Liên thông kết quả xét nghiệm: Cần hệ thống kiểm chuẩn quốc gia
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế trước ngày 1-7-2017 thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ, sau đó sẽ mở rộng trong hệ thống. Điều này sẽ thuận lợi cho người bệnh, tuy nhiên muốn thực hiện được ngành Y tế cần có hệ thống kiểm chuẩn quốc gia.
Lãng phí do lạm dụng xét nghiệm
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí cho việc chụp chiếu, xét nghiệm, chẩn đoán chiếm khoảng 20% tổng chi khám chữa bệnh. Thậm chí, tại một BV ở Quảng Ninh, chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30-40% tổng chi khám chữa bệnh, dẫn đến bội chi bảo hiểm y tế khá cao.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, số lượng xét nghiệm tại các BV năm sau tăng hơn năm trước và tăng trung bình hơn 10%/năm. Cụ thể, năm 2011, các cơ sở y tế thực hiện hơn 308 triệu lượt xét nghiệm các loại; năm 2012, con số này là hơn 357 triệu lượt; năm 2013 là hơn 413 triệu lượt; năm 2014 là hơn 447 triệu lượt và năm 2015 thực hiện hơn 450 triệu lượt xét nghiệm.
Thực tế tại không ít cơ sở y tế hiện nay, tình trạng nhân viên y tế lạm dụng việc chụp chiếu, xét nghiệm diễn ra thường xuyên. Anh Nguyễn Mạnh (38 tuổi, ở ngõ 33 Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) kể rằng, khi thấy con trai 3 tuổi bị sổ mũi, ho lâu ngày không khỏi, vợ chồng anh đã đưa cháu đến BV gần nhà để khám. Tại đây, bác sĩ cặp nhiệt độ và cho biết cháu không bị sốt, soi họng thấy không sưng, không đỏ, nghe phổi thấy kết quả bình thường nhưng vẫn chỉ định chụp X-quang. Khi vợ anh thắc mắc rằng tại sao lại chỉ định chụp X-quang khi không thấy cháu có dấu hiệu viêm phổi thì bác sĩ giải thích rằng chụp cho… yên tâm. “Lần khác, tôi đưa bố tôi đến BV khám bệnh về phổi. Từ BV tuyến thành phố lên tới tuyến trung ương, bố tôi đều phải làm lại kết quả xét nghiệm dù đã có kết quả xét nghiệm trước đó”, anh Nguyễn Mạnh nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến từng cho rằng, việc một số kết quả xét nghiệm khi chuyển viện bị yêu cầu làm lại chủ yếu do nguyên nhân khách quan, xét nghiệm lại nhằm mục đích giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều xét nghiệm phải làm đi làm lại dù không cần thiết.
Còn theo ông Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức, cần có cái nhìn tổng thể về việc không công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau hiện nay, từ đó có biện pháp phù hợp. Thực tế, một số BV giao cho các khoa tự chủ tài chính, bác sĩ “vắt kiệt” người bệnh bằng cách bắt họ làm thêm xét nghiệm dù đã có kết quả ở tuyến dưới, thậm chí cả khi người bệnh có kết quả xét nghiệm ở khoa khác cùng trong BV. Do đó, BV Việt-Đức quản lý tài chính chung, bệnh nhân chỉ đến "một cửa" và kết quả xét nghiệm được dùng chung cho các khoa.
Ông Trần Bình Giang cho rằng, việc không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau còn có lý do khác. Đó là sự khác biệt về chất lượng xét nghiệm giữa các BV. Kết quả xét nghiệm phụ thuộc vào 3 điều kiện quan trọng (gồm máy xét nghiệm, hóa chất và độ chuẩn của máy), nhưng các yếu tố này có sự khác nhau ở những BV khác nhau. Nhiều BV có máy móc bảo đảm chất lượng, nhưng cũng có nơi mua máy cũ về sử dụng.
Phải nâng chuẩn xét nghiệm
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BV Bạch Mai) đánh giá, việc liên thông kết quả xét nghiệm giữa các BV là chủ trương đúng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các phòng xét nghiệm của các BV hiện chưa đồng chuẩn, chất lượng xét nghiệm có sự chênh lệch, nếu muốn công nhận kết quả xét nghiệm của nhau thì phải có một chuẩn chung. Đơn cử như phòng xét nghiệm của BV Bạch Mai đạt chuẩn ISO 15189, nhưng ở nước ta số BV có phòng xét nghiệm đạt chuẩn như vậy không nhiều. Chưa kể, máy xét nghiệm, hóa chất của các BV được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm có trình độ khác nhau nên kết quả có thể khác nhau.
“Bác sĩ không chỉ định xét nghiệm lại mà căn cứ vào kết quả xét nghiệm của BV khác để tiến hành phẫu thuật ngay lập tức, nếu không may, kết quả xét nghiệm đó không chuẩn, bệnh nhân có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?”, TS Dương Đức Hùng nêu vấn đề.
Đồng quan điểm nói trên, Giám đốc Trần Bình Giang cho rằng, để việc liên thông kết quả xét nghiệm được thuận lợi, giảm chi phí cho người bệnh, điều quan trọng là phải nâng chuẩn xét nghiệm tại các BV. Mặt khác, phải có hệ thống kiểm chuẩn quốc gia để kiểm tra tất cả máy móc nhằm bảo đảm chất lượng thiết bị xét nghiệm giữa các BV tương đương nhau. Hiện nay, BV Hữu nghị Việt - Đức vẫn sử dụng lại kết quả xét nghiệm của những BV lớn, có uy tín dựa trên lòng tin. Để liên thông kết quả xét nghiệm thì phải kiểm tra chất lượng máy móc, trình độ nhân lực của các BV theo tiêu chuẩn ISO. Phải có một hội đồng chịu trách nhiệm đánh giá các kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, cũng cần phải có quy định về thời hạn sử dụng kết quả xét nghiệm.
Theo PGS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, trước mắt khi phòng xét nghiệm của nhiều BV còn chưa đạt chuẩn thì Bộ Y tế phải đứng ra làm “trọng tài”, chỉ định những BV nào công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, loại bệnh lý nào khi chuyển tuyến không phải làm lại xét nghiệm.(Hà Nội mới, trang 5)
Phẫu thuật tạo hình hậu môn cho 3 trẻ nhỏ
Theo thạc sỹ - bác sĩ Phạm Đức Hiệp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Phẫu thuật nhi Bệnh viện Xanh Pôn, trong các ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2017, các thầy thuốc của khoa đã phẫu thuật tạo hình hậu môn cho 3 trẻ nhỏ. Sau khi phẫu thuật tạo hình, sức khỏe 3 cháu đã bình thường, ăn uống tốt và đi ngoài bình thường. Tiến bộ về kỹ thuật của các thầy thuốc Khoa Phẫu thuật nhi, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã mở ra triển vọng điều trị cho những trẻ khi sinh ra không có hậu môn.(An ninh thủ đô, trang 2)
Vụ xe khách đâm xuống vực ở Lào Cai: Chuyển 10 bệnh nhân nặng xuống Bệnh viện Việt Đức
Ngày 5.3, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, đến nay có 10 nạn nhân vụ tai nạn giao thông xe khách đâm xuống vực tại Lào Cai được chuyển về Bệnh viện Việt Đức điều trị tại các khoa sọ não, gan mật, chấn thương, trong đó có nhiều trường hợp nặng. Trong số 10 bệnh nhân, nhiều trường hợp mổ do chấn thương.
Cụ thể một trường hợp chấn thương gan, 1 trường hợp gẫy xương đùi phải, một trường hợp chấn thương cột sống, một trường hợp chấn thương sọ não, dập não, đa chấn thương, chảy máu não. Có trường hợp vỡ lách, tổn thương thượng thận, màng phổi.
GS Trần Bình Giang đánh giá, đa số bệnh nhân có đa chấn thương nặng. Bệnh viện Việt Đức đã tăng cường các kíp phẫu thuật, hồi sức cấp cứu, tập trung mọi phương tiện, thuốc men tốt nhất để cứu chữa người bệnh.(Tiền phong, trang 2)
Viên thuốc ấm tình quân – dân nơi biên giới
Từ khi Chương trình kết hợp quân dân y (Chương trình 12) ra đời, Bệnh viện Quân y 109 (Quân khu 2) luôn tích cực tham gia khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân trên các địa bàn khó khăn nhất của vùng tây bắc. Mỗi đợt công tác thường kéo dài nhiều ngày, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, song các thầy thuốc quân y đã vượt lên khó khăn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí - những viên thuốc ấm tình quân-dân nơi biên giới…(Nhân dân, trang 3)
Công đoàn góp phần giảm bạo hành trong cơ sở y tế. Bài 1: Muôn kiểu … bạo hành
Nhiều người vẫn nghĩ, bạo hành trong các cơ sở y tế đơn thuần là cảnh bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân dùng tay chân, hoặc thậm chí dùng hung khí để đánh đập, gây thương tích… cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, bạo hành trong các cơ sở y tế có nghĩa rộng hơn nhiều; đó còn có thể là bạo hành về tâm lý, tinh thần với nhân viên y tế…(Lao động, trang 5)
Thu về 431 đơn vị máu trong chương trình “Giọt hồng trao em”
Trong không khí tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ Bộ Công an nói riêng tích cực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI; sáng 5-3, Học viện Chính trị CAND phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức Lễ phát động hiến máu tình nguyện "Giọt hồng cho em". Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần chia sẻ những giọt máu nghĩa tình tới các em nhỏ, đồng bào, đồng đội thân yêu; đồng thời nhân lên tình đồng chí, tình người cao cả, tô thắm thêm truyền thống nghĩa tình của Học viện Chính trị CAND. rong buổi sáng 5-3, đã có khoảng 1000 cán bộ, học viên tham gia hiến máu với tổng số 431 đơn vị máu thu về. Sau Lễ phát động, Ban Giám đốc Học viện Chính trị CAND giao Đoàn Thanh niên Học viện và Phòng Quản lý học viên phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tốt hoạt động hiến máu tình nguyện đảm bảo thu được kết quả cao; cũng như đưa hiến máu tình nguyện trở thành hoạt động thường niên tại Học viện.(Công an nhân dân, trang 3)
Dùng axit phá mụn ruồi gây hỏng mắt
Đó là trường hợp của bà Trần Thị Thợ (52 tuổi, ngụ H.Tri Tôn, An Giang). Năm 2016, nghe nhiều người nói mụn ruồi mọc dưới mí mắt trái làm mất thẩm mỹ và tiền tài nên bà quyết tâm phá bỏ. Bà Thợ dùng axit chấm lên cho mụn ruồi tan nhưng sau một thời gian, chỗ thấm axit bị nhiễm trùng sưng tấy rồi lan dần lên con mắt trái gây đau nhức, sau đó mắt mờ dần. Các bác sĩ cho biết mắt bà bị nhiễm trùng nặng không thể cứu chữa nên phải loại bỏ để tránh lây lan qua mắt kia. Hậu quả, bà Thợ bị mù một mắt, khuân mặt bên trái bị biến dạng…(Thanh niên, trang 2).