Hà Nội: 2 bệnh nhân tử vong do chó dại cắn tại Quốc Oai và Ba Vì
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội ghi nhận 2 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Quốc Oai và Ba Vì.
Ngày 3-10, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai tổ chức lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28-9). Theo Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2014 đến nay, tại Hà Nội đã có 10 người bị tử vong do bệnh dại. Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hằng năm, tại một số huyện ngoại thành vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong do bệnh này.
Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn mà không được tiêm vaccine phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nêu rõ, bệnh nhân bị động vật (chủ yếu là chó) dại cắn, nếu được điều trị muộn, khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong hầu như là 100%. Do đó, khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn, tuyệt đối không chữa bệnh bằng thuốc nam.
Cũng theo ông Hạnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh dại có nguy cơ gia tăng là do tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó tại một số địa phương còn thấp nên không khống chế được bệnh dại. Vì vậy, để ngăn ngừa và khống chế được bệnh dại, cần phải duy trì tỷ lệ tiêm phòng vaccine cho chó, mèo đạt hơn 85% tổng đàn.
Hiện tại, Hà Nội đang xem xét phê duyệt đề án quản lý đàn chó nuôi để phòng chống bệnh dại, trong đó có đề xuất các biện pháp xử lý với các trường hợp chó thả rông bị bắt mà sau 48 giờ không có chủ đến nhận (An ninh thủ đô, trang 2).
Cảnh báo nhiều trẻ mắc hội chứng Tic
Thời gian qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư phát hiện nhiều bệnh nhân nghi có hội chứng Tic. Đây là hội chứng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy, gia đình trẻ cần có kiến thức để chủ động phòng tránh.
K.N (12 tuổi, ở Thanh Hoá) nhập viện với các triệu chứng tay chân bồn chồn, co giật vai, bụng. Các chẩn đoán cho thấy bệnh nhi bị rối loạn Tic vận động nhất thời. N. cho biết, bị giật tay chân liên tục, cơ thể rất mỏi mệt, nếu cố để không co giật thì toàn thân lại nổi da gà.
Hội chứng Tic được phân biệt bởi một loạt triệu chứng đặc trưng của Tic, tần số và kiểu cách trong mỗi lần chúng xuất hiện tăng dần. Tic là các cử động hoặc âm điệu không bình thường, phổ biến nhất là máy giật cơ trên khuôn mặt và cổ như nháy mắt, gật lắc đầu, nhếch mép… Đặc trưng của Tic âm thanh bao gồm các âm hèm trong họng, lẩm nhẩm, phát ra các âm thanh như tiếng gáy hoặc tiếng ho…
Tic được định nghĩa như những thói quen nhanh chóng và lặp lại của khối cơ, nó là kết quả của sự chuyển động hoặc âm điệu được diễn ra ngoài tầm kiểm soát của người bệnh (người bệnh không chủ ý). Trẻ em và vị thành niên là các đối tượng thường bộc lộ các hành vi Tic, chúng thường xảy ra sau một nhân tố kích thích, hoặc do phản ứng lại với các tình huống từ bên trong. Các vận động hay phát âm không chủ ý, xảy ra nhanh, tái diễn, không có nhịp, không thể kìm nén được nhưng cũng có thể làm mất đi tạm thời trong thời gian vài phút đến vài giờ (do chủ ý hay do đãng trí).
Tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau mà biểu hiện ở từng trẻ cũng có thể khác nhau. Tật máy giật các cơ (rối loạn Tic vận động) là triệu chứng đầu tiên gặp trong 80% các trường hợp và đa số là ở mặt, 20% còn lại rối loạn trong lời nói (rối loạn Tic âm thanh). Tất cả các bệnh nhân này cuối cùng đều có rối loạn Tic phối hợp giữa vận động và âm thanh. Tật máy giật là điều mà bệnh nhi cảm thấy không thể cưỡng lại được và cuối cùng phải biểu hiện ra. Điển hình, tật máy giật cơ gia tăng khi bị căng thẳng hoặc áp lực tâm lý và giảm bớt khi thư giãn hoặc chú tâm làm một việc gì đó say mê. Đã từ lâu, những triệu chứng của rối loạn Tic vẫn bị hiểu lầm là dấu hiệu của “tật hồi hộp”, thật ra thì không phải vậy.
Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, hiện khoa học chưa phát hiện được nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng này. Tuy nhiên một số yếu tố có thể tác động khởi phát rối loạn Tic hoặc làm nó nặng hơn như môi trường, áp lực cuộc sống, học tập hoặc áp lực tâm lý từ cha mẹ ảnh hưởng đến trẻ. Rối loạn Tic tuy không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng khiến trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt, quan hệ với bạn bè và gia đình.
Khi trẻ chơi game, sử dụng điện thoại hay xem tivi quá nhiều, mắt và thần kinh luôn trong trạng thái tập trung cao độ dẫn đến căng thẳng, không chỉ làm tăng các tật khúc xạ mà còn là nguyên nhân khởi phát rối loạn Tic. Bác sĩ Minh khuyến cáo, nếu thấy trẻ có vận động bất thường thì nên đưa đi khám sớm đồng thời giảm áp lực tâm lý cho bệnh nhi. Tic là hội chứng không thể điều trị triệt để, khả năng tái phát rất cao nên cha mẹ cần hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, xem ti vi và cần tạo môi trường lành mạnh về tinh thần và thể chất cho trẻ.
Với những trẻ mắc hội chứng Tic, thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để làm dịu thần kinh của trẻ, một số trường hợp nặng phải điều trị tâm lý kèm theo (Tiền phong trang 6).
Tăng viện phí với người không có thẻ BHYT: Lo!
Ngày đầu áp dụng viện phí mới đối với người không có thẻ BHYT: Nhiều người chưa biết thông tin, biết rồi thì lo lắng...
Sáng 2-10, người dân tại TP.HCM đi khám chữa bệnh ở tất cả cơ sở công lập trên địa bàn không có BHYT đã phải trả một mức viện phí mới tăng hơn so với trước đây. Bởi theo quy định, từ ngày 1-10, tất cả bệnh viện (BV), cơ sở y tế công trên địa bàn TP đồng loạt áp dụng giá viện phí mới dành cho người không có thẻ BHYT theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế.
Ngơ ngác trước thông tin tăng viện phí
Ghi nhận tại một số BV trên địa bàn TP.HCM, việc khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Theo khảo sát của PV, các BV đã có sự chuẩn bị về việc áp dụng viện phí mới cho người không có thẻ BHYT bằng cách điều chỉnh giá dịch vụ thanh toán viện phí như BV quận 9, BV quận Tân Bình. Riêng BV Ung bướu chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bằng cách treo băng rôn, khẩu hiệu để người dân nắm thông tin. Tuy nhiên, ghi nhận tại các BV, nhiều người dân vẫn chưa nắm được thông tin này.
So với các BV chuyên khoa, số người không có BHYT khám chữa bệnh ở các BV quận ít hơn, chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên, ngay tại các BV tuyến quận, nhiều người vẫn chưa biết thông tin viện phí tăng đối với người không có BHYT.
Anh Nguyễn Văn Liêm, ngụ quận 9, cho biết BHYT của công ty hết hạn, hôm nay anh đi khám để xin giấy chuyển viện lên tuyến trên mổ khối u. Nếu biết thông tin hôm nay giá viện phí tăng đối với người không có thẻ BHYT, anh sẽ chờ mấy hôm nữa có thẻ rồi đi khám. Anh góp ý: “BV nên dán băng rôn hoặc đăng thông tin trên website để người dân biết mà tính toán”.
Giá tăng: Bệnh nhân lo lắng
Chị Nguyễn Thị Lan, bệnh nhân đi khám ở BV Ung bướu, lo lắng: “Siêu âm lúc trước có 200.000 mà giờ đã lên 260.000 đồng. Bệnh nào không biết chứ bệnh ung thư thì điều trị lâu dài lắm”. Theo chị Lan, một số phương pháp điều trị đặc biệt bệnh ung thư có chi phí rất cao như xạ phẫu bằng Cyber Knife là hơn 20 triệu đồng; xạ phẫu bằng Gamma Knife: hơn 28 triệu đồng; xạ trị bằng X Knife: hơn 28 triệu đồng… Nếu người dân không được BHYT thanh toán sẽ không kéo dài được quá trình điều trị.
Tại BV quận Tân Bình, chị Bùi Thị Dâng thẫn thờ vì liên tục đóng tiền viện phí quá cao khi chưa làm được thẻ BHYT. Chị Dâng cho biết hai vợ chồng bị sốt xuất huyết cả tuần nay, chồng chị còn đang nằm điều trị ở BV. Chi phí chữa bệnh cho hai vợ chồng ngốn hết gần chục triệu đồng. Chưa kể, hai tháng trước, chị vừa sinh con, tiền nằm bệnh viện cũng tốn hơn 6 triệu đồng. Chị Dâng cho hay rất muốn làm thẻ BHYT để được miễn, giảm tiền viện phí nhưng chưa được chủ nhà trọ cho làm giấy đăng ký tạm trú, tạm vắng nên không mua được.
BV công tự chủ tài chính
Theo Thông tư 02/2017 của Bộ Y tế, mức phí khám bệnh cho người không có BHYT ước tính tăng 30%-35%.
Nguyên do, giá khám chữa bệnh BHYT và không BHYT tại các cơ sở y tế công lập của TP.HCM đều đã cộng tiền lương, đồng nghĩa là tiền lương của bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyển từ ngân sách chi trả qua người bệnh chi trả. Các BV công lập sẽ không còn nhận ngân sách cấp cho chi thường xuyên, thay vào đó là từ nguồn thu viện phí (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 3/10, trang 13).
6 giờ căng thẳng bóc khối u “khủng” trong bụng bệnh nhi 4 tuổi
Ngày 2/10, thông tin từ Bệnh viện K cho biết, các bác sĩ của đã phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhi 4 tuổi mang trong mình một khối u bất thường nặng tới 3 kg.
Bệnh nhân là cháu Bá Minh Đức sinh năm 2014 (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) - đây là một trong những ca phẫu thuật thành công nhất của Bệnh viện K từ trước tới nay.
Khối u chiếm hết ổ bụng cậu bé 3 tuổi
Khai thác bệnh sử, các bác sĩ cho biết, cháu Ba Minh Đức được sinh ra như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên, năm Đức lên 2 tuổi bố mẹ đã phát hiện cháu chậm biết đi và đưa đi khám ở viện Nhi trung ương, kết quả ban đầu cho thấy Đức có khối u dây sống và được chỉ định phẫu thuật ngay để cắt bỏ khối u. Những tưởng Đức đã hoàn toàn khỏi bệnh, nhưng gần đây, bố mẹ phát hiện bụng bé to dần, bé thường có biểu hiện lạ như mệt mỏi, 2 chân chỉ có thể hoạt động nhẹ nhưng mất cảm giác.
Bố mẹ bé đã đưa bé đến thăm khám tại nhiều bệnh viện, qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã xác định, mặc dù Đức mới 3 tuổi nhưng đã có 1 khối u lớn chiếm gần hết ổ bụng. Do khối u quá to, xâm lấn rộng và cháu còn quá nhỏ để thực hiện cuộc gây mê kéo dài nên Đức đã chưa được phẫu thuật lấy khối u.
Ngày 30/8/2017, gia đình đã đưa bé Bá Minh Đức đến khám tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Qua thăm khám , các bác sĩ chẩn đoán cháu đang “mang” tiểu khung lớn chiếm toàn bộ ổ bụng. Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, PGS.TS Nguyễn Đại Bình - Phó giám đốc Bệnh viện K, Trưởng khoa Ngoại bụng II, TS Trần Văn Công - Trưởng khoa Nội Nhi và cùng nhiều bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên khoa Nội Nhi và Ngoại tổng hợp 2.
Ban đầu, các bác sĩ đưa ra phương án cố gắng sinh thiết khối u để biết bản chất khối u với hy vọng có cơ may điều trị hoá chất cho bé. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của trực tiếp của Giám đốc Bệnh viện K và sự phối hợp giữa khoa Ngoại bụng 2, khoa Gây mê hồi sức, các bác sĩ quyết định phẫu thuật và lấy tối đa khối u để xác định bản chất khối u cùng với việc giảm tối đa liều hoá chất phải điều trị cho bệnh nhi.
Ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ loại bỏ khối u nặng 3kg
Kíp phẫu thuật cho bé Minh Đức gồm có PGS.TS Nguyễn Đại Bình, TS Trần Đức Thọ - Ths Nguyễn Ngọc Quỳnh phụ trách gây mê và BS Nguyễn Văn Quỳ - BS Vũ Văn Cường phụ trách hồi sức sau mổ cho bé Minh Đức.
“Đúng như chẩn đoán, toàn bộ khối u xuất phát từ tiểu khung lan ra khoảng sau phúc mạc với kích thước lớn 12x13cm, gắn kết động mạch chủ bụng, tĩnh mạch chủ bụng, bó mạch chậu 2 bên, kèm 2 niệu quản thành một khối rất khó có thể tách riêng từng thành phần và nguy cơ có thể tử vong ngay trên bàn mổ bất cứ lúc nào nếu làm tổn thương các mạch máu lớn”- PGS.TS Nguyễn Đại Bình nói.
Với kinh nghiệm lâu năm trong việc mổ điều trị cho bệnh nhân ung thư, PGS. TS Nguyễn Đại Bình đã bóc tách toàn bộ đại tràng trái, xích ma và trực tràng cao ra khỏi khối u mà không làm tổn thương cung mạch. Tiếp đó, bác sỹ phẫu tích các thành phần khác như niệu quản, động mạch chủ, tĩnh mạch chủ bụng, bó mạch chậu ra khỏi khối u. Bóc được gần toàn bộ khối u khoảng gần 3kg trong bụng Minh Đức ra ngoài, nhưng vẫn bảo vệ được toàn bộ các tạng trong ổ bụng. Bệnh nhi được bác sỹ dẫn lưu bàng quang ra ngoài và đưa đại tràng xích ra làm hậu môn nhân tạo, sau này sẽ đóng lại sớm.
Trải qua 6 giờ phẫu thuật giành giật sự sống cho bệnh nhân còn quá nhỏ tuổi, các bác sĩ trong ekip mổ đã xử lý hết sức cẩn trọng, ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Không có chảy máu sớm sau mổ, vết mổ khô, hậu môn nhân tạo ra hơi và phân như các bệnh nhân mổ tiêu hoá bình thường.
Tuy nhiên, sau mổ bệnh nhi diễn biến phức tạp vì khối u quá to và cuộc mổ kéo dài. Chức năng gan của cháu luôn bị biến động và tăng đột biến. Cháu đã được các bác sĩ theo dõi sát sao sau mổ, hồi sức tích cực và các chỉ số xét nghiệm dần trở lại như bình thường (Sức khỏe & đời sống trang 1).