Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Ngày 16.10 xử phúc thẩm vụ VN Pharma; Vặn người, bẻ khớp thường xuyên, cẩn thận kẻo nhập viện; Thị trường thực phẩm chức năng: Hỗn loạn giá, nhập nhèm chất lượng; Suy đa tạng, nhiễm trùng huyết vì ăn tiết canh lợn.

 

Ngày 16.10 xử phúc thẩm vụ VN Pharma

Dự kiến, ngày 16.10, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ án “buôn lậu”, “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với Nguyễn Minh Hùng - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma và Võ Mạnh Cường - nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C cùng 7 đồng phạm khác. Trước đó, ngày 25.8, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên phạt Hùng, Cường cùng 12 năm tù về tội “buôn lậu”; 7 đồng phạm còn lại lãnh mức án từ 1 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Hùng và Cường cùng kháng cáo kêu oan, 6 đồng phạm kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; riêng bị cáo Phạm Minh Thông - dược sĩ được cấp dưới của Hùng thuê viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500 mg Caplet bị tòa tuyên 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo không kháng cáo. Đến ngày 22.9, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cũng có kháng nghị toàn bộ nội dung vụ án, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Nội dung kháng nghị đề nghị làm rõ lại tội danh của Hùng là buôn lậu hay tội “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”; làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khi để Hùng và đồng phạm nhập lô thuốc chữa bệnh ung thư giả về VN, tiền các bị cáo chi hoa hồng các bác sĩ tại bệnh viện (Thanh niên, trang 5).

 

Vặn người, bẻ khớp thường xuyên, cẩn thận kẻo nhập viện

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức cho biết, chỉ riêng tại viện này hiện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500-600 bệnh nhân xương, khớp đến khám với độ tuổi rất đa dạng, thậm chí có cả thiếu nhi.

Người mắc bệnh đang trẻ hóa

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, bệnh đau nhức xương khớp đang có xu hướng tăng lên ở người trẻ. Tại Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 350-400 bệnh nhân đến khám về chấn thương chỉnh hình và các bệnh lý cơ xương khớp, nếu tính cả các bệnh lý cột sống thì số lượng bệnh nhân lên tới 500-600 trường hợp và con số này có xu hướng tăng theo từng năm. Nguyên nhân gây bệnh cũng ngày càng đa dạng do những thói quen xấu trong sinh hoạt, thói quen vận động, tập luyện không đúng…

“Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, cách đây 20 năm, bệnh nhân mắc bệnh xương, khớp đến viện chủ yếu do chấn thương sau tai nạn, nhưng đến nay mô hình bệnh tật đã thay đổi. Các bệnh lý không do nguyên nhân chấn thương rất nhiều, chiếm tỷ lệ từ 40-50%, ví dụ những bệnh lý thoái hóa khớp, bệnh lý do hậu quả trong tập luyện thể dục thể thao như đứt dây chằng, chấn thương khớp vai, chấn thương vùng cổ chân, hoặc các bệnh lý mạn tính khác như hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, thoái hóa khớp gối… Lứa tuổi mắc rất đa dạng, từ người cao tuổi, đến trung niên và cả các cháu nhỏ” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh chia sẻ. 

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, qua theo dõi, những người thừa cân béo phì hay người bị bệnh gút, những người lao động nặng hoặc nhân viên văn phòng phải ngồi nhiều, liên tục là những đối tượng trẻ tuổi mắc bệnh xương khớp nhiều hơn cả. “Với nhân viên văn phòng và những người làm công việc phải ngồi lâu một tư thế, ít vận động tay chân, cơ sau lưng cạnh cột sống phải làm việc liên tục không nghỉ gây tình trạng căng cơ liên tục, từ đó gây đau. Vì thế những người làm việc văn phòng nên có những vận động để cột sống làm việc và giảm tải cho cơ, giúp phòng các bệnh về xương khớp” - PGS.TS Khánh phân tích.

Mắc bệnh vì thói quen có hại

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết thêm, có một số thói quen xấu không phù hợp với khớp, không tốt cho xương khớp mà đa số người dân nước ta mắc phải, điển hình là thói quen bẻ tay, cổ, bẻ ngón tay, ngón chân, hay phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót, ngồi bàn ghế không phù hợp với chiều cao cơ thể… Đây là những thói quen không khoa học bởi khi bẻ tay, diện khớp liên tục bị trượt lên nhau, hệ thống dây chằng bên liên tục bị giãn.

Đặc biệt, đối với những cháu nhỏ thì thói quen này rất hại, sẽ làm biến dạng khớp, nhất là những khớp nhỏ ở ngón tay, làm phì đại các đầu xương gây mất thẩm mỹ, về lâu dài làm giãn hệ thống dây chằng bên và bao khớp xung quanh… Đây là những yếu tố nguy cơ mà khi có tuổi, người bệnh sẽ bị lắng đọng, tích tụ chất chuyển hóa, dẫn tới bệnh khớp.

Đồng quan điểm, TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam chia sẻ, nhiều bệnh nhân cho biết, cứ mỗi lần mỏi mệt, họ liền vặn người, bẻ khớp ngón tay ngón chân cho kêu rắc rắc thì thấy đỡ mỏi, dễ chịu hơn hẳn. Tuy nhiên, bản chất của tiếng kêu khi bẻ ngón tay, ngón chân là do dây chằng bị giãn gây ra.

Thói quen này nếu thực hiện thường xuyên sẽ khiến dây chằng bị giãn ra quá mức, nếu lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng tới dây chằng và khớp. Thói quen tùy tiện trong tập luyện, thể dục thể thao sai cách (tập sai cường độ, sai tư thế, quá sức, không có chế độ dinh dưỡng phù hợp…) cũng có thể dẫn đến một loạt hậu quả như đau ở các nhóm cơ, xương, khớp.

Bên cạnh các thói quen có hại, những sai lầm trong điều trị bệnh xương khớp cũng rất phổ biến. Chẳng hạn, thời gian gần đây nhiều người lan truyền bài thuốc dùng hạt đu đủ chín để chữa gai đốt sống hiệu quả, chỉ cần lấy hột đu đủ đập nát ra đắp lên đốt sống cổ thì gai đốt sống cổ sẽ mòn. 

Tuy nhiên, TS Đậu Xuân Cảnh khẳng định, việc lấy hạt đu đủ đắp lên để tiêu gai đốt sống cổ như một số bài thuốc được lan truyền trên là một phương pháp không đúng, không có cơ sở khoa học và không nên dùng. Chắc chắn gai cột sống thì không phải điều trị bằng hạt đu đủ là khỏi được. Hơn nữa, bản chất gai cột sống này là hình ảnh của thoái hóa đốt sống gây nên, do đó điều trị gai cột sống chỉ là để cơ thể thích nghi với gai chứ không phải để làm mất gai này đi (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Thị trường thực phẩm chức năng: Hỗn loạn giá, nhập nhèm chất lượng

Chưa bao giờ việc mua bán thực phẩm chức năng lại dễ dàng như hiện nay. Từ các hiệu thuốc, siêu thị, chợ…, thậm chí trên mạng xã hội cũng có thể tìm mua được đủ loại thực phẩm chức năng. Kèm theo đó, hàng loạt các sai phạm cũng được phát hiện trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng. 

Hiện nay, Đoàn thanh tra Bộ Y tế đang tiến hành đợt kiểm tra chuyên đề các công ty sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm chức năng, công tác kiểm tra sẽ kéo dài đến hết năm. Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, qua kiểm tra bước đầu đã phát hiện các hành vi vi phạm: Ghi nhãn không đúng như công bố; không thực hiện kiểm nghiệm sản phẩm đầy đủ theo quy định; vi phạm về điều kiện sản xuất; chất lượng sản phẩm không đúng tiêu chuẩn công bố... Thanh tra Bộ Y tế đã xử phạt hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Theo PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực trạng thực phẩm chức năng bị làm giả, làm nhái đã đến mức báo động. Các vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng. Khi kiểm tra, có thực phẩm chức năng giả bẻ ra toàn là bột mì đổ khuôn thành viên, rồi phết mật ong bên ngoài, đóng lọ, dán nhãn, thế là thành... "sữa ong chúa". 

Nếu như năm 2000, cả nước chỉ có khoảng 60 sản phẩm thực phẩm chức năng với 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, thì đến nay đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh khoảng 6.800 sản phẩm. Thị trường thực phẩm chức năng phát triển “nở rộ”, nhưng lộn xộn và khó kiểm soát; giá cả các sản phẩm bán ra không theo một căn cứ nào, cùng một loại nhưng mỗi nơi một giá khác nhau. Tại buổi tọa đàm về quản lý thực phẩm chức năng diễn ra mới đây, GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam đánh giá: Ở Việt Nam, các doanh nghiệp thực phẩm chức năng phát triển nhanh, rộng nhưng đầu tư chưa thỏa đáng. Thậm chí, việc sản xuất quá dễ dàng, chưa có lực lượng nghiên cứu kỹ lưỡng để tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng...".

PGS.TS Trần Đáng cho rằng, nguyên nhân của thực trạng nói trên là do hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh còn quá lỏng lẻo. Từ năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thực phẩm, trong đó có đề cập đến quản lý thực phẩm chức năng. Thế nhưng đến nay, chưa có Nghị định về quản lý thực phẩm chức năng được xây dựng. Hiện nay mới chỉ có Thông tư số 43/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng, dẫn đến việc giám sát các hoạt động sản xuất, quản lý chưa được chặt chẽ, thị trường thực phẩm chức năng bị thả nổi.

Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm đang xây dựng Nghị định quản lý thực phẩm chức năng để trình Chính phủ, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn. GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, nhằm tránh tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, rất cần thiết ban hành nghị định này. Và để nghị định phát huy được hiệu quả quản lý, cần phải đưa những chế tài xử phạt thật nặng, thật nghiêm đối với các hành vi sai phạm. Ví như tại Hàn Quốc, Luật Quản lý thực phẩm chức năng quy định: Phạt tới 2 tỷ đồng hoặc 7 năm tù giam, nếu doanh nghiệp làm sai quy định... Ở góc độ phân phối, hiện có gần 90% sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam được kinh doanh theo mô hình đa cấp. Bộ Y tế đã đề xuất Bộ Công Thương cấm bán thực phẩm chức năng theo hình thức này. Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, thực phẩm chức năng được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, các mạng kinh doanh đa cấp thường quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thần dược, đẩy giá sản phẩm lên cao hơn nhiều so với giá trị thật. Đây cũng là biến tướng của kinh doanh thực phẩm chức năng, làm nhiều người tin mua, thậm chí bị lừa do chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo. 

Bên cạnh đó xuất hiện tình trạng kê đơn thực phẩm chức năng bừa bãi, trong khi trên thế giới, chỉ cho phép bác sĩ kê đơn thuốc, không được kê thực phẩm chức năng. Thực tế trên cho thấy, thực phẩm chức năng đang là một ngành công nghiệp phát triển nhanh tại Việt Nam, kéo theo đó, cuộc đấu tranh giữa hàng thật và hàng giả sẽ ngày càng gay gắt. Nếu cơ quan chức năng không siết chặt quản lý thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất không chỉ là người tiêu dùng mà còn cả những doanh nghiệp làm ăn chân chính (Hà Nội mới, trang 7). 

 

Suy đa tạng, nhiễm trùng huyết vì ăn tiết canh lợn

Nam bệnh nhân là ông T.Q.N 57 tuổi ở Thái Bình. Sau ăn tiết canh lợn 4 ngày, ông N xuất hiện sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Ông N. được gia đình đưa vào bệnh viện tỉnh nhưng đã xuất hiện sốc, ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ vào ngày 1/10.

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ đã xác định, ông N. bị nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn. Hiện tại ông N. bị suy đa tạng, đang phải hồi sức tích cực. Ngoài ra, Khoa Cấp cứu cũng đang điều trị cho một trường hợp bệnh nhân khác là ông V.V.D 52 tuổi ở Ninh Bình. Thông tin từ gia đình bệnh nhân cho hay, ông N. ăn tiết canh sau 3 ngày xuất hiện sốt, hôn mê, gia đình vội đưa vào bệnh viện tỉnh điều trị, tuy nhiên ngay sau đó, ông D đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW ngày 2/10 với nhiều biểu hiện của nhiễm liên cầu lợn. Hiện, bệnh viện đang chờ kết quả vi sinh để khẳng định, bệnh nhân có nhiễm liên cầu lợn hay không.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, dù các bác sĩ cũng như tên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục thông tin cảnh báo về những nguy hại của món tiết canh đối với sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên nhiều người vẫn chủ quan ăn tiết canh chỉ vì… sở thích. Một bát tiết canh từ lợn nhiễm liên cầu có thể khiến người ăn phải nó trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời tại bệnh viện, với chi phí hàng trăm triệu nhưng không phải trường hợp nào cũng qua khỏi bởi người bị bệnh liên cầu khuẩn từ lợn thường mắc ở 2 thể. Ở thể cấp tính, bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng huyết khiến người bệnh sốt cao, tụt huyết áp, sốc, gây suy đa phủ tạng, xuất huyết và hoại tử toàn thân…, dẫn đến tử vong rất nhanh. Ở thể viêm màng não, bệnh nhân có sốt cao trên 39 độ C, đau đầu dữ dội, nôn, ù tai, chân tay lạnh, rét run, cứng gáy, rối loạn tri giác, lơ mơ dần dẫn đến hôn mê và nếu được cứu sống cũng để lại di chứng ù tai, điếc tai, mất trí nhớ. Ngoài ra, có những trường hợp mắc cùng lúc cả hai thể bệnh này khiến tình trạng bệnh rất nguy kịch (Tiền phong, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang