Cháu bé được giải cứu nhờ ca ghép gan lịch sử
Bệnh viện (BV) Việt Đức vừa thành công trong một ca ghép gan vô cùng hy hữu khi bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, đến mức BV đã ký giấy đồng ý cho về theo nguyện vọng của gia đình.
Sau 4 ngày được ghép, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định với diễn biến rất khả quan. Đây là thông tin được GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức cho biết tại cuộc gặp mặt báo chí vào chiều 3-4.
Theo GS.TS. Trần Bình Giang, từ lâu, ở BV Việt Đức việc ghép gan đã trở thành thường quy, nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt. Bệnh nhân là cháu Dương Thị Phương Mai, 15 tuổi ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa bị suy gan cấp trên nền bệnh gan mạn tính, xơ gan, đã hôn mê gan.
Đã vậy, cháu còn bị rối loạn chuyển hóa đồng (bệnh Wilson), rối loạn đông máu và nhiễm khuẩn, phải tiến hành hồi sức lọc gan, thay huyết tương và chờ ghép gan cấp cứu, chắc chắn sẽ tử vong nếu không được ghép.
Cháu đã được điều trị tại nhiều BV: Bạch Mai, Nhi Trung ương rồi được chuyển đến BV Vinmex trước khi đến BV Việt Đức. Vì thế, quyết định ghép gan cho cháu bé trong tình trạng thập tử nhất sinh là một việc làm hết sức cân não của cả lãnh đạo và các bác sĩ của BV Việt Đức.
Hơn 100 thầy thuốc của BV đã tập trung tham gia vào ca ghép miễn phí cho cháu bé.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, cũng trực tiếp tham gia vào ca ghép, cho biết, đây là ca ghép gan khó nhất mà ông gặp phải khi cháu bé bị suy gan giai đoạn cuối và bị hôn mê trước lúc ghép, phải đặt nội khí quản khi đưa đến khoa ghép.
Ca ghép tiến hành vào ngày 29-3, kéo dài tới 9 giờ, sử dụng phương pháp ghép gan bán phần từ người hiến là bố bệnh nhân. Các bác sĩ đã cắt khoảng 60% thể tích gan của người hiến và ghép cho bệnh nhân.
TS. Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng (BV Việt Đức) cho biết, trong quá trình ghép, các bác sĩ tiếp tục gặp vô vàn khó khăn. Ca ghép trong tình trạng cấp cứu, bệnh toàn thân nặng, rối loạn đông máu (là chống chỉ định phẫu thuật), động mạch gan cấp máu không tốt, nên việc điều chỉnh đông máu trong mổ rất quan trọng, để hạn chế chảy máu cho bệnh nhân. Lúc ghép, bệnh nhân còn bị suy hô hấp, hôn mê gan, nhiễm trùng động mạch.
Một vấn đề nữa của bệnh nhân này được PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch –lồng ngực (BV Việt Đức) cho hay: Bệnh nhân bị bất thường bẩm sinh hẹp động mạch thân tạng, nên không thể thực hiện miệng nối động mạch bình thường mà phải nối dài, nối trực tiếp động mạch gan vào động mạch chủ bụng với yêu cầu phải tiến hành rất nhanh và không chảy máu. Vì nếu chảy máu mà không cầm được bệnh nhân sẽ tử vong.
Với thể trạng nhiều bệnh như của cháu bé, các thầy thuốc vô cùng khó khăn trong việc sử dụng thuốc điều trị trong phẫu thuật. Theo PGS.TS. Nguyễn Quốc Kính, Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết, trong hơn 30 ca ghép gan đã tiến hành thì đây là ca khó nhất, nặng nhất vì suy gan cấp nhanh. Ngay khi chuẩn bị mổ đã phải cấp cứu vì bệnh nhân phù phổi cấp, suy thở.
Ths. Đào Thị Kim Dung, Khoa gây mê hồi sức cũng chia sẻ những khó khăn của ca mổ này. Gia đình cháu bé là người dân tộc thiểu số ở một xã miền núi, rất nghèo. Mặc dù BV Vinmec hứa hỗ trợ toàn bộ ca ghép, thậm chí tiếp tục hỗ trợ nếu sau khi cho gan mà sức khỏe bố cháu bị giảm sút, gia đình vẫn lúc đồng ý, lúc không.
Khi các bác sĩ lắp đặt xong các thiết bị cho cháu để chuẩn bị ghép, lại phải tháo ra để gia đình đưa cháu về. Sau đó 2 tiếng, gia đình mới đồng ý cho phẫu thuật và việc lắp đặt các thiết bị phải bắt đầu lại.
Nhưng vượt lên tất cả những thách thức đó, các lương y của BV Việt Đức đã tập trung cho ca mổ. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên ngành của BV trong ghép tạng đã giúp cho ca ghép thành công hơn mong đợi.
Sau ghép chỉ 36 tiếng, bệnh nhân đã được rút nội khí quản, nhanh hơn dự tính phải thở máy 3-5 ngày, chức năng gan đang hồi phục, các chỉ số máu tiến triển tốt. Bố cháu sau khi cho gan con gái, hiện cũng đã ổn định sức khỏe, dự kiến sẽ được ra viện vào ngày 7-4. , không sốt, các chỉ số sinh tồn ổn định, chức năng gan hồi phục tốt như dự kiến.
Chiều 3-4, khi Ths. Đào Thị Kim Dung đưa chúng tôi vào bé Phương Mai, cháu đang tự ngồi, nét mặt khá tươi tỉnh. Bác sĩ cho biết, cháu ăn uống tốt.
Nói về ca ghép đặc biệt này, GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Vinmec cho rằng đây là đỉnh cao trong lĩnh vực ghép tạng, khi tiến hành trong tình trạng tối cấp, là do hội tụ nhiều yếu tố.
Đó là sự phối hợp ăn ý giữa BV Nhi Trung ương, BV Vinmec và BV Việt Đức; là đội ngũ bác sĩ của BV Việt Đức có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong phẫu thuật ghép cũng như lĩnh vực hồi sức cấp cứu rất cao, làm chủ được các kỹ thuật khó, không thua các trung tâm ghép tạng trên thế giới.
Đặc biệt, công tác tổ chức phối hợp giữa các chuyên ngành trong BV Việt Đức rất nhịp nhàng, chuyên nghiệp đã làm nên ca ghép mang tính lịch sử này để cứu sống cháu bé. (Công an Nhân dân, trang 2; Tiền phong, trang 6).
Phẫu thuật cắt bỏ và tái tạo dạ dày mới
Ngày 3-4, Bệnh viện quốc tế Đồng Nai (TP Biên Hòa) cho biết vừa cắt bỏ thành công toàn bộ dạ dày bị ung thư cho một bệnh nhân 63 tuổi.
Ngày 31-3, Bệnh viện tiếp nhận ông V.V.T (P. Tam Hiệp) nhập viện trong tình trạng đau thượng vị. Các bác sĩ đã tiến hành nội soi, làm sinh thiết, kết quả xác định ông T bị một khối u xâm lấn toàn bộ dạ dày, di căn xuống vùng lưng tụy và rốn gan.
Ngày 3-4, kíp mổ đã tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày cho ông T, đồng thời sử dụng máy cắt nối ruột để tái tạo một dạ dày nhân tạo bằng ruột non của bệnh nhân. Sau 5 giờ mổ, tình trạng bệnh nhân đã khả quan. (Tuổi trẻ, trang 2)
TP.HCM lên kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H7N9)
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu ngày 3-4 đã ký ban hành kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A (H7N9) năm 2017 trên phạm vi toàn thành phố.
Trước mắt, UBND TP yêu cầu Ban quản lý an toàn thực phẩm TP chủ động phối hợp kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở chế biến tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn. Xử lý nghiêm trường hợp sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc… (Tuổi trẻ, trang 2).