Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Cứu sống người bệnh bốn lần ngừng thở, ngừng tim; Ba người mắc liên cầu lợn, bảy người mắc bệnh do vi-rút Zika; Dịp nghỉ Tết, bệnh nhân nhập viện tăng cao...

 

Ba người mắc liên cầu lợn, bảy người mắc bệnh do vi-rút Zika

Trong dịp nghỉ Tết vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận ba người mắc bệnh liên cầu lợn nhập viện. Cả ba người được xác định mắc bệnh là do ăn tiết canh lợn có chứa vi khuẩn liên cầu. Trong ba người bệnh có một người ở Nam Định, ăn tiết canh lợn trong ngày 30 Tết, hơn hai ngày sau bắt đầu sốt cao, tiêu chảy và phát ban, xuất huyết hoại tử trên da. Người bệnh được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và được điều trị tích cực, nhưng đã chết. Hai trường hợp còn lại ở Bắc Ninh và Ninh Bình đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn tiết canh và thịt lợn tái, sống...; không sử dụng thịt lợn có mầu đỏ khác thường, thịt có xuất huyết hoặc phù nề; sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay với xà-phòng.

* Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay cả nước ghi nhận bảy trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika, trong đó có năm trường hợp ở TP Hồ Chí Minh và hai trường hợp ở Bình Dương. Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu nhận định, trong năm 2017, dịch bệnh do vi-rút Zika có thể sẽ tăng cả về số địa phương và số ca bệnh. Vi-rút Zika sẽ trở thành bệnh lưu hành, bởi vì tại Việt Nam có nguồn bệnh và vật trung gian truyền bệnh là loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, vì vậy, bệnh này lưu hành như bệnh sốt xuất huyết. Cục trưởng Y tế dự phòng cũng đánh giá, hiện nay, số người nhiễm vi-rút Zika phần lớn là thể nhẹ, nên người dân không nên quá lo lắng về căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh có ảnh hưởng tới các bà mẹ mang thai vì nó có thể liên quan tới chứng đầu nhỏ. (Nhân dân, trang 8)

 

Nhiều bệnh tật gia tăng sau Tết

Ngày Tết, chế độ sinh hoạt của mỗi gia đình bị đảo lộn do ăn ngủ thất thường, uống nhiều bia, rượu... Chính vì vậy, sau Tết Nguyên đán, một số bệnh như xơ gan, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, tiểu đường, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, đột quỵ… có chiều hướng gia tăng.

Bệnh nhân nặng nhập viện tăng cao

Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sau Tết, trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân từ khắp nơi chuyển đến, chủ yếu là các bệnh: Xơ gan, rối loạn tiêu hóa, tim mạch, cao huyết áp… Cao điểm nhất là ngày 1-2, Khoa Cấp cứu A9 tiếp nhận 116 bệnh nhân, trong đó số bệnh nặng chiếm tới 2/3. Đáng lưu ý, có ngày khoa tiếp nhận 5-6 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa. Những bệnh nhân này đều có tiền sử nghiện rượu trên các nền bệnh lý mạn tính...

"Từ ngày 26 đến 29-1, tổng số ca khám rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tại các cơ sở y tế trên cả nước là hơn 1.100 trường hợp, thì đến hết ngày 1-2 đã tăng lên gần 2.500 trường hợp".

Vào những ngày sau Tết, các phòng khám chuyên khoa của Bệnh viện Nội tiết trung ương cũng gia tăng số người mắc bệnh tiểu đường đến khám. Theo Phó Trưởng khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết trung ương) Hồ Khải Hoàn, bệnh tiểu đường bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn và lối sống. Các món ăn ngày Tết khá đa dạng, từ món truyền thống đến hiện đại như: Bánh chưng, thịt gà, thịt đông, xôi, giò chả, bánh kẹo… chứa rất nhiều tinh bột, chất béo và các cholesterol xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân mắc tiểu đường.

“Năm nào cũng vậy, ngay sau mùng 1 Tết có nhiều bệnh nhân gọi điện cho tôi nhờ tư vấn, vì đường huyết tăng quá cao và những ngày sau kỳ nghỉ Tết, Khoa Đái tháo đường luôn gia tăng số bệnh nhân nhập viện. Có những bệnh nhân không yêu cầu đến kiểm tra lại, nhưng do ăn uống quá đà đã chủ động đến bệnh viện khám để có thể kiểm soát được tình trạng bệnh” - bác sĩ Hoàn chia sẻ.

Đột quỵ não cũng chiếm số đông trong các trường hợp nhập viện những ngày sau Tết, chủ yếu là các bệnh nhân tăng huyết áp, quên uống thuốc, không tuân thủ chế độ điều trị, khiến huyết áp tăng đột ngột, gây đột quỵ não. GS.TS Lê Văn Thính, Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ngày trong và sau Tết, số bệnh nhân nhập viện tăng hơn ngày thường. Trung bình mỗi ngày, Khoa Thần kinh tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhân, thậm chí có ngày tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân…

Chế độ ăn uống khoa học

Chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, sau nhiều ngày nghỉ Tết với tiệc tùng liên miên, món ăn, thức uống hấp dẫn, nhiều người dễ mắc phải những vấn đề về tiêu hóa: Đầy bụng, khó tiêu vì thức ăn chứa quá nhiều chất béo, chất đạm, lại uống nhiều loại bia, rượu, nước giải khát có gas…

Bác sĩ Lê Thị Hải khuyến cáo, để hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, khó tiêu, chúng ta cần sắp xếp lại thực đơn ăn uống sao cho khoa học để lấy lại cân bằng cho cơ thể sau thời gian nghỉ Tết dài ngày. Trong mỗi gia đình nên hạn chế ăn nhiều thức ăn chiên xào, nhiều chất béo, không ăn quá nhiều thịt, không uống nhiều bia, rượu, các loại nước ngọt có gas, cà phê, thuốc lá. Cùng với đó, nên ăn kèm các thức ăn lỏng, dễ tiêu, ít chất béo như: Cháo, súp… Nếu bị táo bón, khẩu phần ăn cần có nhiều rau xanh, chuối, khoai lang, đồng thời uống nhiều nước (khoảng 2,5-3 lít/ngày, chia làm nhiều lần). Không nên nằm sau khi ăn, mà vận động tay chân nhẹ nhàng để giúp dễ tiêu hóa.

Còn theo Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), trong một số trường hợp, tùy thuộc vào các triệu chứng có thể dùng một vài loại thuốc giảm khó chịu về tiêu hóa theo chỉ định của thầy thuốc. Sau khi đã uống thuốc, tình trạng rối loạn tiêu hóa vẫn không giảm, hoặc có kèm theo các triệu chứng khác: Đau bụng, nôn ói nhiều, nôn ra máu, bụng chướng to…, thì phải đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị. Đối với những người mắc bệnh mạn tính như xơ gan, tiểu đường…, để giảm thiểu những biến chứng, người bệnh nên đi kiểm tra lại và làm các xét nghiệm sinh hóa, cận lâm sàng để có hướng điều trị kịp thời. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Dịp nghỉ Tết, bệnh nhân nhập viện tăng cao

Ngày 2-2, theo báo cáo từ BV Chợ Rẫy TP.HCM, BV đầu tàu tiếp nhận cấp cứu tại khu vực phía Nam. Trong 7 ngày nghỉ Tết, lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu, phẫu thuật lẫn điều trị nội trú đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, từ 26-1 đến 1-2 (tức 29 AL đến mùng 5 Tết Đinh Dậu), BV tiếp nhận tổng cộng 2.118 trường hợp cấp cứu, trong khi đó 7 ngày Tết năm 2016 chỉ có 1.831 trường hợp. Các tai nạn – ngộ độc đều tăng cao, riêng cấp cứu do TNGT chiếm đến 556 trường hợp tăng gần 124% so với cùng kỳ năm 2016.

Lượng bệnh nhân được phẫu thuật, chuyển viện phẫu thuật lên đến 296 trường hợp tăng 131% so với cùng kỳ. Tính riêng trong dịp nghỉ lễ Tết Đinh Dậu 2017, các loại phẫu thuật như thần kinh, chỉnh hình, tổng quát, tai mũi họng và lồng ngực mạch máu đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016. Cũng trong 7 ngày nghỉ lễ, lượng máu sử dụng tại BV đạt 442 đơn vị.

Ngoài các bệnh do cấp cứu, lượng bệnh nhân nhập viện khám điều trị cũng tăng 143%. Bệnh nhân điều trị nội trú trung bình ngày đạt 1.158 lượt tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Bệnh nhân được vào cấp cứu trung bình ngày là 303 lượt tăng 15,7% so với năm 2016. Cấp cứu do TNGT trung bình ngày là 79 lượt, tăng 23,8%. Ngoài ra BV còn tiếp nhận tai nạn do pháo nổ, chất nổ khác tăng hơn so với năm 2017 trong đó có 1 trường hợp bị bắn ở Tây Ninh.

Theo đánh giá từ BS Phan Quang Sang – Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, thời điểm bắt đầu có quy định đội nón bảo hiểm các trường hợp mổ chấn thương sọ não bắt đầu giảm. Tuy nhiên thời gian đây, do mức độ dân số tăng, số lượng xe di chuyển tăng vọt dẫn đến số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông lại tiếp tục tăng, áp lực cấp cứu dịp lễ Tết tại BV tiếp tục tăng vọt. (Pháp luật TPHCM, trang 2)

 

Việt Nam thả muỗi vằn phòng bệnh Sốt xuất huyết, Zika

Ngày 2-2, Bộ Y tế cho biết đã phê duyệt kế hoạch thả muỗi vằn mang Wolbachia phòng bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) và Zika. Kế hoạch này nằm trong Dự án Hướng tới Loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam.

Vi khuẩn Wolbachia sống trong tế bào của khoảng 60% các loài côn trùng trong tự nhiên, trong đó có nhiều loài sống gần người như bướm, chuồn chuồn, ruồi giấm và một số loài muỗi. Tuy nhiên muỗi vằn trong tự nhiên - trung gian truyền bệnh SXHD và Zika, lại không mang vi khuẩn Wolbachia.

Dựa trên kết quả từ hơn 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng, vi khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của vi-rút Dengue và Zika trong cơ thể muỗi vằn. Vào tháng 3-2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị mở rộng nghiên cứu ứng dụng phương pháp Wolbachia như một trong những phương pháp tiềm năng để kiểm soát các bệnh do muỗi truyền và chuẩn bị sẵn sàng cho việc phòng, chống vi-rút Zika.

Theo kế hoạch, Dự án muỗi vằn mang Wolbachia sẽ triển khai tại hai khu vực ở phía Bắc và phía Nam thành phố Nha Trang – nơi có khoảng gần 56.000 người thuộc 12.600 hộ gia đình sinh sống.

Dự án đã lập bản đồ chia 773 ô thả muỗi trên địa bàn hai khu vực nói trên. Từ tháng 3-2017, mỗi tuần Dự án sẽ thả khoảng 100 con muỗi vằn mang Wolbachia trong mỗi ô trong thời gian khoảng 12-18 tuần, để làm giảm số lượng muỗi vằn tự nhiên truyền bệnh và phòng Sốt xuất huyết Dengue Zika.

Sau khi được thả, vi khuẩn Wolbachia sẽ dần lan truyền và phát triển nhờ quá trình cặp đôi và sinh sản tự nhiên của muỗi. Muỗi vằn đực mang Wolbachia khi giao phối với muỗi vằn cái không mang Wolbachia thì trứng do con cái đẻ ra sẽ không nở (làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh). Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực (mang hay không mang Wolbachia) sẽ đều sản sinh ra thế hệ muỗi mới mang Wolbachia. Do hai cơ chế trên, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia sẽ dần chiếm ưu thế hơn trong quần thể muỗi vằn tự nhiên và giúp hạn chế lan truyền bệnh SXHD và Zika mà không làm tăng số lượng muỗi trong cộng đồng.

Dự án Hướng tới Loại trừ Sốt xuất huyết tại Việt Nam là một dự án nghiên cứu hợp tác giữa Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hoà, và Đại học Monash (Australia) trong khuôn khổ Chương trình Loại trừ Sốt xuất huyết toàn cầu.

Đây là Chương trình hợp tác nghiên cứu quốc tế phi lợi nhuận do trường Đại học Monash (Australia) chủ trì. Mục tiêu dài hạn của chương trình là phát triển ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia nhằm hạn chế lây truyền SXHD và Zika.

Hiện tại chương trình đã và đang triển khai phương pháp Wolbachia tại Australia, Việt Nam, Indonesia, Brazil, Colombia và tiếp tục mở rộng ra một số quốc gia khác. (Pháp luật TPHCM, trang 13)

 

Dịch bệnh tay chân miệng lan rộng

Ngày 3-2, trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang lan rộng tại nhiều địa phương, với số người mắc tăng cao, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo tới người dân các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh này.

Theo đó, để chủ động phòng chống TCM, người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Đồng thời cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh và khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 2.100 trường hợp mắc bệnh TCM tại 57 tỉnh, thành phố. Trong đó đã ghi nhận một trẻ nhỏ 19 tháng tuổi ở Trà Vinh tử vong do bệnh TCM. Đáng lưu ý, Cục Y tế dự phòng nhận định, sau Tết là mùa dịch bệnh TCM ở các tỉnh phía Nam, nhất là trong  giai đoạn từ tháng 3-5. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Đề nghị Bộ Y tế tự quyết sửa đổi khái niệm sữa

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng vừa có công văn từ chối đề nghị của Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc sử dụng khái niệm “sữa tiệt trùng”.

Trong khi quốc tế gọi sữa dạng lỏng làm từ sữa bột là “sữa hoàn nguyên” hoặc “sữa pha lại”, tại Việt Nam lại cho phép sử dụng dưới tên gọi “sữa tiệt trùng”

Công văn nêu, theo quy chế làm việc của Chính phủ hiện hành (Ban hành theo Nghị định 138/2016/NĐ - CP), thẩm quyền sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (trong đó có tên gọi “sữa tiệt trùng) thuộc về Bộ trưởng Y tế. Vì vậy, “Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Y tế xem xét quyết định việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ nêu trên” – công văn nêu.

Như Tiền Phong phản ánh, việc sử dụng tên gọi “sữa tiệt trùng” hơn 6 năm qua khiến người tiêu dùng mua sữa dạng lỏng làm từ sữa bột nhầm tưởng đó là sữa tươi. Tên gọi này không theo thông lệ quốc tế, tạo ra sự thua thiệt trong cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, nông dân nuôi bò, sản xuất sữa tươi trong nước. Sau khi sự việc được nêu ra nhiều lần từ năm 2015, Bộ Y tế lấy ý kiến sửa đổi, Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội tiền hành giám sát chuyên đề.

Trước Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc này. (Tiền phong, trang 5)

 

Cứu sống người bệnh bốn lần ngừng thở, ngừng tim

Khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) cho biết vừa cấp cứu, điều trị và cứu sống thành công người bệnh Nguyễn Thị H. (23 tuổi) bị ngừng tim, ngừng thở bốn lần. Người bệnh rơi vào tình trạng kể trên sau sinh con đầu lòng tại trạm y tế xã năm ngày. Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn bốn lần thành công, các bác sĩ luôn phải theo dõi sát, duy trì ô-xy, dùng hai loại thuốc vận mạch, trợ tim để bảo đảm huyết áp. Đồng thời, tập trung điều trị tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc và truyền bù máu đã mất. Sau nhiều ngày hồi sức tích cực, người bệnh hồi tỉnh, rút được máy thở, ăn được. Đến ngày 3-2, chị H. đã qua được giai đoạn nguy kịch nhất và đang tiếp tục điều trị bệnh lý tim mạch. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chống độc đã từng cứu sống nhiều ca ngừng tim, ngừng thở nhưng đây là trường hợp có số lần ngừng tim, ngừng thở nhiều nhất từ trước đến nay. (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 14: “Cứu sống sản phụ 4 lần ngừng tim, ngừng thở”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang