Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Đưa dược liệu “sạch” vào bệnh viện; Cả nước ghi nhận 36 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; Chuẩn người, chuẩn nghề và dấu ấn xã hội hóa…

Đưa dược liệu “sạch” vào bệnh viện

Hằng năm có khoảng 60 nghìn tấn dược liệu nhập khẩu được dùng để làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia vị… Phần lớn trong số đó không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Một chiến dịch làm “sạch” thị trường dược liệu của Bộ Y tế đang bắt đầu khởi động với mục tiêu người sử dụng thuốc y học cổ truyền được dùng thuốc bảo đảm chất lượng, thúc đẩy phát triển dược liệu trong nước và trả lại uy tín cho ngành y học cổ truyền.

Mới chỉ “kiểm soát” phần ngọn

Năm 2012, dư luận quan tâm trước kết quả kiểm tra của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) khi có đến60% số mẫu trong số 400 mẫu dược liệu kiểm tra tại 70 cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nướckhông bảođảm chất lượng. Dược liệu bị làm giả, bị nhuộm mầu, dùng sai loài và trộn tạp chất. Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã ban hành công văn yêu cầu các bệnh viện sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền khẩn trương kiểm tra chất lượng dược liệu, nếu đạt mới cho sử dụng; đồng thời khuyến cáo khoảng 25 vị thuốc y học cổ truyền, trong đó tập trung nhất là năm vị thuốc dễ bị làm giả là Thăng ma, Ý dĩ, Hoàng kỳ, Hoài sơn, Thiên ma. Tưởng rằng việc ra quân kiểm tra sẽ chấn chỉnh được thực trạng nhưng dược liệu “rác” vẫn được ồ ạt nhập khẩu về sử dụng. Tại một cuộc hội thảo mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý Y Dược cổ truyền thẳng thắn nêu thực trạng: Tình hình chất lượng dược liệu hiện nay rất nghiêm trọng, tiếp tục phát hiện thêm nhiều loại dược liệu kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường. Qua kiểm tra thị trường dược liệu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, dược liệu trước khi nhập về đã bị rút hoạt chất đến khô ráp, xơ xác khá phổ biến. Lợi nhuận từ dược liệu giả tăng hàng chục lần, đồng nghĩa việc dược liệu không có tác dụng chữa bệnh, thậm chí, có thể gây hại tới sức khỏe của người bệnh. Sở dĩ nhiều năm nay không chặn được dược liệu kém chất lượng bởi cơ quan quản lý mới chỉ kiểm soát “phần ngọn” ở khâu sử dụng tại các đơn vị, mà chưa kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ và chất lượng ngay từ khâu nhập khẩu. Lỗ hổng về mặt pháp luật là Thông tư 38/2013/TT- BYT của Bộ Y tế không yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu dược liệu phải xuất trình phiếu kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng khi làm thủ tục thông quan, cán bộ hải quan cũng không có chuyên môn để đánh giá chất lượng dược liệu. Dược liệu chỉ bị kiểm kê số lượng, chủng loại, trọng lượng cho nên dược liệu kém chất lượng được nhập khẩu về làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, gia vị.

Trước thực trạng cấp bách nêu trên, ngày 24-7, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã ban hành Văn bản số 193 nâng cao chất lượng quản lý dược liệu, chặn dược liệu “rác” xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Theo đó, các đơn vị khi nhập khẩu, thông quan dược liệu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và phiếu kiểm nghiệm đối với từng lô dược liệu. Tại các bệnh viện khi kiểm nhập dược liệu vào kho cũng phải đủ ba loại giấy tờ nêu trên. Đây là bước siết chặt quản lý của Bộ Y tế đối với thị trường dược liệu vốn đã đến mức báo động. TS Trần Thị Hồng Phương, Phó Cục trưởng Quản lý Y Dược cổ truyền cho biết, việc tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu lần này là triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, về việc phải tìm mọi cách ngăn chặn dược liệu “rác”, tìm nguồn dược liệu “sạch” thay thế nguồn dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Việc thực hiện nghiêm các quy định về dược liệu nhập khẩu bảo đảm chất lượng và có nguồn gốc rõ ràng sẽ tạo thuận lợi, tiết kiệm cho chính doanh nghiệp và bệnh viện, khi không phải kiểm định dược liệu khi nhập về, chỉ các mẫu có nghi ngờ mới tiến hành kiểm định.

Cấm nhập dược liệu “rác”

Ngay sau khi quy định này được ban hành, một số đơn vị kinh doanh dược liệu đã hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện đưa nguồn dược liệu "sạch” vào Việt Nam. Đại diện Công ty cổ phần Dược Sơn Lâm, một trong những đơn vị đầu tiên cung ứng dược liệu bảo đảm chất lượng cho biết, các đơn vị buộc phải tìm nguồn dược liệu chuẩn. Tuy nhiên, việc này không khó do thị trường dược liệu Trung Quốc đã phân rõ hai loại: Loại không đủ tiêu chuẩn chất lượng làm thuốc (thường là nông sản hoặc dược liệu đã bị chiết một phần hoạt chất) và loại đạt tiêu chuẩn chất lượng làm thuốc. Các dược liệu đã được kiểm định chất lượng từ nước xuất khẩu và có xuất xứ, cho nên khi về Việt Nam, doanh nghiệp không phải mất chi phí kiểm định lại và yên tâm về chất lượng. Một số bệnh viện như Y học cổ truyền Bộ Công an, Y học cổ truyền Thái Nguyên, Y học cổ truyền Hà Đông, Y học cổ truyền quân đội đã tiên phong sử dụng dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền bảo đảm chất lượng một vài tháng qua. Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông Vũ Văn Hoàng cho biết, thực hiện quy định của Bộ Y tế, bệnh viện đã sử dụng hơn 100 vị thuốc bảo đảm chất lượng. Nếu thầy thuốc giỏi mà không có thuốc tốt thì cũng không đem lại hiệu quả trong điều trị. Do đó, việc sử dụng dược liệu có nguồn gốc rõ ràng chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả chữa bệnh. Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội cho biết, bệnh viện đã sử dụng hơn 50 vị thuốc có nguồn gốc và được kiểm định chất lượng. Khi năng lực kiểm định của bệnh viện có hạn và chủ yếu kiểm tra chất lượng dược liệu bằng cảm quan, thì nguồn dược liệu được quản lý tốt theo quy định mới khiến bệnh viện yên tâm khi sử dụng. Hiện tại, các bệnh viện trên cả nước bắt đầu đấu thầu dược liệu bảo đảm chất lượng theo quy định mới để sử dụng từ năm 2016. Bộ Y tế cũng thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định mới. Cơ quan hải quan cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng dược liệu từ cửa khẩu và ngay trong tháng 10 đã kiên quyết không cho thông quan những lô hàng chưa bảo đảm tiêu chuẩn. Theo Bộ Y tế, việc cấm nhập khẩu dược liệu “rác” sẽ chặn được tình trạng doanh nghiệp “lách luật” quay vòng một phiếu kiểm nghiệm cho nhiều lô dược liệu khi đưa vào bệnh viện. Tình trạng quay vòng phiếu kiểm nghiệm cộng với năng lực kiểm tra hạn chế của cán bộ dược tại các bệnh viện là nguyên nhân khiến dược liệu không bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, dược liệu được kiểm nghiệm trước khi nhập về sẽ giảm áp lực cho các trung tâm kiểm nghiệm các tỉnh, thành phố, khi năng lực chỉ kiểm soát được khoảng 20 - 25% danh mục dược liệu sử dụng hiện nay.

Với việc cấm nhập dược liệu “rác”, có thể tin tưởng rằng, từ năm 2016, người sử dụng thuốc y học cổ truyền có cơ hội dùng thuốc bảo đảm chất lượng thay vì dùng thuốc kém chất lượng như lâu nay. Đó là quyền lợi của người bệnh, nhất là những người có thẻ BHYT. Tuy nhiên, đi đôi với sự tăng cường quản lý, một số đơn vị kinh doanh và bệnh viện cho rằng, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có sự điều chỉnh giá dược liệu thanh toán theo BHYT đối với dược liệu “sạch”, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các đơn vị cung ứng, bảo đảm đủ nguồn hàng cho các bệnh viện. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tránh việc trà trộn dược liệu “rác” vào dược liệu sạch.( Nhân dân trang 2)

 

Cả nước ghi nhận 36 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Ngày 2-11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Mặc dù thời gian qua ngành y tế, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH), nhưng số mắc và số tử vong do SXH tiếp tục gia tăng. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 53.464 trường hợp mắc SXH tại 55 tỉnh, thành phố, trong đó có 36 trường hợp tử vong. Khu vực miền nam ghi nhận 33.420 trường hợp mắc (chiếm 62,5% số mắc của cả nước). Đáng chú ý, các trường hợp tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam, trong đó tỉnh Bình Dương có số người tử vong cao nhất là 10 trường hợp, tiếp đến là Đồng Nai sáu trường hợp, TP Hồ Chí Minh năm trường hợp...

Trước tình hình nêu trên, Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng trên địa bàn triển khai công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH; các đơn vị y tế thực hiện tốt việc phân loại, tư vấn, điều trị người bệnh tại các đơn vị y tế cơ sở điều trị tránh tình trạng chuyển tuyến muộn, nguy cơ tử vong cao. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ tổ chức lớp tập huấn về điều trị SXH cho các cơ sở khám, chữa bệnh tại các tỉnh thành phố trọng điểm…( Nhân dân trang 5)

 

Chuẩn người, chuẩn nghề và dấu ấn xã hội hóa

Hai tập thể điển hình của phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015 TP Hà Nội là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được Đại hội Thi đua yêu nước thành phố vinh danh. Phía sau niềm tự hào đó không chỉ là nỗ lực vượt khó của mỗi người, mỗi ngành mà còn có dấu ấn đậm nét của công tác xã hội hóa, vì mục tiêu “phát triển văn hóa – xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng người Hà nội thanh lịch, văn minh”…( Hà Nội mới trang 6)

 

 

Mua 111 máy vi tính bỏ kho: Sở Y tế ĐắK LắK nhận sai

Chiều ngày 2/11/2015 UBND tỉnh Đắk Lắk họp báo định kỳ, cung cấp thông tin, tổ chức đối thoại giữa báo chí và các sở ngành liên quan.

Ông Doãn Hữu Long giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng các sai phạm mà báo Tiền Phong đã phản ánh về nhiều sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc, và lãng phí lớn trong mua sắm trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, cơ bản là do các nguyên nhân khách quan, Sở đã tổ chức họp phê bình kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Riêng việc mua 111 máy tính bàn tổng trị giá trên 2,8 tỷ đồng từ năm 2010 bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, tới nay bệnh viện chưa xây xong, 111 máy tính vẫn bỏ trong kho của nhà thầu xây dựng là Công ty cổ phần Chương Dương, thì giám đốc sở công nhận là sai. Nhưng cái sai này do Ban quản lý dự án tự quyết mua, dù Sở KH-ĐT tỉnh không đồng ý. Việc xảy ra từ trước năm 2014 khi ông chưa về làm giám đốc Sở Y tế.

Nguồn tin của báo Tiền Phong cho biết thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Ngọc Nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký quyết định số 2902, thanh tra về việc đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 9/2015.

Trao đổi với báo Tiền Phong, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi giám đốc Công an tỉnh cho biết: Sau quá trình dài điều tra xác minh, đến nay Công an tỉnh đã xác định rõ các dấu hiệu cố ý làm trái trong công tác đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế tại Đắk Lắk. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đang củng cố hồ sơ, chuẩn bị khởi tố vụ việc, không phụ thuộc vào kết luận thanh tra dù theo hướng nào trong tháng tới.( Tiền phong trang 2)

 

Phòng chống bệnh tật học đường

Sáng 02/11 tại Hà Nội, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức phát động Cuộc thi “Phòng chống bệnh tật học đường” trong lứa tuổi thanh thiếu nhi.

Cuộc thi “Phòng chống bệnh tật học đường” năm 2015 nhằm hướng sự tham gia có trách nhiệm của đội viên, thiếu nhi và cơ sở Đội trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh chân tay miệng trong trường học qua đó chuyển tải thông điệp việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe không chỉ là việc của bố mẹ, thầy cô giáo mà được bắt đầu từ sự thay đổi nhận thức, hành vi và sự tham gia chủ động, tích cực của đội viên, học sinh trong nhà trường.

Ban Tổ chức hy vọng không chỉ tham gia Cuộc thi để trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng chống bệnh tật trong học đường, các đội viên, học sinh sẽ chia sẻ kiến thức với bạn bè, người xung quanh về phòng chống bệnh tật và có những hoạt động cụ thể tham gia giữ gìn vệ sinh cá nhân, lớp học, nhà trường, chủ động phòng chống nguy cơ bệnh tật xung quanh mình.

Cuộc thi tìm hiểu “Phòng chống bệnh tật lứa tuổi học đường” diễn ra từ ngày 2/11 đến hết ngày 30/11. Đối tượng dự thi là đội viên, thiếu niên, nhi đồng có độ tuổi từ 06 đến 10 tuổi, đang học tập, sinh hoạt tại các nhà trường tiểu học, cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi và ở địa bàn dân cư.

Bài dự thi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, viết tay hoặc đánh máy với số lượng không quá 1.000 từ gửi qua đường bưu điện về Hội đồng Đội Trung ương (62 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội)( Tiền phong trang 7)

 

Cần nâng chất lượng bệnh viện tuyến dưới

Để giảm tình trạng “ Vượt tuyến chữa bênh cho an tâm”, 95/100 bệnh nhân trả lời khảo sát của Tuổi trẻ đề nghị nâng cao chất lượng các bệnh viện tuyến dưới. Đây cũng là hướng các bệnh viện tuyến dưới đang thực hiện…( Tuổi trẻ trang 9)

 

Vẫn sử dụng vaccine Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng

Ngày 2-11, Bộ Y tế cho biết, vaccine Quinvaxem vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Quyết định này đã được đưa ra sau khi Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế thành lập, với sự tham gia của đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương tìm hiểu về nguyên nhân gây tử vong của hai cháu bé sau khi tiêm vaccine Quinvaxem, đã có kết luận cuối cùng là không liên quan đến vaccine…( Công an nhân dân trang 2)

 

Lần đầu tiên điều trị khối u ở gan bằng xạ phẫu tại VN

Lần đẩu tiên, một bệnh nhân 88 tuổi mắc ung thư với một khối u khá lớn ở gan đã được các y bác sĩ của Trung tâm Ung bướu Bệnh viện trung ương Huế xạ phẫu để triệt tiêu bằng kỹ thuật tiên tiến.

Sáng 2.11, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương (T.Ư) Huế đã tiến hành xạ phẫu để điều trị một khối u lớn ở gan cho bệnh nhân ung thư bằng hệ thống máy xạ trị gia tốc Axesse Elekta.

Bệnh nhân là bà L.T.M (88 tuổi, ở H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế), nhập viện cách đây hơn 1 tháng và được phát hiện có một khối u ác tính với kích thước khá lớn (khoảng 8 x 6,7x 6,5cm) ở gan.

PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết bệnh nhân có tuổi cao, khối u lại quá lớn và nằm ở vị trí không thể thực hiện các biện pháp điều trị khác như phẫu thuật, đốt diệt bằng sóng cao tầng hay tắt mạch hóa dầu… Sau khi hội chẩn với các chuyên gia thuộc Viện Maria Curie (Pháp), bệnh viện đã quyết định dùng kỹ thuật xạ phẫu bằng hệ thống máy xạ trị gia tốc Axesse Elekta để triệt tiêu khối u.

Ca xạ phẫu còn được sự hỗ trợ của bác sĩ Christine Fisher thuộc Bệnh viện Đại học y Colorado, thuộc tổ chức thiện nguyện hải ngoại của Hiệp hội ung thư lâm sàng Hoa Kỳ.

Theo PGS Phạm Như Hiệp, kỹ thuật xạ phẫu khối u ở thân có nhiều khó khăn phức tạp vì biên độ thở rất lớn sẽ làm cho khối u luôn di động. Tuy vậy, hệ thống xạ trị gia tốc Axesse Elekta thế hệ mới này có 2 tính năng đó là kỹ thuật có định thân (giữ cho biên độ di động của khối u di động theo nhịp thở ở biên độ thấp nhất) và phầm mềm tự động tia chính xác khối u theo nhịp thở… Các kỹ thuật hiện đại này đã cho phép thực hiện xạ phẫu chính xác đối với các khối u ở thân.

“Việc xạ phẫu thành công các khối u ở gan, tụy… và các bộ phận khác sẽ mở ra cơ hội kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư không thể áp dụng các biện pháp khác”, PGS.TS Phạm Như Hiệp cho biết.

Đây cũng là ca điều trị xạ phẫu đầu tiên đối với bệnh nhân có khối u ở gan tại Việt Nam.( Thanh niên trang 2, Tiền phong trang 6)

 

Mổ khối u “khủng” lấp đầy mắt, mũi

Bệnh nhân phải mang khối u phá hủy toàn bộ mắt phải và lấp đầy cửa mũi trong 3 năm trời mà không dám đến bệnh viện vì… không có tiền khám bệnh.

Chiều 2/11, bác sĩ Hoàng Bá Dũng - Trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết, bà T.T.Đ (52 tuổi, ngụ Bến Tre) được chuyển đến bệnh viện với gương mặt biến dạng vì khối u khá lớn chiếm trọn vùng mắt phải, xâm lấn vào não. Khối u phá hủy toàn bộ nhãn cầu làm hỏng mắt phải, biến dạng mũi, bệnh nhân khó thở và thỉnh thoảng bị chảy máu mũi.

Kết quả sinh thiết cho thấy bệnh nhân bị u sarcome diện tích 8x10cm ở hốc mũi phát triển xâm lấn lên mắt phải, chèn ép sàn sọ. Theo bác sĩ Dũng, đây là một ca bệnh hiếm gặp, rất khó trong can thiệp phẫu thuật. Sau khi tiến hành hội chẩn các chuyên khoa ngoại thần kinh, tai mũi họng, các bác sĩ đã quyết định phối hợp mở hộp sọ, lấy toàn bộ khối u trong não, hốc mũi và tái tạo sàn sọ cho bệnh nhân.

Việc tái tạo sàn sọ được bác sĩ Nguyễn Ngọc Khang - Phó khoa ngoại thần kinh - cho biết, bà Đ được tái tạo sọ bằng 3 lớp lưới titan, nhằm tránh phần sọ rớt xuống hốc mắt và mũi. Đồng thời, các lớp lưới này cũng nhằm tránh vi khuẩn, virus xâm nhập gây viêm màng não. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể thở được bằng mũi và có thể ngủ được. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng đến khứu giác và thẩm mỹ. Các bác sĩ cũng đã có kế hoạch tạo mắt giả cho bệnh nhân.

Theo đơn vị công tác xã hội của bệnh viện, bà Đ có hoàn cảnh đáng thương. Hai vợ chồng bà đều đi bán vé số kiếm ăn từng bữa. Chồng bà bị tai biến cách đây 3 năm nên đi lại rất khó khăn. Khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng bệnh, bà Đ tha thiết xin loại bỏ khối u kì dị này. Tuy nhiên, chi phí cho ca mổ lên đến 45 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn với bà. Bà được quỹ BHYT thanh toán 28 triệu đồng vì thuộc hộ nghèo. Số tiền còn lại, ban giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo đơn vị công tác xã hội quyên góp từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ bệnh nhân.( Tiền phong trang 6)

 

Cứu sản phụ bị biến chứng tiền sản giật

Ngày 2-11, bác sĩ CK II Nguyễn Hữu Dự - giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ – cho biết sau thời gian được cấp cứu và điều trị tích cực, sức khỏe của sản phụ bị chứng HELLP (một biến chứng rất nặng của bệnh lý tiền sản giật) đã qua cơn nguy kịch, ngưng thở máy, các tổn thương gan thận đang hồi phục, đồng thời sức khỏe của bé gái con sản phụ cũng rất tốt…( Tuổi trẻ trang 14) 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang