Đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc
Đến chiều 6/2, cả nước đã tiêm gần 182,2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế tiếp tục đề nghị tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc mùa Xuân năm 2022. Cùng ngày Bộ Y tế công bố chi tiết cấp độ dịch tại 63 tỉnh, thành phố.
Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến chiều 6/2 cho thấy cả nước đã tiêm 182.180.300 liều vắc xin phòng COVID-19, 52/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 11/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% - dưới 90%.
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19, đặc biệt đối với biến chủng mới Omicron, tiếp tục huy động toàn thể hệ thống chính trị tham gia công tác phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2022, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, coi công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó chú trọng tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng.
Về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, Bộ Y tế cho biết, đang tích cực chuẩn bị tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học bảo đảm an toàn, hiệu quả, thận trọng từng bước và đặt an toàn lên hàng đầu... Đồng thời Bộ cũng theo sát thông tin vắc xin nào được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này, những phản ứng nào có thể xảy ra. Bộ Y tế đang đàm phán với các hãng để có thể cung ứng vắc xin này.
Chính phủ cũng đã vừa quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfrizer cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi với các điều kiện như Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer. Đồng thời Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Nguy cơ dịch lây nhiễm cộng đồng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước; công tác phòng, chống dịch từng bước đạt những kết quả khả quan. Số ca mắc mới, số chuyển nặng, tử vong có xu hướng giảm. Các hoạt động giao thương, đi lại của người dân trong dịp Tết cơ bản diễn ra thuận lợi. Đây là dấu hiệu tích cực với công tác kiểm soát, phòng, chống dịch trong thời gian tới, tạo điều kiện cho kinh tế, xã hội phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc cả nước đang dần mở cửa lại các hoạt động, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gia tăng số ca nhiễm bệnh sau dịp Tết, lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả việc lây nhiễm biến chủng Omicron. “Chúng ta hình dung Delta đã lây nhanh như vậy mà Omicron còn gấp 7 lần, với người đã tiêm là cao gấp 3 lần. Đây chính là nghi ngại chúng ta đang hết sức quan tâm lưu ý. Đó cũng là lí do vì sao tất cả những trường hợp nhập cảnh chúng ta đều phải quản lí chặt chẽ để tránh lây nhiễm trong cộng đồng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, người nhiễm Omicron có vẻ mắc bệnh nhẹ hơn đối với Delta nhưng nếu như rất nhiều người bị trong cùng một thời điểm thì chắc chắn số lượng tuyệt đối của bệnh nhân nặng tăng lên. “Chúng tôi vẫn lo ngại và cảnh báo rằng chúng ta không nên quá chủ quan. Chúng ta càng phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới”, Bộ trưởng nói.
Do đó Tư lệnh ngành Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục giám sát, quản lí chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Cập nhật, tổ chức triển khai các hướng dẫn phòng, chống dịch, chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 của Bộ Y tế (Tiền phong, trang 7).
Không còn địa phương thuộc cấp độ dịch 3 và 4
Ngày 6/2, số tỉnh, thành vùng xanh (cấp độ 1) về dịch COVID-19 đã tăng lên 41 địa phương; 22 tỉnh, thành còn lại là vùng vàng. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là vùng cam (cấp độ 3), đỏ (cấp độ 4). Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là vùng xanh với 7.784 xã, phường là vùng xanh, chiếm 73,4%; Có 2.234 xã, phường thuộc vùng vàng, chiếm 22%; Có 460 xã, phường là vùng cam, chiếm 4,3%. Đến nay, cả nước chỉ còn 26 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 0,2% (Tiền phong, trang 7).
Vừa chống dịch, vừa khám bệnh, cấp cứu
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lực lượng y tế tại các địa phương trong cả nước vẫn bám trụ vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân vắc-xin phòng Covid-19 và sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho người dân.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngoài Covid-19, cả nước không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như: tả, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9); không phát hiện hành khách nhập cảnh nghi ngờ mắc cúm A(H5N1), A(H7N9) tại các cửa khẩu biên giới. Các địa phương, đơn vị tập trung, huy động mọi nguồn lực khẩn trương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; bảo đảm an toàn tiêm chủng. Đồng thời tổ chức quản lý, bảo vệ tối đa các đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai) bảo đảm tiêm chủng đủ liều, được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, tốt nhất ngay tại địa phương; tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động, bố trí tiêm tại nhà cho những người đi lại khó khăn... Các cơ sở y tế tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đi/đến các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến chủng mới; chuẩn bị các phương án về vắc-xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân. Số liệu thống kê cho thấy, số người bệnh được khám, cấp cứu giảm 20,1% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu, trong đó số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm 14% so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021... Trong năm ngày nghỉ Tết đã có 207 người chết do tai nạn giao thông, bao gồm cả người chết trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, ít hơn 23 ca so với cùng kỳ Tết Tân Sửu 2021. Trong khi đó có 310 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại (nhiều hơn 24 ca) và có 2.781 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau làm 1.088 trường hợp phải nhập viện điều trị, theo dõi và chín trường hợp tử vong...
Theo báo cáo và kết quả giám sát an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm của 63 tỉnh, thành phố và năm viện khu vực, trên toàn quốc không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm. Các kíp trực bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ Trung ương đến địa phương thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Chỉ có 486 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, chiếm 0,3% tổng số khám, cấp cứu.
Tại Hà Nội, tất cả các bệnh viện và trạm y tế phường, trạm y tế lưu động đều có cán bộ trực 24/24 giờ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khám bệnh ban đầu, cũng như tư vấn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho những F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Cán bộ y tế cơ sở tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân tại các điểm tiêm cố định, lưu động trên toàn địa bàn. Hà Nội phấn đấu tiêm phủ mũi 3 trong quý I/2022 cho người dân. Công tác theo dõi, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cũng bảo đảm nghiêm túc suốt Tết. Bác Nguyễn Thị Lan (ở phố Thợ Nhuộm, Hà Nội) phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 chiều 29 Tết. Tuy sức khỏe ổn định nhưng do có bệnh nền nên cán bộ y tế khuyến cáo bác nhập viện để theo dõi. Ngay khi được chuyển đến Bệnh viện Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), bác Lan được các y sĩ, bác sĩ tại đây chụp chiếu kiểm tra chức năng phổi và kê thuốc điều trị kịp thời.
Theo Sở Y tế Hà Nội, địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 53 nghìn người mắc Covid-19 đang điều trị, trong đó, gần 50 nghìn người theo dõi, điều trị tại nhà. Do đó, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà, tổ phản ứng nhanh vẫn duy trì hoạt động xuyên Tết. Các trường hợp F0 trong dịp Tết đều được cán bộ y tế trực phối hợp cảnh sát khu vực, tổ Covid-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ F0 tại nhà hướng dẫn, chăm sóc kịp thời. Các trường hợp khai báo được lấy mẫu xét nghiệm an toàn, nhanh chóng. Đội “Oxy xanh” phân công lịch trực và luôn sẵn sàng di chuyển khi các F0 cần hỗ trợ.
Tại thành phố Hải Phòng, số ca nhiễm Covid-19 giảm mạnh so với thời gian trước Tết, số ca khỏi bệnh tăng nhanh. Hiện, tại các cơ sở y tế và tại các gia đình đang điều trị gần 9.000 ca bệnh, trong đó, có 186 bệnh nhân nặng, với 20 trường hợp nguy kịch phải thở máy xâm lấn. Trong khi đó, chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân tại Hải Phòng được thực hiện từ ngày 29/1, tại các quận, huyện đều có một điểm tiêm chủng thường trực để phục vụ tiêm chủng cho người dân. Tính đến hết ngày 5/2, Hải Phòng đã tiêm gần 4 triệu mũi vắc-xin phòng Covid-19, bảo đảm 100% số người dân đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và gần 700 nghìn người được tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung. Sau kỳ nghỉ Tết, ngành y tế Hải Phòng tổ chức triển khai tiêm chủng tại các bệnh viện, trung tâm y tế, điểm tiêm lưu động, phấn đấu hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân trong tháng 2.
Các bệnh viện tại Hải Phòng cũng bố trí lực lượng ứng trực bảo đảm công tác cấp cứu và điều trị cho nhân dân. Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp đã bố trí 170 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế ứng trực tại Khoa Cấp cứu và các khoa lâm sàng, cận lâm sàng ở cả hai cơ sở để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị tai nạn giao thông, tai nạn pháo nổ, ngộ độc thực phẩm, tai nạn sinh hoạt, lên cơn cấp tính... 230 bác sĩ, điều dưỡng túc trực trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng tại cơ sở 2... Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, các khoa: Xét nghiệm, Kiểm soát bệnh truyền nhiễm vẫn chia ca làm việc 24/24 giờ xuyên Tết thực hiện xét nghiệm sàng lọc vi-rút SARS-CoV-2; theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh; dự trù, cấp phát vắc-xin và vật tư tiêm chủng, hỗ trợ các điểm tiêm chủng,…
Tại Đà Nẵng, trong kỳ nghỉ Tết, số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Ghi nhận của phóng viên tại các bệnh viện tuyến đầu đang cùng lúc chăm sóc khám, chữa bệnh cho người dân và phân luồng điều trị F0, các y, bác sĩ đang nỗ lực, trực chiến bệnh viện 24/24. Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Hòa Vang cho biết: Những ngày Tết, bệnh viện vẫn tiếp nhận khám, cấp cứu cho người bệnh như bình thường... Bệnh viện đang chăm sóc, điều trị cho gần 100 người nhiễm Covid-19, trong đó nhiều trường hợp đang mang thai, nên những ngày Tết có 7 em bé đã chào đời an toàn, mẹ tròn con vuông. Đây không chỉ là động lực mà còn là niềm vui, làm giảm bớt mệt nhọc, căng thẳng trong thời điểm dịch bệnh tại Đà Nẵng diễn biến khá phức tạp, số ca ghi nhận hằng ngày tăng cao.
Ngay trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các ngành chức năng tại Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động hai trạm y tế lưu động tại hai khu công nghiệp Hòa Khánh và An Đồn. Hai trạm này phát hiện, phân loại, cách ly tạm thời các trường hợp nhiễm Covid-19 và chuyển tuyến với những trường hợp diễn biến nặng, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến các bệnh thông thường cho người lao động. Đây là một nỗ lực lớn của Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đóng tại Đà Nẵng nhằm “thiết lập lá chắn” phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp tại Đà Nẵng. Bệnh viện 199 đã bố trí 8 y, bác sĩ, xe cứu thương thường xuyên tại trạm y tế nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, xử lý các trường hợp có ca nhiễm trong doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ lây lan ra cộng đồng, không làm đứt gãy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục được kiểm soát. Thành phố tiếp tục giữ vững vùng xanh trong năm tuần liên tiếp. Đây là tuần thứ hai liên tiếp toàn bộ 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đều đạt vùng xanh, không còn quận, huyện ở cấp độ 2 (vùng vàng). Trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn, chỉ còn 1 địa phương ở cấp độ 2 (giảm 3 địa phương so với tuần trước), còn lại đều đạt vùng xanh. Tuần qua, thành phố ghi nhận 964 ca mắc mới, tăng nhẹ so với tuần trước (895 ca) và vẫn giảm mạnh so với các tuần trước đó. Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp số ca mắc mới trên địa bàn được kéo giảm xuống dưới 1.000 ca/tuần. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Trước sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, để thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thành phố đẩy mạnh tiêm vắc-xin Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại để tăng cường miễn dịch, hiệu quả phòng bệnh cho người dân. Theo đó, thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân bằng cách vẫn tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trên địa bàn 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
TS, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Trong đợt nghỉ Tết vừa qua, bệnh viện đã lên kế hoạch bảo đảm nhân lực và phương tiện sẵn sàng cấp cứu nội-ngoại viện và cấp cứu thảm họa, can thiệp vàng phẫu thuật, thủ thuật, đáp ứng tình hình bệnh nhân tăng đột biến. Bệnh viện chuẩn bị đủ cơ số thuốc cấp cứu, các loại thuốc hiếm cũng như dự trữ các loại máu, chế phẩm máu cung cấp không chỉ cho bệnh nhân tại bệnh viện mà cả các bệnh viện khác khi cần. Cùng với đó, bệnh viện bố trí chín đội cơ động dự phòng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường hợp có lệnh điều động của Bộ Y tế.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong những ngày nghỉ Tết, ngành y tế bảo đảm thường trực bốn cấp 24/24. Các bệnh viện thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Đối với người bệnh trái tuyến, trái chuyên khoa, cơ sở y tế xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Các bệnh viện bảo đảm cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân (Nhân dân, trang 8).
Cả nước có thêm hơn 14.000 ca Covid-19 tại 56 tỉnh, thành phố
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 14.112 ca nhiễm mới, trong đó có 7 ca nhập cảnh và 14.105 ca tại 56 tỉnh, thành phố (tăng 1.945 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Nghệ An (tăng 350 ca), Bắc Giang (tăng 249 ca), Hải Phòng (tăng 161 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Phú Yên (giảm 69 ca), Gia Lai (giảm 65 ca), Sóc Trăng (giảm 38 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.257 ca/ngày.
Cụ thể, tính từ 16h ngày 5-2 đến 16h ngày 6-2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.112 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 14.105 ca ghi nhận tại 56 tỉnh, thành phố (có 8.595 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh gồm: Hà Nội (2.797), Đà Nẵng (927), Quảng Nam (853), Nghệ An (675), Nam Định (593), Hải Dương (566), Vĩnh Phúc (550), Hải Phòng (523), Hòa Bình (523), Phú Thọ (491), Bắc Ninh (460), Bắc Giang (446), Bình Định (425), Thái Bình (419), Thái Nguyên (355), Thanh Hóa (300), Lâm Đồng (228), Hưng Yên (195), Bình Phước (193), Quảng Bình (185), Ninh Bình (183), Hà Nam (169), Thừa Thiên - Huế (148), Hà Tĩnh (147), Quảng Ngãi (143), Sơn La (132), Điện Biên (128), Lào Cai (110), Tuyên Quang (95), Quảng Ninh (94), Bà Rịa - Vũng Tàu (92), Quảng Trị (92), Hà Giang (92), Cà Mau (85), Yên Bái (73), Bến Tre (63), Khánh Hòa (59), Gia Lai (56), Cao Bằng (55), Đắk Nông (49), Kiên Giang (45), thành phố Hồ Chí Minh (43), Bắc Kạn (40), Bạc Liêu (39), Vĩnh Long (30), Tây Ninh (27), Bình Thuận (27), Đồng Nai (14), Tiền Giang (14), Đồng Tháp (13), Hậu Giang (11), Trà Vinh (11), Cần Thơ (9), Long An (7), Bình Dương (3), Ninh Thuận (3).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.341.971 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.729 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.334.867 ca, trong đó có 2.109.898 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (514.457), Bình Dương (292.967), Hà Nội (148.008), Đồng Nai (99.952), Tây Ninh (88.520).
Về tình hình điều trị, có thêm 6.802 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.112.715 ca. Ngoài ra, có 2.203 bệnh nhân nặng đang điều trị.
Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 5-2 đến 17h30 ngày 6-2 ghi nhận 63 ca tử vong tại: Bến Tre (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Vĩnh Long (5), Bắc Ninh (4), Đà Nẵng (4), thành phố Hồ Chí Minh (4), Thừa Thiên - Huế (3), Bạc Liêu (2), Đồng Tháp (2), Hải Dương (2), Hòa Bình (2), Ninh Bình (2), Sóc Trăng (2), An Giang (1), Bình Định (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Đồng Nai (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Hải Phòng (1), Hậu Giang (1), Kiên Giang (1), Lạng Sơn (1), Phú Thọ (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), Thái Bình (1), Thanh Hóa (1), Tiền Giang (1).
Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 94 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.324 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/225 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN) (Hà Nội mới, trang 7).
Điều tra vụ 'thổi' giá Robot phẫu thuật sọ não tại Bệnh viện Thanh Nhàn
Tại kết luận thanh tra việc sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014-2018 tại Bộ Y tế vừa công bố mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ và đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ việc mua sắm Robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não tại Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa- xã hội TP.Hà Nội. Căn cứ vào các tài liệu thu thập trong quá trình thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc mua sắm thiết bị y tế nêu trên có dấu hiệu “thổi giá”.
Cụ thể, từ năm 2018, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình VH- xã hội TP.Hà Nội đã ký hợp đồng với doanh nghiệp mua sắm thiết bị Robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não với mức giá 38,7 tỉ đồng để lắp đặt tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ xác định thiết bị Robot nói trên có cấu hình tương tự như Robot phẫu thuật Rosa từng bị “thổi giá” tại Bệnh viện Bạch Mai.
“Giá trị theo hợp đồng của hệ thống Robot mà Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa- xã hội TP.Hà Nội mua là quá cao so với giá trị thực tế của hệ thống Robot đã đưa vào liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai (10,9 tỉ đồng), cần tiếp tục điều tra làm rõ”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Hồi đầu tháng 4.2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành xác minh tại một số cơ quan chức năng Hà Nội có liên quan đến một số dự án mua sắm trang thiết bị y tế theo hợp đồng liên doanh liên kết xã hội hóa tại BV Thanh Nhàn. Động thái này diễn ra sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công an xác định hành vi thổi gia thiết bị y tế không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà còn một số bệnh viện khác của Hà Nội. Trong đó có Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Tim. Đây là 2 bệnh viện lớn thuộc quản lý của Sở Y tế Hà Nội; từ năm 2015 đến nay đã thực hiện nhiều dự án mua sắm trang thiết bị y tế theo các chương trình liên doanh, liên kết với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Theo nguồn tin Thanh Niên, sự liên quan của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa- xã hội TP.Hà Nội trong sự việc nêu trên là dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn giai đoạn 2. Theo đó, Bệnh viện Thanh Nhàn được thụ hưởng một Phòng mổ kỹ thuật cao do ngân sách TP.Hà Nội cấp.
Một trong những thiết bị đắt tiền nhất của phòng mổ này là Robot Maizor, có xuất xứ từ Israel. Đáng chú ý, thiết bị này được cung cấp bởi nhà thầu không mấy xa lạ là Công ty CP CN y tế BMS - doanh nghiệp từng bị khởi tố trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai.
Cụ thể, năm 2018, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội TP.Hà Nội đã ký hợp đồng kinh tế với liên danh nhà thầu Công ty CP Công nghệ y tế BMS - Công ty TNHH xuất nhập khẩu thiết bị y tế Đại Phát để mua sắm Hệ thống Robot Mazor với mức giá 38,788 tỉ đồng, trong khi giá nhập khẩu của thiết bị này chỉ khoảng gần 11 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dù UBND TP.Hà Nội đã bỏ ra những khoản tiền lớn để đầu tư mua sắm thiết bị việc đưa vào sử dụng thiết bị Robot Mazor gặp nhiều hạn chế. Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn từng thừa nhận Robot Mazor phải “đắp chiếu” trong thời gian dài bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lãnh đạo đối tác là Công ty CP Công nghệ BMS bị “xộ khám”, khiến việc bảo hành, bảo trì cũng nhưng hỗ trợ kỹ thuật gặp nhiều vấn đề (Thanh niên, trang 14).