Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 04/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện 175 khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà điều trị, bệnh viện tạm; Nâng mức cảnh báo trong phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người; Nhiều ca ngộ độc rượu phải nhập viện...

 

Nâng mức cảnh báo trong phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người

Sáng 3-3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi (Bộ Y tế) tổ chức họp triển khai các giải pháp phòng, chống các chủng vi-rút gia cầm độc lực cao trên người. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nguy cơ dịch cúm gia cầm phát sinh và lây lan thời gian tới ở nước ta là rất cao.

Đáng chú ý, một số chủng vi-rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam như: Cúm A (H7N9), cúm A (H5N2), cúm A (H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía bắc... Nguyên nhân, là do dịch cúm A (H7N9) đang lan rộng tại Trung Quốc với số lượng mắc tăng cao, nhất là các tỉnh giáp biên giới Việt Nam. Tình trạng gia cầm nhập lậu ở Việt Nam chưa được kiểm soát tốt. Trong khi đó, bệnh không có biểu hiện rõ ràng trên gia cầm khiến người dân chủ quan trong chăn nuôi, giết mổ và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm...

Để chủ động ngăn ngừa sự xâm nhập vi-rút cúm gia cầm vào Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị, nâng mức cảnh báo đối với dịch cúm gia cầm lên tình huống hai (coi như đã có người bệnh) để có các biện pháp phù hợp. Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm vắc-xin trên gia cầm, ưu tiên các khu vực có nguy cơ cao. Hai ngành y tế và nông nghiệp tiếp tục mở rộng giám sát, xét nghiệm nhanh tại các tỉnh biên giới, nhất là tại ba tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai.

★ Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã yêu cầu Sở NN và PTNT nắm bắt kịp thời tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn, chủ động áp dụng các biện pháp ngăn ngừa. Chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch.

★ Tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H7N9) như: Phun tiêu độc khử trùng tại các chợ trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; đặt ra các tình huống ứng phó khi phát hiện vi-rút cúm...

★ Sở NN và PTNT tỉnh Lai Châu tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ) và một số lối mở biên giới với Trung Quốc, chủ động giám sát điều tra phát hiện sớm dịch bệnh trên các đàn gia cầm.

★ Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức lấy 300 mẫu kép gia cầm tại 60 xã để xét nghiệm, xác định khả năng xuất hiện dịch bệnh của đàn gia cầm. Đồng thời, chuẩn bị hơn 8.900 lít hóa chất phục vụ phun khử trùng tiêu độc tại tất cả khu vực chăn nuôi giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm.

★ Tại Ninh Bình hiện đã xuất hiện một ổ dịch cúm A (H5N1) tại thôn Khê Trung, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô khiến 1.075 con vịt chết. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành hữu quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm nói chung và cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào địa bàn.

★ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh đã triển khai các biện pháp giám sát dịch tễ trên đàn gia cầm, lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm tại hàng trăm điểm, trại tập trung chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ...; triển khai tiêm phòng vắc-xin phòng, chống dịch cúm A (H5N1) cho 100% số đàn gia cầm ở năm huyện biên giới.

★ Tỉnh Trà Vinh quyết định hỗ trợ vắc-xin, công tác tiêm phòng gia cầm cho các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ dưới 50 con.

★ Tỉnh An Giang đã xây dựng năm trạm kiểm soát, kiểm dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên), Vĩnh Hội Đông (TP Châu Đốc), Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu), Cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú) và trạm kiểm dịch nội địa Vàm Cống (TP Long Xuyên), đồng thời chỉ đạo ứng trực liên tục 24 giờ, nhằm kiểm soát chặt chẽ gia cầm xuất, nhập vào tỉnh. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 8: “Nâng mức cảnh báo dịch cúm gia cầm”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 3: “Nâng mức cảnh báo cúm gia cầm”; Báo Thanh niên trang 4: “Nâng cấp độ chống dịch cúm gia cầm có độc lực mạnh ”; Báo Sài Gòn giải phóng trang 3: “Việt Nam nâng mức cảnh báo cúm A/H7N9”

 

Nhiều ca ngộ độc rượu phải nhập viện

Những ngày qua, liên tiếp các trường hợp ngộ độc rượu bị hôn mê tại Hà Nội phải nhập viện. Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập đoàn thanh kiểm tra thực trạng lưu hành rượu trên địa bàn.

Ngày 3/3, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn về thực phẩm số 2 thành phố Hà Nội do Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở dịch vụ ăn uống có bán rượu.

Tại nhà hàng Thu Thắng (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), chủ nhà hàng cho biết, chỉ bán những loại rượu đóng chai sản xuất trong nước và nhập khẩu của nước ngoài.

 Nhưng khi kiểm tra đoàn phát hiện cơ sở có 6 chum rượu đựng khoảng 200 lít rượu không có nhãn mác. Chủ nhà hàng cho biết đây là rượu nếp và được lấy của người quen ở huyện Đông Anh nên không có hóa đơn chứng từ.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong toàn bộ 6 chụm đựng rượu nói trên. Đồng thời yêu cầu ngày 7/3, chủ nhà hàng phải làm việc với Phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm để làm rõ nguồn gốc của số rượu nói trên.

Trong trường hợp không xuất trình được giấy tờ liên quan, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tịch thu và tiêu hủy theo quy định của nhà nước. Đoàn cũng lấy 3 mẫu rượu, 3 mẫu rau, 10 mẫu bát, đĩa của nhà hàng này để xét nghiệm nhanh.

 Kết quả các mẫu rượu, rau đều đảm bảo an toàn nhưng 3 mẫu bát, đĩa không đảm bảo vệ sinh. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở rửa lại toàn bộ số bát, đĩa và không sử dụng bát, đĩa đã cũ để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện đang điều trị cho 7 bệnh nhân bị ngộ độc methanol, trong đó có 2 bệnh nhân bị ngộ độc methanol do uống cồn y tế, 5 bệnh nhân được xác định ngộ độc do uống phải rượu độc chất, được pha cồn công nghiệp methanol.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cảnh báo, có tới 5/7 bệnh nhân nói trên đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng đều uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc trên địa bàn Hà Nội. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp... Trong đó 3 ca đang trong tình trạng hôn mê.

Trường hợp điển hình là bệnh nhân L.V.T (sinh năm 1969, quê Hà Tĩnh trú tại Phúc Thọ, Hà Nội) nhập viện ngày 27/2. Theo vợ bệnh nhân, anh T. làm ở Hà Nội hai tuần về nhà một lần. Ngày 25/2, anh T. về nhà vẫn bình thường, nhưng đến sáng chủ nhật thấy mờ mắt, thậm chí không đi được dép. Gia đình lập tức đưa anh vào Bệnh viện 105 Sơn Tây, rồi chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân L.V.T bị ngộ độc rất nặng, nhập viện trong tình trạng không nhìn thấy gì. Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm, bệnh nhân đã được kịp thời cấp cứu theo hướng ngộ độc rượu. Lúc nhập viện nồng độ methanol là 138,9mg/dl. Sau khi được lọc máu lần đầu, xét nghiệm mới xuống 47,6 (trong khi bình thường 20 mg/dl đã là rất nặng phải lọc máu).

Một trường hợp khác là bệnh nhân nam 38 tuổi, quê Nam Định, cũng vào viện ngày 27/2 trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn đã được cấp cứu ở tuyến dưới. Hiện tại bệnh nhân đang trong tình trạng rất nguy kịch.

Người nhà bệnh nhân cho hay, trong các ngày 20-21 và 22/2 bệnh nhân có uống rượu ở quán cơm bình dân gần nơi trọ ở Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội). Sau ngày đầu tiên, bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó chịu nhưng những hôm sau vẫn tiếp tục uống. Đến trưa 25/2, bệnh nhân bị hôn mê sâu và ngừng tuần hoàn, được đưa vào Bệnh viện Hà Đông cấp cứu, sau đó chuyển đến Trung tâm Chống độc.

Trước thực trạng này, cuối giờ chiều ngày 2/3 Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã tổ chức họp khẩn về các giải pháp tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm do rượu  trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở những xã, phường có bệnh nhân ngộ độc rượu, tập trung truy xuất nguồn gốc rượu, lấy mẫu xét nghiệm phân tích, đánh giá kịp thời cảnh báo nguy cơ cho cộng đồng. (Tiền phong, trang 10)

 

Một cán bộ quản 75 nghìn hồ sơ BHYT, dễ trục lợi

Ngày 3/3, đoàn giám sát Quốc hội làm việc với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 201 1 – 2016.

Tại buổi làm việc, đoàn giám sát nêu hàng loạt vấn đề cần làm rõ, trong đó có việc biến động về bộ máy, số lượng cấp phó, tỷ lệ lãnh đạo tính trên số công chức, viên chức trong ngành bảo hiểm.

Giải trình việc này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, hiện ngành bảo hiểm mới quản lý 12 triệu người, chiếm 25% lực lượng lao động cả nước. Thế nhưng theo Nghị quyết 21, đến năm 2020 tăng lên 50%, tức là 25 triệu người.

“Bình quân mỗi cán bộ giám định BHYT phụ trách 75 nghìn hồ sơ khám chữa bệnh BHYT/năm, nên tình trạng lạm dụng trục lợi là không thể tránh khỏi. Còn một cán bộ BHXH cũng chịu trách nhiệm với 3.500 đối tượng đóng BHXH...

Đây là khối lượng công việc khổng lồ, nếu không có biên chế sẽ không thể làm được việc”, bà Minh lý giải tình trạng bộ máy ngành bảo hiểm luôn phải biến động để theo kịp nhiệm vụ. (Tiền phong, trang 3)

 

100% cơ sở tiêm chủng của Hà Nội quản lý bằng phần mềm

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Sau 2 tháng thực hiện, Hà Nội đã triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng tại 584 trạm y tế xã, phường với 695 cơ sở y tế tiêm chủng và 328.000 trẻ em.

Sở Y tế Hà Nội dự kiến đến 1-6-2017 sẽ có 100% cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố được triển khai phần mềm này, để đến 31-12-2017 sẽ thực hiện thống kê báo cáo hoàn toàn bằng phần mềm quản lý tiêm chủng quốc gia.

Đây là bước tiến quan trọng của ngành y tế dự phòng Hà Nội. Vì phần mềm sẽ quản lý từng đối tượng tiêm chủng qua mã số riêng (ID) để theo dõi lịch tiêm chủng suốt đời, bằng các thông tin về quá trình tiêm chủng, địa điểm, thời gian và cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng.

Thông tin sẽ giúp cán bộ tiêm các mũi tiếp theo nắm rõ tình hình của đối tượng tiêm cũng như thời gian, địa điểm đã tiêm dù người này di chuyển nơi ở. Do đó, đối với các nhà quản lý, phần mềm đóng vai trò quan trọng trong việc thống kê, kiểm tra và quản lý số liệu tiêm chủng.

Đối với người dân, phần mềm giúp các gia đình theo dõi và nắm rõ quá trình tiêm của trẻ nhỏ, đối với mọi loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng  hay tiêm chủng dịch vụ, giúp nhắc nhở phụ huynh nhớ lịch tiêm đúng và đầy đủ cho các bé. (Công an Nhân dân, trang 1)

 

Sẽ nâng mức cảnh báo cúm A(H7N9) như đã có dịch

Đối diện với khả năng dịch cúm A(H7N9) độc lực cao xâm nhập vào nước ta, ngày 3-3, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với các ngành liên quan để có các giải pháp ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm này.

Trước tình hình dịch cúm A(H7N9) gia tăng mạnh cả về quy mô, số lượng mắc và tốc độ lây lan, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - chủ trì cuộc họp - đã đề nghị nâng mức cảnh báo với dịch cúm A(H7N9) lên mức 2 trong 4 tình huống theo kế hoạch phòng chống cúm gia cầm, coi như Việt Nam đã có ca bệnh xâm nhập để nâng cao cấp độ giám sát.

Ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – đã đưa đến những thông tin mới nhất về diễn biến của dịch cúm A(H7N9). Theo đó, thời gian từ ngày khởi phát đến ngày tử vong đã nhanh hơn, khi chỉ có 8,5 ngày, so với trước đây là 17 ngày. Trong tuần gần nhất, đã có 56 ca mắc mới tập trung ở các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây- 2 tỉnh có chung đường biên giới với 7 tỉnh ở Việt Nam.

Các tỉnh này có cửa khẩu quốc tế giao thương với Trung Quốc với lượng người, phương tiện, hàng hóa lưu thông rất lớn như cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai), Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu nghị, Đồng Đăng (Lạng Sơn). Mỗi ngày có khoảng 1.000 đến 10.000 lượt người, 100-200 lượt phương tiện xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu trên. Từ năm 2016 đến giữa tháng 2-2017, cơ quan chức năng đã bắt giữ số gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu gồm hơn 350.000 con giống, hơn 2.300 con gia cầm thịt, hơn 62.000kg thịt gia cầm và hơn 212.000 quả trứng.

Ông Hoàng Minh Đức cũng cho biết còn rất nhiều cửa khẩu tiểu ngạch, lối  mở khác cũng giao lưu buôn bán với Trung Quốc mà chưa kiểm soát được.

Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNN), nguy cơ xâm nhập cúm A(H7N9) rất cao, nhất là các tỉnh có buôn bán, tiêu thụ gia cầm. Vì thế, Cục Thú y đã yêu cầu tiêm chủng trở lại các đàn gia cầm. Tuy vậy, việc phòng chống dịch còn gặp khó khăn do cúm A(H7N9) không biểu hiện trên đàn gia cầm như cúm A(H5N1).

Trong khi đó, tình trạng vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch vẫn chưa kiểm soát được. Việt Nam và Trung Quốc chưa có văn bản chính thức về buôn bán gia cầm, vì thế, vấn đề lúc này là giám sát tiểu ngạch để ngăn chặn nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm vào Việt Nam. Hiện ở nội địa, cúm A(H5N1) đã quay lại với số ổ dịch nhiều hơn năm ngoái.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định báo cáo, hiện địa phương còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày. Những người ở các hộ có gia cầm ốm, chết và những người làm nhiệm vụ trong vùng dịch, tham gia tiêu hủy gia cầm đều được lập danh sách theo dõi, báo cáo sức khỏe hàng ngày và hiện họ vẫn khỏe mạnh.

Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ngành liên quan về tình hình dịch cúm gia cầm, GS.TS. Nguyễn Thanh Long nhận định diễn biến dịch đang hết sức phức tạp, nguy cơ lây lan cúm A(H7N9) vào Việt Nam là rất cao. Đã có người từ Ma Cao, Đài Loan, Malaysia, Canada đi du lịch tiếp xúc với gia cầm cũng mắc. Đã vậy, việc buôn bán, nhập lậu gia cầm qua đường tiểu ngạch chưa kiểm soát được.

Việc gia cầm mắc cúm A(H7N9) không có biểu hiện ốm dễ khiến người giết mổ, tiêu thụ hay buôn bán gia cầm chủ quan. Hơn nữa, cúm A(H7N9) đã có sự biến đổi từ độc lực thấp sang cao trên gia cầm và dù chưa có bằng chứng thuyết phục lây từ người sang người, thì khả năng lây lan vẫn có thể. Một vấn đề nữa trong việc phòng chống dịch là đã xuất hiện các chủng virus cúm kháng thuốc.

Nguy cơ lây lan cúm A(H7N9), cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người cao, còn do tập quán chăn nuôi, giết mổ gia cầm ở nước ta. Mỗi năm có khoảng 1,2 tỷ gia cầm được tiêu thụ ở 7 triệu hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ. Ở nông thôn, nhà nào cũng nuôi gia cầm và việc tiếp xúc giữa người và gia cầm rất gần. Hiện 7 tỉnh đã có cúm A(H5N1), khả năng tái xuất hiện cúm A(H5N1) ở nhiều nơi là có thể.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản là không có cúm trên gia cầm thì không có trên người, do đó, kiểm soát tốt ở cửa khẩu để hạn chế tối đa dịch vào nước ta. Cần ngăn chặn triệt để gia cầm nhập lậu để không ảnh hưởng đến gia cầm và sức khỏe người dân nước ta. Phải tiêm vaccine phòng cúm A(H5N1) ở những khu vực có nguy cơ, vì cúm A(H5N1) có thể bùng phát thành dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý các lực lượng 389, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường cần ngăn chặn triệt để hơn nữa việc gia cầm nhập lậu qua các đường mòn, lối mở vv… ở biên giới. Sở Y tế Hà Nội phải tăng cường giám sát chợ Hà Vỹ vì lượng gia cầm tiêu thụ ở đây lớn.

Phát hiện ca đầu tiên mắc cúm A(H7N9) rất quan trọng để có các biện pháp khống chế kịp thời, không để dịch bùng lên, vì thế, ngành y tế đã chỉ đạo mở rộng đối tượng giám sát, chủ động lấy mẫu ở vùng/người có nguy cơ, nhất là ở các tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia.

Sẽ mở ba phòng xét nghiệm nhanh tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai để giám sát trên gia cầm, chợ đầu mối buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm vv… Trong bối cảnh cúm A(H5N1) ở Campuchia diễn biến phức tạp, tháng 5-2017 sẽ mở rộng phòng xét nghiệm nhanh tại các tỉnh Tây Nam. (Công an Nhân dân, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội trang 1: “Dịch cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp: Đề nghị nâng mức cảnh báo, coi như đã có ca bệnh xâm nhập”

 

Khám bác sĩ gia đình “Sướng” hơn bệnh viện

Thay vì đến bệnh viện, nhiều người dân ở TP.HCM đã lựa chọn phòng khám bác sĩ gia đình của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch để khám chữa bệnh.

Đây là phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) đầu tiên của cả nước trực thuộc một trường y. Phòng khám được cải tạo từ khu B của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đặt tại 461 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP.HCM.

So với các phòng khám BSGĐ khác tại các bệnh viện quận/huyện, trạm y tế xã/phường thì đây là phòng khám được trang bị hiện đại nhất với đầy đủ chuyên khoa như nội tổng quát, tim mạch, nội thần kinh, tai mũi họng, ngoại tổng quát, sản-nhi, mắt-khúc xạ, tâm lý, âm ngữ trị liệu…

Phòng khám như bệnh viện

Chiều 1-3, chị Hồ Thị Thanh Thảo (phường 3, quận 5) cùng con gái là bé Lê Huỳnh Phương Chi (năm tuổi) đến khám bệnh tại địa chỉ trên. “Nếu như trước đây, muốn khám mắt tôi phải đến BV Mắt, sau đó đưa tiếp con gái qua BV Nhi đồng 1 mất cả ngày. Giờ đến đây, cả hai mẹ con đều được khám, khỏi đi hai nơi” - chị Thảo nói.

Tại quầy khám bệnh, hai mẹ con chị Thảo được hướng dẫn làm hồ sơ bệnh án điện tử. Sau đó cả hai được hướng dẫn vào phòng khám số 1. Do lần đầu tiên khám nên ngoài khám mắt, tiện thể chị Thảo yêu cầu được kiểm tra sức khỏe tổng quát. Trong lúc chị được đi siêu âm và làm các xét nghiệm, bác sĩ khám bệnh cho bé Phương Chi. Triệu chứng ho, suy hô hấp của bé cần được theo dõi kỹ, nếu nặng thì chuyển bệnh viện tuyến trên điều trị.

Bác sĩ còn hỏi chị Thảo thêm về bệnh sử gia đình, hướng dẫn tỉ mỉ cách phòng bệnh, ăn uống phù hợp, cách phòng ngừa các bệnh tiêu hóa cho trẻ khi vào mùa nóng. Gần một giờ kiểm tra tổng thể, hai mẹ con lấy thuốc và thanh toán chưa tới 500.000 đồng.

Theo quan sát của PV, phòng khám BSGĐ này giờ nào trong ngày cũng có bệnh nhân nhưng không khí vẫn trật tự. Người bệnh không dồn hết vào buổi sáng để xếp hàng chờ khám như tại các bệnh viện lớn. Tại đây, không có chuyện bệnh nhân rơi vào tình trạng được khám bệnh “một phút” mà hầu hết đều được thăm hỏi tổng quát nhiều chuyên khoa.

Mỗi bệnh nhân một bệnh án điện tử

Hiện nay phòng khám BSGĐ tại ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được xem là phòng khám có đội ngũ y, bác sĩ được chuẩn hóa cao nhất về chuyên môn. Bởi phòng khám có 14 bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm và đều đang là giảng viên của trường.

Lần đầu tiên đến khám, mỗi bệnh nhân sẽ được lập một bệnh án điện tử lưu trữ tất cả thông tin liên quan đến sức khỏe. Bệnh nhân được quản lý thông qua mã số và thẻ khách hàng, không cần sổ khám bệnh. Qua đó bác sĩ phụ trách có thể chăm sóc liên tục cho bệnh nhân cũng như người thân. Bệnh nhân được đảm bảo khám và tư vấn trung bình là 10 phút/người. Người dân đến khám bệnh tại đây được hưởng mức phí như tại các bệnh viện công lập và được thanh toán BHYT như bình thường.

Theo PGS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, phòng khám BSGĐ này đang hướng đến chuẩn hóa tất cả các khâu, từ tiếp nhận bệnh nhân, lưu trữ thông tin, quy chuẩn khám lâm sàng đến tư vấn người bệnh.

“Do đặc điểm của BSGĐ là sẽ theo sát bệnh sử của bệnh nhân từ tuổi nhỏ cho tới tuổi già, thậm chí là bệnh sử của cả gia đình nên họ sẽ có điều kiện phát hiện sớm các thay đổi sức khỏe, kịp thời chuyển lên tuyến trên đúng thời điểm, đúng chuyên khoa” - PGS Hiệp cho biết.

Ngoài chức năng khám và điều trị bệnh cho người dân thì đây cũng là cơ sở thực hành về y học gia đình cho sinh viên. Bên cạnh các phòng khám bệnh, nơi đây còn có sáu phòng học thực hành về hồi sức ngưng tim, ngưng thở, kỹ năng khâu vết thương, kỹ năng phun khí dung, kỹ năng đặt nội khí quản… (Pháp luật TPHCM, trang 13)

 

Suýt liệt chân vì giun làm tổ trong não

Viện Sốt rét- ký sinh trùng và côn trùng T.Ư đang điều trị tình trạng nhiễm ký sinh trùng cho ông Đ.V.D., 47 tuổi, ở Hải Phòng.

Ông D. vào viện trong tình trạng suy kiệt, gần như liệt chân phải, nguyên nhân là do bị nhiễm một loại giun đũa chó mèo. Loại ký sinh trùng này làm tổ trong não, chèn ép vào dây thần kinh gây nên tình trạng trên.

Trước tết, ông D. bị ngứa da đầu sau lan xuống toàn thân, dần dần xuất hiện tình trạng đau nhức, cà nhắc ở chân phải.

Bệnh viện ban đầu nơi ông D. khám chẩn đoán là mắc phải một loại u não hiếm gặp nhưng sau khi kiểm tra lại ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ông D. được xác định mắc giun đũa chó mèo.

Những xét nghiệm chuyên sâu ở Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng T.Ư sau này khẳng định ông D. bị nhiễm loại giun có tên Toxocara spp thường có trong ruột của chó, mèo.

Sau hai tuần điều trị, tình trạng của ông D. tiến triển tốt, có thể xuất viện trong thời gian tới.

ThS - bác sĩ Trần Huy Thọ, trưởng khoa khám bệnh chuyên ngành Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng T.Ư, cho biết Toxocara spp là giun tròn ký sinh trong ruột non của chó và mèo, thường lây qua người chủ yếu qua đường tiêu hóa, số ít qua da.

Trong các trường hợp nhiễm Toxocara spp, trứng đều nở trong ruột, ấu trùng sau đó chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, tim, mắt, não và các mô khác, gây tổn thương các bộ phận chúng di chuyển đến.

Đặc biệt nguy hiểm nếu chúng tấn công đến các cơ quan như tim, gan, não... nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong. (Tuổi trẻ, trang 14)

 

Bệnh viện 175 khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà điều trị, bệnh viện tạm

Chiều 28-2, Bệnh viện (BV) 175, Bộ Quốc phòng đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng tòa nhà điều trị, BV tạm.

Đây là dự án BV tạm phục vụ di dời các khoa hiện hữu để giải phóng mặt bằng thi công BV 1.000 giường đã được Bộ Quốc Phòng phê duyệt với tổng kinh phí hơn 92 tỷ đồng.

BV tạm có quy mô 600 giường, được xây dựng trên tổng diện tích 18.211m² bao gồm 3 khối: Khối điều trị nội trú (với các khoa Oxy cao áp, tim mạch, nhi, sản, nội thần kinh, nội thận, tiêu hóa, ngoại bụng, ngoại tiết niệu, bệnh nghề nghiệp); Khu mổ-hồi sức (khoa gây mê hồi sức, hồi sức tích cực, kiểm soát nhiễm khuẩn) và Khối cận lâm sàng (khoa Huyết học, khoa sinh hóa, vi sinh, giải phẫu bệnh, chẩn đoán chức năng, chẩn đoán hình ảnh).

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BV 175 cho biết, việc đưa vào sử dụng tòa nhà điều trị, BV tạm, BV 175 sẽ là nơi tổ chức khám chữa bệnh và điều trị nội trú cho bệnh nhân trong thời gian xây dựng Viện chấn thương chỉnh hình quy mô 500 giường có vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng và bệnh viện 1.000 giường với vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng. Dự kiến sau 5 năm nữa bệnh viện sẽ trở thành cụm quần thể bệnh viện 1.500 giường và nhanh chóng trở thành bệnh viện hạng đặc biệt với hệ thống trang thiết bị đồng bộ và hiện đại trong chẩn đoán và điều trị nhằm xây dựng cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần giảm tải các bệnh viện trung ương và tuyến cuối tại TPHCM. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang