Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Bác sĩ hướng dẫn 5 bước xử lý cấp cứu ban đầu trong người bị đuối nước; Mùa hè gia tăng bệnh dại: Đừng chết vì chủ quan; Cảnh giác ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng; TP.HCM có phòng khám cấp giấy khống nghỉ bệnh; Phòng xả stress của bệnh nhi không may; TP.HCM lo thiếu thuốc điều trị tay chân miệng nặng

 

Bác sĩ hướng dẫn 5 bước xử lý cấp cứu ban đầu trong người bị đuối nước

Hiện ở Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị một trẻ 6 tuổi bị đuối nước nhưng không được cấp cứu ban đầu đúng cách nên rơi vào nguy kịch.

TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Tại Việt Nam có đến gần 2.000 trẻ em đuối nước mỗi năm, số gặp tai nạn thường tăng vào đầu mùa hè.

Khi gặp người bị đuối nước, vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu, việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của người gặp nạn.

TS.BS Lê Ngọc Duy hướng dẫn các bước cấp cứu đuối nước ở trẻ em như sau:

Bước 1: Gọi trợ giúp: cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115.

Bước 2: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước bằng mọi cách.

Bước 3: Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không.

Bước 4: Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay. Cách hồi sức là:

- Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng. Nếu nghi ngờ trẻ bị chấn thương cổ thì hãy di chuyển trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng; không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm. Nếu không nghi ngờ chấn thương cổ thì giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu – nâng cằm).

Tiến hành hồi sức tim – phổi (CPR) cho trẻ bằng cách:

– Thổi ngạt: Với trẻ nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ. Thổi chậm, đều trong 1- 2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.

– Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực, (trẻ lớn/người lớn có thể dùng hai tay).

Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau. Tốc độ ép tim 100 -120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào trở lại.

Bước 5: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế an toàn: Nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại. Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.

TS.BS Lê Ngọc Duy cũng lưu ý một số sai lầm cần tránh khi cấp cứu trẻ đuối nước:

- Không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt), làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ.

- Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở.

- Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Mùa hè gia tăng bệnh dại: Đừng chết vì chủ quan

Sự việc một phụ nữ 38 tuổi vừa tử vong do bệnh dại sau 3 tháng bị chó cắn và chưa tiêm phòng một lần nữa đã gióng lên hồi chuông báo động về căn bệnh mà đến nay y học chưa có thuốc chữa trị và sự chủ quan trong cộng đồng.

Tử vong do không tiêm phòng

Bệnh nhân nữ nói trên được chuyển từ một bệnh viện ở tỉnh Vĩnh Phúc đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trên địa bàn Hà Nội trong tình trạng sợ nước, sợ gió. Trước khi vào viện 3 tháng, bệnh nhân bị chó cắn vào tay và vùng lưng khi cho chó ăn nhưng đã không đi tiêm phòng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được làm xét nghiệm và có kết quả mắc bệnh dại. Sau đó, tình trạng bệnh nặng hơn, gia đình đã xin cho bệnh nhân về và tử vong tại nhà.

Trước đó, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên và Mê Linh. Cả 2 trường hợp đều có tiền sử bị chó cắn hoặc tham gia giết mổ chó. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại dù nguy hiểm nhưng đã có vắc xin, tuy nhiên hằng năm, thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số tiến bộ trong 10 năm qua, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo, có từ 70 đến 100 ca tử vong do bệnh dại mỗi năm. Riêng năm 2022, nước ta ghi nhận gần 60 ca tử vong do bệnh dại. Trong đó, khu vực miền Bắc chiếm số lượng cao nhất với 23 ca, sau đó đến miền Nam là 20 ca, Tây Nguyên 10 ca và miền Trung 5 ca.

Các chuyên gia y tế đánh giá, khi bị chó cắn, nạn nhân có thể bị ủ bệnh từ 9 ngày tới vài năm. Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vị trí cắn, vị trí đường đi của vi rút dại tấn công lên thần kinh trung ương. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn tâm lý chủ quan không tiêm hoặc tiêm vắc xin rất trễ. Thậm chí, có trường hợp còn đợi chó, mèo chết rồi mới đi tiêm. Nguy hiểm hơn, nhiều người còn quan niệm, bệnh dại có thể chữa bằng thuốc Nam, đắp lá cây, nhờ thầy lang… Hiện chưa có một bài thuốc đông y nào được nghiên cứu và công bố có thể chữa được bệnh dại. Cách phòng và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Song, do tâm lý sợ tác dụng phụ của vắc xin dại là rào cản khiến nhiều người ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm.

Trước thực tế trên, bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC lý giải, các loại vắc xin phòng dại thế hệ mới được sản xuất từ tế bào vero với quy trình khép kín giúp giảm nguy cơ tạp nhiễm, hiện giá kháng thể sau khi tiêm cao gấp 10 lần so với loại vắc xin cũ, không gây biến chứng về hệ thần kinh, không làm suy giảm trí nhớ như lời đồn. Hơn nữa, vắc xin thế hệ mới cũng giảm tối đa các tác dụng phụ tại chỗ như sưng, đau, sốt… so với vắc xin thế hệ cũ.

Tiêm phòng dại càng sớm càng tốt

Mùa hè nắng nóng, có những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương lưu ý, người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành Thú y để phòng, chống bệnh dại. Ngoài ra, người dân không được thả rông chó mèo, phải rọ mõm chó mèo khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chó mèo; diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại.

“Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm vào da tổn thương hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam, đắp lá cây… sau khi bị chó, mèo cắn”, ông Vũ Cao Cương khuyến cáo.

Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính cũng cho rằng, sau khi bị động vật nghi dại cắn, hoặc cào, người dân phải tiêm phòng dại càng sớm càng tốt để cơ thể kịp sinh kháng thể ngăn chặn sự tấn công của vi rút dại. Đặc biệt, vết thương ở đầu, mặt, cổ càng phải tiêm sớm nhất có thể vì đây là những vị trí gần với não bộ. Khi vi rút dại xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh sẽ có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hạ huyết áp, ăn uống khó khăn… và tử vong chỉ sau 1-7 ngày kể từ khi phát bệnh.

“Sau khi bị chó, mèo, động vật nghi dại cắn, cần tiêm vắc xin dại với liệu trình là 5 mũi vào các ngày 0, 3, 7, 14 và 28. Trong trường hợp phơi nhiễm độ III, cần phối hợp tiêm globulin miễn dịch kháng dại. Sau khi tiêm vắc xin dại, cần tránh làm việc quá sức, không uống rượu và các chất kích thích, không được dùng các thuốc ức chế miễn dịch; nếu bắt buộc phải dùng, cần có ý kiến của bác sĩ điều trị”, bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin thêm (Hà Nội mới, trang 5).

 

Cấp học bổng cho người học ngành tâm thần, pháp y, truyền nhiễm

Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi điều chỉnh về hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút nhân lực. Theo đó, nhà nước cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm...
Bộ Y tế mới đây đã tổ chức hội nghị phổ biến luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) sửa đổi đến các sở y tế, các bệnh viện công lập và tư nhân, chú trọng các điểm mới cơ bản sẽ triển khai khi luật có hiệu lực từ 1.1.2024. Theo Bộ Y tế, luật KCB sửa đổi với nhiều điểm mới tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực KCB trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.

GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó chủ tịch phụ trách, điều hành Hội đồng Y khoa quốc gia, cho biết một trong những điểm mới quan trọng trong quản lý người hành nghề là quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện. Đây là một nội dung có ý nghĩa thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khỏe và nâng cao chất lượng người hành nghề.

Về chuyên môn kỹ thuật, luật KCB sửa đổi có các điểm mới như: bổ sung quy định về hoạt động cấp cứu ngoại viện, các nguyên tắc, chính sách của nhà nước về hệ thống cấp cứu ngoại viện, trong đó ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của nhà nước; chi phí vận chuyển cấp cứu trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…

Đáng lưu ý, luật điều chỉnh một số nội dung liên quan đến sai sót chuyên môn và thành lập hội đồng chuyên môn giải quyết tranh chấp trong KCB. Theo đó, trường hợp xảy ra tai biến y khoa với người bệnh, cơ sở KCB có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật KCB sửa đổi điều chỉnh về hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút nhân lực. Theo đó, nhà nước cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu, có kết quả học tập đủ điều kiện (Thanh niên, trang 15).

 

Cảnh giác ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng

Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian gần đây cho thấy nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thực sự cao, trong khi mùa hè là thời điểm thức ăn dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn hơn. Trong điều kiện thời tiết hiện nay, các quy trình, công đoạn sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ ngộ độc.

Các tác nhân gây ngộ độc

Ngay sau sự việc 6 bệnh nhân ngộ độc Botulinum trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đã có 1 người tử vong, thì mới đây 48 người ở Quảng Trị cũng bị ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa tại một tiệc cưới. Hầu hết các bệnh nhân này đều có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy; trong đó có một số người còn bị đau đầu, sốt nhẹ. Kiểm nghiệm mẫu thực phẩm gây ngộ độc, cơ quan chức năng phát hiện trong các mẫu thức ăn và đá viên hiện diện nhiều loài vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm với số lượng lớn. Trong đó, phát hiện chủng Bacillus cereus sinh độc tố trong mẫu bê thui, bò, rau sống và độc tố Staphylococcal enterotoxin trong mẫu cua để làm tiết canh cua, mẫu rau sống.

Theo các chuyên gia y tế, vào mùa hè khi nhiệt độ từ 37 độ C đến 40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Thêm vào đó, thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến... không bảo đảm an toàn vệ sinh cũng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý, mùa hè cũng làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của các loại côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi... Với những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nếu không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn trong chế biến thực phẩm dễ dẫn đến nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Do đó, các loại thực phẩm đều có thể là môi trường cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt với những thực phẩm thuộc nhóm nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, sữa hoặc thực phẩm không được làm sạch, do quá trình sản xuất, vận chuyển bị ô nhiễm. Ngoài ra, một số món ăn như canh, súp hoặc thực phẩm phải chế biến qua nhiều khâu sẽ có nguy cơ “dính” vi khuẩn từ bên ngoài.

Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, với các bếp ăn tập thể, bữa cỗ tập trung đông người như đám cưới, tiệc… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Chẳng hạn như việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín, đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn, hay việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm có nguy cơ ôi thiu. Ngoài ra, vào mùa hè, những thực phẩm như hải sản giàu đạm, protein… nhanh chóng bị ôi thiu nên người ăn có nguy cơ bị ngộ độc.

Cần bảo quản thực phẩm đúng cách

Theo các chuyên gia y tế, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa hè với thời tiết nắng nóng làm cho thực phẩm nhanh ôi thiu, tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Vì vậy, mỗi người cần biết bảo quản thực phẩm đúng cách để phòng tránh ngộ độc thực phẩm hay các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là tuân thủ ăn chín, uống sôi.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, vào mùa nắng nóng, tất cả các thực phẩm đã qua chế biến chỉ nên để ở ngoài khoảng 2-3 tiếng. Nếu để lâu hơn, thực phẩm có thể ôi thiu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ngộ độc khi ăn phải. Nếu muốn bảo quản thực phẩm lâu hơn, hãy để trong điều kiện lạnh như tủ lạnh, phích đựng đá, tốt nhất là đông lạnh. Thức ăn đã chế biến để trong tủ lạnh trước khi ăn nên đun sôi lại ở nhiệt độ trên 100 độ C và thời gian trên 5 phút.

“Tủ lạnh có 2 ngăn là ngăn đông đá và ngăn mát. Ngăn đông đá có nhiệt độ âm có tác dụng ngừng sự phát triển của vi khuẩn nên thực phẩm để được nhiều ngày, nhiều tháng tùy loại. Trong khi đó, ngăn mát (ngăn lạnh) từ 1 đến 5 độ C chỉ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Do đó, thực phẩm để quá lâu trong ngăn mát vẫn tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển, đặc biệt là thức ăn thừa không được đun nấu lại sau khi ăn mà đã cất ngay vào tủ lạnh. Thời gian để thức ăn trong tủ lạnh không cố định, nhưng không quá 1-2 ngày. Bên cạnh đó, việc ăn sống một số các loại thức ăn vẫn có nguy cơ bị ngộ độc, do đó tốt nhất nên ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.

Đề cập đến việc nên nấu thực phẩm ở nhiệt độ bao nhiêu độ C để phòng tránh được ngộ độc thực phẩm, theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, đối với chế biến thực phẩm bằng phương pháp đun nấu, bản chất là chúng ta đưa thực phẩm đến nhiệt độ sôi hoặc cao hơn 100 độ C là có thể tiêu diệt được hầu hết mầm bệnh, vi khuẩn. Dù vậy, thời gian để duy trì mức nhiệt độ để tiêu diệt vi trùng, vi khuẩn gây bệnh tùy thuộc vào loại thực phẩm, vi trùng, vi khuẩn khác nhau. Bên cạnh đó, người dân cần lưu ý, thực phẩm khi ở dạng khối lớn như một miếng thịt lớn hoặc con gà to thì khi nấu cần bảo đảm phần thịt sâu bên trong phải đạt nhiệt độ chín đều trong một thời gian nhất định.

Nói tóm lại, nhiệt độ nấu chín thực phẩm cần đạt trong nhiều phút và trong thời gian cần thiết thay vì nấu vội vàng, nấu nhanh. Khi nấu cả con gà, con cá hay tảng thịt to thì nên có nhiệt kế chuyên dụng cho nấu ăn để kiểm tra nhiệt độ sâu bên trong thực phẩm, tránh việc thực phẩm chưa được chín đều tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc (Hà Nội mới, trang 5).

 

TP.HCM có phòng khám cấp giấy khống nghỉ bệnh

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, đã thừa nhận như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ.
Bà Thu Hằng cho biết: "Việc bán giấy nghỉ hưởng BHXH đã xảy ra từ nhiều năm trước và tập trung ở các khu công nghiệp, do nhu cầu của người lao động muốn mua những giấy nghỉ bệnh khống này để đối phó với những doanh nghiệp hay tăng ca, hoặc người lao động thích nghỉ nhưng vẫn muốn được chấm chuyên cần và hưởng 75% lương. 

Nắm được nhu cầu này, một số phòng khám tư, thậm chí bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện công, cũng đã bắt tay với người lao động để bán, cấp giấy nghỉ bệnh này cho người lao động.

Năm 2013, BHXH TP đã phát hiện một nhóm nhân viên của bệnh viện công trong TP.HCM bán giấy nghỉ bệnh khống cho nhiều người, BHXH TP đã có văn bản gửi cơ quan điều tra và từ chối thanh toán hơn 5 tỉ đồng".

* Từ thực tế phát hiện, qua công tác thanh tra, kiểm tra những phòng khám cấp giấy nghỉ bệnh khống, bà thấy những cơ sở khám chữa bệnh vi phạm này thường có những đặc điểm gì?

- Qua nhiều năm theo dõi và quản lý quỹ BHYT, tôi thấy các đơn vị vi phạm thường xảy ra chủ yếu tại các cơ sở khám chữa bệnh ở gần những khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân đông, lãnh đạo đơn vị quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát. 

Đặc biệt các cơ sở khám chữa bệnh này còn có số lượng giấy cấp nghỉ bệnh gia tăng bất thường. Trước thực trạng này, BHXH TP cũng sẽ tăng cường kiểm soát các cơ sở khám chữa bệnh trong và gần các khu công nghiệp.

Hiện nay, ngành BHXH có hệ thống công nghệ thông tin với đầy đủ cơ sở dữ liệu về người tham gia thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT nên rất chủ động trong việc rà soát, đối chiếu để phát hiện kịp thời các trường hợp lạm dụng trục lợi quỹ BHXH, BHYT và sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

* Thưa bà, các cơ quan quản lý nhà nước nên làm gì để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này?

- Theo tôi, công tác thanh tra kiểm tra và công tác giám định, thẩm định việc chi trả chế độ BHYT, BHXH phải làm thường xuyên, liên tục để khi vụ việc mới manh nha đã có thể phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Các viên chức BHXH phải theo dõi thường xuyên việc chi trả chế độ BHYT, BHXH để phát hiện dấu hiệu lạm dụng, trục lợi.

Mặt khác, ngành y tế cũng phải thường xuyên tuyên truyền về nghị định xử phạt trong lĩnh vực y tế, trong lĩnh vực BHXH, BHYT... Dựa theo thống kê trên toàn quốc, BHXH Việt Nam đã có các văn bản chỉ đạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

Ngoài ra, BHXH TP.HCM vẫn tổ chức giám định định kỳ, kiểm tra thường xuyên và khi phát hiện cơ sở khám chữa bệnh có dấu hiệu vi phạm, cơ quan BHXH thu hồi số tiền thất thoát này và có văn bản cảnh báo đơn vị. Tùy vào mức độ vi phạm có hướng xử lý, trường hợp vi phạm ở quy mô lớn BHXH sẽ thu hồi và chuyển sang cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, các nhân viên y tế trong bệnh viện phải nâng cao đạo đức ngành y, không thể giúp người khác lấy toa thuốc khi người đó không bị bệnh. BHXH mới đây cũng phát hiện được một vụ việc nhân viên y tế tại khoa dược một bệnh viện quận đã lấy thuốc cho người quen trong mấy năm. Nhân viên y tế này đã nộp lại cho quỹ BHYT hơn 22 triệu đồng và đã bị Sở Y tế xử phạt, đơn vị cho thôi việc (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Phòng xả stress của bệnh nhi không may

Ở nơi đau đớn bậc nhất của bệnh nhi miền Trung, có một căn phòng đặc biệt được tạo nên từ những trái tim xa xứ.
Hơn bảy năm nay, ngọn lửa yêu thương ở đây đã tiếp thêm động lực trên hành trình điều trị lâu dài của những gia đình chẳng may có con mang bệnh hiểm nghèo.

Một không gian, hai thái cực

Chưa quá nửa buổi, nắng hè miền Trung đã thiêu đốt da thịt. Dù ở tầng 10 nhưng nhiều phòng bệnh ở khoa nhi tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng vẫn oi bức. Giường bệnh nhi "một kẹp hai", phụ huynh trẻ nhỏ mồ hôi kèm tiếng khóc tạo ra một không gian hỗn độn. Giữa tiếng lao xao, căn phòng ngay cửa khoa trở thành đặc biệt vì ở đó chỉ thấy nụ cười của trẻ nhỏ.

Căn phòng án chừng 30m2 nhưng chứa cả trăm loại đồ chơi lớn nhỏ từ tranh, sách, lego, búp bê, xe đạp... Hơn 10 bé lớn nhỏ tay còn vết kim băng xúm xít bày biện các trò chơi đồ hàng. Ngồi nhìn con nhỏ đưa cọ tô từng nét trên tượng, khuôn mặt chị Lê Thị Hạnh (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) như giãn ra sau những ngày dài căng thẳng. 

Chị nói vì đau nên cháu hay đập phá, quấy khóc. Cũng nhiều lần người thăm vào viện chơi mua quà cho nhưng chỉ chơi được vài hôm là hư hỏng. "Chỉ có căn phòng này là nơi nó lui tới chơi hoài không chán. Nhiều lúc chăm con mệt quá tôi ngủ thiếp đi, tỉnh dậy không thấy con bên cạnh là biết tìm ở đâu", chị Hạnh nói. 

Cháu Nguyễn Mậu Anh Đức (con chị Hạnh) mới 5 tuổi thì cũng từng ấy thâm niên thường trú bệnh viện này vì chứng máu khó đông. Chị nhẩm tính ngoài giờ vào thuốc, thời gian còn lại cũng 50 - 50 hai mẹ con đều ở đây.

Phòng vui chơi này được hình thành từ năm 2016, từ sự khởi xướng của một nhóm du học sinh từ Pháp về nước. Trong một lần tới đây, thành viên của nhóm đã bị ám ảnh bởi tiếng khóc của trẻ bệnh. Hết kỳ trải nghiệm, nhóm quyết định làm một "căn phòng xả stress" ở nơi có nhiều tiếng khóc nhất để bù trừ sức khỏe tinh thần. Nhận được sự ủng hộ của bệnh viện, thế là phòng vui chơi này ra đời ngay sau mùa hè đó.

Là "người quen" của khoa này gần chục năm, chị Lê Thị Nguyên là người chứng kiến mọi cung bậc sinh - tử ở đây. Những bệnh nhi của khoa này hôm nay vui đó nhưng có khi ngày mai đã không còn nở nụ cười được nữa. Chị trân quý từng thời gian vui chơi cùng con nhỏ mang bệnh hiểm nghèo.

"Ở đây quá lâu nên cháu nó chơi thuộc làu hết những món đồ. Cái nào mới mua, cái nào sửa chắp vá từ nhiều đồ khác ghép lại nó biết hết. Đến cả mấy quyển truyện tranh trang nào vẽ cái gì nó cũng nhớ. Mình nghĩ cháu nó không có cơ hội học chữ nên mọi đầu óc đều tập trung ở căn phòng này", chị Nguyên rưng rưng nước mắt khi nhắc đến chuyện tới trường của đứa con 9 tuổi.

Con mang bệnh nhiều năm, vợ chồng chị bỏ việc tại Quảng Nam thay phiên nhau ở cùng con ngoài viện. Kinh tế kiệt quệ, chuyện bỏ bữa và ăn cơm từ thiện là thường ngày. Việc bỏ tiền đưa con đi chơi lại càng hiếm, bởi mọi nguồn lực đều phải dành cho thuốc men. 

Hơn nữa con nhỏ ngán ngại đi xa, gia đình chị cũng chẳng có nhiều người thân ở thành phố này. Từ khi căn phòng đầy ắp đồ chơi ra đời, đây như là nơi dã ngoại của hai mẹ con mỗi ngày.

Cho con, cho mẹ

Trong căn phòng, ngoài khu vực tô tượng, vẽ tranh được đặt bàn ghế thì đồ chơi được sắp xếp ngăn nắp trên các giá đựng. Nơi các bé hoạt động được trải thảm sàn trẻ em, không gian sạch và đầy đủ tiện nghi không kém gì một khu vui chơi trẻ em có thu tiền ngoài phố. Để đảm bảo diệt khuẩn cho nhóm trẻ dễ bị tổn thương ở đây còn có cả một khu vực rửa tay, vệ sinh đồ chơi và vệ sinh cá nhân.

Từ khi được lập ra đến nay, căn phòng không chỉ là điểm vui chơi hằng ngày cho các bé mà còn là cầu nối cho các hoạt động cộng đồng, quyên góp cho trẻ hiểm nghèo. Anh Lê Văn Ánh, thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ Máu nóng tay yêu thương Đà Nẵng, nói do các cháu đều mang bệnh nặng, đi đứng bất tiện nên khi có hoạt động câu lạc bộ thường xuyên tổ chức giao lưu, vui chơi tại chỗ. 

"Vì nhóm bệnh nhi này thường có yêu cầu đặc biệt về vô trùng nên khi các bạn trong nhóm hoặc các nhà hảo tâm muốn có thời gian chia sẻ, trò chuyện không thể vào phòng bệnh mà kéo ra phòng này. Ở đây không khí bớt căng thẳng, nước mắt nên tiếp thêm sức mạnh cho họ trong việc chiến đấu với bệnh tật. Tôi hy vọng nhiều bệnh viện có bệnh nhi thường trú dài ngày cũng có không gian chăm sóc tinh thần như khu vui chơi này", anh Ánh nói.

Trên giá để sách, vẫn còn đó những nụ cười hồn nhiên của những bệnh nhi từng xem đây là ngôi nhà thứ hai. Ở đó, nhóm anh Ánh cùng cha mẹ của các cháu cùng chia sẻ khoảnh khắc thôi lo nghĩ. Anh Ánh nói việc giúp đỡ vật chất rất quan trọng với những gia đình khó khăn. Nhưng đã là người bệnh điều trị lâu dài thì ai cũng việc thắp lên ngọn lửa tinh thần, nhất là với gia đình bệnh nhi.

Con mang bệnh, người thân lo tiền chạy chữa đến mức không có thời gian cho con ra bên ngoài tham gia hoạt động vui chơi chứ đừng nói tới dành thời gian riêng cho mình. Theo chị Trần Cao Thanh Bình - phó phòng công tác xã hội Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, phòng vui chơi ở tầng 10 không chỉ là nơi giải trí dành cho trẻ nhỏ mà còn là nơi các bậc cha mẹ được xả stress. 

Chị Bình biết hầu hết các hoàn cảnh của gia đình 60 bệnh nhi của khoa này. Với họ, con đau đớn một thì cha mẹ đau đớn mười. Và niềm vui cũng vậy.

"Ai ở vào hoàn cảnh con đi viện mới hiểu hết cái bức bí, cùng cực vì vừa chăm lo sức khỏe cho con vừa lo tài chính để con theo điều trị. Đến nỗi có nhiều cha mẹ đã stress nặng vì lo lắng. Tôi nghĩ khi căn phòng mang lại niềm vui cho các con thì cũng giúp cha mẹ giải tỏa được phần nào tâm trạng", chị Bình nói.

Chị Bình cho biết chi phí để duy trì phòng vui chơi trong thời gian dài cho các bé là không nhỏ. Nhất là khi phải mua sắm, bổ sung đồ chơi hỏng, mua tập vẽ, tô tượng, tranh ảnh. Toàn bộ chi phí đều được nhóm tình nguyện viên từng là du học sinh nước ngoài quyên góp nên bệnh viện cũng mong muốn có thêm nhà hảo tâm đồng hành để khu vui chơi cho các cháu được hoàn thiện hơn (Tuổi trẻ, trang 9).

 

TP.HCM lo thiếu thuốc điều trị tay chân miệng nặng

Hết thuốc điều trị tay chân miệng độ nặng với hiệu quả điều trị cao nhất, các bệnh viện nhi đồng ở TP.HCM dùng thuốc thay thế và mong muốn có thêm thuốc dự trữ trong bối cảnh bệnh này đang gia tăng, đặc biệt là bệnh nặng.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM vừa gửi văn bản đến Bộ Y tế đề nghị sớm hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, đặc biệt là thuốc điều trị cho phân độ nặng của bệnh.

Trẻ bệnh nặng tiếp tục tăng

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong 7 ngày từ 22 đến 28-5, toàn thành phố ghi nhận đến 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca). Trong đó, số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Số mắc tích lũy đến tuần 21 là 1.670 ca.

Thông tin từ các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM, trẻ mắc tay chân miệng điều trị nội trú và ngoại trú tăng trong 2 tuần trở lại đây. Có bệnh viện gia tăng gấp đôi trẻ đến khám, điều trị. Đã có một bệnh nhi 5 tuổi tử vong.

Đặc biệt, qua kết quả từ kỹ thuật PCR đã xác định một số trường hợp mắc tay chân miệng bệnh nặng là mắc vi rút Enterovirus 71. Đây là vi rút lây lan rất nhanh, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến hơn 100 trẻ em mắc tay chân miệng vào năm 2011 tử vong.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-6, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết số ca mắc tay chân miệng điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện đều gia tăng, trong đó có nhiều trẻ ở tỉnh chuyển đến.

Cụ thể, hiện khoa nhiễm của bệnh viện đang điều trị 5 trẻ mắc tay chân miệng (3 ca ở tỉnh gồm An Giang, Long An, Tiền Giang và 2 ca tại TP.HCM), trong đó có 3/5 trẻ đang thở máy, nguy kịch. Còn số ca trẻ điều trị ngoại trú đã tăng gấp đôi so với tuần trước, với 10 - 20 ca/ngày, trong khi trung bình những ngày trước là 5 - 10 ca/ngày.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh, cho hay trong ngày 3-6 khoa điều trị 2 ca mắc tay chân miệng độ nặng ở tỉnh chuyển đến, đồng thời cho 1 ca về phòng lưu trú sau thời gian điều trị phân độ nặng đến nay đã ổn định.

Tìm thuốc thay thế, cần thêm thuốc dự trữ

Trước tình hình ca mắc tay chân miệng gia tăng, Sở Y tế TP.HCM cho biết địa phương gặp khó khăn về thuốc điều trị bệnh này ở phân độ nặng, nhất là Phenobarbital truyền tĩnh mạch và Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, bác sĩ Tiến cho hay hiện vẫn còn đủ để điều trị nhưng cần thêm để dự trù nếu số ca tay chân miệng tăng nhanh trong thời gian tới. Theo đó, hiện bệnh viện còn khoảng 200 lọ thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Với thuốc Phenobarbital thì đã hết loại truyền tĩnh mạch từ lâu, chỉ còn một ít thuốc dạng uống.

Do không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên bác sĩ dùng thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch thay thế. Theo đó, với mỗi bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ nặng sẽ dùng khoảng 4-8 lọ thuốc Gamma Globulin. Như vậy, số lọ thuốc trên dùng cho khoảng 25 - 50 bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng trong thời gian tới.

"Tác dụng điều trị của chúng thì giống nhau, thay thế được nhưng thời gian tác dụng của thuốc Phenobarbital dài hơn Gamma Globulin nên bệnh nhi có thể dùng thuốc Phenobarbital 1 lần/ngày, còn Gamma Globulin thì 2-3 lần/ngày", bác sĩ Tiến phân tích.

Còn Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ Dư Tuấn Quy cũng cho hay từ lâu bệnh viện không còn thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, chỉ còn thuốc Gamma Globulin và thuốc IVIG. Trước tình hình này, bệnh viện đã dùng thuốc Phenobarbital dạng uống thay thế dạng truyền tĩnh mạch, dù hiệu quả điều trị của thuốc dạng truyền tĩnh mạch cao hơn dạng uống.

Theo bác sĩ Tiến, dù bệnh viện cần thêm thuốc dự trữ, tuy nhiên phải tính toán số lượng thuốc hợp lý, tránh tình trạng lãng phí khi nhập thuốc về nhưng không sử dụng hết, đặc biệt đây là thuốc nhập khẩu, đắt tiền với 3-4 triệu đồng/lọ. 

Do đó, quan trọng hơn công tác điều trị là đơn vị kiểm soát dịch cần dự báo, đánh giá tình hình dịch bệnh tay chân miệng đúng và phụ huynh phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để kịp thời đưa trẻ nhập viện điều trị (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Ngành quân y thi đua làm theo lời Bác Hồ dạy

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất, những năm qua, ngành quân y đã đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm nâng cao năng lực toàn diện, chất lượng công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Trong đó, thi đua xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt” là nội dung cụ thể hóa, biểu hiện tập trung nhất của ngành trong việc làm theo lời Bác dạy. Điểm nổi bật là quân y các cấp trong toàn quân đã hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho chỉ huy đơn vị trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt”. Đến nay phong trào đã trở thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị; phong trào đã cụ thể hóa nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và phong trào thi đua quyết thắng sát yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Ngành quân y xác định, ở đâu có hoạt động của bộ đội ở đó có lực lượng quân y tham gia chăm sóc sức khỏe, duy trì sức chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, ngành quân y còn đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức, quy hoạch, xây dựng các cơ sở, đơn vị quân y liên hoàn theo từng vùng, miền, hướng chiến lược; nhất là xây dựng các phân đội quân y cơ động, quân y đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, các lực lượng làm nhiệm vụ ở địa bàn trọng điểm.

Đồng thời, tăng cường đầu tư cải tiến, hiện đại hóa trang thiết bị cho các tuyến quân y chiến thuật, chiến dịch, nhằm nâng cao sức cơ động, đưa kỹ thuật ra tuyến trước, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quân y cho huấn luyện, tác chiến trong điều kiện mới. Đến nay, toàn quân đã có hàng nghìn tổ cấp cứu và tổ phòng, chống dịch cơ động, hàng trăm đội phẫu thuật cứu chữa cơ bản và cứu chữa bước đầu được tổ chức đồng bộ ở tuyến chiến thuật, chiến dịch, chiến lược, sẵn sàng bảo đảm trong mọi tình huống.

Trước những nhiệm vụ khẩn cấp, thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19, một lần nữa cho thấy tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao độ, sự chủ động, dự báo đúng, trúng, kịp thời tình hình của ngành quân y, ý chí, bản lĩnh, tinh thần thép của cán bộ, chiến sĩ toàn ngành. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành quân y đã cùng cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn quán triệt tinh thần bất luận trong hoàn cảnh nào, quân đội cũng phải đi đầu cùng hệ thống chính trị dập tắt dịch Covid-19. Với tinh thần “ở đâu nhân dân cần, ở đâu nhân dân gặp khó khăn, ở đó có Bộ đội cụ Hồ”, đã lan tỏa trên khắp các mặt trận phòng, chống dịch…

Bộ đội tìm đến dân chứ không chờ nhân dân tìm tới bộ đội. Khi dịch bùng phát tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, quân đội đã kịp thời tăng cường cho hai tỉnh hơn 1.000 cán bộ, nhân viên quân y; triển khai ba bệnh viện dã chiến truyền nhiễm với hơn 900 giường, cùng nhiều xe xét nghiệm lưu động. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, gần 16.500 cán bộ, nhân viên, học viên quân y không quản ngại gian khổ, hy sinh, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã kịp thời chỉ đạo thành lập 13 bệnh viện dã chiến, 660 tổ quân y cơ động đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc-xin cho nhân dân, hàng chục nghìn bệnh nhân được cứu qua cơn nguy kịch… Trong đại dịch Covid-19, màu áo xanh của người thầy thuốc quân y đã luôn hiện hữu trên khắp mọi miền của đất nước, từ biên giới tới vùng hải đảo xa xôi, vào trong những vùng tâm dịch tham gia cùng hệ thống y tế dân y tiêm chủng bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đất nước ta đã trải qua những tháng ngày không thể nào quên… và nhân dân cũng sẽ mãi không quên trái tim, tấm lòng của người thầy thuốc quân y dành cho người bệnh trong cơn hoạn nạn.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng trong thử thách khó khăn, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành quân y càng nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Góp phần làm nên những thành tích, chiến công nêu trên, phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quân y 5 tốt” đã tạo nên động lực tinh thần, lực lượng quân y cùng cán bộ, chiến sĩ toàn quân sẵn sàng đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn gian khổ, xông pha dấn thân vào những nơi hiểm nguy khi nhân dân cần, khi Tổ quốc gọi tên; chủ động, sáng tạo chiếm lĩnh những đỉnh cao y học và luôn ngời sáng tinh thần y đức “lương y như từ mẫu”, xứng đáng là người chiến sĩ quân y làm theo lời Bác (Nhân dân, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang