Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 06/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Thẩm mỹ 'chui' hoành hành cuối năm; Ghi danh Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới; Chặng đường mới cho y tế cơ sở; 'Giáo sư, bác sĩ' khám chữa bệnh không phép bị phạt 104 triệu đồng; Kỹ thuật mổ nội soi đặc biệt ở Việt Nam khiến người bệnh nước ngoài tìm đến

 

Thẩm mỹ 'chui' hoành hành cuối năm

Ngày 5/12, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, Thanh tra Sở Y tế mới đây phối hợp Công an quận Bình Thạnh và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác định địa chỉ số 69/20A Nguyễn Gia Trí (phường 25, quận Bình Thạnh) là cơ sở Charm Beauty chuyên các dịch vụ làm đẹp, do bà Nguyễn Thị D. làm chủ nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, người bảo vệ của căn nhà nói rằng, cơ sở đã dọn đi nơi khác từ ngày 29/11 sau khi bị báo chí thông tin về hành vi hoạt động trái phép.

Ngày 18/11, Thanh tra Sở Y tế TPHCM phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TPHCM kiểm tra đột xuất căn nhà có gắn bảng hiệu "Mr.Lee" ở số 15 Nguyễn Quý Cảnh (phường An Phú, TP Thủ Đức), phát hiện ông Trương Thanh Tịnh (xưng Mr.Lee) cùng vợ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, tiêm filler trái phép. Trước đó, ngày 23/9, cơ sở "Mr.Lee" đã bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt trên 115 triệu đồng về các hành vi khám, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh và quảng cáo dịch vụ khi chưa có giấy phép hoạt động... Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt và đình chỉ hoạt động, chủ cơ sở đã tự ý tháo niêm phong, đưa bệnh nhân đến tiếp tục thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ “chui”.

Trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, giáp Tết, hoạt động thẩm mỹ “chui” sẽ càng diễn biến phức tạp khi nhu cầu làm đẹp trong dân tăng cao. Sở Y tế đang phối hợp Công an TPHCM tăng cường quản lý các khách sạn, khu dân cư để kịp thời phát hiện, xử lý những cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép (Tiền phong, trang 6).

 

Ghi danh Việt Nam trên bản đồ y khoa thế giới

Mới đây ca phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị u nang ống mật cho bệnh nhi người nước ngoài do PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, thực hiện thành công đã khẳng định vị thế, uy tín của y học Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, điều trị nang ống mật chủ bằng nội soi một lỗ là kĩ thuật đặc biệt khó. Hiện, Việt Nam là một trong 2 nước trên thế giới báo cáo ứng dụng kĩ thuật thành công. TS Sơn là một trong hai bác sĩ đi đầu về thực hiện kĩ thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ.

Khi các bác sĩ ở Bali (Indonesia) chẩn đoán cô con gái (4 tuổi) bị nang ống mật chủ, anh R.W - bố bệnh nhi đã tìm hiểu rất kĩ các phương pháp điều trị tại Bali và nhiều nước có nền y khoa phát triển như Australia, Singapore, Pháp… Nhưng tại những nơi này, phương pháp điều trị chủ yếu là mổ mở, có nơi thực hiện mổ nội soi, nhưng vẫn phải qua 4-5 lỗ mở. Mong muốn tìm phương pháp tối ưu, ít xâm lấn nhất, anh R.W tiếp tục tìm hiểu và phát hiện tại Việt Nam có PGS. TS Trần Ngọc Sơn đã triển khai thành công kĩ thuật mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ. Anh tiếp tục tìm hiểu sâu hơn và gửi thư điện tử cho PGS Sơn để trao đổi về tình trạng con gái mình cũng như phương pháp điều trị. Sau quá trình trao đổi, cả gia đình quyết định bay sang Việt Nam và đăng kí mổ cho con gái tại Trung tâm Kĩ thuật cao, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. PGS Sơn là phẫu thuật viên chính của ca mổ này.

Nhiều ưu điểm vượt trội

PGS Sơn cho biết, bệnh nhi có ống mật dài 2cm, giãn thành hình thoi; bình thường nang mật chủ giãn thành nang, ống mật chỉ dài 2-3 mm. Với bệnh nhi này, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ dễ gây ra biến chứng.

PGS Sơn nhận định, đây là ca phẫu thuật đặt ra nhiều thách thức cho bác sĩ, đòi hỏi kĩ năng thao tác dụng cụ rất chuyên nghiệp. “Phẫu thuật viên phải cắt túi mật, sau đó cắt ống mật chủ bị giãn thành nang, cắt đường mật chủ bị giãn thành nang, sau đó mới đưa quai ruột lên nối lại với ống gan chung ở phía trên để hứng mật. Việc thực hiện tất cả công đoạn này bằng phương pháp mổ nội soi một lỗ khó hơn rất nhiều. Thách thức lớn nhất là tư thế thao tác. Với phẫu thuật nội soi một lỗ, khi dụng cụ chỉ đi qua vết rạch dưới 2cm, các dụng cụ gần như đặt song song. Tất cả động tác của bác sĩ phải thay đổi so với phẫu thuật thông thường vì không gian quá chật hẹp", PGS Sơn nói.
Nhiều nước có nền y học tiên tiến hiện vẫn đang điều trị nang mật chủ theo phương pháp mổ mở, đường rạch 10 - 15cm gây mất thẩm mĩ, sang chấn nhiều, hồi phục chậm. Một số nước cũng áp dụng phẫu thuật nội soi thông thường, mặc dù đường rạch bé hơn (khoảng 2,5-3cm) nhưng vẫn cần mở khoảng 4 hoặc 5 “cổng vào” để phẫu thuật viên thao tác, dù hạn chế được xâm lấn so với mổ mở nhưng vẫn chưa thực sự phù hợp với trẻ em.

Nội soi một lỗ đi qua lỗ rốn với vết rạch dưới 2 cm nên không để lại sẹo. Ưu điểm của phương pháp này là ít đau, ít gây tổn thương thành bụng, vết thương nhanh lành. Sau phẫu thuật, bệnh nhi phục hồi nhanh và đặc biệt bệnh không tái phát. Dự kiến, trong tuần này bệnh nhân sẽ được xuất viện về nước. Bệnh nhi 4 tuổi này cũng là người nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam để điều trị nang ống mật chủ bằng phương pháp nội soi một lỗ (Tiền phong, trang 15).

 

Chặng đường mới cho y tế cơ sở

Y tế cơ sở đang đóng vai trò quan trọng bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Nhưng với những thay đổi, từ tổ chức quản lý, mô hình bệnh tật đến nhu cầu của người dân ngày càng cao, tốc độ già hóa dân số nhanh… đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách mới giúp y tế cơ sở phát triển, hoàn thành sứ mệnh của mình.

Y tế cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc trong lĩnh vực y tế, tăng tuổi thọ của người dân.

Đã đến lúc thay đổi

Theo báo cáo của Bộ Y tế, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam không ngừng được củng cố qua các thời kỳ, trở thành xương sống của hệ thống y tế Việt Nam. Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới này đã bao phủ rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và có cơ chế vận hành hiệu quả. Những thành tựu quan trọng nhất của hệ thống y tế Việt Nam đều gắn chặt với những nỗ lực của y tế cơ sở, góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập.

Y tế cơ sở đã góp phần làm tốt công tác tiêm chủng mở rộng cũng như triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu về y tế; tham gia dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Đến nay, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; kiểm soát được các bệnh: lao, sốt rét, sởi, HIV/AIDS; tỷ lệ mắc và chết các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván đã giảm liên tục qua các năm.

Đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19, y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong cả phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tại cộng đồng. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, y tế cơ sở tham gia giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý kịp thời; đồng thời triển khai các mô hình chăm sóc, điều trị người nhiễm tại nhà; lập các trạm y tế lưu động cho xã, phường, thị trấn. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm trạm y tế lưu động được thành lập, tham gia quản lý, điều trị cho hơn 152 nghìn người bệnh Covid-19 tại nhà... Đây là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm bệnh nặng, giảm tử vong.

Y tế cơ sở cũng đang triển khai phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, môi trường y tế. Đến nay có 85,7% số trạm y tế tuyến xã triển khai quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, quản lý bệnh nhân rối loạn sức khỏe tâm thần...

Các thống kê cũng cho thấy, người dân đã tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ khám, chữa bệnh tại mạng lưới y tế cơ sở. Việc sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế tuyến xã có sự gia tăng đáng kể. Tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại y tế cơ sở tăng từ 86 triệu lượt (năm 2012) lên tới 113 triệu lượt (năm 2022); duy trì mức trên 70% tổng số lượt khám, chữa bệnh của cả hệ thống y tế. Tỷ lệ khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong tổng số khám, chữa bệnh tại tuyến huyện là 14,6% và ở tuyến xã là 30,5%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác y tế cơ sở thời gian qua còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách mới phù hợp hơn. Thực tế hiện nay cho thấy mô hình tổ chức chưa ổn định; năng lực cung ứng dịch vụ y tế, nhất là trong tình huống khẩn cấp của dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng dịch vụ còn thấp. Hiện nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế chưa bảo đảm. Mặt khác, công tác phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, quản lý sức khỏe người dân, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh còn hạn chế; người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ cho nên vượt tuyến, gây quá tải ở bệnh viện tuyến trên...

Y tế cơ sở chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện sớm các bệnh mạn tính. Số nhân lực y tế còn thấp hơn so với biên chế được giao, thiếu so với nhu cầu và chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra; chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế chưa thỏa đáng, chưa thu hút được cán bộ y tế có trình độ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở. Trong khi đó, việc đào tạo, cập nhật thường xuyên về kiến thức, kỹ năng y khoa còn hạn chế, nhiều nơi không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ.

Ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế cho y tế cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; chưa có cơ chế, nguồn lực để thực hiện khám sàng lọc, quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thực hiện chính sách y tế tại địa phương chưa tốt.

Xung lực mới cho y tế cơ sở

Để tạo bước đột phá, phát huy được vai trò người gác cổng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, mới đây Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Chỉ thị đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp mới cần thực hiện, đó là kiện toàn mô hình tổ chức, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đối với y tế cơ sở; tăng đầu tư gắn với đổi mới cơ chế tài chính; tăng trách nhiệm phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân. Chỉ thị nhấn mạnh yêu cầu thống nhất mô hình tổ chức, quản lý đối với trung tâm y tế cấp huyện theo hướng chịu sự quản lý toàn diện của Ủy ban nhân dân cấp huyện; đồng thời khuyến khích sự linh hoạt của mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng tối ưu nhu cầu thực tế, chẳng hạn các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất căn cứ quy mô lao động, điều kiện thực tiễn và nhu cầu để thành lập cơ sở y tế phù hợp…

Chỉ thị 25 nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng. Phấn đấu đến năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần cho đối tượng có nguy cơ, hướng tới kiểm tra định kỳ cho toàn dân. Xây dựng mô hình khám bệnh, chữa bệnh theo cụm liên xã, phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện chăm sóc người bệnh tại nhà…

Theo PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Chỉ thị 25 đã xác định công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở được coi là ưu tiên dài hạn cũng vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay; đồng thời chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu trước đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí (đầu tư rẻ tiền) thì giờ đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân. Không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở mà chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng. Nhờ vậy sẽ tạo ra tầm nhìn chiến lược cũng như tạo ra xung lực mới để củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, qua đó giúp mạng lưới y tế cơ sở tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng, trong đó có chức năng rất quan trọng là người gác cổng của hệ thống y tế.

Trạm y tế cũng được sắp xếp lại theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính để tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế. Y tế cơ sở cũng sẽ hướng đến không chỉ cung cấp đầy đủ dịch vụ khi người dân cần mà hướng tới lấy người bệnh làm trung tâm. Thực hiện chăm sóc sức khỏe chủ động ngay từ khi còn khỏe; chú trọng phòng bệnh, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; thực hiện cung ứng dịch vụ y tế theo nguyên lý y học gia đình…

Tại hội thảo định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, PGS,TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện có Luật Dự phòng và kiểm soát bệnh tật nhưng luật này không thể áp dụng cho khám, chữa bệnh ở y tế cơ sở. Do vậy, cần sớm luật hóa về phát triển y tế cơ sở. Cũng theo Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nên có cơ chế bắt buộc các bác sĩ tốt nghiệp thực hành về cơ sở trong một thời gian nào đó, như vậy y tế cơ sở sẽ không sợ thiếu người. Ngoài ra cũng cần có chính sách để các tỉnh, thành phố có kế hoạch xây dựng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.

Việc thực hiện thành công các chính sách về y tế cơ sở sẽ phụ thuộc phần lớn vào chính các địa phương. Sự vào cuộc một cách tích cực và chủ động của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư địa phương đóng vai trò quyết định, đặc biệt trong những nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo; lồng ghép chỉ tiêu về y tế cơ sở và các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe, y tế trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; công tác phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư (Nhân dân, trang 3).

 

'Giáo sư, bác sĩ' khám chữa bệnh không phép bị phạt 104 triệu đồng

Ngày 5.12, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với "giáo sư, bác sĩ" Hà Duy Thọ với tổng số tiền 104 triệu đồng.
Nguyên nhân, ông Hà Duy Thọ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh (mức phạt 45 triệu đồng); khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (mức phạt 35 triệu đồng); quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo (mức phạt 22,5 triệu đồng).

Ngoài ra, ông Hà Duy Thọ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lô hàng gồm 1 lọ Pro K, 1 lọ xạ đen với tổng giá trị hơn 2,3 triệu đồng (mức phạt 1,5 triệu đồng).

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động cơ sở của ông Hà Duy Thọ trong thời gian 18 tháng; buộc tháo gỡ quảng cáo vi phạm.

Như Thanh Niên đã thông tin, trên các trang mạng xã hội TikTok, Facebook, YouTube, gần đây xuất hiện "giáo sư, bác sĩ" tên Hà Duy Thọ. Ông Thọ nói rôm rả về ăn uống và ung thư, kiến thức về dinh dưỡng khiến nhiều người bán tín bán nghi về kiến thức của vị "giáo sư, bác sĩ" này.

Chiều 10.11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp Phòng y tế Q.Phú Nhuận và Công an P.9 (Q.Phú Nhuận) kiểm tra đột xuất căn nhà số 671/15 Nguyễn Kiệm (P.9) vì nghi có hành vi khám chữa bệnh không phép. Chủ cơ sở là bà Đặng Thị Tuyết Thu và ông Hà Duy Thọ (chồng bà Thu) đang khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở không biển hiệu, có mở cửa hoạt động, có bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Đoàn ghi nhận bà Thu và ông Hà Duy Thọ khám, tư vấn thuốc cho 1 nam bệnh nhân (toa sản phẩm cấp cho bệnh nhân gần 4,3 triệu đồng).

Cơ sở không có niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh, không có cập nhật sổ bệnh nhân, không có ghi chép tên bệnh nhân, không có hồ sơ bệnh án ngoại trú của bệnh nhân (Thanh niên, trang 5).

 

Kỹ thuật mổ nội soi đặc biệt ở Việt Nam khiến người bệnh nước ngoài tìm đến

Gia đình bệnh nhân cần mổ nội soi chưa quyết định đến Việt Nam ngay. Họ đã tìm hiểu thêm từ nhiều bệnh viện tại Úc, Pháp... Một tháng sau, họ tới để được tư vấn.
Cuối tháng 11-2023, một bệnh nhi quốc tịch Úc đã đến Việt Nam để mổ nội soi u nang ống mật chủ. Người mổ là PGS Trần Ngọc Sơn, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), một trong số ít những bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật mổ nội soi một lỗ u nang ống mật chủ cho bệnh nhi.

PGS Trần Ngọc Sơn là bác sĩ đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật mổ nội soi một lỗ u nang ống mật chủ từ năm 2011. Đến nay, ông đã thực hiện hơn 300 ca mổ với kỹ thuật này, giúp bệnh nhi giảm đau đớn, hồi phục nhanh hơn so với các kỹ thuật mổ thông thường khác.

* Xin bác sĩ có thể chia sẻ về ca phẫu thuật u nang ống mật chủ cho bệnh nhi người nước ngoài vừa được thực hiện tại bệnh viện?

- Cuối tháng 11, gia đình bệnh nhi người Úc chia sẻ với tôi họ đã phát hiện con bị bệnh từ tháng 10-2023 tại Indonesia - nơi họ đang sinh sống. Tại đây, họ được bác sĩ cho biết có thể thực hiện phẫu thuật mổ mở để cắt u nang ống mật chủ cho con gái họ.

Vì vậy họ đã tìm kiếm thông tin về các phương pháp điều trị khác. Họ đã tìm thấy phương pháp mổ nội soi một lỗ u nang ống mật chủ.

Rất tình cờ, bác sĩ tại Bali (Indonesia) đã từng tham dự hội nghị khoa học quốc tế và đã biết đến kỹ thuật này. Bác sĩ đã cho gia đình địa chỉ liên lạc với tôi. Họ chưa quyết định đến Việt Nam ngay mà họ đã tìm hiểu thêm từ nhiều bệnh viện tại Úc, Pháp...

Họ biết khu vực Đông Nam Á là khu vực có dịch tễ bệnh nhiều hơn, các bác sĩ điều trị thường xuyên bệnh lý này. Hơn một tháng sau, họ đã quyết định đến Việt Nam và đến bệnh viện để được tư vấn điều trị.

Bệnh nhi đã được phẫu thuật thành công, với phương pháp mổ nội soi một lỗ chỉ để lại một sẹo nhỏ cạnh rốn, đảm bảo thẩm mỹ cho bé. Sau ba ngày, bệnh nhi đã có thể chơi đùa, hồi phục nhanh chóng.

* Kỹ thuật mổ này có những ưu điểm nào hơn so với những phương pháp mổ khác?

- Trước đây, phẫu thuật u nang ống mật chủ thường áp dụng kỹ thuật mổ mở. Hiện nay tại nhiều quốc gia vẫn thực hiện phương pháp mổ này. 

Tại một số nước như Nhật, Mỹ, Thái Lan, Indonesia đã triển khai mổ nội soi một lỗ điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em.

Tại Việt Nam đã ứng dụng phương pháp phẫu thuật nội soi để giảm sang chấn, bảo đảm thẩm mỹ. Tuy nhiên, thông thường phẫu thuật nội soi điều trị u nang ống mật chủ sẽ rạch da ở 4 chỗ khác nhau để đặt các cổng vào cho các dụng cụ nội soi. 

Mặc dù đã giảm sang chấn và có ưu thế thẩm mỹ đáng kể so với mổ mở, phẫu thuật nội soi thông thường vẫn để lại 3-4 sẹo ở thành bụng sau mổ.

Với phẫu thuật nội soi chỉ một vết mổ qua rốn, các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào ổ bụng và thao tác qua một vết mổ nhỏ duy nhất ở rốn. 

Kỹ thuật này có ưu điểm đặc biệt về thẩm mỹ, sau phẫu thuật bệnh nhân coi như không có sẹo mổ vì rốn là một sẹo tự nhiên của cơ thể sẽ giấu được vết mổ.

Thời gian phục hồi sau mổ cũng nhanh hơn. Tỉ lệ thành công của các ca mổ rất cao.

* Bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật mổ này từ khi nào? Tại sao lại lựa chọn phương pháp "khó" hơn so với các kỹ thuật khác?

- Lần đầu tiên tôi biết đến kỹ thuật mổ nội soi một lỗ qua rốn tại một hội nghị khoa học quốc tế do một bác sĩ tại Bắc Kinh (Trung Quốc) công bố năm 2011. Tôi nhận thấy đây là kỹ thuật mổ có nhiều ưu điểm và có thể áp dụng tại Việt Nam. 

Kỹ thuật này vẫn có thể sử dụng các dụng cụ mổ nội soi bình thường, không cần các dụng cụ mổ chuyên biệt.

Ngay khi học hỏi từ hội nghị, năm 2011 tôi đã đưa kỹ thuật này phẫu thuật cho bệnh nhi. Ban đầu, tôi mất khá nhiều thời gian để hoàn thành ca mổ.

Với kỹ thuật mổ thông thường, phẫu thuật u nang ống mật chủ mất 3 đến 4 giờ đồng hồ. Trong những ca mổ nội soi một lỗ đầu tiên, tôi mất 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Sau khoảng 10 ca mổ, thời gian phẫu thuật giảm dần, chỉ bằng thời gian mổ bằng kỹ thuật thông thường khác.

Mặc dù đây là kỹ thuật khó nhưng nó đem lại nhiều ưu điểm, đặc biệt đảm bảo thẩm mỹ cho các bé gái, giảm đau đớn, hồi phục nhanh hơn nên tôi muốn đem đến phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh.

Ngoài phẫu thuật một lỗ u nang ống mật chủ, hiện phương pháp này cũng được ứng dụng phẫu thuật thoát vị bẹn; cắt nang buồn trứng; mổ ruột thừa; u nang bạch huyết; di tật tiêu hóa khác… 

Bên cạnh đó, dịch tễ tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á tỉ lệ mắc bệnh lý u nang ống mật chủ bẩm sinh cao hơn so với các nước trên thế giới. Vì vậy, khi áp dụng được kỹ thuật này sẽ giúp được nhiều bệnh nhi hơn.

* Kỹ thuật này có thể chuyển giao đến các bệnh viện tuyến dưới, nâng cao khả năng điều trị cho bệnh nhân không?

- Đây là kỹ thuật đòi hỏi kỹ thuật cao, phẫu thuật phức tạp. Thay vì phải rạch 4 lỗ để đưa dụng cụ mổ nội soi vào thì chỉ còn một lỗ, như vậy sẽ khó hơn rất nhiều. Để thực hiện kỹ thuật này, phẫu thuật viên phải có kỹ thuật cao.

Một lợi thế của phương pháp này là không cần dụng cụ mổ nội soi chuyên biệt mà vẫn là các dụng cụ sử dụng cho phẫu thuật khác. Bởi vậy, nếu các bác sĩ thực sự muốn học tập, nâng cao kỹ thuật để thực hiện phẫu thuật thì hoàn toàn có thể (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang