Thủ tướng Phạm Minh Chính: Vắc xin, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất rất cơ bản, quan trọng trong phòng, chống dịch
Sáng 5-12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước và nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị Covid-19.
Dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị liên quan.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thế giới nói chung, ngay các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... có biện pháp chống dịch rất quyết liệt, có nền y học tiên tiến, song cũng bị tác động bởi chủng vi rút mới Omicron, Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Trong những biện pháp phòng, chống dịch thì vắc xin, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất rất cơ bản, quan trọng. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai chiến lược vắc xin trong nhiều tháng nay, vừa qua bổ sung vấn đề thuốc điều trị. Công việc này có khối lượng, quy mô lớn, lại tiến hành trong thời gian ngắn, chưa có tiền lệ nên có khó khăn, lúng túng.
Cuộc họp này nhằm đánh giá toàn diện về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 ở trong nước; đồng thời bàn giải pháp, nhiệm vụ tiếp tục triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa trong vấn đề chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương, chính sách của Chính phủ đều nhất quán, quyết liệt, tích cực; việc thực hiện phải đảm bảo an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tổ chức thực hiện phải đồng bộ, thông suốt, liên thông, mang lại hiệu quả.
“Chính phủ rất sốt ruột về vấn đề trên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm, liên quan hạn sử dụng vắc xin”, Thủ tướng bày tỏ.
Theo Bộ Y tế, tổng số vắc xin đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều; số vắc xin đã tiếp nhận đến hết ngày 3-12 là hơn 150 triệu liều. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vắc xin phòng Covid-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vắc xin của Cuba, Ấn Độ...
Cùng với đó, việc nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị Covid-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận sâu sắc về nhu cầu vắc xin, khả năng đáp ứng vắc xin (gồm nguồn nhập khẩu, viện trợ và sản xuất trong nước); kế hoạch tiêm vắc xin cho từng đối tượng; nhu cầu, khả năng sản xuất thuốc điều trị Covid-19; những khó khăn, vướng mắc, đề xuất cơ chế để nhập khẩu, sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19 đảm bảo đủ nguồn phục vụ phòng, chống dịch.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, đến thời điểm này, chiến lược vắc xin đạt kết quả tốt: Đã tiêm mũi 1 đạt 94%, mũi 2 đạt 69%. So với các nước, Việt Nam thuộc nước có tỷ lệ tiêm chủng cao mặc dù xuất phát điểm chậm.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, diễn biến dịch hiện nay phức tạp, dịch còn có thể xuất hiện những chủng vi rút mới, do đó chiến lược phòng, chống dịch không chỉ có thời gian 2 năm mà có thể phải lâu dài hơn.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chủ động kịp thời, khoa học, hợp lý, hiệu quả, an toàn để bảo đảm đủ vắc xin phòng, chống dịch; thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng vắc xin. Theo đó, phấn đấu đến 15-12, tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất là hoàn thành trong tháng 12; có lộ trình tiêm vắc xin mũi thứ 3, trước hết là cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng ưu tiên và theo yêu cầu từng địa phương; khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 tuổi đến 18 tuổi... Đồng thời, lên kế hoạch tiêm vắc xin cho năm 2022; hoàn thành báo cáo, phân tích và quan điểm của Ban Chỉ đạo về vấn đề tiêm vắc xin đối với trẻ em từ 5 đến 12 tuổi trình cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ đối tượng để tiêm vét mũi 2; rà soát, đánh giá lại các sự cố, bất cập trong thời gian qua một cách khách quan, trung thực, trên cơ sở đó có thông tin chính xác, kịp thời đến với nhân dân, trên tinh thần không phân biệt vắc xin, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và có tham chiếu với tình hình, bài học, kinh nghiệm của thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng lưu ý tránh tiêu cực trong vấn đề phân bổ, tiêm vắc xin; nếu địa phương còn yếu, thiếu điều kiện tiêm vắc xin cho người dân thì Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hỗ trợ nhân lực để tăng tốc tiêm vắc xin cho nhân dân đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
Về thuốc điều trị Covid-19, các bộ, ngành chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyển cho ý kiến; chủ động tính toán về nhu cầu, chủng loại, số lượng, khả năng đáp ứng và phương án phân bổ; đặc biệt phải có cơ số thuốc thiết yếu dự phòng cho tình huống diễn biến xấu.
Bộ Y tế phải hỗ trợ các nhà sản xuất thuốc điều trị Covid-19 trong nước để triển khai đúng nguyên tắc, đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả, trên tinh thần hợp tác vô tư, trong sáng, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, vì sức khỏe của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 phải công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường; kiểm soát giá cả; đảm bảo bình đẳng, trong sạch; kiên quyết xử lý nếu có tiêu cực trong vấn đề này... (Hà Nội mới, trang 2; Nhân dân, trang 1; An ninh thủ đô, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Bộ Y tế hỏa tốc thúc các địa phương tiêm vaccine, công cụ hiệu quả kể cả với biến thể Omicron
Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo, thế giới đang lo lắng trước biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 và vaccine vẫn là công cụ quan trọng nhất…
Ngày 5-12, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Bộ vừa có văn bản hoả tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua Bộ Y tế đã phân bổ kịp thời vaccine phòng Covid-19 đến các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng. Đến hết 30-11 đã tiêm được hơn 123 triệu liều vaccine.
Tuy nhiên, còn một số địa phương tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nểu nhiễm bệnh.
Vì thế, Bộ Y tể một lần nữa đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung (mũi 3) cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản theo hướng dẫn.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vaccine đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời, không để xảy ra tình trạng thừa vaccine với hạn dùng ngắn hoặc quá hạn sử dụng phải huỷ bỏ gây lãng phí.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, theo khuyến cáo của WHO, tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất trong kiểm soát dịch bệnh, kể cả với các biến thể mới như Delta hay Omicron.
Về việc này, TS Kidong Park – Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch Covid-19 gồm: Vaccine; các biện pháp y tế công cộng – xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới. Trong đó, bao phủ vaccine ở các quần thể dân số phù hợp là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện.
Theo Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, hiện số ca mắc Covid-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron, khiến chúng ta lo lắng hơn. "Vaccine là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này" – TS Kidong Park nói. (An ninh thủ đô, trang 3)
Nghiên cứu, xin ý kiến về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vắc xin, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.
Đã có 20 nước tiêm cho trẻ em từ 3-11 tuổi
Sáng 5/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp để tiếp tục thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin và thuốc chữa bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay tổng số vắc xin đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng hơn 200 triệu liều. Đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều, trong đó có gần 71,5 triệu liều mua từ nguồn ngân sách nhà nước và hơn 79 triệu liều từ nguồn viện trợ, tài trợ.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, việc xuất hiện biến chủng mới Omicron đã làm dịch bệnh trên thế giới càng diễn biến phức tạp và khó lường, khó dự báo hơn. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy hiệu lực bảo vệ của các loại vắc xin đã được cấp phép vẫn cao và các hãng đang tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm và nâng cao hơn nữa hiệu lực bảo vệ.
Trước biến chủng mới, ông Vũ cho biết, nhiều nước triển khai quyết liệt trở lại các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nước triển khai và đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi thứ 3. Đã có hơn 20 nước tiêm vắc xin cho trẻ em từ 3-11 tuổi, trong đó có nhiều nước phát triển. WHO khuyến cáo rằng việc tiêm cho trẻ em từ 3- 11 tuổi có lợi ích cao hơn rủi ro, tuy nhiên, nên ưu tiên cho người già và người có bệnh nền, khi đã đủ vắc xin thì tiêm cho trẻ em.
Về thuốc điều trị, tính đến ngày 2/12, Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu sử dụng và tiến hành phân bổ theo đề xuất của các đơn vị, địa phương các loại thuốc gồm Remdesivir (đã phân bổ hơn 514.000 lọ); Favipiravir (có quyết định phân bổ 2 triệu viên); Casirimab + Imdevimab (170 lọ thuốc); thuốc Molnupiravir đang được sử dụng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng được Bộ Y tế phê duyệt…
Đánh giá các sự cố sau tiêm vắc xin khách quan, trung thực
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 hết sức chi tiết, cụ thể về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vắc xin…, tránh bị động, lúng túng và phù hợp với kế hoạch/chương trình tổng thể phòng chống dịch.
Về lộ trình, Thủ tướng yêu cầu, phấn đấu chậm nhất trong tháng 12/2021 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các đối tượng chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này. Đồng thời, có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho người từ 12- 18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vắc xin, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.
Thủ tướng cũng giao các cơ quan rà soát lại việc vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin, đánh giá các sự cố xảy ra sau tiêm vắc xin, bảo đảm khách quan, trung thực, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân yên tâm tiếp tục tiêm và không phân biệt đối xử các loại vắc xin đã được cấp phép.
Về thuốc chữa bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan liên quan bám sát, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, cấp phép…
Bộ Y tế chủ động dự báo nhu cầu về số lượng, loại thuốc điều trị COVID-19 cho cả nước để có phương án mua, kể cả mua tập trung và phân bổ, sử dụng phù hợp với yêu cầu điều trị, bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống lãng phí; đối với các loại thuốc thiết yếu phải có cơ số dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu.
Đối với sản xuất vắc xin và thuốc trong nước nói chung, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan cần tích cực triển khai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, kể cả hỗ trợ tài chính, cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước trên nguyên tắc bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả. (Tiền phong, trang 3; Tuổi trẻ, trang 4; Thanh niên, trang 4)
Đề nghị các tỉnh không để xảy ra quá hạn vaccine phòng COVID-19
Theo Bộ Y tế, một số địa phương có tỷ lệ sử dụng vaccine thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nểu nhiễm bệnh.
Bộ Y tế vừa có văn bản hoả tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua Bộ đã phân bổ kịp thời vaccine phòng COVID-19 đến các địa phương, đơn vị để triển khai tiêm chủng. Tổng hợp ghi nhận kết quả triển khai từ các địa phương, đơn vị, đến hết ngày 30/11 đã tiêm được hơn 123 triệu liều vaccine.
Nhiều địa phương đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên rất cao (trên 90% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1) và đang triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi.
Tuy nhiên, còn một số địa phương tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nểu nhiễm bệnh.
Bộ Y tể để nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phỏng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.
Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vaccine cao cần rà soát kĩ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine. Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tỉnh hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vaccine đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời, không để xảy ra tình trạng thừa vaccine với hạn dùng ngắn hoặc quá hạn sử dụng phải huỷ bỏ gây lãng phí. (Công an nhân dân, trang 1)