TPHCM: 6 ca tử vong do sốt xuất huyết
Ngày 3-1, tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Đó là trường hợp chị M.T.T. (35 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) đã tử vong trước khi được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức do SXH kèm viêm phổi nặng… Như vậy, tính cả năm 2016, TPHCM đã ghi nhận tổng cộng 6 ca tử vong do dịch SXH.
Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, thống kê cho thấy đến hết năm 2016, toàn thành phố đã có 21.367 ca mắc SXH, tương đương với năm 2015.
Trong năm qua, đỉnh dịch SXH rơi vào khoảng tháng 10, 11 và hiện đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, ở một số quận huyện như Thủ Đức, quận 5, quận 3, quận 10, số ca bệnh còn tăng. Theo khảo sát dịch tễ, trong những năm qua, ổ bọ gậy là nguồn của muỗi gây bệnh SXH đã có nhiều biến đổi, không chỉ xuất hiện ở lu, khạp đựng nước trong các gia đình mà còn có trong nhiều dụng cụ khác (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Vẫn còn cán bộ y tế có thái độ chưa đúng mực với người bệnh
Trong năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp để bảo đảm phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và chất lượng bền vững với mục đích cao nhất là sự hài lòng của người bệnh... Đây là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế trong cuộc trao đổi với báo chí về những kết quả y tế đạt được trong năm 2016 và những giải pháp trong năm 2017 để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: Trong năm qua, với tinh thần, thái độ của nhân viên y tế đối với người bệnh đã tốt hơn trước, quy trình khám chữa bệnh từng bước được đơn giản, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng cao hơn, tình trạng quá tải, nằm ghép tại một số bệnh viện lớn đã giảm, các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đã không chỉ nâng cao về năng lực chuyên môn mà còn tăng được công suất sử dụng giường. .
- Phóng viên: Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến phàn nàn, phản ánh về hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiều trong bệnh viện. Thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Bước đầu ngành y tế đã có những chuyển biến tích cực, nhất là về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ chưa đúng mực với người bệnh và người nhà người bệnh mà báo chí đã nêu, người dân phản ánh. Có nhiều nguyên nhân, về khách quan là do tình trạng quá tải bệnh viện, áp lực làm việc trong môi trường độc hại, sự xuống cấp, thiếu thốn của trang thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu nhân lực y tế. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý xin - cho, tâm lý mang ơn; chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh. Về phía người dân, do gia đình người bệnh có tâm lý sốt ruột; cũng như chưa thực sự thông cảm với ngành y tế về sự thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đôi khi còn có thái độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, quy định và chỉ định, y lệnh của thầy thuốc.
- Theo Bộ trưởng, hiện nay ngành y tế đang phải đối mặt với những vấn đề thách thức, khó khăn nào?
Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Đó là hiệu quả hay công suất hoạt động của các cơ sở y tế tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến người dân phải vượt tuyến lên tuyến trên, vừa tốn kém, lãng phí vừa làm quá tải tuyến trên. Tiếp đến, cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các bệnh viện cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Bệnh viện phải xanh - sạch - đẹp và là cơ sở để cung cấp dịch vụ, để phục vụ người bệnh chứ không phải là nơi ban ơn cho người bệnh. Bên cạnh đó là vấn đề về bảo hiểm y tế toàn dân. Với một xã hội phát triển, tôi mong rằng mọi người dân đều có bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh chi phí do bảo hiểm y tế chi trả.
- Bộ trưởng có thể cho biết những giải pháp, kế hoạch cụ thể của ngành y tế trong năm 2017 để nâng cao hiệu quả hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân?
Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Đích cuối cùng vẫn là sự hài lòng của người bệnh nên ngoài các giải pháp đã và đang triển khai, bước vào năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ để bảo đảm phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và chất lượng bền vững. Trong đó, Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải bệnh viện, phát triển mạnh mẽ các bệnh viện vệ tinh, cùng với việc tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế để công bằng, hiệu quả hơn; tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho cơ sở vật chất tại các bệnh viện để đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của người dân. Bộ Y tế cũng sẽ tập trung vào các nội dung như: tiếp tục tổ chức ký cam kết thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, có cơ chế theo dõi, kiểm tra các cam kết. Tích cực tập huấn nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ y tế, đồng thời triển khai hoạt động nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện, cũng như duy trì và đẩy mạnh hoạt động đường dây nóng y tế (Sài gòn giải phóng, trang 7).
Bệnh nhân ngộ độc rượu tăng mạnh
Thời điểm cuối năm, giáp Tết, các bệnh lý về đường tiêu hóa do ăn uống, ngộ độc thực phẩm và tai nạn do rượu bia bao giờ cũng gia tăng mạnh.
Dù còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng thời điểm này, số bệnh nhân vào cấp cứu tại các bệnh viện do ngộ độc rượu bia hoặc tai nạn do nguyên nhân sử dụng rượu bia đã tăng mạnh. Đặc biệt, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai vừa ghi nhận thêm một trường hợp bệnh nhân nam 47 tuổi tử vong do ngộ độc rượu.
Ngày nào cũng có bệnh nhân cấp cứu
Trường hợp vừa tử vong ở Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai là ông N.Đ.T, ở Thạch Thất (Hà Nội). Ông T được người thân đưa đến bệnh viện gần nhà, rồi được chuyển đến cấp cứu sau khi đã uống rượu liên tiếp trong 3-4 ngày liền bởi tham dự đám cưới và uống ở nhà. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh nhân N.Đ.T đến trung tâm trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, tổn thương não và ngừng tim.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng rượu cồn công nghiệp (methanol) trong máu bệnh nhân lên tới gần 300 mg/100 ml máu (trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được ghi nhận là ngộ độc methanol). Dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng bệnh nhân không thể qua khỏi. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, hầu như ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu vào điều trị, nhưng số nhập viện thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm, trước và sau các kỳ nghỉ lễ, Tết, thông thường tăng 2-3 lần.
Đáng chú ý, tại một số bệnh viện, trong số các bệnh nhân viêm tụy cấp nhập viện thời điểm này thì chiếm tới 70% là số ca viêm tụy cấp do rượu. TS.BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ: “Nhóm bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, nhóm bệnh nhân bị chấn thương liên quan đến sử dụng rượu bia cũng tăng hơn so với các dịp khác”.
Bác sĩ Hoàng Bùi Hải khuyến cáo, nếu uống nhiều rượu một lúc sẽ dẫn đến ngộ độc rượu cấp, nhất là việc sử dụng rượu kém chất lượng có thể dẫn đến tử vong hoặc các biến chứng nặng như hôn mê, suy hô hấp, trụy tim mạch, viêm tụy cấp, nếu uống nhiều nữa sẽ dẫn đến xơ gan, suy gan, xuất huyết tiêu hóa... Ngoài ra có rất nhiều biến chứng khác liên quan đến rượu bia.
Theo bác sĩ Đào Xuân Cơ, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp bị viêm tụy cấp, tổn thương phổi, gan, suy gan, trụy mạch, rối loạn đông máu… do uống rượu, bia quá nhiều. “Có những người khi thoát khỏi “cửa tử”, tỉnh lại thì hối hận cũng đã muộn” - bác sĩ Đào Xuân Cơ cho biết.
Ngộ độc thực phẩm - mối lo thường trực
Bên cạnh mối lo lớn nhất từ rượu bia thì thời điểm này hàng năm, số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, tim mạch, ngộ độc thực phẩm do thói quen ăn uống “thả ga”, ăn nhiều đồ dầu mỡ, bánh kẹo cũng tăng đột biến. ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, cần phải thay đổi ngay thói quen, hạn chế tích trữ thực phẩm, đồ ăn trong dịp Tết.
“Dù chúng ta có để đồ ăn trong tủ lạnh cũng chỉ là hạn chế đồ bị hỏng thôi, chứ không thể giữ được độ tươi ngon như thực phẩm mới. Hơn nữa nếu không vệ sinh sạch sẽ, để đồ ăn sống chín lẫn lộn, tủ lạnh quá chật chội, không có không khí lưu thông thì tủ lạnh lại trở thành ổ vi khuẩn, thức ăn trong tủ lạnh lại là thực phẩm độc hại. Để phòng chống ngộ độc, chúng ta cũng nên chú ý mua đồ ăn ở những cửa hàng thực phẩm có chất lượng đảm bảo, an toàn...” - bác sĩ Lê Thị Hải nói.
Vẫn theo bác sĩ Lê Thị Hải, đối với trẻ em, việc đảm bảo dinh dưỡng phòng chống bệnh tật, ngộ độc trong dịp Tết càng cần được chú ý hơn. “Ở Trung tâm Khám tư vấn Dinh dưỡng, sau dịp Tết, chúng tôi thường thấy có hai tình trạng xảy ra. Một là nhiều cháu rơi vào tình trạng ăn quá nhiều, ăn đồ ngọt, đồ xào rán... khiến tăng cân vù vù và rơi vào tình trạng béo phì. Ngược lại, nhiều cháu bé, do bố mẹ quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc con nên các cháu thường ăn uống thất thường, dẫn tới việc bị rối loạn tiêu hóa, sụt cân, suy dinh dưỡng... Vì vậy, mỗi người phải thay đổi nhận thức, thay đổi quan niệm ăn uống, chế biến đồ ăn vào dịp Tết nhằm giữ sức khỏe” - bác sĩ Lê Thị Hải khuyến cáo (An ninh thủ đô, trang 12).
Chống thực phẩm bẩn, Hà Nội gắn logo nhận diện
Hà Nội cho phép nghiên cứu thực hiện xác nhận hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) với việc gắn logo nhận diện. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm, liệu việc gắn logo có mang lại hiệu quả thực sự hay chỉ hình thức khi mà nỗi lo về ATTP đang hàng ngày bủa vây người dân.
Gắn logo nhận diện
Anh Trần Thắng Mỹ chủ nhà hàng nem chua, giò chả Ước Lễ Trần Công Châu, ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội) cho hay, gia đình rất vui khi hay tin thành phố cho phép nghiên cứu thực hiện gắn logo nhận diện cửa hàng, thương hiệu ATTP. Dù là một cơ sở kinh doanh nghề truyền thống cha ông để lại nhưng lâu nay điều mà anh lo lắng nhất việc nhiều nơi “mạo danh” thương hiệu. Sản phẩm của gia đình chỉ bán lẻ duy nhất ở một địa chỉ nhưng nhiều cơ sở sản xuất nem giò khác cũng sản xuất và in logo “mạo danh” là nem giò Trần Công Châu, thậm chí còn quảng cáo rầm rộ trên Facebook để bán hàng, cạnh tranh không lành mạnh.
“Những cơ sở đó thịt lợn không rõ nguồn gốc, kiểm dịch, không biết bí quyết làm giò truyền thống của người Ước Lễ, nhưng mạo danh thương hiệu ảnh hưởng uy tín không nhỏ đến thương hiệu giò chả Ước Lễ. Việc gắn logo nhận diện thương hiệu thực phẩm sạch là cần thiết, nó sẽ giúp cho chúng tôi giữ vững được thương hiệu và uy tín của nghề truyền thống gia đình”, ông Mỹ nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc nghiên cứu gắn logo sẽ giúp tăng cường quản lý chất lượng ATTP và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhận diện, hướng dẫn người tiêu dùng Thủ đô cách nhận biết, phân biệt sử dụng những sản phẩm an toàn vì sức khỏe gia đình, cộng đồng và xã hội là rất cần thiết. Xác nhận hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh bảo đảm ATTP và gắn logo nhận diện thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương. Theo đó, các cơ sở kinh doanh thực phẩm gồm: Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, trong hoạt động kinh doanh đảm bảo các tiêu chí ATTP.
Điều đáng nói, cơ sở kinh doanh có nhu cầu đề nghị xác nhận điểm kinh doanh thực phẩm an toàn và gắn logo nhận diện phải có bản đăng ký và cam kết nhận diện cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn với Sở Công Thương. “Sở sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì tiến hành xác nhận cho cơ sở kèm logo nhận diện được thể hiện trên Giấy xác nhận. Các cơ sở tham gia đã được xác nhận được phép sử dụng logo để in trên biển hiệu của điểm kinh doanh”, vị cán bộ cho biết.
Hiệu quả đến đâu?
Chị Lê Thị Tuyết ở Vạn Phúc (Hà Đông) cho rằng, việc gắn logo rất cần thiết, bởi những người nội trợ như chị lâu nay vẫn “tù mù” trong việc nhận diện sản phẩm, cửa hàng đủ tiêu chuẩn về ATTP. Chị Tuyết cũng đặt vấn đề: “Việc gắn logo có đem lại hiệu quả thật sự hay chỉ là hình thức khi mà nhiều siêu thị, cửa hàng có gắn logo nhưng vẫn bán hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng? Nhiều cửa hàng, siêu thị luôn tự nhận mình kinh doanh thực phẩm sạch dù chưa có cơ quan chức năng nào thừa nhận. Nếu việc gắn logo có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ rất tốt cho người tiêu dùng”, chị Tuyết nói.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, đề xuất gắn logo để nhận diện thực phẩm sạch là rất tốt. Nhưng vấn đề là phải tổ chức sản xuất sạch, phải kiểm soát theo chuỗi từ đầu vào đến đầu ra. Theo ông Phú, trên thực tế, nhiều sản phẩm tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích đang phải “cõng” nhiều loại tem nhưng thực phẩm bẩn vẫn âm thầm tuồn vào các nhà hàng, siêu thị, luồn lách đến mọi hang cùng ngõ hẻm… Việc trà trộn thực phẩm chưa qua kiểm duyệt, giả mạo thành thực phẩm sạch, hay tự gắn nhãn “sạch” cho thực phẩm chưa sạch để đội giá, kiếm lời, vẫn là một thực tế đang xảy ra.
“Cần phải có chính sách hỗ trợ cho đơn vị đứng ra tiêu thụ, tránh thông qua trung gian. Khi nông sản được kiểm soát từ khâu sơ chế, vận chuyển tới người bán thì chắc chắn sản phẩm đó sẽ được kiểm soát và như thế mới là sản phẩm an toàn”, ông Phú lý giải.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, dán tem mác, logo cũng như bảo hiểm để bảo vệ, phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Nhưng việc gắn logo cần quy định rõ về kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. “Việc dán tem, logo vào thực phẩm mới chỉ là vi mô, chúng ta cần nâng tầm vĩ mô hơn. Như việc rau bán tràn lan ngoài chợ không kiểm soát về chất lượng, độ an toàn, giá thành thấp sẽ lấn át rau sạch có logo. Thực phẩm ra chợ là phải có nguồn gốc xuất xứ, theo quy định mới được bán. Doanh nghiệp, hộ sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mình làm ra cũng như bán cho người tiêu dùng”, ông Hồng chia sẻ (Tiền phong, trang 6).
Cả nước có 75,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế
Ngày 3-1, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cải cách hành chính và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, tính đến ngày 31-12-2016, cả nước có 75,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn quốc đạt 81,7% dân số, vượt 2,7% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. |
Năm 2016, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả quản lý. Thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của ngành được cắt giảm xuống còn 32 thủ tục, thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch thực hiện thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội giảm còn 45 giờ/năm. Năm 2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tập trung thực hiện tốt chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động và nhân dân; hoàn thiện các quy trình quản lý nghiệp vụ phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thực hiện liên thông dữ liệu với các cơ sở khám, chữa bệnh (Nhân dân, trang 1; Hà Nội mới, trang 2). |