Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/12/2016

  • |
T5g.org.vn - Các cơ sở y tế trực 24/24h trong dịp tết Dương lịch; Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế: Góp phần giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng mở khoa điều trị ung bướu; Khánh thành trạm xá hữu nghị Việt Nam - Campuchia; Bộ Y tế yêu cầu xác minh việc quên kéo trong bụng bệnh nhân…

Các cơ sở y tế trực 24/24h trong dịp tết Dương lịch

 Ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã ký công văn số 9130/BYT-VPB gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tổ chức trực trong dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2017.

Ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã ký công văn số 9130/BYT-VPB gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tổ chức trực trong dịp nghỉ Tết Dương lịch năm 2017.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bảo đảm nhân lực, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, phương tiện khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, đồng thời tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Các Sở Y tế chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, tại các điểm vui chơi, lễ hội. Mặt khác, bố trí, phân công cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực 24/24h trong những ngày nghỉ để phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Xây dựng kế hoạch phối hợp với Công an, các lực lượng liên quan trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và phòng  chống cháy nổ tại đơn vị.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế các tỉnh, thành phố quán triệt tới từng cán bộ trong đơn vị có trách nhiệm kiểm tra kỹ hệ thống phòng chống cháy nổ, tắt tất cả các thiết bị điện không cần thiết; nghiêm cấm việc thắp hương, đun nấu trong phòng làm việc đảm bảo phòng chống cháy nổ tại đơn vị, niêm phong toàn bộ cửa ra vào các phòng của đơn vị. Đồng thời, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời báo cáo về những vấn đề nổi cộm, đột xuất phát sinh xảy ra trong lĩnh vực, địa bàn quản lý. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế:
Góp phần giảm tải, nâng cao chất lượng khám 
chữa bệnh

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) tại các địa phương và cơ sở thời gian qua đã cho thấy những hiệu quả bước đầu.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) tại các địa phương và cơ sở thời gian qua đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Cái lợi đã không chỉ thuộc về cơ sở y tế khi tinh giản được nhiều thủ tục giấy tờ nhờ CNTT, đẩy nhanh thủ tục hành chính trong thanh toán BHYT, giám sát Quỹ BHYT... mà chính người bệnh cũng được hưởng lợi, khi ở nhà người bệnh cũng có thể gửi tin nhắn để đặt lịch khám, lấy số khám; rồi những ca bệnh ở địa phương vùng sâu, vùng xa đã được nhanh chóng hội chẩn cùng các chuyên gia tuyến trên để kịp thời cứu bệnh nhân...

Bệnh nhân tuyến dưới được giáo sư tuyến Trung ương hội chẩn từ xa

Những thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện tin học hóa trong quản lý KCB và thanh toán BHYT năm 2016, xây dựng kế hoạch năm 2017 do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/12. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong năm 2016, công tác tin học hóa KCB và thanh toán BHYT đã đạt được một số kết quả nổi bật. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành mô hình kiến trúc tổng thể về hệ thống thông tin KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, làm cơ sở để triển khai các hoạt động về tin học hóa trong BHYT một cách khoa học và có kế hoạch. Các Sở Y tế, cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã cũng đồng hành với Bộ Y tế và tích cực thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong  quản lý KCB.

Theo số liệu báo cáo của các sở y tế và báo cáo của BHXH Việt Nam, trên cả nước hiện có 12.719 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH... Đến 15/12/2016, cả nước có 12.653/12.719 cơ sở KCB thực hiện được kết nối liên thông dữ liệu đạt 99,48%.

Từ thực tế hiện nay cho thấy nhờ ứng dụng CNTT, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số BV tuyến TW triển khai Telemedicine, hỗ trợ các BV vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất khả quan. Các BV Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Nhi TW, Phụ sản TW, Chợ Rẫy đã thường xuyên hội chẩn trong KCB cho một số BV tuyến tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật của các BV vệ tinh. Hệ thống Telemedicine đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên BV tuyến trên, đặc biệt là tại các BV vùng biên giới, hải đảo, nằm cách xa trung tâm. Bệnh nhân ở các BV tuyến huyện vẫn có thể được các giáo sư, bác sĩ giỏi đầu ngành từ các BV hàng đầu tuyến Trung ương, các thầy thuốc tại tuyến tỉnh tư vấn, hội chẩn, KCB từ xa. Người bệnh và gia đình không phải mất thêm nhiều chi phí cho việc đi lại, ăn ở khi phải chuyển viện lên tuyến trên; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên...

Thống nhất chuẩn đầu ra dữ liệu giữa ngành y tế và BHXH

Mặc dù có những kết quả đáng ghi nhận, song tại hội nghị, ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cũng thẳng thắn chia sẻ, tồn tại của việc triển khai kết nối liên thông giữa cơ sở KCB với cơ quan quản lý và BHXH là chuẩn hóa dữ liệu danh mục dùng chung tại cơ sở y tế đang gặp khó khăn vì nhân lực thiếu, cách hiểu khác nhau, bộ mã danh mục dùng chung của Bộ đưa ra chưa đầy đủ nhất là danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục vật tư y tế và danh mục tân dược. Để thực hiện yêu cầu kết nối liên thông nhiều cơ sở KCB phải thay mới hoặc nâng cấp phần mềm quản lý BV hoặc phần mềm quản lý viện phí. Điều này gây áp lực cho cán bộ y tế trong việc thích ứng với phần mềm mới.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, khó khăn chung trong ứng dụng CNTT của ngành y tế là hạ tầng chung của ngành y tế còn nhiều yếu kém; chưa có trung tâm dữ liệu y tế quốc gia; chưa có hệ thống đường truyền kết nối ngành y tế; nhiều dịch vụ kèm theo chưa có (hệ thống quản lý chữ ký số dùng trong y tế, quản lý định dạng cho từng cơ sở KCB). Do đó, tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị cơ quan BHXH, tiếp tục phối hợp để triển khai thống nhất, đồng bộ KCB BHYT điện tử theo lộ trình, cụ thể với Bộ Y tế. Thống nhất chuẩn đầu ra dữ liệu, đồng bộ danh mục dùng chung với hệ thống thông tin KCB BHYT của Bộ Y tế để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại...

Về phía các cơ sở KCB, lãnh đạo Vụ BHYT đề nghị các cơ sở KCB BHYT cập nhật đầy đủ mã và tên thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế theo danh mục dùng chung điện tử vào phần mềm quản lý KCB, điều chỉnh phần mềm để kết xuất dữ liệu đúng quy định của Bộ Y tế; cung cấp đầy đủ thông tin về chỉ định, kết quả điều trị ngay khi người bệnh BHYT ra viện để quản lý việc KCB BHYT...

Trong thời gian tới, dữ liệu trong khám chữa bệnh BHYT sẽ được kết nối trên toàn quốc. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng mở khoa điều trị ung bướu

 Ngày 29-12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết đã hoàn tất việc tổ chức vận hành khoa ung bướu và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân. 

Đây là hoạt động nằm trong đề án bệnh viện vệ tinh chuyên khoa ung bướu giai đoạn 2016-2020 giữa Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng với Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Khoa ung bướu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng được đầu tư 38 tỉ đồng với quy mô 40 giường bệnh, chuyên điều trị ung thư và nhiều bệnh nan y khác.

Trong giai đoạn thực hiện đề án, các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp chặt với các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để tiếp nhận các kỹ thuật điều trị ung thư như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...

Ban đầu phía Bệnh viện Ung bướu hỗ trợ chuyển giao để dần dần nâng cao năng lực điều trị bệnh ung thư, nâng cao chất lượng điều trị để đủ sức phục vụ người dân ngay tại địa phương, sau đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng chủ động khám và điều trị.

Đối với những trường hợp đặc biệt có thể hội chẩn từ xa hoặc áp dụng chuyển viện.

Theo số liệu của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, trong năm 2016, bệnh viện tiếp nhận khoảng 6.200 bệnh nhân từ tỉnh Lâm Đồng, trong đó có gần 4.000 bệnh nhân nhập viện điều trị.

Số bệnh nhân khám và nhập viện tăng giảm không nhiều so với 5 năm trước đó. (Tuổi trẻ (trang 8).

 

Khánh thành trạm xá hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Sáng 29-12, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh cùng tiểu khu quân sự và Ty Công an tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia đã tổ chức lễ khánh thành trạm quân - dân y hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Đại tá Nguyễn Hoài Phương - chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Tây Ninh - cho biết công trình trên là kết quả hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới hai nước tại khu vực cột mốc 150 (huyện Châu Thành, Tây Ninh - huyện Romeas Haek, tỉnh Svay Rieng) nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới hai bên, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến - ủy viên Trung ương Đảng, tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam - cho biết lực lượng bảo vệ biên giới hai nước sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trạm xá trên tại những địa phương có chung đường biên giới với Campuchia, để hỗ trợ tốt nhất đồng bào hai nước đang gặp nhiều khó khăn.

Cùng ngày, tại tiểu đoàn bảo vệ biên giới 611 thuộc Vương quốc Campuchia, lực lượng bảo vệ biên giới hai tỉnh Tây Ninh và Svay Rieng đã ký kết hợp tác, cùng hỗ trợ nhau trong việc đảm bảo an ninh biên giới, tuần tra chung theo định kỳ, chống các loại tội phạm và hỗ trợ nhân dân hai nước qua lại thông thương. (Tuổi trẻ (trang 8).

 

Bộ Y tế yêu cầu xác minh việc quên kéo trong bụng bệnh nhân

Ngày 29/12/2016, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn đề nghị Sở Y tế Bắc Kạn và Bệnh viện Đa khoa Tỉnh xác minh việc Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn để quên kéo phẫu thuật trong bụng bệnh nhân suốt 18 năm. Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Sở chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn xác định tình trạng hiện tại của người bệnh, hướng xử lý để can thiệp kịp thời, lấy dị vật ra an toàn. Cục đề nghị phối hợp với các chuyên gia, bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để xử lý trong trường hợp cần thiết. 

Bệnh viện cũng được yêu cầu nghiên cứu tìm nguyên nhân, xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm).

Kết quả xác minh, xử lý báo cáo về Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế trước ngày 6/1.

Mới đây ông Ma Văn Nhật, 54 tuổi, ở Bắc Kạn vào Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên khám sau một lần thấy đau nhói ở bụng. Kết quả siêu âm phát hiện một chiếc panh dài khoảng 15 cm trong bụng. 

Theo ông Nhật, trừ lần phẫu thuật cách đây 18 năm, ông chưa phải vào viện mổ lần nào nữa. Khi đó là tháng 6/1998, ông bị tai nạn giao thông khiến ghi đông xe đâm vào mạng sườn, được chuyển từ bệnh viện huyện ra bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được chỉ định phẫu thuật. Sau mổ, ông vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường.

Sở Y tế Bắc Kạn cho biết có thể sẽ phẫu thuật lấy dị vật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên. Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có thể sẽ được mời tham gia ca mổ này để đảm bảo an toàn cho người bệnh. (Tiền phong, trang 6, Thanh niên, trang 2, Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Đừng bỏ qua những triệu chứng u não

U não là bệnh do sự phát triển bất thường của tế bào xảy ra ở não. Các khối u não có đủ hình dạng và kích cỡ, do đó các triệu chứng của căn bệnh này cũng rất đa dạng. Thường có 2 loại là u lành và u ác (ung thư não). Ở cả 2 trường hợp, u não khiến các tế bào não bị phá hủy, có thể gây tử vong. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được nguyên nhân cụ thể gây ra u não. U não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên càng về già nguy cơ bị u não càng tăng. 

U não có thể di truyền và với những người thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất hoặc chất phóng xạ nhất định, nguy cơ bị u não sẽ cao hơn người khác. Khối u sẽ ảnh hưởng tới khả năng điều khiển bộ não hoặc diễn giải thông tin từ tất cả các phần của cơ thể. Các triệu chứng của một khối u gây ra phụ thuộc vào vị trí của nó. Ví dụ, nếu bị khối u gần phần não điều khiển cánh tay hoặc thị lực, các triệu chứng có thể nhận biết như yếu chi hoặc nhìn mờ.

Động kinh

Bất kể loại khối u não nào, co giật thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên. Kích thích từ các khối u tế bào thần kinh làm cho não không kiểm soát được và cử động bất thường. Cũng giống như các khối u, co giật dưới dạng khác nhau như co giật toàn thân, hoặc co giật các chi hoặc một bên mặt.

Khó điều khiển tay chân

Nếu đi lại khó khăn, mất cân bằng, tay chân vụng về có thể là một dấu hiệu của khối u não. Ngoài ra, u não còn xuất hiện các triệu chứng như khó nói, nuốt hoặc kiểm soát biểu hiện trên khuôn mặt. U não khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng cơ thể.

Mất cảm giác

Mất cảm giác ở một phần cơ thể hoặc khuôn mặt. Đặc biệt, nếu khối u xuất hiện vùng não kết nối với cột sống có thể gây mất cảm giác hay chuyển động cơ thể vụng về. Những người có khối u ở thùy đỉnh của não bộ có xu hướng bị mất cảm giác và không cử động được tay, chân do các khối u ảnh hưởng tới dây thần kinh.

Suy giảm trí nhớ

Các khối u có thể gây ra những thay đổi lớn trong hành vi hay tính cách của một người. Những người có khối u có nhiều khả năng gặp những vấn đề ghi nhớ và suy nghĩ. Khối u xuất hiện ở thùy đỉnh khiến người bệnh hay bị nhầm lẫn trong các hoạt động hàng ngày.

Buồn nôn

Cảm giác buồn nôn hoặc đau bụng, đặc biệt là nếu những triệu chứng dai dẳng và không giải thích được, có thể là dấu hiệu của một khối u. Những cơn buồn nôn và nôn xuất hiện vào sáng sớm cũng là biểu hiện của bệnh. Nếu tình trạng này ngày càng tệ hơn, đặc biệt là khi bạn thay đổi tư thế, bạn nên tới bệnh viện thăm khám.

Thay đổi thị lực

Nhìn mờ và giảm thị lực đều gắn liền với các khối u. Triệu chứng này hầu như không được chú ý bởi chúng cũng có thể là do mất thị lực hoặc khi mắt bị căng thẳng. Tuy nhiên, cũng không nên quá chủ quan khi thấy mắt yếu đi, hãy đi khám bác sỹ để phòng tránh trường hợp xấu nhất xảy ra.

Đau đầu

Đau đầu thường không phải là một dấu hiệu sớm của một khối u não. Tuy nhiên, đau đầu xuất hiện khi não có khối u rất lớn. 

Những điều bạn cần biết

Một số rối loạn di truyền có thể dẫn đến các khối u não. Nhưng phần lớn các khối u phát sinh ở những người không có yếu tố nguy cơ hoặc yếu tố ảnh hưởng. Trẻ em và người lớn trên 60 tuổi có nhiều khả năng phát triển các khối u. Đối với các khối u não lớn hoặc ác tính, phương pháp điều trị có thể phẫu thuật, sử dụng thuốc, xạ trị hay hóa trị. Không phải tất cả các khối u não đều nghiêm trọng. Nhiều khối u nhỏ lành tính và không cần điều trị. (An ninh Thủ đô, trang 15).

 

“Thuốc” sinh con trai: Các chuyên gia nói gì?

Hiện nay trên các trang mạng xã hội rao bán tràn lan các bài thuốc gia truyền đặc trị nhiều bệnh dạ dày, táo bón, mất ngủ, tăng cân, hôi nách, hôi chân...

Hiện nay trên các trang mạng xã hội rao bán tràn lan các bài thuốc gia truyền đặc trị nhiều bệnh dạ dày, táo bón, mất ngủ, tăng cân, hôi nách, hôi chân... Báo Sức khỏe & Đời sống đã có bài phản ánh về vấn đề này. Không chỉ có thế, những bài thuốc quảng cáo sinh con trai cũng được rao bán một cách công khai. Người bán thuốc không phải là bác sĩ hay lương y, chỉ là “tự sưu tầm bài thuốc” rồi đem bán cho những người đang “khát” con trai với giá rất đắt.

Không phải thầy thuốc, lương y vẫn bán thuốc

Sinh ba con gái nên chị N.T.L.H. ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) rất mong muốn săn một cậu quý tử để “nối dõi tông đường” và để chồng chị đỡ bị “khinh” phải ngồi mâm dưới. Đứa thứ 3, chị cũng đã gặp hết thầy nọ đến thầy kia để “đúc” ra thằng cu nhưng không thành, lần này chị lại quyết định sinh thêm một đứa nữa và để cẩn trọng hơn chị hỏi han hết thầy miền xuôi, miền ngược, Đông Tây y kết hợp. Vừa rồi lên mạng tìm hiểu thấy trang facebook có tên “Bán thuốc sinh con trai”, chị mừng như vớ được vàng. Sau một hồi tìm hiểu và nhắn tin với người quản trị facebook này, chị H. nhận về gói thuốc sinh con trai với giá 1,7 triệu kèm theo một tờ đơn viết tay nguệch ngoạc. “Cái rễ nhỏ ngâm rượu uống (chồng uống một chén, tối uống một chén), cái rễ to hơn vợ cho vào ấm + 3 quả ớt với 3 bát nước, lấy một bát ngày uống 3 lần, khi có kinh nguyệt thì uống, uống trong khoảng 10 ngày thì nghỉ. Phơi khô, nếu tháng đấy mà không có thai thì lại sắc thuốc uống như lần 1”.  Người bán thuốc này giới thiệu đây là bài thuốc sinh con trai của dân tộc Thái. Thành phần của thuốc chỉ là các loại rễ, lá cây thảo dược quý trong rừng được một thầy lang người Thái tìm kiếm. Sau khi uống thuốc, chị H. vẫn chưa yên tâm và thắc mắc hỏi thì được chủ trang bán hàng khẳng định như đinh đóng cột “ không phải lo vì chưa có ai trượt...”.

Cũng trong vai một bà mẹ đang thèm khát con trai, chúng tôi nhắn tin đến chủ của trang này và tỏ ý muốn đến khám bệnh, bắt mạch để được kê đơn cho chắc chắn, vì thông thường chữa bệnh là phải bắt mạch kê đơn. Chủ trang này cho biết, mình không phải là bác sĩ hay lương y gì mà chỉ thấy bài thuốc của người dân tộc hay thì đem về bán và giới thiệu cho mọi người... Đáng nói là chủ trang facebook còn cho biết, trước đây chỉ bán thuốc sinh con trai, nhưng  do mới đây thầy tìm thêm được nhiều bài thuốc mới tốt nên lại giới thiệu như bài thuốc chữa yếu sinh lý cho phụ nữ cũng của dân tộc Thái với giá 800 nghìn đồng…

Lướt qua trang bán thuốc sinh con trai này, chúng tôi nhận thấy khá nhiều mẹ quan tâm và hỏi han về “loại thuốc” này, mặc dù thành phần và nguồn gốc không rõ ràng.

Chưa từng có bài thuốc để sinh con theo ý muốn nào

Trao đổi với phóng viên về bài thuốc đẻ con trai được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, theo Tây y, quyết định con trai hay gái là phụ thuộc vào di truyền nhiễm sắc thể, vào tinh trùng của người chồng. Tinh trùng X sẽ cho con gái, còn tinh trùng Y sẽ cho con trai. Theo Đông y, có quan niệm âm dương. Nếu vợ chồng ăn uống, sinh hoạt mang tính dương thì sẽ có khả năng sinh con trai. Còn nếu ăn uống mang tính âm thì sẽ có khả năng sinh con gái. Tuy nhiên, đây cũng chỉ được xem là yếu tố để hỗ trợ. Cùng quan điểm này, Thầy thuốc nhân dân BS. Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, chưa từng có bài thuốc nào chữa để sinh con theo ý muốn. Lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo, không nên mua thuốc khi không biết nó là thuốc gì và thành phần của nó ra sao, bởi nếu không thì tiền mất mà tật lại mang.

Dưới góc độ dân số học, BS. Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết: Pháp lệnh dân số đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 9/1/2003 và có hiệu lực từ ngày 1/5/2003. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 104/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh. Theo quy định, tất cả các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức đều bị nghiêm cấm. Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những vấn đề “nóng” mà hệ lụy của việc thừa nam thiếu nữ có thể thấy trong vòng 2 thập kỷ tới. Việc mất cân bằng đó không chỉ là cảnh báo nữa bởi sự hiện hữu bằng tỉ số 112 trẻ trai/100 trẻ gái và vẫn có xu hướng tăng; đặt ra những thách thức cho công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới. Kết quả điều tra biến động dân số kế hoạch hóa gia đình năm 2011 của Tổng cục Thống kê qua các lần sinh, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam đều ở mức cao và đều mất cân bằng. Lần thứ nhất: 109,7; lần thứ 2: 11,9 và lần thứ 3 trở lên rất cao: 119,7. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

BHXH Việt Nam triển khai hệ thống “Một cửa điện tử tập trung”

Từ ngày 1/1/2017, BHXH Việt Nam sẽ chính thức đưa vào vận hành Hệ thống “Một cửa điện tử tập trung”. Chiều 28/12, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã trực tiếp kiểm tra việc vận hành hệ thống.

Kết nối toàn quốc

Hiện nay, BHXH Việt Nam vẫn đang chỉ đạo các địa phương thực hiện 3 hình thức giao dịch với NLĐ và đơn vị SDLĐ gồm: Giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH; giao dịch qua dịch vụ bưu chính và giao dịch trực tuyến thông qua phần mềm giao dịch điện tử.

Các dữ liệu giải quyết thủ tục hành chính của BHXH các địa phương qua 3 kênh giao dịch trên vẫn đang được Vụ Pháp chế thống kê, tổng hợp theo hình thức thủ công. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, TTHC.

Ông Lương Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam cho biết): Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp với Trung tâm CNTT thực hiện “Đề án triển khai mô hình một cửa điện tử tập trung tại BHXH Việt Nam” nhằm quản lý, chỉ đạo, theo dõi công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC tại BHXH các tỉnh, thành phố. Sau quá trình thử nghiệm, đến nay, các BHXH địa phương đã thực hiện kết nối dữ liệu phần mềm quản lý tiếp nhận hồ sơ 2.0. Tại BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện xong việc lắp đặt thiết bị hạ tầng CNTT tại Vụ Pháp chế.

Theo Vụ Pháp chế, Hệ thống phần mềm “Một cửa điện tử tập trung” sẽ giúp theo dõi công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của ngành BHXH trong phạm vi cả nước. Hệ thống sẽ cung cấp công cụ theo dõi đường đi của hồ sơ; kiểm soát được tiến độ giải quyết hồ sơ của các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH tỉnh và BHXH các quận, huyện. Qua đó, đảm bảo việc thực hiện TTHC tại các địa phương được công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, đáp ứng mục tiêu cải cách TTHC mà ngành đề ra.

Trong thời gian tới, Vụ Pháp chế sẽ tiếp nhận trực tuyến các báo cáo, thống kê, tổng hợp kết quả tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC, thay vì các địa phương phải gửi báo cáo qua đường bưu điện hoặc qua thư điện tử như hiện nay.

Nhiều tiện ích

Về tiện ích của phần mềm, đại diện Vụ Pháp chế cho biết: Với hệ thống này, các phòng, bộ phận “Một cửa” của BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện sẽ quản lý được toàn bộ quy trình nghiệp vụ từ việc tiếp nhận hồ sơ đến chuyển hồ sơ dữ liệu, thụ lý giải quyết, trả kết quả, tổng hợp báo cáo kết quả giải quyết TTHC. Trong đó, quản lý chi tiết đến ngày, giờ giải quyết hồ sơ, cán bộ thụ lý hồ sơ; cảnh báo tình trạng hồ sơ sắp đến hạn, chậm muộn.

Cơ quan BHXH địa phương cũng quản lý được lượng hồ sơ cần giải quyết, tiến độ giải quyết, tình trạng hồ sơ để có phương án xử lý kịp thời. Qua theo dõi quy trình trên phần mềm, lãnh đạo BHXH địa phương cập nhật được thông tin về tình hình, kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC tại các phòng, bộ phận nghiệp vụ; kiểm soát, đôn đốc các phòng, bộ phận giải quyết kịp thời, tránh tình trạng tồn đọng hồ sơ.

Về phía Vụ Pháp chế, thông qua phần mềm sẽ định kỳ, đột xuất thực hiện tổng hợp, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại cơ quan BHXH các địa phương. Đồng thời, thống kê, tổng hợp báo cáo kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế “Một cửa” trong toàn ngành và từng địa phương.

Sẽ giám sát, kiểm tra, đôn đốc

Tại buổi kiểm tra trước khi chính thức vận hành hệ thống, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Vụ Pháp chế và Trung tâm Công nghệ thông tin trong việc triển khai xây dựng hệ thống.

Tổng Giám đốc cũng yêu cầu Vụ Pháp chế và Trung tâm CNTT lưu ý bổ sung tiện ích của hệ thống nhắc nhở, cảnh báo khi cơ quan BHXH giải quyết chậm, để nhiều hồ sơ quá hạn. Đối với số TTHC quá hạn chưa giải quyết, BHXH địa phương sẽ phải có giải trình nguyên nhân cụ thể và Vụ Pháp chế sẽ đưa ra những đánh giá về tiến độ xử lý công việc, kiểm soát được hồ sơ chậm, muộn để báo cáo lãnh đạo ngành chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.

Tổng Giám đốc cũng chỉ đạo Vụ Pháp chế cần phân công cán bộ theo dõi việc vận hành hệ thống của cơ quan BHXH các địa phương để có cơ sở đánh giá, làm căn cứ bình xét thi đua; góp phần nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ BHXH khi giao dịch với các đơn vị, doanh nghiệp, người dân, người lao động.

Cùng với các nỗ lực cải cách trong thời gian qua, mô hình “Một cửa điện tử tập trung” sẽ là một trong những ứng dụng CNTT hữu ích nhằm tạo thuận lợi cho ngành BHXH trong việc giám sát chặt chẽ các TTHC và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ BHXH. Đồng thời, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ và TTHC, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho NLĐ và các đơn vị SDLĐ khi giao dịch với cơ quan BHXH. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước: Dễ hay khó?

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống con người. Chúng ta cần nước sạch cho sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe và vệ sinh.

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống con người. Chúng ta cần nước sạch cho sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe và vệ sinh. Nước cần cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Không có nước - không có sự sống. Việt Nam là một trong những nước có nguồn tài nguyên nước phong phú, dồi dào nhưng hiện nay, tài nguyên nước ở nước ta đang trong tình trạng suy thoái cả về số lượng và chất lượng.

Ô nhiễm đi đôi với bệnh tật

Nước là tài nguyên quý giá, có hạn và dễ bị ô nhiễm. Các sự cố ô nhiễm nước biển miền Trung và các sông hồ… những tháng đầu năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch, tàn phá hệ sinh thái, làm tê liệt sinh kế của hàng triệu người dân... Trong một thời gian dài, việc nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của nước đối với đời sống, sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước, chưa chú trọng quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dẫn đến tài nguyên nước ở nước ta đã có những biểu hiện suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước, khan hiếm nước đã xuất hiện ở nhiều nơi và đang có xu hướng gia tăng… Đây là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết, cấp bách kiểm soát các nguồn ô nhiễm thải vào các vùng nước mặt.

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia về môi trường đã phân tích, trong khu vực nội thành của các thành phố lớn, hệ thống các hồ, ao, kênh, rạch và các sông nhỏ chính là nơi tiếp nhận và vận chuyển nước thải của các khu công nghiệp, dân cư. Hệ thống này hiện nay đang ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá mức tiêu chuẩn 5-10 lần, các hồ trong nội thành phần lớn ở trạng thái phú dưỡng, nhiều hồ bị phú dưỡng hóa đột biến và tái nhiễm bẩn hữu cơ. Trong đó có nguyên nhân do không kiểm soát được các nguồn thải và chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho các hệ thống thu gom, xử lý các chất thải lỏng, thải rắn. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu có tác động nhiều đến tài nguyên nước…

Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm kết mạc, tiêu chảy, ung thư... ngày càng tăng. Người dân sinh sống quanh khu vực ô nhiễm ngày càng mắc nhiều loại bệnh tình nghi là do dùng nước bẩn trong mọi sinh hoạt.

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm nước

Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) - Tổ chức điều phối Liên minh nước sạch tại sự kiện 3 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Liên minh Nước sạch được tổ chức tại Hà Nội mới đây cho biết: Bảo vệ chất lượng nước các vùng nước mặt cũng chính là bảo vệ sự sống còn của nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của hàng triệu người dân gắn liền với nguồn lợi thủy sản, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác liên quan đến nước. Việc kiểm soát ô nhiễm nước phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Do vậy, việc xây dựng một khung pháp lý, chính sách riêng biệt, đủ mạnh và hiệu quả để có thể góp phần kiểm soát tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng là vô cùng cần thiết. Liên minh Nước sạch kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để đưa Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào danh sách các luật mới sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Cũng theo bà Lý, nếu tình trạng thu phí nước thải thấp như thế này thì không thể tạo ra nguồn tài chính để xử lý nước thải sinh hoạt trong khi ngân sách nhà nước của ta lại không thể có đủ để đầu tư cho xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải. Điều này sẽ khiến nguồn nước ngày càng trở nên suy thoái. Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại. Tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá khá nhanh cùng sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước.

Về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ: Chính sách về tài nguyên nước chưa đầy đủ trong khi quản lý tài nguyên nước là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi cần có sự phối kết hợp thực hiện hiệu quả giữa các ngành, các cấp và toàn thể xã hội. Việc thực hiện bảo vệ tài nguyên nước ở nước ta còn nhiều khó khăn cần khắc phục, vì vậy nên Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa vấn đề này. Hơn hết, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức của mình về bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm này. Với bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát ô nhiễm phải quyết liệt, sẵn sàng, chủ động ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua năm 2012, đến nay, một số quy định của nó không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tài nguyên nước cho phù hợp với yêu cầu thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý về môi trường nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Sự kiện nổi bật của ngành DS - KHHGĐ năm 2016

2016 là một năm công tác DS-KHHGĐ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song toàn ngành DS-KHHGĐ đã nỗ lực vượt qua. Năm 2017, công tác dân số sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề chính, như duy trì mức sinh thấp hợp lý đối với những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế, đặc biệt tại những nơi có mức sinh thấp. Đồng thời, đẩy mạnh việc giảm sinh trên những địa bàn còn ở mức sinh cao; khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh... Báo GĐ&XH điểm lại các sự kiện nổi bật của ngành DS-KHHGĐ trong năm 2016.

1.Kết luận 119 của Ban Bí thư khóa XI về công tác DS-KHHGĐ

Trong Kết luận này, Ban Bí thư đã đề nghị Bộ Chính trị trình BCH Trung ương khoá XII nghị quyết về công tác dân số; chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển, nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số với các nhiệm vụ chủ yếu như: Duy trì mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số; điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

2. Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025

Ngày 23/3/2016 Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (giai đoạn 2016 - 2025) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 468/QĐ-TTg).

Đề án đề ra mục tiêu tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cụ thể, phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115/100 vào năm 2020. Ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 115/100 trở lên, giảm tỷ số giới tính khi sinh ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016-2020; phấn đấu giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107/100 sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên. Sau khi có quyết định phê duyệt Đề án của Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều quyết định hướng dẫn các địa phương thực hiện. Tính đến nay, đã có 24/63 tỉnh thành phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án, 28 địa phương đã có văn bản trình UBND tỉnh, thành phố chờ phê duyệt.

3 .Quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức dân số

Ngày 15/4/2016, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BYT - BNV về việc qui định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ viên chức dân số.

Sau 55 năm có ngành Dân số, làm dân số chính thức được Nhà nước công nhận là một nghề.

4. Kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống ngành DS- KHHGĐ

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam đã đạt được những thành công tốt đẹp. Năm 2016, đội ngũ những người làm công tác DS-KHHGĐ Việt Nam tự hào kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống của ngành (26/12/1961- 26/12/2016).

55 năm qua, công tác DS-KHHGĐ nước ta đã có sự thay đổi cơ bản, toàn diện cả về nội dung, cách làm, huy động được toàn hệ thống chính trị tham gia; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, tuổi thọ của người dân; nâng cao chỉ số phát triển con người; đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhân sự kiện này, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, trong đó có Hội nghị biểu dương cộng tác viên dân số cơ sở tiêu biểu toàn quốc.

5 .Đổi sổ Ao - Sổ ghi chép ban đầu về DS-KHHGĐ theo phương thức điện tử

Việc đổi sổ đang được nỗ lực thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ Trung ương đến địa phương.

Thông tin, số liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ tại kho dữ liệu điện tử Trung ương, 63 kho cấp tỉnh và 713 kho dữ liệu cấp huyện được rà soát, nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong phục vụ quản lý, điều hành công tác DS-KHHGĐ. Việc đổi sổ góp phần cung cấp thông tin, số liệu phục vụ việc hoạch định chính sách, quản lý chương trình và nhu cầu sử dụng thông tin số liệu thống kê dân số trong ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong thời gian tới.

6 .Hội thảo Quốc gia về tảo hôn

Ngày 25/10/2016 tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Cơ quan về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) đã phối hợp tổ chức Hội thảo này.

Thực trạng tảo hôn xảy ra ở 63 tỉnh, thành phố, nhưng nhiều nhất vẫn là ở các địa phương miền núi. Ở một số vùng còn có tỷ lệ tảo hôn cao, tuổi thọ trung bình chỉ xấp xỉ 45 tuổi. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ làm suy giảm số lượng, chất lượng dân số mà còn gây ra nhiều hệ lụy đối với bản thân, gia đình, gánh nặng cho xã hội. Bộ Y tế đã triển khai Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại 22 tỉnh, thành phố; Ủy ban Dân tộc đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025".

7 .Tổ chức thành công Chiến dịch truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Ngày 23/11, Tổng cục DS -KHHGĐ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ Tổng kết Chiến dịch truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam đang có hiện tượng tăng bất thường. Năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh là 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái; 6 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ này đã đạt mức 113,4 trẻ trai/100 trẻ gái.

Chiến dịch truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trong năm 2016 đã nỗ lực kêu gọi trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội chung tay làm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ổn định quy mô dân số và hướng tới xây dựng một xã hội văn minh. Tại Lễ Tổng kết, Tổng cục DS- KHHGĐ đã tổ chức trao giải cuộc thi Kể chuyện bằng hình ảnh “Con gái thật tuyệt” trên mạng xã hội. Theo đó, sau hơn 2 tháng phát động (5/9/2016 - 15/11/2016), cuộc thi đã thu hút trên 15.000 bài tham dự và gần 30 triệu lượt người hưởng ứng. Kết quả, có 10 tập thể và 10 cá nhân xuất sắc vinh dự giành giải thưởng. Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 2 giải phụ cho Bài viết cảm động nhất và Bài viết ấn tượng nhất. (Gia đình và Xã hội, trang 7).

 

Một bệnh nhân mắc bệnh hiếm gãy xương khắp cơ thể

Ngày 29/12, bác sĩ Huỳnh Khoa, Phó trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện chợ Rẫy TP.HCM cho biết, vừa điều trị thành công một ca u gây bệnh nhuyễn xương hiếp gặp.

Theo bác sĩ Khoa, bệnh nhân Huỳnh Ngọc T. nhập viện lần đầu vào tháng 5/2013, tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tiền sử của bệnh nhân có quá trình khởi bệnh từ tháng 10/2012 với các biểu hiện đau xương toàn phần, yếu 2 chi dưới, đi lại khó khăn, đau nhiều ở cột sống thắt lưng. Sau đó, bệnh nhân có biểu hiện gãy xương liên tiếp nhiều nơi vào những năm sau đó. Chẳng hạn gãy xương mu, gãy cổ xương đùi 2 bên, gãy lún nhiều xương đốt sống ngực và thắt lưng, gãy xương cẳng tay, gãy xương sườn.

Thấy tình hình bệnh ngày càng tái phát, chị T. tâm sự rằng, chị đã cùng gia đình đến khám chữa tại nhiều bệnh viện chuyên về xương khớp trên cả nước. Thậm chí, gia đình chị cũng chuẩn bị số tiền hàng chục nghìn đô la Mỹ để qua bệnh viện lớn ở Singapore chữa bệnh. Đi khắp nơi, với nhiều chẩn đoán và điều trị khác nhau, bao gồm điều trị nội khoa với thuốc trị loãng xương và phẫu thuật nẹp vít cố định cột sống thắt lưng nhưng bệnh diễn tiến ngày một nặng thêm, tình trạng gãy xương vẫn xảy ra. Chị T. đã phải ngồi xe lăn từ tháng 6/2014 và từng điều trị nhiều thuốc giảm đau khác nhằm làm nhẹ triệu chứng.

Đến tháng 6/2016, chị T. được người nhà đưa đến khoa Nội cơ xương khớp khám lại và được làm nhiều loại xét nghiệm để tầm soát nguyên nhân gây bệnh loãng xương thứ phát trong đó có tầm soát nguyên nhân rối loạn chuyển hóa calci và phospho máu (trong đó có xét nghiệm sinh hóa phải gửi sang Pháp làm giúp vì hiện nay xét nghiệm này ở Việt Nam chưa làm được).

au khi làm các xét nghiệm, chị T. được chẩn đoán xác định bệnh u gây bệnh nhuyễn xương dựa trên các kết quả như giảm phospho máu nặng, giảm hấp thu phospho, phát hiện khối u nhỏ vùng mỏm ngang đốt soongd D1 (sinh thiết có tế bào dạng Giant Cell và không có tế bào ác tính), đặc biệt lượng FGF23 tăng rất cao trong máu (Fibroblast Growth Factor 23 xét nghiệm này đã được gửi sang Pháp làm).

Sau đó, bệnh nhân được điều trị nội khoa với các thuốc phospho uống - Fledd Phospho Soda Oral, một loại thuốc nhuận tràng chủ yếu dùng để chuẩn bị nội soi đại tràng và Calcitriol (Vitamin D liều cao). Sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân hồi phục và hết đau xương, hết yếu cơ và bệnh nhân đi lại bình thường sau nhiều năm ngồi xe lăn.

Bác sĩ Khoa cho rằng, đây là trường hợp u gây bệnh nhuyễn xương được chẩn đoán và điều trị thành công đầu tiên tại Việt Nam. Kết quả điều trị thành công ngoạn mục mà ngay cả bác sĩ điều trị và bệnh nhân cũng ít nghĩ đến. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân này để điều trị triệt để cần phải phẫu thuật lấy u vùng cột sống D1. Bệnh viện dự kiến thuyết phục bệnh nhân và phối hợp với chuyên khoa ngoại thần kinh lên phương án phẫu thuật trong thời gian tới.

Chị T. nhớ lại: “Trước khi bị bệnh, cơ thể tôi nặng 60kg, cao 1m62 nhưng do gãy xương liên tục, bệnh nhiều năm, cho tới nay tôi chỉ nặng 45kg và cao 1m52.

Tôi cho rằng mình hồi phục và đi lại được sau nhiều năm ngồi xe lăn cũng là nhờ cái duyên đã gặp đúng bác sĩ, đúng bệnh viện. Tôi cứ ngỡ như mình đang mơ vậy, vì không nghĩ rằng mình lại có thể đi lại bình thường.

Trước đó, tôi cũng từng chữa bệnh tại Singapore, nhưng bị trả về và mang thương tật suốt đời. Tôi bị đau và quyết định quay lại Bệnh viện Chợ Rẫy khám, không ngờ lại có kết quả ngoài mong đợi”. (Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang