Trân quý y bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ sát cánh TPHCM chống dịch
Sáng 6-10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Dự lễ tuyên dương có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Trước khi lễ tuyên dương bắt đầu, lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu dành một phút tưởng niệm nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; các cá nhân đã mất vì dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trân trọng cảm ơn các tập thể, cá nhân đã tham gia cùng thành phố phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí chia sẻ, hơn 2 tháng qua, lực lượng chi viện của Trung ương và các tỉnh, thành đến TPHCM trong một đợt công tác đầy hy sinh, vất vả mà không chút do dự. “Anh, chị, em đã phải xa con thơ, cha mẹ già yếu, thậm chí không thể về nhà khi phải vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay ngày mưa, các anh, chị, em mặc kín bộ đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc. Những hình ảnh, nghĩa cử cao cả thể hiện sâu sắc y đức, thấm đậm tình thương, trách nhiệm đó luôn in đậm và sẽ còn lưu giữ mãi trong lòng người dân thành phố”, đồng chí Phan Văn Mãi xúc động.
Theo đồng chí, tình hình dịch bệnh tại TPHCM bước đầu được kiểm soát, thành phố từng bước mở lại các hoạt động để ổn định xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế. “Thành phố đang lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim của một cơ thể đang hồi sinh. Thành quả đó có được là nhờ sự chỉ đạo của Trung ương, của TPHCM, của ý thức và sự kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của lực lượng chi viện từ mọi miền đất nước”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Phan Văn Mãi trân trọng bày tỏ lòng trân quý, sự cảm kích và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến hơn 12.000 y bác sĩ, nhân viên y tế và hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang đã không ngại hiểm nguy và gian khó, kề vai sát cánh cùng thành phố trong thời gian qua. Cùng với đó là sự đóng góp của lực lượng tình nguyện viên đến từ các tổ chức tôn giáo, đã tận tâm tham gia hỗ trợ, chăm sóc, động viên bệnh nhân mắc Covid-19 với tinh thần từ bi, bác ái của những người tu sĩ. Đồng chí cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đấng sinh thành và người thân đã động viên, san sẻ, gánh vác trách nhiệm gia đình để các anh, chị, em lên đường đến với TPHCM và yên tâm công tác.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng nhận định, thời gian tới, dịch bệnh có thể sẽ còn những diễn biến phức tạp, khó lường, những khó khăn và thách thức chưa phải đã hết. Nhưng khi có sự chung sức, chung lòng và sự đoàn kết toàn dân tộc, thành phố tin rằng sẽ vượt khó khăn, chiến thắng đại dịch và sớm trở lại cuộc sống bình thường mới, với nỗ lực và quyết tâm tiếp tục xây dựng thành phố tươi đẹp, văn minh, nghĩa tình, xứng tầm với vị thế của mình.
Thay mặt các tập thể, cá nhân được tuyên dương đợt này, bác sĩ Bùi Quang Huy, Phó Trưởng khoa Nhi tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, chia sẻ: “Khi quyết định xung phong lên đường, chúng tôi xác định đây không phải chỉ là hỗ trợ mà chính là cuộc chiến của mình, phải chiến đấu bằng 200% sức lực để san sẻ với các đồng nghiệp thành phố. Động lực của chúng tôi đến từ những điều giản dị. Đó là trách nhiệm của một người làm nghề y trước bệnh tật, là tình đồng loại trước nỗi đau của đồng bào”.
Dịp này, 43 tập thể nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM cùng 20 triệu đồng tiền thưởng/tập thể; 100 cá nhân được nhận Huy hiệu TPHCM.
Tính đến ngày 30-9, có 187.275 người tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM. Trong đó, số nhân lực của các bộ ngành Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ thành phố gần 29.000 người. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)
Sốt xuất huyết gia tăng, nguy cơ dịch chồng dịch
Dịch bệnh sốt xuất huyết tái bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước. Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều người không dám đến bệnh viện vì ngại bị lây nhiễm. Các chuyên gia y tế cảnh báo, dịch bệnh này sẽ gây nguy hiểm, rất dễ xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch” nếu người dân có tâm lý chủ quan, lơ là phòng chống.
E ngại COVID-19, nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nguy kịch
Vừa qua, 1 thanh niên 17 tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà để điều trị sốt xuất huyết, được chuyển đến Khoa Cấp cứu A9 BV Bạch Mai. Do e ngại COVID-19 bệnh nhân đã không vào viện điều trị. Các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.
PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: Đây là một trong những trường hợp sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Theo PGS Cường, từ đầu năm 2020 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…
Tại các tỉnh miền Trung, hiện tượng nhiều bệnh nhân sợ bị lây nhiễm COVID-19 nên không đi chữa trị, chỉ đến khi nguy kịch thì mới đến bệnh viện.
Đơn cử như ngày 25.8, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận, điều trị cho 3 trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng. Những ca này đều bị sốt tại nhà, đã tự mua thuốc về uống.
BS Phạm Văn Quang (Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Đồng 1) nhận định, thời điểm này tại TPHCM đang thời gian cao điểm của bệnh sốt xuất huyết nên số ca nhập viện do bệnh này tăng lên. Hai tuần gần đây, khoa đã nhận liên tiếp 5 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 3 bệnh nhi sốc nặng kèm suy hô hấp. Trong đó, có bệnh nhi H (12 tuổi, ngụ ở TPHCM), nhập viện trong tình trạng nặng với nhiều nguy cơ như sốc nặng sớm, dư cân béo phì, tổn thương đa cơ quan, trụy tim mạch nặng với mạch, huyết áp không đo được, gan to kèm cô đặc máu nhiều (dung tích huyết cầu 56%). Dù được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn bị suy hô hấp, tăng áp lực ổ bụng nặng, tổn thương nhiều cơ quan, phải thở máy...
“Người dân đang lo lắng về dịch COVID-19 nhưng dịch sốt xuất huyết cũng không được lơ là. Khi con có các dấu hiệu của bệnh, các phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp”- BS Quang cảnh báo.
Số ca mắc bệnh giảm dễ gây tâm lý lơ là, chủ quan
Theo Sở Y tế Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1.422 trường hợp mắc sốt xuất huyết, số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết. Sở Y tế cũng nhận định, dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, thống kê của Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tổng ca nhiễm sốt xuất huyết ở 5 tỉnh Tây Nguyên trong 8 tháng đầu năm 2020 đã giảm mạnh so với cùng kỳ 2019 (hơn 26.000 ca).
Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, trong 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh ghi nhận hơn 500 trường hợp mắc SXH, tập trung rải rác khắp các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, số ca mắc SXH ở người lớn vẫn nhiều hơn trẻ em.
‘’Trong 8 tháng qua, tỉnh Đắk Nông ghi nhận 350 trường hợp nhiễm SXH, tập trung rải rác khắp các huyện, thành phố nhưng đã giảm sâu so với cùng kỳ 2019. Ngành y tế tỉnh xác định địa phương hiện có đến 7 xã, phường, thị trấn là địa bàn trọng điểm SXH. Lực lượng y tế địa phương vẫn đang xác định những khu vực có chỉ số lăng quăng, bọ gậy cao để phun thuốc khử khuẩn, làm vệ sinh môi trường’’ - ông Đặng Thành - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông - cho biết.
Ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc CDC Khánh Hòa - bày tỏ, 7 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 2.546 ca mắc sốt xuất huyết (không có ca tử vong), giảm 64,7% so với cùng kỳ. Dù số ca SXH có giảm nhưng mỗi tuần vẫn xuất hiện thêm trên dưới 100 ca. CDC Khánh Hòa đã dự trữ 2.000 lít hóa chất diệt muỗi, bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các địa phương để thực hiện công tác phòng dịch SXH nên người dân không phải hoang mang, lo lắng. Trung bình mỗi ngày bệnh viện điều trị cho 25-26 bệnh nhân mắc SXH. Trong số này, nhiều ca khi đến bệnh viện thăm khám đã trở nặng. Nguyên nhân là do sự bị lây nhiễm COVID-19 nên tự điều trị tại nhà trước đó.
Chỉ cần lơ là, dịch sẽ bùng phát mạnh
Hiện nhiều ca mắc SXH ở Tây Nguyên chủ yếu nằm ở các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa - nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền những khu vực này còn buông lỏng tuyên truyền, vận động phòng dịch cho bà con. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế.
Ông Viên Chinh Chiến - Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên - cho hay, những tháng tiếp theo là lúc cao điểm mùa mưa, đơn vị sẽ tiếp tục khuyến cáo ngành Y tế các tỉnh bên cạnh việc phòng, chống dịch bạch hầu và COVID-19 cũng cần phải theo dõi sát sao diễn biến bệnh SXH, ngăn không để bùng phát như hồi 2019.
Theo ông Trịnh Quang Trí - Phó Giám đốc (phụ trách) CDC Đắk Lắk: Đặc thù địa hình ở Đắk Lắk chỉ cần chủ quan, buông lỏng thì dịch rất dễ lây lan mạnh dẫn đến khó kiểm soát. Thời gian qua, dịch bệnh này thường xuất hiện với chu kỳ 3 năm/lần. Tuy nhiên, với mức độ giao thương rất lớn giữa các vùng miền, quy luật này bị phá vỡ và số ca mắc có thể gia tăng bất cứ lúc nào. (Lao động, trang 1; Nhân dân, trang 5)
Người tiêm đủ liều vaccine về từ vùng dịch không cần cách ly tập trung
Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế, những người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cần được theo dõi y tế chặt và chỉ cách ly tập trung những người chưa tiêm vaccine COVID-19.
Ngày 6.10, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Công văn của Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ diễn biến phức tạp.
Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An phối hợp chặt chẽ UBND các tỉnh, thành phố khác tổ chức đưa đón, thống nhất phương án xét nghiệm cho người dân đảm bảo chu đáo, an toàn và đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về từ những tỉnh, thành này chỉ đạo thực hiện việc cách ly và xét nghiệm cho người dân. Tất cả người về từ 4 tỉnh, thành này đều phải xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh) vào ngày đầu tiên khi tiếp nhận. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được xử lý theo quy định.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở y tế, UBND cấp huyện, xã tổ chức tiếp nhận, quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát những người thực hiện cách ly, tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trên địa bàn.
Căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, sở y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số 4038 ngày 21.8 của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ và phòng, chống dịch cho người dân theo Quyết định số 4042 ngày 21.8 của Bộ Y tế.
Về việc cách ly đối với người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bộ Y tế hướng dẫn:
- Những người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp); người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19): Tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương.
Họ phải thực hiện thông điệp 5K; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác, họ cần báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
- Những người tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp): Cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Những trường hợp này luôn phải thực hiện thông điệp 5K; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên và thứ 7 kể từ thời điểm về địa phương.
- Những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19: Cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp 5K; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày đầu tiên và thứ 7, 14 kể từ thời điểm về địa phương.
- Với những người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh tại nước ngoài, việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, khỏi bệnh hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Bộ Y tế nêu rõ căn cứ tình hình dịch và điều kiện thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, tạo điều kiện tối đa cho người dân, đồng thời không tạo áp lực, quá tải và có nguy cơ gây lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung. (Lao động, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Chính phủ đồng ý mua thêm vắc xin phòng Covid-19
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 122/NQ-CP về mua vắc xin phòng Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của chính phủ Hungary.
Tại nghị quyết này, Chính phủ đồng ý số lượng vắc xin mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ trong năm 2021 vượt số lượng khoảng 150 triệu liều vắc xin quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26.2.2021 của Chính phủ. Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 luật Đấu thầu với việc mua 400.000 liều vắc xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất của chính phủ Hungary. (Hà nội mới, trang 1).