Ca mắc mới COVID-19, ca nặng gia tăng, theo dõi chặt sự xuất hiện của các biến thể mới
Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới với khả năng lây nhanh hơn; do đó cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhẩt là sự xuất hiện của biến thể mới.
Nhiều bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh nền, cao tuổi điều trị hồi sức do không tiêm/ chưa tiêm đủ mũi vaccine theo hướng dẫn
Bộ Y tế cho biết ngày 29/8 có 2.409 ca mắc COVID-19, tăng hơn 700 ca so với hôm qua; trong ngày có hơn 7.000 bệnh nhân khỏi; 1 trường hợp tại Hải Dương tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta trong 7 ngày qua khoảng hơn 18.000 ca, trung bình khoảng 2.600 ca mới/ ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.405.711 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.950 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 10.157.129 ca; Trong số bệnh nhân đang theo dõi, điều trị có 91 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 79 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy không xâm lấn: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca.
Thống kê từ các cơ sở điều trị cho thấy nhiều trường hợp bệnh nhân COVID-19 cao tuổi, mắc bệnh nền nằm điều trị hồi sức tích cực không tiêm vaccine COVID-19 hoặc không tiêm đủ mũi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc COVID-19 với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tình hình dịch
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay thời gian gần đây, số ca mắc mới COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...
Tại một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi còn thấp.
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Bộ Y tế và các đơn vị chuyên môn tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của virus; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát số liệu và báo cáo kịp thời, không để tình trạng báo cáo bổ sung số ca mắc với số lượng lớn dẫn đến không phản ảnh đúng tình hình dịch, khó khăn cho việc nhận định, dự báo, đánh giá tình hình dịch. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 1).
Phẫu thuật nối đứt 2/3 bàn chân trái do máy cắt cỏ
Ngày 29/8, tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) được biết, các y bác sĩ tại đơn vị này đã tiến hành cứu chữa cho một bệnh nhân bị tai nạn lao động đứt 2/3 bàn chân trái.
Theo đó, anh C.N.N (SN 1982) trú tại xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nhập viện với vết thương lớn ở bàn chân trái.
Qua thăm khám các bác sĩ nhận định bệnh nhân đã đứt ngang xương sên, xương ghe, đứt hoàn toàn gân duỗi vùng bàn chân trái, đứt mác dài, mác ngắn...
Người nhà bệnh nhân cho biết, nạn nhân bị tai nạn trong lúc dùng máy cắt cỏ. Vết thương hở lớn, máu chảy nhiều, người nhà sơ cứu và đưa đi cấp cứu.
BS Mai Thế Cường, Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa cùng ekip nhanh chóng tiến hành xét nghiệm máu, chụp x quang và chuẩn bị tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành nối bàn chân (nối 7 gân, động mạch mu chân, thần kinh, kết hợp xương).
Sau mổ tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định.
BS Cường khuyến cáo, những người làm việc với máy móc có nguy cơ cao bị tai nạn nên trang bị cho mình các đồ bảo hộ. Nếu xảy ra tai nạn lao động cần sơ cứu và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử lý vết thương tránh xảy ra tình trạng xấu cho vết thương. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 4).
35% ca nặng chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19
Bộ Y tế cho biết, qua đánh giá các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, thời gian gần đây, số ca mắc mới COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ... Do đó cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng; tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện của biến thể mới. Bộ Y tế đề nghị tăng cường truyền thông và tiêm vắc xin cho người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Ngày 30/8, Việt Nam ghi nhận 3.241 ca COVID-19, tăng 832 trường hợp so với 24 giờ trước đó. Đáng chú ý, trong ngày có 4 bệnh nhân tử vong. Đây là ngày có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trong khoảng 3 tháng qua tại nước ta. Hiện có 137 bệnh nhân nặng điều trị, tăng 46 trường hợp so với 1 ngày trước đó.
Để giảm nguy cơ chuyển nặng, hạn chế tối đa tử vong và bảo vệ các đối tượng nguy cơ trong các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện; đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật… Bộ Y tế yêu cầu đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các bệnh viện khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19, tránh bỏ sót ca bệnh.
Các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gene để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch, báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn... (Tiền phong, trang 3).