Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 3/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Phình động mạch chủ ngực: Hơn 90% tử vong khi vỡ túi phình; Điểm mặt 3 sở thờ ơ trước thực phẩm bẩn; Vào hè, cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm; Thế giới đẩy mạnh nghiên cứu chống vi-rút Zika

Phình động mạch chủ ngực: Hơn 90% tử vong khi vỡ túi phình

Phình động mạch chủ ngực là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, có nguy cơ tử vong rất cao khi túi phình bị vỡ. Tuy nhiên bệnh có thể phòng được nếu có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện hợp lý. 10g ngày 28-3, ông N.A.B. (45 tuổi, Q.Bình Tân, TP.HCM) nhập viện tại Bệnh viện Q.7 với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy.

Trở tay không kịp

Sau khi làm các xét nghiệm, bước đầu bác sĩ chẩn đoán ông B. bị viêm thần kinh liên sườn. Ông B. tiếp tục được theo dõi, làm các xét nghiệm, hội chẩn và bác sĩ chẩn đoán ông B. bị bệnh về tim mạch. Đến 16g30 cùng ngày, bệnh viện cho ông B. làm thêm xét nghiệm cuối cùng để bổ sung chẩn đoán. Khoảng một tiếng sau, trong lúc chờ kết quả, ông B. đột ngột lên cơn co giật rồi tử vong.

Trước cái chết đột ngột của ông B., Bệnh viện Q.7 báo cáo ngay Sở Y tế TP và Công an Q.7 để làm rõ nguyên nhân tử vong của ông B.. Theo bà C.B.P. - vợ ông B. - buổi tối trước ngày mất, chồng bà đi làm về thấy đau ngực, khó thở nên đã nhờ đồng nghiệp đưa vào Bệnh viện Q.7. Nằm đến 4g sáng 28-3 thì ông B. ra về.

Vừa về tới nhà, ông B. tiếp tục lên cơn đau tức ngực, nằm ngủ không được nên bà P. đưa ông vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Thấy bệnh nhân cấp cứu đông, ông B. nói vợ đưa trở lại Bệnh viện Q.7 để điều trị. Chiều cùng ngày, khi bà về nhà có việc, bệnh viện đã điện báo ông B. đang hấp hối.

Bác sĩ Trần Dư Đông - giám đốc Bệnh viện Q.7 - cho biết kết quả pháp y của cơ quan chức năng kết luận ông B. tử vong do vỡ túi phình quai động mạch chủ ngực. Đây là bệnh lý rất khó phát hiện, khi túi phình vỡ ra thì tỉ lệ tử vong rất cao.

Tuy nhiên, có người bị vỡ túi phình động mạch chủ ngực may mắn được các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cứu khỏi “lưỡi hái tử thần” là anh Phí Văn H., 19 tuổi.

Anh H. nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Qua xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh H. bị bóc tách động mạch chủ ngực type A. Sau tám giờ phẫu thuật cấp cứu, được thay toàn bộ gốc động mạch chủ, thay động mạch chủ lên và quai động mạch chủ, truyền sáu đơn vị máu và chế phẩm máu...anh H. đã hồi phục.

Chú ý hai tình huống

Theo PGS.TS Cao Văn Thịnh - trưởng Trung tâm huấn luyện kỹ năng lâm sàng - Bệnh viện mô phỏng, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), phình động mạch chủ ngực là tình trạng giãn thường xuyên và khu trú một hay nhiều đoạn động mạch làm động mạch chủ ngực tại vị trí giãn trở nên yếu và phình ra. Đến lúc túi phình bị vỡ khiến người bệnh chết nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân bệnh chủ yếu là do xơ vữa động mạch (chiếm tới 95-98% trường hợp).

Phình động mạch chủ ngực thường gặp ở người lớn tuổi (50-80 tuổi), nam bị nhiều hơn nữ (1,7 nam/1 nữ). Bệnh liên quan tới nhiều yếu tố như tuổi, giới, thói quen hút thuốc lá, bệnh lý tăng huyết áp, tình trạng rối loạn lipid máu và có tính gia đình...

Triệu chứng bệnh phình động mạch chủ ngực khi chưa có biến chứng lại khó nhận biết, chỉ được phát hiện tình cờ khi có đau ngực hoặc đi khám sức khỏe định kỳ.

Triệu chứng thường xảy ra khi túi phình lớn nhanh, trong đó triệu chứng đau ngực thường gặp nhất và bệnh nhân thường đau trước xương ức hoặc đau lan ra sau lưng. Khi có biến chứng, có hai tình huống cần chú ý. Một là khi túi phình chèn ép vào các cơ quan lân cận: chèn ép khí phế quản gây khó thở, chèn ép thực quản gây khó nuốt, chèn ép dây thần kinh quặt ngược thanh quản gây khàn tiếng. Có khi túi phình làm tắc động mạch gian sườn gây triệu chứng liệt, dị cảm.

Hai là khi vỡ túi phình: vỡ túi phình là biến chứng đáng sợ nhất của phình động mạch chủ ngực vì tỉ lệ tử vong rất cao, trên 90% và đa số bệnh nhân tử vong trước khi nhập viện. Do vậy, khi bệnh nhân có triệu chứng đau ngực kèm theo mạch nhanh, huyết áp tụt, khó thở, rất có thể đó là những dấu hiệu của phình động mạch chủ ngực vỡ.

Tầm soát, phát hiện sớm

Để phòng bệnh không nên hút thuốc lá, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường tập luyện thể thao. Với người có nguy cơ cao cần khám sức khỏe định kỳ, có ý thức phòng bệnh xơ mỡ động mạch, cao huyết áp...

Với bệnh nhân đã được phát hiện phình động mạch chủ ngực kịp thời, khi chưa có biến chứng cần lưu ý việc tái khám định kỳ và tuân thủ điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân nên nắm rõ các triệu chứng của tình trạng túi phình dọa vỡ và vỡ để kịp thời tới bệnh viện cấp cứu khi cần thiết.

Về điều trị túi phình, theo PGS Thịnh, tùy vào vị trí túi phình, kích thước và diễn tiến phát triển của túi phình, các bệnh lý kèm theo của bệnh nhân, điều kiện tâm sinh lý, hoàn cảnh bệnh nhân... bác sĩ sẽ đưa ra các phương án theo dõi và điều trị phù hợp. Trường hợp đặc biệt - khi túi phình lớn hơn 5cm nhưng bệnh nhân chưa đồng ý mổ - cũng cần theo dõi cẩn thận và điều trị nội khoa kết hợp điều chỉnh chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, tập luyện của bệnh nhân, ngưng hút thuốc lá, điều trị rối loạn lipid máu, điều trị cao huyết áp, đề phòng té chấn thương làm vỡ túi phình (Tuổi trẻ trang 14).

Điểm mặt 3 sở thờ ơ trước thực phẩm bẩn

Trả lời Thanh Niên hôm qua (2.5), ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, cho rằng không chỉ dựa vào việc sẽ mạnh tay hơn trong xử phạt mà cần sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa các lực lượng, đặc biệt là chính quyền địa phương. “Chính phủ đã cho phép triển khai thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) đến tận xã, phường, quận, huyện tại hai điểm nóng là Hà Nội và TP.HCM nhằm tăng tính chủ động, nhưng vẫn còn tình trạng chính quyền địa phương lại chưa quyết liệt triển khai”, ông Phong đánh giá.

“Không hiểu gì”

Bộ Y tế có tham gia hỗ trợ các địa phương triển khai thí điểm, qua đó ông đánh giá cấp cơ sở đã sẵn sàng cho việc nắm quyền thực hiện thanh tra ATTP hay chưa?

Thanh tra ATTP cấp, xã phường được thí điểm tại TP.HCM và Hà Nội, triển khai đến 20 xã, phường thuộc 10 quận, huyện. Mỗi TP chọn 5 quận, huyện; 10 xã, phường cả khu vực nội và ngoại thành, nông thôn. Với mô hình thí điểm, các đoàn thanh, kiểm tra được quyền xử phạt tại chỗ, tiền xử phạt được giữ lại 100% phục vụ cho thanh kiểm tra. Chính phủ cho phép cả viên chức tham gia thanh, kiểm tra; cả thanh tra độc lập, chỉ một thanh tra viên cũng được xử lý vi phạm, do đó tính chủ động rất cao. Sau 4 - 5 tháng thực hiện cho thấy, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội triển khai nghiêm túc. Đặc biệt, phó chủ tịch TP phụ trách về ATTP đã trực tiếp tham gia và có văn bản yêu cầu lãnh đạo xã, phường, quận, huyện hằng tuần phải có lịch đi cùng các cán bộ, và có biên bản làm việc để kịp thời nắm bắt những khó khăn để tháo gỡ. Cách tổ chức ban đầu như vậy khá bài bản, sát sao. Chúng tôi cũng xuống Q.Nam Từ Liêm, H.Đông Anh, Q.Đống Đa, thấy khá rõ sự vào cuộc của chính quyền. Dù kết quả vẫn chưa thể như mong muốn nhưng thái độ nghiêm túc.

Tuy nhiên, tại TP.HCM tôi phải nói rất thẳng thắn là chưa quan tâm lắm. Khi Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục ATTP, Thứ trưởng Bộ Y tế vào kiểm tra đôn đốc, không có bất kỳ một lãnh đạo sở nào trong 3 sở Y tế, Công thương, NN-PTNT đi cùng đoàn để cùng xem xét, đánh giá. Nhưng không quá quan trọng về việc này mà vấn đề là ở cơ sở, nơi chúng tôi đến (Q.3 và Q.5) thấy anh em rất bỡ ngỡ, lúng túng về phương thức triển khai. Thậm chí, có cán bộ còn nói rất thật là “Không hiểu gì”. Chi cục trưởng Chi cục ATTP TP.HCM cũng cho biết là suốt 4 tháng qua chưa hề trực tiếp đi thanh, kiểm tra buổi nào với anh em cơ sở. Bận thì bận nhưng đây là mô hình thí điểm của Thủ tướng giao, nếu phát hiện vướng mắc thì báo cáo, tháo gỡ, làm tốt để còn nhân rộng mô hình, trong khi TP.HCM cũng là điểm nóng về ATTP. Tất nhiên, các sở, chính quyền địa phương có nhiều công việc, bận rộn chúng tôi rất hiểu, nhưng tới đây phải vào cuộc quyết liệt hơn.

Thực tế tại các cuộc làm việc, ông có đề xuất gì với chính quyền địa phương trong công tác quản lý ATTP?

Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo địa phương phải rất quan tâm đến việc này, thậm chí thanh tra của 3 sở (Y tế, Công thương, NN-PTNT) phải trực tiếp hướng dẫn mang tính cầm tay chỉ việc. Công tác quản lý ATTP không chỉ là xét hồ sơ, thẩm định, cấp phép mà cần chú trọng thanh, kiểm tra, hậu kiểm phát hiện những vi phạm để hướng dẫn các hộ, cơ sở, doanh nghiệp khắc phục, đảm bảo các điều kiện theo quy định. Nếu chính quyền địa phương quan tâm chắc chắn tình trạng ATTP sẽ có thay đổi. Một quán bán nước chè tự phát, hay một ngôi nhà xây dựng, sửa chữa có vài viên gạch rơi ra… đã thấy lực lượng địa phương đến xử lý. Thế mà cả xe thịt thối, cả xưởng làm nước giải khát bẩn, lò giết mổ không phép tồn tại thời gian dài mà lại lọt được qua mắt chính quyền địa phương vậy có hợp lý hay không?

Nếu cán bộ được giao nhiệm vụ về quản lý ATTP vào cuộc quyết liệt thì chắc chắn sẽ thay đổi. Ví dụ như ở chợ Kim Biên (TP.HCM) từng nhiều năm là địa chỉ bán phụ gia thực phẩm không an toàn. Nhưng mới đây khi đoàn của Bộ Y tế kiểm tra đột xuất, thì thấy việc tổ chức kinh doanh đã thay đổi nhiều. 16 hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm được bố trí riêng; các sản phẩm có hàng đủ nhãn mác, đầy đủ hồ sơ công bố sản phẩm. Đó là minh chứng rõ ràng cho sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, của ban quản lý chợ. Người kinh doanh nhờ đó cũng thêm kiến thức để tuân thủ, người tiêu dùng được mua sản phẩm an toàn.

Minh bạch thông tin, không bao che sai phạm

Thưa ông, đâu là vấn đề nóng được lựa chọn cho công tác đảm bảo ATTP tại thời điểm này?

Trong cuộc họp về công tác quản lý ATTP mới đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh điểm nóng về ATTP lúc này là sản phẩm tươi sống. Đó là mặt hàng thiết yếu cần chú trọng giám sát. Thủ tướng cũng nhấn mạnh nâng cao vai trò trách nhiệm của địa phương trong quản lý ATTP.

Nhưng nhiều người cho rằng việc phân công chồng chéo, nhiều bộ ngành, nhiều cấp quản lý nên không quy được trách nhiệm cụ thể?

Theo tôi, việc phân công trách nhiệm về quản lý đảm bảo ATTP không chồng chéo, mà vấn đề là không chịu đọc kỹ văn bản. Nếu đọc kỹ sẽ thấy rõ: Chẳng hạn một cơ sở có nhiều sản phẩm thuộc nhiều bộ ngành quản lý thì sẽ giao cho một bộ quản lý trực tiếp chứ không để 3 - 4 bộ cùng vào gây rườm rà. Đặc biệt, với việc phân công, phân cấp, dứt khoát sẽ xử lý người chịu trách nhiệm đã buông lỏng quản lý. Ví dụ, việc để tồn tại bếp ăn tập thể không phép dứt khoát cán bộ phụ trách ATTP trên địa bàn phải chịu trách nhiệm.

Nhưng thưa ông, ngay cấp T.Ư, các bộ ngành vẫn còn đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm khi có sự cố thực phẩm bẩn…

Về cơ bản cấp lãnh đạo các bộ đều đã trao đổi phối hợp tốt, thẳng thắn nhưng tôi cho rằng cấp tham mưu: các vụ, cục (của các bộ) còn lúng túng trong chia sẻ thông tin. Khi giải thích chưa thật rõ ràng thuyết phục, khiến báo chí và người dân khó chấp nhận. Vấn đề là ngay tại cấp vụ, cục cũng phải quyết liệt và công khai, minh bạch thông tin. Dám nhìn nhận thực tế, cái nào chưa phù hợp trong quy định phải báo cáo lãnh đạo của bộ mình để có hướng thay đổi.

Ông từng cam kết không bưng bít thông tin, nhưng vừa qua, một số địa phương lấy mẫu măng xét nghiệm chất vàng ô, lấy mẫu bim bim xét nghiệm chất lượng, phụ gia nhưng kết quả vẫn... im lìm?

Nếu các giám sát, xét nghiệm do Bộ Y tế lấy và thực hiện, chúng tôi khẳng định công bố minh bạch, không bao che. Nhưng mỗi bộ, ngành, địa phương cũng có giám sát nên thuộc quyền công bố riêng. Tuy nhiên, theo luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nếu sản phẩm vi phạm chất lượng thì sẽ bị thu hồi, tiêu hủy hoặc tái chế; vi phạm này nếu không khắc phục trong vòng 7 ngày thì khi đó cơ quan chức năng mới công bố.

Còn trong tình huống thực phẩm ô nhiễm chất độc thì lập tức phải công bố ngay. Việc không công bố theo luật định thì người bưng bít thông tin sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về động cơ của việc mình làm. Tôi cho rằng, ngay cả trường hợp kết quả tốt cũng cần thông báo để người tiêu dùng an tâm, lựa chọn (Thanh niên trang 2).

Vào hè, cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Theo tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trong hơn 2 tuần qua, trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Tuy số ca ngộ độc không tăng đột biến nhưng cũng cao gấp 4-5 lần so với khi thời tiết lạnh. Nguyên nhân là thời tiết miền Bắc đã chuyển sang nắng nóng, thực phẩm dễ ôi thiu. Nhiều người sử dụng thức ăn để lâu, không được bảo quản tốt và đã bị ngộ độc.

Để phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chú ý bảo quản đúng cách. Khi chế biến ở nhà, cần thực hiện nguyên tắc nấu chín thực phẩm, sử dụng sớm sau khi nấu, hạn chế sử dụng thức ăn thừa. Khi bảo quản, không được để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh. Người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm đã ôi thiu, mốc, hỏng và quá hạn sử dụng; không thu hái, đánh bắt, sử dụng các động thực vật có nguy cơ gây độc như nấm độc, ốc lạ, quả lạ (Hà Nội mới trang 7).

Thế giới đẩy mạnh nghiên cứu chống vi-rút Zika

Những phát hiện mới cho thấy, vi-rút Zika, loại vi-rút lây truyền từ muỗi, nguy hiểm hơn so với những nhận định ban đầu của các nhà khoa học. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như giới chức y tế Mỹ cho rằng, cần đẩy mạnh việc tiến hành thêm các nghiên cứu về vi-rút Zika, hiện đang bùng phát ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, để hiểu rõ hơn tác động nguy hiểm của loại vi-rút này.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo mới đây ở Nhà trắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ En Su-chát kêu gọi giới chức nước này có những hỗ trợ cần thiết để đẩy mạnh việc tiến hành thêm các nghiên cứu về vi-rút Zika, bởi đây là một loại vi-rút "rất hiếm gặp". Bà Su-chát cho rằng, những kết quả nghiên cứu hiện nay của giới khoa học là "chưa xác đáng", đồng thời nêu rõ, vi-rút Zika có thể gây ra hàng loạt biến chứng trong thai kỳ như làm gia tăng nguy cơ sinh non, gây ra các vấn đề về thị lực cho thai nhi..., chứ không chỉ đơn thuần gây ra dị tật đầu nhỏ như kết luận ban đầu của giới khoa học.

Ngoài ra, vi-rút Zika cũng được cho là có thể gây ra các dị tật trong hầu hết thai kỳ, và đã xuất hiện tại khoảng 30 bang của Mỹ, trong khi trước đó giới chuyên gia khẳng định vi-rút này chỉ có thể gây biến chứng trong ba tháng đầu của thai kỳ và hiện mới chỉ bùng phát tại 12 bang.

Viện trưởng Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ A.Phao-xi cảnh báo, vi-rút Zika còn có thể gây ra chứng rối loạn tự miễn dịch (hội chứng Guillain-Barre), viêm cột sống cấp tính, viêm màng não... Ông cũng cho biết, loại vắc-xin phòng ngừa Zika, hiện đang được sản xuất tại một phòng thí nghiệm ở bang Me-ri-len, sẽ được tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người vào tháng 9 tới.

Các quan chức y tế Mỹ cũng kêu gọi Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua khoản ngân sách khẩn cấp gần 1,9 tỷ USD để hỗ trợ các hoạt động phòng chống vi-rút Zika mà Tổng thống B.Ô-ba-ma đề xuất hồi tháng 2 vừa qua. Quan chức phụ trách về ngân sách của Nhà trắng S.Đo-nơ-van cảnh báo, một số biện pháp chống Zika sẽ phải tạm hoãn hoặc ngừng lại nếu Quốc hội không phê duyệt khoản ngân sách này.

Trong khi đó, các nhà khoa học Bra-xin vừa thông báo đã phát hiện thêm một chứng rối loạn thần kinh mới ở người lớn có liên quan vi-rút Zika. Nghiên cứu này được công bố tại hội nghị chuyên đề về thần kinh ở châu Mỹ diễn ra tại Van-cu-vơ, Ca-na-đa. Theo đó, bệnh viêm não tủy rải rác (acute diseminated encephalomyelitis -ADEM) đã được phát hiện ở hai trong số sáu bệnh nhân mắc các hội chứng thần kinh sau khi bị nhiễm vi-rút Zika; bốn người còn lại mắc chứng Guillain-Barre.

Bra-xin là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt bùng phát vi-rút Zika vừa qua. Mới đây, Bộ Y tế Bra-xin xác nhận, tại nước này có 940 trường hợp trẻ bị đầu nhỏ và 4.300 ca nghi nhiễm vi-rút Zika. Trong khi đó, tại Cô-lôm-bi-a, trong tuần đầu tháng 4 vừa qua, số ca mắc Zika đã tăng 5,6%. Hiện quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận có 64.839 người mắc vi-rút Zika, trong đó có 11.776 phụ nữ mang thai. Viện Y tế quốc gia Cô-lôm-bi-a cho biết, nước này đang tiến hành nghiên cứu 30 trường hợp trẻ đầu nhỏ nghi ngờ liên quan vi-rút Zika. Viện này cũng xác nhận 416 ca mắc các hội chứng thần kinh như Guillain-Barre, đa dây thần kinh và các bệnh thần kinh tương tự, cùng với 35 ca hội chứng liệt mềm cấp (Acute Flaccid Paralysis-AFP). Các bệnh nhân này đều có tiền sử nhiễm vi-rút Zika.

Tính đến nay đã có hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ hoặc dị tật bẩm sinh do Zika được báo cáo tại sáu quốc gia. Bên cạnh đó, 400 ca Guillain-Barre được phát hiện tại 13 nước. WHO tuyên bố sẽ tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn tác động của Zika đến các rối loạn thần kinh, từ đó xác định nguy cơ cho thai nhi, trẻ sơ sinh cũng như người lớn. Vi-rút Zika hiện đã xuất hiện tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó nơi bùng phát nghiêm trọng nhất là Nam Mỹ (Nhân dân trang 4).

Kiểm tra an toàn thực phẩm: Có hời hợt, nể nang

Nhằm siết chặt hơn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Chính phủ đã có Quyết định số 38 cho phép triển khai thí điểm lực lượng thanh tra ATVSTP đến tận phường, xã tại Hà Nội và TPHCM từ tháng 11-2015. Sau 5 tháng thực hiện, đến nay TPHCM được xem là địa phương “khởi động” đáng kể tại các quận 1, 3, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập.

Thanh, kiểm tra… khiêm tốn

Ghi nhận từ Chi cục ATVSTP TPHCM, từ đầu năm 2016 đến nay đã tăng cường xử lý vi phạm ATVSTP trên các địa bàn. Trong đó, với Quyết định 38 của Chính phủ về thí điểm thanh tra ATVSTP cấp phường, xã cho thấy cấp chính quyền cơ sở có quan tâm đến vấn nạn thực phẩm “bẩn”. Tại quận Bình Thạnh (một trong 5 quận, huyện được chọn thí điểm) là địa bàn có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn của thành phố. Mới đây, một loạt cơ sở trên địa bàn này đã bị xử lý do vi phạm ATVSTP như Công ty TNHH Mỹ Hương (phường 12, quận Bình Thạnh) kinh doanh dịch vụ ăn uống, bị phạt vì cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp không thông thoát, gây ứ đọng; Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Lễ bị xử lý về hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn; nhà hàng Saphir bị xử lý về hành vi sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe quá thời hạn, không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định…

Trong khi đó, quận 5 mới chỉ thí điểm ở hai phường là phường 7 và 13, mặc dù được đánh giá là địa bàn quận phức tạp về ATVSTP do số lượng cơ sở nhiều, có cả chợ hóa chất Kim Biên. Theo UBND quận 5, hiện toàn quận có tới 2.344 hộ kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, 4 tháng qua chỉ thanh tra được 12 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm và xử phạt 37,5 triệu đồng. Theo lãnh đạo UBND quận 5, khó khăn khi triển khai Quyết định 38 là quy trình thủ tục thanh tra phức tạp, không phản ánh đúng thực trạng ATVSTP, do muốn thanh tra phải báo trước cho cơ sở 5 ngày (!?). Ngoài ra do nhân sự còn hạn chế về số lượng, trình độ, kỹ năng test nhanh chưa thuần thục nên chưa tự tin khi thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định 38 đã tiến hành thanh tra 251 đợt, phát hiện 47 cơ sở vi phạm, xử phạt tiền 36 cơ sở với tổng số tiền trên 153 triệu đồng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), kết quả triển khai như vậy là còn quá khiêm tốn, trong khi TPHCM được thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP tại 10 phường thuộc 5 quận, huyện! “So với thực tế của TPHCM thì số cơ sở được thanh tra, kiểm tra như… muối bỏ biển”, TS Nguyễn Thanh Phong nhìn nhận. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, mặc dù công tác tập huấn đã triển khai nhưng một số cán bộ có thể vận dụng máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu những kiến thức quy định pháp luật về ATVSTP nên chưa tự tin thanh tra, kiểm tra!

Trách nhiệm: người đứng đầu địa phương

Trước vấn nạn mất ATVSTP, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp kiểm tra việc mua bán hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) và làm việc với các cơ quan liên quan của TPHCM xung quanh việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP cấp xã, phường. Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP tại xã, phường là cần thiết nhưng đang có bất cập, chính quyền cơ sở vẫn chưa quyết liệt, còn hời hợt và thậm chí nể nang! Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, các địa phương còn hạn chế, vướng mắc như nhân sự yếu và thiếu, chưa chủ động… “Các địa phương cần lựa chọn cán bộ có trình độ, tâm huyết và chuyên trách để đảm nhiệm công tác thanh tra,  kiểm tra an toàn thực phẩm. Cái quan trọng là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền quận, huyện, phường, xã trong thanh tra ATVSTP. Tuy nhiên, mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại sức khỏe cho người dân từ thực phẩm chứ không phải nhân danh cơ quan thanh tra để bắt bẻ, gây khó cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo. Ông cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc lồng ghép tuyên truyền, giải thích, vận động, nhắc nhở không chỉ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà ngay cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP. “Ngoài thanh tra theo kế hoạch, còn cho phép cá nhân có trách nhiệm thanh tra độc lập, thanh tra đột xuất những nơi kinh doanh có dấu hiệu nghi ngờ. Đó là sự trao quyền tối đa cho phép trong kiểm soát ATVSTP”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Tại lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 (từ ngày 15-4 đến 15-5) mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP phải thường xuyên, quyết liệt hơn nữa. “Xử lý công bằng, nghiêm minh và công khai các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về ATVSTP, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để mất ATVSTP”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu chỉ đạo (Sài gòn giải phóng trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang