Xóa bỏ lo ngại về tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em
Theo khảo sát của Quỹ Gia đình Kaiser, khoảng 66% số người có con trong độ tuổi từ 5-11 lo ngại về khả năng vaccine ngừa Covid-19 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của con cái họ về sau. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ ngày 2/11 đã dẫn kết luận của các bác sĩ và giới chức y tế, khẳng định tuyên bố cho rằng vaccine ngừa Covid-19 có thể gây vô sinh là vô căn cứ và đã bị bác bỏ về mặt khoa học.
Báo cáo của Viện Nhi khoa Mỹ nêu rõ không có bằng chứng cho thấy vaccine ngừa Covid-19 có thể dẫn đến mất khả năng sinh sản. Hiệp hội Sản phụ khoa Mỹ cũng có quan điểm tương tự và khuyến khích phụ nữ tiêm vaccine. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ cũng đưa ra nhận định tương tự với nam giới.
Nhà trắng cho biết Mỹ sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong tuần này. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp Pfizer cho nhóm tuổi từ 5-11. Theo đó, hàng triệu liều vaccine dành cho trẻ em ở nhóm tuổi này sẽ được chuyển đến các trung tâm phân phối vaccine trong vài ngày tới và chương trình tiêm chủng sẽ hoạt động hết công suất từ ngày 8/11.
Cùng ngày, Bahrain đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi, sau khi kết quả thử nghiệm vaccine này đối với 3.100 trẻ em ở nhóm tuổi từ 5-11 cho thấy hiệu quả lên đến 90,7%. Không có trường hợp nào gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Theo kế hoạch, Bahrain sẽ nhận được vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em của hãng Pfizer/BioNTech từ đầu năm 2022.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) đã cấp giấy phép sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Sinovac (Trung Quốc) cho trẻ em từ 6-11 tuổi dựa trên đánh giá an toàn và miễn dịch. Người đứng đầu BPOM Penny Lukito thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine này an toàn đối với trẻ em từ 6-11 tuổi. Bà Penny cho biết việc cấp phép sử dụng vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em là một vấn đề cấp bách, vì các trường học đang bắt đầu triển khai từng bước học trực tiếp. (Nhân dân, trang 8)
Hà Nội cần sẵn sàng cho tình huống dịch xấu hơn
Ngày 2.11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với TP.Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo Phó thủ tướng, Hà Nội là đô thị lớn, nhu cầu giao lưu rất lớn, nhưng đến nay thành phố đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch. Dù vậy, Hà Nội vẫn phải cảnh giác vì thực tế dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng, khi hằng ngày cả nước vẫn ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm mới qua công tác xét nghiệm giám sát.
“Chúng ta thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, sẵn sàng tình huống xấu hơn. Thành phố đã lập kịch bản ứng phó với 40.000 ca nhiễm nhưng cần bàn bạc, tính toán kỹ. Các giải pháp tuyên tuyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch phải thống nhất, không để lúc chặt quá, khi lỏng quá”, Phó thủ tướng nêu.
Theo đó, những nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm vẫn phải kiên trì thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn. Cùng với kế hoạch ứng phó dịch bệnh đã chuẩn bị, Hà Nội cũng phải tập dượt phương án khác, lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị. Ví dụ, công tác thu dung, cách ly, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thực hiện thí điểm phương án cách ly F1, điều trị F0 tại nhà thành quy trình, tập huấn đầy đủ cho y tế tuyến dưới.
Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế phân bổ đủ vắc xin theo kế hoạch tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi của thành phố; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm cho trẻ em trước hết ở những vùng bị dịch nặng.
Đặc biệt, trong công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, Phó thủ tướng cho biết, việc không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, tâm sinh lý của các cháu học sinh. Đây không chỉ là nhu cầu của các cháu mà của gia đình, lực lượng lao động trên địa bàn thành phố.
Tổ chức Y tế thế giới mới khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, do vậy, không thể đợi tiêm hết vắc xin hoặc không có Covid mới cho đi học. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội căn cứ thực tiễn, cần linh hoạt, không máy móc với việc cho trẻ đi học trở lại.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm, đã sẵn sàng chấp nhận không “Zero Covid” thì cả hệ thống y tế phải sẵn sàng và nâng lên 1 bước so với trước đây. Vẫn phải xét nghiệm, khoanh vùng, nhưng làm khác trước và cố gắng không để bị động, bất ngờ.
Ông cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu đánh giá cấp độ dịch như đề nghị của Hà Nội. Ngoài những nguyên tắc chung áp dụng cho cả nước thì phải tính đến các yếu tố đặc thù như Hà Nội, TP.HCM.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (ngày 11.10) đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 ca mắc Covid-19 (F0), trong đó, 103 ca ngoài cộng đồng. Đáng chú ý, người từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đa số chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, cách ly tại nhà, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát.
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, Hà Nội kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn khi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Trung ương, vừa làm, vừa cầu thị, rút kinh nghiệm.
Lãnh đạo Thành phố cũng kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện mới chỉ đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt; công tác xét nghiệm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch về… (Thanh niên, trang 3)
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 3: “Hà Nội luôn cảnh giác sẵn sàng trước mọi tình huống dịch bệnh”
Học sinh Hà Nội chờ lịch tiêm vắc xin Covid-19
TP.Hà Nội đã hoàn tất khảo sát ý kiến phụ huynh về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh (HS), ở nhiều cơ sở giáo dục tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Đến ngày 2.11, TP.Hà Nội mới ban hành kế hoạch nhưng chưa có lịch tiêm cụ thể. Sở GD-ĐT TP.Hà Nội cũng chưa có số liệu tổng hợp đăng ký tiêm vắc xin cho HS của toàn TP. Ngành y tế Hà Nội đã lên danh sách khoảng 680.000 - 840.000 trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc xin Covid-19.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tỷ lệ đăng ký ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.Hà Nội rất cao. Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, cho biết toàn quận có khoảng 95% phụ huynh HS đăng ký tiêm cho con. Mong muốn của các trường và gia đình là sớm có lịch tiêm cho HS để có thể yên tâm hơn trong việc đón HS đi học trở lại. Tại Q.Hà Đông, Trưởng phòng GD-ĐT Phạm Thị Lệ Hằng cho hay chỉ có 4,8% phụ huynh chưa đăng ký tiêm cho con em mình trong đợt đầu.
UBND TP.Hà Nội cũng mới ban hành kế hoạch về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn thành phố năm học 2021 - 2022. Thành phố đặt mục tiêu trên 95% trẻ em từ 12 - 17 tuổi (bao gồm cả trẻ đi học hoặc không đi học) sống trên địa bàn được tiêm đủ mũi vắc xin theo từng đợt phân bổ vắc xin của Bộ Y tế. Thời gian tiêm theo kế hoạch là trong quý 4/2021 và quý 1/2022.
Đến thời điểm này, ở phía bắc chỉ có Ninh Bình đã tiêm vắc xin cho HS. Chiến dịch tiêm vắc xin cho HS THPT tại Ninh Bình bắt đầu từ ngày 30.10. Bệnh viện đa khoa tỉnh phối hợp với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Ninh Bình) tiêm vắc xin cho 1.500 HS tại điểm tiêm này. Theo đánh giá ban đầu, không có HS nào bị phản ứng nặng sau tiêm.
Theo Sở Y tế Bắc Ninh, toàn tỉnh có 341.444 trẻ từ 3 - 17 tuổi, trong đó sẽ tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi với khoảng hơn 47.000 em. Dự kiến sẽ tiêm cho nhóm trẻ em từ 12 - 17 tuổi trong quý 4/2021; nhóm trẻ từ 3 - 11 tuổi tiêm trong quý 1 và quý 2 năm 2022.
Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế phối hợp để đón HS trở lại trường an toàn
Về việc triển khai tiêm vắc xin cho HS từ 12 - 17 tuổi, Bộ GD-ĐT cho biết đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh HS và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học.
Tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 1.11, hai bộ trưởng đã thống nhất sẽ phối hợp hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung về điều kiện mở cửa trường học an toàn. Hai bộ khẳng định việc HS,
sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng, do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho HS, sinh viên đến trường an toàn.
Tại cuộc họp, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết việc tiêm vắc xin cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16 - 17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. (Thanh niên, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 6: “Hà Nội: Nhiều phương án cho học sinh trở lại trường”; Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện Nghị quyết 128 trong các cơ sở giáo dục”
Hà Nội cần thí điểm cách li F1, điều trị F0 tại nhà
Công tác thu dung, cách li, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thí điểm phương án cách li F1, điều trị F0 tại nhà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Ngày 2/11, làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Tới đây, Hà Nội vẫn phải rất cảnh giác vì thực tế dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng, khi hằng ngày cả nước vẫn ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm mới qua công tác xét nghiệm giám sát. Chúng ta thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, sẵn sàng tình huống xấu hơn”.
Phòng, chống dịch ở mức độ cao
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, nói rằng, rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại TPHCM các tỉnh phía Nam, Hà Nội xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Bà Hà đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị, nhất là trong trường hợp có số ca nhiễm lớn để làm cơ sở chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để ứng phó kịp thời.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, thành phố luôn chủ động các biện pháp phòng, chống dịch sớm hơn một bước, cao hơn một mức; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; căn cứ vào thực tiễn, chỉ đạo của Trung ương để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện. Lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện mới chỉ đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt; công tác xét nghiệm và cách li y tế đối với người từ vùng dịch về…
“Đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khỏe cho các cháu và cộng đồng, chứ không có nghĩa là tuyệt đối không có học sinh nhiễm bệnh. Đồng thời, hệ thống giám sát y tế toàn xã hội, đặc biệt trong trường học và các cơ sở y tế, phải nâng lên một mức so với trước đây, phát hiện ca nhiễm sớm nhất, khoanh vùng, điều trị thật sớm” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, là đô thị lớn, nhu cầu giao lưu rất lớn, nhất là sau đợt giãn cách xã hội vừa qua, nhưng đến nay thành phố Hà Nội đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch. Ông nói: “Thành phố đã lập kịch bản ứng phó với 40.000 ca nhiễm nhưng cần bàn bạc, tính toán kĩ. Các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch phải thống nhất, không chuyển từ cực này sang cực khác, lúc chặt quá, khi lại lỏng quá… Những nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách li, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm vẫn phải kiên trì thực hiện, không thay đổi”.
Chuẩn bị trước cho kịch bản xấu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, Hà Nội vẫn phải ngăn chặn từ vùng có dịch sang nơi đang còn sạch, giám sát dịch để phát hiện sớm, cách li nghiêm, khoanh vùng thật hẹp, thật gọn, nhất là điều trị từ rất sớm. Cùng với kế hoạch đã chuẩn bị, thành phố cũng phải tập dượt phương án khác, “lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị”. Ví dụ, công tác thu dung, cách li, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thực hiện thí điểm phương án cách li F1, điều trị F0 tại nhà, dù vất vả hơn nhưng để thành quy trình, tập huấn đầy đủ, chi tiết.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nói rằng, dịch COVID-19 ở Thủ đô hiện vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn khi xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng do nới lỏng các biện pháp phòng, chống và thêm các ca F0 về từ địa phương có dịch. Dự báo, thành phố tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ rất cao nếu không được quản lí chặt chẽ và có các biện pháp hành chính phù hợp.
Về vắc xin, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phân bổ đủ vắc xin theo lịch tiêm của Hà Nội để tiêm đủ 2 mũi cho người trên 18 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm cho trẻ em, trước hết ở những vùng bị dịch nặng; sẵn sàng các đội tiêm vắc xin chi viện cho các địa phương khác nếu có yêu cầu… Ông giao Bộ Y tế xem xét kĩ kiến nghị của thành phố, cũng như nhiều địa phương khác về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, trong đó cần tính đến đặc thù của những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, có những khu vực rất đông dân cư; xem xét các phác đồ điều trị làm cơ sở để y tế địa phương chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị, thuốc men…
Trong công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Việc không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, tâm sinh lí của các cháu học sinh. Đây không chỉ là nhu cầu của các cháu mà của gia đình, rộng ra là của lực lượng lao động trên địa bàn thành phố. Thành phố cần căn cứ vào thực tiễn, linh hoạt để từng bước mở lại hoạt động giáo dục trực tiếp, không cứng nhắc, máy móc đợi cho trẻ tiêm hết vắc xin hoặc sạch ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại”. (Tiền phong, trang 4)
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Hà Nội không để bị động trước dịch Covid-19”
Cấp đủ vắc xin phòng Covid-19 để Hà Nội tiêm phủ mũi 2 cho người đến hạn
Sáng 2-11, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 đã làm việc với thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tham gia cuộc làm việc còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội làm việc với đoàn có Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 thành phố Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống Covid-19 thành phố Chử Xuân Dũng; lãnh đạo một số sở, ban, ngành...
Số ca F0 bình quân tăng
Báo cáo về tình hình phòng, chống Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Hà Nội đã quyết tâm triển khai các giải pháp theo nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, từ ngày 11-10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày tăng mạnh so với thời gian thực hiện bình thường mới từ ngày 21-9 đến ngày 10-10 (bình quân 21 ca/ngày so với 5,7 ca/ngày giai đoạn trước đó), liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Đặc biệt từ ngày 28-10 đến ngày 1-11, số ca nhiễm lên bình quân từ 33-57 ca/ngày. Dịch xâm nhập từ các địa phương có dịch diễn biến phức tạp và việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng vẫn là nguy cơ hiện hữu.
Tổng số mũi tiêm vắc xin cho người dân trên địa bàn thành phố là hơn 9,6 triệu; trong đó có hơn 6 triệu mũi 1 (đạt 92,3% dân số trên 18 tuổi và 69,4% tổng dân số), trên 3,6 triệu mũi 2 (đạt 55,4% dân số trên 18 tuổi và 41,6% tổng dân số). Số người trên 50 tuổi được tiêm vắc xin đến nay đạt tỷ lệ mũi 1 là 79,01%, mũi 2 là 45,9%. Dự kiến ngày 15-11, thành phố có khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đến hạn tiêm trả mũi 2.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có hơn 2.800 trường học với xấp xỉ 2,1 triệu học sinh. Ngoài ra, còn có khoảng 1,1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Qua điều tra xã hội học, có 78% phụ huynh mong muốn đưa con em trở lại trường, 32% phụ huynh còn băn khoăn vì học sinh chưa được tiêm vắc xin.
Trên cơ sở thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, thành phố sẽ thực hiện dần từng bước cho học sinh trở lại trường. Trước mắt, từ ngày 8-11, tại 18 huyện, thị xã sẽ cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối các cấp học (các lớp 5, 6, 9, 10 và 12) học trực tiếp tại trường học. Từng trường học phải đánh giá an toàn theo 16 tiêu chí.
Hà Nội kiến nghị hướng dẫn cách đánh giá cấp độ dịch cấp huyện
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội luôn xác định phải chủ động trong mọi tình huống chống dịch để giữ được thành quả. Đây còn là trách nhiệm của Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, đầu mối giao thương, trung tâm lớn về nhiều lĩnh vực, công tác phòng, chống dịch có ảnh hưởng, tác động mạnh đến các tỉnh, thành phố xung quanh. Kinh nghiệm chống dịch vừa qua càng đặt ra yêu cầu cao hơn đối với Hà Nội, vì nếu để bùng phát dịch nặng như tại các tỉnh phía Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn lực quốc gia. Vì vậy, Hà Nội phải kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn khi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Trung ương, vừa làm, vừa cầu thị, rút kinh nghiệm.
“Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, khi đã có những khu vực dịch lan mạnh trong cộng đồng như các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Phú Xuyên. Nguy cơ do người về từ vùng dịch cũng rất cao, không chỉ là người về từ các tỉnh phía Nam mà ở các phía như trường hợp F0 ở huyện Mê Linh vừa qua là người về từ Hà Giang”, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống Covid-19 thành phố nói.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm phân bổ vắc xin tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi, tiêm phủ mũi 2 cho người dân đến hạn vào ngày 15-11 tới; Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh và hướng dẫn cụ thể về công tác xét nghiệm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch về; cập nhật phác đồ điều trị F0...
Nói thêm về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị ngoài quy định hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch chung, Bộ Y tế nên có hướng dẫn phù hợp với đặc thù đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Vì một quận như Hoàng Mai có dân số gần gấp đôi một tỉnh miền núi phía Bắc, nếu áp tiêu chí theo tỷ lệ dân số hiện nay, thì mặc dù số ca mắc lớn, nguy cơ cao vẫn được coi là “vùng xanh”.
Điều chỉnh linh hoạt, sát thực tiễn phương án khoanh vùng, cách ly
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, với đặc thù của đô thị lớn, việc Hà Nội giữ được tình hình như hiện nay là rất tốt. Tuy nhiên, thành phố phải rất cảnh giác, không được chủ quan, bởi thực tế cả nước cho thấy, dịch đã xâm nhập rất sâu trong cộng đồng. Hà Nội phải sẵn sàng các tình huống xấu hơn để có sự chuẩn bị cao hơn, không để bị động, bất ngờ. Các giải pháp phòng, chống dịch phải thống nhất. Đặc biệt, những nguyên tắc ban đầu trong phòng, chống dịch, gồm ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly vẫn phải thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, bên cạnh các phương án đang triển khai, Hà Nội cần bổ sung các phương án khác, tiến hành tập dượt như thí điểm cách ly F1, điều trị tại nhà F0 có đủ điều kiện để xây dựng quy trình, tập huấn cho y tế tuyến dưới.
Đối với kiến nghị của thành phố, Phó Thủ tướng khẳng định, Hà Nội luôn là nơi được ưu tiên cung cấp vắc xin sớm. Bộ Y tế có trách nhiệm theo sát lịch trình tiêm của Thủ đô để bố trí đủ vắc xin tiêm cho toàn bộ người trên 18 tuổi, kể cả người từ nơi khác đến; bảo đảm tiêm phủ mũi 2 đúng thời hạn.
Về vấn đề đưa học sinh trở lại trường học, Phó Thủ tướng yêu cầu, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục rà soát, đánh giá kế hoạch. Tinh thần là an toàn mới đi học, nhưng an toàn ở đây là kiểm soát, bảo vệ được sức khỏe cho học sinh, cho cộng đồng ở mức cao nhất.
“Việc không được đến trường ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tâm sinh lý của học sinh. Đây là nhu cầu không chỉ của học sinh, mà còn của gia đình, của lực lượng lao động trên địa bàn”, đồng chí Vũ Đức Đam nói, đồng thời phân tích, hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới mới khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi, do vậy không thể đợi tiêm hết vắc xin hoặc không có Covid-19 mới cho trẻ đi học. Vì vậy, Hà Nội căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần trường học trở lại với tinh thần linh hoạt, không cứng nhắc.
Ghi nhận những kiến nghị của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ giải đáp, hướng dẫn cụ thể; trong đó, Bộ Y tế cần nghiên cứu có phương án đánh giá cấp độ dịch đặc thù như đề nghị của Hà Nội; đồng thời, xem xét nghiên cứu phác đồ điều trị giúp các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn vật tư, thuốc men đề phòng. (Hà Nội mới, trang 1)
Nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết
Thời tiết giao mùa kèm theo những đợt mưa ẩm như hiện nay là điều kiện rất thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Do đó, bên cạnh các giải pháp của cơ quan y tế, các địa phương, người dân Thủ đô cũng cần nâng cao ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết.
Phát động chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thời gian gần đây, số ca mắc mới sốt xuất huyết được ghi nhận trên toàn thành phố vào khoảng 300-400 ca/tuần. Trong 10 tháng của năm 2021, thành phố ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết (giảm hơn 1.000 ca so với cùng kỳ năm ngoái) và chưa có trường hợp tử vong. Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, như: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.
Tuần qua, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát động chiến dịch tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2021. Đơn cử như huyện Hoài Đức hiện đã ghi nhận hơn 180 ca sốt xuất huyết. Các xã: Đức Giang, Cát Quế, Sơn Đồng, Yên Sở là những nơi có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong toàn huyện.
Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho rằng, để chiến dịch phát động phòng, chống dịch sốt xuất huyết mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng thì không chỉ diễn ra trong đợt cao điểm, mà cần phải duy trì thường xuyên, liên tục, nhất là công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh. Công tác phòng, chống dịch chỉ thành công khi có sự tham gia tự giác, tích cực của mọi người dân.
Thời gian qua, trên địa bàn quận Tây Hồ đã ghi nhận khoảng 90 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó phường Bưởi có số ca mắc nhiều nhất (với hơn 60 ca). Chủ tịch UBND phường Bưởi Hoàng Thanh Hải cho biết, để chủ động phòng dịch, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường tại khu dân cư, hộ gia đình, đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý các dụng cụ phế thải, các vật dụng chứa nước không cần thiết…
Trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết có khả năng lây nhiễm cao ảnh hưởng sức khỏe của người dân, UBND huyện Thạch Thất cũng yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tăng cường biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, tất cả UBND xã, thị trấn cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện những trường hợp nghi ngờ hoặc đã mắc sốt xuất huyết đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, đồng thời tổ chức kiểm tra, phát hiện những điểm công cộng nhiều rác thải, nước đọng, chủ động xử lý ổ bọ gậy có nguy cơ bùng phát dịch.
Phát huy vai trò của người dân
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể biến chứng nặng nề, nguy hiểm đến tính mạng, như: Tràn dịch màng phổi, viêm phổi, sốc do thoát huyết tương nặng, chảy máu nội tạng, chảy máu não, tổn thương các tạng, tổn thương gan, rối loạn đông máu… Chính vì vậy, bác sĩ Phạm Văn Cường, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lưu ý, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục (39-40 độ C), kéo dài 2-7 ngày, kèm theo đau đầu dữ dội vùng trán, sau nhãn cầu, đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết hoặc phát ban, xuất huyết dưới da kèm nôn dai dẳng, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chảy máu lợi hoặc chân răng… Khi xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn, điều trị kịp thời.
Cũng theo bác sĩ Phạm Văn Cường, hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do bệnh lây từ người sang người qua muỗi đốt nên biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Vì vậy, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường bằng những công việc, như: Đậy kín các dụng cụ chứa nước, không để muỗi vào đẻ trứng. Cọ rửa và thay nước ít nhất 1 lần/tuần với các dụng cụ chứa nước như xô, chum vại, lọ hoa, bể chứa đựng nước, đặc biệt lưu ý các loại cây cảnh thủy sinh trong nhà cũng cần được thay nước và cọ rửa bình 1 lần/tuần. Không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ trú ngụ của muỗi. Do muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động mạnh hơn vào ban ngày, đặc biệt lúc sáng sớm và chiều tối nên người dân cần mặc quần, áo dài, nhất là khi làm vườn; mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày.
Song song với việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Chính quyền địa phương cần lưu ý kiểm tra và tổ chức vệ sinh môi trường tại các khu vực nguy cơ, các công trình xây dựng, vì đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất cao. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã cần có hướng dẫn chuyên môn cho trạm y tế xã, phường; khi có ca bệnh phát sinh cần xử lý ổ dịch ngay, không để dịch bùng phát.
“Các ngành, các cấp, các đoàn thể và người dân trên địa bàn huyện quyết tâm thực hiện phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Mỗi người dân hãy vì sức khỏe của chính mình, gia đình mình và của toàn thể cộng đồng, hãy tự mình hằng ngày, hằng tuần thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, nhất là diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi. Bởi vì không có lăng quăng, bọ gậy, không có muỗi vằn thì không có sốt xuất huyết”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận đề nghị.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn nhấn mạnh, vai trò của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tích cực hưởng ứng, tham gia vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần duy trì hoạt động của tổ xung kích diệt bọ gậy tại cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 5)
TPHCM tiếp tục chi hỗ trợ cho người đang cách ly, điều trị bệnh
Ngày 2-11, đoàn kiểm tra của UBND TPHCM do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn quận 1 và quận Phú Nhuận (đợt 1, đợt 2, đợt 3).
Theo UBND quận Phú Nhuận, trong đợt 1, quận đã thực hiện chi hỗ trợ hơn 7.600 người với số tiền hơn 11,4 tỷ đồng. Đợt 2, quận đã hỗ trợ hơn 10.700 người với số tiền hơn 16,2 tỷ đồng. Trong hỗ trợ đợt 3, quận phê duyệt danh sách hơn 120.200 người có hoàn cảnh thật sự khó khăn; trong đó, có hơn 115.000 người đã nhận được hỗ trợ với số tiền hơn 114,5 tỷ đồng (đạt gần 99,6%).
Tại buổi kiểm tra vào chiều cùng ngày ở UBND quận 1, quận 1 báo cáo cho biết, trong đợt 1, quận đã hỗ trợ hơn 9.700 người, đợt 2 hỗ trợ gần 15.300 người, đợt 3 đã hỗ trợ gần 93.000 người (đạt 97%).
Phát biểu tại hai buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 của quận 1 và quận Phú Nhuận.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận xét, thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, khó khăn của người dân ngày càng lớn dần. Do đó, TPHCM liên tục có gói 1, gói 2, gói 3 hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng chí nhận xét, quận 1 và quận Phú Nhuận đã thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch và đạt tỷ lệ hỗ trợ cao. Việc chi hỗ trợ đảm bảo không trùng lắp, không bỏ sót người có hoàn cảnh khó khăn, không có dấu hiệu trục lợi chính sách hỗ trợ. Có một số trường hợp người dân có thắc mắc trong quá trình hỗ trợ và 2 quận đã trao đổi kịp thời, giải thích rõ ràng, trả lời đầy đủ với người dân.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chỉ đạo, 2 quận tiếp tục chi hỗ trợ cho những người đã được phê duyệt, thẩm định trong danh sách hỗ trợ nhưng hiện nay không có mặt ở địa phương do đang cách ly tập trung, đang trị bệnh và thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.
Các trường hợp khác không có mặt tại địa phương đến thời điểm ngày 31-10 thì “khóa sổ”, các quận không chi hỗ trợ mà lập danh sách cụ thể, báo cáo UBND TPHCM xem xét, quyết định. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Số ca mắc COVID-19 cộng đồng gia tăng, Bộ Y tế hỏa tốc yêu cầu các tỉnh Tây Nam Bộ phòng chống dịch
Ngày 1/11, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tại văn bản hoả tốc này, Bộ Y tế cho biết sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận số mắc trong cộng đồng gia tăng như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang; cùng với lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều.
Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19) đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nội dung, cụ thể.
Quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19; các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Xây dựng kế hoạch tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó tập trung bao phủ vaccine cho người dân; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể; tiếp tục thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của nhân dân.
Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa. Kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở.
Phòng tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế
Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế nêu rõ, các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ theo Nghị quyết số 128/QĐ-CP của Chính phủ, thần tốc truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1 theo hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Các địa phương trong khu vực chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải nghiêm túc thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế;
Bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị, ưu tiên điều trị tầng 1, 2, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời.
Hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập hệ thống điều trị bao gồm các Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến, đặc biệt là thành lập các Trạm Y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc COVID-19 ngay tại nhà để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa...
Triển khai tiêm vacine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi
Văn bản hoả tốc của Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học... thực các biện pháp đảm bảo an toàn COVID-19, thường xuyên đánh giá, cập nhật lên hệ thống An toàn COVID-19. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý chặt chẽ công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc,...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên, xét nghiệm định kỳ.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tổ chức đưa đón người dân của địa phương về tỉnh có tổ chức, chu đáo, an toàn, đảm bảo các nguyên tắc về phòng chống dịch COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)
8 nguyên tắc để thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19
Đại dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của con người và những nỗ lực phòng tránh vẫn phải được tiếp tục. Thích ứng an toàn và linh hoạt với COVID -19 là cách mà chúng ta góp phần kiểm soát đại dịch này.
COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm gây viêm đường hô hấp cấp tính với tác nhân là virus SARS- CoV-2. Triệu chứng của COVID-19 chủ yếu là sốt, ho và khó thở, diễn biến từ nhẹ như một cảm cúm thông thường, đến nặng như suy hô hấp và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Cho đến nay, bệnh này đã trở thành một trong những đại dịch được cho là đã làm thay đổi cả thế giới.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vấn đề phòng bệnh là chủ yếu, nó được xem như là một chiến lược mang tính toàn cầu với sự tham gia của toàn dân, với mục đích là khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Chiến lược này đã được cụ thể hóa ở từng quốc gia, vùng miền và được phổ biến rộng rãi trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nhưng tiếp tục đến bao giờ? Tương lai của con người sẽ như thế nào khi dịch bệnh vẫn còn hoành hành, cuộc sống của mọi người rồi sẽ xoay sở ra sao?
Câu hỏi này được đặt ra ở hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đi theo đó là hàng loạt các biện pháp phòng chống mang tính quyết liệt với hy vọng loại trừ dịch bệnh một cách triệt để nhất.
Tuy nhiên, đến giờ này thế giới của chúng ta đã trải qua năm thứ 3 của đại dịch COVID-19 với nhiều cuộc "tổng tấn công" quyết liệt và thần tốc. Nhưng mối nguy cơ vẫn còn hiện hữu, số người nhiễm trên toàn thế giới vẫn còn cao, virus thì liên tục biến đổi …
Chúng ta phải thay đổi quan điểm về đại dịch này. Trong bối cảnh mà việc loại trừ virus SARS-CoV-2 có thể là bất khả thi, thì phải xem nó như là một "hiện tượng" hay một "phần tất yếu" của thế giới hiện đại, và phương án phải sống chung với đại dịch này đang dần được chấp nhận.
Như vậy, trong cuộc chiến cam go này, thay vì theo đuổi mục tiêu "xóa sổ virus", chúng ta chuyển sang mục tiêu "vừa đánh vừa đàm", có nghĩa là phải học cách sống chung với dịch. Để làm được như vậy, trước hết phải thay đổi từ nhận thức về đại dịch, từ đó mới thay đổi hành động ứng phó.
1. Về nhận thức: Chúng ta phải hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh cũng như đại dịch này, hiểu rõ các khả năng lây nhiễm, không hoang mang lo lắng, không sợ hãi thái quá, thay vào đó là sự bình tĩnh, tự tin, hiểu biết và trách nhiệm.
2. Về hành động cụ thể: Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm nguyên tắc 5K trong hầu hết các hoạt động xã hội, song hành với đó là các kỹ năng cơ bản để sống chung với dịch như:Thực hiện thông điệp 5K một cách nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, có trách nhiệm và đồng bộ: mỗi một "K" đều phải thực thi đúng chuẩn, không qua loa, đối phó. Bên cạnh đó chúng ta còn phải vận động mọi người xung quanh cùng hưởng ứng thực hiện.
3. Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19: Đừng chần chừ vì đây là ưu tiên quan trọng cùng với thông điệp 5K, chúng ta phải hiểu rõ nguyên tắc "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất"
4. Về vấn đề chăm sóc sức khỏe: Chúng ta cần phải được tư vấn đầy đủ và kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe nói chung và nghi ngờ COVID nói riêng, chúng ta phải chọn một cơ sở y tế mà mình cảm thấy thuận tiện, từ đó thiết lập nên một kênh liên lạc để nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. Bên cạnh đó, việc cài đặt các ứng dụng được khuyến cáo nhằm cảnh báo nguy cơ tiếp xúc gần rất cần thiết như ứng dụng PC-COVID.
5. Nâng cao thể trạng: Hơn lúc nào hết, chúng ta phải quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bản thân mình bằng cách ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau quả. Cần từ bỏ hoặc giảm tối đa các yếu tố gây hại (nếu có) như rượu bia, thuốc lá... thay vào đó là sự rèn luyện, bồi bổ về thể chất lẫn tinh thần một cách khoa học và hợp lý. Khoa học ở đây có nghĩa là làm đúng theo hướng dẫn, còn hợp lý ở đây là tùy thuộc theo điều kiện hiện tại của bản thân.
6. Vệ sinh nhà và nơi làm việc có sử dụng chất sát khuẩn: Đây là việc nên làm thường xuyên, vừa ngừa được COVID-19, vừa ngừa được nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác.
7. Thay đổi thói quen sinh hoạt: Đây có thể xem như một cơ hội để chúng ta "ghi điểm" đối với người thân của mình khi thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" hay nói cách khác "đi đến nơi, về đến chốn". Có nghĩa là từ nay chúng ta sẽ không còn "la cà" như xưa nữa, mà mỗi khi tan ca, ta lại trở về nhà và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình.
8. Đối với những người có bệnh nền: Với người có các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính… cần tuân thủ quy trình điều trị một cách tuyệt đối, phải kiểm soát được bệnh của mình, phải cùng với bác sĩ đặt ra các tình huống có thể xảy ra trong thời dịch bệnh và các phương án ứng phó để không bị động, bất ngờ.
Chấp hành tuyệt đối các quy định về phòng chống dịch bệnh để chung sống an toàn
Đại dịch này sẽ còn kéo dài và việc sống chung an toàn với nó là một xu thế của thế giới ngày nay khi xem đây là một phần tất yếu của cuộc sống loài người và không còn sự lựa chọn nào khác.
Trước hết, chúng ta đều phải thực hiện thông điệp 5K, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để đối diện với nó.
Bên cạnh đó, có lẽ chúng ta phải sắp xếp lại công việc, "design" lại cuộc sống để bình tĩnh sống chung với dịch, đề phòng đừng để nó làm tổn hại sức khỏe, không làm ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, không để nó gây hại đến các mối quan hệ của con người, không làm cản trở đến giáo dục, và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ mai sau.
Sống chung với dịch không có nghĩa là đầu hàng, mà phải xem đây là một sự thay đổi về chiến lược để từng bước làm chủ tình hình và tiến đến kiểm soát hoàn toàn đại dịch. (Sức khỏe & Đời sống, trang 5)
Đà Nẵng tiêm 46.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho học sinh
Ngày 2/11, TP Đà Nẵng đã triển khai tiêm 46.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng học sinh, trẻ em từ 15 đến dưới 18 tuổi.
Để triển khai việc tiêm chủng cho học sinh, Sở Y tế Đà Nẵng đã huy động 102 đội tiêm chủng tại 16 địa điểm tiêm trên toàn thành phố trong thời gian 4 ngày, từ 2-5/11.
Đối tượng tiêm vaccine là trẻ em tuổi từ 12 đến dưới 18 hiện đang cư trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (bao gồm trẻ em là người nước ngoài); trong đó ưu tiên theo thứ tự lứa tuổi cao đến thấp hiện đang theo học, nuôi dưỡng tại các trường, trung tâm, các trẻ béo phì, thừa cân, bị bệnh nền.
Hoạt động tiêm chủng trong đợt này được tổ chức tại 16 địa điểm với 102 điểm tiêm. Các đơn vị phụ trách tiêm bao gồm: Trung tâm Y tế Hải Châu (17 điểm), Trung tâm Y tế Thanh Khê (13 điểm), Trung tâm Y tế Hòa Vang (13 điểm), Trung tâm Y tế Sơn Trà (16 điểm), Trung tâm Y tế Cẩm Lệ (15 điểm), Trung tâm Y tế Ngũ Hành Sơn (10 điểm), Trung tâm Y tế Liên Chiểu (6 điểm), Bệnh viện Phụ sản Nhi (8 điểm), Bệnh viện Đà Nẵng (3 điểm), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (3 điểm). Đối với các đối tượng chuyển tuyến sẽ do Bệnh viện Phụ sản Nhi và Bệnh viện Đà Nẵng phụ trách tiêm chủng.
Việc bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, bảo đảm giãn cách; mỗi điểm tiêm phải bố trí đủ nhân lực và trang thiết bị, phương tiện cấp cứu; khu vực theo dõi và xử lý tai biến sau tiêm chủng. Sau khi tiêm, theo dõi đối tượng được tiêm chủng ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng.
Hướng dẫn đối tượng tiêm chủng, phụ huynh, người giám hộ theo dõi trẻ chặt chẽ tại nhà trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. (Công an Nhân dân, trang 1)
VNVC mua thêm 25 triệu liều vắc xin AstraZeneca
Đây là hợp đồng thương mại tiếp theo hợp đồng mua 30 triệu liều vắc xin mà hai bên đã ký trước đó.
Ngày 2-11, tại Edinburgh, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn AstraZeneca và chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác giữa Công ty AstraZeneca với các đối tác Việt Nam.
Phát biểu trước khi lễ ký kết diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các dự án hợp tác của AstraZeneca với Việt Nam, đặc biệt là việc cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 trong thời gian vừa qua và tới đây. Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp của công ty đối với công tác phòng chống COVID-19 của Việt Nam, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân trước đại dịch.
Ông đề nghị AstraZeneca đẩy mạnh tiến độ bàn giao vắc xin cho Việt Nam, hoàn thành hợp đồng 30 triệu liều vắc xin ngay trong năm 2021.
Thủ tướng mong muốn AstraZeneca tiếp tục mở rộng hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực y tế, không chỉ là vắc xin, mà mở rộng với các loại thuốc chữa bệnh, đầu tư cho y tế dự phòng… "Tóm lại chúng tôi muốn có hợp tác chiến lược với AstraZeneca trước mắt cũng như lâu dài" - Thủ tướng nói.
Hợp đồng 25 triệu liều sẽ bắt đầu thực hiện từ tháng 12
Thủ tướng và tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Pascal Soriot cùng chứng kiến ký kết giữa ông Ngô Chí Dũng - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) và ông Nitin Kapoor - chủ tịch kiêm tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, hợp đồng thương mại mua hơn 25 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca.
Đây là hợp đồng thứ 2 của Hệ thống tiêm chủng VNVC mua vắc xin COVID-19 của AstraZeneca, với quyết tâm sớm đưa nhiều loại vắc xin mới, số lượng lớn về Việt Nam, đặc biệt là vắc xin COVID-19. Hợp đồng mới này rất có ý nghĩa, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhu cầu về vắc xin COVID-19 tại Việt Nam vẫn còn cao nhằm đạt mục tiêu đạt độ phủ vắc xin toàn dân của Chính phủ.
Như vậy, tổng số vắc xin COVID-19 mà VNVC đặt mua thành công của AstraZeneca đến thời điểm này lên tới hơn 55 triệu liều. Theo đó, VNVC là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đặt mua vắc xin COVID-19 thành công và mang vắc xin về nước sớm nhất với số lượng nhiều nhất.
Trước đó, trong hợp đồng đầu tiên mua 30 triệu liều vắc xin COVID 19 của AstraZeneca, VNVC đã mang về cho Việt Nam hơn 20 triệu liều, số còn lại sẽ được giao trong tháng 11-2021.
AstraZeneca cho biết thỏa thuận cung ứng vắc xin và hỗn hợp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài này bổ sung thêm cho hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 đang tiếp tục được thực hiện giữa AstraZeneca và VNVC. Vắc xin từ hợp đồng mới sẽ được cung cấp cho Việt Nam bắt đầu từ tháng 12.
Theo thỏa thuận mới này, VNVC và Chính phủ Việt Nam có thể đặt mua loại ứng cử viên vắc xin mới đang được nghiên cứu là AZD2816 trong năm 2022 nếu được cấp phép bởi cơ quan quản lý Việt Nam. Hiện đang ở thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II/III, AZD2816 được AstraZeneca phát minh với mục tiêu làm tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể trước những biến thể đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, VNVC đã mua 20.000 liều AZD7442 - hỗn hợp hai loại kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài, đã được tối ưu hóa để giúp phòng ngừa COVID-19 lên đến 12 tháng. Nếu được cấp phép sử dụng tại Việt Nam, AZD7442 sẽ là loại hỗn hợp kháng thể đơn dòng đầu tiên có khả năng phòng ngừa lẫn điều trị COVID-19.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online tại lễ ký, ông Ngô Chí Dũng bày tỏ: "VNVC rất vui khi đã đàm phán và ký kết thành công hợp đồng này và đặc biệt vinh dự khi được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến chứng kiến lễ ký kết. Tôi có cảm xúc đặc biệt khi đến Scotland, Vương quốc Anh đúng dịp diễn ra COP26, nơi hơn 120 nhà lãnh đạo các quốc gia đến để thảo luận các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ cuộc sống và sức khỏe con người".
Nhân dịp này, ông Dũng cảm ơn sự ủng hộ, tạo điều kiện, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Y tế, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh cùng nhiều cơ quan đã giúp VNVC có được hợp đồng quan trọng tiếp theo này. Đồng thời gửi lời cảm ơn trân trọng đến đối tác AstraZeneca đã tin tưởng lựa chọn VNVC là đơn vị đối tác lớn chính thức cho các hợp đồng nêu trên.
Đầu tư 2.000 tỉ đồng cho sản xuất gia công thuốc tại Việt Nam
Tại buổi lễ, AstraZeneca công bố khoản đầu tư đầu tiên trị giá 2.000 tỉ đồng cho sản xuất gia công thuốc tại Việt Nam.
Theo đó, AstraZeneca sẽ đầu tư 2.000 tỉ đồng (90 triệu USD) nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt hơn với các thuốc chất lượng cao được sản xuất ngay tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2022-2030, sẽ có 3 sản phẩm thuốc quan trọng được công ty sản xuất gia công trong nước.
Giám đốc điều hành Tập đoàn AstraZeneca, ông Pascal Soriot chia sẻ: "Tôi rất vinh dự được gặp ngài Thủ tướng Việt Nam và chứng kiến buổi ký kết những thỏa thuận quan trọng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân. Qua việc AstraZeneca lần đầu tiên thiết lập năng lực sản xuất gia công các sản phẩm thuốc tại Việt Nam, người dân sẽ tiếp cận được với những liệu pháp điều trị giúp đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế".
Ông cho biết: "Những thỏa thuận cung ứng mới của chúng tôi sẽ giúp cộng đồng tiếp tục tiếp cận nguồn vắc xin COVID-19 cũng như hỗn hợp kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài đầu tiên của AstraZeneca".
Ngoài ra, AstraZeneca sẽ lựa chọn một đối tác tại Việt Nam để chuyển giao công nghệ sản xuất và cung cấp những kiến thức chuyên môn, quy trình kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo các sản phẩm thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm của AstraZeneca được sản xuất trong nước sẽ có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn toàn cầu của tập đoàn.
Công bố đầu tư mới này nối tiếp khoản đầu tư trị giá 5.000 tỉ đồng (220 triệu USD) của AstraZeneca vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024, được công bố trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Tập đoàn AstraZeneca tại Thụy Điển vào năm 2019. (Tuổi trẻ, trang 1)
Gần 400.000 học sinh được tiêm vaccine phòng Covid-19
Cập nhật tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh cả nước đến thời điểm này có 3 tỉnh, thành phố triển khai với số lượng gần 400.000 học sinh được tiêm chủng.
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến 17h ngày 31/10, cả nước có 22 tỉnh thành tổ chức được cho học sinh học tập trực tiếp; 16 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; 25 địa phương còn lại vẫn phải dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Thông tin về việc triển khai tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi, Bộ GDĐT cho biết, đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục sẵn sàng phối hợp, lập danh sách, khảo sát lấy ý kiến đồng ý của phụ huynh học sinh và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tiêm tại trường học.
Một số địa phương đã thực hiện tiêm vaccine cho học sinh, như TP. Hồ Chí Minh với khoảng 305.000 học sinh, Bình Dương là 42.330, Ninh Bình 32.938 học sinh.
Liên quan đến tiêm vaccine, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc tiêm vắc xin cho trẻ theo hình thức chiến dịch, thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi.
Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ. Việc tiêm chủng chủ yếu thực hiện tại các trường học, trẻ không đi học thì tiêm tại trạm y tế, trẻ có bệnh nền tổ chức tiêm tại trung tâm y tế, bệnh viện để có những xử trí phù hợp…
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thống nhất cho rằng: Việc học sinh, sinh viên trở lại trường là nhu cầu chính đáng, do đó các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành phố cần phải coi đó là việc quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho học sinh, sinh viên đến trường đảm bảo an toàn.
Hai Bộ trưởng đồng thời trao đổi, thống nhất một số nội dung nhằm tăng cường triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, đảm bảo các điều kiện an toàn sức khỏe học sinh, an toàn học đường cho việc đi học trực tiếp. Tổ chức tập huấn cho hệ thống trường học các kỹ năng về dự phòng, quản lý, chăm sóc và phòng chống Covid-19.
Hai Bộ trưởng cũng nhất trí cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ GDĐT và Bộ Y tế nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe trong trường học khi học sinh, sinh viên trở lại trường, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128.
Đồng thời, thúc đẩy các địa phương ứng xử phù hợp với mở cửa trường học ở từng xã, phường tương đương với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 2)