Pháp luật về an toàn thực phẩm không còn phù hợp với thực tế
Ngày 6.3 tại TPHCM, Đoàn Giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011 – 2016 khu vực các tỉnh phía Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là một vấn đề được cả Quốc hội và cử tri quan tâm, vì vậy, việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016 đã được chọn là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khoá 14.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhận định, về vấn đề an toàn thực phẩm cần được nhìn nhận ở ba góc độ: Bảo đảm cho phát triển sản xuất, phát triển kinh tế; Bảo đảm cho sức khỏe, thể chất và tầm vóc người Việt Nam, hạn chế ngộ độc thực phẩm, tác hại của thực phẩm bẩn gây ung thư, các bệnh truyền qua thực phẩm; Bảo đảm cho một môi trường sống trong lành, thu hút đầu tư, khách du lịch. Ông Dũng đánh giá, vài năm qua công tác quản lý an toàn thực phẩm tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập, nhiều nơi đã tiến đến ngưỡng báo động "đỏ".
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường, ông Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua đoàn đã tiến hành giám sát tại 19/21 tỉnh - thành được chọn thực hiện trong chuyên đề này. Ông Tiến cũng nêu khá nhiều con số đáng chú ý, dù chương trình giám sát mới đi được non nửa hành trình. Đó là, mỗi năm Việt Nam sử dụng trên 110 ngàn tấn thuốc kháng sinh cho chăn nuôi, thuỷ sản sử dụng khá tự do; hoóc môn tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi còn chưa được kiểm soát chặt chẽ... gây ảnh hưởng lớn đối với chất lượng thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn thực phẩm là phổ biến ở các địa phương, trừ TPHCM là có hệ thống và quản lý tương đối chặt chẽ, cả nước còn 29.557 cơ sở giết mổ, trong đó đa số là nhỏ lẻ. Kết quả giám sát cho thấy, nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ, và quản lý thị trường phân phối sản phẩm thực phẩm còn rất nhiều bất cập.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2016, TPHCM đã lập hơn 2.000 đoàn thanh tra hơn 283 nghìn cơ sở thực phẩm, phát hiện hơn 73,5 nghìn cơ sở vi phạm. Trong đó, hơn 33 nghìn cơ sở bị xử phạt với số tiền lên tới hơn 110 tỷ đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy hơn 23 nghìn tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP.
Theo bà Thu, công tác thực thi chính sách pháp luật về ATTP trên địa bàn TP giai đoạn 2011 -2016 đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác quản lý về ATTP trên địa bàn TP vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như: Kinh phí đầu tư cho hoạt động đảm bảo ATTP còn thấp; nhân sự còn thiếu; điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất còn hạn chế,…
Trên cơ sở vướng mắc trên, TPHCM kiến nghị Chính phủ đánh giá lại Luật ATTP sau 5 năm thực hiện để bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận của các Bộ ngành cũng như địa phương đều cho rằng, việc kiểm soát ATTP hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo trong công tác quản lý, đồng thời hệ thống chính sách và pháp luật về ATTP hiện vẫn chưa sát với thực tế. Ngoài ra, cần phải phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP đến các địa phương khi ở tuyến cơ sở chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương cần phải làm rõ chất lượng thực phẩm và vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đã đi đôi với nhau chưa, hay còn có khoảng cách. Liên quan đến hệ thống pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra nhiều câu hỏi cụ thể: Hệ thống pháp luật đã đủ chưa, có điểm gì vẫn xung đột; Luật được ban hành đã đi vào cuộc sống chưa; tính khả thi và bảo đảm tính hội nhập; quyền lợi của người sản xuất và quyền lợi của người tiêu dùng... Đây cũng là các nội dung Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu để báo cáo Quốc hội. (Lao động trang 2)
An toàn Thực phẩm: Phải quản từ chợ đầu mối
Tại hội thảo chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016 khu vực phía Nam do Đoàn giám sát Quốc hội tổ chức diễn ra hôm qua, nhiều đại biểu cho rằng những kẽ hở quản lý và thói quen tiêu dùng của người dân đang góp phần làm cho thực phẩm không an toàn vẫn “len lỏi” trong bữa ăn hằng ngày. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng ở nhiều địa phương đang tồn tại “nghề bơm tạp chất”. “Năm vừa rồi, tiêu có giá rất cao nhưng xuất khẩu không được vì hàm lượng hóa chất, thuốc trừ sâu cao; gạo bị Mỹ trả lại cũng vì nhiễm hóa chất; cá tra, tôm bị bơm chích tạp chất ngay tại ruộng... Việc bơm chích tạp chất gần như là một cái “nghề” vì siêu lợi nhuận” – bà Minh nói. Cũng vì chạy theo lợi nhuận, sản phẩm đẹp, bắt mắt mà người kinh doanh, thương lái đã tiếp tay đưa thực phẩm không an toàn đến người tiêu dùng.
Heo tại TPHCM thời gian qua đã được truy suất nguồn gốc, tuy nhiên thịt heo loại này chỉ mới được phân phối chủ yếu ở siêu thị chứ chưa “phủ sóng” đại trà. Thói quen dùng thịt nóng của người dân cũng khiến họ thích mua thịt ở chợ truyền thống nhiều hơn. Bà Đặng Thị Phương Ninh – Phó Tổng giám đốc Công ty CP VN Kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết: “Heo truy suất nguồn gốc đều là heo VietGap, thịt sau khi giết mổ được làm mát, cấp đông rồi mới đưa ra thị trường. Trong khi đó ở Việt Nam, thịt tươi được bán ở các chợ truyền thống là chủ yếu. Thịt heo ở chợ sau khi bán không hết, người bán mới cho vào tủ cấp đông, hôm sau bán tiếp với giá rẻ hơn. Thậm chí họ còn dùng hóa chất để tẩm ướp nên rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ Bộ Công Thương nói, nhiều người tiêu dùng biết sản phẩm mất vệ sinh, kém an toàn nhưng vẫn sử dụng (tiết canh, rượu có methanol...).
Bà Minh nói “tiếp tay” cho thực phẩm bẩn không chỉ từ ý thức người dân mà còn có sự tham gia của phòng thí nghiệm. Bà cho rằng phòng thí nghiệm, là thước đo an toàn thực phẩm, làm ăn rất xô bồ, chứng nhận “khống”. “Chuyện những nơi này không kiểm tra mà chỉ bán giấy ăn tiền là có thật, ” – bà Minh nói.
Cần quản lý từ gốc
Theo Đoàn giám sát của QH, công tác quản lý ATTP đã có chuyển biến nhưng vẫn bộc lộ nhiều bất cập với nhiều con số đáng báo động. Mỗi năm cả nước sử dụng trên 110.000 tấn thuốc, hóa chất cho chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt chưa được kiểm soát chặt chẽ... ảnh hưởng lớn đến chất lượng thực phẩm.
Việc giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm ATTP còn phổ biến ở các địa phương. Hiện nay, cả nước có 29.557 cơ sở giết mổ, trong đó đa số là nhỏ lẻ, nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở này chưa được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, công tác quản lý thị trường còn rất nhiều bất cập, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn tràn lan nhưng việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, mức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe.
Theo nhiều đại biểu, cần quản lý các loại thực phẩm trên thị trường ngay từ chợ đầu mối bán buôn – đây là khâu đầu tiên của thị trường. Ở Việt Nam, hệ thống thương lái đang làm cho thực phẩm mất an toàn: heo bơm nước, tôm bơm hóa chất… Do đó, nếu quản lý được thương lái ngay từ chợ đầu mối sẽ hạn chế được tình trạng mất ATTP như hiện nay. (Tiền phong trang 3, Tuổi trẻ trang 3)
Hai học sinh tử vong nghi do ăn trứng cóc
Nghi do ăn phải trứng cóc, hai học sinh ở huyện rẻo cao Đakrông đã tử vong.
Tối 6/3, Chủ tịch UBND xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông) Hồ Chí Cường xác nhận trên địa bàn xã này vừa xảy ra vụ ngộ độc làm 2 học sinh tử vong, một em khác nhập viện cấp cứu.
Theo ông Cường, sáng 5/3, hai em Hồ Văn Ngọc (14 tuổi) và Hồ Văn Nam (12 tuổi) cùng trú thôn Ra Lu rủ theo Hồ Văn Cươi (12 tuổi) ra suối bắt cá về ăn.
Sau bữa ăn trưa do bà nội nấu, Nam và Ngọc được người nhà phát hiện đã tử vong lúc 16 giờ cùng ngày. Riêng Hồ Văn Cươi đau bụng dữ dội và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, hiện sức khỏe đã ổn định.
Ông Cường cho hay: “Theo người nhà nạn nhân, có thể Nam và Ngọc trong lúc bắt cá dưới suối đã vớt nhầm trứng cóc trong nước mang về. Bà nội của hai em đã già yếu, không để ý nên đã nấu cả trứng cóc lẫn trong cá gây ngộ độc. Chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi gia đình, hỗ trợ tạm thời kinh phí để gia đình lo hậu sự cho hai cháu.
Nam và Ngọc là anh em chú bác ruột, ở cùng nhà với bà nội, là học sinh trường THCS Hướng Hiệp”. (Tiền phong trang 2, Tuổi trẻ trang 5, Thanh niên trang 2)
Khẩn cấp ngăn chặn bệnh ho gà
Chiều 6.3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký công văn khẩn yêu cầu các sở y tế tăng cường phòng, chống bệnh ho gà. Theo đó, y tế các địa phương thực hiện triệt để việc tiêm vắc xin, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường; tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng… (Thanh niên trang 2)