Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/5/2019

  • |
T5g.org.vn - Tầm soát miễn phí bệnh mạch máu ngoại biên cho 300 người; Uống 2 lon bia tăng nguy cơ tai nạn giao thông gấp 40 lần; Thu hồi giấy phép nhà thuốc không chịu kết nối liên thông dữ liệu...

 

Giảm áp lực, tăng quyền lợi

Năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách về thủ tục hành chính. Đặc biệt, năm nay, ngành Bảo hiểm xã hội đã bãi bỏ một số quy định không cần thiết, đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách nhằm giảm áp lực cho các cơ sở, tăng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

 - Thưa ông, 2019 là năm một số chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực, cụ thể các chính sách này là gì?

- Chính sách nổi bật là Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT. Với những quy định mới được áp dụng, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng thêm trong một số trường hợp. Bệnh nhân khám tại tuyến xã, phường, thị trấn, tại cơ sở không ký hợp đồng với BHXH Việt Nam, có thể sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cơ bản, thay vì chỉ khám “chay” như trước đây.

Ngoài ra, trường hợp người bệnh được cơ sở tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến xã, phường, thị trấn, vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm theo quy định. Quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, bệnh nhân cao tuổi, bệnh nhân đi lại khó khăn được đi khám, chữa bệnh tại nơi gần chỗ cư trú, tiết kiệm thời gian, chi phí Quỹ BHYT cũng không còn bị ấn định một số tiền cụ thể như trước, mà sẽ được thanh toán theo tỷ lệ mức lương cơ sở áp dụng cho từng tuyến bệnh viện. Để không gây áp lực cho cơ sở khám, chữa bệnh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh, BHXH Việt Nam không giao Quỹ BHYT dựa trên số thu BHYT của cơ sở khám, chữa bệnh, của những người có thẻ đăng ký tại đây như hiện nay. Việc này bảo đảm tính chia sẻ của Quỹ BHYT, phù hợp với việc thông tuyến, đồng thời không gây áp lực cho cơ sở khám, chữa bệnh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh...

- Ông có thể nói rõ hơn các nhóm đối tượng được tăng quyền lợi trong năm 2019?

- Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định có thêm các trường hợp được ngân sách nhà nước đóng 100% phí mua thẻ BHYT, bao gồm: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng có mức thu nhập bình quân hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở. Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng bổ sung nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội. Đáng lưu ý, để thuận lợi cho việc tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, các thành viên gia đình không phải tham gia BHYT cùng một thời điểm.

- BHXH Việt Nam mới ban hành Quyết định 166/QĐ-BHXH về quy trình giải quyết các chế độ BHXH. Theo ông, vì sao Quyết định này được đánh giá là mang tính quy chuẩn trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm cho người dân?

- Quyết định 166/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 1-5-2019, gồm 6 chương, 11 điều quy định cụ thể, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định cũ, phù hợp hơn với tình hình thực tế và sự phát triển, cải cách của ngành BHXH. Theo đó, việc giải quyết, chi trả chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cần bảo đảm kịp thời, đầy đủ, đúng chế độ, chính sách, đúng người hưởng. Tổ chức làm đại diện chi trả phải được BHXH Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp và quản lý người hưởng BHXH hằng tháng. Các đại diện này phải tổ chức các điểm chi trả đến cấp xã, phường, thị trấn phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

- Vậy, người dân được thụ hưởng những gì từ quy định mới này?

- Trước đây, đối với những trường hợp bị tai nạn giao thông, để được xác định là tai nạn lao động, cần có biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, biên bản tai nạn giao thông của cơ quan công an hoặc cơ quan điều tra hình sự quân đội. Đây là những quy định rất khó thực hiện, bởi khi tai nạn xảy ra, người lao động phải đi cấp cứu ngay, không dễ dàng thực hiện được. Vì vậy, việc bãi bỏ các quy định trên giúp người dân thuận lợi hơn rất nhiều.

Với việc giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cơ quan BHXH bãi bỏ quy định phải có sổ BHXH, các giấy tờ khám và điều trị thương tật ban đầu đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Đối với trường hợp tử tuất, Quyết định số 166/QĐ-BHXH cũng quy định bỏ biên bản xác minh về thân nhân hưởng chế độ tuất, biên bản họp của các thân nhân… Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, ngành BHXH có cơ chế kiểm soát để tránh các trường hợp trục lợi.

- Để thực hiện hiệu quả những quy định trên, các cơ quan BHXH cần lưu ý gì, thưa ông?

- BHXH Việt Nam khuyến khích BHXH các tỉnh, thành phố áp dụng những giải pháp trong tổ chức thực hiện để giảm hơn nữa thời hạn giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm so với thời hạn tại Quyết định 166/QĐ-BHXH. Đặc biệt, cơ quan BHXH các cấp, các tổ chức làm đại diện chi trả cũng không được phép quy định thêm các thủ tục hành chính, gây phiền hà với đối tượng tham gia, thụ hưởng chế độ bảo hiểm.

- Trân trọng cảm ơn ông! (Hà Nội mới, trang 1)

 

Uống 2 lon bia tăng nguy cơ tai nạn giao thông gấp 40 lần

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức chiều 6-5 tại Hà Nội.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, rượu, bia làm chậm phản ứng khoảng 10-30%, đồng thời hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, hạn chế khả năng nhận biết các vật từ xa, tầm nhìn ban đêm có thể giảm tới 25%.

Thậm chí, người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl (tương đương với 2 lon bia 330ml) có nguy cơ tai nạn giao thông tăng gấp 40 lần so với người không uống. Hậu quả xã hội của sử dụng rượu, bia ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Do đó, cần phải khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định đủ mạnh để kiểm soát tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra.

Được biết, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức được thông qua tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Thu hồi giấy phép nhà thuốc không chịu kết nối liên thông dữ liệu

Hà Nội vẫn còn tới hơn 70% cơ sở bán buôn thuốc, hơn 10% quầy thuốc chưa thực hiện nối mạng kết nối liên thông dữ liệu quốc gia theo quy định, đặc biệt tiến độ triển khai ở nhiều huyện còn rất chậm…

Cụ thể, tính đến cuối tháng 4-2019, Hà Nội có: 3.396/3.399 nhà thuốc đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu (đạt 99,9%); 100% nhà thuốc tư nhân, 100% nhà thuốc và quầy thuốc trong các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế đã hoàn thành kết nối liên thông.

Tuy nhiên, vẫn còn tới 1.880/2.365 quầy thuốc (đạt 79,5%) và 331/1.129 cơ sở bán buôn thuốc (đạt 29,3%). Đặt biệt, rất nhiều nhà thuốc, quầy thuốc trong các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn thành phố chưa thực hiện kết nối liên thông dữ liệu. Qua kiểm tra, tiến độ kết nối quầy thuốc tư nhân tại một số huyện còn chậm.

Trước thực trạng nói trên, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 1847/ TB-SYT đề nghị Phòng Y tế quận, huyện, thị xã của thành phố trong thời gian tới khẩn trương hoàn thành việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông các quầy thuốc tư nhân trên địa bàn.

Sở Y tế nhấn mạnh, nếu cơ sở nào không thực hiện đầy đủ việc kết nối liên thông dữ liệu quốc gia theo quy định, Sở Y tế Hà Nội sẽ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. (An ninh Thủ đô, trang 4)

 

Hà Nội: Ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết ở Đống Đa, Nam Từ Liêm

Chỉ trong 1 tuần vừa qua, Hà Nội đã ghi nhận thêm 3 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) mới, trong đó có ổ dịch tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.

Ngày 6-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, thời điểm này, số ca mắc sởi trên địa bàn thành phố vẫn đang có xu hướng gia tăng, tập trung tại các quận Hoàng Mai (150 ca), Thanh Xuân (76 ca), Nam Từ Liêm (70 ca), Hà Đông (63 ca), Ba Đình (55 ca)...

Bên cạnh đó, dịch SXH cũng có diễn biến phức tạp. Trong tuần vừa qua (từ 29-4 đến 5-5), dù số ca mắc SXH giảm hơn so với tuần trước đó nhưng lại ghi nhận 3 ổ dịch SXH mới tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) và phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), đưa tổng số ổ dịch lên con số 28.

Cộng dồn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 214 ca mắc SXH, tăng so với cùng kỳ năm 2018. Bệnh nhân phân bố tại 121 xã, phường thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Hiện trong số 28 ổ dịch được ghi nhận, vẫn còn 4 ổ dịch đang hoạt động.

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến ngày 5-5, tất cả các quận, huyện, thị xã của thành phố đã hoàn thành chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống SXH đợt 1-2019.

Cụ thể, các đơn vị đã tổ chức 552 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; hơn 1,45 triệu hộ gia đình được kiểm tra, tuyên truyền hướng dẫn diệt bọ gậy (đạt 95,4%); gần 2,5 triệu dụng cụ chứa nước trong các hộ gia đình, cơ quan, trường học, công trường... được kiểm tra, trong đó phát hiện và xử lý gần 122.000 dụng cụ chứa nước có bọ gậy. (An ninh Thủ đô, trang 7)

 

Nam thanh niên bị cắt gần cụt dương vật vì bôi thuốc tùy tiện

Các đây 6 tháng, anh L.V.T. (28 tuổi, Hà Nội) phát hiện dương vật của mình có hiện tượng chảy dịch, bốc mùi hôi, bao quy đầu sưng to, sùi. Vì tâm lý ngại đi khám nên anh tự mua thuốc về bôi, uống... hậu quả là anh phải trả một cái giá quá đắt.

Mới đây, do tình trạng dương vật bị tổn thương quá nặng, anh L.V.T buộc phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương “cầu cứu” bác sĩ. Tuy nhiên sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh T. đã bị ung thư tế bào vẩy (tế bào gai) dương vật giai đoạn 2, buộc phải cắt toàn bộ phần bao quy đầu và nạo vét hạch để bảo tồn chức năng phần còn lại của dương vật bệnh nhân (cắt khoảng 1/5 dương vật).

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, anh T. là một trong những trường hợp trẻ tuổi nhất (28 tuổi) bị ung thư dương vật buộc phải cắt bỏ một phần hoặc cắt vét hoàn toàn “của quý”.

Qua khai thác tiền sử bệnh, trước khi vào viện khoảng 6 tháng, anh L.V.T. phát hiện dương vật của mình có hiện tượng chảy dịch, bốc mùi hôi, bao quy đầu sưng to, sùi phần đầu dương vật... Tuy nhiên, vì tâm lý ngại đi khám nên anh tự mua thuốc về bôi, uống, chỉ đến khi biến chứng quá nặng mới chịu nhập viện thì đã muộn, không thể cứu vãn.

Ước tính mỗi năm, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đến khám, điều trị được chẩn đoán ung thư dương vật. Hầu hết trong số này có tiền sử hẹp bao quy đầu.

Do đây là bệnh ở vùng "nhạy cảm" nên rất nhiều bệnh nhân ngại ngùng, nấn ná việc đi viện khám mà thường tự ý điều trị tại nhà hoặc phòng khám tư, thậm chí nhiều người còn đắp các loại lá thuốc không rõ nguồn gốc vào "của quý" dẫn đến hoại tử và phải cắt bỏ toàn bộ dương vật. (An ninh Thủ đô, trang 7)

 

Tăng danh mục thuốc nội được mời thầu

Khuyến khích ưu tiên phát triển thuốc sản xuất trong nước, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BYT về danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp để thay thế Thông tư số 10/2016/TT-BYT ngày 5-5-2016.

So với Thông tư số 10/2016, tại Thông tư số 03 có một số điểm mới. Theo đó, danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp mà không chào thầu nhập khẩu, tăng từ 146 lên 640 loại thuốc.

Cùng với đó, Thông tư 03 cũng quy định trong hồ sơ mời thầu, nhà thầu không được chào thầu thuốc nhập khẩu có tiêu chí kỹ thuật tương đương với loại thuốc trong nước đã sản xuất được.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất trong nước đầu tư nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để tiếp cận và mở rộng thị trường mà trước đây phải cạnh tranh với các thuốc nhập khẩu. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

 

Nỗi lo từ việc tăng, giảm cân thất thường

Nhiều người có sức khỏe, ăn uống bình thường thế nhưng cơ thể vẫn gầy gò, thậm chí ngược lại, liên tục tăng cân. Về vấn đề này, các bác sĩ cho rằng, đó là dấu hiệu của bệnh tật, người bệnh cần đến khám để được tư vấn xây dựng thực đơn riêng phù hợp bản thân.

Ăn nhiều, đủ chất… vẫn sụt cân

Trao đổi với PV báo Lao Động, Thạc sĩ (ThS) dinh dưỡng Trương Nhật Khuê - Trưởng Khoa dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, nhiều người tìm đến BV để tư vấn về tình trạng sức khỏe. Trong đó, có không ít trường hợp bệnh nhân thắc mắc về việc họ ăn uống nhiều, đủ chất, thậm chí tập thể dục thường xuyên… nhưng vẫn giảm cân liên tục. Điển hình là trường hợp anh Linh (ngụ Tân Bình, TP.HCM), mặc dù vẫn giữ mức độ ăn uống bình thường, thậm chí có lúc ăn nhiều và đảm bảo đủ chất, tuy nhiên trong 3 năm gần đây, Linh vẫn giảm cân liên tục từ 45 kg xuống còn 41 kg.

Theo ThS Trương Nhật Khuê, bệnh nhân Linh có tỉ lệ sụt cân là 6.67% so với cân nặng thông thường trong vòng 3 năm (tỉ lệ này không cao). Tuy nhiên, để tìm ra nguyên nhân khiến Linh giảm cân thì phải đi khám bệnh. Tại đây, các bác sĩ sẽ thu thập các thông tin liên quan đến bệnh sử gia đình, các triêu chứng khác lạ so với khi bình thường trước đây như chóng mặt, ợ chua, đau khó chịu ở những vùng trên cơ thể, hoặc những sự thay đổi xung quanh ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như việc làm, gia đình, tài chính, áp lực… “Về phần khẩu phần ăn, khi khám bệnh, bạn sẽ được phỏng vấn khẩu phần và từ đó sẽ xây dựng thực đơn riêng phù hợp với bạn. Sau khi xem xét hồ sơ bệnh án cũ (nếu có), cùng với giá trị các xét nghiệm cần thiết,… bác sĩ điều trị sẽ có kết luận nguyên nhân gây sụt cân”, ThS Trương Nhật Khuê nói.

Tương tự, trường hợp bệnh nhân Phương (22 tuổi), có chiều cao 1.6 mét và cân nặng 63 kg. Bệnh nhân này cho biết, bản thân rất cuồng ăn đến mức không cưỡng lại được, khi ăn thì cảm giác không thấy no và muốn ăn nhiều hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có sử dụng thuốc hạn chế cơn thèm ăn nhưng không tác dụng. ThS Trương Nhật Khuê cho rằng, theo chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) thì ở ngưỡng cao của mức bình thường và nếu bệnh nhân tăng thêm 1 kg thì chỉ số này sẽ rơi vào mức thừa cân.

Hiện nay, để điều trị chứng cuồng ăn, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh, khám tổng quát và đặc biệt sẽ phỏng vấn một số vấn đề liên quan đến cảm xúc và thói quen ăn uống để xác nhận bệnh nhân có mắc chứng cuồng ăn hay không. Phương pháp điều trị chứng cuồng ăn sẽ gồm phần điều trị tâm lý, kèm theo một chế độ dinh dưỡng phù hợp, sinh hoạt lành mạnh, và sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ (nếu cần).

“Người bệnh nên đến gặp bác sĩ dinh dưỡng để chẩn đoán chính xác, được tư vấn chi tiết dựa theo tình trạng hiện tại. Ngoài ra, bệnh nhân cần áp dụng những phương pháp hạn chế cuồng ăn: Lập kế hoạch ăn uống đúng giờ, và số lượng nhất định; hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, bổ sung rau củ và trái cây vào thực đơn hàng ngày; hạn chế các món vặt không cần thiết trong khi năng lượng của chúng lại rất nhiều…”, ThS Trương Nhật Khuê khuyến cáo.

Xây dựng thực đơn riêng phù hợp bản thân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gầy, khó tăng cân, chẳng hạn như yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, hệ tiêu hóa hoạt động kém, quá trình trao đổi chất nhanh, công việc căng thẳng, ít vận động… Đối với thể trạng này, trước tiên, bạn hãy sắp xếp một thời gian biểu cố định cho việc hoạt động thể chất. Đồng thời, không nên nghĩ rằng gầy thì không cần tập thể dục. Tập thể dục sẽ giúp tuần hoàn máu, tăng sự trao đổi chất và hấp thu,... giúp cho tinh thần của bạn thoải mái hơn.

“Hãy bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ trong việc ăn uống: Nếu bạn có thói quen không ăn sáng hay bỏ cử thì nên từ bỏ thói quen này; đảm bảo đủ 3 bữa chính, kèm theo bữa phụ xen kẽ; cân bằng các nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, béo thực vật, rau củ, trái cây và sữa (hoặc các sản phẩm từ sữa). Bạn cần chú ý đến số lượng cũng như chất lượng của thực phẩm. Đừng vì mục tiêu tăng cân mà bạn dung nạp những thức ăn có năng lượng cao, tuy nhiên lại có giá trị dinh dưỡng thấp,…” ThS Trương Nhật Khuê nói. (Lao động, trang 8)

 

Tầm soát miễn phí bệnh mạch máu ngoại biên cho 300 người

Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) tầm soát miễn phí các bệnh lý mạch máu ngoại biên từ ngày 12/5.

Mạch máu ngoại biên là các mạch máu ở tay, chân, cổ, bụng. Bệnh lý mạch máu ngoại biên như hẹp động mạch cổ, hẹp động mạch chân tay, suy tĩnh mạch chân... thường diễn tiến âm thầm, có nguy cơ để lại di chứng nặng nếu phát hiện và điều trị muộn.

Hẹp động mạch cổ có thể gây tai biến liệt nửa người. Tắc động mạch chân nguy cơ gây đau khi đi bộ, loét, diễn tiến hoại tử phải đoạn chi. Suy tĩnh mạch chân gây nặng, đau, loét chân.

Bệnh ngày càng phổ biến trong cộng đồng và đang có xu hướng trẻ hóa do thói quen ăn uống không lành mạnh, hút thuốc lá, ít vận động, mắc các bệnh mạn tính.

Người bị các bệnh lý mạch máu ngoại biên có thể gặp các triệu chứng như nặng chân, tê chân, đau cách hồi, phù chân, teo cơ, loét chi, diễn tiến hoại tử đầu ngón chân, thậm chí phải đoạn chi, tháo khớp, nguy cơ tai biến nếu thiếu máu nuôi các cơ quan quan trọng như não.

Bệnh viện Bình Dân tổ chức tầm soát miễn phí bệnh lý mạch máu ngoại biên cho 300 người từ 7h30 đến 11h30 chủ nhật hàng tuần, bắt đầu ngày 12/5 đến 22/9. Địa điểm tại Khoa Phẫu thuật Tim - Mạch máu, lầu 2, Khu Điều trị kỹ thuật cao. Tổng đài đăng ký 1900 7123.

Chương trình tầm soát dành cho người trên 30 tuổi, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao như trên 50 tuổi, hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, cholesterol máu cao, xơ vữa động mạch, có tiền sử mắc bệnh mạch máu. (Tuổi trẻ, trang 14)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang