Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Vấn đề chất lượng nhân lực y tế được quan tâm
Trong hai ngày 2-3/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020...
Trong hai ngày 2-3/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016, Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017. Trong phiên thảo luận, vấn đề chất lượng nhân lực y tế đã được các đại biểu (ĐB) quan tâm đề cập.
Chế độ chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý
Phát biểu tại hội trường, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP. Hà Nội) cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức và đã thu được nhiều kết quả tích cực mọi mặt của đời sống KT-XH, trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể như 2 chỉ tiêu về y tế và dân số được Quốc hội giao đều đạt kế hoạch. Số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 25, chỉ tiêu là 24,5. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 79,5%, vượt 3,5% so với chỉ tiêu Quốc hội. Cùng đó, đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm tải bệnh viện tuyến trên, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh tới 63 tỉnh, thành với 2 bệnh viện hạt nhân, 98 bệnh viện vệ tinh. Thực hiện hiệu quả chuyển giao kỹ thuật đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế làm hài lòng người bệnh. Ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế thống nhất trên toàn quốc. Góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: sự chênh lệch về chất lượng dịch vụ y tế và các chỉ số về sức khỏe của người dân giữa các vùng miền; đào tạo nhân lực y tế còn nặng về lý thuyết. Khả năng thực hành hạn chế, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng các vùng các tuyến; chế độ chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý. Mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo;... Trước những tồn tại trên, ĐB Nguyễn Quang Tuấn đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu đề xuất quy định điều chỉnh mức lương khởi điểm, phụ cấp thâm niên đối với người lao động thuộc ngành y tế. Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách dành cho công tác y tế dự phòng đúng theo Nghị quyết 18/2008/QH12 của Quốc hội...
Cần tiêu chuẩn hóa việc đào tạo các bác sĩ, dược sĩ
Đề cập đến vấn đề chất lượng nhân lực y tế, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) cho biết, có thể thấy chúng ta đang có sự chênh lệch lớn về số lượng, chất lượng cán bộ y tế giữa các vùng, miền. Cán bộ y tế ở tuyến xã vừa ít về số lượng, vừa hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chúng ta cần bác sĩ giỏi nhiều hơn là bác sĩ trình độ kém ra trường cố gắng chạy chọt, xin xỏ ở lại bệnh viện thành phố lớn. Để khắc phục tình trạng này, ĐB Hiếu cho rằng cần tiêu chuẩn hóa việc đào tạo các bác sĩ, dược sĩ, các đơn vị đào tạo phải có trình độ gần tương đương nhau, đầu vào ngành y, dược không được quá chênh lệch, không thể có trường đại học nhận 18 điểm, trường đại học nhận 28 điểm, sau này cùng tốt nghiệp bác sĩ. Cần hạn chế các cơ sở đào tạo không đủ năng lực vì chúng ta biết một cơ sở chỉ vài chục giảng viên cơ hữu, không có bệnh viện thực hành không thể đào tạo một bác sĩ có trình độ tương đương với một trường đại học có hàng trăm năm, giảng viên kinh nghiệm và nhiều bệnh viện thực hành uy tín lâu năm.
Ngoài ra, trong điều kiện có quá nhiều trường đào tạo, cần tổ chức kỳ thi sát hạch quốc gia với đề thi ngang bằng nhau đối với tất cả các trường đại học trước khi cấp bằng bác sĩ, dược sĩ cho mọi sinh viên ra trường. Các hội chuyên ngành trong Tổng hội Y học phải được giao quyền hạn kiểm soát năng lực hành nghề y tế cho từng chuyên môn trước khi Bộ Y tế cấp giấy phép hành nghề. Chỉ có như vậy mới tránh được tình trạng bác sĩ thiếu năng lực chuyên môn dẫn đến các sai sót đáng tiếc trước tính mạng bệnh nhân. Thực sự ràng buộc về mặt pháp lý này khiến bác sĩ phải tự giác nâng cao trình độ chuyên môn theo từng chuyên ngành và tuân thủ theo các hướng dẫn của hội chuyên ngành. Như vậy, khi gặp các sự cố y khoa mà khó có thể tránh khỏi thì hội chuyên ngành mới là người quyết định xem đây là đúng hay sai, giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan quản lý nhà nước. (Sức khỏe đời sống, trang 3)
TP.HCM: 21 người nhiễm virut Zika
Chiều 3-11, UBND TP.HCM họp khẩn nhằm lên phương án kiểm soát việc lây lan bệnh do virút Zika gây ra. Đến thời điểm này, TP phát hiện 21 trường hợp dương tính với virút Zika.
Hiện có thêm 9 ca bệnh đang nghi ngờ và chờ kết quả xét nghiệm trong vài ngày tới với bệnh Zika.
Tại cuộc họp, PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết bệnh nhân được phát hiện nhiễm virút Zika tại TP tăng trong 5 tuần gần đây. Trung bình mỗi tuần TP ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới, rải rác khắp các quận huyện.
Trong đó đáng lo ngại có 4 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Zika và một phụ nữ bị nhiễm bệnh khi đang mang thai dưới 3 tháng.
Y học thế giới đang nghi ngờ phụ nữ mang thai dưới 3 tháng bị nhiễm virút Zika có nhiều nguy cơ sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ.
Sở Y tế TP.HCM tiếp tục chương trình giám sát phòng dịch bệnh Zika tại 45 điểm.
Trước việc phát hiện 4 phụ nữ đang mang thai nhiễm Zika, Sở Y tế sẽ sớm ban hành quy trình chung về chăm sóc thai phụ nhiễm Zika tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM.
Để ứng phó với dịch bệnh do virút Zika gây ra, bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBND TP.HCM - chỉ đạo hằng ngày Sở Y tế TP.HCM phải có báo cáo về tình hình Zika trên địa bàn về UBND TP để kịp thời nắm bắt. UBND TP sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch sốt xuất huyết và Zika.
Bà Nguyễn Thị Thu cũng nhận định tại một số quận huyện, công tác tập trung phòng chống dịch bệnh Zika và sốt xuất huyết chưa được thực hiện nghiêm túc. Do đó, UBND TP yêu cầu Sở Y tế TP kiểm tra công tác phòng dịch tại đây.
Nếu địa phương nào lơ là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống sốt xuất huyết và Zika thì UBND TP sẽ có những chế tài để xử lý. (Tuổi trẻ, trang 2; Lao động, trang 1; Sức khỏe đời sống, trang 2; Thanh niên, trang 5; Gia đình & xã hội, trang 7)
Bệnh nhân bảo tồn được quả thận nhờ kỹ thuật nút mạch
Bị sốc mất máu do vỡ một nhánh động mạch thận nên bệnh nhân đứng trước nguy cơ phải cắt một quả thận để bảo toàn tính mạng.
Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật nút mạch và sự hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Bạch Mai, qua hội chẩn từ xa (Telemedicine) bệnh nhân đã bảo tồn thành công 1 quả thận và sức khỏe đang tiến triển tốt, có thể được xuất viện trong vài ngày tới.
Hội chẩn từ xa cho bệnh nhân sỏi thận nguy kịch
Bệnh nhân nam, 56 tuổi, tiền sử có sỏi thận, nhập viện vào BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh sáng ngày 25/10/2016 với triệu chứng sốc mất máu và đau vùng thắt lưng phải. Qua kết quả chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, các bác sĩ phát hiện có tụ máu quanh thận phải do vỡ một nhánh động mạch. Sau khi điều trị nội khoa, đến 16h chiều cùng ngày tình trạng bệnh nhân tiến triển theo chiều hướng xấu, đứng trước nguy cơ phải cắt thận phải để bảo toàn tính mạng. Trước tình trạng đó, BV Đa khoa Bắc Ninh đã hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ của Khoa Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) - BV Bạch Mai để tìm ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân.
Phân tích bệnh cảnh lâm sàng, phương án “nút mạch để cầm máu nhằm bảo tồn, giữ lại thận cho bệnh nhân” được các bác sĩ của Phòng Điện quang can thiệp, Khoa CĐHA - BV Bạch Mai nhanh chóng đưa ra. Trước tình trạng bệnh nhân đang bị sốc và rối loạn huyết động nên không thể chuyển viện về BV Bạch Mai, ban Lãnh đạo Khoa đã quyết định cử một kíp bác sĩ mang theo dụng cụ để hỗ trợ BV đa khoa Bắc Ninh thực hiện kỹ thuật nút mạch cho bệnh nhân.
Nút mạch bảo tồn thận cho bệnh nhân
Với tinh thần “cứu người như cứu hỏa”, sau khi quyết định của Ban lãnh đạo khoa được đưa ra lúc 16h30’ cùng ngày, kíp kỹ thuật do bác sĩ Đào Danh Vĩnh làm trưởng kíp lập tức lên đường và đến 18h đã về đến BV Bắc Ninh. 18h30 phút, bệnh nhân được đưa lên bàn can thiệp. BS. Vĩnh cho biết: “Bệnh nhân trước khi lên bàn vẫn đang chảy máu và phải truyền máu. Trong lúc thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân vẫn đang trong giai đoạn sốc, mạch luôn tăng cao 150- 190 chu kỳ/phút, huyết áp tăng có lúc lên tới 150/100, bệnh nhân trong tình trạng kích thích nên không có khả năng hợp tác với bác sĩ. Tuy nhiên, kíp can thiệp đã tiếp cận chọn lọc và nút được 2 nhánh đang chảy máu”.
BS Vĩnh cũng cho biết thêm, ca bệnh phức tạp vì có hai biến thể mạch: Động mạch chậu xoắn vặn ngoằn nghèo, cộng với việc có 2 động mạch thận phải cùng xuất phát từ động mạch chủ bụng nằm sát nhau (trong đó chỉ có 1 nhánh động mạch chảy máu) nên gây thách thức không nhỏ cho kíp thực hiện. Tuy nhiên, điều đáng mừng là sau 1,5 giờ can thiệp, bệnh nhân đã cầm được máu, ổn định ngay sau đó và có dấu hiệu thoát sốc.
Theo BS. Phạm Đăng Hòa, Phó trưởng khoa CĐHA - BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh: Trong khi thực hiện kỹ thuật này, BV đã phải chuẩn bị sẵn phương án 2 là mổ cấp cứu, cắt thận để bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân trong trường hợp phương án nút mạch không thành công. Tuy nhiên, kết quả thật mĩ mãn. Bệnh nhân không chỉ bảo tồn được quả thận mà còn nhanh chóng ổn định. Sau 48h thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân không phải truyền máu, huyết áp, mạch ổn định. Kết quả chụp cắt lớp vi tính thấy không còn chảy máu. Bệnh nhân đã có thể tự ngồi dậy, ăn uống và không có dấu hiệu chảy máu tái phát.
Về ca bệnh này, GS.TS Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Trưởng khoa CĐHA cho biết thêm: Có được kêt quả tốt đẹp này là nhờ việc hội chẩn từ xa và hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ hai bệnh viện. Đó cũng là thành quả của việc BV đa khoa tỉnh Bắc Ninh trở thành bệnh viện vệ tinh của BV Bạch Mai. Năm 2011, BV Bạch Mai đã đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống kết nối trực tuyến giữa Bệnh viện với 8 bệnh viện vệ tinh và 3 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trong đó có BV Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.
Hệ thống kết nối trực tuyến là tiền đề để BV Bạch Mai áp dụng phương pháp đào tạo từ xa nhưng vẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc. Thông qua hệ thống kết nối trực tuyến, hàng nghìn cán bộ y tế tuyến cơ sở, học viên đã có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các chuyên gia đầu ngành của BV Bạch Mai ngay tại nơi mình làm việc, công tác. Và điều đặc biệt là nhiều bệnh nhân đã được thụ hưởng các kỹ thuật y học chuyên sâu và được cấp cứu thành công ngay tại tuyến cơ sở. (Sức khỏe đời sống, trang 2)
250 người nhập viện trong tháng 10 vì ngộ độc thực phẩm
Báo cáo về công tác y tế tháng 10/2016 của Bộ Y tế cho biết, trong tháng 10/2016, cả nước đã xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 267 người mắc, 250 người nhập viện. Về căn nguyên của 11 vụ ngộ độc xảy ra trong tháng 10, Bộ Y tế cho biết có 5/11 vụ xảy ra do nguyên nhân vi sinh vật/ do độc tố vi sinh vật, 4/11 vụ ngộ độc do yếu tố tự nhiên, 2 vụ ngộ độc còn lại hiện chưa xác định được nguyên nhân ngộ độc… (Sức khỏe đời sống, trang 2)
TPHCM: Họp khẩn đối phó với Zika
Hôm qua 3/11, TPHCM ghi nhận ca thứ 21 nhiễm dịch Zika, trong đó có 4 thai phụ mắc và còn 9 trường hợp khác nghi ngờ mắc Zika.
Chiều 3/11, UBND TPHCM có buổi họp khẩn với ngành Y tế thành phố về dịch bệnh Zika, trước tình hình số ca mắc mới xuất hiện mỗi ngày.
Giám sát thai phụ cho đến khi sinh
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, ngay trong ngày 3/11 đã phát hiện thêm 1 ca mắc Zika và 9 trường hợp khác trong diện nghi ngờ. Trước đó, hôm 2/11, thành phố cũng ghi nhận thêm 3 ca mắc mới. Như vậy, hiện TPHCM đã có 21 trường hợp mắc bệnh, với 11/24 quận huyện có ca bệnh. Cả nước đã có 7 tỉnh thành phát hiện virus Zika với 28 trường hợp mắc bệnh.
Đáng lo ngại, theo nhận định của Viện Pasteur TPHCM, số ca nhiễm Zika tại thành phố đã tăng mạnh trong 5 tuần gần đây. Dự báo bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Trung bình mỗi tuần thành phố có 5 ca nhiễm mới ở rải rác khắp các quận huyện. Hết sức lo ngại là trong 21 ca tại TPHCM, có 4 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Zika. Một trong 4 thai phụ này bị nhiễm trong lúc đang mang bầu dưới 3 tháng. “Y học thế giới đang nghi ngờ phụ nữ bị nhiễm virus Zika khi mang bầu dưới 3 tháng, có thể sinh ra con bị dị tật đầu nhỏ. Đứa bé sẽ bị ảnh hưởng hệ thần kinh, chậm phát triển”, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM Phan Trọng Lân nói.
Vào tháng 4 vừa qua, tại TPHCM từng phát hiện 1 thai phụ mang bầu dưới 3 tháng nhiễm Zika ngụ quận 2. Sau đó thai phụ này đã sảy thai sau 1 tháng có kết quả dương tính với virus Zika.
Sở Y tế TPHCM cho biết, là một trong những tỉnh thành đầu tiên tổ chức tầm soát virus Zika, thành phố đã xét nghiệm 912 trường hợp, phát hiện 21 trường hợp và còn gần 56 trường hợp chờ kết quả xét nghiệm. Thành phố sẽ tiếp tục chương trình giám sát phòng dịch bệnh Zika tại 30 bệnh viện trên địa bàn.
Trước tình hình phát hiện 4 phụ nữ đang mang bầu nhiễm Zika, Sở chỉ đạo giám sát chặt chẽ những ca này cho đến khi sinh. Đồng thời, sẽ sớm ban hành quy trình chung về chăm sóc thai phụ nhiễm virus này tại các bệnh viện phụ sản gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố.
Lập ban chỉ đạo phòng chống dịch
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thu - Phó chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu các đơn vị quận huyện tập trung phát động người dân tổng vệ sinh hàng tuần, làm sạch nhà cửa, khu phố. Tăng cường phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng. Bà cũng đề nghị các quận huyện lập danh sách thai phụ trên địa bàn để thực hiện tuyên truyền tập trung, trọng điểm. Lưu ý theo dõi triệu chứng, phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh mới.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu, với 21 ca nhiễm trên tổng dân số 13 triệu dân, hiện TPHCM chưa được xem là “có dịch” mà mới chỉ “lưu hành” virus Zika. UBND thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch để đồng thời triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết và Zika. Sở Y tế theo dõi, báo cáo hằng ngày, thông tin kịp thời cho UBND thành phố.
Bà Thu cũng thừa nhận, chính quyền cấp phường xã vẫn chưa quan tâm, chưa thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết. Do đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế thành phố kiểm tra công tác phòng dịch tại các địa phương này. UBND thành phố sẽ có chế tài xử lý những nơi lơ là trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống sốt xuất huyết và Zika, dọn dẹp môi trường, diệt muỗi, loăng quăng. Theo bà, có 3 địa phương chưa bảo đảm về môi trường gồm quận 12, Bình Thạnh và huyện Hóc Môn vì còn nhiều muỗi, rác… dẫn đến tỷ lệ người dân nhiễm bệnh tăng cao thời gian gần đây. (Tiền phong, trang 6)
Ca mổ tim đầu tiên của BV Đa khoa Thống Nhất
Từ tháng 11-2016, bệnh nhân nghèo trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh lân cận có cơ hội được mổ tim trong khả năng tài chính cho phép.
“Người bị bệnh tim đa số là nghèo. Vì không tiền mổ tim nên họ ráng chịu đựng khiến bệnh tình thêm nặng. Để rồi nguy cơ ảnh hưởng tính mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào” - bác sĩ (BS) Hoàng Văn Minh, Phó Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai), trải lòng.
Thiếu tiền, bệnh viện sẽ kêu gọi hỗ trợ
“Tôi khỏe nhiều rồi, các BS ơi! Giờ đây tôi có thể làm những việc nặng nhọc để có tiền lo con cái” - chị NTPBL (26 tuổi, huyện Tân Phú, Đồng Nai) không giấu giếm nỗi mừng trong ngày tái khám sau khi đã được BV Đa khoa Thống Nhất mổ tim hơn 10 ngày.
Chị L. kể: “Tôi phát hiện bệnh tim từ năm 20 tuổi. BS của một bệnh viện ở TP.HCM khuyên tôi nên mổ để tránh biến chứng do căn bệnh gây ra. Tuy nhiên, khi biết chi phí cho một ca mổ tim quá lớn nên tôi đành mặc cho số phận”.
Sau khi lập gia đình và sinh con, bệnh tình chị L. có chiều hướng trở nặng. Mỗi lần cố gắng làm việc nặng là chị thở hổn hển, mệt mỏi, ngực đau nhói. Việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến gia đình chị luôn rơi vào tình trạng túng thiếu. “Cách đây bốn năm, khi biết BV Đa khoa Thống Nhất sẽ thành lập khoa Hồi sức-Phẫu thuật tim, tôi đăng ký từ đầu và hy vọng sẽ được mổ tim với chi phí trong khả năng cho phép. Mong ước của tôi thành sự thật khi tôi được các BS khoa Hồi sức-Phẫu thuật tim chọn là người mổ tim đầu tiên. Ngày 19-10 vừa qua, tôi đã lên bàn mổ” - chị L. chia sẻ.
Chồng chị L. tiếp lời: “Hai vợ chồng dành dụm suốt mấy năm trời được 16 triệu đồng. Số tiền này chắc chắn không đủ để lên bệnh viện TP.HCM mổ tim, lại còn chi phí đi lại, ăn uống. BS của BV Đa khoa Thống Nhất nói chi phí toàn bộ ca mổ tim cho vợ tôi khoảng 60 triệu đến 70 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm y tế thì vợ tôi chỉ phải đóng khoảng 30 triệu đồng. Nghe tôi nói hiện chỉ có 16 triệu đồng, BS bảo còn thiếu bao nhiêu thì bệnh viện sẽ kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Thiệt lòng vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt”.
Đặt tính nhân văn lên hàng đầu
BS Hoàng Văn Minh, Phó Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất, cho biết bệnh viện phải chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị… suốt bốn năm mới chính thức triển khai hoạt động mổ tim.
“Đầu tiên là con người. BV gửi gần 20 BS, điều dưỡng đến BV Chợ Rẫy TP.HCM đào tạo phẫu thuật tim, gây mê hồi sức, sử dụng máy chạy tim phổi nhân tạo, hồi sức sau phẫu thuật tim, chăm sóc sau mổ tim… Các BS, điều dưỡng phải học ròng rã suốt hai năm, học xong tiếp tục tham gia tập huấn mổ tim tại BV Chợ Rẫy đến khi khoa Hồi sức-Phẫu thuật tim của BV Đa khoa Thống Nhất chính thức hoạt động” - BS Minh nói.
Ngoài ra, BV Đa khoa Thống Nhất phải cải tạo khu vực hành chính thành hai phòng mổ tim đúng quy chuẩn. Hoàn thiện hồ sơ đấu thầu máy móc, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động phẫu thuật tim. Sau đó phải tiến hành lắp ráp, chạy thử nghiệm… “Thời gian hoàn tất hồ sơ cho đến khi trang thiết bị, máy móc được lắp đặt đạt yêu cầu kéo dài tròm trèm hai năm. Toàn bộ kinh phí được cấp phát từ ngân sách tỉnh Đồng Nai” - BS Minh cho biết thêm.
Theo BS Minh, thời gian đầu BS của BV Chợ Rẫy sẽ chịu trách nhiệm phẫu thuật chính, sau một thời gian sẽ chuyển giao toàn bộ cho các BS của BV Đa khoa Thống Nhất.
Hiện khoa Hồi sức-Phẫu thuật tim của BV Đa khoa Thống Nhất có hơn 40 bệnh nhân bị tim bẩm sinh đăng ký phẫu thuật. Trong đó có những cháu bé chỉ mới 1-2 tuổi. “Đa phần các cháu bị thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo động mạch chủ… nên còi cọc, chậm phát triển. Đã vậy, bệnh tim bẩm sinh gây ra suy tim nhanh chóng nên cuộc sống của nhiều cháu chỉ tính bằng ngày, bằng tháng” - BS Minh cho biết. (Pháp luật TP.HCM ngày 3.11, trang 13)
Bệnh nhi thoát cửa tử nhờ ghép gan
Cháu Nguyễn Võ Tri H (13 tháng tuổi ở quận Tân Bình, TPHCM) bị chứng teo đường mật bẩm sinh đã khỏe mạnh xuất viện sau 4 tuần được phẫu thuật ghép gan do bố hiến tặng. “Đây là một ca, nhỏ cả về số tuổi và cân nặng nên việc ghép gan phức tạp”, ThS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM chia sẻ… (Khoa học & đời sống, trang 7)