Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Cứu sống bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết; Điểm sáng y tế thôn bản; Huyện Hóc Môn có Trạm Cấp cứu vệ tinh 115; Bỏng nặng do nước tẩy rửa nhà vệ sinh; Hội thi y tế thôn bản giỏi khu vực Tây Nam Bộ; Cả nước đã ghi nhận hơn 70.000 trường hợp mắc tay chân miệng; Sốt xuất huyết hạ nhiệt, nhưng không được chủ quan; Cứu sống bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết; …

 

Điểm sáng y tế thôn bản

Sau gần 20 năm triển khai mạng lưới nhân viên y tế thôn bản rộng khắp, công tác chăm sóc y tế khu vực vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Lâm Đồng đã có những bước thay đổi đáng kể, đời sống của người dân được nâng cao nhờ tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại nơi mình sinh sống.

Băng rừng vận động người dân khám bệnh

Trở về từ cuộc thi Y tế thôn bản giỏi lần thứ 2 khu vực Tây Nguyên, chị Sơao K’phia, nhân viên y tế thôn 5, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) lại tiếp tục công việc của mình, đó là vận động bà con trong thôn thực hiện phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa.

Chị K’phia tâm sự: “So với các cô chú đi trước, công việc của tụi em đã đỡ vất vả hơn nhờ bây giờ giao thông đi lại thuận tiện, không còn chia cắt và nhất là nhận thức của bà con đã có nhiều thay đổi”.

Với thâm niên hơn 20 năm công tác trong ngành y tế địa phương, bà Tô Thanh Thủy, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong công tác vận động, chăm sóc y tế sức khỏe cho bà con ở thôn vùng sâu.

Bà Thủy nhớ lại: “Năm 1997, khi vùng Đầm Ròn (nay thuộc huyện Đam Rông) có dịch bệnh nhưng tuyến đường chính bị sạt lở nghiêm trọng, ô tô không vào được. Do mang theo nhiều trang thiết bị và cũng không thể vác bộ nên chúng tôi phải dùng xe U-oát (của Liên Xô cũ) đưa cán bộ, bác sĩ, thiết bị y tế xuống TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), sau đó đi tiếp ra tỉnh Khánh Hòa rồi ngược đèo lên tỉnh Đắk Lắk và trở lại đất Lâm Đồng với tổng lộ trình hơn 300km, trong khi nếu tính theo đường chim bay chỉ khoảng gần 20km”.

Theo bà Thủy, những chuyến đi như thế vẫn còn may mắn bởi ô tô có thể đi đến gần địa điểm chăm sóc y tế cho người dân. “Có những chuyến đi vào xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương), chúng tôi gần như phải… bò trên đường vì mưa làm đất bùn sình lầy, leo dốc trơn trượt. Vào đến xã rồi phải tới từng nhà tuyên truyền cách phòng ngừa dịch bệnh và do khi đó mỗi hộ sinh sống ở một ngọn đồi nên có khi cả buổi mới đến được 1 - 2 nhà. Những chuyến công tác như thế có khi kéo dài cả tháng”, bà Thủy tâm sự.

Khó khăn là thế, nhưng nhận thức của bà con dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe mới là trở ngại lớn nhất đối với nhân viên y tế thôn bản.

“Ngày đó, người dân có bệnh là gọi thầy cúng tới “giải độc”, đến khi nguy kịch rồi qua đời thì cho rằng đó là do ý trời đã định như thế”, y sĩ K’ Yêm, Phó trạm y tế xã Gia Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) nhớ lại. Ông K’ Yêm từng gắn bó 27 năm với ngành y; ban đầu ông làm công tác y tế tại xã Gia Bắc, nơi có hơn 90% người dân tộc thiểu số. Sau đó, ông được cử đi học rồi trở về làm việc tại Trạm y tế xã Gia Bắc. Là người địa phương nên ông hiểu rõ văn hóa, phong tục, tập quán của bà con mình. Dù vậy, phải mất nhiều năm kiên trì tuyên truyền, nhận thức của bà con mới được thay đổi.

“Tục mời thầy cúng dần được xóa bỏ; thay vào đó, có vấn đề gì về sức khỏe bà con đã biết tìm đến trạm y tế xã khám bệnh và nếu vấn đề chuyên môn vượt khả năng của trạm thì bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời”, ông K’ Yêm bộc bạch. Cánh tay nối dài

Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có 1.133 nhân viên y tế đang hoạt động tại 1.148 thôn, bản (chiếm tỷ lệ 98,7%). Phần lớn cán bộ y tế được tuyển chọn ngay tại địa phương nên thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc ngăn ngừa dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Theo bà Tô Thanh Thủy, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, cán bộ y tế thôn, bản được đào tạo các khóa từ 3 - 6 tháng (tương đương sơ cấp y tá), trang bị kiến thức chuyên môn như tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách phòng tránh bệnh dịch, chăm sóc sản phụ tại gia đình, vận động người dân trồng thuốc nam, giữ gìn vệ sinh trong ăn uống... Các trạm y tế xã hay trung tâm y tế huyện muốn thực hiện tốt kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho người dân phải có hệ thống cán bộ y tế thôn tận tình với công việc.

“Dù mức hỗ trợ hàng tháng chỉ hơn 600.000 đồng/người nhưng cán bộ y tế thôn vẫn rất nhiệt tình truyền tải tới người dân những thông tin về y tế. Trước mỗi đợt tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hay khám chữa bệnh tại cộng đồng, các cán bộ y tế thôn sẽ tới từng nhà vận động người dân sắp xếp thời gian, công việc để tới địa điểm thăm khám. Từ những buổi khám bệnh này, nhiều trường hợp người dân mắc bệnh được phát hiện và chuyển lên tuyến trên chữa trị kịp thời”, bà Thủy cho biết.

Còn theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thành Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Di Linh, nhờ hệ thống cán bộ y tế cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân thường xuyên đến khám chữa bệnh hơn. Chính vì thế, thời gian gần đây, các trạm y tế xã được đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị như có 9/19 trạm y tế xã có máy siêu âm, 7/19 xã có máy đo điện tim, một số xã vùng sâu được trang bị máy thử đường huyết cho kết quả sớm... Nhờ đó, người dân được chăm sóc những bệnh cơ bản ngay tại xã chứ không phải di chuyển lên huyện, góp phần giảm tải cho các trung tâm y tế, bệnh viện tuyến trên. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Huyện Hóc Môn có Trạm Cấp cứu vệ tinh 115

Sáng 6-10, Trạm cấp cứu vệ tinh 115 thứ 25 của TP đặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hóc Môn đã chính thức khai trương đi vào hoạt động.

Đây là huyện ngoại thành cuối cùng của TP có Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 phục vụ nhu cầu cấp cứu ngoài bệnh viện cho người dân trên địa bàn.

Sau khi đi vào hoạt động, Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 trên địa bàn huyện Hóc Môn sẽ vận dụng quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện nhằm mục đích nâng cao chất lượng phục vụ và chất lượng điều trị cho người dân khi không may rơi vào tình trạng nguy kịch do tai nạn hoặc bệnh nặng cần được cấp cứu và điều trị.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, mạng lưới các trạm cấp cứu ngoài bệnh viện của TP đã bao phủ tất cả các huyện ngoại thành của thành phố, không chỉ 5 mà có đến 7 trạm phục vụ cho 5 huyện ngoại thành của TP.

Dự kiến trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM xúc tiến xây dựng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo sau khi đã hình thành mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh của thành phố để trình UBND TP và Bộ Y tế phê duyệt, nhằm chuyên nghiệp hoá hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xây dựng một Trung tâm Cấp cứu 115 với hệ thống điều hành thông minh toàn bộ hoạt động của mạng lưới các trạm vệ tinh, đó là chuyên nghiệp hoá nguồn nhân lực tham gia hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện theo mô hình cấp cứu ngoại viện Paramedic. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Bỏng nặng do nước tẩy rửa nhà vệ sinh

Trong lúc đổ dung dịch tẩy rửa bồn cầu nhà vệ sinh, anh  Phạm Văn H. (31 tuổi, ngụ TPHCM) bất ngờ bị hóa chất tẩy rửa bắn vào mặt, cổ. Ngay lúc đó, anh cảm thấy đau rát vùng cổ, mặt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Sáng 6-10, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bỏng nặng vùng cổ, mặt do dung dịch tẩy rửa nhà vệ sinh.

Bệnh nhân là anh Phạm Văn H. (31 tuổi, ngụ TPHCM) được gia đình đưa vào Bệnh viện cấp cứu với nhiều vết bỏng ở vùng cổ, mặt và tay.

Trước đó, ngày 2-10, trong lúc đổ dung dịch tẩy rửa bồn cầu nhà vệ sinh, bất ngờ hóa chất tẩy rửa bắn vào mặt, cổ. Ngay lúc đó, anh cảm thấy đau rát vùng cổ, mặt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ cho biết, anh H. bị bỏng nặng ở vùng cổ, mặt với vết bỏng khoảng 10 phân; chưa kể phần tay cũng bị bỏng do nước tẩy rửa bắn vào. Sau khi điều trị vết bỏng, bệnh nhân sẽ phải cắt lọc phần da thịt đã bị hoại tử và có thể phải tiến hành ghép da. Tuy nhiên, hậu quả vết bỏng do hóa chất để lại thường khó điều trị.

Theo bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Thẩm mỹ tạo hình, Bệnh viện Trưng Vương, bản chất của các loại dung dịch tẩy rửa nhà vệ sinh chủ yếu là kiềm có chứa acid hoặc bazơ. Khi bắn vào da, kiềm sẽ hủy hoại các mô và thấm từ từ ra các vùng xung quanh nên vết bỏng sẽ tiếp tục lan ra và ăn sâu vào cơ thể.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, khi bị bỏng hóa chất, khâu sơ cứu ban đầu rất quan trọng, quyết định đến mức độ của vết bỏng. "Trước hết, cần liên tục rửa bằng nước lạnh để hóa chất bị pha loãng, không tiếp tục ăn sâu và lan sang các phần mô khác. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để chườm, rửa do có thể gây ra phản ứng hóa học với hóa chất khiến tình trạng bỏng càng nặng hơn. Với những hóa chất có chất tẩy mạnh như hóa chất dùng để thông cống, thông bồn cầu mức độ sát thương sẽ cao hơn, do đó khi sử dụng hóa chất cần đeo bao tay, mang giày bảo hộ, pha loãng dung dịch tẩy rửa trước, không được đổ trực tiếp hóa chất vào nước, tránh trường hợp gây ra phản ứng hóa học khiến hóa chất bắn ngược vào người”. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Đình bản 3 tháng báo Sức khỏe cộng đồng

Từ ngày mai (7.10), Báo Sức khỏe cộng đồng và Báo điện tử sức khỏe cộng đồng tạm thời bị đình bản trong thời gian 3 tháng.

Đây là quyết định vừa được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ký ngày hôm nay, 6.10. Theo quyết định, Báo Sức khỏe cộng đồng và Báo điện tử Sức khỏe cộng đồng bị đình bản do nội bộ mất đoàn kết, không đảm bảo điều kiện hoạt động của cơ quan báo chí.

Quyết định cũng nêu rõ, sau thời gian tạm đình bản, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét, quyết định việc tiếp tục hoạt động của Báo Sức khỏe cộng đồng và Báo điện tử Sức khỏe và cộng đồng trên cơ sở các quy định pháp luật về báo chí.

Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Báo chí và Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Báo Sức khỏe cộng đồng và Báo điện tử Sức khỏe cộng đồng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Trước đó, cuối tháng 8.2017, Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam đã có quyết định bổ nhiệm ông Vương Văn Việt giữ chức Tổng Biên tập và bổ nhiệm ông Hoàng Chiến Thắng giữ chức vụ Phó tổng biên tập Báo Sức khỏe cộng đồng.

Báo Sức khỏe cộng đồng chính thức phát hành số đầu tiên trên toàn quốc vào ngày 10.10.2013. Đây là cơ quan ngôn luận của Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam - tổ chức xã hội tự nguyện tập hợp các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong và ngoài nước tham gia hoạt động về lĩnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần cùng các cơ quan Nhà nước thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác y tế.

Báo phát hành vào thứ 4 hàng tuần, gồm 20 trang, cung cấp cho độc giả  thông tin về các vấn đề liên quan đến giáo dục, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân, cộng đồng, môi trường; y học, giáo dục giới tính... (Thanh niên, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Tạm đình bản Báo Sức khỏe cộng đồng và Báo điện tử Sức khỏe cộng đồng 3 tháng”

 

Tiêu hủy heo bị tiêm thuốc an thần

Sau 6 ngày thực hiện tiêu hủy 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần với tổng trọng lượng khoảng 361 tấn (mỗi con heo nặng từ 80 - 100 kg), Nhà máy đốt rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) đã tiêu hủy được 120 tấn. Số lượng heo còn lại dự kiến 10 ngày nữa mới tiêu hủy hết.

Ngày 6.10, ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM (đơn vị chủ quản Nhà máy đốt rác Đông Thạnh), cho biết đây là lần đầu công ty phải xử lý một lượng lớn heo như vậy nên gặp nhiều khó khăn và bị động. “Khoảng 240 tấn còn lại dự kiến phải mất từ 10 - 12 ngày nữa mới xử lý xong”, ông Tuấn nói.

Những ngày qua, các xe chuyên dụng liên tục chở heo từ lò mổ Xuyên Á (H.Củ Chi, TP.HCM) đến tập kết chờ xử lý. Hiện nay, số lượng heo này đã phân hủy mạnh nên bốc mùi nồng nặc. Để lưu trữ chờ tiêu hủy, công ty môi trường đô thị phải thuê 12 container đông lạnh để bảo quản với nhiệt độ âm 18 - 25 độ C.

Trước đó, ngày 1.10, trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm để tìm thuốc an thần trong heo ở lò mổ Xuyên Á, lực lượng chức năng phát hiện gần 1.000 con heo (trong tổng số 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần) mang mầm bệnh lở mồm long móng nên lập biên bản cho tiêu hủy. Ngày 2.10, đoàn kiểm tra tiếp tục phát hiện số heo còn lại cũng bị lây nhiễm lở mồm long móng nên tiến hành thủ tục tiêu hủy toàn bộ.

Tất cả xe ra vào trạm đều được khử trùng bằng thuốc Cloramin B. Toàn bộ công nhân đều được trang bị quần áo bảo hộ và mặt nạ chống độc. Ông Tuấn cho biết, heo từ lò mổ Xuyên Á đã được chích điện, nhúng nước sôi, cho vào bao, phun thuốc khử trùng Cloramin B, sau đó đưa lên xe chuyên dụng để chở đến bãi rác Đông Thạnh.

Sau khi heo chết tập kết về bãi, công nhân dùng xe chuyên dụng cho heo vào các túi ni lông, rồi đưa vào các thùng chứa 240 lít và tiếp tục phun thuốc khử trùng, khử mùi, tiếp tục trùm kín bằng túi ni lông theo chiều ngược lại để ngăn mùi và chất rỉ. Cuối cùng, heo được đưa vào khu vực tiêu hủy, lò đốt bằng gas cùng với các chất thải khác. Xỉ tro thu được sau quá trình đốt được đưa đi chôn lấp tại khu vực an toàn trong bãi rác.

Ông Tuấn khẳng định, quá trình xử lý tất cả các khâu đều được giám sát chặt chẽ từng giờ, từng ngày, có sự phối hợp với Chi cục Thú y TP.HCM, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an và các cơ quan chức năng, đảm bảo xử lý nghiêm ngặt theo quy định và không để phát tán mùi, cũng như chất thải ra môi trường. (Thanh niên, trang 16)

 

Hội thi y tế thôn bản giỏi khu vực Tây Nam Bộ

Sáng 6-10, tại TP Cao Lãnh, Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thi Y tế thôn bản giỏi khu vực Tây Nam Bộ, với sáu đội tham gia, gồm: Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp. Mỗi đội trải qua ba phần thi: chào hỏi, kiến thức, năng khiếu. Ngoài trả lời những câu hỏi trắc nghiệm và tự luận về các quy định pháp luật, chính sách, các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân… mỗi đội thi còn thể hiện các kiến thức, kỹ năng, thực hành trong chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua các tiểu phẩm sân khấu hóa, thuyết trình...

Kết quả, giải nhất thuộc về đội Đồng Tháp, giải nhì thuộc về đội Vĩnh Long và đội Hậu Giang giành giải ba. Hai đội Đồng Tháp và Vĩnh Long sẽ đại diện khu vực Tây Nam Bộ tranh tài ở vòng chung kết, dự kiến được tổ chức tại Hà Nội. (Nhân dân, trang 5)

 

41 người ngộ độc thực phẩm tại Hà Giang đã xuất viện

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang cho biết, sau nhiều ngày được điều trị tích cực theo phác đồ chống độc, đến ngày 6-10, đã có 41 người bệnh trong vụ ngộ độc thực phẩm khi ăn cỗ đám hỏi tại thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên đã xuất viện. Hiện, 12 người vẫn đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa Vị Xuyên, tình trạng sức khỏe ổn định và sẽ xuất viện trong những ngày tới.

Đến thời điểm này, nguyên nhân vụ ngộ độc chưa được làm rõ. (Nhân dân, trang 5)

 

Cả nước đã ghi nhận hơn 70.000 trường hợp mắc tay chân miệng

Ngày 6-10, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức phát động chiến dịch ‘‘Vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng”.

Sau lễ phát động, học sinh Trường Mầm non Hương Ngải (xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất) thực hành vệ sinh bàn tay phòng bệnh tay chân miệng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 70.000 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63/63 tỉnh, thành trên cả nước. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 4-10 ghi nhận 450 trường hợp mắc tay chân miệng, phân bố rải rác tại các quận, huyện, thị xã.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố giảm 73% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, theo dự báo, thời gian tới, tình hình bệnh tay chân miệng có thể sẽ diễn biến phức tạp, khả năng phát triển thành dịch và lan rộng trên địa bàn nếu không có các biện pháp phòng, chống kịp thời.

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, hiện bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Thêm vào đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, diễn biến khí hậu bất lợi và điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tại một số nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu đã tạo sức ép cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, không để dịch bùng phát, đề nghị các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đó là vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em); vệ sinh ăn uống, vật dụng như: cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi… Khi trẻ mắc bệnh phải tổ chức cách ly, điều trị kịp thời.

Ngay sau buổi phát động, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các phòng Giáo dục, Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, khử khuẩn, chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng cho tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, kể cả các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn. (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 4: “Lo ngại dịch tay chân miệng, Hà Nội yêu cầu khử khuẩn tất cả trường mầm non”

 

Sốt xuất huyết hạ nhiệt, nhưng không được chủ quan

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm này số bệnh nhân vào khám sốt xuất huyết (SXH) mỗi ngày giảm hơn một nửa so với lúc cao điểm, tấm bảng “bệnh viện dã chiến” cũng đã được dỡ đi. Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã hạ nhiệt song chưa thể chủ quan

Tại Hà Nội, hiện nay, 95% số bệnh nhân SXH đã được điều trị khỏi, mỗi ngày chỉ còn ghi nhận hơn 170 ca mắc mới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đây chính là thời điểm có thể xuất hiện tâm lý chủ quan và dịch SXH có thể bùng lên thành đỉnh dịch thứ hai trong năm.

Quyết giảm số mắc xuống 70 ca/ngày

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời điểm này, trung bình mỗi ngày chỉ còn tiếp nhận khoảng 20 ca bị SXH nhập viện điều trị, giảm 50% so với tuần cao điểm cách đây hơn 1 tháng. Cùng đó, số bệnh nhân nặng cũng giảm hơn, không ghi nhận thêm trường hợp tử vong. Tấm bảng “Bệnh viện dã chiến” giờ cũng đã được tháo dỡ. Hội trường của bệnh viện và nhiều phòng làm việc của bác sĩ từng được huy động, trưng dụng để kê thêm giường điều trị bệnh nhân SXH cũng đã được trả lại. Không khí làm việc tại bệnh viện không còn căng thẳng như 1-2 tháng trước.

Tương tự, tại Bệnh viện E, Bạch Mai hay các bệnh viện của Hà Nội như Xanh Pôn, Thanh Nhàn… số bệnh nhân vào khám, điều trị SXH đều giảm mạnh. Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 4-10, 95% số bệnh nhân bị SXH của thành phố đã được điều trị khỏi, chỉ còn trên 1.100 bệnh nhân vẫn đang phải điều trị, nằm rải rác tại các bệnh viện trên địa bàn.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, số mắc mới SXH tại Hà Nội đã giảm liên tục trong 7 tuần gần đây, riêng tuần vừa qua chỉ còn ghi nhận 1.228 ca (tuần cao điểm nhất lên tới trên 3.400 ca) - tức bình quân mỗi ngày có khoảng trên 170 ca mắc. “Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống SXH, hy vọng trong khoảng 3 tuần tới số mắc mới được ghi nhận mỗi ngày chỉ còn ở mức khoảng 70 ca” - ông Hoàng Đức Hạnh nói.

Về phân bố bệnh nhân mắc SXH tại Hà Nội, hiện 23 quận, huyện có số người mắc SXH giảm từ 20 đến 70 ca so với tuần trước, chỉ còn 5 quận, huyện có số mắc SXH tăng nhẹ từ 1 đến 5 ca (gồm: Mỹ Đức; Mê Linh, Thường Tín, Long Biên; Hoàn Kiếm) và 2 quận, huyện có số mắc bằng tuần trước đó.

Tuyệt đối không được lơ là phòng dịch

Dù dịch SXH đã giảm mạnh, song theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, các yếu tố thuận lợi cho việc gia tăng, bùng phát dịch bệnh này hiện vẫn còn nguyên. Đó là còn hàng trăm ổ dịch trong cộng đồng; thời tiết nắng mưa thất thường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi phát triển; đặc biệt, nhiều người dân và cả một số chính quyền địa phương có dấu hiệu chủ quan…

Hơn nữa, qua nghiên cứu tình hình dịch SXH trên địa bàn thành phố Hà Nội 5 năm gần đây, số mắc thường tăng cao vào tháng 11 hàng năm với trung bình khoảng 500 ca mắc mỗi tuần (khoảng 70 ca mắc/ngày). Do đó, dù số ca mắc SXH vào thời điểm hiện tại đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn cả thời điểm đỉnh dịch những năm trước. “Nếu việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chùng xuống thì nguy cơ dịch SXH sẽ bùng phát trở lại” - ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định, số ca mắc SXH giảm mạnh cho thấy công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được hiệu quả, song nguy cơ bùng phát đỉnh dịch thứ hai vào cuối tháng 10-11 năm nay vẫn còn. Vì thế, các quận, huyện, xã, phường tuyệt đối không được chủ quan và yên tâm trước xu thế ca mắc giảm như hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý yêu cầu các quận, huyện, thị xã, cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục thực hiện quyết liệt 7 biện pháp phòng chống dịch SXH đã và đang triển khai, trong đó tập trung giải quyết dứt điểm các ổ dịch còn tồn tại. (An ninh Thủ đô, trang 4)

 

Bác sĩ viện mắt gác chân lên ghế bị kỷ luật hạ thi đua 1 tháng

Sau khi xác minh và xem xét kỹ, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương vừa ra quyết định kỷ luật bằng hình thức hạ 1 bậc thi đua trong tháng 9-2017 với nữ bác sĩ có hành động gác chân lên ghế khi đối thoại với người bệnh gây phản cảm…

Chiều nay, 6-10, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết đã có báo cáo số 1106/BC-BVMTW gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế báo cáo về việc xử lý bác sĩ Nguyễn Thị M. (cán bộ của khoa Mắt trẻ em) gác chân lên ghế khi đối thoại với người nhà bệnh nhân mà báo chí và dư luận phản ánh thời gian qua.

TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương cho biết, sau khi xuất hiện clip bác sĩ Nguyễn Thị M. gác chân lên ghế khi đối thoại với người nhà bệnh nhân gây phản cảm, bệnh viện đã lập tổ công tác để xác minh, làm rõ sự việc này.

Theo báo cáo của tổ công tác, quá trình thăm khám của bác sĩ M. với bệnh nhi Đỗ Hoàng V.A. là đúng quy định và quy trình chuyên môn. Lời nói của bác sĩ trong khi đối thoại với người nhà người bệnh là đúng mực, có giải thích rõ ràng.

Tuy nhiên, tư thế ngồi của bác sĩ là chưa phù hợp. Bệnh viện Mắt Trung ương đã yêu cầu bác sĩ M. rút kinh nghiệm sâu sắc, chấn chỉnh tác phong, tư thế khi tiếp xúc với người bệnh, người nhà người bệnh.

“Bệnh viện xác định, sai phạm của bác sĩ M. chỉ là vô ý, không gây tổn thất cho người bệnh, không ảnh hưởng đến kết quả khám bệnh. Dù vậy, lãnh đạo bệnh viện vẫn yêu cầu khoa Mắt trẻ em hạ 1 bậc thi đua trong tháng 9 với bác sĩ M.” – báo cáo của Bệnh viện Mắt trung ương ghi rõ.

Qua vụ việc này, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Xuân Hiệp đã yêu cầu toàn thể cán bộ viên chức, người lao động của bệnh viện chấn chỉnh tác phong, tư thế khi tiếp xúc với người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng như trong làm việc, đồng thời đẩy mạnh các lớp bồi dưỡng về giao tiếp, ứng xử cho toàn bộ nhân viên y tế. (An ninh Thủ đô, trang 4)

 

Gần 1.000 bác sĩ, chuyên gia dự hội nghị quốc tế về chấn thương chỉnh hình

Ngày 6-10, Đại hội lần thứ 37 của Hội Chấn thương chỉnh hình (CTCH) Đông Nam Á và Hội nghị khoa học CTCH Việt Nam lần thứ 16 đã khai mạc tại Hà Nội.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch – Phó Chủ tịch Hội CTCH Đông Nam Á, Chủ tịch Hội CTCH Việt Nam cho biết, chủ đề chính của hội nghị năm nay là “Phẫu thuật ít xâm lấn trong CTCH”. Có gần 1.000 bác sĩ, chuyên gia trong ngành CTVH từ Việt Nam và các nước trong khu vực tham dự hội nghị.

Hội nghị còn có khoảng 50 chuyên gia hàng đầu từ các nước có chuyên ngành CTCH tiên tiến trên thế giới tham dự.

Các hội thảo đặc biệt và bài sẽ giảng sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đây là cơ hội tuyệt vời để kết quả nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về chẩn đoán, điều trị CTCH được giới thiệu với các đại biểu trong nước và quốc tế, đặc biệt là từ các nước Mỹ, Pháp, Đông Nam Á.

Đây cũng là cơ hội để các bác sĩ của Việt Nam được tiếp cận với các kỹ thuật CTCH hiện đại trên thế giới. Việt Nam là nước có chuyên ngành CTCH phát triển ở khu vực châu Á, nên đây cũng là dịp để nhiều nước học hỏi kinh nghiệm, đặc biệt là trong phẫu thuật ít xâm lấn.

Ngay trong buổi sáng ngày 6-10, PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch và nhiều chuyên gia thế giới về CTCH đã khám bệnh và phẫu thuật trình diễn trên robot cho một số ca bệnh trượt đốt sống thắt lưng và phẫu thuật nội soi khớp vai khó tại Bệnh viện Việt Đức. (Công an Nhân dân, trang 1)

 

Hà Nội lo ngại đỉnh dịch sốt xuất huyết thứ 2

Theo ông Hoàng Đức Hạnh –Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tuần vừa qua Hà Nội chỉ phát hiện 1.228 trường hợp mắc SXH, giảm 376 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.341 người so với thời kỳ cao điểm.

Hầu hết các đơn vị có số mắc giảm, chỉ có 5 đơn vị tăng. Điều đang lưu ý là các điểm nóng nhất về dịch SXH đều giảm trong tuần này, gồm Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân, Thanh Trì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng vv… Tuy nhiên, cũng có một số quận, huyện lại có số người mắc SXH tăng so với tuần trước là Mỹ Đức, Mê Linh, Thường Tín, Long Biên và Hoàn Kiếm. Một thành công nữa của Hà Nội là đã không để xảy ra tử vong thêm.

Như vậy kể từ đầu vụ dịch đến nay, Hà Nội đã có 31.572 trường hợp SXH, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Nhưng số bệnh nhân đã khỏi: 30.472 (chiếm 96,5%). Hiện còn 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Toàn thành phố có 4.647 ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới (chiếm 93%). Hiện Hà Nội chỉ còn 327 ổ dịch đang hoạt động.

Mặc dù số ca mắc SXH liên tục giảm trong 7 tuần gần đây, và tuần vừa qua cũng giảm 376 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.341 trường hợp (65,6%)  so với tuần cao điểm của tháng 8, nhưng các chuyên gia cho rằng, diễn biến thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi phát triển, học sinh, sinh viên vào năm học mới, vì vậy các chuyên gia nhận định có thể xuất hiện đỉnh dịch thứ 2 trong tháng 10, 11-2017.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, qua nghiên cứu tình hình dịch SXH 5 năm gần đây, số mắc thường tăng cao vào tháng 11 với khoảng 500 ca mắc/tuần. Dù số mắc giảm nhưng số mắc trung bình/ngày so với những năm trước vẫn còn cao (175 bệnh nhân/ngày) nên không thể chủ quan. Nếu việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chùng xuống thì nguy cơ dịch SXH vẫn bùng phát trở lại. Vì vậy các quận, huyện, thị xã vẫn phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. (Công an Nhân dân, trang 3)

 

Nhân rộng mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng

Với số lượng người cao tuổi là trên 32 vạn người, Thái Bình hiện đang trong giai đoạn già hóa dân số và tốc độ già hóa ngày càng tăng nhanh. Theo thống kê của ngành Dân số, năm 2012, tỷ lệ người trên 60 tuổi của tỉnh là 13,8%, năm 2014 là 14,5%, năm 2016, con số này đã lên tới 16,3%. 6 tháng đầu năm 2017, số người cao tuổi đủ 80 tuổi là 79.206 cụ.

Ông Tô Hồng Quang, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình chúc mừng CLB Người cao tuổi giúp người cao tuổi tại xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải.

Nâng cao kiến thức chăm sóc người cao tuổi

Là một tỉnh nông nghiệp với gần 90% dân số sống ở nông thôn, tỷ lệ người cao tuổi có lương hưu hay trợ cấp xã hội trong toàn tỉnh còn thấp. Thực tế cho thấy, phần lớn người cao tuổi hiện không có thu nhập thường xuyên, phải sống dựa vào con cháu. Cùng với đó, gánh nặng bệnh tật kép khiến cho cuộc sống người cao tuổi ở Thái Bình gặp nhiều khó khăn.

Đứng trước thực trạng đó, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, từ đầu năm 2017 đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình tiếp tục triển khai Đề án Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng với nhiều hoạt động thiết thực.

Nhằm phổ biến và nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế, Trung tâm DS-KHHGĐ các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà tổ chức khám, tư vấn và cấp thuốc bổ miễn phí cho trên 1.000 người cao tuổi tại 6 xã. Các cụ được khám nội khoa, tim mạch, mắt, tai mũi họng, tư vấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe, điều trị một số bệnh thường gặp và chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý cho người cao tuổi.

Cụ Trần Văn Ba (79 tuổi, ở thôn Ân Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) chia sẻ: “Đã lâu rồi tôi không đi khám bệnh. Hôm nay, tôi được các bác sĩ chẩn đoán bị thoái hóa khớp và u xơ tuyến tiền liệt. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo đến sức khỏe người cao tuổi, chúng tôi rất phấn khởi”.

Cùng với việc tổ chức các đợt khám sức khỏe miễn phí tại địa phương, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả 26 câu lạc bộ Người cao tuổi giúp người cao tuổi từ năm 2011 đến nay.

Sinh hoạt tại các câu lạc bộ, người cao tuổi được tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao và vui chơi giải trí với nội dung phù hợp. Đồng thời được cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe, tâm sinh lý ở người cao tuổi. Luyện tập dưỡng sinh phục hồi sức khỏe, kiểm tra huyết áp bằng các dụng cụ y tế đã được mô hình cấp. Tìm hiểu các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ cũng như những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ hiện nay. Qua đó, tuyên truyền con cháu trong gia đình và dòng họ thực hiện tốt các chính sách DS-KHHGĐ, đặc biệt là giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và lựa chọn giới tính thai nhi.

Dự kiến năm 2017, Thái Bình sẽ nhân rộng thêm 37 câu lạc bộ tại 37 xã thuộc 7 huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải. Tổ chức hội nghị báo cáo viên gồm lãnh đạo Đảng, Chính quyền cấp xã, các buổi nói chuyện chuyên đề, hội nghị truyền thông trực tiếp về tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các xã thực hiện mô hình. Tập huấn kỹ năng tư vấn và chăm sóc người cao tuổi cho mạng lưới tình nguyện viên nhằm cung cấp kiến thức và hướng dẫn cụ thể về cách chăm sóc cho người cao tuổi.

Ông Đặng Văn Hơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình cho biết: Thông qua mô hình Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng là nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; nâng cao sức khỏe của người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi; duy trì hoạt động của mạng lưới tình nguyện viên có kiến thức và kỹ năng cơ bản về các bệnh không lây nhiễm thường gặp để hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng. Hiện Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đang tham mưu cho Sở Y tế xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017- 2025 trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới. (Gia đình & Xã hội, trang 6)

 

Cứu sống bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết

Sáng 6-10, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM thông tin, vừa cứu chữa kịp thời cho 1 bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết (SXH) đen nặng, tổn thương đa cơ quan nguy cơ tử vong.

Bệnh nhi là bé trai 11 tuổi, ngụ quận Bình Tân, nhập viện trong tình trạng sốt cao trong nhiều ngày liên tục, các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị sốc SXH đen nặng, là độ nặng cao nhất trong SXH với các dấu hiệu trụy tim, mạch không bắt được.

Qua kiểm tra, bệnh nhi bị tổn thương đa cơ quan, như: xuất huyết tiêu hoá, suy hô hấp, tổn thương gan và thận, rối loạn đông máu…Các bác sĩ đã nhanh chóng hồi sức sốc hiệu quả bằng cách truyền dịch, dùng thuốc vận mạch, sau đó được hỗ trợ hô hấp bằng thở máy để điều trị suy hô hấp nặng... Bệnh nhi được truyền máu và các chế phẩm máu để điều trị xuất huyết tiêu hóa, rối loạn đông máu. Ngoài ra, các bác sĩ phải tiến hành lọc máu để khắc phục tình trạng suy gan và thận.

Theo TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: Đây là một trong những ca điều trị lâu nhất trong hồi sức sốc SXH (23 ngày).  Do bệnh nhi này bị thừa cân, gây khó khăn cho việc điều trị. Bé mới 11 tuổi nhưng nặng 61 kg, trong khi đó thể tích máu thì vẫn như những bé bình thường, việc truyền dịch dựa vào cân nặng nên gây quá tải, việc tiếp cận đường tĩnh mạch cũng trở nên khó khăn cho các bác sĩ làm các thủ thuật hồi sức cấp cứu.

Các bác sĩ đã vận dụng hết những công nghệ kỹ thuật y tế cao nhất được khuyến cáo sử dụng trong SXH để cứu sống bệnh nhi. Qua hơn 3 tuần điều trị, hiện sức khỏe của bệnh nhi đang hồi phục, các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, gan, rối loạn đông máu đã trở lại bình thường. Duy chỉ có thận còn bất thường nhưng bệnh nhi đã đi tiểu tốt, tiên lượng sẽ nhanh khỏi. Sau hơn 1 vài tuần bệnh nhi có thể xuất viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “Cứu kịp thời bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết nặng

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang