Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Gia tăng người nhiễm HIV tại nhiều địa phương; Xử phạt năm công ty vi phạm về an toàn thực phẩm hơn 192 triệu; Hơn 71 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước; Một bệnh viện ngoài công lập được công nhận ISO quốc tế về xét nghiệm; …

 

Xử phạt năm công ty vi phạm về an toàn thực phẩm hơn 192 triệu

Ngày 3-8, Cục An toàn thực phẩm cho biết, Cục đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính năm công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền phạt 192 triệu đồng.

Các công ty này có các lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến việc quảng cáo không phù hợp với nội dung đã được cấp phép, quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm.

Theo đó, Công ty Cổ phần Dược phẩm Goldhealth Việt Nam (địa chỉ số 102 khu tập thể Yên Ngưu, thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) bị phạt 25 triệu đồng với hành vi quảng cáo ba sản phẩm (TPBVSK GHV KSOL, GHV BONE, GENK STF) trên các website không phù hợp với nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Công ty TNHH Thương mại và Dược phẩm Gia Phát (địa chỉ số 15A ngõ 193/53 Đường Nam Dư, phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 25 triệu đồng với hành vi không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ cho sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung GP.

Với hai hành vi không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ cho sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung và lưu hành lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung, số lô: 0115, NSX: 080515, HSD: 080518 vi phạm quy định về nội dung ghi nhãn bắt buộc trên nhãn hàng hóa, Công ty Cổ phần Dược phẩm Liên doanh USA (địa chỉ 76D5 KĐT Đại Kim, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) bị phạt 37 triệu đồng.

Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học VTC (địa chỉ: 371 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) bị phạt vì hai hành vi: quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hồng Vân Linh-Versicolor mycelium (Bột sinh khối Nấm vân chi) (Polysaccharide ≥4,65 g/100g) trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo. Đồng thời không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hồng Vân Linh-Versicolor mycelium (Bột sinh khối Nấm vân chi) (Polysaccharide ≥4,65 g/100g). Hai hành vi vi phạm này bị phạt 40 triệu đồng.

Bị xử phạt nặng nhất trong số năm công ty này là Công ty Cổ phần Dược Phúc Vinh (địa chỉ: Lô CN 4-6.2 KCN Thạch Thất- Quốc Oai, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội). Công ty bị phạt 65 triệu đồng với hai hành vi: quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Hoạt huyết CM3 trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo và quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Hoạt huyết CM3 trên website gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, cùng với hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các công ty vi phạm tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin quảng cáo trên website, thu hồi lô sản phẩm có nhãn vi phạm và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm theo quy định (Nhân dân, trang 5).

 

Hơn 71 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước

Ngày 4-8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 71 nghìn trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có hơn 60 nghìn trường hợp nhập viện, 19 người chết. So cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 24,8%; số người chết tăng ba người.

Số người mắc vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền nam (chiếm 59%). Tại khu vực phía bắc, số trường hợp mắc tăng cao tại TP Hà Nội (chiếm 73,7% của khu vực phía bắc)... Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống SXH; thực hiện đầy đủ các nội dung khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh SXH, mà các cơ quan chuyên môn đã đưa ra...

* Cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn TP Đà Nẵng. Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay TP Đà Nẵng có 3.870 trường hợp mắc bệnh SXH (tăng 87,3%, so cùng kỳ năm 2016).

Tại buổi kiểm tra, Đoàn công tác đề nghị các sở, ngành cần quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch; ngành y tế Đà Nẵng cần tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống dịch, vì tại một số địa phương công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh chưa được thực hiện triệt để...

* Ngày 4-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết: UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định bổ sung thêm cho ngành y tế hơn tám tỷ đồng để phòng, chống dịch bệnh SXH từ nay đến cuối năm. Nguồn kinh phí nêu trên, chủ yếu dành cho việc mua hóa chất, sinh phẩm, vật tư, máy móc, thiết bị... Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay TP Hà Nội có gần chín nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có năm người chết...

* Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam Nguyễn Trọng Khải cho biết: Tính đến chiều 4-8, qua giám sát toàn tỉnh ghi nhận 151 trường hợp mắc, nghi mắc SXH, trong đó có 48 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế. Đáng chú ý, kết quả điều tra dịch tễ do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hà Nam thực hiện cho thấy: Ngoài các trường hợp mắc SXH được ghi nhận tại bốn ổ dịch thuộc các xã Hợp Lý, Nhân Hưng (huyện Lý Nhân); các xã Đọi Sơn, Châu Giang (huyện Duy Tiên) còn ghi nhận nhiều ổ dịch ngoại lai, được xác định do người bệnh trở về từ các địa phương đang lưu hành dịch. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, UBND tỉnh Hà Nam giao ngành y tế chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH… (Nhân dân, trang 8).

 

Liên thông xét nghiệm, bệnh nhân hưởng lợi

Quy định của Bộ Y tế về việc 38 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ liên thông kết quả xét nghiệm từ 1/8 vừa qua bước đầu khiến bệnh nhân hài lòng vì giảm chi phí, thời gian và công sức. Tuy nhiên, không phải khi đã có quy định này thì mọi xét nghiệm đều mặc nhiên được công nhận.

Giảm tải cho bệnh nhân và bác sĩ

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, bệnh nhi N.M.H (3 tuổi) được chuyển từ BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên xuống. Thay vì phải làm lại các xét nghiệm máu và men gan thì kết quả xét nghiệm do BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên làm được công nhận tại BV Nhi T.Ư. Vì thế, bệnh nhân này chỉ việc thực hiện một số xét nghiệm mà BV Đa khoa T.Ư Thái Nguyên chưa chỉ định. Mẹ cháu H. cho biết, đã vài lần chị đưa con đi khám ở BV Nhi T.Ư, nhưng là lần đầu tiên không mất thời gian và tiền để làm lại xét nghiệm máu vì các bác sĩ ở Hà Nội nói kết quả xét nghiệm ở Thái Nguyên được BV Nhi T.Ư công nhận.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết đã từ lâu tại khoa Cấp cứu, việc công nhận kết quả xét nghiệm đã được thực hiện. Theo bác sĩ Cấp khó có BV nào giỏi tất cả các chuyên khoa nên việc công nhận kết quả của các BV chuyên ngành có uy tín là mặc nhiên, cho dù cơ sở y tế đó không thuộc tuyến trung ương. Bác sĩ Cấp cho ví dụ, mới đây khoa tiếp nhận bệnh nhân N.V.T (40 tuổi, ở Hà Nội) mắc viêm não Herpes. Trước đó, bệnh nhân đã chụp cộng hưởng từ (MRI) và các xét nghiệm từ một đơn vị y tế tư nhân có hệ thống xét nghiệm tốt. Kết quả MRI được bác sĩ đầu ngành trực tiếp thực hiện và đọc kết quả. Vì thế, khi được chuyển đến khoa Cấp cứu trong tình trạng nguy cấp, các bác sĩ không mất thời gian chỉ định bệnh nhân phải làm lại một số xét nghiệm, hay chụp lại MRI. Bệnh nhân tiết kiệm được rất nhiều chi phí (nếu không có BHYT sẽ phải mất từ hơn 1.745.000 – 2.336.000 đồng tuỳ loại). Chưa kể, việc chuyển bệnh nhân nặng từ phòng cấp cứu xuống phòng chụp MRI có thể nguy hiểm đến tính mạng. Theo bác sĩ Cấp, thường những xét nghiệm tại các bệnh viện chuyên ngành đầu ngành (như Tim mạch, Da liễu, Nội tiết, Sản…) sẽ được công nhận, vì đó là nơi có trang thiết bị, máy móc, nhân lực xét nghiệm chuyên sâu hơn bệnh viện sở tại.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, từ ngày 1/8, BV đã liên thông kết quả xét nghiệm với nhiều BV trung ương khác. Đã có nhiều BV cùng tuyến chuyển bệnh nhân đến mà không cần làm lại một số xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế. Theo TS Dương Đức Hùng: “Việc sử dụng lại kết quả xét nghiệm có thể tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất để liên thông kết quả xét nghiệm là giảm được nhiều chi phí gián tiếp như thời gian đi lại, chờ đợi xét nghiệm của bệnh nhân. BV không bị quá tải các xét nghiệm, cũng tiết kiệm được nhân lực, thời gian của nhân viên y tế”.

Vẫn có trường hợp phải xét nghiệm lại

Tuy nhiên với bệnh nhân H.T.T (5 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện Phong Da liễu T.Ư Quỳnh Lập (Nghệ An) lại phải làm lại xét nghiệm sinh hoá vì kết quả xét nghiệm sinh hoá của bệnh nhân này đã quá thời gian Bộ Y tế quy định. Danh mục đều ghi rõ thời gian tối đa có thể dùng lại xét nghiệm từ 1-7 ngày. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, có một số xét nghiệm, thời gian xét nghiệm còn hiệu lực để dùng lại tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh. Riêng xét nghiệm định lượng HbA1c có thời hạn tối đa đến 60 ngày nhưng trong một số trường hợp cụ thể tùy thuộc vào bệnh lý và diễn biến lâm sàng của người bệnh.

Với kỹ thuật tổng phân tích tế bào máu ngoại vi (bằng máy đếm laser), không quy định thời gian tối đa mà phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ và tình trạng bệnh nhân. Ví dụ một bệnh nhân thông thường, xét nghiệm này không thay đổi trong 1-2 ngày. Tuy nhiên, nếu có xuất huyết hay mất dịch nặng, kết quả này thậm chí thay đổi trong 1-2 giờ nên rất có thể khi chuyển viện, bệnh nhân phải làm lại xét nghiệm để đảm bảo tính chính xác trong chẩn đoán. Hoặc kỹ thuật xét nghiệm máu lắng (bằng máy tự động) được quy định thời gian tối đa để công nhận là 5 ngày. Bác sĩ Cấp phân tích: “Sự thay đổi trong kết quả xét nghiệm máu lắng khá chậm. Để sự thay đổi có ý nghĩa đánh giá, xem có điều chỉnh phác đồ điều trị hay không thì phải qua 5 ngày”. Với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, lúc này hồng cầu đạt mức 3 triệu chưa phải truyền máu, nhưng vì có xuất huyết nên chỉ một lúc sau, hồng cầu có thể giảm xuống còn 2 triệu, sẽ phải truyền máu. Những gì có diễn biến nhanh chóng đều phải chỉ định xét nghiệm lại.

Với quy định này, các BV tuyến T.Ư bắt đầu thực hiện liên thông kết quả đối với 65 loại xét nghiệm khác nhau với thời gian tối đa khác nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí xét nghiệm mà còn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi người dân không còn phải tốn tiền, mất thời gian để chờ đợi làm các xét nghiệm như nhau khi đi khám chữa bệnh (Tiền phong, trang 10)

Cùng chủ đề Báo Gia đình & Xã hội trang 7: “Tiết kiệm thời gian chữa bệnh và hàng trăm tỷ đồng cho người bệnh”

 

Tỉ lệ mắc sốt xuất huyết của Đà Nẵng cao nhất nước

Ngày 4/8, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với thành phố Đà Nẵng về tình hình sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay tình hình SXH đang diễn biến rất phức tạp. Đà Nẵng là địa phương có số ca mắc SXH nhiều thứ tư trên cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương. Hiện Đà Nẵng ghi nhận hơn 4.900 ca, trong đó 4.700 ca nhập viện. Theo tỉ lệ  mắc/100.000 dân thì Đà Nẵng cao nhất cả nước.

Báo cáo với đoàn công tác, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho hay tính tới thời điểm này tất cả các quận huyện trên địa bàn đều có xu hướng gia tăng SXH, điển hình như quận Thanh Khê tăng 150%, Liên Chiểu tăng 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng đầu năm, ghi nhận 276 ổ dịch, riêng tuần gần đây nhất (23 – 30/7) có 7 ổ dịch. Trung tâm Y tế dự phòng cũng nêu thực tế dù chính quyền và các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, phòng chống SXH nhưng người dân vẫn chưa hoàn toàn ý thức. Đặc biệt một số hộ không đồng tình phun thuốc, loại bỏ các vật dụng chứa nước, khó làm việc với một số công trường… (Tiền phong, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Thanh niên  trang 4: “Đà Nẵng có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết trên tổng số dân cao nhất nước”

 

Bổ sung hơn 8,5 tỷ phòng, chống dịch sốt xuất huyết

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5006/QĐ-UBND về việc bổ sung kinh phí tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm 2017.

Theo đó, trích 8,567 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của ngân sách thành phố năm 2017, bổ sung dự toán chi ngân sách cho Sở Y tế để thực hiện phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

UBND TP giao Sở Y tế quyết định việc mua sắm bổ sung hóa chất, sinh phẩm, vật tư và máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và không thực hiện việc mua sắm tập trung.

Sở Y tế hoàn toàn chịu trách nhiệm về danh mục và số lượng hóa chất, sinh phẩm, vật tư, máy móc thiết bị phòng chống dịch và mua sắm bổ sung, đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định.

Đơn vị này cũng được giao nhiệm vụ lập và phê duyệt dự toán chi tiết kinh phí phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo đúng các chế độ, định mức hiện hành đảm bảo nguyên tắc phù hợp giá cả thị trường; phân bổ dự toán cho đơn vị trực thuộc để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả và thanh quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội có nhiệm vụ tổ chức mua sắm, quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm đúng mục đích, đúng chế độ và quyết toán theo quy định quản lý tài chính hiện hành; phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo quy định.

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp và chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn (Hà Nội mới, trang 1).

 

Thu hồi 4 sản phẩm dinh dưỡng S26 dành cho trẻ nhỏ

Thanh tra Bộ Y tế vừa có Quyết định số 111/QĐ-TTrB về việc thu hồi 4 sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hàn Việt (ở số 34 ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) do vi phạm về ghi nhãn sản phẩm.

Cụ thể, nhãn phụ sản phẩm ghi sai về hạn sử dụng so với hồ sơ công bố sản phẩm. 4 sản phẩm dinh dưỡng công thức bị thu hồi là S26 số 1 - Gold Newborn dành cho trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi (ngày sản xuất 30-6-2016, hạn sử dụng ghi trên hộp sản phẩm là 30-3-2018); S26 - Gold Progress dành cho trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi (ngày sản xuất 19-9-2016, hạn sử dụng ghi trên hộp 19-9-2018); S26 số 3 - Gold Toddler dành cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên (ngày sản xuất 9-11-2016; hạn sử dụng ghi trên hộp sản phẩm 8-8-2018); S26 số 4 - Gold Junir dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên (ngày sản xuất 11-10-2016, hạn sử dụng ghi trên hộp sản phẩm là 11-7-2018).

Sau khi kết thúc việc thu hồi và xử lý sản phẩm trên, công ty phải báo cáo với Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và Sở Y tế Hà Nội về kết quả xử lý sau thu hồi.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 công ty vi phạm quy định không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ cho sản phẩm thực phẩm chức năng, vi phạm quảng cáo sản phẩm không phù hợp và quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng phê duyệt với số tiền phạt 192 triệu đồng (Hà Nội mới, trang 7).

 

Gần 50% người mắc mới HIV lây truyền qua đường tình dục

Ngày 3-8, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện cả nước có 209.754 người nhiễm HIV. Trong 6 tháng đầu năm nay, số người bị HIV mới phát hiện khoảng 3.546 ca với 1.959 người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và 641 ca tử vong.

Như vậy, Việt Nam đã có 90.882 người tử vong do HIV/AIDS. So với cùng kỳ năm 2016, số người nhiễm HIV mới giảm 11%, số bệnh nhân AIDS giảm 21%, số tử vong giảm 34%. Nhìn chung dịch HIV đang có xu hướng giảm cả về số người nhiễm mới HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS.

Điều Cục Phòng chống HIV/AIDS lưu ý là, trong số người nhiễm HIV mới được phát hiện, tỷ lệ lây qua đường tình dục vẫn phổ biến nhất hiện nay, chiếm 48%, còn qua đường máu là 33%, mẹ lây sang con là 3%. Điều này cũng cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng và ngày càng trở nên khó kiểm soát ở Việt Nam.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, và Phú Thọ là những địa phương có số người mắc HIV tăng nhiều nhất trong số 20 tỉnh được phát hiện. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số người nhiễm HIV mới chiếm tới 25% tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện trong cả nước. Đáng lưu ý là một số tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV thì số mới nhiễm HIV được phát hiện gia tăng. Điều này cho thấy HIV vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch HIV đã được khống chế.

Một vấn đề khác nữa là trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm có xu hướng giảm dần những năm gần đây, thì tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới tăng liên tục. Theo nguồn giám sát trọng điểm năm 2016, tỷ lệ này là 7,36%.

Nhằm tiếp tục giảm số người nhiễm HIV, để giảm số người tử vong, Bộ Y tế cho biết tới đây sẽ thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (DTP) bằng Buprenophine.

Theo ông Hoàng Đình Cảnh –Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV (Bộ Y tế), Buprenophin là chất có tác dụng và hiệu quả điều trị nghiện chất DTP tương tự như Methadone nhưng an toàn hơn. Liều thấp được sử dụng để điều trị đau cấp và mạn tính, liều cao được sử dụng để điều trị nghiện các chất DTP bất hợp pháp. Thời gian bán hủy kéo dài (từ 20-73h), nên thời gian tác dụng của thuốc cũng được kéo dài. Vì vậy, bệnh nhân chỉ cần uống thuốc 3-4 lần/tuần là đủ hiệu quả điều trị cho một tuần và hầu như không gây tăng dung nạp.

WHO đã đưa Buprenophin vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005 và khuyến cáo nên sử dụng song song cả thuốc Methadone và Buprenorphine trong điều trị duy trì nghiện các chất DTP. Kết quả của nhiều nước trên thế giới cũng đã chỉ ra những ưu điểm của việc điều trị nghiện các chất DTP bằng Buprenorphine: hiệu quả cao trong việc giảm lây nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy, giảm nguy cơ quá liều do sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị. Người nghiện khi sử dụng Buprenophin sẽ giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu (HIV, viêm gan) và thúc đẩy, hỗ trợ người bệnh tham gia và tuân thủ điều trị ARV. Đặc biệt, hiệu quả điều trị tăng cao khi có kèm theo các hỗ trợ tâm lý.

Trong khi Methadone không có tác dụng trần, có nguy cơ quá liều và phải uống thuốc hàng ngày, thì Buprenorphine có tác dụng trần, giảm nguy cơ quá liều, uống thuốc cách nhật và ít tương tác với các thuốc điều trị HIV (ARV). Song có điều, Buprenorphine giá thành đắt hơn Methadone. Nhưng trước những lợi ích của Buprenorphine, Bộ Y tế vẫn chỉ đạo các tỉnh vẫn triển khai điều trị Buprenorphine để bệnh nhân đủ điều kiện kinh tế có thêm lựa chọn.

Thực tế, việc sử dụng Buprenophin đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM đã chứng minh người bệnh giảm đáng kể việc sử dụng heroin. Tỷ lệ duy trì điều trị khá cao, tới 94.3%. “Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể giữa Methadone và Buprenophin sử dụng theo liều hàng ngày” –đại diện Cục Phòng, chống HIV cho biết.

Cũng theo Cục Phòng, chống HIV, trong năm 2017 sẽ triển khai điều trị Buprenorphine cho khoảng 500 bệnh nhân tại các tỉnh miền núi như Điện Biên, Nghệ An, Sơn La và năm 2018 sẽ mở rộng điều trị Buprenorphine cho khoảng 2.000 bệnh nhân tại Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái và Lai Châu. Việc tổ chức điều trị Buprenorphine sẽ được lồng ghép vào hệ thống Methadone sẵn có, đồng thời, thiết lập mạng lưới mới tại những địa bàn chưa triển khai điều trị nghiện chất DTP: cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc và cấp phát thuốc qua hệ thống nhân viên y tế thôn bản (Công an Nhân dân, trang 7).

 

Một bệnh viện ngoài công lập được công nhận ISO quốc tế về xét nghiệm

Sáng 4-8, Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã đón nhận chứng chỉ ISO 15189:2012 về xét nghiệm lâm sàng tiêu chuẩn quốc tế, do Văn phòng Công nhận chất lượng (Bureau of Accredititaon - BOA Việt Nam) chứng nhận.

Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã đón nhận chứng chỉ ISO 15189:2012 về xét nghiệm lâm sàng tiêu chuẩn quốc tế

Đây là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y tế.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trâm Em, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, kết quả cận lâm sàng có ảnh hưởng 60% - 70% đến quyết định của bác sĩ về phương pháp điều trị.

Việc áp dụng ISO đạt chuẩn xét nghiệm giúp hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán chính xác và đưa ra hướng điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Gia tăng người nhiễm HIV tại nhiều địa phương

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), từ đầu năm 2017 tới nay, cả nước phát hiện mới hơn 3.500 người nhiễm HIV và gần 650 ca tử vong do AIDS.

So với cùng kỳ năm ngoái, số nhiễm mới giảm 11%, số tử vong giảm 34%. Tuy nhiên, đáng lưu ý lại có tới 20 tỉnh, thành có số bệnh nhân HIV tăng, đặc biệt là Hà Nội, Tây Ninh, Yên Bái, Tiền Giang, Kiên Giang, TPHCM và Phú Thọ.

Riêng Hà Nội và TPHCM chiếm 25% bệnh nhân mới phát hiện trong cả nước (Hà Nội ghi nhận 311 ca mới, TPHCM là 572  ca).

Lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết, tại một số địa phương như Tây Ninh, Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Thọ…, dù triển khai mạnh các hoạt động tư vấn xét nghiệm nhưng số bệnh nhân HIV mới vẫn gia tăng.

Qua đó cho thấy HIV đang tiềm ẩn trong cộng đồng, nếu không đầu tư và làm tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm sẽ dẫn đến ảo tưởng dịch bệnh đã được khống chế.

Qua giám sát, tình dục vẫn đang là con đường lây truyền HIV phổ biến nhất hiện nay. Trong số người mới nhiễm HIV được phát hiện, có 48% lây qua đường tình dục, 33% qua đường máu và 3% từ mẹ sang con. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang