Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 05/9/2022

  • |
T5g.org.vn - Phối hợp triển khai chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; Trẻ bệnh nặng vì “tê liệt” kháng sinh; Việt Nam đồng chủ trì nghị quyết của Liên hợp quốc về ừng phó dịch bệnh; Sốt xuất huyết tăng mạnh, diễn biến khó lường…

 

Phối hợp triển khai chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Tĩnh luôn là một trong những tỉnh có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế học sinh cao. Kết quả nêu trên là nhờ sự vào cuộc từ các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt từ ngành giáo dục trong công tác tuyên truyền và thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên.

Năm học 2021-2022, tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tại Hà Tĩnh đạt 99,2%, cao hơn năm trước 0,6% (năm học 2020-2021 đạt tỷ lệ 98,6%). Ðây là cơ sở thuận lợi để tỉnh Hà Tĩnh đạt mục tiêu 100% số học sinh, sinh viên có thẻ bảo hiểm y tế vào năm 2023 theo quy định tại Quyết định số 546/QÐ-TTg ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022-2025.

Chỉ đạo quyết liệt, sát sao

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 25/7/2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đạt 99,2%. Trong số 259.399 em học sinh, sinh viên toàn tỉnh, có 27.687 em có thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước cấp; 229.523/231.712 em tham gia bảo hiểm y tế tại trường. Số học sinh còn lại chưa tham gia bảo hiểm y tế là 2.187 em. Theo Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh) Trương Thị Tuyết, để có được kết quả 99,2% đó, nhiều đơn vị đã triển khai sát sao, quyết liệt ngay từ đầu năm học và đạt tỷ lệ 100% và theo đúng tiến độ cả đợt 1 và đợt 2, như đơn vị thị xã Hồng Lĩnh, các huyện Nghi Xuân, Vũ Quang và Lộc Hà. Ðây cũng là những đơn vị có nhiều năm liền đạt mục tiêu 100% học sinh có thẻ bảo hiểm y tế. Một số đơn vị có số học sinh lớn, mặc dù chưa đạt mục tiêu nhưng cũng đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả tốt hơn năm trước như các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên…

Với tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế học sinh cao, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các trường học được bảo đảm. Năm học 2021-2022, tổng kinh phí được trích lại cho nhà trường là 13 tỷ đồng. Theo thống kê, từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, toàn tỉnh có 164.832 lượt học sinh, sinh viên đi khám, chữa bệnh với chi phí Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán là 85,3 tỷ đồng, bao gồm học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tại trường học và học sinh, sinh viên thuộc các nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế…

Là đơn vị có sáu năm liên tiếp duy trì tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế đạt 100% xuyên suốt cả năm học, thị xã Hồng Lĩnh cũng là đơn vị hoàn thành sớm nhất tỉnh và là một trong bốn đơn vị đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế học sinh năm học 2021-2022. Chia sẻ về kết quả này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thị xã Hồng Lĩnh Hồ Văn Phong cho biết, để đạt kết quả tốt trong công tác bảo hiểm y tế học sinh, bài học kinh nghiệm là phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ ngành giáo dục, từ cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền để chính sách bảo hiểm y tế đến được với tất cả học sinh, sinh viên; thực hiện bảo hiểm y tế học sinh quyết liệt ngay từ đầu năm học, đầu khóa học để cấp thẻ kịp thời cho các em theo năm tài chính. Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội có sự phối hợp chặt chẽ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ nhà trường chia nhóm học sinh và xác định mức đóng của từng em. Như trong năm học 2021-2022, nhiều sáng kiến được áp dụng như điền lớp vào địa chỉ, ứng dụng các hàm excel trong phân loại đối tượng học sinh… đã giảm nhiều công sức và thời gian cho người thực hiện.

Phấn đấu 100% số học sinh, sinh viên có thẻ bảo hiểm y tế

Mặc dù có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế cao, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn để tiến tới cán mốc 100% số học sinh, sinh viên tham gia. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh, hiện vẫn còn một số trường học chưa lập đầy đủ danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh ngay từ đầu năm học và triển khai chậm tiến độ, dẫn đến thời gian tham gia bảo hiểm y tế của các em không liên tục và không đạt mục tiêu 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Một số trường thu tiền và nộp về Quỹ Bảo hiểm y tế chậm thời gian quy định. Công tác phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao, nhất là ở các vùng thôi hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế nên phụ huynh, học sinh chưa ý thức để tiếp tục tham gia tại nhà trường. Việc phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và một số trường học trong việc rà soát, phân chia nhóm danh sách học sinh đã có thẻ bảo hiểm y tế (do ngân sách nhà nước đóng) và học sinh chưa có thẻ bảo hiểm y tế có lúc chưa kịp thời…

Ðể đạt được mục tiêu năm học 2022-2023 có 100% số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, cùng với sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Hà Tĩnh tăng cường chỉ đạo công tác bảo hiểm y tế học sinh tại các cơ sở giáo dục; chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác bảo hiểm y tế học sinh ngay từ đầu năm học; bám sát kết quả thực hiện của từng đơn vị, cơ sở giáo dục để kịp thời đôn đốc và có giải pháp đối với các đơn vị chậm tiến độ; cụ thể hóa nội dung công tác bảo hiểm y tế học sinh và công tác y tế trường học vào nhiệm vụ của năm học và căn cứ kết quả xếp loại thi đua hằng năm cho các đơn vị, trường học.

Ðồng thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động, kịp thời phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo, các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên; phối hợp Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh có đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên. (Nhân dân, trang 4).

 

Việt Nam đồng chủ trì nghị quyết của Liên hợp quốc về ừng phó dịch bệnh

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua Nghị quyết về việc tổ chức Phiên họp cấp cao về sẵn sàng phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh.

Nghị quyết do nhóm nòng cốt gồm Việt Nam cùng Australia, Bangladesh, Canada, Costa Rica, Ghana, Jamaica, New Zealand, Rwanda, Nam Phi, Thụy Điển và Indonesia giới thiệu. Nghị quyết nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước, với 129 nước tham gia đồng bảo trợ.

Nghị quyết đề nghị Chủ tịch Đại hội đồng phối hợp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức một Phiên họp cấp cao với sự tham dự ở cấp Nguyên thủ hoặc người đứng đầu Chính phủ các nước tại khóa họp thường kỳ lần thứ 77 hoặc Tuần lễ cấp cao của khóa 78 Đại hội đồng trong năm 2023.

Từ những bài học kinh nghiệm của thế giới ứng phó với đại dịch Covid-19, các nước nhất trí cần tăng cường đoàn kết quốc tế, xây dựng các giải pháp mang tính toàn cầu, bao trùm và bền vững để sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh, một trong những mối hiểm họa toàn cầu hiện nay và trong tương lai.

Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng sẽ giúp huy động quyết tâm chính trị của cộng đồng quốc tế, hỗ trợ các tiến trình tăng cường sẵn sàng phòng chống và ứng phó với dịch bệnh đang được thảo luận trong khuôn khổ các khóa họp của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ.

Đây là nghị quyết thứ hai mà Việt Nam chủ trì được Đại hội đồng thông qua, sau Nghị quyết về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh (27/12 hằng năm) được thông qua năm 2020, thể hiện sự tham gia ngày càng chủ động, tích cực và sâu rộng của Việt Nam tại các diễn đàn Liên hợp quốc đối với các vấn đề toàn cầu, được cộng đồng quốc tế quan tâm cao.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tích cực tham gia công tác chuẩn bị cho Phiên họp cấp cao theo Nghị quyết đã được thông qua. (Nhân dân, trang 8).

 

Thực hiện hiệu quả 3 trụ cột trong phòng, chống dịch Covid-19

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1003-CV/BTGTU về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, cùng với theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của Covid-19, ban tuyên giáo các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy khối trực thuộc tham mưu chỉ đạo tuyên truyền, khuyến cáo tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị) và các giải pháp phòng, chống dịch theo công thức “2K” (khẩu trang, khử khuẩn) cộng vắc xin, thuốc, điều trị, công nghệ và ý thức người dân trước sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron và các biến thể khác.

Tự giác, tích cực tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19 kịp thời, đầy đủ: Mũi 3 và mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; liều cơ bản cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả...

Đồng thời, tuyên truyền, làm rõ về tác dụng, hiệu quả, lợi ích của vắc xin trong phòng dịch bệnh; khuyến khích, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Tuyên truyền, quán triệt tư tưởng “Kiên trì, kiên định, kiên quyết kiểm soát dịch Covid-19 với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thúc đẩy hồi phục kinh tế nhanh và phát triển bền vững”, “Đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết để hành động”, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm từ xa, ngay từ cơ sở”, “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin cũng như phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác”...

Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống về các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch thông tin, truyền thông về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 có trọng tâm, trọng điểm, có chứng cứ, thông tin khoa học, tập trung vào việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, các đối tượng có nguy cơ cao… (Hà Nội mới, trang 3).

 

Chăm sóc sức khỏe người dân dựa vào cộng đồng

Chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở, dựa vào cộng đồng là mục tiêu của nhiều bộ, ngành chức năng, tổ chức, trong đó có Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với mạng lưới rộng khắp, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân dựa vào cộng đồng do các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai đạt nhiều kết quả khả quan.

Để chăm sóc sức khỏe người dân từ cơ sở, các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai nhiều mô hình, hoạt động hỗ trợ người dân dựa vào cộng đồng. Nổi bật là mô hình điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ, gồm 6 trạm, 536 điểm sơ cấp cứu được cấp phép hoạt động trên phạm vi cả nước đã, đang góp phần sơ cấp cứu kịp thời cho không ít nạn nhân khi không may bị tai nạn, thương tích, tai nạn giao thông. Một số địa phương triển khai tốt mô hình này là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ…

Tại Hà Nội, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe (Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội) Đoàn Đại Dương cho biết, thành phố hiện có hơn 40 điểm sơ cấp cứu đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Các điểm đều có thiết bị, dụng cụ y tế, có người ứng trực thường xuyên, sẵn sàng trợ giúp người dân trong những tình huống cấp bách. Là người từng được hỗ trợ, anh Nguyễn Hòa Phú, trú tại khu tập thể Đại học Kiến trúc, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho hay: “Cuối năm 2021, khi tham gia giao thông trên đường Nguyễn Lương Bằng, tôi bị va chạm với xe đi ngược chiều, dẫn đến gãy tay. Ngay sau đó, tôi được người dân đưa vào điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ gần nhất thuộc quận Đống Đa. Nhờ được nẹp cố định cánh tay bị gãy sau ít phút gặp nạn, thời gian điều trị của tôi được rút ngắn, chi phí giảm đáng kể”.

Cùng với điểm sơ cấp cứu, nhiều mô hình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân dựa vào cộng đồng được các cấp Chữ thập đỏ chú trọng phát triển, nhân rộng như “Đội khám, chữa bệnh lưu động” với hơn 500 đội đang hoạt động; “Phòng khám bệnh Chữ thập đỏ” với 736 cơ sở được củng cố, kiện toàn. Ngoài ra, mô hình “Xe cứu thương Chữ thập đỏ”, “Chuyến xe nghĩa tình” hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân nghèo được Hội Chữ thập đỏ nhiều tỉnh, thành phố triển khai, qua đó các giúp gia đình bệnh nhân giảm chi phí và người bệnh tăng cơ hội sống, phục hồi sức khỏe…

Đáng chú ý, công tác khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân vùng khó khăn, các đối tượng yếu thế được mạng lưới Hội Chữ thập đỏ phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thường xuyên. Ngoài ra, phong trào hiến máu tình nguyện được duy trì hoạt động tại 100% Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, thành phố, 99% hội cấp quận, huyện, thị xã và 86% hội cấp xã, phường, thị trấn đã thu hút 1,5% dân số tham gia hiến máu, thu về hơn 1,4 triệu đơn vị máu/năm. “Lượng máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân chủ yếu là từ nguồn hiến máu tình nguyện. Những giọt máu được trao đi đã giúp nhiều cuộc đời ở lại”, Giám đốc Trung tâm máu quốc gia Trần Ngọc Quế nhấn mạnh.

Tinh thần vì sức khỏe cộng đồng dựa vào cộng đồng còn được thể hiện rõ hơn qua cuộc vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người. Đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ vận động được gần 28.000 người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, trong đó có hơn 670 người đã hiến giác mạc, 2 người đã hiến bộ phận cơ thể sau khi qua đời.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, thông qua những mô hình thiết thực, ý nghĩa nêu trên, những năm gần đây, trung bình mỗi năm, cả nước có hơn 8,16 triệu người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Trị giá các hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt gần 638 tỷ đồng/năm. Ý nghĩa hơn, thông qua những mô hình này, các cấp hội thu hút được lực lượng y, bác sĩ, những người có kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người dân cùng tham gia; hàng triệu người dân sẵn sàng trợ giúp những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Biến thể phụ BA.5 chiếm đa số ca mắc mới Covid-19

Theo Bộ Y tế, trong nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 của Omicron trong cộng đồng, đặc biệt biến thể phụ BA.5 đang dần chiếm ưu thế trong số các ca mắc hàng ngày.

Chiều 4-9, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 6.390 người khỏi Covid-19, nâng số ca được điều trị khỏi lên hơn 10,2 triệu người. Cả nước có 89 bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở oxy và thở máy. Cùng với đó, Bộ Y tế ghi nhận 1 ca tử vong do Covid-19 tại Thanh Hóa và 1.390 ca mắc mới Covid-19. Tổng số vaccine đã được tiêm là hơn 257,3 triệu mũi.

Theo Bộ Y tế, trong nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 của Omicron trong cộng đồng, đặc biệt biến thể phụ BA.5 đang dần chiếm ưu thế trong số các ca mắc hàng ngày.

Để hạn chế số bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng và tử vong, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Đặc biệt, đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ nằm điều trị tại các bệnh viện cần xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc Covid-19, tránh bỏ sót ca bệnh khiến dịch bệnh lan rộng. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 4: “Biến thể BA.5 chiếm ưu thế tại miền Bắc”; Công an Nhân dân, trang 4: “Biến thể phụ BA.5 chiếm ưu thế tại miền Bắc gia tăng ca nhiễm COVID-19”.

 

Gần 12.000 người ở TP.HCM đi tiêm vắc xin Covid-19 trong 3 ngày nghỉ lễ

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2.9 (từ 1 - 3.9), TP.HCM có 210 ca mắc Covid-19, 793 ca mắc sốt xuất huyết.

Qua số liệu báo cáo cho thấy số ca mắc sốt xuất huyết và Covid-19 trong 3 ngày nghỉ lễ có chiều hướng giảm xuống một nửa so với các ngày trước đó. Đặc biệt, 3 ngày nghỉ đã có 11.904 người đi tiêm vắc xin Covid-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có 227 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện; trong đó có 61 ca cần hỗ trợ hô hấp, 15 ca thở máy xâm lấn, 14 trẻ em; số ca cách ly tại nhà cũng giảm xuống còn 1.270 ca.

Về tình hình sốt xuất huyết, tính từ đầu năm 2022 đến thời điểm hiện tại, số ca mắc tại TP.HCM là 50.644 ca và 19 ca tử vong. Hiện các bệnh viện của TP.HCM có 1.475 ca đang điều trị nội trú; trong đó có 123 ca nặng, 14 ca thở máy, 4 ca lọc máu.

Trong những ngày nghỉ lễ 2.9, TP.HCM đã tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi và từ 18 tuổi trở lên, cụ thể ngày 1.9 tiêm 4.984 mũi, ngày 2.9 tiêm 3.457 mũi và ngày 3.9 tiêm 3.465 mũi. Tổng cộng tính đến hết ngày 3.9, TP.HCM đã tiêm trên 23,2 triệu mũi vắc xin Covid-19. Trong đó đã tiêm hơn 8,6 triệu mũi 1, hơn 7,7 triệu mũi 2, 689.407 mũi bổ sung, hơn 4,7 triệu mũi nhắc lại lần 1 và hơn 1,5 triệu mũi nhắc lại lần 2. Tháng 9 là tháng cao điểm thứ 2 TP.HCM triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em ở điểm tiêm cố định và xe lưu động. (Thanh niên, trang 4).

 

Sốt xuất huyết tăng mạnh, diễn biến khó lường

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc sốt xuất huyết, 70 ca tử vong. Riêng TPHCM đã có 18 ca tử vong, số ca nhập viện nặng vì sốt xuất huyết không giảm.

“Bệnh chủ quan” khiến sốt xuất huyết khó lường

Tại phòng hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM,  bệnh nhi 8 tuổi, ngụ tại Thành phố Thủ Đức nhập viện được 5 hôm trong tình trạng sốc, huyết áp không đo được và có thể trạng dư cân, béo phì. Theo gia đình bệnh nhi, sau khi phát hiện trẻ sốt nhưng gia đình tự điều trị tại nhà, đến khi thấy tình trạng không giảm và kèm sốc nên mới đưa đến nhập bệnh viện cấp cứu. Và trường hợp của bệnh nhi này không phải là trường hợp hiếm khi bệnh nhân chuyển nặng vì sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh đến hẹn lại lên mỗi năm, vì thế người dân có tâm lý chủ quan khi mắc sốt xuất huyết. BSCKII Đỗ Châu Việt - Trưởng Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM - cho biết, hiện tại tình hình bệnh nhi nhập viện nặng vẫn còn nhiều. Khi bệnh nhi bị nặng thường ảnh hưởng đến các cơ quan trọng yếu, tim, gan, thận, não… khiến việc điều trị hồi sức tích cực gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có trường hợp tử vong vì sốc sốt xuất huyết.

Cũng theo BS Châu Việt, ngoài nhập viện trễ thì xuất hiện các trường hợp bệnh nhân sốt có nhầm lẫn với triệu chứng của COVID-19. Khi thấy có các triệu chứng sốt trên 3 ngày liên tục, bệnh nhân cần được nhập viện để theo dõi sức khoẻ. Bởi sau đại dịch COVID-19, hệ miễn dịch của cơ thể có thể bị ảnh hưởng làm con người yếu hơn.

Trung tá BSCKI Phan Bá Hiếu - Phó Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân Y 175 - cho biết, đặc trưng của sốt xuất huyết là sốt từ từ, cảm giác bứt rứt và khó chịu, có rất nhiều trường hợp vẫn có thể đi lại được nhưng khi đến bệnh viện đo huyết áp lại bằng 0 (tức không đo được huyết áp). Lúc này khả năng bệnh đã chuyển nặng rất cao.

Khi tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue nặng, giai đoạn nguy kịch diễn ra trong khoảng 3-7 ngày sau khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Thân nhiệt sẽ giảm, điều này không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục.

Dịch sốt xuất huyết tăng gấp 5,5 lần so với năm 2021

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), hiện đã có hơn 46.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021; 18 trường hợp tử vong. Trong đó có 947 ca nặng, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Với những con số biết nói này, các chuyên gia nhận định tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn có thể tiếp tục leo thang đến tháng 10.2022.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - chia sẻ, hiện nay cộng đồng đang lưu hành 3 bệnh gây sốt là COVID-19, cúm và sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp đã nhầm lẫn các bệnh này nên khi tự điều trị tại nhà thường có những biến chứng khó lường xảy ra. Còn lại phần lớn do cơ địa bệnh nhân hoặc các bệnh nền khiến diễn biến bệnh trầm trọng lên.

Vừa qua, trong báo cáo của Sở Y tế TPHCM về công tác phòng chống dịch cho biết, dịch chồng dịch vẫn là nguy cơ đe dọa, gây quá tải cả hệ thống y tế nếu Ban Chỉ đạo các địa phương và các sở ngành không quyết liệt triển khai hiệu quả các biện pháp theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố.

Đáng lo ngại là chỉ số đo dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi vẫn tăng, tỉ lệ các điểm có lăng quăng chưa giảm dù đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.

Trước tình hình trên, thành phố đề xuất hỗ trợ kinh phí phun hóa chất diệt muỗi. Đồng thời, tiếp tục yêu cầu 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đẩy mạnh tuyên truyền về phòng dịch sốt xuất huyết. Ở khối điều trị, sau dịch COVID-19 có tình trạng “quên bài” nên lực lượng y tế cần được tập huấn lại các kiến thức liên quan đến chăm sóc, điều trị bệnh sốt xuất huyết. (Lao động, trang 7).

 

Trẻ bệnh nặng vì “tê liệt” kháng sinh

Dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh cho con uống thuốc kháng sinh vô tội vạ, xem như "thần dược". Điều này không chỉ gây ra hậu quả trước mắt mà còn tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như đề kháng của trẻ về sau.

Kết quả xét nghiệm có vi trùng kháng kháng sinh

Đến ba tiệm thuốc trên đường Nguyễn Thị Búp (quận 12, TP.HCM) vào sáng 4-9 để mua thuốc kháng sinh Augmentin 250mg cho trẻ (một loại thuốc kháng sinh phổ biến thường được kê đơn để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) thì chúng tôi đều được bán cho loại thuốc này mà không cần đơn thuốc của bác sĩ.

Theo quy định, thuốc kháng sinh chỉ được bán theo kê đơn thì thực tế việc tiếp cận thuốc kháng sinh ở các tiệm thuốc hiện nay vẫn rất dễ dàng, trong khi trước đó Bộ Y tế từng đặt mục tiêu đến 2020 đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy.

BS Nguyễn Trần Nam - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết bản thân ông đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng với kết quả xét nghiệm cho thấy có những vi trùng kháng tất cả các loại kháng sinh. Với các bác sĩ điều trị, đây là đòn cân não, đặc biệt đối với những trẻ mắc bệnh nặng khi "vũ khí" duy nhất để điều trị cho trẻ là kháng sinh mà "vũ khí" này đã bị "tê liệt" toàn bộ.

Bác sĩ Nam cho rằng trước đây khi đề cập đến vấn đề kháng kháng sinh thì chúng ta chỉ nghĩ đến ở bệnh viện và hay gặp ở trẻ em hoặc người bệnh nằm viện lâu ngày khi phải dùng kháng sinh trong thời gian dài. Thế nhưng hiện nay ngoài cộng đồng, khi xét nghiệm một số người thì vẫn cho kết quả có vi trùng kháng thuốc không thua kém gì so với ở bệnh viện.

Dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng thực tế hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh tự ý mua thuốc kháng sinh về cho con trẻ uống và xem như "thần dược". Kháng kháng sinh đã gây ra nhiều hệ lụy đối với cộng đồng, với riêng trẻ em sẽ khó khăn gấp bội phần vì điều này sẽ ảnh hưởng cả quá trình phát triển, sức khỏe sau này của trẻ.

Trong quá trình thăm khám và tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ nhi đồng thường xuyên thấy các bậc phụ huynh cầm theo túi thuốc cho trẻ mà bên trong dày đặc các loại thuốc kháng sinh. "Nhìn thấy điều này, bác sĩ chúng tôi cảm thấy quặn lòng khi trẻ còn rất bé nhưng lại uống nhiều thuốc kháng sinh đến thế. Hỏi phụ huynh thì họ đinh ninh đó là những thuốc "đầu tay", thuốc "thánh" cho trẻ khi bị bệnh nên mua về uống" - bác sĩ Nam chia sẻ.

Ba sai lầm phổ biến

Thực tế hiện nay nhiều phụ huynh mua thuốc kháng sinh nhưng không hề biết đó là thuốc kháng sinh. Có nhiều trường hợp đã biết thuốc kháng sinh rồi nhưng sau đó lạm dụng khi trẻ có bất cứ biểu hiện nào liên quan đến nhiễm trùng như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, tiêu chảy, hay có vết thương trên da...

Theo bác sĩ Nam, sai lầm điển hình nhất là phụ huynh còn nghĩ rằng việc cho trẻ uống kháng sinh thì không thể gây hại cho con mình vì những lần trước trẻ bị bệnh thì khỏi hẳn sau khi uống đơn thuốc có thuốc kháng sinh theo kê đơn của bác sĩ. Và cứ thế sau này nếu trẻ có bị bệnh thì dù bất cứ lý do gì thì phụ huynh cũng đem đơn thuốc cũ này ra tiệm thuốc mua về cho con uống.

Hoặc trường hợp trẻ đang uống thuốc kháng sinh theo hướng dẫn bác sĩ nhưng chỉ cần uống kháng sinh 2-3 ngày mà chưa thấy hiệu quả thì phụ huynh tự động ngưng thuốc, không uống đủ liều.

Cũng có nhiều phụ huynh đã đưa trẻ đi khám bác sĩ A và được cho thuốc về uống nhưng thấy tình trạng sức khỏe bé chưa có tiến triển nên ngày hôm sau lại chuyển qua bác sĩ khác và cũng được cho đơn thuốc.

"Khi uống thuốc kháng sinh vô tội vạ, đổi thuốc liên tục, không theo trình tự và lộ trình điều trị sẽ làm sức khỏe trẻ ngày càng kém đi, đề kháng kháng sinh những vi trùng gây bệnh ngày càng tăng lên. Dần dần chúng ta đi vào vòng luẩn quẩn giữa bệnh tật, nhiễm trùng và đề kháng kháng sinh", bác sĩ Nam nhận định.

Cân nhắc trước khi cho trẻ dùng kháng sinh

Theo Bộ Y tế, kháng kháng sinh là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.

Đối với các bác sĩ điều trị, việc dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ không chỉ có nỗi lo kháng kháng sinh mà trong gần 30 năm trở lại đây rất ít kháng sinh được tạo ra vì giới hạn trong hoạt động ngành dược nên bức tranh hậu kỷ nguyên kháng sinh sẽ đến sớm khi không còn kháng sinh mới ra đời.

Sự phát triển các vi trùng kháng thuốc ngày càng mạnh làm cho việc phòng kháng kháng sinh lại ngày càng nghiêm trọng. Vì vậy phải thật thận trọng và sáng suốt khi dùng kháng sinh cho trẻ.

Với những hệ lụy trên, bác sĩ Nam khuyến cáo, khi sức khỏe trẻ có vấn đề, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám chữa bệnh. Khi kê đơn thuốc cho trẻ, các bác sĩ và nhân viên y tế phải tư vấn các loại thuốc trong toa và phải nói rõ thêm.

Nếu có thành phần kháng sinh nên xem xét có cần thiết dùng kháng sinh để điều trị bệnh cho trẻ hay không mà thay vào đó dựa vào chính sức đề kháng để chống lại bệnh tật một cách chủ động. (Tuổi trẻ, trang 9).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang