Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/1/2017

  • |
T5g.org.vn - Thanh tra toàn diện phòng khám tiêm thuốc khiến cháu bé 13 tuổi tử vong; Xây dựng Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi; Giải độc gan bằng công nghệ sinh học; Cải thiện chất lượng giám định bảo hiểm y tế; Bảo đảm cung ứng đủ thuốc trong dịp Tết Nguyên đán; ...

Xây dựng Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi

Sáng 6-1, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi T.Ư (Bộ Y tế) tổ chức khởi công xây dựng Trung tâm công nghệ cao và ghép phổi. Công trình có quy mô tám tầng nổi và một tầng hầm, với tổng diện tích xây dựng hơn 22,6 nghìn m2. Trung tâm có 10 phòng mổ, trong đó có hai phòng mổ đặc biệt phục vụ cho các kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực và ghép phổi, với những trang, thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Trung tâm cũng có hệ thống cấp cứu, hồi sức tích cực nội khoa, ngoại khoa, ung thư và các kỹ thuật cận lâm sàng hiện đại. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Trung tâm sẽ kết nối với các khu vực chung quanh của bệnh viện, cùng hệ thống trang, thiết bị đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu thực hiện những kỹ thuật cao nhất thuộc chuyên ngành lao và bệnh phổi. (Nhân dân, trang 5)

 

Giải độc gan bằng công nghệ sinh học

Từ một công trình nghiên cứu tìm hợp chất hữu cơ hỗ trợ giải độc cho những người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, sau hơn 20 năm, các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu, hoàn chỉnh công nghệ tạo ra chế phẩm Naturenz. Naturenz được phát triển thành loại thuốc giải độc gan chứa các thành phần được trích ly từ nhựa các loại rau, củ, quả của Việt Nam.

Một nghiên cứu khoa học nhân văn

Trở về từ chiến tranh, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Gan của ông hầu như bị phá hủy, đầu rụng hết tóc, cứ mỗi mùa hè là da lại nổi mẩn ngứa, rất khó chịu. Từ năm 1997, ông Nguyễn Văn Khoa được sử dụng Naturenz - vốn là một hợp chất hữu cơ để giải độc cho những người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Sau khi uống Naturenz, ông Khoa đỡ hẳn, gan được phục hồi và tóc cũng không còn bị rụng nữa. Con trai và cháu nội của ông cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin như thường xuyên nổi mẩn ngứa, da dẻ lở loét, vì vậy đến nay, ông vẫn đều đặn mua thuốc gửi sang Ô-xtrây-li-a cho con trai và cháu nội sử dụng. Nhận thấy tác dụng của Naturenz, ông giới thiệu cho bạn bè cựu chiến binh. Không ít cựu chiến binh sau khi sử dụng Naturenz đã phục hồi sức khỏe. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa cũng viết thư cho nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là Trần Thị Trung Chiến đề đạt mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho các nhà khoa học Viện Công nghệ sinh học nghiên cứu, hoàn thiện đề tài.

Khi nhớ về quãng thời gian gần 20 năm nghiên cứu để tìm ra Naturenz, PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Dao, chủ nhiệm đề tài kể rằng, không ít lần bà muốn bỏ cuộc vì thiếu nguồn kinh phí. Bắt đầu từ năm 1986, từ "đặt hàng" của Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất hóa học dùng trong chiến tranh Việt Nam (Ủy ban 10-80), PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Dao và các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu đề tài sản xuất chế phẩm từ rau, củ thiên nhiên ứng dụng công nghệ sinh học nhằm giải độc cho những người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Nhưng để có được chế phẩm Naturenz như hiện nay, PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Dao và các cộng sự đã phải kêu gọi hỗ trợ từ rất nhiều nguồn kinh phí, từ đề tài cấp Nhà nước của Ủy ban 10-80, đến những đề tài cấp cơ sở ở Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, đề tài nhánh thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước… Cuối cùng, sau hơn 20 năm kiên trì nghiên cứu với nhiều tâm sức, chế phẩm Naturenz được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Ðể đủ điều kiện là thuốc dùng cho người bệnh, chế phẩm Naturenz trải qua tất cả các bước thử nghiệm lâm sàng, nhất là thử nghiệm trên 600 cựu chiến binh nhiễm độc đi-ô-xin. Qua theo dõi, điều trị, có kiểm tra sức khỏe lâm sàng và hơn 20 xét nghiệm sinh hóa, huyết học trước và sau khi dùng thuốc, kết quả cho thấy Naturenz có tác dụng giảm mẩn ngứa, có nhiều người khỏi hẳn mẩn ngứa sau từ ba đến sáu tháng uống thuốc, tăng cường chức năng gan, tăng tạo máu, người bệnh ăn ngủ tốt hơn. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát các đặc tính của hàng chục loại rau, củ, quả, từ đó tìm ra được những loại rau, củ, quả có hàm lượng chống ô-xy hóa cao nhất. Chế phẩm Naturenz ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại, chiết xuất không qua nhiệt độ mà vẫn bảo đảm tính chất của enzyme. Naturenz tổng hợp được các enzyme chiết xuất từ nguồn nguyên liệu tự nhiên như nhựa quả đu đủ, dịch chiết từ mướp đắng, củ cải, quả gấc, quả lekima, tỏi, có ích cho quá trình khử độc, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương. Ngoài ra, Naturenz còn chứa Pluriamin được thủy phân từ nhộng tằm, là một hỗn hợp a-xít amin dễ hấp thu, cung cấp a-xít amin cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường thể trạng. Mỗi chất trong chế phẩm đều có ít nhiều tác dụng thải độc, tăng cường sức đề kháng, cho nên khi cộng hợp các chất, phối trộn với nhau, các chất này bổ sung tác dụng cho nhau làm tăng hiệu quả của chế phẩm. PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Dao khẳng định sản phẩm không thua kém các sản phẩm khác của nước ngoài. Ưu điểm nổi trội của Naturenz chính là các thành phần trong thuốc được chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên chứ không phải là những dược chất tổng hợp thường thấy cho nên có thể sử dụng lâu dài, không gây hại cho cơ thể.

"Không muốn kết quả nghiên cứu chỉ nằm trong ngăn tủ"

Nhận thấy hiệu quả của Naturenz, Viện Công nghệ sinh học nhiều lần muốn đăng ký, sản xuất chế phẩm Naturenz thành thuốc, nhưng chưa làm được vì Viện không phải cơ quan có chức năng sản xuất thuốc. May mắn là ngay trong quá trình hoàn thiện quy trình công nghệ Naturenz, năm 2005, nhận thấy ý nghĩa nhân văn của đề tài, Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG) tìm đến và đề nghị được tiếp nhận đề tài, đồng hành nghiên cứu. Việc làm này đánh dấu sự liên kết hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp. "Không muốn nghiên cứu của mình mãi nằm trong ngăn tủ" và không chỉ dành riêng cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Dao cùng Công ty DHG đã phát triển, nghiên cứu dành cho những người bệnh bị tăng men gan vốn rất phổ biến trong cộng đồng. DHG tiếp tục phối hợp cùng Trường ÐH Y Dược Thái Bình thử nghiệm lâm sàng Naturenz cho nhiều đối tượng mắc các vấn đề về gan và cho kết quả sản phẩm có hiệu quả hạ men gan. Kết quả nhận được chứng nhận của Bộ Y tế một lần nữa khẳng định chất lượng và sự phù hợp của Naturenz với người tiêu dùng Việt Nam.

Tổng Giám đốc Công ty DHG Phạm Thị Việt Nga cho biết, Naturenz chiết xuất từ các loại rau, củ, quả thường ngày, sử dụng nhân công và dây chuyền công nghệ sẵn có trong nước cho nên sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Ðối với nguyên liệu, công ty ưu tiên chọn nguyên liệu từ những nông trại sạch và có nguồn gốc cụ thể, được kiểm nghiệm nhằm bảo đảm chất lượng và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn cho phép. Việc sử dụng hoàn toàn nguồn nguyên liệu là các dược liệu của Việt Nam đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân. Trong tương lai gần, Công ty DHG và Viện Công nghệ sinh học có kế hoạch ký hợp đồng cụ thể với các hộ nông dân và nông trại nhằm chủ động xây dựng vùng trồng nguyên liệu sạch và đạt tiêu chuẩn, bảo đảm nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như ổn định thu nhập cho các hộ nông dân. Hiện nay, để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, công ty cũng đã tiến hành nghiên cứu thêm các dạng bào chế, hình thức sản phẩm để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. (Nhân dân, trang 5)

 

Cải thiện chất lượng giám định bảo hiểm y tế

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) có trách nhiệm kiểm tra, giám định việc khám, chữa bệnh BHYT, từ chối thanh toán những chi phí khám, chữa bệnh không đúng quy định. Trong đó, quan trọng nhất là kiểm tra các chỉ định, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của bác sĩ tại các cơ sở y tế nhằm bảo đảm quyền lợi của người bệnh và tránh lạm dụng quỹ BHYT. Thời gian qua, công tác giám định BHYT đã được ngành BHXH tăng cường cả về nhân lực và năng lực chuyên môn. Như thời điểm sáu tháng đầu năm 2016, nhiều cơ sở y tế có biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT, do vậy BHXH các địa phương đã phải tăng cường giám định, kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh. Nhờ đó, đến cuối năm 2016, các địa phương có số bội chi quỹ BHYT lớn đã chấn chỉnh, khắc phục các biểu hiện lạm dụng quỹ.

Tuy vậy, thực tế công tác giám định BHYT thời gian qua còn nhiều bất cập, nhất là về trình độ chuyên môn của giám định viên, gây băn khoăn cho cơ sở y tế trong quá trình chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc cho người bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng, giám định viên là bác sĩ vừa tốt nghiệp đại học không thể có đủ kiến thức chuyên môn để giám định, kiểm tra các chỉ định về thuốc, vật tư y tế do bác sĩ hành nghề nhiều năm thực hiện đối với người bệnh. Một giám định viên có thể không chấp nhận một ca chụp X-quang phổi trong điều trị ho, nhưng với bác sĩ lại rất cần thiết để phát hiện nguyên nhân bệnh. Ðã có không ít trường hợp giữa bác sĩ và giám định viên không thống nhất được chỉ định có hợp lý hay không. Hiện, số giám định viên là bác sĩ, dược sĩ - những người có khả năng thực hiện các nghiệp vụ giám định liên quan đến chỉ định khám, chữa bệnh chỉ chiếm 28% tổng số giám định viên, số giám định viên còn lại không có chuyên môn ngành y, dược mà chỉ được tập huấn, đào tạo bổ sung chuyên môn để thực hiện giám định. Một số tỉnh không có giám định viên là bác sĩ.

Hạn chế về chuyên môn của giám định viên không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh. Kết quả kiểm tra của BHXH Việt Nam cho thấy, tại nhiều cơ sở y tế, người bệnh vẫn phải chi trả thêm tiền thuốc, vật tư y tế đã có trong danh mục thuốc, vật tư y tế mà quỹ BHYT chi trả. Nguyên nhân một phần do công tác giám định BHYT chưa đạt hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngành BHXH đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo đảm ổn định quỹ BHYT, như ứng dụng công nghệ thông tin trong giám định BHYT cả trước, trong và sau khi người bệnh ra viện… Cùng với các giải pháp đó, cần thiết phải "chuẩn hóa" đội ngũ giám định viên BHYT bằng việc quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn của người làm công tác giám định BHYT ở từng lĩnh vực, giống như đòi hỏi khắt khe về chuyên môn, thời gian thực hành đối với bác sĩ, y tá của ngành y tế. Nâng cao chất lượng giám định BHYT cũng sẽ hạn chế những bất đồng giữa BHXH và các cơ sở y tế về các trường hợp lạm dụng, trục lợi BHYT, góp phần bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT. (Nhân dân, trang 1)

 

Bảo đảm cung ứng đủ thuốc trong dịp Tết Nguyên đán

Ngày 6-1, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc dự trữ thuốc, bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh cúm A (H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi-rút Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh khác có nguy cơ bùng phát trong mùa đông - xuân, dịp Tết và mùa lễ hội.

Sở Y tế tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá thuốc dịp nghỉ lễ và bùng phát dịch. Thanh tra Sở Y tế chú trọng công tác kiểm tra, phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và các hành vi đầu cơ, tích trữ ảnh hưởng công tác bình ổn, quản lý giá thuốc. Các doanh nghiệp kinh doanh thuốc tổ chức các địa điểm trực bán thuốc suốt 24 giờ, công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc tăng cường nguồn cung, xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, sẵn sàng cung ứng đủ thuốc khi nhận được đặt hàng của các cơ sở khám, chữa bệnh... (Nhân dân, trang 8)

 

Một người nguy kịch vì nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư vừa tiếp nhận điều trị cho một người ở tỉnh Lai Châu mắc bệnh liên cầu lợn do ăn tiết canh lợn. Người bệnh N.H.T, 35 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng sốc, sốt cao, người mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử.

Theo gia đình người bệnh, trước đó, anh T. mua một con lợn về liên hoan cuối năm. Anh T. cũng là người trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh mời khoảng 20 người ăn. Sau khi ăn năm ngày, người bệnh sốt cao, mệt lả, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Sau khi được cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, người bệnh đã được chuyển lên tuyến trung ương. Hiện anh T. đã tỉnh nhưng vẫn trong tình trạng sốc, có ban hoại tử toàn thân, có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân, ngón tay, rối loạn đông máu nặng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, hằng năm cứ đến dịp đón Tết là có nhiều ca bệnh liên cầu lợn, trong đó phần lớn đều liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết, mổ lợn. Vì vậy, người dân không nên giết mổ, ăn thịt những con lợn ốm, chết, những món chế biến sống từ lợn như tiết canh, thịt sống... Kể cả những con lợn khỏe cũng vẫn có những nguy cơ mang liên cầu lợn. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 5: “Cảnh giác với bệnh liên cầu khuẩn lợn dịp tết”;Báo Sài Gòn giải phóng trang 3: “Cảnh báo bệnh liên cầu khuẩn tăng vào dịp tết”

 

Gắp chiếc kèn đồ chơi trong phế quản bé trai

Bệnh viện (BV) Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An chiều 5-1 cho biết các bác sĩ (BS) của BV vừa phẫu thuật nội soi, gắp thành công chiếc kèn đồ chơi, lớn bằng đốt ngón tay trỏ trong phổi bệnh nhi Nguyễn Ngọc Mạnh, sáu tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Trước đó, ngày 2-1, cháu Mạnh kêu đau ngực, ho nhiều và có tiếng kêu lạ phát ra từ cổ họng khi cháu thở. Gia đình vội vã đưa cháu nhập viện.

Qua chụp phim, các BS phát hiện trong phổi cháu Mạnh có dị vật bằng nhựa nên quyết định phẫu thuật nội soi để gắp dị vật. BS Tăng Xuân Hải, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, cho biết việc gắp chiếc kèn ra khá khó khăn. Rất may chiếc kèn không chèn bít đường thở của bệnh nhi. Đến chiều 5-1, sức khỏe của cháu Mạnh bình phục dần. (Pháp luật TPHCM, trang 2)

 

Bệnh nhân liệt nửa người đi được sau 24 giờ điều trị

Ngày 5-1, BS CK1 Hồ Hữu Thật, Ban Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh Đột quỵ, BV An Bình, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết BV vừa điều trị thành công cho bệnh nhân LVL (68 tuổi), ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM bị đột quỵ liệt nửa người bên trái bằng phương pháp tiêu sợi huyết.

Theo người nhà, gia đình phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng liệt nửa người bên trái, méo miệng, nói đơ vào khoảng 6 giờ 30 ngày 26-12-2016. Ngay lập tức gia đình đưa bệnh nhân đến BV An Bình vào khoảng 8 giờ 30 cùng ngày.

Tại đây, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, chăm sóc, theo dõi theo chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết ban đầu. Chỉ sau 24 giờ điều trị, bệnh nhân đã phục hồi tốt, nửa người bên trái không còn liệt, có thể đi lại được, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn sau năm ngày điều trị.

Theo BS Thật, có thể do thời tiết lạnh vào cuối năm nên gần đây số lượng bệnh nhân đột quỵ có phần gia tăng hơn so với trước. Tuy nhiên không phải bệnh nhân nào cũng có thể điều trị đột quỵ và phục hồi sau tai biến tốt như bệnh nhân trên.

Hiện nay, biện pháp điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch có hiệu quả tốt nhất với những bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu não cấp được đưa đến BV trong thời gian vàng, tức khoảng bốn giờ sau khi khởi phát triệu chứng.

Đối với các bệnh lý về tai biến, tiêu sợi huyết là phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay. Các bệnh nhân được điều trị phục hồi tốt hơn, có thể đi lại được sau 24 giờ điều trị.

Tuy nhiên, điều trị thành công cho bệnh nhân tai biến phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. Do đó khi bệnh nhân có dấu hiệu liệt nửa người, có các biến chứng đột ngột méo miệng, mắt nhìn mờ, á khẩu... gia đình nên ngay lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch.

“Người nhà nên lưu ý, không nên dùng các phương pháp dân gian như chích máu ngón tay, hơ lửa hay sốc bệnh nhân như kinh nghiệm dân gian. Phải chú ý để bệnh nhân có nơi nằm thông thoáng. Trong quá trình di chuyển, nếu bệnh nhân có ói thì cố gắng cho bệnh nhân nghiêng qua một bên để các dịch ói ra ngoài tránh khiến dịch ói vào cổ gây thêm các biến chứng khác như viêm phổi” - BS Thật khuyến cáo.

Đối với bệnh nhân sau điều trị tiêu sợi huyết, cần đến cơ sở y tế để tái khám thường xuyên để được điều chỉnh thuốc liên tục. Nếu bệnh nhân để lại di chứng liệt nửa người sau điều trị thì nên tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ở các cơ sở y tế, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày tùy thuộc vào bệnh nền của mình. Bệnh nhân không nên bỏ luôn điều trị vì rất có thể xảy ra tai biến về sau. Khi tình trạng đột quỵ lặp lại thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn ban đầu. (Pháp luật TPHCM, trang 13)

 

Tăng cường giám sát chất lượng thuốc

Trong thời gian qua, đặc biệt vào năm 2016, giá thuốc lưu hành trên thị trường được giám sát chặt chẽ thông qua quy định về kê khai, kê khai lại và công bố công khai giá từ khâu đăng ký lưu hành, nhập khẩu và đấu thầu cung ứng thuốc cho các bệnh viện. Báo NTNN - Dân Việt có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xung quanh vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, kết quả giám sát chất lượng thuốc trong năm 2016 về số mẫu được lấy, tỷ lệ đạt/không đạt… có gì khác so với những năm gần đây?

- Về kết quả kiểm tra chất lượng thuốc trong năm 2016,  do triển khai tập trung các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc, thời gian qua, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng đã giảm rõ rệt. Tỷ lệ thuốc giả từ 7% năm 1990 giảm xuống còn dưới 0,1%;  tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở mức dưới 3% (năm 2015 là 2,00%).

Hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy hơn 30.000 (năm 2015: 38.627) mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Việc lấy mẫu thực hiện theo kế hoạch, trọng tâm, trọng điểm để phát hiện các thuốc có nguy cơ không đạt chất lượng cao. Trên cơ sở kết quả lấy mẫu, giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm, năm 2016 Cục Quản lý dược đã có văn bản thu hồi 30 lô thuốc (thấp hơn so với 38 lô thuốc năm 2015).

Việc thu hồi thuốc không đạt chất lượng được thực hiện như thế nào?

- Khi phát hiện thuốc không đảm bảo chất lượng, Cục Quản lý dược ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc trong phạm vi toàn quốc. Thông báo được gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, y tế các ngành và cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trong phạm vi quản lý đối với những thuốc do cơ quan kiểm tra chất lượng thuốc ở địa phương/ngành kiểm tra phát hiện thuốc vi phạm và ra thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên địa bàn để thực hiện thông báo thu hồi của Cục Quản lý dược, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và báo cáo về Cục Quản lý dược. Bên cạnh đó, thực hiện việc giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện việc thu hồi thuốc; xử lý các trường hợp vi phạm về thu hồi thuốc theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu là đầu mối chịu trách nhiệm tổ chức thu hồi, xử lý thuốc thu hồi. Các cơ sở kinh doanh, sử dụng không được tiếp tục phân phối sử dụng mà phải trả lại cơ sở sản xuất,nhập khẩu thuốc.

Bộ Y tế đã có giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng thuốc, thưa Bộ trưởng?

- Bộ Y tế phối hợp công tác với các cơ quan liên quan, công an, hải quan, quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 Trung ương... thành lập Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế nhằm tăng cường các hoạt động hậu kiểm, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm khắc các cơ sở, cá nhân kinh doanh thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Dược 2016; trong đó quy định chi tiết các nội dung cụ thể về điều kiện của các cơ sở sản xuất thuốc, việc kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nước ngoài... trách nhiệm của các cơ quan quản lý và của doanh nghiệp. Ngoài ra, tham mưu, đề xuất về việc phân cấp quản lý nhà nước để phát huy khả năng và tính chủ động của y tế địa phương; kết hợp với việc đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hỗ trợ nhân lực và tài chính cho cơ quan quản lý dược, thanh tra, kiểm nghiệm thuộc Sở Y tế để tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của y tế địa phương.

Xin cảm ơn Bộ trưởng! (Nông thôn Ngày nay, trang 13)

 

Thanh tra toàn diện phòng khám tiêm thuốc khiến cháu bé 13 tuổi tử vong

Liên quan đến trường hợp bé gái 13 tuổi tử vong sau khi tiêm thuốc chữa dị ứng tại Phòng khám tư nhân Phúc An đóng trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM, ngày 6-1, ông Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế đã tiến hành thanh tra toàn diện phòng khám này.

Theo ông Tuấn, đoàn thanh tra của Sở Y tế đã xuống làm việc tại phòng khám Phúc An và niêm phong toàn bộ hồ sơ bệnh án, loại thuốc tiêm cho bé gái 13 tuổi. Sở Y tế cũng yêu cầu Phòng khám Phúc An và hai bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi đồng 1 báo cáo sự việc, đồng thời lập hội đồng chuyên môn, xử lý theo quy trình.

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, lúc 22h05 ngày 4-1, đơn vị này tiếp nhận bệnh nhi Võ Thị Huỳnh Như SN 2004 được chuyển đến từ Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng lơ mơ, thở qua nội khí quản có bóp bóng hỗ trợ, huyết áp tụt. Thông qua hội chẩn với các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1, bé Như được chẩn đoán viêm cơ tim - choáng tim và thống nhất thực hiện cấp cứu bằng kỹ thuật ECMO.

Đây là một kỹ thuật chuyên sâu nhất trong hồi sức, điều trị hội chứng suy hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp. Mặc dù các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã nỗ lực cấp cứu nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn không đáp ứng, diễn biến nặng hơn và tử vong vào sáng 5-1.

Anh Võ Văn Lòng, người nhà bé Huỳnh Như cho biết, vào ngày 3-1-2017, bé có biểu hiện bị dị ứng, nổi mẩn ngứa, xuất hiện nhiều nốt đỏ hai bên đùi và sốt nhẹ sau khi ăn thịt bò. Gia đình đã đưa bé tới phòng khám Phúc An đóng trên địa bàn huyện Củ Chi để điều trị. Tại đây, bé Như được tiêm một loại thuốc chưa rõ tên, tuy nhiên sau 10 phút, cháu bé rơi vào hôn mê sâu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu nhưng không qua khỏi. (An ninh Thủ đô, trang 9)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 3: “Tạm ngừng hoạt động phòng khám tư có bé 13 tuổi tử vong sau khi truyền dịch”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang