Tăng chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28-6 về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cho UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều được giao chỉ tiêu đến năm 2020 bao phủ BHYT đạt hơn 90%; trong đó, một số địa phương được giao chỉ tiêu đạt gần 100% như: Lào Cai 98,8%, Thái Nguyên và Điện Biên 98,5%, Hà Giang 98,2%... Để triển khai thực hiện quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chỉ tiêu được giao, trình HĐND cùng cấp thông qua chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân trong chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT tại địa phương... UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND để bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHYT, cụ thể: Tập trung hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo, bảo đảm sớm đạt mục tiêu 100% người thuộc hộ gia đình cận nghèo được tham gia BHYT. Bên cạnh đó, hỗ trợ người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên để tăng tỷ lệ tham gia BHYT của các nhóm đối tượng này.
Thủ tướng Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỷ lệ bao phủ BHYT; tổ chức triển khai thực hiện; phát triển đối tượng tham gia BHYT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, bảo đảm đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia BHYT.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc diện quản lý, bảo đảm đến năm 2018 đạt 100% quân nhân, cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tham gia BHYT. (* Nhân dân (trang 1))
Khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT
Sáng 29-6, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai công tác phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016-2020 và khai trương Cổng dữ liệu y tế và Hệ thống thông tin giám định BHYT. Đến dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BHXH.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, để bảo đảm tốt quyền lợi cho gần 150 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT hằng năm, đồng thời quản lý chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT theo đúng quy định của pháp luật, vấn đề đổi mới và hiện đại hóa công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT, luôn được ngành y tế và BHXH quan tâm, chú trọng. Từ ngày 25-6-2016, Cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động, tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán BHYT từ các cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là nỗ lực rất lớn của ngành BHXH, y tế và các bộ, ngành, đơn vị liên quan, thể hiện quyết tâm thực hiện tốt tin học hóa trong giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực đối với cán bộ ngành BHXH, bảo đảm tính chính xác trong công tác giám định và hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho người dân tham gia BHYT. (* Nhân dân (trang 1))
Chú trọng nâng cao chất lượng dân số Việt Nam
Ngày 29-6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) giai đoạn 2011 - 2015 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011 - 2015, công tác DS - KHHGĐ đã đạt được những kết quả khả quan như: duy trì mức sinh thay thế; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh bước đầu được khống chế; tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc ngày càng cao; tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh ngày càng giảm; công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên được cải thiện; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được nâng cao… Điển hình như: tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng từ 1,5% (năm 2010) lên 15% (năm 2015); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc trước sinh tăng từ 6% (năm 2010) lên 30% (năm 2015), đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiện nay nước ta đang phải đối mặt ba vấn đề rất lớn, đó là mất cân bằng giới tính khi sinh, cơ cấu “dân số vàng” và già hóa dân số. Cụ thể như, vấn đề mất cân bằng giới tính mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng đã tăng với tốc độ rất nhanh, liên tục và đã ở mức cao nghiêm trọng (năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái)...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, cộng tác viên trong toàn ngành dân số thời gian qua. Đồng thời, nhấn mạnh, dân số là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của một quốc gia. Thời gian tới công tác DS-KHHGĐ cần phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được; đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức, như quy mô dân số đã đạt kế hoạch, nhưng vẫn có xu hướng gia tăng; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao, nhất là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. 5 năm qua, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai đang có xu hướng giảm xuống; già hóa dân số tăng nhanh, nếu không có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già điển hình trên thế giới…
Phó Thủ tướng cho biết, đến năm 2017, sẽ tham mưu để Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết về dân số; trình Quốc hội ban hành Luật Dân số. Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngay từ bây giờ ngành dân số phải tổ chức nghiên cứu bài bản các vấn đề quan trọng liên quan công tác dân số, cần chú trọng nâng cao chất lượng dân số Việt Nam thời gian tới… (* Nhân dân (trang 1))
Tác động của thông tuyến khám, chữa bệnh đối với người tham gia bảo hiểm y tế
Chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) tại tuyến huyện đã tạo bước đột phá trong công tác KCB: Người dân được tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe; có sự cạnh tranh giữa các cơ sở KCB; thúc đẩy nâng cao chất lượng KCB. Tuy nhiên, để chính sách này thật sự vì quyền lợi của người bệnh và không ảnh hưởng đến tính an toàn của quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), thì một số bất cập nảy sinh cần được tháo gỡ.
Được áp dụng từ ngày 1-1-2016, quy định thông tuyến KCB tại tuyến huyện trên phạm vi toàn quốc cho thấy phù hợp với xu hướng phát triển y tế và nguyện vọng của người tham gia BHYT. Người có thẻ BHYT bỏ được thủ tục chuyển tuyến từ tuyến xã lên huyện hay từ huyện này sang huyện khác mà vẫn được KCB và bảo đảm quyền lợi BHYT. Với những trường hợp đi công tác, đi làm ăn xa… thay vì phải đổi thẻ BHYT như trước đây thì hiện nay chỉ cần thẻ BHYT và một trong các giấy tờ tùy thân là được chấp nhận KCB BHYT tại các bệnh viện tuyến huyện. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến, không phân biệt y tế công lập hay tư nhân.
Liên thông trong KCB được coi là bước khởi đầu cho cuộc chạy đua cạnh tranh giữa các cơ sở y tế để thu hút người bệnh và có nguồn thu trang trải cho các hoạt động của mình. Cơ sở có chất lượng KCB tốt, tinh thần, thái độ phục vụ đúng mực sẽ thu hút được người bệnh. Qua sáu tháng thực hiện thông tuyến, việc tiếp cận cơ sở KCB của người dân đã có sự thay đổi so với trước. Người bệnh lựa chọn KCB nhiều hơn tại các cơ sở KCB tư nhân (người bệnh tăng từ 60% đến 80% so với trước). Trong khi đó, các trạm y tế xã giảm từ 30% đến 50% số người KCB, chỉ có số ít trạm y tế có điều kiện KCB tốt thì có người bệnh từ địa bàn xã khác đến khám. Một số bệnh viện tuyến huyện ở gần bệnh viện tư nhân bị sụt giảm số lượng người bệnh nhưng nhìn chung, ở khu vực đồng bằng, bệnh viện tuyến huyện tăng số lượng người bệnh từ 10% đến 30%, trong đó, chủ yếu là người bệnh từ tuyến xã lên khám hoặc từ các địa bàn huyện khác đến. Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng, sự lựa chọn của người dân có liên quan đến chất lượng chuyên môn, thái độ phục vụ và trang, thiết bị của cơ sở KCB. Tuyến xã giảm số người bệnh do danh mục dịch vụ kỹ thuật hạn chế, danh mục thuốc chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều người bệnh, nhất là bệnh mãn tính, không lựa chọn tuyến xã mà lên thẳng các cơ sở KCB tuyến huyện vì điều kiện KCB tốt hơn. Nguyên nhân tăng người bệnh tại cơ sở y tế tư nhân, theo Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Lê Văn Phúc là do cơ sở y tế tư nhân đón tiếp, hướng dẫn người bệnh chu đáo, thậm chí có những cơ sở còn đưa ra hình thức khuyến mại, hỗ trợ người bệnh chi trả BHYT khiến người bệnh lựa chọn nhiều hơn.
Những thuận lợi từ thông tuyến KCB đã góp phần tạo động lực để người dân tham gia BHYT. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước có thêm một triệu người tham gia BHYT, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Sự gia tăng này là đáng kể , nhất là trong số đó đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình là chủ yếu. Có thể nói, người dân sẽ chủ động tham gia BHYT hơn nếu thẻ BHYT ngày càng giá trị, chính sách BHYT ngày càng tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế.
Bên cạnh những tác động tích cực, thông tuyến KCB đã kéo theo một số hệ lụy cần nhận diện và tháo gỡ. Đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế trong việc tăng các dịch vụ kỹ thuật không cần thiết để “lấy lòng” người bệnh như siêu âm, nội soi… Người bệnh vẫn lầm tưởng việc được cung cấp nhiều dịch vụ y tế, thuốc trong mỗi lần KCB như vậy đồng nghĩa với chất lượng KCB tốt. Các trạm y tế xã, phường không còn người bệnh đến khám sẽ ảnh hưởng đến chính sách tăng cường KCB ban đầu tại y tế cơ sở. Đồng thời, các bệnh viện tuyến huyện sẽ rơi vào tình trạng quá tải, người bệnh lại bị thiệt thòi, không được thăm khám kỹ càng. Thực tế, qua kiểm tra công tác KCB tại tuyến huyện, BHXH Việt Nam đã ghi nhận một số cơ sở y tế số lượng bàn khám, phòng khám quá ít so với số đối tượng đăng ký KCB ban đầu. Đáng chú ý, quy định thông tuyến đã bị một số cơ sở y tế lợi dụng để tiếp nhận và làm thủ tục chuyển người bệnh lên tuyến trên nhằm hưởng chế độ BHYT đúng tuyến. Theo BHXH Việt Nam, đã có tình trạng “xin-cho” giấy chuyển viện, cơ sở KCB chuyển tuyến theo đề nghị của người bệnh trong khi cơ sở mình chữa được bệnh đó. Kết quả kiểm tra cho thấy, tại các cơ sở KCB tuyến trung ương, số người bệnh khám đúng tuyến tăng nhiều, chiếm 70% số người bệnh. Tình trạng này nếu không kiểm soát tốt không những không giảm tải cho y tế tuyến trên mà còn làm gia tăng chi phí KCB BHYT do càng KCB tuyến trên thì giá dịch vụ càng cao, cả người bệnh và quỹ BHYT cùng phải chi trả càng nhiều. Thông tuyến KCB cũng ảnh hưởng lớn đến các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, bệnh viện y học cổ truyền trong việc thiếu người bệnh để duy trì hoạt động…
Từ những tác động không mong muốn của chính sách thông tuyến KCB nêu trên, ngành y tế và BHXH cần kiểm soát chặt điều kiện cung cấp, thực hiện dịch vụ y tế của các cơ sở KCB để người dân được cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng; tháo gỡ thông tuyến cho các bệnh viện chuyên khoa, y học cổ truyền để duy trì hoạt động bình thường. Người bệnh cũng cần được tuyên truyền để tuân thủ chỉ định về dịch vụ kỹ thuật, về chuyển tuyến và lựa chọn cơ sở KCB, tránh lãng phí cho quỹ BHYT. (* Nhân dân (trang 1))
“Chia lửa” từ các bệnh viện cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh
Việc đưa các Trạm cấp cứu 115 hay các “vệ tinh” của bệnh viện tuyến trên vào hoạt động tại các bệnh viện vùng ven, cửa ngõ đã kịp thời cứu sống nhiều người, đồng thời cũng là “chia lửa” cho các bệnh viện tuyến thành phố. Các mô hình này đang được ngành y tế TP Hồ Chí Minh nhân rộng.
Thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi ngày một bệnh viện (BV) trung bình tiếp nhận điều trị ngoại trú cho từ 5.500 đến 6.000 lượt người bệnh và điều trị nội trú cho từ 1.700 đến 1.800 người bệnh. Trong khi đó, số giường bệnh theo kế hoạch của các BV là khoảng 1.400 giường và con số thực kê là 1.550 giường. Vậy nên, dù kê thêm giường, mở rộng khoa,… thì các cơ sở y tế của thành phố vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Theo bác sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì việc đưa các Trạm cấp cứu 115 (trực thuộc Sở Y tế) hay các “vệ tinh” của BV tuyến trên vào hoạt động tại các BV vùng ven đã giúp cho việc cấp cứu người bị nạn diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, cơ hội người bệnh được cứu sống cao hơn, đồng thời cũng là “chia lửa” cho các BV tuyến thành phố.
Sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động các Trạm cấp cứu 115 đặt tại các BV: Đa khoa Sài Gòn, quận Bình Tân, Đa khoa Xuyên Á, quận Thủ Đức, quận 2... đã phát huy hiệu quả và định hình phù hợp thực tiễn của thành phố. Mới đây nhất, Trạm cấp cứu 115 BV Đa khoa Xuyên Á đã cứu sống người bệnh bị điện giật chết lâm sàng đã ngưng tim, ngưng thở…, mất phản xạ ánh sáng và mạch bẹn, mạch cảnh không bắt được. Trạm Cấp cứu 115 BV Đa khoa Xuyên Á cũng vừa xử lý thành công một ca vi phẫu nối chân phải cho người bệnh gần như đứt lìa một phần ba cẳng chân phải. Khi người nhà gọi cấp cứu 115 và ê-kíp y sĩ, bác sĩ trực của Trạm Cấp cứu 115 BV Đa khoa Xuyên Á ngay lập tức tiếp cận hiện trường, sơ cứu và tiến hành phẫu thuật nối chi. Sau cuộc phẫu thuật, các ngón chân của bệnh nhân đã hồng hào trở lại, mạch chày trước và chày sau đập tốt. Trạm cấp cứu 115 BV quận Thủ Đức cũng vừa cứu sống hai trường hợp đều bị chấn thương nặng như vỡ lá lách, vỡ thận, gãy xương chậu, gãy xương sườn, dập tá tràng, xuất huyết ổ bụng, đứt ruột, vỡ hổng tràng...
Bác sĩ Lê Anh Tuấn cho biết, để tăng cơ hội cứu sống nhiều người bệnh, có khoảng 30 kíp cấp cứu trường trực suốt 24 giờ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu. Người dân có thể gọi điện vào số 115 để được kết nối trực tiếp đến tổng đài. Mọi thông tin về tình trạng người bệnh, địa điểm… sẽ được ghi nhận và chuyển đến cho trạm cấp cứu gần nhất. Tùy theo tình hình, các y sĩ, bác sĩ trực tiếp thực hiện hoặc hướng dẫn người nhà sơ cứu người bệnh trong tình huống khẩn cấp, sau đó vận chuyển đến BV gần nhất. Đáng chú ý, với tinh thần cả ngành y tế cùng chung tay thực hiện, cho nên không phân biệt BV công hay tư, không phân biệt loại BV, mà lấy người bệnh làm trung tâm. Trên tinh thần đó, cuối năm nay sẽ có thêm ba điểm cấp cứu vệ tinh ở các BV quận 7, huyện Bình Chánh và Triều An. Như vậy sẽ có tổng số tám trạm cấp cứu vệ tinh thuộc mạng lưới cấp cứu ngoại viện được hình thành tại trung tâm thành phố và ở bốn cửa ngõ. Sở Y tế cũng đã ban hành và áp dụng “Quy trình báo động đỏ liên viện” nhằm tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời của các BV đầu ngành của thành phố trong điều trị cấp cứu những trường hợp người bệnh nguy kịch ở các trạm.
Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, việc đưa vào hoạt động các trạm cấp cứu đã góp phần đẩy nhanh công tác vận chuyển người bệnh đến các BV gần nhất, phù hợp tình trạng của mỗi người, nhất là trong những tình huống tai nạn hàng loạt, nhiều người thương vong hoặc thiên tai, thảm họa. Qua đó, người bị nạn có cơ hội được cứu sống cao hơn.
Một mô hình khác từ khi đi vào hoạt động cũng đang phát huy hiệu quả là các khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh của BV tuyến thành phố đặt tại BV các cửa ngõ. Theo thống kê tại BV huyện Củ Chi, sau một tháng đi vào hoạt động của bảy khoa vệ tinh và 13 phòng khám vệ tinh, số lượt người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại BV này ngày càng tăng lên. Cụ thể, số lượng người bệnh nội trú trung bình tăng từ 80 đến 100 người bệnh/ngày lên 150 người bệnh/ngày; số lượt khám ngoại trú trung bình tăng từ 200 đến 250 người/ngày lên 332 người bệnh/ngày. Bệnh viện luôn có 40 y sĩ, bác sĩ của BV tuyến thành phố túc trực bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh và tham gia trực đêm, trực ngày thứ 7, chủ nhật. Vào mỗi thứ 7 hằng tuần, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Sở Y tế còn vận động các bác sĩ trẻ của các BV tổ chức các đợt khám bệnh từ thiện cho người dân trên địa bàn huyện Củ Chi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho các BV ven cửa ngõ. Ngành y tế sẽ lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin phục vụ chẩn đoán từ xa để các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của các BV thành phố có thể hỗ trợ, xem xét tình trạng người bệnh, hướng dẫn xử trí, điều trị mà không phải chuyển người bệnh đến các BV thành phố. Sở Y tế cũng đã có kế hoạch phân công các bác sĩ tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2016 về công tác tại BV huyện Củ Chi và các BV vùng ven, BV cửa ngõ để bảo đảm đủ nguồn nhân lực giúp các cơ sở phát triển.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ sớm hỗ trợ các BV huyện, BV cửa ngõ lắp đặt hệ thống chẩn đoán từ xa Intouch Health để các BV này kết nối với 11 bệnh viện đầu ngành của thành phố. Thông qua hệ thống hỗ trợ từ xa, khoa cấp cứu của BV tuyến dưới kết nối thành công với các BV tuyến trên và sử dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép kết nối người bệnh và bác sĩ của BV tuyến dưới với các bác sĩ chuyên gia ở tuyến trên để thăm khám và chẩn đoán. Ngoài ra, nhờ vào các cổng kết nối trên hệ thống hỗ trợ từ xa với các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và hệ thống EMR/PAC của BV, bác sĩ của BV tuyến trên có thể thấy trên thiết bị cá nhân của mình các kết quả Siêu âm, X-quang kỹ thuật số, nội soi và hình ảnh MRI, CT scan của người bệnh với hình ảnh chất lượng cao, phục vụ hiệu quả cho công tác chẩn đoán - điều trị cho người bệnh ở tuyến dưới, tận dụng được những thời khắc “vàng" trong điều trị… (* Nhân dân (trang 5))
Đăng ký tiêm ngừa vắc xin dịch vụ Pentaxim qua tổng đài 08.1080
Ngày 29-6, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ra thông báo (đợt 7) về việc tiêm ngừa vắc xin dịch vụ Pentaxim (vắc xin 5 trong 1) như sau: Bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 1-7-2016, phụ huynh đăng ký tiêm vắc xin cho trẻ qua tổng đài 08.1080, sau đó đưa trẻ đến theo lịch hẹn từ đài 08.1080, không đưa trẻ đến Viện đăng ký trực tiếp.
Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, giá tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim là 730.000 đồng/liều và đã bao gồm công khám, công tiêm, theo dõi sau tiêm…
Để bảo đảm miễn dịch cộng đồng cao, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khuyến cáo quý phụ huynh tiếp tục đưa con/em đến tiêm chủng vắc xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng đúng lịch, đủ liều. (* Nhân dân (trang 5))
Xóa bỏ ngay sự phân biệt bệnh nhân bảo hiểm y tế với bệnh nhân tự nguyện
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế như vậy tại Hội nghị triển khai công tác phát triển bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020 ngày 29/6.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế phải coi người có thẻ BHYT như "khách hàng đặc biệt"
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mỗi tỉnh, thành cần phải sử dụng hết các cơ chế để phát triển, mở rộng người mua BHYT.
“Muốn vậy, người mua BHYT phải được coi như một khách hàng đặc biệt chứ không phải đến thuyết phục mua BHYT mà còn bắt họ phải xuất trình đủ loại giấy tờ. Mặt khác, phải xóa bỏ ngay tình trạng phân biệt giữa bệnh nhân BHYT với bệnh nhân tự nguyện”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho biết, ông từng khảo sát ở nhiều bệnh viện, cả Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức và thấy các bệnh viện dù đã có tiến bộ song vẫn còn phân biệt giữa khám BHYT và khám tự nguyện. Người bệnh khám BHYT vẫn phải chờ đợi nhiều hơn.
Do đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giảm áp lực đối với cán bộ ngành BHXH, vừa đảm bảo tính chính xác trong công tác giám định và hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng sẽ thực hiện thành công chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tỷ lệ tham gia BHYT trong 6 tháng đầu năm 2016 là 78,3% dân số.
Theo bà Tiến, Bộ Y tế sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đó là cải cách các thủ tục khám, chữa bệnh ở khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4 đến 7 tiếng đồng hồ trước đây xuống trung bình khoảng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, tùy theo loại khám thông thường hoặc khám có thêm các xét nghiệm chức năng.
Ngoài ra, ngành y tế sẽ giảm bớt số chữ ký mà bảo hiểm xã hội quy định trước đây. Thay vì phải có 6 chữ ký, thậm chí có nơi 7 chữ ký mới được khám xong thì hiện nay rút xuống còn 4 chữ ký.
Bên cạnh cải cách thủ tục khám là việc điều chỉnh giá dịch vụ. Theo đó, yêu cầu các bệnh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh.
“Bộ Y tế cũng ban hành chỉ thị về nâng cao quy tắc ứng xử. Khoa khám bệnh là bộ mặt bệnh viện nên sẽ phải từng bước cải thiện để giảm bớt phiền hà khi tham gia bảo hiểm y tế”, Bộ trưởng Tiến cho hay. (* Công an Nhân dân (trang 5) )
Ứng vốn xây mới 5 bệnh viện
Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng 5.310 tỉ đồng để thực hiện năm dự án thuộc đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM” trong kế hoạch năm 2016.
Các dự án được ứng vốn từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp gồm dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (875 tỉ đồng); dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (875 tỉ đồng); dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (1.430 tỉ đồng); dự án Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (1.130 tỉ đồng); dự án Viện chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện quân đội 175 (1.000 tỉ đồng).
Trong trường hợp tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án vượt mức vốn đã bố trí, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Y tế đề xuất báo cáo Thủ tướng bố trí bổ sung theo quy định.
Ngược lại, nếu các dự án không giải ngân hết số vốn đã giao, Thủ tướng cho phép điều chuyển để thực hiện dự án khác thuộc đề án theo nguyên tắc không vượt quá tổng mức đầu tư được phê duyệt. (* Tuổi trẻ (trang 2))
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 2: “Ứng hơn 5.300 tỷ đồng xây 5 bệnh viện ở TP.HCM”.
VN có thể thiếu 4,3 triệu phụ nữ
VN có thể sẽ bị thiếu 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được can thiệp hiệu quả.
Hội nghị tổng kết 5 năm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình (2011 - 2015) đã được Bộ Y tế tổ chức sáng 29.6 tại Hà Nội. Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết thống kê năm 2015 cho thấy quy mô dân số VN đã đạt 91,7 triệu người và đang trong thời kỳ dân số vàng với 63 triệu người trong độ tuổi lao động.
Dân số vàng chỉ xuất hiện một lần duy nhất, kéo dài trong khoảng 30 - 35 năm, nhưng VN khó khăn trong việc tận dụng giai đoạn dân số vàng do chất lượng nguồn nhân lực hạn chế về trình độ chuyên môn, tay nghề nghiệp vụ và sức bền (khoảng 70% lực lượng lao động chưa được dạy nghề đạt chất lượng). Ước tính 2050 là thời điểm kết thúc giai đoạn dân số vàng và cũng là thời điểm VN có thể sẽ bị thiếu 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được can thiệp hiệu quả. Mất cân bằng giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) tại VN liên tục tăng trong các năm qua và đang ở mức nghiêm trọng: 112,8/100 (năm 2011 tỷ lệ này là 111,9/100). (* Thanh niên (trang 2))
Đồng loạt nhập viện khi đi du lịch
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cho hay, tối 28/6, bệnh viện tiếp nhận 16 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy, sốt, nghi do ngộ độc thực phẩm. Sau đó 15 bệnh nhân được giữ lại để điều trị nội trú, 1 bệnh nhân còn lại không nhập viện.
Những bệnh nhân này đều là các giáo viên trường mầm non Bình Minh 1 (ở huyện Thanh Oai, Hà Nội) đi du lịch tại Đà Nẵng từ ngày 26/6, cả đoàn gồm 68 người.
Đến ngày 28/6, đoàn giáo viên mầm non vào Hội An rồi đi tham quan Cù Lao Chàm, đến tối trở về khách sạn thì nhiều người trong đoàn bị đau bụng nhiều lần, nôn mửa và phải vào bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cấp cứu.
Đến ngày 29/6 có 11 bệnh nhân đã ra viện, 4 bệnh nhân còn lại vẫn ở lại điều trị trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt. (* Tiền phong (trang 2))
Phó Chủ tịch nước thăm hỏi, tặng quà cho bệnh nhi Đà Nẵng
Chiều 29/6, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm hỏi và tặng 50 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các bệnh nhi mang trọng bệnh, có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.
Phó chủ tịch nước động viên, chia sẻ những khó khăn với bệnh nhân và người nhà, đồng thời lưu ý đội ngũ y bác sĩ phải tích cực điều trị, quan tâm chu đáo tới từng trường hợp người bệnh.
TS.BS Trần Đình Vinh, Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, số giường bệnh tiêu chuẩn là 900 giường, tuy nhiên lúc cao điểm điều trị tới 1.500 bệnh nhân.
Vì vậy bệnh viện mong muốn được mở rộng, tăng thêm số giường bệnh. Phó Chủ tịch nước ghi nhận thực trạng của bệnh viện và cho hay sẽ xem xét, cân nhắc để tạo điều kiện giúp bệnh viện khám chữa bệnh tốt hơn. (* Tiền phong (trang 2))
Cần sớm nghiên cứu giải pháp đón đầu thời kỳ “dân số già”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức ngày 29-6 tại Hà Nội. Hội nghị còn có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Năm năm qua, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu dân số dưới 93 triệu người giai đoạn 2011-2015; tỷ lệ tăng dân số hằng năm luôn ở khoảng 1%/năm, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh bước đầu được khống chế và năm 2015, tỷ số này là 112,8 bé trai/100 bé gái...
Tuy nhiên, đầu tư nguồn lực giai đoạn 2011-2015 nói chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu khi kinh phí đầu tư cho DS-KHHGĐ chỉ đạt bình quân 0,54 USD/người/năm, chưa đạt mức tối thiểu là 0,6 USD/người/năm...
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành dân số cần phải có giải pháp để đón đầu khi Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số già” - khoảng năm 2035. Hiện nay đang là thời điểm quan trọng để nghiên cứu, đưa ra giải pháp thực hiện, nếu chúng ta không nhanh, không chuẩn bị kỹ trước 15-20 năm thì hậu quả sẽ rất lớn, bởi dân số là vấn đề chiến lược. (* Hà Nội mới (trang 1))
Khai trương điểm tiêm chủng tự nguyện tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Sáng 29-6, điểm tiêm chủng tự nguyện tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chính thức khai trương.
Điểm tiêm chủng này nằm phía đường Nguyễn Viết Xuân (Hà Đông), đối diện Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, gần điểm tiêm chủng số 2 của Trung tâm Y tế Dự phòng cũ. Sau khi cơ sở tiêm chủng số 2 của Trung tâm Y tế Dự phòng ngừng hoạt động tại cơ sở 23 Nguyễn Viết Xuân, người dân quận Hà Đông và các huyện phía tây nam của Thủ đô gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn cơ sở tiêm chủng cho con, em mình. Vì vậy, Bệnh viện đa khoa Hà Đông khai trương điểm tiêm chủng tự nguyện không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động của bệnh viện, mà còn đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng ngày càng lớn của người dân.
Phát biểu tại lễ khai trương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm 120-140 nghìn trẻ em sinh ra, trong khi các điểm tiêm chủng tự nguyện tại Hà Nội không nhiều. Toàn thành phố hiện có 33 điểm tiêm chủng tự nguyện, nhiều điểm tiêm chủng thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Trước thực tế đó, Sở Y tế Hà Nội khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện tổ chức tiêm chủng tự nguyện, góp phần thiết thực vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trẻ em. Phó giám đốc Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện đa khoa Hà Đông thực hiện việc tiêm chủng đúng quy trình, có phương án xử lý kịp thời đối với các trường hợp phản ứng với thuốc.
Ngay sau lễ khai trương, đông đảo người dân trên địa bàn quận Hà Đông đã đưa trẻ em đến tiêm chủng. Thời gian tiêm chủng từ 7h30 đến 11h30 và 13h30 đến 17h hằng ngày, làm việc cả thứ 7, chủ nhật. (* Hà Nội mới (trang 7))
Phải xem người mua thẻ bảo hiểm y tế là khách hàng đặc biệt
"Đừng đến vận động, thuyết phục người dân mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mà còn bắt họ phải xuất trình đầy đủ giấy tờ này nọ" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại hội nghị triển khai công tác phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016-2020 và chính thức khai trương cổng dữ liệu y tế và hệ thống thông tin giám định BHYT, sáng 29-6.
Sáng nay, 29-6, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp cùng Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016-2020 và chính thức khai trương cổng dữ liệu y tế và hệ thống thông tin giám định BHYT.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tỷ lệ tham gia BHYT năm 2015 là 76,5% dân số, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giao. Trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng đã có khoảng 78,3% dân số tham gia BHYT, vượt 0,3% so với chỉ tiêu đề ra.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bên cạnh các giải pháp về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu giám định và thanh toán BHYT trước 30-6-2016 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, để đảm bảo tốt quyền lợi của 150 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT hàng năm, đồng thời quản lý chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trong giám định, thanh toán chi phí BHYT hết sức quan trọng.
Trong tháng 5 và tháng 6-2016, BHXH Việt Nam đã triển khai yêu cầu kết nối, tập trung dữ liệu tại Trung ương; cấp tài khoản và tập huấn kết nối, liên thông dữ liệu cho cán bộ của gần 13.000 cơ sở y tế; cung cấp phần mềm cho trên 3.000 trạm y tế để nhập dữ liệu, kê đơn thuốc và gửi dữ liệu trực tuyến lên hệ thống. Đến nay, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thử nghiệm kết nối vào hệ thống thông tin giám định BHYT…
Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ngay trong tháng 6 này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo và quyết định điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số, nâng cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 80%. Đây là quyết tâm chính trị vì dân rất lớn của Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng sẽ thực hiện thành công chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT mà Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh. Song muốn đạt được đòi hỏi cả hệ thống cần phải tăng tốc thật quyết liệt hơn nữa trong 5 năm tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần phân định trách nhiệm rõ ràng trong việc thực hiện chính sách này. Trong đó, Phó Thủ tướng chỉ đích danh “trách nhiệm phát triển BHYT chủ yếu là thuộc về BHXH”. “Cần phải sử dụng hết các cơ chế để phát triển, mở rộng người mua BHYT. Muốn vậy, người mua BHYT phải được coi như một khách hàng đặc biệt chứ không phải đến thuyết phục họ mua BHYT mà còn bắt họ phải xuất trình đủ loại giấy tờ này nọ” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Mặt khác, phải xóa bỏ ngay tình trạng phân biệt giữa bệnh nhân BHYT với bệnh nhân tự nguyện. “Tôi đã trực tiếp đi khảo sát ở nhiều bệnh viện, cả Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, và thấy được ở các bệnh viện dù đã có tiến bộ song chắc chắn vẫn còn sự phân biệt giữa khám BHYT và khám tự nguyện, người bệnh khám BHYT vẫn phải chờ đợi nhiều hơn. Thuyết phục thế nào cũng không bằng thực tế người ta nhìn thấy” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng thêm.
Đánh giá cao việc BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã khai trương cổng dữ liệu y tế và hệ thống thông tin giám định BHYT đúng tiến độ (trước 30-6-2016 theo chỉ đạo của Chính phủ), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, đây là lần đầu tiên có 1 dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin kết nối toàn bộ hệ thống BHYT, dữ liệu về BHYT từ tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đều được kết nối một cách đồng bộ.
Việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT này vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, vừa góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực đối với cán bộ ngành BHXH, vừa đảm bảo tính chính xác trong công tác giám định và hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, vừa giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, đây mới chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo là toàn bộ hệ thống các bệnh viện phải tin học hóa, phải quản lý bệnh viện như một doanh nghiệp để phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế. (* An ninh Thủ đô (trang 4))
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng trang 7: “Người dân có BHYT là khách hàng đặc biệt”
Mỗi tuần ghi nhận 6 ca viêm não nguy hiểm tại Hà Nội
Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản, đáng chú ý là chỉ trong 1 tuần qua đã ghi nhận liên tiếp tới 6 ca bệnh.
Các ca bệnh nói trên đều là những ca bệnh nặng, phải vào viện điều trị. Theo TTYTDP Hà Nội, viêm não Nhật Bản là căn bệnh có nguy cơ mắc cao trong mùa hè, ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm vaccine. Đặc biệt bệnh thường gặp phổ biến ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc.
Trước tình hình và nguy cơ gia tăng các ca bệnh viêm não Nhật Bản trong thời gian gần đây, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn yêu cầu TTYTDP thành phố và TTYT cấp quận, huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường giám sát dịch tại các bệnh viện và cộng đồng, kịp thời phát hiện các ca mắc để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị kịp thời cho các bệnh nhân, hạn chế tối đa tử vong; đồng thời đôn đốc các đơn vị tổ chức tiêm vaccine viêm não Nhật Bản an toàn, đạt tỷ lệ theo quy định.
Viêm não là một bệnh rất nguy hiểm, ước tính khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 1/3-1/2 trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề. Khi khởi bệnh, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao kèm theo các dấu hiệu thần kinh như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ co giật, mê sảng, vật vã hoặc li bì, rối loạn thần kinh thực vật (da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh). Do đó, nếu thấy các triệu chứng như vậy thì người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế điều trị.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, để phòng bệnh nguy hiểm này, ngoài biện pháp tiêm vaccine, người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu; nên ngủ màn. Cha mẹ lưu ý không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. (* An ninh Thủ đô (trang 7))