Đẩy mạnh kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Ngày 4-9, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đề nghị tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay.
Theo đó, các địa phương cần xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại sản phẩm bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu. Đối với các cơ sở sản xuất, tập trung thanh tra, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, ghi nhãn, bao bì sử dụng, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm hoặc bán thành phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất. Đối với các cơ sở kinh doanh, thanh tra, kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở nơi bảo quản, bày bán bánh, nguồn gốc xuất xứ bánh, hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, quy định ghi nhãn sản phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp kinh doanh thực phẩm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, xử lý nghiêm các vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Cùng với các địa phương, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương vệ sinh an toàn thực phẩm đã phân công các đơn vị chức năng thuộc các bộ: Y tế, NN-PTNT, Công thương và các ngành thành viên Ban chỉ đạo tham gia 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương. Các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm từ ngày 11 đến 30-9, nhằm đánh giá thực trạng chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
Cùng ngày, thông tin từ Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, UBND TP vừa ra quyết định xử phạt 3 doanh nghiệp sản xuất nước muối sinh lý natri cloride 0,9%, mỗi công ty 180 triệu đồng do vi phạm trong quá trình kinh doanh thuốc tân dược. 3 doanh nghiệp bị xử phạt gồm: Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại thiết bị vật tư y tế Nam Hà (địa chỉ 2F đường Thới An 35, khu phố 4, phường Thới An, quận 12); Công ty cổ phần Quốc tế Đại Lợi (địa chỉ 17/22 đường Đông Hưng Thuận 10B, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) và Công ty cổ phần COMIHO Việt Nam (địa chỉ 104/27 Nhất Chi Mai, phường 13, quận Tân Bình). Các doanh nghiệp này bị xử phạt do sản xuất thuốc (cụ thể ở đây là nước muối sinh lý natri cloride 0,9%) trong khi các cơ sở này chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (GMP-WHO đối với thuốc dùng ngoài) và sản xuất thuốc không có số đăng ký để đưa ra lưu hành.
Ngoài ra, Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (địa chỉ 36B1, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) cũng bị xử phạt 120 triệu đồng do cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.
Từ ngày 28-8 đến ngày 1-9, Sở Y tế TPHCM đã tiến hành xử phạt 13 cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược phẩm trên địa bàn vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dược phẩm và khám chữa bệnh, với mức xử phạt từ 3 đến 35 triệu đồng, do các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược phẩm vi phạm các với các lỗi như: kinh doanh trang thiết bị y tế không có giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ; bán lẻ thuốc có giấy chứng nhận thực hành tốt đã hết thời hạn có hiệu lực; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Tổng kiểm tra chống nạn thuốc giả
Theo Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia, thuốc giả, phân bón giả là những hiểm họa quốc gia. Nếu còn bao che, buông lỏng như hiện nay sẽ không bao giờ giải quyết được tận gốc.
Ngày 4/9, trao đổi với Tiền Phong, ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia (BCĐ 389 quốc gia), cho biết đã có những chỉ đạo đối với BCĐ 389 Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành phố trọng điểm trên toàn quốc để rà soát, tập hợp xử lý nghiêm các cơ sở, tụ điểm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Đặc biệt, trong đó có cả việc rà soát, xử lý các cơ sở kinh doanh thuốc diệt muỗi giả ở điểm nóng về sốt xuất huyết hiện nay là thành phố Hà Nội.
Mới nhất, ngày 31/8, đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra đột xuất một số cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế trên phố Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ 6 chai thuốc giả nhãn hiệu được bảo hộ của Map Pacific, phạt mỗi hộ kinh doanh 6 triệu đồng và tịch thu, tiêu hủy tang vật. Chủ các cửa hàng này khai nhận, mỗi năm chỉ bị kiểm tra 1 - 2 lần, chủ yếu dịp lễ, Tết.
Theo Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia Đàm Thanh Thế, sau khi nghiên cứu vụ án xảy ra tại Cty CP VN Pharma (TPHCM), BCĐ 389 quốc gia đã đề xuất một số nội dung khẩn. Qua đánh giá, BCĐ 389 quốc gia nhận thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc diễn ra hết sức phức tạp.
BCĐ 389 quốc gia kiến nghị Phó Thủ tướng - Trưởng BCĐ 389 quốc gia chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương rà soát, đánh giá, làm rõ vai trò quản lý nhà nước của Cục Quản lý dược và các cơ quan liên quan thuộc Bộ Y tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên phạm vi toàn quốc;
Cùng đó, đề xuất giao BCĐ 389 các ngành, địa phương tổng kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
BCĐ 389 quốc gia cũng kiến nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước đối với Cục Quản lý dược và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia nói: “Thuốc giả, phân bón giả là những hiểm họa quốc gia. Như vụ VN Pharma, không thể chỉ quy mỗi tội buôn lậu vì họ có giấy phép nhập khẩu đàng hoàng. Ở đây, rõ ràng có sự tiếp tay, bao che cho tội phạm. Đây là những hiểm họa quốc gia, tiêu diệt giống nòi, phải xử lý nghiêm cả về tội buôn bán hàng giả, hàng cấm” (Tiền phong, trang 4).
Người dân khó phân biệt thuốc diệt muỗi thật, giả
Những tháng qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát tại Hà Nội khiến nhiều hộ gia đình tìm mua thuốc diệt muỗi về phun với hy vọng “né” được dịch. Vì thế nhiều cơ sở bán hóa chất diệt muỗi trở nên đắt hàng. Tuy nhiên, thực tế, nhiều thuốc diệt muỗi giả lại đang được bán công khai nhưng người dân khó phân biệt thật - giả.
Một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, nhiều cơ sở bán thiết bị y tế và hóa chất đều có bán những loại thuốc diệt muỗi thông dụng nhất trên thị trường hiện nay mà các trung tâm y tế dự phòng hay dùng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm, nhiều kiểu bao bì, bán với nhiều mức giá, nhưng lại cùng một nhãn hiệu, cùng một công ty sản xuất. Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, đã gọi là thuốc, thường phải có các thành phần hóa học, diệt côn trùng. Tức là có những hoạt chất, hóa chất độc.
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, một số loại thuốc tồn lưu nhưng ở nồng độ cho phép, sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu dùng đúng quy định, đúng hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm đúng điều đó. Bên cạnh đó nhiều quan niệm sai lầm cho rằng, sử dụng thuốc diệt côn trùng càng tác dụng nhanh càng tốt nên muốn lựa chọn sản phẩm tác dụng ngay tức thì. Nhưng theo các chuyên gia dịch tễ, côn trùng càng chết nhanh thì nồng độ hóa chất trong thuốc càng mạnh. Như vậy con người cũng bị ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế. Bác sĩ Dũng cho hay, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Những thuốc này được dán mác rất phong phú mà người dân không biết được thật giả, chỉ có các cơ quan quản lý mới phân biệt được.
Theo các bác sĩ, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người. Với những loại thuốc này, cơ quan chuyên về thuốc bảo vệ thực vật cần kiểm định xem có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người hay không. Theo quy định, ngành y tế cấp phép quản lý, mua bán thuốc diệt côn trùng nhưng kiểm tra thuốc bán trên thị trường lại là cơ quan quản lý thị trường. Trước đây, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2001, khi các hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được thực hiện phun hoá chất thì thị trường này rất khó kiểm soát.
Bác sĩ Dũng khuyến cáo, người dân chỉ nên mua hóa chất diệt muỗi và côn trùng tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư và đại lý chính hãng của các công ty sản xuất thuốc diệt muỗi để đảm bảo chất lượng và không gây hại cho sức khỏe (Tiền phong, trang 4).
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Không nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật để dập dịch sốt xuất huyết
Sáng 4-9, trước tình hình dịch sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Giảm 300 bệnh nhân một ngày
Theo báo cáo của Sở Y tế và các quận, huyện, trong các tuần gần đây, các trường hợp mắc SXH đã giảm về số lượng. Cụ thể, tuần từ 5 đến 11-8, có 3.542 trường hợp mắc; tuần từ 19 đến 25-8 có 2.893 trường hợp; tuần từ 26 đến 1-9 có 2.681 trường hợp... Số bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện cũng giảm từ trung bình 2.500 bệnh nhân/ngày xuống 2.200 bệnh nhân/ngày.
Hoạt động của tổ xung kích đã được kiện toàn; phun thuốc diệt muỗi được gần 80% số hộ ở khu vực khoanh vùng; 82% các công trường có người ở và hơn 73% chợ dân sinh đã được phun thuốc... Đặc biệt, toàn bộ 2.668 trường học trên địa bàn toàn TP đã được phun hóa chất, nhiều trường đã hoàn thành phun hóa chất 3 lần để phục vụ khai giảng. Ngày 8-9, Thành đoàn sẽ tổ chức ra quân diệt muỗi, bọ gậy tại tất cả các trường đại học, ký túc xá, các điểm nhà trọ đông sinh viên...
Một số quận huyện có cách làm sáng tạo để phòng chống dịch như quận Hoàng Mai đã huy động xã hội hóa, phát 1.600 chiếc màn cho các khu nhà trọ; quận Đống Đa và Thanh Xuân huy động sinh viên các trường trên địa bàn hỗ trợ diệt bọ gậy; quận Cầu Giấy phối hợp với các đơn vị Bộ Tư lệnh Hóa học và Học viện Quốc phòng tăng cường lực lượng để phun hóa chất phòng chống dịch...
Tuy nhiên, theo Sở Y tế, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan. Qua kiểm tra, trung bình vẫn còn 17,9 % hộ còn phát hiện bọ gậy. Một số đơn vị có tỷ lệ cao khi kiểm tra như: Thanh Oai (44,2%); Mỹ Đức (37,5%); Bắc Từ Liêm (23,8%); Tây Hồ (20,5%)...
Biểu dương các đơn vị đã vào cuộc quyết liệt, làm ngày, làm đêm, thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá: "Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc, bệnh nhân nằm viện, quá tải bệnh viện đã giảm... Đây là kết quả rất tích cực".
Không nghỉ cuối tuần để dập dịch
Cho rằng các giải pháp được thực hiện đã đi đúng hướng, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa bởi diễn biến dịch còn phức tạp, đặc biệt khi thời tiết mưa nắng thất thường.
Ví dụ về việc có địa phương vẫn coi thường, chưa tập trung lực lượng, chưa thấy tính nghiêm trọng của dịch và nhiều hộ dân vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của sốt xuất huyết... Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận huyện phải thực hiện công tác phòng chống dịch đồng bộ, nhất là khi SXH đang có dấu hiệu lan ra ngoại thành.
Các cấp ngành, quận huyện cần tiếp tục tập trung tuyên truyền để người dân hiểu hợp tác trong việc phun hóa chất không chỉ bảo vệ mình, mà còn bảo vệ cộng đồng, thành phố.
Bí thư Thành ủy cũng giao các đơn vị, đoàn thể tập trung công tác phòng chống dịch, đảm bảo phun hóa chất, diệt bọ gậy phủ 100% số trường học, ký túc xá, không để bùng phát dịch bệnh khi sắp tới còn hơn 800.000 sinh viên nhập trường...
“Tuần tới, phải tập trung dập 711 ổ dịch còn lại, cần phun hóa chất diện rộng, tới từng nhà diệt bọ gậy, không để lan ra. Đặc biệt, phải làm đi làm lại, không tiếc kinh phí để dập dịch. Lực lượng liên quan sẽ không được ngơi nghỉ, cần làm cả thứ Bảy, Chủ nhật đến lúc hết dịch thì thôi”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải giao nhiệm vụ (An ninh thủ đô, trang 3; Hà Nội mới, trang 1).
Không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!
Những ngày qua, vụ án Công ty cổ phần VN Pharma nhập lậu một lượng lớn thuốc chữa ung thư không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, chứa hoạt chất không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, khiến dư luận bất bình. Sự việc cũng bộc lộ rõ những yếu kém trong quản lý, cấp phép nhập khẩu thuốc tân dược và vấn nạn “hoa hồng” cho bác sĩ. Đã đến lúc phải chấn chỉnh, không thể để tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong ngành Y tế!
Thuốc giả và thu hồi trên… giấy
Tại Thông tư 44/2014/TT-BYT quy định việc đăng ký thuốc nêu rõ: Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, việc xem xét cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các hồ sơ đăng ký lần đầu, hồ sơ đăng ký lại trong thời hạn tối đa 6 tháng. Trên thực tế, việc cấp số đăng ký lưu hành thuốc được coi là cuộc “chạy đua” của các doanh nghiệp dược. Không ít doanh nghiệp phải “bở hơi tai” và mất ít nhất 12-15 tháng "xếp hàng", dù hồ sơ hợp lệ. Thế nhưng, Công ty cổ phần VN Pharma (VN Pharma) làm giả hồ sơ, con dấu, chỉ mất hơn 2 tháng đã được cấp phép nhập khẩu!
Cụ thể, ngày 16-10-2013, Cục Quản lý dược nhận được đơn hàng số 225/ĐH/VNP-XNK của VN Pharma đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc H-Capita 500mg Caplet do Công ty Helix Pharmaceuticals Ins, Canada sản xuất và đến ngày 30-12-2013 được Cục Quản lý dược đồng ý. Bộ Y tế khẳng định, việc cấp phép hoàn toàn đúng quy trình, nhưng do giấy chứng nhận của VN Pharma được làm giả quá tinh vi, khiến cơ quan chuyên môn không thể phân biệt bằng mắt thường… Lý giải này mâu thuẫn với Cáo trạng của Viện KSND TP Hồ Chí Minh đưa ra trước đó.
Qua điều tra, tại thời điểm thẩm định, cấp giấy phép cho đơn hàng H-Capita 500mg, Công ty Austin Hồng Kông - đơn vị cung cấp thuốc cho VN Pharma đã hết hạn giấy phép hoạt động do Bộ Y tế cấp tại Việt Nam từ ngày 6-10-2013. Ngoài ra, hồ sơ thuốc H-Capita 500mg Caplet của VN Pharma nộp cho Cục Quản lý dược có nội dung không thống nhất, thông tin trên tài liệu tiêu chuẩn và hướng dẫn sử dụng “lệch” nhau về tên thuốc, hạn sử dụng, nhiệt độ bảo quản... Vậy nhưng tổ thẩm định không phát hiện được.
Trong khi các nhà máy dược ở Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại khi xuất khẩu thuốc, bởi các cơ quan quản lý dược phẩm nước ngoài đều áp dụng hàng rào kỹ thuật như yêu cầu thanh tra thực tế nhà máy trước khi xét cấp số đăng ký lưu hành thuốc... thì rất nhiều công ty dược nhỏ của Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh... thỏa mái xuất khẩu thuốc sang Việt Nam. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam đặt câu hỏi: Từ trước đến nay, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều thuốc, nhưng cán bộ y tế của chúng ta đã đi thăm được bao nhiêu công ty dược, nhà máy sản xuất thuốc ở các quốc gia đó?
"Cần xem lại hệ thống cấp số đăng ký thuốc đang sai ở quy trình nào, nếu không sẽ tiếp tục có nhiều vụ VN Pharma khác xảy ra" - PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh. PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho rằng, để xác định chính xác loại thuốc giả hay kém chất lượng, ngoài căn cứ trên hồ sơ, bắt buộc phải qua kiểm nghiệm. Trách nhiệm đầu tiên khi để “lọt” thuốc kém chất lượng, thuốc giả... vào bệnh viện thuộc về cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thẩm định, tổ chức đấu thầu. Còn bệnh viện chỉ là nơi sử dụng, không đủ khả năng để đánh giá lô thuốc nào kém chất lượng.
Không chỉ vấn đề cấp phép, ngay cả việc thu hồi thuốc kém chất lượng lâu nay cũng mang tính hình thức. Chẳng hạn, tháng 8-2017, Cục Quản lý dược liên tiếp ban hành các quyết định đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố thông báo đến những đơn vị kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc tẩy giun Fugacar giả và thu hồi 3 loại thuốc Proctolog dùng để chữa bệnh trĩ đã bị rút số đăng ký lưu hành. Thế nhưng, chủ một hiệu thuốc trên đường Giải Phóng (Hà Nội) cho biết, thông tin yêu cầu thu hồi thuốc kém chất lượng chỉ để... tham khảo. Bởi thuốc đã bán cho người tiêu dùng, biết tìm họ ở đâu để thu hồi? Có những loại thuốc dù đã có yêu cầu thu hồi, nhân viên nhà thuốc chưa kịp cập nhật, nên vẫn tiếp tục bán và cũng chưa ai bị phạt...
Thiếu chế tài
Dù Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đều khẳng định, thuốc H-Capita 500mg của VN Pharma chưa được đưa vào bất kỳ hệ thống bệnh viện nào, song với thông tin “hoa hồng” cho bác sĩ lên tới 7,5 tỷ đồng nêu trong cáo trạng của vụ án, ít ai có thể tin, thuốc chưa đưa ra thị trường! Thầy thuốc kê đơn, nhận “hoa hồng” làm hoen ố hình ảnh ngành Y. Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết: việc các công ty dược chi “hoa hồng” cho bác sĩ diễn ra nhiều năm qua. Hiện nay, thuốc sử dụng trong bệnh viện, dù đấu thầu tập trung ở Sở Y tế hay bệnh viện đều do Hội đồng thuốc và điều trị của bệnh viện quyết định. Hội đồng thường gồm giám đốc bệnh viện, trưởng khoa dược, các bác sĩ trưởng khoa, phòng. Do đó, ngoài việc chi “hoa hồng” cho bác sĩ, các công ty dược còn “chăm sóc” hội đồng thuốc. Vì vậy, có những đơn thuốc được kê theo... trình dược viên, thay vì bác sĩ chỉ định.
Nhiều nước trên thế giới có quy định rất nghiêm để giám sát vấn đề này, đó là luật cấm “hoa hồng”. Khi phát hiện người trong ngành nhận “hoa hồng” thì sẽ không được hành nghề y nữa. Còn tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự hay Luật Dược đều không quy định về việc này. PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan từng nhiều lần thẳng thắn chỉ ra và phân tích, một trong những nguyên nhân đẩy giá thuốc lên cao, không đúng giá trị thực là nạn “hoa hồng” cho bác sĩ. Do đó, Nhà nước cần luật hóa các biện pháp, chế tài để răn đe.
Sự việc liên quan VN Pharma cho thấy, trong khi người bệnh đặt trọn niềm tin vào thầy thuốc, thì chính người “gác cổng”, bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho họ lại không làm “tròn vai”. Đã đến lúc, cần có những biện pháp mạnh hơn để ngăn ngừa, xử lý thích đáng những đối tượng trục lợi trên nỗi đau người bệnh, nhất là không thể để tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” tồn tại trong ngành Y như hiện nay (Hà Nội mới, trang 2).