Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 4/4/2019

  • |
T5g.org.vn - Áp lực học hành khiến nhiều trẻ em bị viêm loét thủng dạ dày; Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng khó khăn; Khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần liên quan đến stress...

 

Xây dựng y tế cơ sở là nền tảng

Bộ Y tế đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ trong cả cơ chế và phương thức hoạt động để y tế cơ sở là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Y tế cơ sở không chỉ là tuyến đầu trong phòng bệnh, mà còn chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện và lồng ghép.

Đến nay, Bộ Y tế đã giao nhiệm vụ cho y tế cơ sở theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện (nếu chưa đủ năng lực cần tổ chức tập huấn ngay); thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Ðồng thời hoàn thiện, thống nhất mô hình tổ chức trung tâm y tế tuyến huyện theo mô hình đa chức năng để gắn phòng bệnh với chữa bệnh, quản lý trực tiếp trạm y tế xã.

Tài chính cho y tế cơ sở cũng từng bước đổi mới về phương thức chi trả; ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Ðồng thời, tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị. Tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để bổ sung nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho viên chức y tế cơ sở. Phân loại các trạm y tế xã để đầu tư không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Ðáng chú ý, triển khai quyết liệt các giải pháp về phát triển y tế cơ sở được nêu trong Quyết định số 2348/QÐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Trong đó, tập trung hoàn thành mô hình 26 trạm y tế xã điểm tại tám tỉnh, thành phố hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trước khi nhân rộng ra cả nước. Cùng với đó là việc triển khai các khóa đào tạo về y học gia đình, quản lý các bệnh mạn tính không lây… tại các trạm y tế xã điểm. Ðến nay, qua khảo sát, các trạm y tế xã điểm đã bước đầu được sắp xếp lại công năng, sửa chữa, nâng cấp, thay đổi nội thất, trang bị thêm máy tính, mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế theo danh mục và nhu cầu sử dụng. Các cơ quan chức năng cũng ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp; cung cấp phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, kết nối thanh toán bảo hiểm y tế và quản lý, báo cáo thống kê hoạt động của trạm… Nhờ đó, các nhiệm vụ của trạm y tế bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.

Lần đầu tiên việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Hơn 11.400 trạm y tế xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Nhiều trạm y tế đã lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cá nhân, trong đó Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đã lập hồ sơ quản lý khoảng 85% dân số. Phần lớn các trạm y tế đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm như: tâm thần phân liệt; động kinh và bước đầu quản lý người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.

Tuy nhiên hiện nay, y tế tuyến xã vẫn chưa phát huy được hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ. Do vậy, trong giai đoạn tới, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân"; bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần mà không phải chịu khó khăn về tài chính. Trước hết, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Ðồng thời triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng của y tế cơ sở như: luân phiên cán bộ từ huyện về tuyến dưới tham gia khám, chữa bệnh; đưa cán bộ các trạm y tế xã lên tuyến trên, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến quản lý sức khỏe toàn dân... Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện, người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí; được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe…

Theo kế hoạch đến hết quý I năm 2019, giải quyết cơ bản về cán bộ và trang thiết bị y tế cho 26 trạm y tế xã điểm. Lộ trình đến năm 2025 bảo đảm khoảng 70% số trạm y tế được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và đến năm 2030, toàn bộ các trạm y tế trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này. (Nhân dân, trang 5)

 

Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng khó khăn

Cách xa trung tâm, thiếu thốn nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng với sự nỗ lực của tập thể và từng cá nhân, những năm qua Trung tâm Y tế huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc trên địa bàn, mang lại niềm tin vào cuộc sống cho mỗi người bệnh.

Nằm bên ngoài phòng hồi sức, dù mệt nhưng chị Lương Thu Hà, dân tộc Dao, trú tại xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên vẫn không rời mắt khỏi khe cửa hẹp nhìn vào bên trong, nơi con chị đang được các thầy thuốc chăm sóc, nuôi dưỡng. Chị Hà kể, cách đây một tuần, chị chuyển dạ sinh đứa con đầu lòng thiếu tháng. Do còn nhiều hủ tục lạc hậu, phụ nữ Dao vẫn sinh con tại nhà, nên chị bị băng huyết, mất nhiều máu, nguy cơ tử vong cao. Chị được người nhà đưa thẳng vào Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi, thuộc Trung tâm Y tế huyện Văn Yên. Các bác sĩ đã kịp thời tiến hành ca mổ để cứu mẹ và con. Tuy nhiên, do cháu bé chưa đủ tháng, nhiều chỉ số sinh tồn kém. Rất may, sau một tuần được các cán bộ y tế chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt, sức khỏe cháu bé tiến bộ từng ngày, đã dần ổn định. Chị Hà nhớ lại: Lúc đấy con yếu quá, thậm chí chưa có nhịp tim, nhưng nhờ bác sĩ mà giờ bé khỏe rồi, cũng sắp được xuất viện.

Người cứu cả hai mẹ con chị Hà qua cơn nguy kịch là bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Thủy và những cán bộ, thầy thuốc Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi. Khoa hiện có 24 cán bộ, nhân viên; trong số chín bác sĩ có ba người có trình độ sau đại học, một tỷ lệ khá cao đối với một đơn vị y tế ở vùng khó khăn. Mỗi năm, Khoa tiến hành cấp cứu, chữa trị bệnh cho hàng nghìn người, riêng năm 2018 đã khám hơn 12 nghìn lượt bệnh nhi, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Xa Phó, Tày… Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, khi bệnh tình nặng người dân mới đến bệnh viện và "đích đến" cũng phần lớn là Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi. Trong số đó không ít là người bệnh nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến bệnh viện chỉ có hai bàn tay trắng. Gặp những trường hợp như vậy, không chỉ tập trung điều trị bệnh, các cán bộ, y sĩ, bác sĩ tại đây còn quyên góp và vận động quyên góp tài chính để giúp đỡ họ.

Kể lại những kỷ niệm trong 10 năm công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Nhẫn nhớ nhất là ca cấp cứu cho cháu bé người Mông từ xã Nà Hẩu (cách bệnh viện 30 km). Cháu bé được bố đưa đến trong thời tiết lạnh buốt mà chỉ có cái khăn bông nhỏ quấn quanh, không có tiền ăn, không có tài sản gì mang theo. Ðiều dưỡng viên Nhẫn đã đứng ra quyên góp tiền, rồi tự mua thức ăn, đồ uống về chăm sóc cháu bé trong những ngày nằm viện. Khi ra viện, hai bố con cứ ứa nước mắt không nói được điều gì. Cũng có lần, Khoa chăm sóc một trẻ sơ sinh nặng hơn 1 kg, khi xuất viện bố mẹ đặt luôn tên cho con theo tên bác sĩ. Bác sĩ Ðoàn Vân cũng từng cấp cứu một trẻ nhà ở xã Yên Hợp chỉ nặng 1,9 kg, và từ lúc bé xuất viện đến nay, chị trở thành mẹ nuôi của bé.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Nhi cho biết: Hiện nay, bác sĩ và nhân viên y tế đơn vị đã làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến trong cấp cứu, điều trị như: lọc máu chu kỳ, lọc máu cấp cứu, cấp cứu sốc nhiễm khuẩn, sốc điện điều trị cho người bệnh loạn nhịp tim… Qua đó, đã điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, hiểm nghèo; nhiều trường hợp không đủ thời gian để chuyển lên tuyến trên như sốc chấn thương, sốc nhiễm khuẩn, suy hô hấp sơ sinh, nhồi máu cơ tim. Cuối tháng 12-2018, đơn nguyên Thận nhân tạo của Trung tâm đi vào hoạt động, là địa chỉ tin cậy giúp 250 người bệnh suy thận mạn tính trên địa bàn không phải thường xuyên lên tuyến trên thực hiện lọc máu chu kỳ.

Để có được như ngày hôm nay, Khoa đã chủ động bố trí cho cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động, khóa học tiếp cận với khoa học, kỹ thuật mới, như việc cử các nhóm, kíp đi học ở tuyến trên tại các bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, Nhi T.Ư, đa khoa tỉnh Yên Bái…, học từng gói kỹ thuật một về áp dụng tại đơn vị. Từ đó, các cán bộ, y bác sĩ trong Khoa không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. (Nhân dân, trang 5)

 

Có bệnh phải đến bệnh viện!

Trong buổi pháp thoại mới đây ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), bác sĩ Nguyễn Hồng Phong công tác tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra lời khuyên người bệnh đến chùa chữa bệnh. Những chia sẻ đó đã gây hiểu nhầm, thậm chí là bức xúc trong dư luận xã hội, buộc bác sĩ này phải lên tiếng xin lỗi các đồng nghiệp và người dân. Thực tế đến nay, hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học để nói rằng việc lên chùa cúng bái là chữa được bệnh!

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học - kỹ thuật và trình độ chuyên môn của người thầy thuốc mà nhiều loại bệnh được phát hiện, điều trị thành công, trong đó có cả những bệnh trước đây xếp vào loại nan y, bác sĩ bó tay. Như nhờ kỹ thuật ghép tạng ngày càng được nâng cao, một người không may chết não hiến tạng, các bác sĩ có thể lấy tim, gan, thận… để ghép, cứu sống sáu người khác. Hay như trước đây, khi mắc ung thư thì người bệnh gần như không qua khỏi, còn ngày nay, người mắc bệnh này được phát hiện ở giai đoạn sớm thì phần lớn các ca bệnh đều được chữa khỏi… Các bác sĩ khẳng định việc cho rằng lên chùa cúng bái mà chữa khỏi bệnh ung thư là phản khoa học, là lừa đảo, trục lợi trên nỗi đau của người bệnh.

Chính vì thế, khi có bệnh, người dân cần đến bệnh viện để khám và điều trị theo đúng liệu trình của người thầy thuốc đưa ra, đồng thời nên đi kiểm tra định kỳ tầm soát phát hiện, điều trị sớm bệnh. Hiện nay, các bệnh viện tuyến cuối như: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, K… đã có đầy đủ các chuyên ngành để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. Ðáng chú ý, với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng mà Việt Nam có nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán sớm cũng như trong điều trị bệnh... Do vậy, việc chạy theo cách chữa bệnh mê tín sẽ làm cho người bệnh bỏ qua "cơ hội vàng" giúp phát hiện và chữa trị sớm, càng để lâu, bệnh nặng, khó cứu chữa. (Nhân dân, trang 5)

 

Khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần liên quan đến stress

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo rối loạn liên quan đến stress và những gánh nặng do Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức chiều 3-4.

Theo Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, các rối loạn liên quan đến stress ngày càng gia tăng. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, nếu cách đây 15-20 năm, trung bình chỉ tiếp nhận từ 1 đến 2 bệnh nhân/ngày, thì nay mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám về các vấn đề rối loạn tâm lý, tâm thần, căng thẳng do stress, trong đó có nhiều bệnh nhân đang ở độ tuổi đi học.

Bác sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress (Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia) cho biết, nhiều thanh, thiếu niên đến khám có hành vi tự hủy hoại bản thân, cưỡng bức bản thân như: Dứt mảng tóc, cào xước chân tay... vì căng thẳng học hành. Điều đáng nói, trong số đó có rất nhiều trẻ là học sinh giỏi, học ở những trường chuyên, lớp chọn. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Bé trai 12 tuổi bị thủng ngực do điện thoại nổ

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết, vừa cấp cứu thành công bé trai 12 tuổi bị đa chấn thương nặng do điện thoại phát nổ khi đang sạc pin...

Ngày 2-4, Khoa ngoại Tổng hợp và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Điện Biên tiếp nhận bệnh nhi Sùng A Tuấn (12 tuổi, ở huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) bị bỏng hai bàn tay, bụng, ngực trái và mặt trái. Bên ngực trái của bệnh nhi có một vết rách xuyên thấu cơ hoành xuống bụng. Vết thương khiến bệnh nhi đau đớn, khó thở, thở nhanh.

Theo BS Quàng Xuân Ngọc, Khoa ngoại Tổng hợp và chấn thương chỉnh hình, kết quả chẩn đoán bệnh nhi bị tràn khí trung thất, tràn dịch màng phổi trái, vết thủng xuyên thấu ngực, khoang bụng, cơ hoành.

Sau khi hội chẩn, bệnh viện chỉ định phẫu thuật dẫn lưu dịch và khí màng phổi; mổ ổ bụng khâu lỗ thủng cơ hoành. Tuy nhiên trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ thấy tổn thương bên trong của bệnh nhân nặng hơn, vết thủng kéo từ ngoài qua cơ liên sườn vào màng phổi, qua cơ hoành đến gan và thanh mạc dạ dày.

Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, khoảng 19h ngày 1-4, sau khi cả nhà ăn cơm tối xong thì cháu Tuấn cầm điện thoại chơi khi đang sạc pin. Lúc điện thoại phát nổ, Tuấn kêu lên thì mọi người mới biết.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phẫu thuật cho một nam thiếu niên 13 tuổi bị mất bàn tay do điện thoại phát nổ khi đang sạc pin. Theo khuyến cáo của bác sĩ, để đảm bảo an toàn, không nên sử dụng sạc điện thoại không rõ nguồn gốc, đặc biệt điện thoại khi đang sạc pin thì không sử dụng. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Áp lực học hành khiến nhiều trẻ em bị viêm loét thủng dạ dày

Mới đây, một bệnh nhi 15 tuổi vào bệnh viện Đại học Y cấp cứu cấp cứu vì thủng dạ dày. Các bác sĩ cho biết em bị áp lực nhiều quá do học hành.

Gia tăng trẻ bị viêm loét dạ dày

Theo TS. BS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương, tại khoa số trẻ đến điều trị bị mắc viêm dạ dày chiếm đến 1/3.

Ví dụ, trường hợp của em Trần Anh M (13 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài phân đen, hay nôn ói. Bác sĩ nội soi kiểm tra dạ dày thì phát hiện có vết loét dạ dày to gây xuất huyết tiêu hoá.

Bố của bé cho biết từ vài năm nay con hay kêu đau bụng nhưng chỉ nghĩ là bệnh giun nên cho dùng thuốc sổ giun. So với bạn bè lúc nào bé M cũng yếu ớt, da xanh, nhợt nhạt nhưng gia đình chủ quan ngại đi khám. Khi bác sĩ cho biết bé bị loét dạ dày, bố mẹ của M đều bất ngờ.

Trẻ nhỏ bị viêm loét dạ dày có triệu chứng đau bụng, chiếm 64,5% các trường hợp loét; đau thượng vị; đau quanh rốn hoặc toàn bụng; đau có liên quan tới bữa ăn; đau có thể giảm sau khi ăn.

Đặc điểm cơn đau, trẻ thường đau vào nửa đêm hoặc đầu buổi sáng. Đau nhiều đợt, tái diễn, thường đau bụng là lý do khiến người nhà đưa các cháu đi khám. Trẻ bị nôn tái diễn, liên quan đến bữa ăn.

Nhiều trường hợp nặng xuất huyết đường tiêu hóa: Trẻ có thể nôn ra máu và ỉa phân đen, bệnh cảnh có thể xảy ra ồ ạt cấp tính hoặc diễn biến từ từ, kéo dài.

Đặc biệt nhiều trẻ vào viện trong tình trạng thiếu máu, do chảy máu kín đáo nhưng có khi thiếu máu nặng, cấp tính gây sốc. Một số trường hợp biểu hiện kín đáo, chỉ thiếu máu là triệu chứng nổi bật, chẩn đoán ban đầu thường là thiếu máu chưa rõ nguyên nhân.

GS Mai Trọng Khoa – Nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em không phải hiếm. Nhiều năm trước người ta quan niệm bệnh chỉ có ở người lớn nhưng giờ đây trẻ nhỏ bị cũng nhiều.

Bệnh có thể biểu hiện bằng tình trạng xuất huyết tiêu hoá cấp tính như nôn ra máu hoặc ỉa phân đen kèm theo đau bụng và tình trạng thiếu máu cấp tính. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong do tình trạng thiếu máu.

Nhưng cũng có thể diễn biến từ từ trong thể loét tiên phát thường gặp ở trẻ lớn, đặc biệt là trẻ > 6 tuổi, biểu hiện lâm sàng chính gần giống ngưới lớn nhưng ít điển hình hơn.

Không riêng viêm loét dạ dày, theo GS Khoa tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ em cũng càng ngày càng tăng làm tăng tỷ lệ những người mắc trẻ. Số lượng bênh nhân ung thư trẻ em mắc nên tỷ lệ tăng.

Thực tế, GS Khoa cho biết ông gặp rất nhiều cháu bé bị viêm dạ dày sớm mà ngày xưa không gặp. Có cháu bé mới vài tuổi đã loét dạ dày mà những vết loét sâu tưởng chừng chỉ có ở người lớn.

Nguyên nhân do đâu?

Theo GS Khoa nguyên nhân gây ra tình trạng viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ do áp lực như người lớn chỉ một phần.

Có một bệnh nhân GS Khoa điều trị cháu bé ăn uống vô tội vạ chỉ ăn đồ ăn nhanh, nước ngọt và dạ dày lúc nào cũng trong tình trạng quá tải dẫn tới viêm dạ dày.

Đặc biệt, không hiếm cháu bé được cha mẹ cho tiền ăn sáng không ăn mà mua đồ ăn vặt ăn thay thế các thực phẩm chua, cay, mặn, ngọt đủ cả.

"Do xu hướng phát triển của xã hội, bố mẹ công nghiệp hoá không ai quan tâm tới con mà cho con ăn fastfood, sự kiểm soát giáo dục của gia đình và bố mẹ ít. Công nghiệp hoá trong thực phẩm thức ăn nhanh, chiên rán nhiều cũng là yếu tố làm tăng tình trạng viêm loét dạ dày ở trẻ nhỏ", GS Khoa cho biết.

Ngoài ra, trong các nghiên cứu gần đây, ngày càng thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa tỉ lệ mắc bệnh, tần xuất tái phát viêm loét dạ dày-tá tràng với tình trạng nhiễm HP.

Đường nhiễm HP chủ yếu qua con đường ăn uống. Ngoài ra, còn đường chất nôn, đư­ờng dạ dày. Tỉ lệ nhiễm liên quan đến vệ sinh môi tr­ường và ăn uống. Trong khi đó, trẻ nhỏ học bán trú cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn này khiến tình trạng viêm loét dạ dày nhiều hơn.

Khi trẻ bị viêm loét dạ dày phải điều trị triệt để giảm nguy cơ thủng dạ dày cũng như hẹp môn vị (yếu tố có thể dẫn tới ung thư dạ dày). (Gia đình & Xã hội, trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang