Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư Nguyễn Đăng Lâm: H-Capita do VN Pharma nhập khẩu bản chất là thuốc giả
Liên quan đến tranh cãi thuốc H-Capita là thuốc giả hay thuốc thật, ngày 5.9, trả lời phóng viên một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư, cho biết theo luật Dược 2005, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau: “Không có dược chất; Có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; Có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; Mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác”.
Xin ông cho biết cụ thể về sự việc xác định bản chất thuốc H-Capita?
Khi vụ việc làm giả giấy tờ xin nhập khẩu thuốc của VN Pharma được cơ quan công an điều tra vào cuộc và yêu cầu trưng cầu giám định đối với thuốc H-Capita, Bộ Y tế đã thành lập tổ giám định độc lập để đánh giá thuốc H-Capita. Tổ giám định trong đó có thành viên là Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư đã phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ; tiến hành lấy mẫu thuốc H-Capita để xét nghiệm. Trên các kết quả có được, khi đó các thành viên của tổ giám định thống nhất khẳng định: “Thuốc H-Capita không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đạt chất lượng và không được sử dụng cho người”.
Tôi xin nói rõ, khi sản phẩm thuốc kết luận không được dùng cho người thì về bản chất đó là thuốc giả. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp với cơ quan điều tra, Bộ Y tế chỉ có ý kiến về chuyên môn, còn cơ quan điều tra mới có thẩm quyền xác định tội danh khi khởi tố điều tra, căn cứ trên các điều khoản luật định tại thời điểm đó (thời điểm cơ quan điều tra vào cuộc là 2014 - 2015). Hiện tại hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita này vẫn đang được niêm phong.
Thuốc bị làm giả tinh vi
Là cơ quan kiểm nghiệm thuốc, ông cho biết việc giám sát chất lượng thuốc đang được thực hiện như thế nào?
Hiện VN có gần 30.000 số đăng ký thuốc với hơn 1.000 hoạt chất. Cả nước có 64 đơn vị kiểm nghiệm thuốc, mỗi năm toàn hệ thống kiểm nghiệm hơn 30.000 mẫu thuốc. Năm 2016 tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm 2% trong tổng số mẫu xét nghiệm và thuốc giả chiếm 0,01% số mẫu. Các vi phạm về chất lượng thuốc được phát hiện là: thuốc không đạt chất lượng hàm lượng hoạt chất, không đạt độ hòa tan. Nhóm thuốc nào cũng có thể không đạt chất lượng, kể cả thuốc của các nước châu Âu, Mỹ, thuốc ung thư, tim mạch... nhưng kháng sinh là nhóm bị phát hiện vi phạm và thu hồi nhiều nhất.
Thực tế cho thấy, việc làm giả thuốc ngày càng tinh vi. Trước đây, thuốc giả nhìn trên bao bì cũng có thể nhận ra và phân biệt được sự khác biệt về kiểu chữ, màu sắc nhưng bây giờ quan sát bao bì nhiều khi không phân biệt được, có thuốc làm giả như thật; đến cả viên thuốc cũng có khi khó nhận ra; thậm chí tem chống hàng giả trên sản phẩm cũng bị làm giả.
Hằng năm, ước có khoảng 6.000 hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc, mỗi hồ sơ cả ngàn trang tài liệu, việc thẩm định không hề đơn giản. Trước vụ việc tại VN Pharma chúng ta cũng từng phát hiện việc giả giấy tờ, sửa đơn hàng nhập khẩu; phát hiện tình trạng bán thuốc quá hạn. Thậm chí ngay tại Hà Nội còn phát hiện các thuốc không rõ nguồn gốc tại phòng khám tư nhân.
Theo ông, làm thế nào để chúng ta kiểm soát chất lượng thuốc hiệu quả?
Về nguyên tắc, để đảm bảo chất lượng thuốc trước khi ra thị trường thì nhà sản xuất phải kiểm tra xét nghiệm chất lượng 100% các lô trước khi xuất xưởng. Hậu kiểm chất lượng thuốc do hệ thống kiểm nghiệm thực hiện. Căn cứ trên các kết quả xét nghiệm cơ quan quản lý sẽ ra quyết định xử lý phù hợp và kịp thời.
Với các công ty dược có thuốc vi phạm chất lượng thì cơ quan quản lý buộc phải tiền kiểm 100% sản phẩm thuốc trước khi công ty đó đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường, thay vì hậu kiểm như đã áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong và nước ngoài. Các thuốc vi phạm tùy mức độ sẽ bị thu hồi lô thuốc hoặc rút số đăng ký lưu hành. Các thuốc bị phát hiện không đạt chất lượng sẽ không được đưa vào danh mục thuốc đấu thầu cung ứng vào bệnh viện.
Việc kiểm soát chất lượng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, quản lý thị trường, truy tận gốc hồ sơ nhập khẩu. Việc tăng cường phối hợp là rất quan trọng bởi vì hàng giả họ bán lén, trong khi cơ quan kiểm nghiệm chỉ được phép lấy các mẫu thuốc bày bán công khai.
Ngoài ra, chúng ta cũng có kênh tiếp nhận các thông tin cảnh báo thuốc không đạt chất lượng, thuốc giả từ các cơ quan quản lý nước ngoài để kịp thời xử trí, từ đó cơ quan quản lý trong nước ra thông báo thu hồi, đình chỉ lưu hành hay thu hồi số đăng ký lưu hành (Thanh niên, trang 8).
Siết chi phí, nhưng không cắt giảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế
Dự kiến, năm 2017, Quỹ khám chữa bệnh BHYT sẽ bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như khả năng chi trả của quỹ, một trong những giải pháp quan trọng sẽ được áp dụng trong thời gian tới là giao dự toán sử dụng Quỹ đối với các cơ sở khám chữa bệnh.
Trước lo ngại việc siết chặt chi phí sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia BHYT, đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam khẳng định, sẽ không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị.
Âm 7.590 tỷ đồng so với dự toán
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, số liệu tổng hợp quyết toán sơ bộ năm 2016 cho thấy, Quỹ khám chữa bệnh BHYT âm 7.590 tỷ đồng so với dự toán. Theo nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh sử dụng vượt trần Quỹ khám chữa bệnh BHYT được giao sẽ phải giải trình về lý do tăng hợp lý để cơ quan BHXH xem xét, làm căn cứ thanh toán. Tuy nhiên, có nhiều đơn vị có mức chi tăng đột biến đã không giải trình được phần chi này.
Trước tình hình bội chi Quỹ khám chữa bệnh BHYT gia tăng nhanh, BHXH Việt Nam đã có nhiều văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác chỉ đạo; đề nghị Sở Y tế và BHXH các địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để tăng cường kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ khám chữa bệnh BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước cũng như khả năng chi trả của Quỹ. Bên cạnh đó, sẽ có những điều chỉnh chính sách như giao dự toán sử dụng quỹ đối với các cơ sở khám chữa bệnh.
Ông Lê Văn Phúc cho rằng, nguyên nhân dẫn tới bội chi không chỉ có trách nhiệm của BHXH mà còn có trách nhiệm của cả Bộ Y tế, Bộ Tài chính, chính quyền địa phương và bệnh viện. Vì vậy, việc giao dự toán cho các cơ sở khám chữa bệnh là cần thiết. “Chúng ta cần gắn trách nhiệm của UBND tỉnh, Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh. Nếu không gắn trách nhiệm, không tính toán kỹ, sẽ không điều hành được. Không thể cứ chi rồi mang hóa đơn về thanh toán”, ông Phúc nhấn mạnh.
Không chấp nhận những chi phí bất hợp lý
Trước những giải pháp căn cơ được cơ quan BHXH Việt Nam nêu ra nhằm siết chặt chi phí, nhiều ý kiến băn khoăn về quyền lợi của người tham gia BHYT liệu có được đảm bảo? Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định: “Quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị”.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh việc không chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính của Quỹ khám chữa bệnh BHYT. “Cụ thể, không chấp nhận việc chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, tăng chi phí điều trị, không chấp nhận chỉ định cận lâm sàng không cần thiết, sử dụng biệt dược gốc đắt tiền lan tràn, không hợp lý với mức độ bệnh và phạm vi hoạt động của cơ sở y tế...”, ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.
Đặc biệt, đến năm 2020, do mức đóng BHYT không tăng, nên nguồn dự phòng để cân đối quỹ sẽ sử dụng hết. Dự kiến, mỗi năm, Quỹ BHYT phải bù 10.000 tỷ đồng cho chi khám chữa bệnh BHYT. Vì vậy, đại diện BHXH cho rằng, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để tăng cường quản lý, sử dụng quỹ BHYT.
“Theo Luật BHYT, trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ thuộc về cơ quan BHXH mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có các bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh. Do vậy, muốn kiểm soát tốt quỹ BHYT, cần phải dựa vào tất cả các công cụ đã được quy định trong Luật hiện hành như xây dựng, điều chỉnh chính sách về BHYT, giao dự toán, kiểm soát sử dụng quỹ”, ông Phạm Lương Sơn cho hay (An ninh thủ đô, trang 4).
Báo động nước sinh hoạt có hàm lượng arsen vượt giới hạn
Trung tâm y tế dự phòng (Sở Y tế Đắk Nông) vừa báo cáo tình trạng nguồn nước sinh hoạt tại xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) có hàm lượng chất arsen vượt ngưỡng giới hạn cho phép theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT).
Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Đắk Nông được phát hiện đã bị ô nhiễm chất arsenic. Tại Việt Nam, ô nhiễm arsenic trước đây đã được phát hiện ở những địa phương dọc lưu vực sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Còn tại Tây Nguyên, đã có phát hiện tại một số huyện ở tỉnh Lâm Đồng.
Trung tâm Y tế dự phòng Đắk Nông lấy mẫu nước tại công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Đức Xuyên đã qua xử lý, và một số giếng đào, giếng khoan của người dân ở độ sâu từ 5 đến trên 50 mét. Kết quả cho thấy, chỉ tiêu arsen vượt từ 2 - 7 lần, cá biệt có mẫu vượt tới 20 lần.
Ngay sau khi có kết quả, ngành y tế Đắk Nông đã tổ chức một đợt khám sức khỏe miễn phí cho hơn 400 người dân xã Đức Xuyên. Đoàn đã lấy 350 mẫu nước tiểu của người dân gửi đi xét nghiệm. Kết quả 35 mẫu đầu tiên cho thấy có tới 32 mẫu có hàm lượng arsen vượt ngưỡng an toàn cho phép, trong đó cao nhất gần 8 lần. Về kết quả lâm sàng, đến nay chưa có biểu hiện rõ rệt của tình trạng bệnh lý do nhiễm arsen cấp và mãn tính gây nên.
Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô hiện đang phối hợp với các ban ngành liên quan và chỉ đạo địa phương thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, đồng thời mong muốn các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ xử lý tình trạng nước chứa arsen, hạn chế thấp nhất các tác hại có thể gây ra từ việc sử dụng nguồn nước. Chính quyền xã đã khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước trực tiếp từ công trình cấp nước tập trung trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng xử lý, cũng như nước các giếng khoan, giếng đào tại mỗi hộ gia đình, và nên sử dụng nước mưa, nước đã qua hệ thống lọc…
Một số hộ dân tại xã Đức Xuyên, sau khi biết được thông tin nguồn nước bị nhiễm arsen đã chuyển sang dùng nước mưa hoặc mua nước bình (chủ yếu loại 20 lít/bình, có giá 15.000 - 20.000 đồng) để phục vụ ăn uống.
Ngừng sử dụng công trình cấp nước 16 tỷ đồng
Công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Đức Xuyên vận hànnh chính thức từ tháng 1/2015 đến 20/6/2017, do ban quản lý dự án huyện Krông Nô là chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, công trình có công suất 1.000 m3/ngày đêm với tổng mức vốn đầu tư khoảng 16 tỷ đồng được giao cho UBND xã Đức Xuyên quản lý. Tính tới thời điểm lấy mẫu nước kiểm tra vào tháng 6/2017, công trình đã cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 400 hộ dân, tương đương 1.584 người sử dụng.
Được biết, nguồn nước lấy từ độ sâu 70 đến 80m. Kết quả kiểm tra công trình cho thấy chất arsen trong nước vượt ngưỡng cho phép, đơn vị quản lý đã không lập hồ sơ quản lý chất lượng nước, thậm chí không có kiểm tra chất lượng nước trước khi đưa công trình vào sử dụng từ năm 2015. Người trực tiếp vận hành hệ thống xử lý nước là ông Hồ Quốc Sử không được tập huấn hướng dẫn về cấp nước an toàn, thao tác vận hành theo sự hướng dẫn của đơn vị thi công công trình. Vệ sinh khu vực xử lý nước không sạch sẽ. Hệ thống xử lý trên mặt thành có nhiều bùn, bên trong bể lọc có lớp bùn dày, hệ thống châm Clo không hoạt động, các bình chứa Clo và phèn bị hoen gỉ.
Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị tạm ngừng sử dụng nguồn nước của công trình cấp nước ở xã Đức Xuyên; Nâng cấp và khắc phục những hư hỏng của hệ thống xử lý nước sinh hoạt; Tổ chức giám sát và lấy mẫu nước đánh giá chất lượng nước về arsen ở các thôn lân cận xã Đức Xuyên và các xã lân cận như xã Đắk Nang, xã Quảng phú và vùng bị ngập lũ Buôn Choah; Tuyên truyền người dân hạn chế sử dụng nước sinh hoạt trực tiếp từ giếng của gia đình và của công trình cấp nước ở xã Đức Xuyên (Tiền phong, trang 4).
Cảnh báo 'nóng': Nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa đưa ra lời cảnh báo, tiết giao mùa hiện nay là thời điểm căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống do cả nước bắt đầu bước vào mùa tựu trường.
Bệnh có thể gây tử vong
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Tại Việt Nam, số ca nhiễm bệnh này có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12.
Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong chất thải. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Thống kê từ Cục Y tế dự phòng cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay, số mắc tay chân miệng trong cả nước đã tăng lên hơn 51.218 trường hợp, 23.272 bệnh nhân phải nhập viện. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca nhập viện do tay chân miệng năm nay tăng 3,4%. Đáng chú ý, số ca mắc tay chân miệng đang có chiều hướng tăng hơn ở vài tuần gần đây và có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh trong vài tuần tới khi học sinh đã trở lại trường học. Thời điểm này cũng là mùa của dịch tay chân miệng theo chu kỳ.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, sở dĩ bệnh tay chân miệng thường tăng mạnh, bùng phát vào mùa tựu trường là do bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn thông qua việc tiếp xúc. Cơ chế lây bệnh của tay chân miệng thường là lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hay tiếp xúc với dịch của trẻ mắc bệnh, lây gián tiếp qua bàn tay hoặc vật dụng nhiễm virus, do đó nó rất dễ lây trong môi trường sinh hoạt chung của trẻ ở lớp học, nhà trẻ. Ông Phu cảnh báo, đáng ngại là chỉ cần một trẻ bị bệnh tay chân miệng là những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt bị nhiễm virus do người bệnh chạm vào, nhưng không phải ai bị nhiễm virus cũng có biểu hiện của bệnh.
Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn vì khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không hiếm.
Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước khi sinh hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý, một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định. Do đó dù đã từng nhiễm, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại nếu bị nhiễm virus khác thuộc nhóm Enterovirus (Tiền phong, trang 6).
Tạo thế “kiềng ba chân” phòng, chống HIV/AIDS
Theo thống kê chưa đầy đủ, nước ta có hơn 200 nghìn người có HIV, trong đó có gần 90 nghìn người đang ở giai đoạn AIDS; gần 90 nghìn người đã tử vong. Để phòng, chống HIV/AIDS, ngoài hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nước ta đã thực hiện nhiều chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người có HIV. Đến nay, chương trình điều trị bằng Methadone được triển khai ở hầu hết các tỉnh, thành phố, góp phần điều trị cho hơn 50 nghìn lượt người có HIV. Nhờ đó, nước ta đã đạt mục tiêu “ba giảm” là giảm số người có HIV, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người chết vì AIDS. Đáng mừng hơn, nhận thức của người dân về hiểm họa này ngày càng được nâng cao, số người mới phát hiện có HIV giảm xuống. Nhiều người có HIV tự tin vui sống, hòa nhập xã hội, trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Trên thực tế, tốc độ lây lan HIV ở nước ta tuy có giảm, nhưng hiểm họa còn nguyên khi nhóm đối tượng có nguy cơ cao là những người nghiện ma túy, hoạt động mại dâm chưa giảm. Thậm chí, tình trạng lây nhiễm HIV đang xảy ra nhiều trong nhóm người dễ bị tổn thương như vợ, chồng, bạn tình của người có HIV, người tiêm chích ma túy. Trong hoàn cảnh đó, nguồn lực dành cho HIV/AIDS nhẽ ra phải được tăng cường thì lại đang bị cắt, giảm.
Ông Hoàng Đình Cảnh (Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế) cho biết, tổng các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV tại Việt Nam đang bị cắt giảm - từ 100 triệu USD vào năm 2012 xuống còn 40 triệu USD vào năm 2019. Trong giai đoạn 2015-2020, nước ta cần xấp xỉ 12 nghìn tỷ đồng để phòng, chống HIV, trong khi khả năng huy động chỉ có thể đạt gần 9 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nguồn lực thiếu hụt lên tới hơn 3 nghìn tỷ đồng, tương đương với 26%. Bà Rodelyn Marte, Giám đốc Liên minh các tổ chức dịch vụ về AIDS tại Châu Á - Thái Bình Dương cảnh báo, hiểm họa HIV/AIDS đã từng bùng nổ ở một số nước trên thế giới sau khi các nguồn lực phòng, chống bị cắt giảm.
Cho rằng cộng đồng có vai trò không thể thay thế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị các ngành, địa phương quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển dịch vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. “Ngoài nguồn ngân sách, Nhà nước cần có giải pháp huy động nguồn lực xã hội, huy động mọi thành phần tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, phòng, chống HIV nói riêng”, ông Đặng Thuần Phong nói.
Đồng quan điểm nói trên, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) khẳng định, các tổ chức xã hội chính là cầu nối giữa người dân với các cơ quan hoạch định chính sách, hỗ trợ tích cực cho các đối tượng yếu thế tiếp cận với chính sách. Bởi thế, các ngành, địa phương nên nghiên cứu, tìm ra hoạt động ổn định, bền vững cho hàng nghìn tổ chức xã hội đang hoạt động tương đối hiệu quả. Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gợi ý, kinh phí phòng chống HIV/AIDS có thể huy động từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, cho nên các tổ chức xã hội cần liên kết, vận động để có thể tiếp cận và huy động nguồn lực này.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng cũng cho rằng, Nhà nước nên có chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho các tổ chức này tiếp cận và huy động nguồn lực trong nước. Chủ động phòng, chống HIV/AIDS, UBND TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Theo Kế hoạch số 185/KH-UBND về phòng, chống HIV trên địa bàn Hà Nội, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV, đồng thời tiến hành can thiệp nhằm giảm tác hại cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Đó là giải pháp cần có để thực hiện mục tiêu đã được đề ra là phấn đấu đến năm 2020, Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác có thể khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, ngoài giải pháp tuyên truyền, vận động, để đạt được mục tiêu trên, điều quan trọng là phải tạo nguồn lực tài chính và nguồn lực xã hội cho công tác này, trong đó, sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chắc để phòng, chống HIV/AIDS là quan trọng nhất (Hà Nội mới, trang 5).
Giả cán bộ y tế gạ phun thuốc diệt muỗi thu tiền
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, những khu có dịch, theo chỉ định và do y tế phối hợp với xã, phường để phun hóa chất hoàn toàn miễn phí, không có thu tiền. Bên cạnh đó, một số nơi không phải chỉ định của y tế, nhưng người dân có nhu cầu phun thuốc diệt muỗi và những công ty đủ tư cách pháp nhân, điều kiện vẫn được phép phun thuốc diệt muỗi.
Ông Hạnh cho hay một số nơi xuất hiện đối tượng giả danh cán bộ dịch tễ, cán bộ y tế đến từng nhà gạ người dân phun thuốc diệt muỗi, thu tiền.
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi UBND xã, phường thường xuyên tuyên truyền tới người dân; nếu có những trường hợp giả danh phải báo cáo để kịp thời xử lý. Về thông tin trên thị trường xuất hiện một số loại thuốc diệt muỗi giả, người dân lo ngại những loại thuốc này trà trộn vào các đợt phun muỗi của Sở Y tế, ông Hạnh cho biết Sở chỉ sử dụng duy nhất một loại thuốc được Bộ Y tế cho phép.
“Tôi thấy một số báo nói có thuốc giả. Chúng tôi đã đề xuất công an, quản lý thị trường xử lý tất cả các trường hợp bán thuốc giả nếu có”, ông Hạnh nói.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 2.605 ca sốt xuất huyết, giảm 307 ca so với tuần trước và không có ca nào tử vong (Thanh niên, trang 5).