Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/9/2016

  • |
T5g.org.vn - Còn nể nang trong thanh tra, xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm; Suy giảm miễn dịch bẩm sinh - bệnh nguy hiểm; Hội thao Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế; Không có thẻ BHYT, bệnh nhân chịu phí tăng 30%

Còn nể nang trong thanh tra, xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày 29-9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế cho biết, sơ kết 6 tháng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận/huyện, xã/phường tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM cho thấy, tỷ lệ cơ sở bị phát hiện sai phạm và bị xử lý đã tăng mạnh. Cụ thể, tại Hà Nội, các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP (triển khai thí điểm tại 3 quận, 2 huyện) đã thanh tra 710 cơ sở, phát hiện 313 cơ sở vi phạm, trong đó nhắc nhở 34 cơ sở, phạt cảnh cáo 140 cơ sở, phạt tiền 139 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 337,8 triệu đồng, đóng cửa 17 cơ sở. So với 6 tháng cùng kỳ trước khi thực hiện thí điểm, tỷ lệ cơ sở vi phạm hành chính cao hơn (21,2% so với 17,6%), số tiền phạt cao hơn (750 triệu đồng so với 222,9 triệu đồng). Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, qua 6 tháng triển khai thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/ huyện, xã/ phường nói trên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này tại 2 thành phố lớn nhất cả nước.

Đặc biệt, việc triển khai mô hình này đã làm tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP của UBND quận/huyện, xã/phường; giúp UBND các cấp có thêm công cụ mạnh và lực lượng chuyên ngành để quản lý ATTP, huy động nhanh được lực lượng có chuyên môn tại chỗ, thực hiện được việc kiểm tra đột xuất hiệu quả hơn.

Cũng vì thế, tại cuộc làm việc với thành phố Hà Nội về công tác ATTP vừa diễn ra giữa tuần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý cho phép Hà Nội mở rộng triển khai thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/huyện ra tất cả các quận/ huyện còn lại trên địa bàn (hiện mới thí điểm tại 5 quận/ huyện).

Riêng với việc mở rộng triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại tuyến xã/ phường, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục thí điểm thêm. Thực tế qua triển khai thí điểm thời gian qua, có thể thấy khó khăn chung của cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã/phường/thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Hơn nữa, tâm lý “làng xóm, họ hàng” cũng làm hạn chế kết quả xử  lý vi phạm hành chính (An ninh thủ đô trang 6).

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh - bệnh nguy hiểm

Khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp (Bệnh viện Nhi T.Ư) đã tiếp nhận gần 100 trường hợp mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh, nhưng trong đó chỉ 1/4 số bệnh nhi có tiên lượng tốt nhờ được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời…

Bệnh nhân N.V.H ( 4 tuổi, Hưng Yên) được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng rất nặng: sốt cao liên tục, nổi rất nhiều mụn mủ ở mặt, đầu, cổ. Khi khai thác bệnh sử của cháu bé, các bác sĩ được gia đình cho biết từ khi H. được 2 tuổi đến nay, hầu như tháng nào bé cũng bị nhiễm trùng khi thì viêm tai giữa, lúc thì viêm phổi và viêm khớp gối.

Các bác sĩ nghi ngờ về khả năng miễn dịch của bé. Kết quả xét nghiệm miễn dịch của bệnh nhi đã khẳng định chẩn đoán bé bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể dịch. Với tình trạng nhiễm trùng nặng và suy giảm miễn dịch, bệnh nhân được điều trị kháng sinh nặng và thuốc tăng cường miễn dịch. May mắn, sau 20 ngày được các bác sĩ tích cực can thiệp, tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã ổn định: cháu không còn sốt, các vết mủ liền da, có thể ra viện và điều trị ngoại trú. Ở Hà Nam có cặp vợ chồng có 3 người con trai cùng mắc suy giảm miễn dịch trong đó 2 bé đã không may qua đời. Năm 2007, vợ chồng này đón đứa con đầu lòng chào đời. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi anh chị phải ăn chực nằm chờ ở bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh hàng tháng khi đứa con đầu lòng liên tiếp mắc các đợt nấm miệng, viêm phổi rồi tiêu chảy. Sau gần 2 tháng, bé tử vong. Năm 2011, cặp vợ chồng sinh con trai thứ 2 khỏe mạnh lành lặn. Tuy nhiên, đến 6 tuần tuổi khi đưa con khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư thì anh chị được bác sĩ thông báo con bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Chưa đầy hai tháng tuổi, đứa con thứ 2 cũng mất giống như anh đầu của mình. Đứa con út của anh chị, bé Đ.A ra đời trong sự phấp phỏng lo lắng của cả nhà và không may mắn vì bé được chẩn đoán cũng mắc căn bệnh giống hai anh trai và là thể nặng nhất của suy giảm miễn dịch ngay từ khi chào đời. Tuy nhiên, nhờ được phát hiện bệnh từ khi mới 13 ngày tuổi, may mắn đã mỉm cười với bé Đ.A. khi ca ghép tế bào gốc của bố cho con đã diễn ra thành công. Bé trở thành bệnh nhi mắc suy giảm miễn dịch thể kết hợp rất nặng đầu tiên được cứu sống tại Việt Nam.

Phát hiện sớm, cơ hội sống sót cao

PGS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp cho biết, suy giảm miễn dịch thể kết hợp là một nhóm nhiều bệnh phức tạp, có nguyên nhân từ bất thường trong phát triển và biệt hóa các tế bào miễn dịch. Ghép tủy (ghép tế bào gốc tạo máu) là phương pháp duy nhất có thể cứu sống các bé như Đ.A. Tuy nhiên nếu không được thực hiện sớm, chỉ một số ít bệnh nhi may mắn sống đến tuổi lên 2. Tại Việt Nam, ghép tế bào gốc tạo máu nhi khoa đã được ứng dụng thành công trong một số bệnh lý như suy tủy, thiếu máu di truyền thalassemia... Bệnh nhi cần hội tụ đủ điều kiện cấy ghép, trong đó quan trọng hàng đầu là tìm được người hiến tủy khỏe mạnh, phù hợp về mô và hệ kháng nguyên bạch cầu (HLA).

Bác sĩ Hương cho biết, mỗi năm khoa Miễn dịch-Dị ứng-khớp tiếp nhận thêm 10-15 trường hợp mới được chẩn đoán suy giảm miễn dịch các thể. Mục tiêu mà các nhà chuyên môn hướng tới  là sàng lọc để sớm phát hiện bệnh, chẩn đoán chính xác thể bệnh và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh biến chuyển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, để làm được điều này, các bác sĩ gặp không ít khó khăn do hiểu biết về bệnh của các gia đình và nhân viên y tế các tuyến còn rất hạn chế. Khi nhiễm trùng nhiều đợt, gia đình thường hay cho trẻ đi khám  ở các cơ sở y tế khác nhau. Đây chính là trở ngại lớn cho các bác sĩ trong quá trình theo dõi tiến triển bệnh của bệnh nhân (Tiền phong trang 6).

Hội thao Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế

Sáng 29/9, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Ban chỉ đạo Hội thao Kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành Y tế khu vực Hà Nội lần thứ 27 tổ chức Lễ phát động Hội thao liên viện lần thứ 27 với sự tham dự của 150 cơ sở y tế quân, dân y trên địa bàn Hà Nội.Hội thao liên viện lần thứ 27 được triển khai tại cấp cơ sở từ tháng 8 đến hết 31/12/2016, cấp thành phố sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/2017). Ban chỉ đạo Hội thao liên viện cho biết, đối với chủ nhiệm đề tài có thành tích xuất sắc tại Hội thao liên viện lần này sẽ được UBND TP Hà Nội xem xét đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn trong lĩnh vực y tế (Tiền phong trang 7).

Không có thẻ BHYT, bệnh nhân chịu phí tăng 30%

Từ 1/1/2017, viện phí của người không có bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tăng khoảng 30% và đến 1/7/2017 sẽ tăng 50% so với hiện nay. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư điều chỉnh viện phí đối với người không có thẻ BHYT.

Theo đó, từ tháng 3/2016 đến nay, viện phí đã có 2 lần điều chỉnh đối với nhóm có thẻ BHYT. Cụ thể, từ ngày 1/3/2016, viện phí của người có BHYT tăng khoảng 30% do tính thêm các chi phí phụ cấp ngày trực, phụ cấp thủ thuật. Hiện nay mới có 16 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT trên 85% tính theo mức giá viện phí mới này.

Theo lộ trình, từ nay đến hết năm 2016, các tỉnh còn lại sẽ tiến hành điều chỉnh viện phí theo giá mới. Từ năm 2017, giá viện phí sẽ điều chỉnh đối với những đối tượng không có thẻ BHYT. Ông Nam Liên cho biết thêm, hiện nay giá dịch vụ khám chữa bệnh của người không có thẻ BHYT chưa tính đủ các chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ. Vì thế, lần điều chỉnh này mức giá sẽ tính thêm tiền lương, phụ cấp; mức tối đa bằng mức giá của các dịch vụ do BHYT thanh toán. Mức giá điều chỉnh lần này vẫn chưa tính chi phí sửa chữa lớn, khấu hao, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Việc điều chỉnh lần này sẽ tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ để khuyến khích người dân tham gia BHYT.

Theo dự thảo, có không ít dịch vụ tăng gấp 2, 3 lần. Mức giá này giống như giá của nhóm có BHYT, tuy nhiên, người bệnh không có BHYT sẽ phải thanh toán 100%. Theo ông Nam Liên, thông tư này sẽ chỉ quy định mức giá tối đa, Bộ Y tế sẽ quy định mức giá cụ thể đối với các bệnh viện thuộc trung ương quản lý. Những bệnh viện thuộc địa phương quản lý sẽ do HĐND cấp tỉnh quyết định (Tiền phong trang 7, Gia đình & Xã hội trang 7, Sức khỏe & Đời sống trang 3).

Bộ Y tế yêu cầu báo cáo vụ mẹ con sản phụ tử vong tại Quảng Bình

Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế Quảng Bình khẩn trương họp hội đồng chuyên môn rà soát, đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ tử vong khi nhập viện để sinh tại BVĐK Bắc Quảng Bình, 2 ngày sau bé sơ sinh cũng qua đời. Theo đó, sản phụ Phạm Thị Hiếu (ở thôn Phù Ninh, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị tử vong vào ngày 24.9, tại bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình. Chỉ 2 ngày sau đó, bé sơ sinh được gia đình đặt tên là Ngô Thanh Lam cũng đã tử vong khoảng 18 giờ ngày 26-9 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Công văn của Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Bình phải kiểm tra sự việc các báo nêu đồng thời Sở Y tế Quảng Bình yêu cầu BV Đa khoa Quảng Bình cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Bình khẩn trương họp hội đồng chuyên môn rà soát, đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp ca đẻ của sản phụ Phạm Thị Hiếu. Trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn và kết quả pháp y, đề nghị Sở Y tế gửi báo cáo nhanh về quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của BV Đa khoa bắc Quảng Bình về Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em – Bộ Y tế muộn nhất là ngày 29.9.2016.

Theo đó, sản phụ Phạm Thị Hiếu (ở thôn Phù Ninh, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị tử vong vào ngày 24.9, tại bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình. Chỉ 2 ngày sau đó, bé sơ sinh được gia đình đặt tên là Ngô Thanh Lam cũng đã tử vong khoảng 18 giờ ngày 26-9 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới.

Công văn của Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Bình phải kiểm tra sự việc các báo nêu đồng thời Sở Y tế Quảng Bình yêu cầu BV Đa khoa Quảng Bình cung cấp thông tin trung thực, chính xác tới gia đình và cơ quan truyền thông. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Quảng Bình khẩn trương họp hội đồng chuyên môn rà soát, đánh giá về quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp ca đẻ của sản phụ Phạm Thị Hiếu. Trong khi chờ kết luận của Hội đồng chuyên môn và kết quả pháp y, đề nghị Sở Y tế gửi báo cáo nhanh về quá trình theo dõi, chăm sóc, xử trí của BV Đa khoa bắc Quảng Bình về Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em – Bộ Y tế muộn nhất là ngày 29.9.2016 (Lao động trang 3).

PGS-TS Trần Văn Thuấn làm Giám đốc Bệnh viện K

Ngày 29.9, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bệnh viện K công bố quyết định bổ nhiệm PGS-TS Trần Văn Thuấn, Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN, Chủ tịch T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ VN, giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện K trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1.10.2016. PGS-TS Trần Văn Thuấn là một trong các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu phòng chống, điều trị bệnh ung thư tại VN. Trong số hàng chục công trình nghiên cứu khoa học PGS-TS Thuấn trực tiếp hoặc là thành viên tham gia, tiêu biểu nhất là sản phẩm thuốc Aslem giúp tăng cường hệ miễn dịch, có tác dụng ức chế tế bào ung thư kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư, nâng cao hệ miễn dịch đối với các bệnh gan mãn tính, phổi, HIV...

Trên cương vị Phó chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN và Chủ tịch T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ VN, cá nhân anh Trần Văn Thuấn có nhiều đóng góp tiêu biểu trong công tác vận động các nguồn lực, tổ chức các chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, đối tượng chính sách ở địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi và hải đảo trên khắp cả nước (Thanh niên trang 2, Sức khỏe & Đời sống trang 2).

Một bác sĩ khám dịch vụ không được quá 35 người/ ngày

Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo về tổ chức hoạt động và giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đó, Dự thảo đề xuất, mỗi bác sĩ không được khám quá 35 người bệnh trong một ngày làm việc 8 tiếng; phòng điều trị không được kê quá 4 giường và đủ diện tích theo quy định; đảm bảo nhân lực và các trang thiết bị y tế kèm theo. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện không có cách gì giám sát thời gian khám bệnh của bác sĩ theo đúng hướng dẫn tối thiểu là 10 phút/bệnh nhân. Do đó, với con số 35-50 bệnh nhân/ngày, mỗi bệnh nhân tối thiểu sẽ được bác sĩ hỏi bệnh, chẩn đoán, tư vấn trong 5 phút chứ không phải 1,2 phút.

Ngoài ra, Dự thảo cũng cho biết, các bệnh viện được tự quyết định mức giá khám chữa bệnh theo yêu cầu với các yếu tố cấu thành gồm: chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý, khấu hao, tích lũy mở rộng phát triển kỹ thuật… Riêng giá khám bệnh, ngày giường không được vượt quá mức giá tối đa do Bộ quy định. Cụ thể, giá trần khám theo yêu cầu được áp dụng theo các mức sau: tại Hà Nội và TP HCM 200.000 đồng; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là 150.000 đồng và các tỉnh thành còn lại 100.000 đồng. Tương tự, giá ngày giường cũng dao động trong khoảng từ 300.000 đến 2,4 triệu đồng theo 3 nhóm địa phương trên và theo số giường bệnh trong một phòng.

Dự thảo cũng đề xuất, không để người bệnh nằm ghép, đảm bảo đủ số giường cho người không sử dụng phòng điều trị theo yêu cầu. Trường hợp bệnh viện đã kê thêm giường bệnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu cho người bệnh bảo hiểm y tế và luôn có từ trên 10% số giường bệnh phải nằm ghép 2, không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có. Để giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 35 người/ngày vào năm 2020 (Nông thôn ngày nay trang 3).

Tiến độ di dời bệnh viện ra ngoại thành: Vẫn giậm chân tại chỗ!

Đã gần 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg (ngày 23-1-2015) về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện (BV), cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội nhưng riêng đối với BV, tiến độ di dời vẫn “giậm chân tại chỗ”. Hà Nội đã thực hiện nhiệm vụ được giao là giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở mới để phục vụ việc di dời. Nhưng Bộ Y tế, đơn vị được Thủ tướng giao chủ trì lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời cơ sở y tế ra khỏi nội thành dường như vẫn "án binh bất động"?

Có "mới" vẫn giữ "cũ"

Trên địa bàn TP Hà Nội tập trung phần lớn BV tuyến trung ương khu vực phía Bắc. Riêng 4 quận "lõi", gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, hiện có 16 cơ sở y tế, trong đó 12 cơ sở cấp trung ương, 4 cơ sở của bộ, ngành. Hệ thống y tế này nhiều năm nay quá tải trầm trọng, nhiều cơ sở có công suất hoạt động trên 200%. Hoạt động của nhiều BV trên cùng một địa bàn thời gian qua đã tạo sức ép rất lớn đến hạ tầng đô thị. Phố Phủ Doãn (quận Hoàn Kiếm), nơi "đóng đô" của BV Hữu nghị Việt - Đức “không có vỉa hè” dành cho người đi bộ. Trong khuôn viên của BV không có chỗ gửi xe nên mặt tiền BV trở thành bãi giữ xe. Phía vỉa hè bên kia của phố Phủ Doãn cũng nhộn nhịp, tấp nập không kém với đủ các loại hàng quán phục vụ nhu cầu của bệnh nhân và người nhà của họ. Khoảng trống trên vỉa hè, người bán hàng rong ngồi la liệt. Cách BV Việt - Đức chỉ vài bước chân, các BV tuyến cuối như BV Phụ sản trung ương, BV K, BV Răng - Hàm - Mặt, tình trạng cũng tương tự…

Nhằm giảm áp lực về hạ tầng, giao thông cho khu vực trung tâm trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 sẽ phải di dời hàng loạt BV, trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành. Các BV được đề xuất di dời chủ yếu là các BV truyền nhiễm nằm trong khu vực mật độ dân cư dày đặc và các BV có lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý bao gồm: BV Mắt trung ương, Phụ sản trung ương, Nhi trung ương, Châm cứu trung ương, Y học cổ truyền trung ương, Hữu nghị Việt - Đức, Viện K, Tai Mũi Họng, Lao và Bệnh phổi trung ương, Nội tiết, Đại học Y Hà Nội, Hữu nghị và Bạch Mai. Tại Điều 2 của Quyết định 130-QĐ/TTg năm 2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội chuẩn bị quỹ đất xây dựng, nơi được di dời đến phải phù hợp với vị trí, quy mô, chức năng theo quy hoạch xây dựng. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cơ sở mới để phục vụ việc di dời. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng định hướng hình thành tổ hợp y tế để bố trí cho các bệnh viện trung ương, tại: Gia Lâm - Long Biên (50ha), Hòa Lạc (200ha), Sóc Sơn (100ha), Phú Xuyên (200ha), Sơn Tây (50ha). Song, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cơ sở y tế tại nội thành như nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Do vậy, việc di dời BV không những không thực hiện được mà các BV vẫn tiến hành nâng cấp, sửa chữa, xây dựng với quy mô ngày một to đẹp hơn. Ngược lại, việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố và giảm tải về người, phương tiện cho nội đô chưa thực hiện được.

Trong những ngày qua, thông tin BV Bạch Mai quyết định đóng cửa các bãi gửi xe đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận đồng thời càng đặt ra câu hỏi về thực hiện chủ trương mà Chính phủ đã đề ra. Việc đóng cửa bãi gửi xe để BV xây dựng thêm khu tổ hợp khám, chữa bệnh (KCB) và điều trị trong ngày, gồm 9 tầng nổi và 3 tầng hầm. Dự kiến sau hoàn thành, khu tổ hợp mới này sẽ đáp ứng nhu cầu KCB cho khoảng 8.000 lượt người (gấp đôi hiện nay). Khi phóng viên Báo Hànộimới đề cập kế hoạch di dời BV ra ngoại thành, Phó Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, BV chưa nhận được chủ trương nào từ cơ quan chức năng về việc phải di dời. “Việc BV nâng cấp, cải tạo cơ sở hiện có với mong muốn có số giường bệnh đầy đủ để có thể điều trị, chăm sóc tốt cho bệnh nhân, bệnh nhân không phải nằm ghép, chất lượng điều trị cao hơn” - ông Nguyễn Ngọc Hiền giải thích thêm.

Hiện có 8 BV đã và đang thực hiện di dời, trong đó 2 cơ sở (BV K cơ sở 2 và BV Nội tiết cơ sở 2) đã đi vào hoạt động, nhưng những cơ sở cũ trong nội đô vẫn tiếp tục được sử dụng. Đặc biệt, BV K có thêm hai cơ sở điều trị mới ở Tam Hiệp và Tân Triều (Thanh Trì), thế nhưng cơ sở chính ở Quán Sứ vẫn được duy trì, thậm chí còn luôn trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường.

Bao giờ mới "chuyển động"?

Khi còn đương nhiệm, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam từng cho rằng, trước mắt, các cơ sở y tế ở khu vực nội thành vẫn hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Còn chuyện di dời các cơ sở KCB sẽ làm, nơi đến gọi tạm là cơ sở 2. Những địa điểm hiện tại, Bộ Y tế đề xuất với TP Hà Nội xin được giữ lại làm viện nghiên cứu. Khi nào xây dựng xong các cụm y tế mới tiến hành di dời.

Còn bên lề hội nghị đổi mới tổ chức bộ máy và tài chính y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 28-9, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới: “Vì sao Bộ Y tế vẫn chưa xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và giải pháp di dời cơ sở y tế tại nội thành như nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao? Và vì sao đến nay, một số BV dù đã có cơ sở 2 nhưng vẫn duy trì cơ sở 1 ở nội thành, chưa thực hiện việc di dời?”, PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên chỉ trả lời ngắn gọn là do thiếu vốn và quan điểm của Bộ Y tế là luôn vì người bệnh, phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết.

Để khuyến khích các cơ sở phải di dời ra khỏi khu vực nội thành, trong đó có BV, tại hội thảo sơ kết 3 năm thi hành Luật Thủ đô mới đây, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lê Chính Trực cũng đề nghị bổ sung chính sách cân bằng lại lợi ích và sự phát triển; khuyến khích, ưu đãi về đất đai, cơ sở hạ tầng điểm đến, bởi thực tế sức hút ở khu vực nội đô trung tâm vẫn rất lớn.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, Hà Nội đã giới thiệu khu vực Pháp Vân - Cầu Giẽ, Láng - Hòa Lạc để các BV xây dựng cơ sở mới; nếu triển khai được, một lượng lớn người, phương tiện không phải vào nội đô, góp phần giải quyết được ô nhiễm, ùn tắc giao thông, áp lực gia tăng dân số… Chính phủ và TP Hà Nội đã có cái nhìn dài hạn, hướng tới xây dựng Thủ đô bền vững, vấn đề là các bộ, ngành cũng phải vì Hà Nội, đặt lợi ích chung của xã hội lên trên hết, để quyết liệt triển khai. "Đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết" là rất đúng trong phương châm phục vụ. Nhưng di dời BV đến nơi có đủ diện tích để người bệnh không phải bị "hành" từ khi vào chỗ gửi xe, không phải nằm ghép vì quá tải, các y, bác sĩ cũng đủ diện tích và điều kiện chuẩn để thực hiện công tác khám, chữa bệnh... cũng chính là vì quyền lợi bệnh nhân, vì chính các BV, mà còn vì trách nhiệm với cả xã hội! (Hà Nội mới trang 4).

Mổ lấy khối u khổng lồ chiếm toàn bộ khoang màng phổi

Theo BS Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực mạch máu BV ĐH Y Dược TP.HCM, đây là lần đầu tiên BV tiếp nhận và mổ lấy khối u lớn, chiếm gần như toàn bộ khoang màng phổi. Theo bác sĩ, khối u này hình thành từ khá lâu nhưng bệnh nhân hoàn toàn không biết và "sống chung" với nó cho đến khi tình trạng đau vùng thượng vị quá nặng, tức ngực kéo dài. Bệnh nhân HTP (39 tuổi, Bình Phước) cho biết do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại ở vùng sâu nên khi đau tức ngực, khó thở cứ nghĩ là bệnh bình thường, chỉ đi tiệm mua thuốc uống. “Đến ngày 27-9, tình trạng đau quá nặng, tôi nghĩ mình bị dạ dày nên đi khám chứ không bao giờ nghĩ mình có khối u lớn như thế lâu nay” - chị P. cho biết.

ThS-BS Trần Thanh Vỹ cho hay chị P. được chỉ định siêu âm, thấy có bất thường trong lồng ngực. Sau đó, người bệnh được chụp CT và phát hiện khối u đại chiếm hết khoang lồng ngực bên trái, đè xẹp hoàn toàn phổi trái, đẩy tim qua bên phải.

Bác sĩ giải thích cảm giác đau của người bệnh là do khối u đè ép cơ hoành, đè xuống các tạng trong bụng, làm người bệnh lầm tưởng với triệu chứng đau của đường tiêu hóa.

Êkíp bác sĩ của khoa Lồng ngực mạch máu đã phẫu thuật lấy khối u trong khoang màng phổi của người bệnh. Trọng lượng khối u là 2,6 kg. Tuy vết mổ khá dài, tới 25 cm nhưng sau mổ người bệnh phục hồi nhanh, sức khỏe tiến triển tốt. Với những trường hợp như thế này, đa phần là lành tính nhưng để lâu khả năng khối u trở thành ác tính rất cao, việc mổ sẽ gặp khó khăn và sức khỏe người bệnh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

BS Vỹ khuyến cáo các bệnh nhân có triệu chứng ho kéo dài, cảm thấy nặng và tức ngực, có triệu chứng đau ngực hoặc nặng hơn là ho ra máu, khó thở khi vận động gắng sức... nên đi khám để điều trị. Những khối u khi còn nhỏ việc điều trị sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều cho bệnh nhân (Pháp luật TP.HCM online, Tiền phong trang 2, Công an nhân dân trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang