Trẻ bị sốc sốt xuất huyết nhưng nhầm bệnh tay chân miệng
Một số trường hợp trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng) bị sốt xuất huyết nặng nhập viện, trong đó có trẻ bị chẩn đoán nhầm bệnh tay chân miệng tại cơ sở y tế ban đầu.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ nhũ nhi (dưới 12 tháng) bị sốt xuất huyết nặng, trong đó có trẻ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh tay chân miệng tại cơ sở y tế địa phương.
Điển hình trường hợp bé H.T.K. (4 tháng tuổi, nam, ngụ tỉnh Phú Yên). Bệnh sử ghi nhận trẻ bị sốt cao liên tục ba ngày, tiêu chảy 5-6 lần phân lỏng vàng, nổi hồng ban ở tay chân.
Gia đình đưa bé đến phòng khám tư và được chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng, bệnh tay chân miệng, uống thuốc không rõ loại. Ngày thứ 5 trẻ bớt sốt lừ đừ, tiêu lỏng, phân xanh, tay chân lạnh nên người nhà đưa trẻ đến bệnh viện địa phương.
Tại đây trẻ lừ đừ, quấy khóc, mạch quay nhẹ, chi mát, huyết áp kẹp 80/60mmHg, chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, bệnh tay chân miệng, điều trị kháng sinh, truyền dịch chống sốc.
Do tình trạng bệnh quá nặng, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Tại đây, qua thăm khám và xét nghiệm các bác sĩ chẩn đoán sốc sốt xuất huyết, rối loạn đông máu, tiếp tục truyền dịch chống sốc.
Kết quả xét nghiệm cho thấy test nhanh NS1 kháng nguyên của bệnh nhi dương tính vi rút sốt xuất huyết, cùng với đó dung tích hồng cầu tăng 42%, men gan tăng... Bệnh nhi được truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu và tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa hồi sức.
Trước thực tế này, bác sĩ Tiến lưu ý bệnh sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi nhưng trẻ có thể biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục, kèm ho, sổ mũi, hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói... nên dễ lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng hay bệnh tay chân miệng.
Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám xét nghiệm định bệnh chính xác để điều trị thích hợp cho trẻ (Tuổi trẻ, trang 14).
Vụ án 'thông thầu' ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai: Cựu kế toán trưởng AIC giữ vai trò gì?
Trong vụ án “thông thầu”, xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC, đã giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn.
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 4/7, đại diện Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) vừa tiếp nhận Đỗ Văn Sơn (SN 1977, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế - AIC), đối tượng truy nã trong đại án AIC đã về đầu thú. Hiện C03 tiến hành các thủ tục tố tụng và tích cực đấu tranh khai thác với Sơn để làm rõ thêm một số tình tiết trong vụ án.
Ngoài Đỗ Văn Sơn, 7 bị cáo khác (trong đó có cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn) vẫn đang bỏ trốn. Bộ Công an tiếp tục kêu gọi các đối tượng sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng.
Trong vụ án “thông thầu” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Đỗ Văn Sơn bị cơ quan truy tố cáo buộc, với nhiệm vụ là Kế toán trưởng Công ty AIC, đã giúp sức cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi gian lận trong đấu thầu để AIC trúng 12 gói thầu của dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 95,9 tỷ đồng.
Nhóm bỏ trốn kê khống bảng báo giá
Liên quan đến vụ án "thông thầu" tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bản án sơ thẩm nhận định, năm 2003, với cương vị chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập quan hệ với ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy) và ông Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), nhằm để AIC được chỉ định tham gia đấu thầu, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng bệnh viện, với tổng giá trị 665 tỷ đồng.
Bà Nhàn sau đó trực tiếp đưa hối lộ và chỉ đạo Phó Tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà nhiều lần đưa cho các ông Trần Đình Thành và Đinh Quốc Thái, mỗi người 14,5 tỷ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện) 14,8 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Bồ Ngọc Thu 1 tỷ đồng.
Theo HĐXX, trong vụ án, bị cáo Nhàn là người điều hành mọi hoạt động của Công ty AIC, đồng thời, chỉ đạo nhân viên “móc nối” với cán bộ thuộc sở ban ngành tại Đồng Nai thiết lập công ty “quân xanh”, “quân đỏ” để thông thầu.
Sau khi trúng thầu, bà Nhàn tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp chi tiền cho những người liên quan. Hành vi của bà Nhàn giúp AIC hưởng lợi trái phép hơn 140 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Mạnh Hà (đang bỏ trốn, bị truy nã cùng bà Nhàn), với cương vị Phó tổng giám đốc, được giao phụ trách mảng thiết bị y tế trên toàn quốc của Công ty AIC đã giúp sức đắc lực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Bị cáo nhiều lần cùng Nhàn, gặp gỡ, tiếp xúc với Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, đặt vấn đề chỉ đạo thực hiện “tạo điều kiện” cho AIC trúng thầu trái pháp luật; chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để “làm đẹp hồ sơ” đấu thầu.
Đối với nhóm 5 bị cáo còn lại, cơ quan truy tố xác định họ giữ vai trò phạm tội khác nhau, góp phần gây thiệt hại lớn tài sản nhà nước.
Cụ thể, bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa đã thực hiện hành vi “thông thầu” thông qua việc ký khống 13 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá. Sau đó, công ty AIC và các Công ty “quân đỏ” trúng 13 gói thầu theo mức giá của các báo giá trên, qua đó, bị cáo Hạnh hưởng lợi hơn 1,2 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Tích, Giám đốc Công ty Mopha, giúp Nguyễn Thị Thanh Nhàn thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc ký khống 2 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho các đơn vị tư vấn thẩm định giá và làm “quân xanh” để Công ty AIC và công ty “quân đỏ” khác trúng 5 gói thầu.
Bị cáo Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Công ty Thiết bị y tế và Môi trường, ký khống 1 bảng báo giá thiết bị để chuyển cho các đơn vị tư vấn thẩm định giá làm “quân xanh” giúp Nguyễn Thị Thanh Nhàn và AIC thực hiện hành vi thông thầu thông trúng 1 gói thầu.
Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty Việt Tiên đã làm “quân xanh” giúp Công ty AIC trúng 10 gói thầu. Bị cáo Vinh được hưởng lợi hơn 120 triệu đồng do bán 11 thiết bị.
Còn bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết, Tổng giám đốc Công ty Thành An Hà Nội, thông qua việc làm “quân đỏ”, “quân xanh” giúp AIC trúng 5 gói thầu, qua đó, hưởng lợi hơn 1,9 tỷ đồng.
Với những sai phạm trên, đầu tháng 1/2023, HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn tổng mức án 30 năm cho hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Cùng hai tội, bị cáo Trần Mạnh Hà bị phạt 25 năm tù.
Các bị cáo: Đỗ Mỹ Hạnh bị phạt 5 năm tù; Ngô Thế Vinh và Nguyễn Thị Tích mỗi người lĩnh 4 năm tù; Nguyễn Đăng Thuyết và Nguyễn Thị Sen cùng nhận mức phạt 30 tháng tù ở nhóm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đến cuối tháng 5/2023, HĐXX TAND Cấp cao (phúc thẩm) ra phán quyết: “Với phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo đang bỏ trốn, chính thức có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm” (Tiền phong, trang 11).
Sau TPHCM, Hà Nội là điểm nóng sốt xuất huyết
Các chuyên gia dịch tễ nhận định tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng kéo theo những đợt mưa giông thất thường như ở khu vực Hà Nội hiện nay.
Tấn công cả trẻ nhũ nhi
Ngày 5/7, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận, điều trị cho 3 trường hợp trẻ bị sốc SXH. Trường hợp điển hình nhất là bé trai H.D.T (5 tháng tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận) được chuyển viện đến với chẩn đoán bị nhiễm trùng, huyết áp khó đo, sức khỏe diễn tiến xấu.
Qua các kết quả xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhi bị sốc SXH gây rối loạn đông máu, nguy kịch tính mạng. Trẻ nhanh chóng được bác sĩ cứu chữa. Sau 1 tuần điều trị, trẻ đã vượt qua được giai đoạn nguy kịch. Đây là một trong những trường hợp bệnh nhi bị sốc SXH nặng may mắn được cứu sống.
Thông tin từ Viện Pasteur TPHCM, tính từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam đã có hơn 25.000 trường hợp mắc SXH phải nhập viện điều trị. Nếu so với cùng kỳ các năm trước, bệnh SXH đang ở mức thấp, nhưng so với trung bình của 4 tuần trước thì bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng số ca mắc.
Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur, tuy số ca mắc SXH thấp hơn so với các năm trước nhưng qua thống kê, số ca bệnh nặng chiếm hơn 3,5% trong tổng số trường hợp mắc được ghi nhận; tỷ lệ này tương đối cao so với trung bình chung. Đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ, nếu không có giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự gia tăng của bệnh thì SXH có thể gây quá tải tại các bệnh viện trong thời gian tới.
Theo kết quả giám sát của Viện Pasteur TPHCM, hiện nay tuýp DENGUE-2 của bệnh SXH đang chiếm tỷ lệ áp đảo với hơn 75% số ca, tiếp đến là DENGUE-1 chiếm 20%, số còn lại là DENGUE-3 và 4.
Viện Pasteur cảnh báo, càng vào mùa mưa, bệnh SXH sẽ càng gia tăng mức độ nguy hiểm, cộng đồng cần phải hợp tác với ngành y tế tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ thời điểm này để giảm nguy cơ lây lan và bùng phát dịch trên diện rộng.
“Bệnh SXH đang tấn công cả trẻ nhũ nhi (nhóm trẻ mới chào đời - PV). Khi mắc SXH, trẻ nhũ nhi thường có biểu hiện không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục và kèm ho sổ mũi, hắt hơi hoặc tiêu chảy, nôn ói. Các biểu hiện trên rất dễ nhầm lẫn với nhóm bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng hoặc bệnh tay chân miệng.
Do đó, khi trẻ có biểu hiện bất thường, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám xét nghiệm xác định bệnh chính xác để điều trị thích hợp cho trẻ”, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, lưu ý.
Không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại
Ở khu vực phía Bắc, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết năm nay bệnh nhận SXH nhập viện sớm hơn mọi năm. Hiện, trung tâm đang điều trị cho 6 ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo. Đáng chú ý, nhiều người bị sốt nghĩ là do mắc COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác chứ không nghĩ đến SXH.
Chỉ đến ngày thứ 4, 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thấp, hoặc trên các bệnh nhân có biểu hiện bệnh lí nền thì mới đến viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử, một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, đến nay Việt Nam có hơn 40 nghìn ca mắc SXH, trong đó có 8 ca tử vong.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc SXH bắt đầu tăng dần. Sáu tháng đầu năm ở miền Bắc có hơn 1.000 ca mắc (cao hơn 60% so với cùng kì so với năm ngoái), nên khả năng cao bùng phát dịch. Hà Nội hiện là điểm nóng nhất nước về SXH, do có mật độ dân số cao nên tỉ lệ mắc tăng rất nhanh.
Theo TS. Dũng, SXH là căn bệnh rất “nóng” hiện nay. Mấy năm gần đây, dịch bệnh tăng hằng năm do thời tiết mưa nắng thất thường. Đặc biệt năm nay, xảy ra hiện tượng EI Nino khiến thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều dẫn đến SXH sẽ gia tăng. “Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Năm nay dịch ở miền Nam đã giảm hơn so với năm ngoái nhưng miền Bắc lại tăng đến 60% so với cùng kì. Năm 2017 số ca mắc và tử vong vì SXH rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao. Đây đều không phải là các chu kì 4 năm”, vị chuyên gia nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, người ở chung cư cao tầng cũng có thể bị muỗi SXH đốt do muỗi theo đường thang máy. Nhà cao tầng nên sử dụng vợt muỗi, chỉ có một vài con không nhất thiết phải sử dụng hóa chất. Hóa chất diệt côn trùng ở góc độ nào đó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nên hạn chế sử dụng.
Ngành Y tế lưu ý, để phòng chống SXH, người dân phải dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, không để nước đọng trong các xô chậu, chum vại… Muỗi thường đẻ trứng trong các thiết bị đồ dùng chứa nước trong nhà, chỉ cần không có nước đọng thì không có muỗi.
“Chỉ có người dân mới làm được chứ không có đội ngũ y tế nào làm thay được”, TS. Dũng khẳng định (Tiền phong, trang 11).
Ngại khám bệnh vì chuyện tế nhị
Có trường hợp vợ chồng sáu năm không thể quan hệ tình dục vì mắc hội chứng hiếm gặp nhưng không được thăm khám. Y học giới tính hiện đã được quan tâm đúng mức? Tại sao nhiều người ngại khám bệnh liên quan tình dục?
Nhiều trường hợp tưởng chuyện như đùa mà có thật.
Y học giới tính có được quan tâm?
Mới đây, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân không thể quan hệ tình dục sau sáu năm kết hôn. Vì ngại chuyện tế nhị, xấu hổ nên dù đã sáu năm nhưng hai vợ chồng vẫn chưa đến khám bệnh.
Theo bác sĩ Phạm Minh Ngọc - phó giám đốc Trung tâm Y học giới tính bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Vaginismus hay co thắt âm đạo. Đây là tình trạng co thắt các cơ vùng chậu sinh dục ngoài ý muốn người bệnh, ngăn cản mọi động thái đưa vào âm đạo.
"Khi chẩn đoán được vấn đề mà bệnh nhân gặp phải, thay vì thực hiện các biện pháp can thiệp để mang thai, chúng tôi điều trị hội chứng co thắt âm đạo với mong muốn chị H. có thể có thai tự nhiên. Sau ba buổi tham vấn tâm lý và trị liệu, tình trạng bệnh đã cải thiện tích cực", bác sĩ Ngọc cho hay.
Theo bác sĩ Ngọc, đa số bệnh nhân khi gặp các vấn đề tình dục đều ngại đi khám, chỉ âm thầm chịu đựng khiến tình trạng thêm nặng nề, để lại hậu quả đến cả sinh sản và đời sống tình dục, thậm chí đời sống hôn nhân của các cặp đôi.
Bên cạnh đó, không ít trường hợp hiếm muộn không được điều trị kịp thời do người chồng không hợp tác, không đến bệnh viện thăm khám và quan điểm không sinh con được là do phụ nữ.
Bác sĩ Phan Chí Thành - chánh văn phòng Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản trung ương - chia sẻ đến nay vẫn còn quan điểm này, nhiều nam giới không nghĩ rằng mình có vấn đề về sinh sản vì vẫn quan hệ bình thường hoặc chỉ đi khám khi vợ đã khám và có kết quả bình thường.
Tình dục nữ còn bị bỏ ngỏ
Theo các chuyên gia, vấn đề tình dục là vấn đề của cả hai giới. Thế nhưng thực tế hiện nay tình dục nữ đang chưa được quan tâm, thậm chí nếu chia sẻ sẽ bị coi là không "đoan chính".
Theo bác sĩ Thành, do cơ chế hoạt động của cơ thể và đặc tính riêng của nữ giới, trong trường hợp phụ nữ không có nhu cầu hoặc ham muốn tình dục vẫn có thể quan hệ. Tuy nhiên, chính tình trạng này khiến chị em có thể rơi vào tình trạng rối loạn chức năng tình dục.
"Mặc dù trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về tình dục nữ, tuy nhiên do văn hóa Á Đông, vấn đề tình dục ở nữ giới tại Việt Nam chưa được quan tâm. Chị em còn ngại ngùng khi chia sẻ với đối tác, cũng không biết thăm khám ở đâu. Thời gian kéo dài dẫn đến ảnh hưởng cả về sức khỏe lẫn tâm lý", bác sĩ Thành cho hay.
Nên đi khám bệnh sớm
Theo bác sĩ Ngọc, bốn rối loạn chức năng tình dục nữ thường gặp là rối loạn hưng phấn, rối loạn đau, rối loạn kích thích sinh dục dai dẳng và hội chứng bệnh sau cực khoái.
Theo một khảo sát nhỏ được tiến hành trên 21 nữ bệnh nhân đến thăm khám tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, có đến 43% nữ giới mắc một rối loạn chức năng tình dục. Có 19% nữ giới mắc hai rối loạn cùng lúc, có 14% mắc ba rối loạn và có tới 24% mắc cả bốn rối loạn.
"Nữ giới mắc các rối loạn chức năng tình dục có thể được điều trị bằng biện pháp tâm lý, liệu pháp cặp đôi, dược lý... tùy từng trường hợp. Nữ giới khi có các vấn đề về tình dục cần được thăm khám và điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn", bác sĩ Ngọc cho hay (Tuổi trẻ, trang 14).
Chuẩn hóa đội ngũ lương y
Theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh mới được ban hành, từ ngày 1/1/2024, lương y - những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y, phải có giấy phép hành nghề và là hội viên của Hội Đông y Việt Nam. Nhưng thực tế hiện nay mới có khoảng 20% số lương y đã được cấp phép hành nghề... trong khi đó, thời gian quy định đang đến gần.
Hội Đông y Việt Nam hiện được tổ chức theo bốn cấp: trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y được tổ chức khắp mọi vùng miền, kể cả vùng sâu, vùng xa khi cả nước có hơn 10 nghìn phòng chẩn trị đông y và trung tâm đông y do các lương y, bác sĩ chuyên khoa đông y là người chủ trì; 68 bệnh viện y học cổ truyền và một viện y dược cổ truyền; hơn 1.000 khoa đông y tại các bệnh viện đa khoa trên cả nước...
Với kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn, lương y có vai trò quan trọng và quyết định đối với hiệu quả của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng đông y. Do vậy, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đối với các lương y là bảo vệ quyền lợi người dân trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, một số lượng lớn lương y là những người trưởng thành từ các gia đình có truyền thống hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y, hoặc những người có bằng cấp khác nhưng lại yêu thích đông y và tự học, hay tham gia các khóa học về giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y của các tổ chức hội đông y trong toàn quốc.
Hội Đông y Việt Nam hiện được tổ chức theo bốn cấp: trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y được tổ chức khắp mọi vùng miền, kể cả vùng sâu, vùng xa khi cả nước có hơn 10 nghìn phòng chẩn trị đông y và trung tâm đông y do các lương y, bác sĩ chuyên khoa đông y là người chủ trì; 68 bệnh viện y học cổ truyền và một viện y dược cổ truyền; hơn 1.000 khoa đông y tại các bệnh viện đa khoa trên cả nước...
Với kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn, lương y có vai trò quan trọng và quyết định đối với hiệu quả của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng đông y. Do vậy, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đối với các lương y là bảo vệ quyền lợi người dân trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, một số lượng lớn lương y là những người trưởng thành từ các gia đình có truyền thống hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y, hoặc những người có bằng cấp khác nhưng lại yêu thích đông y và tự học, hay tham gia các khóa học về giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y của các tổ chức hội đông y trong toàn quốc.
Tính đến đầu năm 2023, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng không đưa giáo dục nghề nghiệp đối tượng lương y vào điều chỉnh. Như vậy, đối tượng lương y chưa có quy định về đào tạo.
Tại khoản 4 Điều 6 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định: Đối với “Tổ chức xã hội-nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh” là “phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho các hội viên theo quy định của pháp luật”. Do đó, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn cho đối tượng lương y, là một yêu cầu hết sức cấp thiết.
Việc cấp giấy phép hành nghề lương y dựa trên việc cấp giấy chứng nhận lương y và được thực hiện theo Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế quy định “cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y”. Nhưng đến nay, các đối tượng được cấp giấy chứng nhận lương y theo quy định của Thông tư 29 nêu trên đã không còn phù hợp với thực tế.
Nhằm bảo đảm những người được Bộ trưởng Y tế cấp “Giấy chứng nhận Lương y” là những người có kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y, Hội Đông y Việt Nam đã chủ động tổ chức xây dựng Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y cho hội viên theo trình tự bốn bước.
Chương trình sau khi được thẩm định và ban hành gồm có 14 học phần, trong đó có 12 học phần chuyên môn, một học phần ngoại ngữ Hán văn và một học phần các quy định của Nhà nước về tổ chức, quản lý hành nghề y dược Việt Nam; khối lượng Chương trình đào tạo là 150 tín chỉ, hoặc theo thời gian niên chế là 60 tháng. Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y này dựa trên nền tảng Chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền của các trường đại học y dược trong cả nước, có bổ sung thêm phần kiến thức đông y.
PGS, TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nêu rõ, trong ngành đông y, việc hành nghề có rất nhiều bí quyết, bởi lẽ một nội dung, người này làm có kết quả, người khác làm không có kết quả, cũng như yếu tố gia truyền trong khám bệnh, chữa bệnh rất quan trọng và có khi đóng vai trò quyết định đối với việc phương pháp chữa bệnh có hiệu quả hay không.
Do vậy, trong giáo dục nghề nghiệp đông y, việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phải lấy phương pháp truyền nghề - cầm tay chỉ việc của các bậc thầy lương y làm phương pháp đặc thù và cần được đề cao, chú trọng; xem truyền nghề như là phương pháp khai thác và giữ gìn bí quyết nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y.
Giáo dục nghề nghiệp đông y bằng truyền nghề sẽ giữ được bản sắc đông y và bí quyết nghề nghiệp. Phương pháp giáo dục nghề nghiệp bằng truyền nghề cần được coi trọng như giáo dục hàn lâm tại các trường đại học.
Là cơ quan chịu trách nhiệm về chuyên môn đông y, có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành đông y và để thực hiện mục tiêu giáo dục truyền nghề, mới đây Hội Đông y Việt Nam đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao đơn vị này chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y theo phương pháp truyền nghề cho hội viên trước khi trình cấp có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận Lương y”.
Sau khi được giao nhiệm vụ và hoàn thiện chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y, Hội Đông y Việt Nam sẽ phối hợp, chỉ đạo 63 hội đông y cấp tỉnh, thành phố và các chi hội đông y trực thuộc Hội Đông y trung ương, tổ chức giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y cho hội viên, những người có nhu cầu hành nghề lương y trên toàn quốc.
Những hội viên được cấp “Giấy chứng nhận Lương y” đủ điều kiện để tiến hành làm hồ sơ đề nghị sở y tế, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy phép hành nghề Lương y” (Nhân dân, trang 5).