp với tư nhân đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ người bệnh. (Thanh niên, trang 5).

 Phòng liệt nửa mặt, méo miệng khi trời lạnh

Những ngày trời trở lạnh, nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng phát hiện bị liệt nửa mặt, méo miệng. Triệu chứng này khiến nhiều người nghĩ đến một tai biến mạch máu não, tuy nhiên theo các chuyên gia, đa phần đây là triệu chứng do liệt dây thần kinh số 7.

Điều trị chậm dễ bị liệt vĩnh viễn

Nhiều người khi ngủ dậy thấy một bên mặt hơi cứng khác thường, soi gương thấy bị xệ xuống và miệng bị méo sang một bên, một bên mắt  không thể nhắm kín và nước mắt chảy ra… Cũng có người ban ngày bỗng dưng thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt, khó cười nói, khó nhắm mắt, cử động một bên mặt; đau trong tai; nhức đầu; mất vị giác; nước mắt và nước miếng tiết ra nhiều hơn… Theo các chuyên gia khi có những triệu chứng này cần nghĩ ngay đến việc bị liệt dây thần kinh số 7.

Có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng, nhưng 75% là do lạnh làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên. Bệnh này mùa nào cũng có thể mắc, nhưng mùa lạnh và lúc giao mùa thường gặp nhiều hơn. 

Người bị trúng gió méo miệng, liệt dây thần kinh số 7 nếu tới bệnh viện chuyên khoa trong 3 ngày đầu tiên phần lớn chữa khỏi và hồi phục. Nhưng điều trị chậm, hoặc điều trị không đúng cách sẽ tiến triển xấu, để lại di chứng như viêm loét giác mạc, liệt mặt, méo miệng vĩnh viễn...

Với người bị cao huyết áp, việc cạo gió, đánh cảm gây mất thời gian cần thiết để cấp cứu, còn có thể gây giãn mạch, làm nặng thêm tình trạng thiếu máu não. Do đó, hãy cho người bệnh nằm im nghỉ ngơi, tránh nói nhiều và cho uống thuốc hạ huyết áp, rồi nhanh chóng đưa đi bệnh viện có chuyên khoa thần kinh gần nhất để được cứu chữa kịp thời.

Tây y chữa liệt mặt, méo miệng bằng chạy điện nóng và làm sóng ngắn ngay ngày đầu, tập luyện các động tác ở mặt, ở trán, ở môi miệng. Người bệnh có thể phải phẫu thuật (nhất là những trường hợp nhanh chóng chuyển sang liệt co cứng nửa mặt). Trong Đông y, châm cứu là một trong những biện pháp hữu hiệu trong điều trị liệt dây thần kinh số 7. 

Phòng bệnh thế nào?

Để phòng liệt dây thần kinh số 7, khi trời trở lạnh, nhiệt độ chênh lệch ngày - đêm cao, những người dễ mắc và người đã có tiền sử bị liệt mặt, méo miệng không nên thức quá khuya mà cần sắp xếp tăng giờ làm việc ban ngày để giảm giờ thức đêm.

Đặc biệt, ngày lạnh không nên uống rượu cho ấm người, vì cồn làm nóng cơ thể, nhưng khi giã rượu sẽ rất lạnh. Hơi ấm thoát ra ngoài không được bảo vệ, gặp phải khí lạnh thì người bệnh sẽ bị cảm, trúng gió. Đã uống bia, rượu rồi không nên ra ngoài lạnh hoặc đi tắm ngay vì rất dễ bị méo miệng, thậm chí là đột quỵ.

Nếu đang trong chăn ấm phải ra khỏi chăn, hoặc ở trong nhà ấm áp mà phải ra ngoài môi trường lạnh cần khoác thêm áo ấm. Nếu phải tắm cần tắm nước ấm, trong phòng kín và tắm nhanh. Tránh tắm bằng nước lạnh và tuyệt đối không tắm khuya vì cơ thể rất dễ bị nhiễm lạnh làm nguy cơ mắc liệt mặt, méo miệng cao hơn.

Cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên. Ăn uống đủ dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp. Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, giữ ấm trán, đầu, cổ để tránh tiếp xúc trực tiếp với gió. Hạn chế ở ngoài trời lạnh thấp nhất và luôn giữ ấm cho cơ thể. (An ninh Thủ đô, trang 8).

 

Kinh  hoàng vụ côn đồ truy sát nhau trong BV ở Đồng Nai

Bệnh nhân đang điều trị ở BV Đa khoa huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai hoảng hốt khi thấy 2 nhóm thanh niên tay cầm mã tấu, kiếm nhật, dao đuổi chém nhau trong khuôn viên của BV. Theo cơ quan công an, nguyên nhân ban đầu được xác định là do mâu thuẫn trên bàn nhậu (chi tiết trên báo Đời sống & Pháp luật, trang 20).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang