Thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá: Cả năm chỉ xử phạt được … 9 đơn vị
Vài năm gần đây, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá ở nước ta đã giảm song Việt Nam vẫn thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cùng các quy định xử phạt đã có hiệu lực nhưng hiệu quả chưa cao. Tình trạng vi phạm vẫn diễn ra tràn lan và số người bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lãnh đạo, bác sĩ cũng thừa nhận hút thuốc
Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều cơ quan, đơn vị, bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, ngay cả những cơ sở đã đăng ký thực hiện “cơ quan không khói thuốc”, “bệnh viện không khói thuốc”, ý thức tuân thủ pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng như người dân còn thấp. Tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng còn khá phổ biến.
Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị không những chưa thực sự quan tâm đến hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá mà bản thân cũng hút thuốc tại nơi làm việc. Tương tự, ở môi trường bệnh viện, tình trạng người dân, người bệnh hay cán bộ y tế hút thuốc cũng rất phổ biến.
Qua các đợt kiểm tra thực tế, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng thừa nhận có thực trạng này. TS Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ: “Tại bệnh viện, vẫn còn tình trạng bác sĩ hút thuốc, nhất là các bác sĩ ngoại khoa phải thức đêm. Với họ, hút điếu thuốc là thói quen không dễ bỏ”.
Ông Vũ Cao Khương, Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, qua nghiên cứu, tỷ lệ người dân thừa nhận có sử dụng thuốc lá là 30,4%; trong đó tỷ lệ sử dụng thuốc lá hàng ngày là 19,1%, số điếu thuốc lá sử dụng trung bình hàng ngày là 10,47 điếu/ngày…
Trong khi đó, kinh nghiệm xây dựng kế hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động về phòng chống tác hại thuốc lá của một số sở, ngành, địa phương còn hạn chế. Việc xử phạt vi phạm hành chính về thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chủ yếu chỉ dừng lại ở mức lập biên bản nhắc nhở vi phạm hành chính.
Trong năm 2015, Hà Nội tổ chức 3 đợt giám sát việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, đồng thời phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế tổ chức đợt kiểm tra phòng chống tác hại thuốc lá tại 3 quận (Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng).
Kết quả, mới chỉ xử phạt được 9 nhà hàng, khách sạn, công ty - mỗi đơn vị 6 triệu đồng với lỗi vi phạm không treo biển cấm hút thuốc lá, không tổ chức thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại đơn vị. Còn với cá nhân vi phạm thì gần như chưa xử phạt được trường hợp nào. Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc ra quyết định xử phạt với các cá nhân có hành vi vi phạm về hút thuốc lá tại nơi bị cấm là rất khó khăn.
Đã hại mình còn “đầu độc” cả vợ con
Theo Bộ Y tế, vài năm gần đây, số người hút thuốc lá ở nước ta đã có xu hướng giảm, tỷ lệ người dân bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm theo. Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam thực hiện năm 2015 cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ người hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 59,9%; hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%; hút thuốc thụ động tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,1%; hút thuốc thụ động trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%.
Dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 15 nước có tỷ lệ người hút thuốc nhiều nhất thế giới với khoảng 40% nam giới trưởng thành hút thuốc (tương đương khoảng 16 triệu người) và 1,4% số chị em thường xuyên... phì phèo thuốc lá. Cả nước có khoảng 33 triệu người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, thuốc lá là nguyên nhân khiến 40.000 người dân nước ta tử vong mỗi năm và trung bình mỗi ngày trên cả nước lại có 100 người tử vong có liên quan đến hút thuốc lá. Đặc biệt, người hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào người mà còn làm hại cả người xung quanh bởi 2/3 số khói thuốc lá sẽ lan tỏa ra môi trường.
Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì có 1 người chết vì hít khói thuốc thụ động. Còn theo thống kê từ Bệnh viện K Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%. Khói thuốc còn là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động. Trẻ em, phụ nữ, người già là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc.
Theo các chuyên gia, số người hút thuốc ở Việt Nam vẫn ở mức cao là do việc thực thi các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc lá chưa đủ mạnh. Quảng cáo thuốc lá vẫn đang bị lách luật dưới nhiều hình thức tinh vi. Cùng đó, do mức thuế thấp, giá bán thuốc lá quá rẻ và không bắt buộc các điều kiện cần thiết khiến cho thuốc lá được bán tràn lan...
Trước thực trạng trên, đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo, Việt Nam nên thành lập đường dây nóng để xử phạt những vi phạm về hút thuốc, đồng thời cân nhắc hưởng ứng thông điệp của Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay là “Hãy thực hiện in bao bì thuốc lá trơn”.(An ninh thủ đô trang 8, Hà Nội mới trang 7)
Những cuộc hồi sinh ngoạn mục từ tế bào gốc
Họ, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy khát khao sống. Đến một ngày nhận bản án của số phận là căn bệnh về máu quái ác, ngỡ như trang sách cuộc đời khép lại. Nhưng ghép tế bào gốc đã giúp họ viết tiếp những trang mới. Y thuật, y đức của các bác sĩ cộng với sự may mắn đã trao cho những bệnh nhân phép nhiệm màu, hồi sinh cuộc đời, để họ tiếp tục hành trình sống...
Hạnh phúc như mơ
Nhìn vóc dáng như người mẫu của Vũ Quốc Kỳ (24 tuổi, quê Ninh Bình) hẳn ít người nghĩ chỉ cách đây gần 6 năm cậu đã đối mặt với tử thần khi mang trong mình căn bệnh suy tủy xương. Ngày đó, Kỳ thấy trong người mệt mỏi và yếu dần, không làm việc bình thường được, da xanh nhợt nhạt, thiếu máu. Đi khám ở Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, bác sĩ chẩn đoán Kỳ bị bệnh suy tủy xương. Bệnh nặng, Kỳ bảo lưu kết quả học tập và lên viện điều trị. Một tháng ít nhất đôi lần phải nhập viện để truyền máu liên tục, mỗi đợt truyền từ 5-6 bịch máu. Căn bệnh suy tủy xương khiến Kỳ luôn đau đớn, người lúc nào cũng cảm thấy chao đảo và không còn sức sống. Nhiều đêm chong mắt thức trắng, Kỳ nghĩ đến khoảng tối của cuộc đời mình, khi mọi ước mơ, hy vọng tan dần theo những cơn đau.
Nhưng rồi, tương lai bỗng bừng sáng, Kỳ và gia đình ngợp trong hạnh phúc vô bờ khi kết quả xét nghiệm cho thấy tủy của chị gái phù hợp với Kỳ đến 100%. Cảm giác mang sứ mệnh níu giữ cuộc đời em trai mình lại với cuộc sống này đã cho chị gái Kỳ thêm sức mạnh, giúp cô chịu đựng đau đớn để bác sĩ lấy từ cơ thể mình những tế bào gốc mang tên gọi “hồi sinh”.
Ngày bác sĩ ghép tế bào gốc của chị gái cho Kỳ, cậu nằm trong căn phòng vô trùng, tĩnh tâm, như cảm thấy từng tế bào li ti trong cơ thể ốm yếu của mình được tiếp thêm sức mạnh. Sau khi ca ghép kết thúc, Kỳ bắt đầu quá trình 45 ngày nằm trong phòng cách ly để chờ sinh tủy mới. Chàng trai trẻ tâm sự: “Đó là quãng thời gian dài vô tận với em. Mỗi ngày trôi qua em đều thấy hạnh phúc và may mắn vì mình được chữa trị kịp thời. Nếu chưa có ghép tế bào gốc thì chắc em đâu được tâm sự với chị lúc này”.
Giờ đây, đứng trước tôi là chàng trai với gương mặt đẹp, đôi mắt sáng, trang phục quần bò, áo phông khỏe khoắn. Câu chuyện sôi nổi hơn khi Kỳ nhắc đến thiên thần bé nhỏ mới 3 tháng tuổi. Hai năm sau ca ghép tế bào gốc, Kỳ hồi phục sức khoẻ đến không ngờ. Những người mới gặp Kỳ chẳng thể nghĩ cậu từng mắc căn bệnh nan y, nhưng trong thâm tâm mình Kỳ không nghĩ đến chuyện sớm lập gia đình.
Thế nhưng tình yêu đến thật bất ngờ với cậu. Ngày đón con gái bé bỏng chào đời, hạnh phúc lại một lần nữa đến với Kỳ khi cô bé không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ việc người cha đã từng điều trị căn bệnh suy tuỷ xương. Có một gia đình nhỏ và công việc bán hàng thời trang yêu thích ngay tại Hà Nội, mắt Kỳ ánh lên niềm vui và sự biết ơn sâu sắc khi nhắc đến công lao của các bác sĩ đã mang lại cuộc sống đầy ý nghĩa cho cậu.
Cô gái nhỏ và nghị lực phi thường
Tôi gặp lại Diêu Thuần, cô gái sinh năm 1987, tác giả cuốn tự truyện “Như hoa Hướng dương” tại một cuộc hội thảo bàn về bệnh ung thư. Thuần đã hồng hào và khỏe mạnh hơn ngày đầu gặp nhau, khi Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư công bố ghép tế bào gốc thành công cho Diệu Thuần. Giọng nói nhỏ nhẹ, ánh mắt sáng, gương mặt thông minh và nụ cười thân thiện, Thuần mang đến cho người đối diện cảm giác bình an. Ngoại trừ vóc dáng gầy guộc của cô vì căn bệnh ung thư máu gây ra suốt 10 năm qua thì cách mà cô nói chuyện khiến mọi người cảm nhận được sức sống và nghị lực tràn đầy trong cơ thể nhỏ nhắn ấy.
Cô gái trước mắt tôi không còn trầm tư như ngày còn điều trị ở viện. Thuần nhí nhảnh, hồn nhiên khi nhắc tới cây đàn bên cô mỗi lúc vui buồn, đến những vần thơ cô ngẫu hứng để lưu giữ lại khoảnh khắc cảm xúc bất chợt đến với mình. Những dòng tự truyện Thuần viết lắng lại trong người đọc cảm giác yêu đời dẫu cuộc sống đầy thử thách với cô. Cô tìm vui ở chốn riêng mình: “Ranh giới giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đối với tôi bị xóa nhòa. Tôi sống phần nhiều với quá khứ hơn là với hiện tại, tìm về hạnh phúc của quá khứ như một liều thuốc để xoa dịu những nỗi đau của hiện tại. Thời thơ ấu của tôi ngập tràn tiếng cười trên những triền đồi, bờ khe cùng lũ bạn học và lũ trẻ con trong làng”.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn nhất khi nằm trong phòng ghép tủy, giọt nước mắt khẽ lăn dài trên gò má cô. Thuần bảo: “Khi đó cơ thể em bị suy kiệt gần như hoàn toàn do tác dụng của hóa chất diệt tủy - cũng không thể đi lại được vì toàn thân run bắn, co quắp, mất cảm giác ở chân, miệng lở loét không ăn, không nuốt được. Mẹ đã khóc khi lau người cho em, bởi nhìn em chỉ như một nhúm xương khô thôi. Nhưng rồi may mắn là em vượt qua được, bằng sự yêu thương chăm sóc của mẹ và sự nhiệt tình của các bác sĩ, y tá”.
Quãng thời gian sau đó Thuần bị tác dụng phụ của thuốc nhắm đích Glivec, cô sống trong đau đớn từng phút giây, cảm giác chỉ muốn chết. Ngày đêm bên cô là mẹ và cậu ruột cùng những cơn đau âm ỉ và nhức nhối, những giấc mơ kinh hoàng trong mỗi giấc ngủ chập chờn. Nhưng rồi, chính trong những cơn đau đó, cô gái bé bỏng cảm nhận được sức chịu đựng của mình vẫn chưa cạn kiệt khi tình yêu thương của bố mẹ dành cho cô mỗi ngày nhiều thêm. Thuần tâm sự: “Đó vừa là áp lực của em, vừa là động lực để cố gắng. Rồi em làm thơ, cũng như viết nhật ký để tâm sự với chính mình, để trải lòng mình… Và nó có một số tác dụng tích cực trong tâm lý. Dù em vẫn sốt và không thể đi lại được với cái chân bị teo và đau âm ỉ, nhưng em có thể gượng ngồi dậy trên giường và viết ra cơn đau và nỗi buồn của mình. Cảm giác như, nếu làm như vậy thì cơn đau sẽ nhảy hết vào trang giấy”.
Thuần tặng tôi một cuốn sách, cô bảo: “Đây là cuốn sách thứ hai của em, vẫn chưa phải viết với mong muốn được trở thành nhà văn hay cây viết chuyên nghiệp. Em chỉ đơn giản muốn chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình gửi tặng tới cậu, mẹ, tới anh trai và những người thân, thầy cô, bạn bè, và đặc biệt là những y bác sĩ, những người đã giúp đỡ em… có thể phần nào đó để họ nhìn lại họ đã từng rực rỡ và tươi đẹp như thế nào trong mắt em. Đó cũng là lời cảm ơn chân thật nhất bằng cách kể lại những câu chuyện đã qua, đã gắn liền họ với em trong đó”.
Thuần là như vậy, “đón nhận tất cả những gì trời đất ban tặng cho mình một cách tự nhiên nhất và cố giữ cho mình - dù không còn trọn vẹn nữa - sự tự nhiên mộc mạc của một con người xuất thân từ vùng rừng núi”, như những gì cô tự sự. Thuần mang đến cho mọi người niềm tin yêu cuộc sống, nghị lực vượt qua mọi thử thách để giữ vẹn nguyên trong trái tim mình tình yêu thương cuộc sống, dẫu cuộc sống nhiều khi khắc nghiệt với chính cô.
Lời chia sẻ của anh Lâm Tiến Bình (Lạng Sơn), một trong những người bệnh được ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu ở giai đoạn đầu tiên là lời tri ân đến các bác sĩ, điều dưỡng đã nỗ lực hết mình mở ra tia sáng cuối đường hầm cho những bệnh nhân mắc bệnh về máu: “Sự phát triển của khoa học kỹ thuật với trình độ chuyên môn cao và tấm lòng y đức của tập thể y bác sĩ đã làm nên điều kỳ diệu cho những bệnh nhân như chúng tôi”.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết, tế bào gốc đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điều trị, góp phần mang đến những hy vọng mới trong việc nâng cao sức khỏe con người. Việc nghiên cứu, ứng dụng ghép tế bào gốc tại Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp, góp phần tăng cơ hội sống cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân bị bệnh máu. Kỹ thuật ghép tế bào gốc thực sự để lại nhiều dấu ấn thành công trong ngành y tế Việt Nam. Giới y khoa cũng nhận định, tế bào gốc có khả năng tự tăng sinh, biệt hóa thành nhiều loại tế bào, các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể. Dùng tế bào gốc trong điều trị chính là đưa vào cơ thể các tế bào non trẻ có thể tạo ra các loại tế bào, mô mới để bổ sung hoặc thay thế cho tế bào và mô cơ quan bị tổn thương, mất chức năng. (Tiền phong trang 9)
Tăng cường kiểm tra, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 08 CT/TW của Ban Bí thư về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong tình hình mới” diễn ra chiều 30-5, ông Nguyến Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP TP.HCM cho rằng, cần liên kết chặt chẽ các tỉnh thành, triển khai thực hiện quản lý chuỗi thực phẩm an toàn, các siêu thị, cửa hàng tiện ích phải kiểm tra chặt chẽ đầu vào của thực phẩm, có khu vực riêng bày bán thực phẩm đã được chứng nhận thuộc chuỗi an toàn thực phẩm … cơ quan chuyên môn phải tăng cường hoạt động lấy mẫu kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm những hành vi sai trái trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm…(Tuổi trẻ trang 2)
Nâng cấp bệnh viện quận, huyện đa khoa từ hạng 2 trở lên
Đó là thông tin được TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, vừa cho biết tại buổi làm việc với BV Quận Thủ Đức. Theo TS. Thượng, hiện nay, các BV tuyến thành phố đang quá tải cả về nội trú lẫn ngoại trú. Do đó, Sở Y tế thống nhất kế hoạch định hướng phát triển BV tuyến quận, huyện trên địa bàn theo 3 nhóm, gồm: Phát triển BV quận thành BV đa khoa, hoàn chỉnh cả về nội trú và ngoại trú ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Nhà Bè…Những BV này sẽ phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu BV hạng 2 với quy mô từ 300 giường trở lên…(Sài Gòn giải phóng trang 3)
Trầy trật xây mới, nâng cấp bệnh viện
Đã qua 3 tháng, kể từ ngày Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng kết luận sau buổi làm việc với Đảng ủy Sở Y tế, chỉ đạo tăng cường đẩy nhanh các dự án y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhưng đến nay một số dự án xây mới, nâng cấp bệnh viện vẫn “án binh bất động”. Có dự án đã được HĐND TP đưa vào nghị quyết, ghi vốn; có dự án đã thiết kế xong, vài dự án đã có kết quả trúng thầu, thậm chí đang triển khai xây dựng nhưng tiến độ như … rùa…(Sài Gòn giải phóng trang 3)
Rước bệnh vì thực phẩm chứa chất … kích dục
“Ăn” thực phẩm chức năng có chứa thuốc kích dịch có khả năng gây đau đầu, giảm thị lực, nhồi máu cơ tim, thậm chí khả năng giường chiếu cũng “một đi không trở lại”.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ra quyết định thu hồi 2 sản phẩm thực phẩm chức năng vì chưa chất sildenafil (hoạt chất của Viagra), một loại tân dược thường dùng trong thuốc điều trị rối loạn cương dương và bị cấm sử dụng trong thực phẩm chức năng. Cụ thể là thực phẩm bảo vệ sức khỏe Avena, số lô 010316 (ngày sản xuất: 2/3/2016; Hạn sử dụng: 1/3/2019) do Công ty TNHH Medistar Việt Nam ở Mê Linh, Hà Nội sản xuất.
Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện ra hoạt chất thuộc nhóm chất kích dục có trong các thực phẩm chức năng được quảng cáo bổ thận, tráng dương…(Nông thôn ngày nay trang 5)
Tiêm vaccine cho trẻ: Vaccine dịch vụ hay miễn phí đều được Bộ Y tế kiểm định
Sau “sự cố” tiêm vaccine dịch vụ ở điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội, Bộ Y tế đã chỉ đạo sát sao việc tổ chức đăng ký tiêm chủng vaccine “5 trong 1” và “6 trong 1” tại các điểm tiêm, nhằm đảm bảo công bằng, nhanh chóng.Vì thế, về cơ bản, đến nay việc đăng ký tiêm chủng đã được các cơ sở tổ chức tiêm chủng thực hiện qua mạng, vừa đảm bảo khách quan, minh bạch, vừa để các phụ huynh không phải mất công chen lấn, chờ đợi.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ngày 31-5, Trung tâm sẽ tổ chức đăng ký và tiêm chủng vaccine Infanrix hexa (5 trong 1) với số lượng là 2.500 liều. Hệ thống đăng ký dịch vụ tiêm chủng trực tuyến chính thức hoạt động từ 9h30 ngày 31-5, bằng hình thức đăng ký qua mạng ở địa chỉ www.ytdphanoi.gov.vn. Những trường hợp đăng ký thành công sẽ được thông báo cho gia đình để đưa trẻ đi tiêm chủng sau đó. Tuy nhiên, những trẻ đăng ký tiêm vaccine cũng phải đáp ứng 2 điều kiện sau: Có ngày sinh trong khoảng từ ngày 31-5-2014 đến ngày 31-3-2016, tức là trẻ đủ 2 tháng tuổi đến đủ 2 tuổi, tại thời điểm đăng ký.
Ngoài ra, ở thời điểm đăng ký, trẻ đã đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng vaccine phòng 6 bệnh: viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chỉ tiêm vaccine Infanrix hexa mũi 1 cho những trẻ có mốc sinh như trên mà chưa được tiêm mũi tổng hợp (Quinvaxem, Pentaxim, Infanrix hexa, DPT...), vaccine phòng bệnh viêm gan B trước ngày 31-5-2016 ít nhất 30 ngày.
Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng lưu ý các bậc phụ huynh chỉ đăng ký cho trẻ khi đúng đối tượng như đã thông báo ở trên, không đăng ký khi trẻ chưa đến lịch tiêm chủng tính đến ngày 31-5-2016. Vì thế, những phiếu đã đăng ký được nhưng trẻ không đúng đối tượng (tức là trẻ trong độ tuổi như đã thông báo và tính đến 31-5- 2016 vẫn chưa đến lịch tiêm) kết quả đăng ký sẽ bị hủy bỏ.
Trước đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng đã tổ chức thành công việc đăng ký tiêm vaccine Pentaxim (5 trong 1) trực tuyến thông qua website tiemvacxin.vn chỉ trong một ngày. Đã có 3.500 phiếu đăng ký thành công và danh sách các trẻ đăng ký tiêm thành công được niêm yết công khai tại các địa chỉ của Viện và Trung tâm Dịch vụ KHKT& YTDP. Tuy nhiên, do số lượng vaccine Pentaxim có hạn cũng như các lý do khách quan từ đường truyền internet, nhiều gia đình đã không đăng ký thành công. Vì vậy, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, Viện vẫn duy trì tiêm vaccine Quinvaxem miễn phí thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) tại Trung tâm dịch vụ, số 131 Lò Đúc.
Một lần nữa, các chuyên gia khẳng định, vaccine dịch vụ hay vaccine TCMR có chất lượng tương đương. Trong số hơn 30 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dự phòng bằng vaccine thì Việt Nam đã có 12 loại vaccine được triển khai miễn phí trong Chương trình TCMR.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, một số bậc phụ huynh muốn sử dụng vaccine phải trả tiền trong tiêm chủng dịch vụ, vì cho rằng loại vaccine này đắt tiền nên tốt hơn vaccine miễn phí trong Chương trình TCMR. Thực tế, cả 2 loại vaccine đều phải trả tiền. Có điều, vaccine trong Chương trình TCMR là do nhà nước trả tiền để mua và được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, nên trẻ sử dụng được miễn phí.
Dù vaccine trong Chương trình TCMR hay vaccine dịch vụ thì trước khi đưa vào sử dụng đều phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành; được kiểm định tính an toàn và hiệu quả chặt chẽ. Vì vậy không thể nói là "vaccine dịch vụ tốt hơn vaccine miễn phí" trong Chương trình TCMR.
Thực tế là trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi đã được sử dụng các vaccine trong Chương trình TCMR hàng năm. So với trước khi triển khai tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong Chương trình TCMR đã giảm mạnh, từ hàng chục đến hàng trăm lần. Trong đó, một số bệnh đã được thanh toán và loại trừ như bệnh bại liệt, bệnh uốn ván sơ sinh vv... Vì thế, đại diện Bộ Y tế khuyên các bà mẹ hãy tin tưởng và đưa trẻ đi tiêm các vaccine trong chương trình TCMR, để trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch mới có hiệu quả phòng bệnh tốt.
Bộ Y tế cũng cung cấp thông tin so sánh Quinvaxem với vaccine dịch vụ “5 trong 1” hoặc “6 trong 1”: Vaccine Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào (còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn) nên tính kháng nguyên cao hơn vaccine dịch vụ có thành phần ho gà vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn), do đó, khả năng bảo vệ của Quinvaxem cao hơn.
Khi dùng vaccine toàn tế bào, trẻ có thể bị phản ứng nhẹ như sốt, đau hơn và bị ho, nhưng tác dụng phụ về mặt tai biến tử vong không thể cao hơn vaccine dịch vụ. Thế giới cũng đã chứng minh phản ứng nặng của vaccine Quinvaxem tương đương các vaccine khác. Những lý do trên khiến nhiều nước đang quay lại sử dụng vaccine toàn tế bào.
Vaccine là an toàn, nhưng có một số trường hợp cần chống chỉ định, mà các bà mẹ lưu tâm: Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine cùng loại lần trước. Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan....). Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine. Để đảm bảo an toàn, trước khi tiêm chủng các đối tượng tiêm chủng phải được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng. Các bà mẹ cần cung cấp các thông tin về tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng của những lần tiêm chủng trước để phối hợp với cán bộ y tế.
Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 17 cơ sở tiêm chủng vaccine Pentaxim, đều đăng ký qua mạng với các điều kiện về số tuổi và lịch tiêm chủng, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm.( Công an nhân dân trang 6)
Thuốc y học cổ truyền bị pha tân dược có nhiều tác dụng phụ
Ngày 30.5, ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, cho biết hằng năm hệ thống kiểm nghiệm trên cả nước lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc tân dược, đông dược, dược liệu để kiểm nghiệm, khoảng 20% trong đó là mẫu dược liệu và thuốc đông dược.
Các mẫu lấy xét nghiệm là những sản phẩm trọng tâm, dược liệu có nguy cơ nên tỷ lệ mẫu không đạt chất lượng cao, chiếm 20%. Việc tăng cường kiểm tra, cảnh báo các dược liệu kém chất lượng trong các năm qua cũng giúp thay đổi về chất lượng, ví dụ như không thấy mẫu hồng hoa bị nhuộm hóa chất rhodamin độc hại.
Tuy nhiên vẫn còn các mẫu dược liệu không đạt do hàm lượng hoạt chất thấp. Hiện tượng này không chỉ ở nhóm dược liệu đắt tiền mà cả ở nhóm dược liệu có giá không cao.
Theo ông Lâm, quá trình giám sát chất lượng dược liệu cũng phát hiện các mẫu bị làm giả, nhầm loài. Việc kiểm soát nguồn gốc dược liệu còn khó khăn do nhiều dược liệu không rõ ràng về lô, mẻ, hạn sử dụng giống như tân dược. Do đó, các đơn vị y tế cần tăng cường kiểm tra, chỉ khi dược liệu đạt chất lượng đầu vào, mới đưa vào sử dụng, đảm bảo cho điều trị bệnh.
Không chỉ phát hiện dược liệu kém chất lượng, cơ quan kiểm nghiệm đã phát hiện các thuốc y học cổ truyền bị bỏ tân dược, chủ yếu là hoạt chất corticoid có tác dụng chống viêm mạnh.
Theo ông Lâm, lén bỏ tân dược rất nguy hại cho người dùng bởi corticoid là thuốc có nhiều tác dụng phụ. Các thuốc y học cổ truyền vi phạm chất lượng chủ yếu là sản phẩm không rõ ràng nguồn gốc, thậm chí không nhãn mác, chỉ là các gói bột, viên hoàn. Người dân tuyệt đối không mua thuốc theo kiểu kinh nghiệm, truyền miệng.( Thanh niên trang 5)
CĐ Y tế Việt Nam: Mittinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá
Sáng 30.5, CĐ Y tế VN phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá 31.5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25.5-31.5.2016).
Ngày thế giới không khói thuốc lá năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề là “thực hiện đóng gói thuốc lá bằng bao trì trơn” (bao bì in theo chuẩn mực chung nhằm hạn chế hoặc cấm sử dụng logo, màu sắc, hình ảnh thương hiệu hoặc các thông tin quảng cáo trên bao bì thuốc lá). Phát biểu tại buổi lễ phát động, bà Trần Thị Bích Hằng, Chủ tịch CĐ Y tế VN- cho biết, CĐ Y tế VN tiếp tục triển khai xây dựng môi trường cơ sở y tế không khói thuốc với mục tiêu tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp, không có khói thuốc lá tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện trên toàn quốc; tổ chức hội thi tìm hiểu về luật và các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bà Trần Thị Bích Hằng kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức học sinh, sinh viên, NLĐ y tế trong cả nước tích cực tham gia phòng chống tác hại thuốc lá, tuyên truyền nghĩa vụ của người hút thuốc; quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá.
Theo CĐ Y tế Việt Nam, sử dụng thuốc lá đang là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm, như: ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Đối với người hút thuốc lá thụ động, tỉ lệ người bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà là 67% và tại nơi làm việc là 49%. Đặc biệt, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà của phụ nữ là gần 70%, của trẻ em là 50%.(Lao động trang 5)
Cảnh báo viêm não cấp với virus Coxsackie
Chỉ trong vòng 24 giờ đầu tiên trẻ đã có biểu hiện viêm não và có thể tử vong.
Nguyên nhân bảy trẻ tử vong trong thời gian từ ngày 19-4 đến 25-5 vừa qua tại xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng đã được xác định rõ.
Theo kết luận của đoàn công tác của Bộ Y tế, trong tổng số 21 bệnh nhân có triệu chứng viêm não cấp tại địa phương này, có bảy trẻ tử vong đều do virus Coxsackie A6, một loại enterovirus ở đường tiêu hóa rất nguy hiểm cho trẻ em nhưng lại ít được quan tâm.
Sau khi tiến hành điều tra ổ dịch, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận đã lấy 11 mẫu bệnh phẩm tiến hành xét nghiệm cho kết quả hai mẫu dương tính với virus nói trên, không mẫu nào dương tính với virus cúm.
Bệnh nguy hiểm mùa hè
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, virus Coxsackie là một chủng siêu vi ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh cho trẻ em như hội chứng viêm não vô khuẩn, bệnh cúm mùa hè, bệnh tay -chân-miệng, viêm cơ tim...
Căn bệnh này ghi nhận rải rác quanh năm nhưng thường số ca mắc tăng cao trong những tháng hè, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8. Nếu không được phát hiện sớm, chữa kịp thời, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nặng nề như bại não, liệt chân, tay, bị mắc động kinh, điếc, trí nhớ kém, ảnh hưởng đến kết quả học tập… và có tỉ lệ tử vong từ 10% đến 15%.
Vì thế, trong thời điểm vào hè, bất kể trường hợp nào sốt, viêm đường hô hấp kèm theo triệu chứng đau đầu, buồn nôn cần phải được theo dõi để phát hiện sớm bệnh viêm não virus, điều trị sớm phòng nguy cơ các di chứng thần kinh để lại cho trẻ do virus viêm não tấn công.
Mặt khác, do virus này sinh sản nhanh trong đường tiêu hóa, không bị tiêu diệt bởi môi trường acid của dịch dạ dày nên trẻ em thường dễ bị nhiễm virus Coxsackie hơn người lớn do lây nhiễm qua đường ăn uống, tiếp xúc...
Diễn tiến rất nhanh
Theo BS Nguyễn Bá Tùng, Viện Vệ sinh y tế công cộng, virus Coxsackie A6 diễn tiến rất nhanh, ban đầu chỉ là một virus đường tiêu hóa thông thường nhưng chỉ trong thời gian ngắn, có thể chưa đến 24 giờ đầu trẻ đã có những triệu chứng của viêm não và các bệnh liên quan khác, dẫn đến tử vong.
“Qua khai thác triệu chứng của các trẻ tử vong ở Cao Bằng cho thấy tất cả trẻ đều dưới sáu tháng tuổi với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân lỏng, nôn...), một số trường hợp có ho, khó thở, sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, bao gồm co giật, li bì và tử vong” - ông Tùng cho biết.
Theo BS Tùng, mặc dù mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm virus nhưng đa số bệnh nhân xác định nhiễm Coxsackie thường là trẻ em, riêng sản phụ có thể truyền virus gây bệnh nghiêm trọng cho con.
BS Tùng cho biết đường lây nhiễm virus Coxsackie chủ yếu là qua phân và miệng mặc dù trong một số trường hợp virus có thể lây qua nước bọt và đờm rãi li ti bay trong không khí từ bệnh nhân khác. Các vật dụng cá nhân như dụng cụ, vị trí mà trẻ nằm thay tã lót, đồ chơi trẻ em đã tiếp xúc với dịch tiết từ cơ thể bệnh nhân có chứa virus cũng có thể là nguyên nhân truyền bệnh.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân phải giữ gìn vệ sinh chung; thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện vệ sinh môi trường. Tuyệt đối không tiếp xúc với người bị bệnh.
“Các bậc phụ huynh nên chú ý, khi các bé có biểu hiện sốt, rối loạn tiêu hóa, khó thở... cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Trong trường hợp nghi ngờ, để khẳng định bệnh, bác sĩ sẽ phải tiến hành chọc dịch não tủy để xác định căn nguyên, điều trị sớm, tránh tình trạng phát hiện muộn, trẻ có nguy cơ để lại di chứng thần kinh” - BS Tùng khuyến cáo.( Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trang 13)
Bệnh do virus Coxsackie và dấu hiệu nhận biết:
1. Viêm màng não vô khuẩn và viêm não: Bệnh nhân viêm màng não vô khuẩn điển hình có cơn sốt đột ngột kèm ớn lạnh, nhức đầu, sợ ánh sáng và đau khi vận động mắt, buồn nôn, nôn, lơ mơ, cổ cứng.
2. Bệnh sốt không đặc hiệu hay cảm cúm mùa hè: Biểu hiện lâm sàng phổ biến của nhiễm virus Coxsackie là sốt không đặc hiệu. Sau thời kỳ ủ bệnh 3-6 ngày, bệnh nhân thấy sốt đột ngột kèm uể oải, nhức đầu.
3. Bệnh tay-chân-miệng: Bệnh có thể tạo thành dịch và đặc trưng bằng viêm miệng, các ban có bọng nước trên bàn tay và bàn chân. Sau thời gian ủ bệnh 4-6 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt, chán ăn và uể oải, đau họng và nổi mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, sau đó là ở mu tay, đôi khi là lòng bàn tay.
4. Viêm họng mụn nước: Bệnh xuất hiện đột ngột bằng sốt cao, có khi tới 40oC, một số bệnh nhân co giật do sốt cao; đau đầu, đau cơ, nôn, đau họng...
5. Viêm màng ngoài tim cấp tính: Triệu chứng xuất hiện đột ngột bằng đau trước ngực, đau tăng lên khi hít vào và khi nằm ngửa, tiếng cọ màng ngoài tim xuất hiện sớm. Bệnh nhân thấy sốt, đau đầu và đau cơ.
Cứu bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng
Chiều 30/5, BSCK2 Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực và Ngoại niệu Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ vừa phối hợp phẫu thuật cấp cứu cho một bệnh nhân 68 tuổi, hiện sức khỏe đã ổn định. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, huyết áp tăng, cạnh rốn bị phồng lên. Chụp CT-scanner BS phát hiện bệnh nhân phình động mạch chủ bụng dưới động mạch thận và thận hình móng ngựa nằm phía dưới túi phình. Đội ngũ bác sĩ tại BV đã phẫu thuật kịp thời cứu bệnh nhân.
Kết quả còn cho thấy gần 12% BV không xét nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu nước thải theo đề án/cam kết bảo vệ môi trường đã phê duyệt; gần 9% BV có chỉ tiêu nước thải sau khi xử lý xét nghiệm không đạt hoặc đạt chưa đầy đủ theo quy định.
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM kiến nghị các BV phải đảm bảo hệ thống xử lý nước thải trong tình trạng hoạt động tốt.( Thanh niên trang 2)