Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/4/2016

  • |
T5g.org.vn - Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện; Tỷ lệ mắc tự kỷ mới có dấu hiệu gia tăng; “Không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh có BHYT khi khám bệnh”; Phạt 20 công ty vi phạm an toàn thực phẩm hơn 480 triệu đồng

Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện

Ngày 2-4, Ban chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện TP Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng "Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4" và Ngày hội hiến máu "Doanh nhân đỏ". Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao kết quả hiến máu tình nguyện thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, với những nỗ lực không ngừng, TP Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình hiến máu hiệu quả, bền vững. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nhiều người dân ngày càng hiểu và tham gia tích cực, tự giác hơn. 

Thời gian qua, Hà Nội đã làm tốt công tác hiến máu tình nguyện. Riêng năm 2015, toàn thành phố đã tiếp nhận được trên 170.000 đơn vị máu. Còn lễ mít tinh và Ngày hội hiến máu "Doanh nhân đỏ" cũng đã tiếp nhận ước khoảng 300 đơn vị máu (Hà Nội mới trang 5).

 

Tỷ lệ mắc tự kỷ mới có dấu hiệu gia tăng

Ngày 2-4, tại Hà Nội, Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH, Mạng lưới tự kỷ ASEAN, Tổ chức phát triển khuyết tật Châu Á - Thái Bình Dương đã tổ chức "Ngày hội thể thao thân thiện dành cho người tự kỷ" nhằm tăng cường nhận thức, sự chia sẻ của cộng đồng đối với người tự kỷ. Trong ngày hội, hàng trăm người tự kỷ và trẻ em tự kỷ đã tham gia các môn thể thao như chạy, kéo co, đi cà kheo… 
Hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và tỷ lệ người mắc mới đang có dấu hiệu gia tăng. Người mắc chứng tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và cần được quan tâm đúng cách để được sống bình đẳng, phát triển năng lực và đóng góp cho xã hội (Hà Nội mới trang 5).

 “Không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh có BHYT khi khám bệnh”

Đây là một trong những chỉ đạo đột phá của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/03/2016 về tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nội trú, hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép và tuyệt đối không để người bệnh phải nằm ghép quá 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần bảo đảm điều kiện phòng bệnh thông thoáng, sạch sẽ, đủ ấm về mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, bao gồm: công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của bệnh viện; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh, phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sai sót chuyên môn…. Chủ động, tích cực triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh nhằm chuyển giao các kỹ thuật cao, giảm chuyển tuyến và tạo thuận lợi cho người bệnh được điều trị ngay ở tuyến dưới.

Kế đó, Bộ Y tế chi đạo các bệnh viện dành tối thiểu 5% số thu từ dịch vụ khám bệnh và 5% số thu từ ngày giường điều trị (tối thiểu 3% đối với bệnh viện hạng III, IV) để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh và mua bổ sung thiết bị và các điều kiện phục vụ người bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không thu tiền tạm ứng đối với người bệnh BHYT khi khám bệnh, không thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá của dịch vụ, trừ các chi phí chưa tính vào giá dịch vụ và phần đông chi trả của người bệnh có BHYT theo quy định hoặc phần chênh lệch giữa giá thanh toán với cơ quan Bảo hiểm Xã hội và giá khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Các cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế, đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh theo chỉ đạo. Thực hiện tốt việc tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thông qua đường dây nóng, hộp thư góp ý và các kênh tiếp nhận ý kiến phản ánh khác.

Tại các cơ sở khám chữa bệnh cần tăng cường tổ chức thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh. Công khai giá viện phí, dịch vụ y tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống bấm số tự động, phân luồng đăng ký khám bệnh; sắp xếp quy trình khám bệnh liên hoàn, theo một chiều; bố trí bộ phận lấy bệnh phẩm ngay tại khu khám bệnh để người bệnh không phải đi lại nhiều.

Cùng với chỉ đạo trên, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế về giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh; thẩm định kỹ năng lực trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hiện kỹ thuật chuyên môn khi phê duyệt và chịu trách nhiệm về danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Congluan.vn, Sài gòn giải phóng trang 7).

 

Phạt 20 công ty vi phạm an toàn thực phẩm hơn 480 triệu đồng

Ngày 2/4, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, trong quý 1, Cục An toàn thực phẩm đã quyết định xử phạt hành chính 20 công ty vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm với số tiền phạt hơn 480 triệu đồng. Trong số các công ty bị xử phạt, có 13 công ty vi phạm về quảng cáo, 6 công ty vi phạm về chất lượng sản phẩm, 1 công ty vi phạm 2 hành vi là quảng cáo và ghi nhãn.

Cùng với phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm cũng quyết định thu hồi 4 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, tạm dừng lưu thông 6 lô sản phẩm vi phạm. Đại diện Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016, diễn ra từ ngày 15/4 tới 15/5, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương sẽ tổ chức 6 đoàn thanh kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nam, Lào Cai, TPHCM, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắk Nông, Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa và Bình Định.

Việc thanh kiểm tra sẽ tập trung vào công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt và nông sản (Sài gòn giải phóng trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang