Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/12/2022

  • |
T5g.org.vn - Dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu người, chất lượng dân số được cải thiện; 200.000 người Việt bị đột quỵ não mỗi năm: Khuyến cáo của chuyên gia cách phòng bệnh trong rét đậm; Vi phạm về báo cáo giá thuốc, một công ty bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 100 triệu đồng…

 

Nhiều trẻ nhập viện vì bệnh hô hấp

Thời tiết chuyển lạnh ở khu vực phía Nam những ngày gần đây đã khiến bệnh hô hấp ở trẻ em tăng cao.

Sáng 29/12, trao đổi với phóng viên, BS Lê Thị Thanh Thảo, Phó khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết, đơn vị đang tiếp nhận và điều trị cho 233 trường hợp trẻ mắc bệnh hô hấp. “Số trẻ đang điều trị là những trường hợp có diễn tiến nặng được chỉ định nhập viện, điều trị nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng gần 5.000 trẻ đến thăm khám, điều trị ngoại trú, trong đó rất nhiều trẻ liên quan bệnh lý đường hô hấp” - BS Thanh Thảo nói.

Một trong những ca bệnh nặng điển hình là trường hợp của bé N.N.B.L (3 tuổi, quê Khánh Hòa) hiện đang trong tình trạng suy hô hấp với chẩn đoán viêm phổi, tràn dịch màng phổi, hoại tử phổi. Qua khai thác bệnh sử từ phía gia đình cho thấy, trước khi nhập viện bệnh nhi đã có biểu hiện ho, sốt, khó thở nhưng gia đình chậm trễ đưa bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám mà tự mua thuốc về điều trị tại nhà. Sau 11 ngày, tình trạng của bệnh nhi không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng thêm nên gia đình chuyển đến bệnh viện địa phương thăm khám. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã quyết định chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 vì tình trạng bệnh diễn tiến nặng. BS Phương Thảo cho biết, hiện bệnh nhi đang bị viêm phổi rất nặng, trên hình ảnh phim X-quang cả 2 bên phổi đều rất xấu. Bệnh nhi đang được hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng sinh kết hợp với các biện pháp điều trị nội khoa tích cực.

Một trường hợp khác là bé V.T.K (7 tháng tuổi, ngụ tại TPHCM) đang điều trị tại phòng Cấp cứu của khoa Hô hấp 1 trong tình trạng suy hô hấp do viêm phổi. Chị M.T.P (mẹ bệnh nhi) cho biết, 3 ngày trước bé có biểu hiện sốt, bỏ bú, thở khò khè nên gia đình đưa đến nhờ bác sĩ thăm khám thì được chỉ định nhập viện.

BS Thanh Thảo cho biết: “Bình thường mọi năm, thời điểm này số bệnh tại khoa hô hấp đã giảm nhiều nhưng năm nay thời tiết lạnh muộn nên đến giờ bệnh nhân vẫn ở mức cao, số trẻ nhập viện nhiều hơn tháng trước. Các bệnh hô hấp do siêu vi tăng cao, nhiều trẻ bị hen suyễn mạn tính lên cơn hen phải nhập viện. Đặc biệt trong năm nay, số trẻ mắc bệnh lý hô hấp ở lứa tuổi học đường ở mức cao áp đảo so với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

“Khi thời tiết trở lạnh, đường thở dễ bị khô, nếu không uống nước đủ, niêm mạc đường hô hấp rất dễ bị tổn thương. Khi nhiệt độ xuống thấp, siêu vi gây bệnh hô hấp như cúm A, cúm B, Adeno… sẽ gia tăng và rất dễ lây truyền. Khi mắc bệnh, những trường hợp có bệnh lý nền sẽ có khả năng diễn tiến nặng” - BS Lê Thị Thanh Thảo, Phó khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM . (Tiền phong, trang 5).

 

200.000 người Việt bị đột quỵ não mỗi năm: Khuyến cáo của chuyên gia cách phòng bệnh trong rét đậm

Đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau ung thư và tim mạch. Kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền sẽ giúp người bệnh được cứu sống và phục hồi một cách toàn diện, để sớm hòa nhập cộng đồng.

Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ não là một hội chứng lâm sàng được đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng biểu hiện tổn thương của não (thường là khu trú), tồn tại trên 24 giờ hoặc bệnh nhân tử vong trước 24 giờ. Những triệu chứng thần kinh khu trú phù hợp với vùng não do động mạch bị tổn thương phân bố, loại trừ nguyên nhân chấn thương.

Đột quỵ não là nguyên nhân dẫn tới tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới sau ung thư và tim mạch, là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.

Đột quỵ não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời. Đây là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm và phổ biến nhất.

Thống kê của Hội Đột quỵ não Việt Nam cho biết, hàng năm có khoảng 200.000 người bị bệnh lý này ở nước ta. Đặc biệt bệnh hay xảy ra vào mùa lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh.

Kết hợp Đông – Tây y trong điều trị đột quỵ như thế nào?

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc Phòng và điều trị đột quỵ não bằng Đông- Tây y kết hợp do Hội Đông y Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội, GS.TS.BSCC Lê Văn Thính, Trưởng Đơn vị Đột quỵ não – Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Đột quỵ não cấp tính cần phải được cấp cứu bằng y học hiện đại, bằng mọi cách để cứu sống bệnh nhân, nhưng sau khi được cứu sống, hầu hết bệnh nhân sẽ có những di chứng với các mức độ khác nhau như: Liệt vận động, rối loạn cảm giác, rối loạn ngôn ngữ và một số rối loạn cơ thể khác. Do đó, ở giai đoạn sau phối hợp với các phương pháp của Đông y để điều trị.

Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, trong Đông y, bệnh đột quỵ não đã được mô tả với danh từ ‘trúng phong’ cùng biểu hiện bệnh đột ngột, bệnh nhân hôn mê hoặc bị yếu, liệt mặt, tay hoặc liệt nửa người.

Y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phục hồi cho người bệnh như với các phương pháp như: Châm cứu, tập luyện, xoa bóp và dùng thuốc… Do đó, việc phục hồi chức năng sớm bằng các phương pháp y học cổ truyền là một trong những lựa chọn và là thế mạnh của Đông y.

Tuy nhiên, người dân nhận phải biết được các biểu hiện của đột quỵ để đến bệnh viện giai đoạn sớm nhất. Ví dụ: Khi thấy không cầm nắm được chặt, tay đưa lên khó, mặt liệt méo… cần đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Phòng ngừa đột quỵ thế nào?

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho biết, các yếu tố làm gia tăng các ca đột quỵ và trẻ hóa như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… không được kiểm soát.

Bên cạnh đó, hút thuốc, stress quá nặng cũng là nguyên nhân gây đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát tốt các tình trạng này là rất quan trọng, để phòng ngừa đột quỵ.

Ngoài ra, sự đổi mùa, không khí lạnh, đặc biệt lạnh đột ngột là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm cho đột quỵ não gia tăng. Do đó, ngoài việc kiểm soát tốt các tình trạng mạn tính, cần phải chú ý chống nhiễm lạnh, lưu ý đến ăn mặc, tắm gội… kiểm soát lạnh trong mùa đông cũng giúp phòng ngừa đột quỵ.

Mới đây, Hội Đông y Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc phòng, chống đột quỵ não bằng đông-tây y kết hợp. Đây là dịp để các thầy thuốc Tây y và Đông y cập nhật, trao đổi kiến thức, chia sẻ điểm mạnh, từ đó kết hợp tạo hiệu quả tối ưu trong phòng ngừa và điều trị căn bệnh này, nhất là trong thời điểm mùa lạnh như hiện nay ở nước ta.

Tham gia hội nghị có đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu viên trong lĩnh vực cấp cứu điều trị đột quỵ, thần kinh, phục hồi chức năng của các cơ sở y tế hàng đầu về y học hiện đại và y học cổ truyền như: Bệnh viện Bạch Mai; Viện Châm cứu Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội… và hàng chục nghìn hội viên Hội Đông y Việt Nam trên cả nước tham dự qua hình thức trực tuyến. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Vi phạm về báo cáo giá thuốc, một công ty bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 100 triệu đồng

Do vi phạm hành chính báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật đối với một số loại thuốc, Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Bình Thuận đã bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt 100 triệu đồng.

Thanh tra Bộ Y tế vừa có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Dược và Vật tư y tế Bình Thuận (địa chỉ Số 192 Nguyễn Hội, phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) 100 triệu đồng vì hành vi vi phạm hành chính: Báo cáo không chính xác các yếu tố hình thành giá thuốc theo quy định của pháp luật đối với các thuốc: DATAGALAS 10, MITICIPRAT, TUSPI, PHACOIDORANT 200mg, REDE 100mg.

Việc xử phạt theo quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 66 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

DATAGALAS 10 là thuốc chỉ định trong điều trị đái tháo đường týp 2 ở bệnh nhân ≥ 18t;

MITICIPRAT là thuốc chỉ định trong điều trị chứng tăng lipid máu sau khi ăn kiêng mà không hiệu quả: tăng cholesterol máu, tăng triglycerid máu hay tăng lipid hỗn hợp;

TUSPI trị cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi, viêm xoang, sốt, nhức đầu...

PHACOIDORANT 200mg dùng điều trị giảm đau trong các trường hợp như đau cơ, đau do chấn thương, đau răng, nhức đầu, đau hậu phẫu, đau hậu sản và đau bụng kinh, viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp.

REDE 100mg chữa trị chứng loét dạ dày; Những tổn thương niêm mạc dạ dày trong bệnh viêm dạ dày cấp và đợt cấp của viêm dạ dày mãn tính. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Chưa đến 60% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Hà Nội tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 5812/SYT-NVY gửi Sở GD-ĐT Hà Nội; UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với tỷ lệ chung của cả nước cũng như chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là “ít nhất 80% trẻ em dưới 18 tuổi được tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19” thì kết quả tiêm của Hà Nội vẫn còn rất thấp. Chưa đến 60% trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm đủ 2 mũi cơ bản (đến ngày 26.12.2022).

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo phòng y tế phối hợp phòng giáo dục, trung tâm y tế tiếp tục rà soát đối tượng trẻ em từ 5 tuổi trở lên; vận động, tuyên truyền cho cha mẹ, người giám hộ trẻ tiếp tục hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng; đảm bảo bao phủ đủ 2 liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đồng thời, sử dụng hết số lượng vắc xin được phân bổ, không thực hiện điều chuyển vắc xin khi vẫn còn đối tượng tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp.

Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục đôn đốc các trường tăng cường truyền thông cho học sinh, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm và trách nhiệm đảm bảo quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận; vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, kịp thời các liều cơ bản (mũi 1, 2) cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.Trước đó, Bộ Y tế cho biết hiện chưa có các kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại VN, tuy nhiên có thể sử dụng kết quả nghiên cứu trên thế giới về hiệu quả bảo vệ sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tham khảo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại VN.

Thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch, những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại. Do đó, việc tiêm vắc xin hiện vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng chống dịch Covid-19. (Thanh niên, trang 15).

 

"Uốn thẳng" lưng cho bệnh nhân 40 tuổi bị gù cong vẹo cột sống nghiêm trọng

Tin từ Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống của bệnh viện phẫu thuật tìm lại vóc dáng cho một người đàn ông 40 tuổi (trú tại Quỳnh Lưu, Nghệ An) với bệnh gù vẹo cột sống nghiêm trọng.

Gù cong vẹo cột sống nghiêm trọng vẫn nghiến răng chịu đựng

 Bệnh nhân là anh N.V.A đã bị gù cong vẹo cột sống từ rất lâu. Anh cho biết, dù ngày càng gù gập xuống, người cong vẹo, vô cùng bất tiện và đau đớn nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn nên anh vẫn phải chịu đựng.

Những năm gần đây, bệnh gù cong vẹo cột sống của anh ngày càng nghiêm trọng, kèm theo đau cột sống, khó thở tăng nặng do biến dạng cột sống gây nên.

Anh đã đi khám ở 1 số bệnh viện lớn trong Nam, ngoài Bắc nhưng vẫn chưa có kết quả. Khi nghe tin Bệnh viện Quân đội 108 đã phẫu thuật, chỉnh hình thành công 1 số ca gù cong vẹo cột sống nghiêm trọng nên anh V.A đã tìm đến.

Ca bệnh gù cong vẹo cột sống phức tạp

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống (Bệnh viện Quân đội 108), anh NV.A đã được thăm khám, chiếu chụp. Qua các hình ảnh Xquang và khám lâm sàng, các bác sĩ xác định đây là một ca bệnh đặc biệt khó, góc vẹo rất lớn T6L3 khoảng 126 độ. Ca bệnh này càng khó khăn hơn là kèm theo gù cũng rất lớn trên 100 độ.

Theo TS, bác sĩ Phan Trọng Hậu, Chủ nhiệm khoa Chấn thương Chỉnh hình cột sống, trước đây, khoa cũng đã tiến hành phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân vẹo lớn, nhưng hầu hết là vẹo đơn thuần, không kèm theo gù, và chủ yếu là các bệnh nhân trẻ tuổi, cột sống khá mềm dẻo.

Tuy nhiên, bệnh nhân V.A vừa gù vừa cong vẹo cột sống nghiêm trọng. Tuổi của bệnh nhân cũng khá lớn nên cột sống cũng bị cứng.

Sau khi thăm khám kỹ, nghiên cứu y văn, cộng với những kinh nghiệm trước đây, các bác sĩ đã quyết tâm phẫu thuật cho bệnh nhân với 2 thì mổ.

Thì thứ nhất đi lối trước, cắt xương sườn, vén phổi, cắt tối đa được 4 đĩa đệm để làm lỏng cột sống, sau đó lắp khung Halo kéo dãn trên giường nghiêng 30 độ, trong thời gian 3 tuần, với cân nặng tăng dần đến lúc đạt mức tối đa là 50% cân nặng của bệnh nhân. Thì thứ 2, đi lối sau, bắt vít nắn chỉnh vẹo.

Cũng bởi vì ca bệnh gù rất lớn, nên TS Phan Trọng Hậu, bác sĩ trực tiếp mổ cho bệnh nhân A đã quyết định cắt V xương ở 3 mức để nắn chỉnh.

Để thực hiện điều này phải là cả một sự quyết tâm lớn, bởi vì thời gian mổ dài, kĩ thuật khó, nhiều nguy cơ tai biến biến chứng. Cuộc đại phẫu cân não kéo dài nhiều tiếng.

Sau mổ, hình thể người bệnh đã gần như bình thường, chiều cao tăng thêm vài cm, Bệnh nhân đã cảm thấy thở dễ hơn, đi lại cũng ổn hơn, và quan trọng nhất là đã tự tin hơn rất nhiều trong cuộc sống.

Sau hơn 1 tháng, bệnh nhân đã phục hồi rất tốt, chỉ còn 1 thời gian ngắn nữa là bệnh nhân sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình. (Nông thôn ngày nay, trang 12).

 

Cục Quản lý Dược cần đề xuất giải pháp cụ thể giải quyết vấn đề thiếu thuốc hiếm

Mới đây, nhiều sản phụ - những phụ nữ có nhóm máu hiếm đang lo lắng vì hiện nay các bệnh viện đều hết sạch một loại sinh phẩm có tên Anti-D immunoglobuline humaine, được sử dụng trong quá trình mang thai và sinh con, nhất là trong cấp cứu sản khoa. Tình trạng thiếu một số thuốc, sinh phẩm thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại một bệnh viện.

Thiếu thuốc hiếm - không chỉ thiếu một loại, một bệnh viện

Theo phản ánh, hiện nay nhiều bệnh viện phụ sản lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bệnh viện có khoa Phụ sản khác… đều không còn thuốc và không biết khi nào mới được nhập lại. Các thai phụ đã cất công tìm kiếm khắp nơi nhưng các nơi đều báo không có. Những thai phụ sắp đến kỳ sinh nở, hoặc đến thời gian cần được tiêm loại thuốc phòng ngừa này, đang vô cùng lo lắng, hoang mang.

Tình trạng thiếu một số thuốc, sinh phẩm thuộc danh mục thuốc hiếm là tình trạng diễn ra không phải lần đầu và không chỉ diễn ra tại một bệnh viện.

Trước đó, tháng 8.2022, hàng loạt bệnh viện nơi có các trung tâm can thiệp tim mạch hàng đầu Việt Nam đều gặp phải tình trạng thiếu thuốc Protamin sulfat (thuốc cầm máu và chống đông tiêu sợi huyết- PV) dùng trong phẫu thuật tim mạch. Lý do chính của việc này là do Protamin sulfat là thuốc chuyên khoa, chỉ sử dụng trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực với nhu cầu không nhiều. Vì vậy, nhà sản xuất thường chỉ sản xuất sau khi có đơn đặt hàng từ các cơ sở khác.

Tiếp đó, ngay tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân bị ngộ độc nặng cũng phải đối mặt nguy hiểm khi trung tâm đầu ngành về điều trị ngộ độc bị thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất.

Nếu như trước đây, bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng bây giờ thì không thể như vậy. Bệnh nhân đành phải chờ đợi thầu, chờ đợi các thủ tục và hệ quả là bệnh nhân bị tổn thương não, khả năng tử vong cao. Một số loại thuốc hiếm như thuốc giải độc, huyết thanh kháng nọc rắn... hết sạch và đã có người bệnh tử vong.

Đại diện các bệnh viện chia sẻ, các loại thuốc hiếm thường được sử dụng rất ít, không thông dụng. Mặc dù ít, nhưng bệnh viện vẫn phải đấu thầu để có thuốc cho bệnh nhân sử dụng. Quy trình, thủ tục đấu thầu thì vô cùng phức tạp. Việc đảm bảo có thuốc cho bệnh nhân, dù rất ít bệnh nhân cần dùng, chính là thực hiện nghĩa vụ xã hội, rất nhân văn. Thế nhưng, khó khăn là các công ty cung ứng không hề mặn mà trong việc kinh doanh các loại thuốc hiếm, vì... không có lãi lời gì. 

Mỗi khi có tình trạng thiếu thuốc hiếm xảy ra, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế lại cấp tập ra các văn bản chỉ đạo các đơn vị nhập khẩu tìm nguồn cung ứng, đồng thời khuyến khích động viên các đơn vị nhập thuốc về Việt Nam, cung ứng cho các cơ sở y tế cần. Thế nhưng, dường như động thái này chỉ có thể giải quyết được tức thời các vấn đề liên quan đến thiếu thuốc hiếm. Tình trạng thiếu thuốc hiếm sẽ "đến hẹn lại lên" như suốt thời gian qua. Vậy có một giải pháp căn cơ nào cho tình trạng thiếu thuốc hiếm lặp đi lặp lại hay không?

Nên chăng cho phép mua trực tiếp, không qua đấu thầu?

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TS Lê Ngọc Thành - nguyên Giám đốc Bệnh viện E - cho rằng: "Có một số loại thuốc không có lời lãi gì trong kinh doanh, không được ai quan tâm, các doanh nghiệp không mặn mà gì nhưng bắt buộc phải có và liên tục phải có, hết hạn thì buộc phải bỏ đi. Nhưng nếu không có thì bệnh nhân sẽ là đối tượng chịu thiệt".

Theo GS Thành, vấn đề thiếu thuốc hiếm, nhiều năm nay đã xảy ra và vẫn xảy ra, trong đó có những loại thuốc mà bệnh nhân "không có là chết" nhưng vẫn thiếu.

Để giải quyết vấn đề này, GS Lê Ngọc Thành cho rằng, Nhà nước cần có một chiến lược tầm quốc gia, để giải quyết vấn đề cho tất cả các bệnh viện trên cả nước mỗi khi thiếu các loại thuốc hiếm để cứu chữa người bệnh.

"Cục Quản lý Dược cần có đề xuất giải pháp chung, cụ thể cho vấn đề này" - GS Thành nói.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng: "Tôi cho rằng nếu Nhà nước cho phép các cơ sở y tế mua các loại thuốc hiếm có thể mua không thầu thì sẽ có thể giải quyết được tình trạng thiếu các loại thuốc, sinh phẩm thuộc danh mục hiếm. Có những loại thuốc hiếm mà hàng trăm, hàng nghìn người mới có 1 người dùng thì các cơ sở y tế, các công ty họ cũng không thể kinh doanh được vì không có lời lãi gì. Vì thế nên cho phép mua trực tiếp, không qua thầu, với mục đích cao nhất là phục vụ cho bệnh nhân, để có thể đảm bảo tính nhân văn mà thôi".

Theo PGS Trần Danh Cường, Anti-D là một loại huyết thanh, rất đặc biệt, thời hạn rất ngắn, nếu có kho quốc gia để điều phối cho các bệnh viện thì cũng... không giữ nổi. Hiện nay, tất cả các trang thiết bị y tế, thuốc... đều phải qua đấu thầu, vì vậy, mua vài liều thuốc thôi cũng phải đấu thầu thì các cơ sở y tế không mặn mà, có khi họ không làm được, và đối tượng chịu thiệt thòi chính là người bệnh.

"Như ở bệnh viện Phụ sản Trung ương, chúng tôi không thể dự trữ sinh phẩm Anti-D, vì cực kỳ ít bệnh nhân có nhu cầu, mỗi năm chỉ có khoảng chục bệnh nhân cần sử dụng. Vì thế có dự trữ cũng không thể được vì loại huyết thanh này hết hạn rất nhanh" - PGS Trần Danh Cường khẳng định. (Lao động, trang 1).

 

Bổ nhiệm tân giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM sau gần hai năm khuyết vị trí giám đốc

Bác sĩ Lê Anh Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - vừa được bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM. Đây là người đầu tiên được bổ nhiệm giám đốc bệnh viện chuyên khoa công lập hạng 1 cả nước thông qua thi tuyển.

Lễ công bố quyết định điều động và bổ nhiệm chức danh giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM được tổ chức sáng 29-12 do ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Quyết định bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM với bác sĩ Lê Anh Tuấn có thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1-1-2023.

Trước đó, căn cứ kết quả thi tuyển do hội đồng thi tuyển (thuộc Sở Y tế TP.HCM) công bố, bác sĩ Lê Anh Tuấn là người vượt qua 25 ứng cử viên (đều là giám đốc bệnh viện hạng 2 và phó giám đốc bệnh viện hạng 1) sau hai vòng thi và trúng tuyển giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM.

Vị trí này vốn được đánh giá là "ghế nóng", bởi trước đó nhiều lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP.HCM vướng vòng lao lý liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Phát biểu tại lễ trao quyết định, tân Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM Lê Anh Tuấn đưa ra nhiều gói giải pháp trước mắt và lâu dài, đồng thời cam kết cùng ban giám đốc, nhân viên thực hiện các biện pháp sát với thực tế của bệnh viện.

"Tất cả đều hướng đến mục tiêu để bệnh viện sớm ổn định, tiếp tục phát triển, sớm trở thành một trung tâm chuyên sâu về mắt của cả khu vực và châu Á" - bác sĩ Lê Anh Tuấn nói.

Ông Tăng Chí Thượng nói rất vui vì cuộc thi tuyển chưa có tiền lệ này bước đầu đã thành công tốt đẹp, qua đó tuyển chọn được người đáp ứng các tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM.

"Dù thực tế rất nhiều khó khăn nhưng với vai trò trách nhiệm của mình, bệnh viện phải phát triển bền vững theo thế kiềng ba chân. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, cần phải là chỗ dựa cho các bệnh viện tuyến dưới và y tế cơ sở.

Với vai trò của giám đốc phải luôn tư duy đổi mới sáng tạo hoàn thiện quy chế, quy định nhằm tạo ra cơ chế làm việc, thu nhập ổn định cho nhân viên, cũng như mang đến sự hài lòng cho người bệnh" - ông Thượng gửi gắm.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn sinh năm 1973, là bác sĩ chuyên khoa II chuyên ngành quản lý y tế, cao cấp lý luận chính trị.

Ông từng tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 1997, từng công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Trong thời gian này, ông có thời gian tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ y tế công cộng tại Mỹ năm 2003 - 2005.

Từ tháng 4-2012 đến tháng 4-2017, ông Tuấn là chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Từ tháng 4-2017 đến nay ông được điều động làm phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Hà Nội: Số mắc sốt xuất huyết giảm mạnh trên 60% do thời tiết lạnh

Khoảng 1 tuần trở lại đây, toàn Hà Nội ghi nhận hơn 400 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong khi nhiều tuần liên tiếp trước đó đều ghi nhận bình quân 1.300-1.400 ca, tức mức giảm trên 63%…

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 16 đến 23-12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 427 ca mắc SXH (giảm 63,3% so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận tại 26/30 quận, huyện, thị xã, tập trung nhiều ở: Đống Đa (64 ca), Hà Đông (53 ca), Hoàng Mai (44 ca), Thanh Oai (35 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 19.215 ca mắc SXH, có 25 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc SXH trong năm nay tăng gấp 5,7 lần.

Cũng trong tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch SXH mới tại 4 quận, huyện: Đống Đa (3 ổ dịch), Bắc Từ Liêm (2 ổ dịch), Thanh Trì (2 ổ dịch), Hà Đông (1 ổ dịch). Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã ghi nhận 1.409 ổ dịch, hiện còn 29 ổ dịch đang hoạt động.

CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc mới SXH hiện giảm mạnh vì thời tiết đã lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Dù vậy, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng, không được chủ quan bởi thông thường những ca biến chứng nặng, tử vong thường tăng ở cuối vụ dịch. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Dân số Việt Nam đạt gần 100 triệu người, chất lượng dân số được cải thiện

Theo Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2022, dân số của Việt Nam năm 2022 là 99,46 triệu người.

Cơ quan thống kê cho biết, năm 2022, chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây.

Dân số trung bình năm 2022 của cả nước ước tính 99,46 triệu người, tăng 955,5 nghìn người, tương đương tăng 0,97% so với năm 2021, trong đó: Dân số thành thị 37,09 triệu người, chiếm 37,3%; dân số nông thôn 62,37 triệu người, chiếm 62,7%; nam 49,61 triệu người, chiếm 49,9%; nữ 49,85 triệu người, chiếm 50,1%.

ỷ số giới tính của dân số năm 2022 là 99,5 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi.

Tình hình lao động, việc làm năm 2022 phục hồi tích cực nhưng có xu hướng tăng chậm lại trong quý IV-2022. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của lao động quý IV-2022 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng so với quý trước do một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các đơn hàng bị cắt giảm vào dịp cuối năm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2022 là 51,7 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 46 triệu người, tăng 1,4 triệu người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,6 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2022 là 2,32%, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2022 là 2,21%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,7%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,51%.

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, ước tính thu nhập bình quân đầu người đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang