Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Viện trưởng về hưu, bác sĩ và bệnh nhân cùng khóc: "Tôi không nghĩ mình làm tốt thì phải ở lại thêm"; Không chủ quan dù dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm; Chuyển giao nhiều kỹ thuật cao lĩnh vực tim mạch; ...

 

Viện trưởng về hưu, bác sĩ và bệnh nhân cùng khóc: "Tôi không nghĩ mình làm tốt thì phải ở lại thêm"

Tối 3-10, GS.TS Nguyễn Anh Trí, vị Viện trưởng về hưu khiến cả Viện Huyết học Truyền máu Trung ương khóc vì tiếc nuối trong buổi chia tay, đã có những chia sẻ đầu tiên với báo chí về 4 ngày nghỉ hưu vừa qua của mình. Tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec - nơi ông sẽ về công tác sau khi nghỉ hưu, ông chia sẻ, 4 ngày qua, trong ông có buồn, chống chếnh, có tự hào và cả những dự định mới.

“Tôi vui vẻ nghỉ hưu chứ không nghĩ mình làm tốt thì phải được ở lại thêm”

Đã từ lâu, GS.TS Nguyễn Anh Trí được tôn vinh là kiến trúc sư trưởng của ngành huyết học, truyền máu Việt Nam. Ông là người đã xây dựng nên phong trào hiến máu nhân đạo phát triển sâu rộng như hiện nay và xây dựng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương thành một cơ sở điều trị các bệnh về máu uy tín hàng đầu của cả nước.

Ngày chia tay Viện về nghỉ hưu hôm 2-10 vừa qua, hàng trăm nhân viên y tế và cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Viện đã xếp hàng chào ông trong nước mắt tiếc nuối. Bản thân vị GS từng có 14 năm làm Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng không giấu được nỗi buồn.

Ông kể, trước ngày về hưu ông rất buồn và chênh vênh vì vẫn rất nặng lòng với người bệnh, với nơi mà ông đã gắn bó suốt 30 năm qua, trong đó có gần một nửa thời gian ở cương vị Viện trưởng, Với ông, Viện Huyết học Truyền máu không chỉ là cơ quan mà là ngôi nhà thứ hai, nơi làm nên con người ông như ngày hôm nay.

Trong 4 ngày đầu nghỉ hưu, cuộc sống của vị Giáo sư đầu ngành về lĩnh vực huyết học truyền máu có nhiều đảo lộn. Ông nhận được rất nhiều lời hỏi thăm, chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp, nhân viên cũ và cả bệnh nhân. Thậm chí, cứ 10 - 15 giây điện thoại của ông lại báo có tin nhắn từ Facebook, Zalo, Email... chia sẻ của mọi người.

GS Nguyễn Anh Trí kể, rất nhiều người gọi điện, nhắn tin, bày tỏ sự tiếc nuối khi ông nghỉ hưu. Thậm chí, có người còn đề nghị ông thế này, thế nọ, trách ông sao không xin ở lại Viện thêm vài năm nữa vì ông đang làm rất tốt. Ông tôn trọng các ý kiến đó nhưng cũng muốn mọi người chia sẻ và hiểu rõ, đây chỉ là những ý kiến của riêng họ.

“Tôi năm nay 60 tuổi và về hưu theo quy định của pháp luật, Nhà nước. Tôi rất vui vẻ, thoải mái chấp hành, vì, mình đã hoàn thành tốt công việc của mình như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế là “Giáo sư Trí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và tôi cho rằng, mọi người cũng đánh giá như vậy” – GS Nguyễn Anh Trí kể, đồng thời chia sẻ ông không bao giờ nghĩ mình làm được như thế thì phải xin được ở lại vài năm để tiếp tục công tác, quản lý.

Hơn nữa, nghỉ hưu là rời vị trí quản lý tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương chứ không phải nghỉ hưu là nghỉ công tác. GS Nguyễn Anh Trí cho biết, ông đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV, giờ khi đã về hưu là điều kiện để ông có thời gian làm tốt trách nhiệm ĐBQH của mình. Ngoài ra còn rất nhiều công việc, dự định khác mà ông sẽ làm như nghiên cứu, thiện nguyện, giúp đỡ mọi người.

“Tôi yêu cầu tất cả bác sĩ coi bệnh nhân là người nhà của Viện trưởng”

Những hình ảnh đồng nghiệp, cán bộ bác sĩ trong viện, bảo vệ bệnh viện, người nhà bệnh nhân, các bệnh nhi đang điều trị tại viện nức nở khóc, ôm trầm lấy GS Nguyễn Anh Trí trong tiếc nuối khi chia tay người Viện trưởng về nghỉ hưu hôm 2-10 không chỉ gây xúc động mạnh với tất cả người chứng kiến mà còn tạo ra một cơn “bão mạng”. Thậm chí còn có những ý kiến cho rằng các hình ảnh đó có yếu tố dàn dựng.

Chia sẻ về vấn đề này, vị giáo sư đáng kính chỉ nói đơn giản rằng: “Bố trí hàng trăm người xếp hàng trong buổi chia tay thì không khó nhưng những giọt nước mắt của mọi người, của hàng trăm người thì không ai có thể dàn dựng được”.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu trung ương, tình cảm với bệnh nhân mà ông có được như vậy là do nhiều năm qua ông luôn yêu cầu cán bộ nhân viên y tế của Viện phải đối xử với người bệnh như người nhà của Viện trưởng.

“Khi bệnh nhân đến các cơ sở y tế thường nhờ cậy các mối quan hệ quen biết để được quan tâm hơn. Ở một cơ sở y tế công lập bất kỳ nếu bệnh nhân đó là người nhà của Giám đốc, hay Trưởng khoa của bệnh viện, đương nhiên sẽ được nhân viên y tế quan tâm hơn. Do vậy, tôi đã tự nhân tất cả bệnh nhân của Viện là người nhà của tôi để các nhân viên y tế tự thấy trách nhiệm của bản thân với người bệnh” – GS Nguyễn Anh Trí kể.

“Với tôi, mỗi yêu cầu hay kiến nghị của bệnh nhân và người nhà đều là mệnh lệnh, dù bận hay không, dù giúp được hay chưa tôi đều thực hiện với tất cả cố gắng nỗ lực của bản thân” – GS Trí trải lòng thêm.

dù ở bất cứ cương vị nào, vai trò gì ông cũng sẽ làm hết mình. “Cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ, tôi sẽ cống hiến bằng tất cả trái tim và tấm lòng của mình. Tôi cũng rất mãn nguyện, mãn nguyện với công việc và với những gì đã đạt được với Viện Huyết học. Tôi rất tự hào và vinh dự, xin cảm ơn tất cả vì điều đó", GS Trí nói. (An ninh thủ đô, trang 7; Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 4/ 10, trang 13).

 

Không chủ quan dù dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm

Chiều 4-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của thành phố đã chủ trì giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Báo cáo về tình hình dịch bệnh, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 7 tuần gần đây. Cụ thể, trong tuần qua (từ ngày 25-9 đến 1-10), thành phố ghi nhận 1.228 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 376 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.341 trường hợp so với tuần cao điểm trong tháng 8-2017). 

Trong đó, 23/30 quận, huyện có số mắc giảm; 4/30 quận, huyện có số mắc tăng (gồm: Mỹ Đức, Mê Linh, Thường Tín và Long Biên); 3 quận, huyện có số mắc tương đương tuần trước (gồm: Đan Phượng, Hoàn Kiếm và Ứng Hòa). Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 31.902 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, qua nghiên cứu tình hình dịch sốt xuất huyết 5 năm gần đây, trung bình số mắc tăng cao vào tháng 11 với khoảng 500 ca mắc/tuần. Do đó, dù số ca mắc vào thời điểm hiện tại đã giảm nhưng số mắc trung bình/ngày so với những năm trước vẫn còn ở mức cao (175 bệnh nhân/ngày). Nếu việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trùng xuống thì nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn bùng phát trở lại. Vì vậy, trong tuần tới, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục duy trì đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, rà soát lại tất cả các hoạt động chống dịch để điều chỉnh, khắc phục những tồn tại, đồng thời hạn chế thấp nhất tỷ lệ còn ổ bọ gậy, tỷ lệ phun hóa chất không triệt để. Đặc biệt, với những quận, huyện có số mắc cao (hơn 100 bệnh nhân/tuần) phải tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm các ổ dịch quy mô xã, phường và các ổ dịch phức tạp, kéo dài. Hy vọng trong 3 tuần tới, dịch sốt xuất huyết được kiểm soát, số mắc giảm xuống chỉ còn khoảng 70 ca mắc/ngày.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm mạnh trong tuần qua, như vậy, công tác phòng, chống dịch đã đạt được hiệu quả.

Tuy nhiên, số lượng ca mắc hiện vẫn ở mức 175 bệnh nhân/ngày, hơn 1.200 ca mắc/tuần, cao hơn nhiều so với đỉnh dịch của những năm trước. Qua kiểm tra, nhiều nơi vẫn triển khai công tác phòng, chống dịch chưa tốt. Cụ thể, 7/15 điểm phun thuốc không triệt để, 8/15 điểm có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy (hơn 20% số hộ).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, thời tiết hiện nay mưa nhiều, tạo thuận lợi cho muỗi phát triển. Thêm vào đó, chu kỳ dịch thường diễn ra vào cuối tháng 10 nên nguy cơ dịch có khả năng bùng phát nếu chúng ta không quyết liệt.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu, các quận, huyện, xã, phường tuyệt đối không được chủ quan và yên tâm trước xu thế ca mắc giảm như hiện nay; đồng thời đề nghị toàn thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt 7 biện pháp phòng, chống dịch, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm các ổ dịch, tổ chức phun thuốc triệt để, đúng quy định, đúng liều lượng và thời gian, thực hiện tốt việc diệt bọ gậy tại hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học... (Hà nội mới trang 1).

 

Chuyển giao nhiều kỹ thuật cao lĩnh vực tim mạch

5 năm qua, với vai trò là bệnh viện đầu ngành, bệnh viện hạt nhân, Bệnh viện Tim Hà Nội đã chuyển giao cho các bệnh viện vệ tinh cũng như các đơn vị trên địa bàn Hà Nội nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực tim mạch. Nhờ đó, góp phần xây dựng mạng lưới cơ sở y tế chuyên ngành tim mạch, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Tính đến thời điểm này, Bệnh viện Tim Hà Nội đã, đang thực hiện hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện của 35 tỉnh, thành phố, trong đó có 16 bệnh viện tham gia với vai trò là bệnh viện vệ tinh. 16 bệnh viện vệ tinh này đều được khảo sát tình hình thực tế (nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất) để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đến nay kỹ thuật nội tim mạch được chuyển giao cho 15 bệnh viện vệ tinh (với 158 bác sĩ và 52 điều dưỡng); kỹ thuật can thiệp tim mạch được chuyển giao cho 13 bệnh viện vệ tinh (149 bác sĩ, 51 điều dưỡng)... Nhiều đơn vị sau khi tiếp nhận đã đi vào hoạt động và đem lại kết quả tốt như bệnh viện đa khoa các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên... Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã tiếp nhận chuyển giao và triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật tim mạch. Được Bộ Y tế giao, Bệnh viện Tim Hà Nội đang tích cực hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thuộc các tỉnh: Yên Bái, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình ứng dụng các kỹ thuật như nội tim mạch, can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim mạch, siêu âm tim; điện tâm đồ trong thực hành lâm sàng, holter điện tâm đồ...

Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyên môn với 29 bệnh viện. Hàng loạt kỹ thuật cao đang được chuyển giao như: kỹ thuật phẫu thuật tim hở cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; kỹ thuật tim mạch can thiệp, siêu âm tim cho Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh); kỹ thuật can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình; kỹ thuật nội tim mạch cho các bệnh viện: Việt Nam -Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh); A Thái Nguyên, Y học cổ truyền Quân đội, Gang thép Thái Nguyên.

Ngoài hỗ trợ bệnh viện vệ tinh các kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu, theo đề xuất của các địa phương, thời gian qua Bệnh viện Tim Hà Nội còn hỗ trợ quản lý bệnh tăng huyết áp và bệnh tim mạch cho y tế cơ sở thuộc Hà Nội và một số tỉnh, thành phố như Long An, Khánh Hòa, Quảng Nam và sắp tới là Nghệ An, Hải Dương, Phú Thọ. Hàng loạt các khóa tập huấn về mô hình quản lý tăng huyết áp; cập nhật chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp; chẩn đoán, điều trị các bệnh tim mạch ở tuyến cơ sở... được tổ chức cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã. Đến nay Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện thành công công tác chỉ đạo tuyến theo mô hình bác sĩ gia đình tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Bệnh viện đã cử nhiều lượt bác sĩ về phối hợp trung tâm thực hiện khám sàng lọc, lập hồ sơ quản lý bệnh tăng huyết áp cho người dân; tổ chức các lớp đọc điện tim, điều trị tim mạch, tăng huyết áp, siêu âm tim... Do chú trọng hình thức đào tạo chuyển giao kỹ thuật, cho nên khi bác sĩ tuyến trên rút thì cán bộ y tế tuyến dưới vẫn đảm nhiệm được công việc quản lý, điều trị cho người bệnh. Với cách làm này, đến nay 33 nghìn trong tổng số hơn 34 nghìn người cao tuổi trên địa bàn huyện Sóc Sơn được lập hồ sơ quản lý sức khỏe (đạt 97,4%). Trung tâm đã lập bệnh án quản lý cho hơn 38 nghìn người mắc bệnh mạn tính, trong đó có hơn 11 nghìn người mắc bệnh tăng huyết áp; đồng thời thí điểm thành lập mô hình câu lạc bộ phòng chống tăng huyết áp tại một số xã; thực hiện chuyển tuyến y học gia đình với một số người bệnh có nhu cầu (chuyển thẳng, liên lạc trước, phản hồi thông tin) lên Bệnh viện Tim Hà Nội và một số bệnh viện chuyên khoa... Với điều kiện y tế của nước ta hiện nay, mô hình này khá phù hợp vì đã cải thiện năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người mắc các bệnh về tim mạch, cũng như các bệnh mãn tính.

PGS, TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho rằng nhờ sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến trên, đội ngũ y bác sĩ của các bệnh viện vệ tinh đến nay đã hoàn toàn tự tin làm chủ những kỹ thuật can thiệp tim mạch, siêu âm tim, mạch máu... Điều này trước tiên mang lại lợi ích cho người bệnh và gia đình. Họ không chỉ được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà còn giảm được chi phí đi lại, ăn ở so với việc lên tuyến trên. Quan trọng hơn là với đặc thù bệnh tim mạch, việc vận chuyển đường dài lên tuyến trên dễ xảy ra rủi ro cho người bệnh.

Hiện nay tỷ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch ngày một tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đáng lo ngại, tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa và là bệnh dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, phình tách động mạch chủ, tổn thương mắt, não, thận, tai biến mạch máu... Ở nước ta, trung bình, cứ bốn người lớn có ít nhất một đến hai người mang nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, sự gia tăng tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, thiếu vận động, dinh dưỡng không hợp lý), ô nhiễm môi trường… đang là các yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh tim mạch. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật theo kế hoạch đã xây dựng, trong đó ưu tiên nâng cao chất lượng chuyên môn lĩnh vực tim mạch trên năm lĩnh vực: Nội khoa tim mạch; tim mạch can thiệp; phẫu thuật tim mạch; tim mạch chuyển hóa, tim mạch nhi. (Nhân dân trang 5).

 

Phát hiện ba phòng khám nha khoa hoạt động không phép

Ngày 4-10, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết từ phản ánh của người dân, Thanh tra Sở đã kiểm tra đột xuất ba cơ sở Phòng khám nha khoa Ánh Linh (57 Bành Văn Trân, P.7), Phòng khám chuyên khoa Răng Hàm Mặt Phương An (95 Bàu Cát, P.14) và Phòng khám nha khoa Nhân Tâm (22 Phạm Văn Bạch, P.15). Cả ba cơ sở đều không xuất trình được giấy phép hoạt động, các cá nhân tham gia điều trị cho bệnh nhân không xuất trình được chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn. Thanh tra Sở đã xác lập hành vi vi phạm hành chính đối với các cá nhân liên quan, yêu cầu ba phòng khám trên ngưng ngay hoạt động khám chữa bệnh và che chắn biển hiệu cho đến khi bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý. Đồng thời, mời các cá nhân vi phạm lên làm việc. (Nhân dân trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang