Chủ nhật đỏ 2017 sẽ được triển khai tại 25 tỉnh, thành phố
Sáng 4-1, Ban tổ chức chương trình Chủ nhật đỏ 2017 tổ chức họp báo, công bố sự kiện đầy ý nghĩa sẽ được triển khai thời gian tới, nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế trong dịp giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền phong, Trưởng Ban tổ chức Chủ nhật đỏ 2017 cho biết: Năm 2017, Chủ nhật đỏ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các ban, bộ, ngành, nhất là sự vào cuộc của 25 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Đác Lắc, Khánh Hòa, Đồng Nai cùng các đơn vị trong lực lượng vũ trang như Học viện Hậu Cần, Công an TP Hà Nội…
Năm nay, sức hấp dẫn của Chủ nhật đỏ đã lan tỏa tới các doanh nghiệp và cả doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài như Trung tâm thương mại AEon Mall và cả người nước ngoài tham gia hiến máu.
Tổng số sẽ có hơn 40 ngày hội hiến máu sẽ được đồng loạt tổ chức tại các địa phương, đơn vị. Ban tổ chức dự kiến tiếp nhận khoảng 25.000 đơn vị máu. Trong đó nhiều tỉnh, thành phố sẽ phấn đấu tiếp nhận hơn 1.000 đơn vị như: Hà Nội (7.000 đơn vị), TP Hồ Chí Minh (3.000 đơn vị), Đác Lắc (2.500 đơn vị), Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng đều đăng ký trên 1.000 đơn vị...
Tại Chủ nhật đỏ năm nay, Trường đại học Văn hiến TP Hồ Chí Minh dự định sẽ lập một kỷ lục là “đạt 3.000 đơn vị máu tại một điểm trong một lần tổ chức”.
Ngoài hoạt động trọng tâm là hiến máu tình nguyện, Ban tổ chức cũng đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho bệnh nhân cần truyền máu tại Hà Nội và một số hoạt động thiện nguyện tại địa phương.
Đặc biệt, năm nay “Chủ nhật đỏ” chính thức nằm trong chuỗi hoạt động của Chiến dịch Hiến máu tình nguyện dịp Tết do Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh thành.
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư cho biết, trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 dự kiến cả nước cần khoảng 125 nghìn đơn vị máu để phục vụ công tác điều trị cho người bệnh. Chính vì vậy, chuỗi ngày hội hiến máu Chủ nhật đỏ thật sự là một trong những sự kiện hiến máu quan trọng, góp phần bổ sung một lượng máu lớn vào kho máu dự trữ. Đây cũng là món quà Tết vô cùng ý nghĩa dành cho người bệnh trong dịp Tết đến xuân về.
Chương trình Chủ nhật đỏ 2017 do Báo Tiền phong chủ trì, phối hợp Viện Huyết học - Truyền máu T. Ư, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành phố thực hiện. Trải qua tám năm liên tục tổ chức (2009 – 2016), chuỗi ngày hội hiến máu “Chủ nhật đỏ” đã trở thành một ngày hội hiến máu thường niên và có ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội khi kêu gọi nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân cùng chung tay chia sẻ dòng máu của mình vì những người bệnh cần truyền máu. Xuất phát từ một điểm hiến máu tại Hà Nội với 96 đơn vị máu, đến năm 2016, ngày hội hiến máu Chủ nhật đỏ đã được tổ chức tại 22 tỉnh, thành phố trên cả nước và tiếp nhận được 22.455 đơn vị máu… (Nhân dân trang 5, Công an nhân dân trang 1).
Phát hiện ổ dịch thủy đậu trong khu chế xuất
“Nếu Công ty TNHH Gunze Việt Nam (Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) báo cáo sớm và phối hợp tốt hơn với ngành y tế thì khả năng công nhân mắc thủy đậu không nhiều như thế”. Sáng 3-1, BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) TP.HCM, cho biết.
Chưa đầy một tuần, 31 ca thủy đậu
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm YTDP quận 7, từ ngày 17-11 đến 22-12-2016, Công ty TNHH Gunze Việt Nam ghi nhận tổng cộng 31 ca mắc thủy đậu. Trong đó, 30 ca ở phân xưởng may và một ca ở phân xưởng cắt. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy 12/31 ca không có tiếp xúc với nguồn lây từ cộng đồng trước đó.
“Đây là ổ dịch thủy đậu lây lan trong cùng phân xưởng may của Công ty TNHH Gunze Việt Nam. Do không phát hiện kịp thời ca bệnh đầu tiên nên xuất hiện nhiều ca bệnh thứ phát. Cơ quan y tế cần điều tra dịch tễ thêm tại công ty và cộng đồng để biết chính xác thông tin ca bệnh và diễn tiến lây lan của bệnh” - BS Nguyễn Lê Đăng, Giám đốc Trung tâm YTDP quận 7, nhận định.
Theo BS Đăng, Trung tâm YTDP quận 7 hướng dẫn Công ty TNHH Gunze Việt Nam cho công nhân mắc bệnh được nghỉ và chỉ đi làm trở lại khi có giấy xác nhận hết bệnh của bác sĩ. Bên cạnh đó, nếu phát hiện công nhân đang làm việc có biểu hiện mệt mỏi, sốt thì nên cho nghỉ.
Cũng theo BS Đăng, Trung tâm YTDP quận 7 đề nghị Công ty Gunze Việt Nam thực hiện nghiêm ngặt việc xác minh nguyên nhân nghỉ ốm của công nhân để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc mới. Công ty cũng truyền thông người mắc bệnh không nên tiếp xúc với phụ nữ có thai, trẻ dưới một tuổi và người suy giảm miễn dịch.
Giám sát bệnh qua… điện thoại
Tuy nhiên, theo BS Lê Hồng Nga, chiều 23-12, Công ty TNHH Gunze Việt Nam gọi điện thoại đến Trung tâm YTDP TP.HCM báo nhiều công nhân bị thủy đậu và đề nghị hướng dẫn xử lý. Sau đó, Trung tâm YTDP TP.HCM kết hợp Trung tâm YTDP quận 7 đến công ty này để kiểm tra ổ dịch. Thế nhưng bảo vệ công ty không cho vào với lý do ban giám đốc đi vắng.
Sáng hôm sau (24-12), nhờ sự tác động của Ban Quản lý các KCX và khu công nghiệp (KCN) TP.HCM (HEPZA), công ty này mới mở cổng cho nhân viên y tế vào để điều tra, đánh giá sơ bộ và hướng dẫn xử lý dịch bệnh.
Theo BS Nga, theo quy định, khi phát hiện có hai ca bệnh trong vòng 14 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải báo cáo với ngành y tế và cùng phối hợp xử lý để tránh lây lan. Ca bệnh đầu tiên là ngày 17-11, thế nhưng đến ngày 23-12 Gunze Việt Nam mới báo với ngành y tế. Do báo cáo trễ, lại chỉ cho ngành y tế vào công ty giám sát một lần nên dịch bệnh lây lan khá nhanh.
“Những lần sau đó, công ty trên tiếp tục không cho nhân viên y tế vào để giám sát và đánh giá tình hình bệnh với lý do… dịch bệnh đã hết. Công ty này còn đề nghị cơ quan y tế muốn gì thì trao đổi qua mail hoặc điện thoại” - BS Nga nói.
BS Nga cho biết thêm hiện vụ việc đã được báo cáo với Sở Y tế TP.HCM. Sở đã chỉ đạo Trung tâm YTDP TP phải giám sát thực tế hoạt động phòng, chống bệnh thủy đậu của Công ty TNHH Gunze Việt Nam.
“Sáng mai (4-1), Trung tâm YTDP TP.HCM cùng các cơ quan liên quan sẽ làm việc trực tiếp với Ban quản lý KCX Tân Thuận và Công ty TNHH Gunze Việt Nam để xem công ty này có thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế về phòng ngừa lây lan dịch bệnh thủy đậu hay không” - BS Nga nói.
Theo BS Nga, nếu không thực hiện việc cách ly người bệnh, không khử khuẩn hằng ngày thì nguy cơ gia tăng bệnh thủy đậu sẽ xảy ra không chỉ trong công ty mà còn ngoài cộng đồng. (Pháp luật TP.HCM ngày 4/1 trang 1).
Vi phạm trong kê đơn thuốc kháng sinh sẽ bị xử lý
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ Y tế tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kê đơn thuốc và sử dụng thuốc kháng sinh trong các cơ sở khám chữa bệnh. Có biện pháp giám sát hiệu quả việc chấp hành các quy định này và xử lý nghiêm các vi phạm… (Gia đình & xã hội trang 2, Tiền phong trang 2).
Sắp điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư quy định mức giá tối đa, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương vào giá dịch vụ y tế đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế (hiện giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ mới chỉ tính 4/7 yếu tố). Tiến trình này để bảo đảm bình đẳng, cùng một mức giá giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ; chỉ khác về chi trả. Dự kiến thực hiện vào quý I, đầu quý II/2017. Với việc đưa lương vào tính viện phí, hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh sẽ được điều chỉnh tăng giá. Bộ Y tế cho hay, mục đích của việc điều chỉnh này là nhằm tiến tới BHYT toàn dân… (Tiền phong trang 4, Lao động trang 3).