Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng yêu cầu phát triển dược liệu gắn với chuỗi giá trị; Khai trương hệ thống máy xét nghiệm chẩn đoán chính xác bệnh ung thư; Vụ 3 người trong gia đình ngộ độc nấm: Anh trai tử vong, bố đang nguy kịch; Phát triển đảng viên trong ngành y; Giáo sư Hoàng Đình Cầu, thầy thuốc của nhân dân

 

Thủ tướng yêu cầu phát triển dược liệu gắn với chuỗi giá trị

Chiều 29-3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Dược liệu Việt Nam (Vimames) về phát triển ngành Dược liệu. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Vimames Tạ Ngọc Dũng báo cáo, nhiều năm gần đây, nước ta phải nhập khẩu rất lớn, đến 70-80% dược liệu. Việc quản lý chất lượng còn bất cập, thiếu hệ thống dữ liệu toàn quốc. Một số ý kiến cho rằng, tiềm năng của ngành Dược liệu rất lớn, chúng ta có nhiều bài thuốc cổ truyền rất quý nên để dược liệu phát triển, cần có đầu ra cho sản phẩm; Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ như tổ chức các trung tâm sản xuất dược liệu ở các vùng miền trong nước. Nhất trí với các ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh vào các chủ trương, chính sách cần tập trung làm rõ như quy hoạch sản xuất, làm sao tổ chức sản xuất phải gắn với chế biến bởi nếu làm thô thì khó bảo quản, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, tổ chức đầu ra, tiêu thụ sản phẩm của dược liệu, bao gồm cả trong nước và xuất khẩu. Đồng thời ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu dược liệu giả.

Đồng ý biện pháp phát triển dược liệu gắn với chuỗi giá trị, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất mới, rất lớn đối với Việt Nam, chỉ có chuỗi giá trị mới giải quyết được một cách thuận lợi bài toán phát triển đối với bất cứ mặt hàng nào; phải gắn dược liệu với y học cổ truyền cũng như gắn y học hiện đại với y học cổ truyền. Việc kết hợp phải từ các trường học (về y tế), từ các ngành, các cấp, đặc biệt trong ngành Y tế. Có biện pháp tăng cường chất lượng dược liệu như xây dựng bộ tiêu chuẩn dược liệu, bảo vệ nguồn gene (Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 1).

 

Khai trương hệ thống máy xét nghiệm chẩn đoán chính xác bệnh ung thư

Chiều 29-3, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Đức đã khai trương hệ thống máy xét nghiệm tự động. Đây là hệ thống máy hiện đại nhất tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Hệ thống máy xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ lâm sàng có thể chẩn đoán chính xác đặc điểm bệnh học của từng bệnh nhân ung thư, giúp đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc điều trị và theo dõi tiên lượng bệnh nhân. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 chỉ sau các bệnh tim mạch. Hằng năm, thế giới có trên 6 triệu người mắc bệnh và khoảng 5 triệu người chết vì ung thư. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có con số thống kê tổng thể nhưng các chuyên gia ước tính mỗi năm phát hiện khoảng 150.000 ca ung thư mới và có 75.000 ca ung thư tử vong. Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc điều trị và theo dõi tiên lượng bệnh nhân ung thư, bác sĩ lâm sàng rất cần có chẩn đoán chính xác về đặc điểm bệnh học của từng bệnh nhân ung thư (Hà Nội mới, trang 5; Công an nhân dân, trang 6).

 

Vụ 3 người trong gia đình ngộ độc nấm: Anh trai tử vong, bố đang nguy kịch

Đến giờ Chu Thị Thoa (27 tuổi, ở Chi Lăng, Lạng Sơn) vẫn bàng hoàng chưa tin anh trai mình là Chu Văn Vinh (30 tuổi) đã vĩnh viễn ra đi vì ngộ độc nấm, món ăn mà gia đình vẫn thường dùng bao năm qua. Lo đám tang cho người anh xong, Thoa lại vội xuống Bệnh viện Bạch Mai chăm bố mẹ cũng bị ngộ độc nấm.

Ngày 27/3 thấy diễn biến tình trạng bệnh của anh trai quá nặng, trong khi cả nhà không còn đồng nào, Thoa đã đứng ra xin Bệnh viện Bạch Mai được cho anh trai dừng điều trị để về quê. Đoạn đường từ bệnh viện về đến nhà hơn 180km nhưng người anh xấu số đã không cầm cự được mà trút hơi thở cuối cùng ngay trên đường về. Anh Vinh chưa lập gia đình, sống với bố mẹ, hàng ngày làm ruộng.

Hai người em gái lấy chồng thi thoảng mới về nhà thăm bố mẹ và anh. Thoa là em gái thứ 2 của anh Vinh, hiện làm công nhân ở khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) chưa lập gia đình và trở thành trụ cột chính của gia đình. Hay tin bố mẹ và anh trai gặp nạn, Thoa xin nghỉ làm, cùng chị và em gái chạy ngược xuôi vay được hơn 100 triệu đồng đóng viện phí điều trị cho người thân. Vậy nhưng đến khi anh trai mất, số tiền gia đình cô nợ bệnh viện lên tới 80 triệu đồng. Thoa bảo: “Anh mất rồi, mẹ em mới qua cơn nguy kịch nhưng còn bố vẫn nặng lắm, chưa biết sống chết thế nào, mấy chị em không dám nói với mẹ là anh đã đi rồi”.

Chị Thoa kể, hàng năm cứ vào mùa xuân, khi mùa măng đắng bắt đầu thì cùng với nhiều người dân trong thôn, bản, anh Vinh đều đi hái măng. Hôm đó, trong lúc lấy măng, anh Vinh nhìn thấy những cây nấm trắng hao hao giống các loại nấm mà xưa nay gia đình vẫn ăn nên đã lấy chừng hơn chục cây mang về nấu bữa trưa. Bữa đó, chỉ có anh Vinh và bố là ông Chu Văn Mai ăn mỗi người khoảng 6-7 cây nấm. Đến bữa tối, còn một ít nước và thịt nên bà Cúc ăn nốt. Sau ăn khoảng 6-10 tiếng, cả 3 người đều có triệu chứng đau bụng, đi ngoài, buồn nôn và nôn rất nhiều.

Tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hiện ông Mai vẫn đang trong tình trạng nặng, đe dọa tính mạng. Chỉ có người mẹ là Hà Thị Cúc tiến triển tốt và 90% đã thoát khỏi cửa tử.

Trước đó, chiều 22/3, ba bệnh nhân trong cùng một gia đình ở Chi Lăng, Lạng Sơn được chuyển đến Trung tâm Chống độc trong tình trạng nặng do ăn phải nấm độc.

Xét nghiệm cho thấy các bệnh nhân bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận cấp nên được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc; điều trị suy thận…

Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân Chu Văn Vinh vẫn không tiến triển, tình trạng xấu nên gia đình đã xin về vào chiều 27/3.

Điều đáng nói là cả 3 bệnh nhân trên đều không có bảo hiểm y tế, trong khi chi phí điều trị rất tốn kém, có thể lên đến 20-30 triệu/người/ngày. Tuy gia đình bệnh nhân khó khăn, không đóng đủ viện phí nhưng các bác sĩ vẫn tập trung cao nhất để cứu chữa cho bệnh nhân, đồng thời phối hợp cùng Phòng Công tác xã hội để kêu gọi các nhà hảo tâm, tìm nguồn hỗ trợ kinh phí ủng hộ bệnh nhân (Tiền phong, trang 6).

 

Phát triển đảng viên trong ngành y

Phát triển đảng viên trong ngành y tế TP Hồ Chí Minh chưa tương xứng với số lượng thầy thuốc, nhân viên y tế đông đảo. Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy có nhiều nguyên nhân, từ quan niệm của những người chỉ muốn làm chuyên môn đến sự quan tâm chưa đúng mức của một số cấp ủy tổ chức đảng...

Chú ý đặc thù nghề nghiệp

Trong ngành tiết niệu, GS, TS, bác sĩ Trần Ngọc Sinh ở Bệnh viện Chợ Rẫy được nhiều người biết đến. Là chuyên gia đầu ngành và đã dẫn dắt bao nhiêu thế hệ y, bác sĩ trẻ, GS Trần Ngọc Sinh trở thành đảng viên khi tuổi đã cao. Đại diện Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân ở đây là do cách nhìn của một vài đảng viên trong chi bộ có phần khắt khe, cho rằng “giáo sư ít dành thời gian cho hoạt động xã hội”. Cũng phấn đấu, làm việc và cống hiến cho người bệnh xương cơ khớp một thời gian dài, nhưng gần đây, PGS, TS, BS Bùi Hồng Thiên Khanh ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa được kết nạp vào Đảng. Nhiều người biết việc này chia sẻ nguyên nhân là do bác sĩ Khanh mải nghiên cứu khoa học, chỉ tập trung hoàn thành công tác chuyên môn.

Khác với hai trường hợp nêu trên, PGS, TS, BS Tạ Thị Tuyết Mai, người đã nghiên cứu và tạo ra loại sữa đặc biệt, giúp người bệnh kém dung nạp lactose cần nuôi ăn bằng ống thông sớm hồi phục sức khỏe không muốn vào Đảng. Bác sĩ Mai năm nay 52 tuổi, công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, có “lý lịch đỏ”, nhiều lần được Bí thư Đảng ủy cơ quan động viên làm đơn xin vào Đảng nhưng còn phân vân vì “chỉ mong có thời gian nghiên cứu khoa học và chăm lo người bệnh”.

Các trường hợp nêu trên đều có danh vị và là những nhà khoa học nổi tiếng nhưng con đường để trở thành đảng viên của họ khác nhau. Không ít thầy thuốc giỏi không muốn phấn đấu vào Đảng bởi quan niệm “làm khoa học là đủ”. Hiện nay, Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế có 1.865 đảng viên, sinh hoạt tại 26 tổ chức cơ sở đảng. Năm 2016, Đảng ủy Khối kết nạp 104 đảng viên, so với con số hàng chục nghìn y, bác sĩ, người lao động trong Khối thì con số này còn ít ỏi.

Tạo môi trường thuận lợi

Theo Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Văn Khôi, năm 2016, có nhiều tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy đã mở rộng công tác từ thiện, xã hội, tham gia hoạt động cộng đồng. Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện, phát quà cho những gia đình chính sách và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh. Bệnh viện Chợ Rẫy tích cực vận động các nhà hảo tâm, giúp giảm viện phí cho nhiều lượt người bệnh với số tiền hơn hai tỷ đồng, hỗ trợ suất ăn miễn phí cho hàng nghìn lượt người… Qua đó, đã phát hiện những nhân tố tích cực trong đội ngũ thầy thuốc để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Tuy nhiên, số lượng phát triển đảng viên mới chưa tương xứng với nguồn phát triển của các đảng bộ. Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số tổ chức đảng còn chung chung, chưa xây dựng được các mô hình cụ thể, cách làm hay, nhân tố tích cực có sức lan tỏa.

Bên cạnh những khó khăn của đội ngũ y, bác sĩ cao tuổi, quá trình phấn đấu vào Đảng của những đảng viên trẻ nhanh hơn thông qua hoạt động Đoàn, Hội. Chánh Văn phòng Hội Sinh viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Cao Thị Nghiêm đã có gần một năm tuổi Đảng. Thành tích của chị được ghi nhận bởi sự nhiệt huyết tham gia các hoạt động xã hội, làm Đội trưởng Công tác xã hội của trường, Tổng thư ký Chiến dịch Mùa hè Xanh của trường và nhiều hoạt động ngoại khóa khác. Hay hai trường hợp Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Nguyễn Trí Hòa là thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016 và Phó Bí thư Đoàn Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tú đều được kết nạp Đảng khi tuổi còn khá trẻ. Năm 2015, có 25 đoàn viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh được kết nạp Đảng, trong số hơn 10,5 nghìn đoàn viên, thanh niên của trường. Theo Đảng ủy Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2010 - 2016, Đảng bộ kết nạp 152 đảng viên, trong đó 53 người là sinh viên. Nhận xét về kết quả này, đồng chí Ngô Đồng Khanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế cho rằng, một số chi bộ chưa thật sự tích cực trong công tác phát triển đảng viên, mặc dù có giới thiệu đoàn viên, thanh niên, công đoàn viên tích cực đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng nhưng việc bồi dưỡng phát triển đảng viên còn hạn chế.

Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Thị Dung cho rằng, công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ thầy thuốc và sinh viên ngành y chưa tương xứng với nguồn lực hiện có. Thời gian tới, Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế, Đảng ủy Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho đội ngũ và kịp thời nắm bắt tư tưởng của cán bộ, giảng viên, sinh viên. Đảng ủy cần nghiên cứu xây dựng nghị quyết chuyên đề hoặc kế hoạch về phát triển đảng viên của đơn vị, trong đó phải xác định rõ chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm, xác định đối tượng ưu tiên phát triển đảng viên để thực hiện. Bên cạnh đó, phương thức lãnh đạo và hoạt động các tổ chức đoàn thể phải đổi mới theo hướng linh hoạt, bám sát nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Cần đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước năm 2017, tuyên dương các gương điển hình tiên tiến gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực… để các thầy thuốc trẻ phấn đấu noi theo, cống hiến, hy sinh, nâng cao y đức, sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng (Nhân dân, trang 3).

 

Giáo sư Hoàng Đình Cầu, thầy thuốc của nhân dân

Với gần 60 năm lao động miệt mài, cống hiến không mệt mỏi, Giáo sư Hoàng Đình Cầu (trong ảnh) đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần phát triển và nâng tầm y học nước nhà. Ông được đánh giá là một nhà khoa học giàu tài năng sáng tạo, một nhà lãnh đạo uy tín, một thầy thuốc của nhân dân và vì nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công như một cuộc đổi đời, đã thổi luồng sinh khí mới đến với hàng loạt trí thức yêu nước trong đó có bác sĩ Hoàng Đình Cầu. Con đường theo cách mạng, theo Đảng, lẽ đương nhiên đã trở thành “hơi thở cho cuộc sống đáng yêu, thành tinh thần nhân văn cao cả” như Giáo sư Hồ Đắc Di đã nói. Với gần 60 năm lao động miệt mài, Giáo sư (GS) Hoàng Đình Cầu là người thầy thuốc tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Ông là người mở đường cho sự phát triển của chuyên ngành phẫu thuật phổi ở nước ta. Sáng kiến dùng phẫu thuật cắt bỏ ung thư phổi kèm tổ hợp liệu pháp (hóa trị, vi-ta-min C liều cao, tam thất, Aslem) do giáo sư đề xuất đã được phổ biến rộng rãi tại nhiều hội nghị quốc gia, quốc tế, được nhiều đồng nghiệp các nước phát triển áp dụng và đánh giá cao. GS Hoàng Đình Cầu cũng là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật châm tê trong phẫu thuật phổi ở Việt Nam, một sự kết hợp hiệu quả y học hiện đại với y học cổ truyền.

Trên cương vị một nhà giáo, một nhà quản lý y tế, GS Hoàng Đình Cầu đã có những đóng góp to lớn trong việc đặt nền tảng và xây dựng đội ngũ cán bộ y tế. Không chỉ dừng lại ở việc biên soạn nhiều đầu sách, giáo trình phục vụ giảng dạy, GS Hoàng Đình Cầu luôn chú trọng đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo. Ông đề xuất cần có chính sách riêng để xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao cho tuyến y tế cơ sở và các ngành khoa học cơ bản trong y học, đồng thời quan tâm công tác đào tạo liên tục cán bộ y tế. Các chủ trương này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, Đảng và Nhà nước đang có những chính sách cụ thể nhằm kiện toàn, tăng cường nhân lực khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, thúc đẩy mô hình bác sĩ gia đình. Đào tạo liên tục cán bộ y tế trở thành một nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Từ một nhà phẫu thuật lồng ngực, GS Hoàng Đình Cầu dành nhiều công sức xây dựng cả lý thuyết lẫn thực hành, trong đó một môn học rất mới ở nước ta, đó là Y xã hội học. Ông chủ trương đưa chăm sóc sức khỏe ban đầu vào vị trí hàng đầu của chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong suốt 19 năm (1971 - 1990) là Thứ trưởng Y tế, GS Hoàng Đình Cầu dành nhiều tâm huyết xây dựng mạng lưới y tế xã, phường, thôn, bản bằng việc đề xuất nhiều giải pháp để hoàn thiện tổ chức, hoạt động của y tế cơ sở; đề xuất vận động đóng bảo hiểm y tế tự nguyện và thực hiện bảo hiểm y tế cho người nghèo... Cho tới nay, lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cùng các chính sách hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng đang được ưu tiên phát triển, như việc bắt đầu triển khai việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe, được lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.

Trên cương vị một nhà khoa học, GS Hoàng Đình Cầu có nhiều sáng tạo, thành tựu trong công việc, trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ngay từ những năm đầu sau khi giải phóng miền bắc (năm 1954), việc giảng dạy về y và dược bằng tiếng Việt đòi hỏi sự thống nhất về thuật ngữ y, dược nhất là các thuật ngữ chuyên sâu. Ông đã cùng cộng sự hoàn thành việc xuất bản Từ điển Y dược Pháp Việt, cuốn từ điển y dược học đầu tiên của Việt Nam. Năm 1988, Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam được thành lập với 37 thành viên, GS Hoàng Đình Cầu vừa là thành viên Hội đồng quốc gia vừa là Trưởng ban biên tập chuyên ngành y, sinh học và thể dục thể thao. Từ điển Bách khoa Việt Nam là công trình có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của khoa học nước nhà.

Với công tác Tổng hội Y dược học, GS Hoàng Đình Cầu là một trong những người tham gia công tác Tổng hội lâu năm nhất: Từ đại hội lần thứ 7 (1970 - 1975) đến đại hội lần thứ 13 (2000 - 2005), trong đó có 16 năm là Chủ tịch Tổng hội. Ông cũng được bầu là Chủ tịch Hội Y học các nước Đông - Nam Á (MASEAN). Năm 1985, GS Hoàng Đình Cầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10-80). Việc điều tra về hậu quả của chất độc da cam là tiếng chuông cảnh tỉnh cho bất cứ ai, ở đâu còn mơ hồ, thoái thác trách nhiệm về tội ác này. Sau 22 năm nghiên cứu đầy gian khổ, với sự tham gia tích cực của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cũng như các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, năm 1999, Ủy ban đã hoàn thành công trình “Bản đồ băng rải chất diệt cỏ Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1962 đến 1971”. Tập bản đồ là một minh chứng khoa học, là bằng chứng tội ác không thể chối cãi. Bốn hội thảo quốc gia và quốc tế có nhiều nhà khoa học nước ngoài, kể cả Mỹ tham dự đã được tổ chức, trong đó nêu rõ và chứng minh những tác hại to lớn của chất độc da cam/đi-ô-xin lên sức khỏe con người thể hiện bằng những tổn thương hoặc bệnh cụ thể có minh họa bằng hình ảnh đại thể, vi thể màu, đến sảy thai và nhiều dị tật khác lần đầu được công bố. Kỷ yếu công trình Quyển IV in năm 2000 (481 trang) về các bệnh do hóa chất chiến tranh vừa là tài liệu tố cáo tội ác chiến tranh hóa học đồng thời cũng nêu được một số giải pháp khắc phục hậu quả, từng bước loại bỏ bớt chất độc da cam/đi-ô-xin trong môi trường sống của người dân chịu ảnh hưởng…

Cuộc đời và sự nghiệp của GS Hoàng Đình Cầu không những được toàn ngành y tế Việt Nam vinh danh mà còn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Ngoài cương vị đại biểu Quốc hội Khóa IX, GS Hoàng Đình Cầu vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, Danh nhân Y học Việt Nam; được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cùng nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác. Tên tuổi của Giáo sư được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) ghi vào Từ điển Tiểu sử quốc tế và Hội đồng xuất bản tiểu sử danh nhân Marquis (Hoa Kỳ) ghi vào tiểu sử danh nhân (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang