Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 31/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Dự thảo Luật Dân số: Muốn phá thai phải chứng minh bị hãm hại; Xác định 3 đối tượng truy sát ở Bệnh viện Quảng Ngãi; Cuộc sống mới từ ghép nối; Tỷ lệ điều trị thành công các thể bệnh lao đạt hơn 90%

Dự thảo Luật Dân số: Muốn phá thai phải chứng minh bị hãm hại…

Dự thảo Luật Dân số đang có nhiều nội dung gây tranh cãi. Dự luật yêu cầu các trường hợp phá thai phải chứng minh loạn luân, hoặc bị hiếp dâm… Chuyện khám bệnh tiền hôn nhân cũng liệt kê cả tình huống mất năng lực hành vi dân sự…Khó chứng minh bị hiếp dâm. Điều 21 của dự luật quy định về quyền của phụ nữ trong việc phá thai. Theo đó, phụ nữ được đình chỉ thai trong tình huống dưới 12 tuần tuổi, hoặc trong trường hợp có thai do bị loạn luân, hiếp dâm… Bàn về chế định này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đây là câu chuyện nực cười.

“Là một người phụ nữ, tôi quá hiểu tâm lý khi mang thai. Họ đã quá đau khổ khi phải bỏ đi giọt máu của mình do mang thai ngoài ý muốn, giờ lại bắt buộc họ phải chứng minh mình bị hiếp dâm hay bị người thân trong gia đình hãm hại là điều không tưởng. Bởi vậy, không thể ép nghĩa vụ chứng minh này cho các thai phụ được”, luật sư Nghiêm Diệu Thúy (Đoàn Luật sư Hà Nội) lên tiếng.

Theo luật sư Thúy, chế định trên vi phạm nghiêm trọng đến đời tư, không tính đến tâm sinh lý bình thường của phụ nữ, gây khó về chuyện chứng minh tội phạm. Quan trọng hơn, điều này là bất khả thi. “Giả thiết một phụ nữ bị hiếp dâm. Sau đó, họ phải trải qua một quá trình tố tụng phức tạp để chứng minh tội phạm, thậm chí phải chờ đợi một bản án có hiệu lực của cơ quan toà án. Thời gian đó, tôi tin chắc đứa trẻ đã ra đời. Và như vậy, chế định phá thai còn có ý nghĩa nữa không?”, bà Thúy đặt câu hỏi.

Về góc độ tâm lý, tiến sỹ Dương Thị Loan - phụ trách bộ môn Tâm lý, Đại học Luật Hà Nội phân tích, thông thường người bị hiếp dâm hoặc bị người thân hãm hại (loạn luân) sẽ tổn thương tâm lý nghiêm trọng. Họ thường rơi vào trạng thái thu mình, tự cô lập bản thân. “Bây giờ, cơ quan chức năng yêu cầu họ chứng minh bị hiếp dâm, loạn luân là điều quá khó, chứ không muốn nói là không tưởng. Đây là vấn đề có thể ảnh hưởng đến cả một tương lai, nhiều người càng muốn giấu kín càng tốt”, tiến sỹ Loan khẳng định.

Cảnh báo hệ luỵ từ chế định trên, luật sư Nguyễn Đức Toàn – Giám đốc Cty luật Vimax Asia, Hà Nội) cho hay, nếu dứt khoát ép buộc những phụ nữ này phải chứng minh bị hiếp dâm, loạn luân khi phá thai, chẳng khác nào đẩy họ đến những dịch vụ y tế ngoài luồng, các phòng khám tư, hoặc thậm chí là những phương pháp tiêu cực. “Như vậy, tính mạng, sức khỏe của họ sẽ đặt vào tình trạng nguy hiểm hơn bao giờ hết”, luật sư Toàn lo ngại.

Mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành

Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng quy định khám sức khoẻ tiền hôn nhân trong Dự thảo Luật Dân số chứa đựng nhiều mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành. Cụ thể, khoản 2, Điều 34 quy định nội dung và thông báo kết quả khám sức khỏe tiền hôn nhân, thể hiện: “Cơ sở cung cấp dịch vụ khám sức khoẻ tiền hôn nhân thông báo kết quả cho đối tượng hoặc cha, mẹ, người giám hộ nếu đối tượng mất năng lực hành vi dân sự”.

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Cty luật Trung Nguyễn, Hà Nội, việc dự luật quy định nội dung người mất năng lực hành vi dân sự đi khám sức khỏe tiền hôn nhân là mâu thuẫn nghiêm trọng với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015.

Cụ thể, tại Điều 2 của Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ, nguyên tắc cơ bản trong hôn nhân là “tự nguyện”. Hoặc, tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình khẳng định, một trong những điều kiện được kết hôn là “không mất năng lực hành vi dân sự”. Quay lại dự luật Dân số, đồng ý việc khám tiền hôn nhân là chưa kết hôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi nam, nữ đi khám tiền hôn nhân, nghĩa là, họ đã quá quá trình tìm hiểu, yêu đương và chuẩn bị cho một đám cưới, và hôn ước đã đến rất gần.

“Không thể xác định được ý chí chủ quan, tính tự nguyện của một người chuẩn bị tiến tới kết hôn khi họ mất năng lực hành vi dân sự. Bởi vậy, việc dự luật quy định những người này đi khám sức khoẻ để chuẩn bị cho hôn nhân là điều không chuẩn xác”, luật sư Trung nhận xét (Tiền phong trang 11).

Xác định 3 đối tượng truy sát ở Bệnh viện Quảng Ngãi

Các đối tượng gồm Lương Ngọc Việt (27 tuổi, ngụ huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi), Phạm Quang Vinh (27 tuổi, P.Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi) và Nguyễn Hữu Điều (38 tuổi, phường Chánh Lộ). Ngày 30-10, thông tin từ Công an TP Quảng Ngãi cho biết đã xác định được ba đối tượng trên trong nhóm cầm dao xông vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi truy sát, chém trọng thương bệnh nhân, người đưa đi cấp cứu và tấn công lực lượng bảo vệ.

Theo điều tra của cơ quan công an, chiều 27-10 nhóm Nguyễn Hữu Điều, Lương Ngọc Việt và Phạm Quang Vinh cùng Nguyễn Hữu Duy, Trần Anh Tuấn đến hát karaoke tại khách sạn Central Quảng Ngãi.

Trong lúc hát xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ẩu đả, Điều đánh Duy bị thương vào mặt và nhiều vết thương khác trên cơ thể. Tuấn phải chở Duy đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Điều, Vinh và Việt liền mang dao vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi truy sát Duy, Tuấn. Tại khoa cấp cứu, Điều và Việt dùng dao chém Tuấn bị thương, làm hư một số thiết bị y tế, gây hoảng loạn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và y bác sĩ.

Sau khi gây án, cả ba đối tượng Điều, Việt và Vinh bỏ trốn khỏi Quảng Ngãi. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Quảng Ngãi đề nghị các đối tượng trên ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật (Tuổi trẻ trang 5).

Cuộc sống mới từ ghép nối

 “Quan sát bệnh nhân một chút thôi, nếu thấy họ thảnh thơi, thậm chí đang nằm vắt chân chữ ngũ nữa thì thật tuyệt, bởi điều đó nói rằng, bệnh nhân của mình đang thể chất tốt, tinh thần thoải mái”, GS-TS Trịnh Hồng Sơn, chuyên gia ghép tạng, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.

Cuộc sống hồi sinh

“Anh cảm thấy thế nào khi trong lồng ngực mình đang là trái tim một thanh niên tuổi đôi mươi?”, GS Trịnh Hồng Sơn thân mật trao đổi với anh Nguyễn Văn H., bệnh nhân 38 tuổi sau khi được ghép tim hiến từ người cho chết não. “Tôi thấy cũng thoải mái, bình thường”, với nụ cười hiền lành, anh H. đáp lại. Những người có mặt cùng cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của thầy thuốc - bệnh nhân bởi được chứng kiến một cuộc sống mới đang trở lại với anh H., và sự sống dường như cũng đang hiện hữu với người thanh niên đã hiến trái tim mình.

“Sau mỗi ca ghép tạng, lúc nào tôi cũng tự hỏi: Không biết bệnh nhân của mình có sống được không. Có lẽ tôi hay quá lo xa”, GS Sơn thành thật. “Mọi cuộc phẫu thuật phải đòi hỏi sự tư duy, chính xác và nhanh chóng bởi sự sống chỉ còn tính bằng phút. Trong tình huống nào thì kỹ thuật viên không bao giờ được để cái tay cao hơn cái đầu. Trước tiên là chỉ định đúng, lựa chọn phương pháp tối ưu, ra quyết định chính xác”, ông giải thích. Chuyên gia cũng cho rằng: “Phẫu thuật như một trận đánh, đâu phải lúc nào cũng chỉ có thành công. Bởi vậy cuộc mổ đòi hỏi cái đầu phải đủ nhanh nhạy để quyết định xử trí các tình huống: có biến chứng phải làm gì, nếu không xử trí được phải gửi đi đâu, gọi ai hỗ trợ,... nếu phẫu thuật viên chỉ biết mở ra và cắt, khâu thì không phải là thợ mà cũng chẳng phải là thầy”. “Để biết được tình trạng người bệnh, có thể nắm và quan sát bàn tay họ. Cảm nhận được sự ấm và có sắc hồng, vậy là mừng”, ông tâm sự với tâm trạng của một người “lính” luôn tận tâm với từng “trận chiến”.

Tinh thần đồng đội

Theo chuyên gia, ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não. “Chúng tôi đã nhận được đăng ký hiến mô, tạng của nhà báo nữa, rất xúc động”, ông cho biết thêm.

Hơn 20 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, trong nước đã thực hiện 1.116 ca ghép thận, ghép gan 48 ca, ghép tim 13 ca, và 1 ca ghép thận - tụy. Con số này còn khiêm tốn so với 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép; trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, hàng trăm người chờ được ghép tim và khoảng 6.000 người mù đang chờ được ghép giác mạc. “Rất, rất nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng. Tạng hiến từ người cao tuổi có thể dành ghép cho bệnh nhân lớn tuổi. Một gan hiến của người lớn có thể ghép gan cho hai trẻ nhỏ. Và đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng”, GS Hồng Sơn bày tỏ.

Ông cũng chia sẻ: “Để một ca ghép tạng thành công đòi hỏi nỗ lực, hợp tác của một tập thể thuộc các chuyên khoa, của các điều dưỡng. Và đặc biệt là cần nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng ký hiến, tặng mô tạng” (Thanh niên trang 15).

Tỷ lệ điều trị thành công các thể bệnh lao đạt hơn 90%

Ngày 30-10, tại Hà Nội, Chương trình chống lao quốc gia thông báo kết quả lượng giá cuối kỳ hoạt động của Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam giai đoạn 2011- 2015. Kết quả lượng giá cho thấy, trong giai đoạn này, dịch tễ lao ở Việt Nam có xu hướng giảm cả về số lượng người bệnh lao phổi AFB (+) mới và người bệnh lao các thể; tỷ lệ điều trị bệnh lao các thể thành công đáp ứng mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới và duy trì hằng năm ở mức hơn 90%... Mạng lưới xét nghiệm lao từ T.Ư đến địa phương nhất là tại tuyến quận, huyện đã áp dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán lao. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 12 trong số 22 nước chịu gánh nặng bệnh lao cao, với trung bình 100 nghìn người bệnh lao mới được phát hiện mỗi năm; đứng thứ 14 trong số 27 nước chịu gánh nặng lớn nhất của lao kháng thuốc (Nhân dân trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang